Nhân dịp cuối năm, khá nhiều cơ quan lớn nhỏ VN làm tổng kết rất "hoành tráng". Theo lệnh tiết kiệm nên những mục tiệc tùng được giới hạn bớt, nhưng đấy là đứng về phía cơ quan, còn chuyện các quan chức liên hoan riêng theo từng nhóm là chuyện khác, chẳng ai kiểm tra được. Thôi thì "quên nó đi".
Ở một số cơ quan cờ quạt treo tưng bừng cho ra vẻ có "hội nghị tổng kết" chứ chẳng lẽ để nó im lìm như những ngày thường cũng "khó coi". Trong chương trình nghị sự, chắc chắn là phải có mục kiểm điểm thành tích, lại ưu điểm trước, khuyết điểm sau. Phần ưu điểm của địa phương nhà bao giờ cũng lẫy lừng chiếm gần hết phần thuyết trình của ông chủ tịch. Phần khuyết điểm, tồn tại khiêm nhường vì lý do chủ quan khách quan lơ mơ cho phải phép. Rồi "phương hướng nhiệm vụ năm sau" lại tràng giang đại hải với những "quyết tâm" "quyết sách" mới mà không mới, cũ mà không cũ. Rồi vỗ tay, rồi hoan hỉ đón chào Năm Mới. Vui ra phết.
Trong khi đó một vài tờ báo lại oái oăm, tổng kết toàn chuyện "khủng" trong năm. Tất nhiên những chuyện đó được chọn lọc trong số rất nhiều chuyện "khủng" đã từng xảy ra. Chuyện gần nhất và mới nhất phải kể đến chuyện hai Bộ trưởng đích thân đi kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Đồng Xuân. Các vị này hết lòng lo cho sức khỏe của nhân dân, đây là một hành động "thực tế" phải được nhân dân hoan nghênh. Nhưng tiếc thay, những điều xảy ra hoàn toàn ngược lại.
Các bộ trưởng kiểm tra những gì, kết quả ra sao?
Lâu nay nghe báo chí và các đài phát thanh truyền hình báo động về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong cả nước rất nguy hại. Hầu như không có thứ nào không có độc. Từ mớ rau đến thịt gà thịt heo, từ các món phụ gia đến bánh kẹo đều bị pha trộn màu mè độc hại. Chưa nói đến các mặt hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc xâm nhập bằng mọi cách đánh lừa người tiêu dùng. Người dân kêu ca và ngộ độc không ít.
Nóng lòng vì tình trạng này, sáng 5-1-2013 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cùng dẫn đầu đoàn đi kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ Đồng Xuân - chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội.
Hai bộ trưởng đã đến các khu bán hàng khô, bánh kẹo, hàng tươi sống và phụ gia thực phẩm yêu cầu lấy mẫu tương ớt, bóng bì, màu điều, tôm nõn khô, tôm sú tươi… để kiểm tra nhanh và chuyển mẫu về Viện Kiểm nghiệm ATVSTP.
Kết quả kiểm tra tại chỗ cho thấy sản phẩm tương ớt và hạt điều âm tính với phẩm màu, bánh đa nem âm tính với hàn the. Theo một số tiểu thương, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một đoàn kiểm tra có nhiều lãnh đạo nnhư thế này. Đúng là "hoan hỉ" thật.
Tiếp đó, đoàn đã đến cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh giò chả, bánh chưng, thịt bò khô, lạp xưởng, ruốc thịt heo Quốc Hương ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Kiểm tra nhanh các chỉ số hàn the, formol, phẩm màu công nghiệp một số sản phẩm ở đây đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn do bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã kiểm tra công tác ATVSTP tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Tại cơ sở này, đoàn cũng ghi nhận đã tuân thủ tốt các quy định về ATVSTP.
Tóm lại trong suốt thời gian kiểm tra đủ mọi mặt hàng, cả hai vị Bộ trưởng và "phái đoàn kiểm tra" không tìm ra bất cứ một dấu vết nào về sự độc hại trong các món thực phẩm. Xem truyền hình thấy các cụ trong đoàn và mấy bà bán hàng ở chợ vỗ tay quá trời, hỉ hả nhìn nhau tươi rói.
Ai nói láo ăn tiền?
Như thế té ra lâu nay mấy anh báo chí truyền thanh truyền hình loan tin "bố láo" chăng? Mấy chị bán hàng được thể khoa trương ầm ỹ:
"Nhà báo nói láo ăn tiền" là trúng ngay boong rồi. Có tới 2 Bộ trưởng và cả một phái đoàn hùng hậu đi kiểm tra đấy nhé. Có cái gì độc hại đâu! Chúng tôi làm ăn đàng hoàng mà, chỉ có các ông vu oan giá họa thôi".
Nhưng người dân thì khác. Không ai tin vào cái sự kiểm tra này. Bởi chưa đi kiểm tra, dân bán hàng đã biết ngày giờ các vị đến và còn có thể biết kiểm tra những loại hàng nào. Tất nhiên mấy bà bán hàng chỉ đưa "hàng mẫu" ra cho phái đoàn kiểm tra. Còn bao nhiêu hàng "đểu", hàng giả, hàng có độc được giấu kỹ. Các quan đi rồi lại lôi ra bày bán. Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan ở chợ, người tiêu dùng phải nhắm mắt ăn liều vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Vậy thì ai "nói láo ăn tiền"? Để chứng minh thực tế hơn, mời bạn đọc những phê phán thật nhất của người dân.
Hãy thôi biểu diễn màn cưỡi ngựa xem hoa
Nhìn thấy những hình ảnh "hoành tráng" của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kiểm tra thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội, nhiều bạn đọc ngỡ ngàng.
Bạn đọc Hoàng Khắc Kha nhận xét:
- "Đi kiểm tra mà rần rần như đi lễ hội như vậy thì làm sao mà phát hiện thực phẩm không an toàn? Sao các vị không thử tìm hiểu xem người dân hàng ngày sinh sống, ăn uống ra sao?".
Trước những hình ảnh kiểm tra nhanh không phát hiện thực phẩm không an toàn, cả đoàn kiểm tra vỗ tay tán thưởng trên truyền hình, bạn đọc Hữu Luân bày tỏ:
- "Quá biểu diễn! Đoàn đi kiểm tra có báo trước không? Cách kiểm tra như vầy là một kiểu hình thức, thông báo cho báo chí đến phỏng vấn chụp hình rồi loan báo: "Chúng tôi có đi kiểm tra thực tế đây, cách kiểm tra như vậy thì tốt đẹp rồi...".
Bạn Teddy tiết lộ thêm:
- "Năm nào chả vậy, cứ năm hết tết đến thì nào là CA Phường, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy... tấp nập hỏi thăm các công ty trên địa bàn. Mục đích cũng chỉ là thu đủ số phong bì về tiêu tết. Ngày trước ở một số phường còn làm hẳn cái công văn. Năm nay hoành tráng hơn, có cả đoàn cán bộ rất to đi...".
Mang bày hàng toàn những "cử tri mẫu", hàng mẫu
Bạn Vĩnh nêu một cảnh mắt thấy tai nghe:
- "Các vị chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi, nhà tôi tại một chợ nhỏ nên rất dễ phát hiện người bán tẩm hóa chất vào thực phẩm chín, tươi sống như các loại dưa chua tẩm bằng chất bột màu trắng pha vào nước, cá biển tẩm phân u rê, thịt sống thì hàn the....chẳng thấy ai kiểm tra cho nên họ an toàn mà bán..."
Chán nản với cách làm này, bạn đọc Quang Vinh phân tích:
- "Không riêng gì kiểm tra thực phẩm mà bất cứ việc gì khi có đoàn cán bộ lớn đến thì địa phương, cơ quan liên quan được thông báo rầm rộ. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thì địa phương chọn lọc "cử tri mẫu". Công an kiểm tra lấn chiếm lòng lề đường thì bà con buôn bán được báo trước dọn dẹp cho vừa mắt. Kiểm tra trường học thì học sinh được học trước bài và thực tập để "giơ tay thẳng hay giơ tay cong"... Cái bệnh hình thức đã ăn sâu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động. Người dân ai cũng biết nên đâu thể "lòe" mãi được. Hãy gắng làm việc gì thực chất đừng cố đóng kịch làm gì".
Điều đáng lo ngại là trước "thành công" của chuyến vi hành này, nhiều người dân sẽ không còn đề phòng với nguồn thực phẩm tại các chợ. Vẫn có người tin vào những cuộc kiểm tra "nghiêm khắc" của các cấp "lãnh đạo" bởi không dám tin vào những ông quản lý thị trường, những ông có nhiệm vụ kiểm soát thực phẩm hàng ngày ở các chợ. Kết quả là người dân lãnh đủ.
Và những phát ngôn "khủng" của chính khách VN
Vào dịp cuối năm này, tờ báo Tiền Phong xuất bản tại VN đã đề cử "10 phát ngôn siêu ấn tượng của quan chức Việt Nam". Báo này viết:
"Năm 2012 chính thức qua đi, nhưng nhiều phát ngôn "siêu ấn tượng" của các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đọng lại trong lòng dư luận.
Tầm ảnh hưởng của những phát ngôn đó đã vượt qua mốc thời gian, không gian mà có thể người phát ngôn cũng khó thể hình dung được, nó cũng thể hiện phần nổi những vấn đề kinh tế, xã hội, y tế tồn tại nổi cộm trong năm qua."
Tôi chỉ xin chọn lọc lại một nửa trong số 10 phát ngôn "siêu ấn tượng" đó cũng đủ để bạn đọc bàn luận dài dài trong lúc trà dư tửu hậu cao hứng đón xuân.
1- Ngây thơ thật chứ không phải "ngây thơ cụ"
Trước hết xin bàn đến phát ngôn của bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Cái máu của tôi vẫn vậy, cứ thấy "người đẹp" phát ngôn là đọc trước cái đã. Dù có là chức tước gì chăng nữa, bà vẫn là "liền bà" và lại là "liền bà đẹp" nữa mới chết chứ. Thế thì tội gì không xem trước.
Thật ra lời phát ngôn này tôi đã đọc trong bài tường thuật về phiên trả lời chất vấn ngày 14-11-2012 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội VN khóa XIII. Bà Bộ trưởng đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong bệnh viện và nâng cao y đức lương y một lời yêu cầu bất hủ:
"Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi".
Một giải pháp coi như "mission impossible", ngay cả các điệp viên cũng khó thực hiện được chứ nói gì đến người dân. Làm sao chụp được ảnh mấy ông bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đây? Có nhận cũng phải nhận kín đáo như các quan nhận tiền hối lộ, tiền lót tay dưới gầm bàn hoặc đưa cho vợ con quan, coi như đây là hành động "tối mật" chứ khơi khơi đứng giữa bệnh viện mà nhận phong bì hối lộ sao, thưa bà Bộ Trưởng? Dư luận râm ran phê phán gay gắt, cho là giải pháp không tưởng. Nhưng tôi thì hơi khác một tí. Tôi cho là lời phát ngôn "hơi bị ngây thơ".
Cái số tôi thường gặp một số người đẹp, nhưng mấy bà ấy "khôn như Khổng Minh, tinh như Tào Tháo", chẳng bà nào chịu "ngây thơ" một tí cho nhà cháu nhờ. Thế nên tôi lại thấy… hơi thích những người đàn bà đẹp có vẻ ngây thơ như thế này. Chắc nhiều nam độc giả cũng có ý thích đó như tôi nhưng "chả dám" nói ra mà thôi. Tôi cam đoan đây không phải là "ngây thơ cụ", tức giả vờ ngây thơ cho duyên dáng thôi. Đây là sự ngây thơ rất thành thật vì phát biểu trước Quốc Hội kia mà. Còn lâu bạn mới gặp được một người đẹp ngây thơ như thế.
2- Viết sách quân sử hay viết binh pháp thay Tôn Tử?
Là dân "nhà banh", cái máu lính vẫn còn trong tôi nên tôi chọn một vị viết sách quân sự hay nhất đứng hàng thứ hai trong số những phát ngôn gây sốc nặng trong năm 2012. Đó là phát ngôn của ông Đại tá chỉ huy "trận đánh" để cưỡng chế đầm của vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn. Có lẽ chưa bạn đọc nào quên vụ này, đến nay còn nhiều ông tham dự "trận đánh" đó bị đưa ra tòa.
Ngày 8-1, trả lời phỏng vấn báo chí về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn, Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cho rằng: "Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp…"
Chả biết bao giờ tác giả Đỗ Hữu Ca mới viết thành sách dạy cách đánh trận vào nhà dân tuyệt cú mèo như thế để nước VN có thêm một cuốn binh pháp mới lừng danh thiên hạ? Theo ông thì từ cổ chí kim những chiến thuật… cực kỳ hay ấy "chưa bao giờ có trong giáo án", tức là chưa có sách vở quân sự nào dạy. Sách của ông hẳn là hơn binh pháp Tôn Tử nhiều vì Tôn Tử chỉ biết dạy cách dụng binh lấy ít thắng nhiều, lấy nhu thắng cương chứ không biết dạy cách dụng binh lấy nhiều đánh ít, lấy mạnh thắng yếu, đánh trực diện vào nhà dân. Chắc là sách của tác giả Đỗ Hữu Ca "vừa bán vừa… nghe chửi" cũng đắt hàng.
3- Bao giờ ông Thống Đốc đi nhận giải Nobel?
Là dân "viết lách lăng nhăng" nên nghe tới giải Nobel là tôi khoái rồi, nhưng nếu tôi tơ tưởng mình nhận được giải Nobel, chắc chắn bạn bè và bạn đọc cũng như ngay trong gia đình tôi, từ anh em chú bác đến họ nội ngoại xa gần cho tôi là thằng điên nặng, cần phải tránh xa kẻo có ngày nó đốt nhà. Thế nên khi nghe ông Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước VN Nguyễn Văn Bình nói đến nhận một nửa giải Nobel là tôi hoa mắt đọc liền.
Ngày 13-11, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về sự điều hành kém cỏi của ngành ngân hàng trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, ổn định tỷ giá và câu chuyện quản lý vàng (tại kỳ họp thứ IV quốc hội khóa XIII), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: "Người ta tìm ra bộ ba bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai".
May quá, cuối cùng hóa ra ông Thống Đốc nói đùa. Nhận nửa giải Nobel, còn một nửa để cho ai đây, ông Thống Đốc? Thôi thì, nếu được, ông cứ nhận cả đi cho dân giàu nước mạnh, ông cũng giàu có phải sướng hơn không? Về nhà nghỉ khỏe, tội gì cứ phải tối ngày đi "căn me" mấy anh ngân hàng lách lãi suất, mấy anh buôn bán vàng lậu, vàng không "chính hãng" SJC? Ông có đi lãnh giải cho tôi đi ké xem nó ra làm sao, ông nhé!
4- Bộ ngành trung ương sẽ nhịn đói khi đến Bắc Trà My
Động đất Thủy điện sông Tranh 2 được nhiều báo bình chọn là một trong sự kiện tốn nhiều giấy mực báo chí và là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2012. Nay động đất lớn mai động đất nhỏ làm người dân hoảng sợ. Nhiều phái đoàn cao cấp đến tận nơi quan sát và tìm biện pháp chống đỡ. Điều này làm phiền các quan chức của huyện không ít. Sáng ra tiếp phái đoàn của Bộ này, chiều đứng nghênh đón phài đoàn của Bộ kia. Mất thì giờ!
Cho nên ngày 20/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp nghe báo cáo các vấn đề liên quan đến tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, khẳng định: "Hôm nay, huyện nêu quan điểm khẳng định nếu các sở ban ngành của tỉnh lên khảo sát, kiểm tra tình hình của người dân thì huyện sẽ tiếp, còn các đoàn của Bộ, ngành trung ương vào huyện sẽ không tiếp nữa. Thời gian qua, mỗi lần động đất mạnh thì các đoàn này, đoàn nọ vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, động đất thì càng ngày càng mạnh. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương thay vì tiếp đón các đoàn" !
Thế là các phái đoàn trung ương đến Trà My sẽ phải nhịn đói nhịn khát bởi các cụ "chẳng làm được gì" cho bớt động đất. Tiếc rằng các cụ trong đoàn không phải là những ông thần đất, thần đèn, có khi cái bằng đại học cũng là "dỏm" nên không làm được gì là chuyện tất nhiên. Lỗi tại các cụ trong phái đoàn. Cho nhịn đói nhăn răng là hết đến, cái quyết định của ông Phó chủ tịch UBND Bắc Trà My chắc chắn sẽ có hiệu quả, đáng làm gương cho các địa phương khác.
Chỉ sợ Ủy Ban nói thì hăng lắm, nhưng cứ động nghe có phái đoàn trung ương tới lại mũ áo chỉnh tề, chuẩn bị sẵn cơm bưng nước rót, chỗ ngủ tối tân mát mẻ cho các thượng khách. Bởi tương lai của cái Ủy Ban Huyện tùy thuộc vào các "đàn anh" cấp trên. Không ra đón, không có chương trình kế hoạch đàng hoàng có thể bị về vườn như chơi. Có lẽ ông Phó Chủ Tịch phải nghĩ lại ông ạ. Dại gì, thời buổi này chạy vào công chức còm còn mất ít nhất 100 triệu, chạy vào chức của ông tốn kém của núi đấy chứ ít sao. Sách có câu "quân tử nói đi là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn". Ông cứ nói lại là các bác trung ương đến, chúng em sẽ tiếp đãi ra trò, nói nhỏ thôi cũng được.
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 11.01.2013
No comments:
Post a Comment