29 May 2010

Công dụng kỳ diệu của quả cam



Công dụng kỳ diệu của quả cam


Không chỉ bổ dưỡng, cam còn có nhiều công dụng kỳ diệu khác nếu biết sử dụng nó đúng cách và đúng mục đích.


1. Tăng cường thể lực: Nước cam pha muối

Uống nước cam bỏ thêm chút muối sau khi luyện tập ra nhiều mồ hôi là cách để lấy lại thể lực nhanh chóng. Bởi lượng đường fructoza và 85% lượng nước có trong cam sẽ nhanh chóng được cơ thể hấp thụ, có tác dụng giải khát và bồi bổ thể lực.

Lưu ý: Ngay sau khi ép lấy nước hoặc đã gọt vỏ nên uống hoặc ăn ngay, tránh lượng vitamin C sẽ bị bay mất khi phản ứng với oxy ngoài môi trường. Thời gian sau chế biến không nên quá 30 phút.


2. Tẩy trang, làm sạch da: Nước cam ép

Cách làm: Dùng khăn sạch thấm và thoa trực tiếp nước ép cam lên mặt khoảng 5-10 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Công dụng: Cách làm này vừa có tác dụng tẩy trang hiệu quả, vừa “đánh bật” lượng dầu, vi khuẩn, vết bẩn trên da, làm sạch da từ bên ngoài và bên trong. Ngay cả đối với da mẫn cảm, dùng cam làm mặt nạ để tẩy trang và làm sạch mặt vẫn có thể an tâm.

Lưu ý: Ngay sau khi thoa nước ép lên mặt, không nên đi ra nắng, tránh phản ứng với các tia tử ngoại làm mất tác dụng.


3. Làm săn chắc da mặt: Mặt nạ từ hạt (hột) cam

Cách làm: Hạt cam phơi khô rồi xay thành bột mịn. Hòa tan hỗn hợp gồm bột đã xay nhuyễn và nước cất (hoặc nước tinh khiết), sau đó đắp hỗn hợp này lên mặt khoảng 5-10 phút. Rửa lại mặt bằng nước sạch. Mỗi tuần đắp mặt nạ 1-2 lần.

Công dụng: Nâng cao sức đề kháng cho các mao mạch trên da, giúp da thêm săn chắc, khỏe mạnh.

Lưu ý: Đối với làn da nhạy cảm, nên thử bôi hỗn hợp trên vùng tai trước khi bôi lên mặt để quan sát phản ứng. Nếu thấy bị dị ứng hoặc ngứa ngáy, không nên sử dụng.


4. Trị bệnh phong thấp: Bột hạt cam

Cách làm: Cho hạt cam vào nồi rang khô. Tránh rang ở nhiệt độ quá cao gây cháy đen hạt rồi xay nhuyễn thành bột. Hòa vào nước lọc, mỗi lần từ 3-5g, uống sau bữa ăn. Kiên trì sử dụng lâu dài có tác dụng trị phong thấp hiệu quả.


5. Tăng cường hệ miễn dịch: Sa-lát cam

Khi làm sa-lát, cho thêm một vài múi cam sẽ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe, nhanh lành vết thương. Đặc biệt là bổ sung chất xơ, có lợi cho tiêu hóa.

Lưu ý: Những người hút thuốc nên ăn nhiều cam, những bệnh nhân mắc viêm ruột, viêm túi mật nên thận trọng khi ăn cam.


6. Tẩy da chết, tăng độ láng mịn cho da: Mát-xa bằng vỏ cam

Cách làm: Cắt vỏ cam thành những miếng mỏng, nhỏ. Sau đó cho vào tấm vải mỏng, lăn đều trên tay, đầu gối, những vùng da sần sùi, thiếu độ láng mịn.

Công dụng: Tinh dầu trong vỏ cam làm da thêm mềm mại. Những vùng da sần sùi “vỏ quýt” sẽ nhanh chóng được cải thiện, lấy lại độ căng bóng do da hấp thụ được lượng tinh dầu trong vỏ cam.

Vỏ cam chứa nhiều flavonoid và vitamin C, những chất này sẽ kích thích quá trình trao đổi chất trên da, nâng cao sức đề kháng cho các nang lông, có tác dụng tẩy da chết hiệu quả.


7. Giúp ngủ ngon giấc, đuổi muỗi: Hương thơm vỏ cam tươi

Cách làm: Vỏ cam phơi khô, sau đó cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo.

Công dụng: Cách làm này không những kích thích ngủ ngon giấc, mà còn có tác dụng đuổi muỗi, làm sạch không khí.



Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


26 May 2010

Dân tộc phải hồi sinh!


Chủ nghĩa tư bản đã và đang tồn tại ở rất nhiều quốc gia, nhưng chẳng bao giờ và chẳng ở đâu phải đưa ra khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa tư bản là yêu nước”. Tại sao đến phiên “chủ nghĩa xã hội” lại phải đặt ra vấn đề “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước”? Tại sao phải cố tình đồng nhất hai tình yêu ấy, cột chặt hai tình yêu ấy với nhau? Nguyên nhân rất đơn giản, vì trên thực tế hai thứ ấy không đồng nhất, không khớp được với nhau, nên phải dùng khẩu hiệu ấy để cố gò nó lại. Không ký sinh được vào chủ nghĩa yêu nước thì cái gọi là chủ nghĩa xã hội chẳng còn sức sống gì.

Hà Sĩ Phu

Dân tộc phải hồi sinh!


1. Mất nước là gì?

Ngoại xâm là sự xâm lăng từ bên ngoài, nội xâm là sự xâm lăng từ bên trong, đối với một quốc gia. Nếu quốc gia ấy không chống cự nổi trước sự xâm lăng, dù từ bên ngoài hay từ bên trong, thì kết quả đều giống nhau: mất nước!

Có người thắc mắc: trường hợp mất nước vào tay người trong nước là nghĩa làm sao?

Xuất phát từ quan điểm Dân là gốc của nước thì ngày nay phải hiểu “mất nước” là tình trạng nhân dân bị mất quyền làm chủ đất nước của mình.

Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước!

Quyền làm chủ ấy bị mất vào tay người nước ngoài thì gọi là nạn ngoại xâm, mất vào tay kẻ thống trị độc tài trong nước thì đó là nạn nội xâm. Giặc ngoại xâm hay nội xâm đều cướp mất của dân quyền làm chủ đất nước, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền làm chủ đối với đất đai, lãnh thổ. Cả hai trường hợp đều do thiếu dân chủ, thiếu bình đẳng, hoặc là thiếu dân chủ giữa các quốc gia, hoặc do thiếu dân chủ trong nội bộ một nước.

Trong thế giới văn minh ngày nay, đại bộ phận nhân dân đã được làm chủ đất nước của mình, song vẫn còn một số tập đoàn cầm quyền muốn tiếm đoạt quyền ấy của nhân dân mình hoặc nhân dân nước khác, làm cho nhân dân bị “mất nước từng phần”, chứ không còn khả năng gây ra sự “mất nước trọn gói” như ngày xưa nữa.

2. Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp có hại cho dân tộc.

Chủ nghĩa tư bản đã và đang tồn tại ở rất nhiều quốc gia, nhưng chẳng bao giờ và chẳng ở đâu phải đưa ra khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa tư bản là yêu nước”. Tại sao đến phiên “chủ nghĩa xã hội” lại phải đặt ra vấn đề “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước”? Tại sao phải cố tình đồng nhất hai tình yêu ấy, cột chặt hai tình yêu ấy với nhau? Nguyên nhân rất đơn giản, vì trên thực tế hai thứ ấy không đồng nhất, không khớp được với nhau, nên phải dùng khẩu hiệu ấy để cố gò nó lại. Không ký sinh được vào chủ nghĩa yêu nước thì cái gọi là chủ nghĩa xã hội chẳng còn sức sống gì.

Lúc đầu, sự kết hợp ấy có gây được sự cộng hưởng là do “… lúc ấy cái vòng kim cô Mác – Lê vẫn chỉ mới như một hào quang từ xa, chưa hiện hình tác quái…”. Nhưng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa đấu tranh giai cấp vốn tiềm tàng những mâu thuẫn cơ bản nên càng về sau càng xung đột. Đấu tranh giai giai cấp ắt phải tiến đến chuyên chính vô sản (Lenin). Trong khi chủ nghĩa yêu nước cần đoàn kết dân tộc và sự phát triển, thì chuyên chính vô sản vừa phá đoàn kết dân tộc vừa kìm hãm sự phát triển. Từ 1989, chuyên chính vô sản khắp nơi trên thế giới bị đào thải, gốc rễ là do nó chống lại chủ nghĩa yêu nước. Những nước cộng sản Đông Âu đuổi chủ nghĩa cộng sản đi chính là đuổi nội xâm để giành lại đất nước.

Họ đuổi đi một chủ nghĩa có hại cho đoàn kết dân tộc và sự phát triển, chứ về con người họ càng đùm bọc nhau hơn, như dân Tây Đức và dân Đông Đức, không ai đánh đuổi ai cả.

Chủ nghĩa đấu tranh giai cấp vốn coi những gì thuộc về giai cấp quan trọng hơn những gì thuộc về dân tộc, nên mới có xu hướng bỏ qua ranh giới dân tộc để “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Ảo tưởng này đã được các nước cộng sản lớn lợi dụng ngay, cái “gia đình các nước xã hội chủ nghĩa” đầy tính chất gia trưởng nên các anh cả chị hai lấn át các nước nhỏ để thu lợi. Về sau, khi quan điểm giai cấp đại đồng ấy bị phá sản, mọi nước trở về với chủ nghĩa yêu nước thì những “việc đã rồi” khó có thể đòi trở lại. Nếu không có cuộc chiến Bắc Nam về ý thức hệ và không có tư tưởng vô sản thì ông Phạm Văn Đồng chắc không dễ dàng nhường cho Trung Quốc quần đảo Hoàng Sa đâu. Khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Trung Quốc trở thành trụ cột xã hội chủ nghĩa duy nhất thì một lần nữa quan điểm cộng sản lại làm cho nước Việt Nam thiệt thòi nhiều trước một Trung Quốc vốn đầy tham vọng.

“Nếu không vướng chủ nghĩa ấy tôi tin chắc rằng những người lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã không chịu thế lép, mà cũng hiên ngang như Lý Thường Kiệt, như Quang Trung đã làm chứ không thua kém đâu. Chỉ bởi vì nếu không nương tựa vào Đại Hán thì một cái quái thai cộng sản, cô độc cỏn con, ngược dòng, đứng làm sao được trước dòng chảy văn minh toàn cầu này?… Mấy nghìn năm, Đại Hán đô hộ mãi vẫn không cướp được một tấc đất Việt Nam nào, ‘Nam quốc sơn hà’ một ly cũng không suy suyển. Bây giờ nhờ có cái gọi là chủ nghĩa xã hội quốc tế, họ có thể làm được cái việc ấy mà không tốn một phát tên, một viên đạn nào, có phải thế không? Thế thì trong việc giữ nước, thời kỳ này là mạnh nhất hay yếu nhất trong lịch sử? Nếu những người cầm quyền Việt Nam vẫn cứ đi nước đôi, cố nắm ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, tức là cùng một lúc cầm cả hai ngọn cờ, thì nguy cơ báo trước rằng ngọn cờ Dân tộc sẽ tuột khỏi tay, bởi ngọn cờ Dân tộc bao giờ cũng thuộc về những người yêu nước chân chính, không chấp nhận bất cứ một vòng kim cô nào chụp lên đầu Dân tộc!”

Không nghi ngờ gì nữa, chủ thuyết cộng sản rất có hại cho chủ nghĩa yêu nước, nó là một nguồn nảy sinh và nuôi dưỡng nội xâm, làm lợi cho ngoại xâm, khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước” là một khẩu hiệu ngược.

3. Vừa nội xâm vừa ngoại xâm – phải làm gì trước?

Muốn chống được ngoại xâm cần phải lo xa. Lo xa không gì bằng phải dẹp nội xâm trước hết, vì đây là nhân tố trực tiếp hay gián tiếp rước ngoại xâm vào.

Nội xâm làm cho dân nghèo, dân khổ, dân oán. Ngay nội bộ cầm quyền cũng lục đục lo đối phó với nhau. Như vậy dân tộc bị tiêu ma sinh lực, tạo cơ hội cho ngoại xâm. Muốn chống nội xâm phải có một hệ thống chính trị dân chủ, bình đẳng, có luật pháp công minh, song đó đều là những yêu cầu mà một hệ thống chính trị có gốc là chuyên chính vô sản, với một đảng duy nhất cầm quyền vô thời hạn như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên khó lòng thực hiện được. Trong những nước xã hội chủ nghĩa này, mọi sự đoàn kết chỉ ở ngoài vỏ, giữ yên xã hội chủ yếu là bằng quyền lực.

Các hội chứng dối trá, bạo hành, vô cảm đục ruỗng xã hội. Tất cả tai vạ đều trút xuống kẻ không quyền lực là dân thường, như thế họ không thờ ơ với đất nước sao được? Trong bài “Để cứu Trường Sa” tác giả Trần Khải đã có một câu chí lý: “Nếu không cho người dân quyền làm chủ thực sự, thì mảnh đất hình chữ S cũng sẽ là đất lạ!” (đất nước này không phải của dân?).

Trong khi việc “Chống nội xâm, cứu nước” còn bế tắc như thế thì tình huống ngoại xâm đã đến! Buộc phải tập trung “đối ngoại” đã, nhưng chống ngoại xâm khi nội xâm đang là quốc nạn thì quả thực vô cùng khó khăn. Khắc phục bệnh thờ ơ – vô cảm để người dân vào cuộc tranh đấu đã khó nhưng xuống đường rồi có thể lại bị chính nhà cầm quyền cản trở mới thật ngược đời (đáng lẽ nhà nước phải vận động, khuyến khích chứ?).

Nhưng bế tắc tận cùng sẽ thấy lối ra. Quy luật xưa nay, khi đất nước bị bên ngoài xâm lăng bao giờ cũng gây ra hai hiệu ứng trái ngược: một hiệu ứng tích cực là làm cho tinh thần dân tộc thức tỉnh, dẹp oán thù, dị biệt nội bộ để lo cứu nước, còn hiệu ứng tiêu cực là làm cho kẻ cơ hội bám lấy ngoại bang, ve vãn để kiếm chác, kẻ yếm thế thì càng trùm chăn.

Nhưng thật vui mừng khi thấy trong trường hợp xã hội ta hiệu ứng tích cực có lẽ mạnh hơn, ít nhất là trong lúc này. Sau các cuộc biểu tình sáng 9-12, một sinh viên đã viết:

Sinh viên biểu tình, phải đâu chuyện lạ
Nhưng nước mình khác nước người ta!
Nếu quả thực đã hồi sinh được hồn dân tộc
Thì thực tình, tôi cám ơn kẻ cướp Trường Sa

Một sớm mùa đông, nước non này ấm lại…

Nước non đã ấm lại vì xuất hiện nhiều nhân tố mới mấy chục năm nay chưa từng có, sinh viên biểu tình, có các văn nghệ sĩ và một số người đứng tuổi tham gia. Lần đầu tiên xuất quân mà họ chững chạc, đàng hoàng, khôn ngoan, linh hoạt, cứng dắn. Cô văn sĩ rất trẻ Lynh Bacardi (thế hệ 8x) nói: “Ðây, cuộc mở miệng đầu tiên của chúng tôi. Ðây, lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một trong những quyền cơ bản của con người. Ðây, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết sôi sục trên gương mặt nhau. Ðây, chúng tôi nhắc nhở cho chính phủ Việt Nam biết nhân dân Việt Nam còn tồn tại và biết họ cần làm những gì cho đất nước”. “Nếu chủ nhật tới và những chủ nhật về sau có buổi xuống đường, tôi xin lại được tiếp tục đứng bên cạnh các bạn.”

Nhà thơ Hoàng Hưng cũng tham gia biểu tình và phát hiện một vấn đề chính trị rất trúng: ”Rõ ràng là khi lòng yêu nước xuất phát từ đáy con tim chúng ta, không bị ai dắt mũi, ra lệnh, áp đặt, thì nó thực sự trở thành sức mạnh. Người dân thờ ơ với chính trị chỉ là do cái chính trị ấy không hợp với lòng dân, cái chính trị của ai đó độc quyền làm với danh nghĩa người dân.”

Rõ ràng là một thể chế áp đặt, thủ tiêu quyền làm chủ của dân thì cũng thủ tiêu luôn cái hồn dân tộc, nhưng hôm nay các bạn trẻ đã làm cho cái hồn đó hồi sinh. Cám ơn “kẻ xâm lược” như lời Thái Hữu Tình là phải lắm!

Đọc thấy trên các trang Web dân chủ có thông báo ký tên phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ, rất nhiều bạn bè quanh tôi ký tên ngay, không cần biết người đứng ra tổ chức là ai. Họ bảo: Ai đứng ra cũng được, việc này là chung của tất cả những ai là người Việt Nam, mọi ranh giới về chính trị, tôn giáo, đảng phái đều không còn nữa!

Trong phong trào dân chủ đang có nhiều dị biệt nhưng đến việc này lại gần gũi nhau hơn. Hôm biểu tình có anh công an đã nói nhỏ với một sinh viên: nếu không vướng bộ quần áo này thì tôi đã đứng vào với các anh rồi.

Tổ quốc đúng là mẹ hiền, vì chỉ có mẹ mới ôm được tất cả những đứa con xung khắc vào trong một vòng tay.

Giả dụ trong cuộc biểu tình có một công an đứng ra ngăn cản, sinh viên có thể giãi bày: Ở đây chỉ có hai bên, một bên là những người Việt Nam giữ gìn lãnh thổ, phía bên kia là kẻ xâm lấn đất nước ta, vậy đồng chí thuộc bên nào?… Nói thế mà công an còn kiên quyết giải tán những người yêu nước ôn hoà thì chẳng ngượng với lương tâm lắm sao?

Ví dụ thì còn nhiều, thực tế thật phong phú.

Sự nghiệp chống nội xâm là việc căn bản của ta, còn phải làm dài dài. Nhưng việc chống ngoại xâm cấp thiết trước mắt bỗng dưng lại thành nhân tố tích cực, nó thức tỉnh, hoạt hoá xã hội, thêm người tốt, bớt người xấu, kéo mọi người lại gần nhau…
Liên kết dân tộc càng mạnh thì càng có khả năng phân hóa nội xâm, cô lập ngoại xâm. Hai mặt trận chống nội xâm và chống ngoại xâm nhịp nhàng cùng một lúc lại hỗ trợ cho nhau mới hay chứ!

Không buồn mà lại vui. Chủ nghĩa Mác đã dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là ngày hội của quần chúng”, nhất là quần chúng trẻ dồi dào trí tuệ và sinh lực.
Cứ vào thực tiễn sẽ thấy lối ra.

“Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”. Hay thật.


Hà Sĩ Phu

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM


An sinh xã hội trước hết phải phát xuất từ chính sách của quốc gia và trách nhiệm của nhà cầm quyền đương thời. Quốc sách “cơm no, áo ấm” cho toàn dân bao giờ cũng phải thật sự là điều nằm lòng trong tiềm thức và chủ tâm của người lãnh đạo. Chứ không phải trên đầu môi, chót lưỡi của cái loa tuyên truyền thuộc một nhà nước “xã hội chủ nghĩa” nhưng chẳng màng gì đến phúc lợi xã hội. Giáo dục công cộng đã bị lụn tàn và giờ đây lại đẻ ra vô số khoản “lệ phí” đòi hỏi từ cha mẹ học sinh. Y tế công cộng thì trở chiều bệnh hoạn một khi giới “lương y như từ mẫu” lúc nào cũng hạnh hoẹ “đầu tiên” (tiền đâu?) trong từng khâu, từng phòng.

VI NHÂN

TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM


Tôi là người Việt Nam!

Tôi là người Việt Nam!

Tôi là người Việt Nam!

Lặp đi lặp lại câu này ba bốn lần trong đầu và tôi cảm thấy đau lòng. Đau đứt ruột.

Tôi vừa xem xong Thúy Nga Paris by Night 99, chủ đề “Tôi là người Việt Nam“. Rất nhiều người Việt Nam thành đạt trong mọi lãnh vực, chính trị, khoa học, kinh tế, tôn giáo, v.v… trên khắp thế giới Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, Âu Châu được tuyên dương trong chương trình này. Những cá nhân đó với những thành tựu liệt kê xem ra đáng khâm phục. Họ đã vượt qua bao khó khăn cực nhọc trong tiến trình di cư hội nhập và sinh sống ở xứ người để có ngày hôm nay. Sức phấn đấu, trí sáng tạo, lòng tự tin, tính kiên nhẫn, tinh thần tự lực cánh sinh đã giúp họ đạt những thành quả vượt bực. Đó là những tấm gương sáng chói về thành công đường đời trên phương diện cá nhân.

Tôi là người Việt Nam. Nhưng sao lời khoa trương “tự hào dân tộc” hoặc hãnh diện là người Việt Nam này cũng làm tôi cảm thấy ngượng ngùng khi ngắm nhìn các thành tích của các cá nhân đó trong chương trình này. Có lẽ tôi lại thêm một chút gì xấu hổ thì đúng hơn khi “thấy người sang bắc quàng làm họ”. Vì những thành đạt của họ đâu ăn nhập gì đến cá nhân tôi! Tôi cũng chưa nhìn thấy những thành công với kích cỡ này đã mang lại ảnh hưởng tích cực gì cho dân tộc Việt Nam.

Ngược lại, ở xứ người này “một người làm quan cả họ được nhờ” thì cũng chẳng phải là một điều gì hay ho cho lắm. Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, Pháp, Anh, Đức có chắc hãnh diện vì có những gương công dân di dân gốc Việt sáng chói đem lại thịnh vượng cho đất nước của họ? Hay lại trở thành oan khiên của diễn luận và huyền thoại “tấm gương dân thiểu số” (model minority), và là tấm bia gián tiếp dẫn đến những vụ giết người vì phân biệt ghen ghét (hate crime)? Chất xám của những người di dân đến các nước này có điều kiện để phát huy, và giúp tài năng họ nẩy nở tạo ra những thành tựu xuất chúng thì cũng là tất nhiên, nhưng dựa vào đó mà ôm lấy làm tự hào dân tộc Việt Nam ư?

Tôi là người Việt Nam. Rất nhiều lời kêu gọi “Tràng pháo tay cho mẹ Việt Nam”, “Yêu tổ quốc, dân tộc Việt Nam” trong chương trình này. Quả là những lời kêu gọi tình tự ngọt ngào đứt ruột! Khúc ruột ngàn dặm này chẳng đã từng bị cắt vất bao năm, sình chướng ở xứ người. Người Việt nào chẳng yêu mẹ Việt Nam. Nhưng thôi, đừng bắt mẹ Việt Nam phải hy sinh mãi mãi. Đừng bắt chị, bắt em bán thân đợ nợ. Đừng bắt trẻ, bắt già học giáo điều thối rữa. Chúng đã cắt da xẻ thịt mẹ đem cho kẻ “lạ”. Chúng từng thế chấp mẹ cả trăm năm ở rừng đầu nguồn. Chúng không ngừng đào bới lưng còng mẹ, rút tủy tài nguyên. Chúng còn đè lưng cưỡi cổ anh em con, mẹ Việt Nam ạ. Tất cả cho kẻ “lạ”! Còn anh em thì sống chết mặc bay. Chúng lại hành hung, khủng bố, giam cầm người con nào muốn bảo vệ mẹ. Mẹ là mẹ của tất cả các con chứ đâu phải riêng gì của chúng! Chúng lại bảo các con cần đóng góp nuôi dưỡng mẹ. Và cũng chính chúng trâng tráo hàng ngày rút máu mẹ bán trước đã. Các con càng thương mẹ bao nhiêu, thì chúng càng bòn rút mẹ bấy nhiêu. Chúng giết mẹ rồi. Con sói lang lấy chăn phủ người, lấy khăn che mặt.Nhưng chúng con dù là cô bé quàng khăn đỏ ngây thơ cũng biết mẹ là mẹ. Mẹ đâu có mắt lồi hung dữ, mẹ đâu có răng nanh nhọn hoắt, còn hôi mùi thịt, còn tanh mùi máu. Chúng bảo “Trung với Đảng!” Không! Một trăm lần không, một ngàn lần không. Đảng không là tổ quốc! Đảng chẳng bao giờ là tổ quốc.

Tôi là người Việt Nam.Những câu ca dao, tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn” lan chảy trong huyết quản, nằm lòng từ thuở cắp sách tới trường qua các bài học đức dục. Ai mà không yêu tổ quốc, dân tộc. Tuy nhiên, lòng yêu tổ quốc không thể để bị bán tráo cho một chủ thuyết lai căn vô nhân bản.

Tình đồng hương, đồng bào, nhân loại hiện nay đang được khai hoa, rộ trái qua các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi. Hoạt động của khá nhiều đoàn thể này tạo một cơ cấu, một thuật loại tổ chức sinh hoạt tạo thuận lợi cho các đóng góp giúp đỡ từ mọi người. Họ làm với mục tiêu chuyên biệt và tập trung trong một lãnh vực. Thật đáng quý, đáng trọng biết bao. Mục tiêu của các tổ chức thiện nguyện này nhằm nâng đỡ người nghèo khổ, hoạn nạn, bất hạnh. Đó là cơ chế giảm, bù trong xã hội với nhiều hố cách biệt. Giảm đói, giảm nghèo; bù thiệt thòi, thiếu thốn. Tuy nhiên, các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi thật ra chỉ là một cơ chế phụ trong một quốc gia, nhà nước. Vì sao?

An sinh xã hội trước hết phải phát xuất từ chính sách của quốc gia và trách nhiệm của nhà cầm quyền đương thời. Quốc sách “cơm no, áo ấm” cho toàn dân bao giờ cũng phải thật sự là điều nằm lòng trong tiềm thức và chủ tâm của người lãnh đạo. Chứ không phải trên đầu môi, chót lưỡi của cái loa tuyên truyền thuộc một nhà nước “xã hội chủ nghĩa” nhưng chẳng màng gì đến phúc lợi xã hội. Giáo dục công cộng đã bị lụn tàn và giờ đây lại đẻ ra vô số khoản “lệ phí” đòi hỏi từ cha mẹ học sinh. Y tế công cộng thì trở chiều bệnh hoạn một khi giới “lương y như từ mẫu” lúc nào cũng hạnh hoẹ “đầu tiên” (tiền đâu?) trong từng khâu, từng phòng.

Tôi là người Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã đóng góp gián tiếp, trực tiếp ở các tổ chức thiện nguyện địa phương cũng như các hội xuyên quốc gia về đến Việt Nam. Điều này không mấy phiền khó. Thật dễ để đóng góp tài chánh cho tổ chức thiện nguyện, và cũng không lắm nhọc khi bỏ chút công sức tham gia quyên tiền, hoặc trực tiếp đến tận nơi giúp đỡ người hoạn nạn. Các tổ chức thiện nguyện luôn tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người đóng góp—gián tiếp hoặc trực tiếp. Kiểu nào cũng có cả. Ai cũng có thể cảm thấy tâm hồn mình yên ổn trong nghĩa cử nhỏ đó. Làm việc phước đạo hạnh thì được phước. Chúa Giê-su đã phán, Phật đã dạy thế kia mà.

Ở các nước phương Tây và Bắc Mỹ, cơ chế vô vụ lợi này đã được sản sinh đi song song với dòng tư hữu hóa các hoạt động công ích cho phúc lợi của người dân. Chính quyền tự động hết phải lo nhiệm vụ gánh vác phúc lợi xã hội và để cho cả hai khối “tân bảo thủ” (neo-conservative) và “tân tự do” (neo-liberal) đảm nhiệm việc xã hội nhưng đi theo luật thị trường. Chưa kể hết là những tệ nạn cấp mới của thành phần tự xưng thiện nguyện tốt bụng vô vụ lợi để che giấu những động cơ hám danh, thủ lợi đằng sau tấm màn sân khấu vì trò chơi chính trị của tranh giành ngân quỹ. Tệ nạn này được gọi chung là “hội chứng tập đoàn kỹ nghệ vô vụ lợi” (the non-profit industrial complex) giống như tệ nạn “hội chứng tập đoàn kỹ nghệ nhà tù” (the prison industrial complex) từ thế kỷ trước vẫn đang tiếp diễn.

Ca dao Việt Nam có câu “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”. Công việc thiện nguyện thật ra có tính chất xoa dịu tạm thời vết thương cấp bách, giảm bù những thiếu sót của xã hội mà thôi. Y thể như một nhà phát chẩn ở đâu đó đến cho những người nghèo đói tạm qua bữa, qua ngày. Xã hội nào mà người đứng xếp hàng trước nơi phát chẩn càng ngày càng dài và khi nhu cầu phát chẩn càng ngày càng tăng thì cái phước huệ đóng góp đó cần phải được suy nghĩ lại. Nhắm mắt làm phước thì dễ, nhưng mở mắt để nhìn bất công tạo đau khổ khốn cùng thì khó. Sao không ai chất vấn nguyên do gì số người đó càng ngày càng tăng trong khi cũng một số không ít người nhà sang cửa rộng, đô thị cao lớn, xe bóng loáng, tiệc tùng hoành tráng, áo xiêm lộng lẫy?

Đang còn biết bao những người “rơm” ngủ rừng ngủ bụi xứ người, những người lao động không tên tuổi chết vùi trên đất khách, những em thơ làm nô lệ tình dục khi chưa biết mộng mơ. Cơ chế nhà nước thế nào thì kết quả cho con dân của xã hội thế đó. Giàu nghèo là chuyện đương nhiên, nhưng làm gì mà một bên thì giàu nứt vách đổ tường, và còn lại thì nghèo rớt mồng tơi phải là một câu hỏi lớn.

Những tên trưởng giả mới này là ai? Là con ông cháu cha, là con cháu các cụ.[1] Họ cũng xếnh xáng để “tên tuổi” nằm đầu bảng đóng góp thiện nguyện, nhưng trước đó thì họ đã vơ vét vào riêng, để rồi chỉ thí “cô hồn” chút ít hầu đánh bóng tín chỉ đạo đức của mình.

Những người nô lệ mới này là ai? Là nông dân mất ruộng, là công nhân mất việc, là ngư dân mất thuyền. Như trong chuyện ngụ ngôn về người ở cuối nguồn, chúng ta phải hỏi xem “Chuyện gì xảy ra ở đầu nguồn? Nguyên do nào mà các thi thể trôi dạt từ thượng nguồn xuống hạ lưu?” Khi hiểu và giải quyết được nguyên nhân từ thượng nguồn thì không còn vấn đề xẩy ra dưới cuối nguồn.

Tôi là người Việt Nam. Một đất nước bị đô hộ ngàn năm giặc Tàu, làm thuộc địa thực dân Pháp trăm năm, làm công cụ và lệ thuộc Mỹ, Nga, Tàu nhiều thập niên kéo dài cho đến hiện tại. Đã có một thời, toàn dân đã đứng lên trong phong trào giải thực với tinh thần dân tộc để giành lại độc lập. Nhưng vô số những người yêu nước đó, cha ông chúng tôi, đã bị bán đứng, bị thủ tiêu, bị kết án, bị đấu tố, bị kềm kẹp. Họ bị kẻ lừa bịp treo đầu dê bán thịt chó. Chúng đã treo bảng “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” nhưng bán ép chủ nghĩa “cộng sản” độc tài Stalinist, Maoist vô thần, bất nhân. Nay chúng lại treo bảng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng món hàng thực chất là độc tài đảng trị, tư bản bè phái, đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số cầm quyền và những kẻ quỳ lụy ăn theo.

Tôi là người Việt Nam. Chúng tôi được mang kèm thêm tên “tị nạn cộng sản”. Bây giờ chúng tôi lại “được” dán mác “khúc ruột ngàn dặm”, “kiều bào”, “Việt kiều yêu nước”. Họ bảo chúng tôi thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Họ bảo chúng tôi đừng mặc cảm nữa. Tại sao mặc cảm? Mặc cảm gì? Mặc cảm phe chiến bại ư? Mặc cảm bọn “phản quốc” bỏ nước ra đi ư? Làm gì có! Chúng tôi chẳng có mặc cảm, và luôn tự hào đã dám bỏ tất cả, chấp nhận tù đày và hiểm nguy trên biển cả sống vất vưởng để đi tìm tự do. Một tự do mà chính quyền nhà nước cộng sản đã tước đoạt, không cho phép. Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đảng phái, tự do báo chí, tự do công đoàn. Chúng tôi không chấp nhận thứ tự do trong cũi, tự do đi lề bên phải, tự do làm con vẹt theo “chỉ đạo” của Đảng Cộng sản trong một nhà tù lớn.

Họ ve vãn bảo muốn hoà hợp, hoà giải với chúng tôi. Dân tộc, đồng bào, anh em của chúng tôi thì chẳng có gì để sinh ra phải hoà giải với nhau vì chúng tôi tự nhiên thương yêu nhau. Riêng với Đảng CSVN, chúng tôi cũng có thể sẵn lòng gạt bỏ mọi chuyện trong quá khứ để tiến tới tương lai. Nhưng chúng tôi không thể quên dĩ vãng này.Vì chúng tôi cần phải nhớ, phải mở mắt để thấy và kiểm định những việc đang xảy ra trong hiện tại và diễn tiến vào tương lai. Khi Đảng CSVN còn độc tôn lãnh đạo, cố bám chặt đặc lợi, đem đặc quyền cho bè nhóm thì những lời kêu gọi hoà hợp, hoà giải thật ra chỉ là một trò bịp. Tôi không thể nhắm mắt tự hào mình là người Việt Nam như thể trò bịp ấy không hề xẩy ra.

Tôi là người Việt Nam. Tôi sẽ hãnh diện là người Việt Nam với tự hào dân tộc khi đất nước dân tộc tôi thay đổi và phát triển theo chiều cấp tiến xã hội – mọi người được cơm no áo ấm, các trẻ em có tuổi thơ mơ mộng trong hệ thống giáo dục phổ thông miễn phí, những nông dân có ruộng để cày cấy, những công nhân được công đoàn lao động và luật pháp bảo vệ, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và xuất bản, người khuyết tật, già nua được an sinh xã hội và y tế công cộng chăm lo, và trên hết mọi công dân được tự do bình đẳng dưới một nhà nước dân chủ pháp trị trong tinh thần dân tộc, nhân bản.


Vi Nhân

[1] Vietnam’s New Money (BILL HAYTON | JANUARY 21, 2010, Foreign Policy)

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


25 May 2010

Những hình thức mua chuộc mới


Nhớ, lần về Việt Nam đầu tiên năm 1996, tôi nghe một người bạn vốn là giáo sư nổi tiếng khoe là anh sắp có một căn nhà mới. Nhà lầu đàng hoàng. Ở ngay mặt tiền. Hỏi chi tiết, anh cho biết là anh được nhà nước cấp một mảnh đất khá lớn. Không có tiền để xây, anh bán cho nhà thầu nửa miếng đất. Người ta sẽ xây hai ngôi nhà lầu; mỗi ngôi bốn tầng. Người ta sẽ giao cho anh hẳn một cái; cái kia người ta giữ. Như thế, chỉ chờ đợi mấy tháng, anh có nguyên một ngôi nhà lầu bốn tầng đồ sộ. Với nó, anh có thể an hưởng tuổi già: hai vợ chồng ở hai tầng trên; hai tầng dưới thì cho thuê. Khỏi phải lo lắng gì về tài chính nữa cả. Khoẻ!

Nguyễn Hưng Quốc

Những hình thức mua chuộc mới


Nói đến tham nhũng, chúng ta thường nghĩ đến những hình thức đưa tiền theo kiểu truyền thống. Đi đường phạm luật, bị công an thổi còi đòi phạt, bèn dúi vào tay họ ít tiền ư? Ừ, thì cũng là hối lộ. Nhưng đó chỉ là kiểu hối lộ cò con và cổ điển. Làm giấy tờ để xuất ngoại hay mua bán nhà đất, muốn cho nhanh, lót tay một cán bộ nào đó ít tiền ư? Thì cũng là hối lộ. Nhưng kiểu hối lộ ấy quá bình thường, chẳng có gì đáng nói cả.

Ở Việt Nam, có những hình thức hối lộ đắt đỏ và tinh vi hơn nhiều. Thực chất là hối lộ nhưng chúng lại được nguỵ trang dưới những hình thức có vẻ tình nghĩa và “đậm đà bản sắc dân tộc” hơn, do đó, khó bị kết tội hơn.

Như hình thức quà cáp, chẳng hạn.

Quà cáp có nhiều kiểu. Ở đây, tôi chỉ nói đến quà cưới.

Cách đây mấy tuần, một người bạn của tôi từ Việt Nam sang, kể: anh mới dự đám cưới con trai của một người thân ở Hà Nội. Người thân của anh là một cán bộ cao cấp cấp bộ, lại là một bộ thuộc loại “ăn nên làm ra”, nghĩa là có nhiều tiền bạc (khác, chẳng hạn, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, vốn có một ngân sách khá eo hẹp và có rất ít dự án quốc tế!). Bạn có biết đám cưới ấy có bao nhiêu khách mời không? Theo lời người bạn tôi, có trên 3000 người! Số quà cưới trị giá bao nhiêu? Cả hàng mấy trăm tỉ đồng Việt Nam, tức là cả mấy triệu đô Mỹ. Quà, phố biến nhất là phong bì với vài ngàn đô. Nghe nói có người còn tặng cô dâu chú rể nguyên chiếc xe hơi hay cả căn hộ mới nữa.

Người ta cho đó là một cách bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của cấp dưới đối với lãnh đạo của mình. Nhưng thực ra, đó chỉ là một cách hối lộ.

Dù sao, chuyện trên, tôi chỉ nghe kể. Còn chuyện này thì tôi biết rõ hơn: Một người bạn khá thân của tôi, đang làm việc trong lãnh vực giáo dục ở Việt Nam, có đứa con trai du học tại Úc. Cháu có bạn gái, cũng là du học sinh. Đám cưới của cháu được tổ chức hai lần ở hai nơi: Úc và Việt Nam. Sau đám cưới ở Úc, nghe bạn tôi dự tính làm đám cưới ở Việt Nam, tôi thắc mắc: Đã có đầy đủ bố mẹ hai bên dự đám cưới ở Úc rồi, cần gì phải làm thêm đám cưới ở Việt Nam nữa cho tốn kém? Bạn tôi chỉ cười. Sau đó, đám cưới xong, bạn tôi tổng kết: Đám cưới ở Việt Nam có khoảng 1000 người đến dự. Tiền mừng đám cưới đủ để con trai anh trả gần hết một căn nhà ở Úc!

Khách đâu mà nhiều đến vậy? Tại sao người ta lại tặng quà nhiều đến vậy?

Thì toàn là cán bộ dưới quyền của anh. Các sinh viên cũ. Phụ huynh của các sinh viên hiện đang học. Rồi những người ít nhiều chịu ơn của anh từ trước đến nay.

Bạn tôi biện hộ: Ở Việt Nam, đó là phong tục. Không thể mời ít hơn được. Những người không được mời, nhất là thuộc cấp trong cơ quan, sẽ nghĩ là mình ghét bỏ họ. Họ sẽ vô cùng lo lắng và khổ sở. Thì mời. Người “được” mời sẽ sung sướng có được cơ hội để bày tỏ tình nghĩa của mình đối với cấp trên. Và cấp trên thì không phải áy náy là mình tham nhũng. Lợi cả đôi bên.

Đó là hình thức cấp dưới mua chuộc cấp trên. Chuyện ấy hầu như thời nào cũng có. Và ở đâu cũng có. Có điều, ở các nước Tây phương, mọi hình thức quà cáp mà giới lãnh đạo nhận được đều bị kiểm soát gắt gao. Lấy Mỹ làm ví dụ. Theo luật của Mỹ, Tổng thống và phó Tổng thống được quyền nhận quà từ các công dân của họ, nhưng mọi món quà trị giá trên 285 đô Mỹ đều phải khai báo. Trên thực tế, rất hiếm khi họ giữ lại các món quà ấy làm của riêng: phần lớn chúng được gửi vào Kho lưu trữ quốc gia (National Archives). Còn quà cáp từ ngoại quốc thì, thoạt đầu, tất cả đều phải được sự chấp thuận của Quốc Hội; sau, luật nới giãn hơn một tí: họ được nhận những món quà trị giá từ 335 đô trở xuống. Xin lưu ý: một, không khai báo, vì bất cứ lý do gì, đều bị xem là phạm pháp; hai, danh sách những người tặng quà và trị giá món quà của họ đều được công khai hoá để quần chúng có thể dễ dàng kiểm tra. Còn ở Việt Nam? Nhớ, cách đây năm mười năm gì đó, Đỗ Mười thú nhận là đã từng nhận một triệu đô la từ một công ty Hàn Quốc. Đó là chuyện được thú nhận. Còn những chuyện không được thú nhận thì sao? Chỉ cần theo dõi một ít vụ tham nhũng, như vụ Bùi Tiến Dũng và Huỳnh Ngọc Sĩ, được đăng tải trên báo chí là đã thấy ngợp rồi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là ở Việt Nam không phải chỉ có cấp dưới mới mua chuộc cấp trên. Cấp trên, ngay cả cấp trên cực cao, cũng mua chuộc cấp dưới nữa.

Cao nhất là đảng và chính phủ.

Nhớ, lần về Việt Nam đầu tiên năm 1996, tôi nghe một người bạn vốn là giáo sư nổi tiếng khoe là anh sắp có một căn nhà mới. Nhà lầu đàng hoàng. Ở ngay mặt tiền. Hỏi chi tiết, anh cho biết là anh được nhà nước cấp một mảnh đất khá lớn. Không có tiền để xây, anh bán cho nhà thầu nửa miếng đất. Người ta sẽ xây hai ngôi nhà lầu; mỗi ngôi bốn tầng. Người ta sẽ giao cho anh hẳn một cái; cái kia người ta giữ. Như thế, chỉ chờ đợi mấy tháng, anh có nguyên một ngôi nhà lầu bốn tầng đồ sộ. Với nó, anh có thể an hưởng tuổi già: hai vợ chồng ở hai tầng trên; hai tầng dưới thì cho thuê. Khỏi phải lo lắng gì về tài chính nữa cả. Khoẻ!

Khi tôi hỏi: Tại sao anh được cấp đất như thế? Anh đáp: Tất cả các đảng viên có tuổi đều được cấp. Tuổi đảng và chức vụ càng cao, miếng đất càng lớn. Anh bình luận: Kể ra, đó cũng là một hình thức mua chuộc của đảng và nhà nước. Mua chuộc sự trung thành của các cán bộ và đảng viên.

Rồi chép miệng, anh nói tiếp: Biết thế, nhưng ai đủ can đảm từ chối một món quà lớn lao và quý báu như thế nhỉ?

Ừ, nghĩ coi, có mấy ai?


Nguyễn Hưng Quốc

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


23 May 2010

Thư ngỏ v/v Hà Sĩ Phu bị cắt điện thoại


Một người cầm bút viết bài bày tỏ những quan điểm bất đồng với nhà nước và cấp lãnh đạo nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể gọi là “chống nhà nước”.Mà theo chỗ tôi biết thì nhà khoa học Hà Sĩ Phu suốt mấy chục năm qua chỉ làm mỗi việc ấy thôi, đó là cái việc nhìn thẳng vào sự thật bằng con mắt của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, nói đúng nói rõ sự thật bằng tiếng nói trung thực của mình, dù tiếng nói ấy gây chối tai xóc óc những người sợ sự thật đang cầm quyền. Và suốt mấy chục năm qua, những người sợ sự thật trong giới cầm quyền với một bộ máy lý luận đồ sộ đã không thể có một bài nào tranh luận công khai với các luận điểm của Hà Sĩ Phu lại chỉ một mực huy động bộ máy bạo lực đồ sộ dùng đủ mọi biện pháp thất nhân tâm từ bỏ tù đến quản chế, cắt điện thoại, cho công an “mời làm việc” rồi đưa ra đấu tố ở phường chỉ nhằm dập tắt tiếng nói của Hà Sĩ Phu.

Bùi Minh Quốc

Thư ngỏ v/v Hà Sĩ Phu bị cắt điện thoại


Trân trọng gửi đến các đồng nghiệp cầm bút, các luật sư và tất cả những ai quan tâm.
(Kính nhờ các báo đài trong ngoài nước và mạng internet công bố giùm)



Ngày 08.05.2010, điện thoại và đường truyền internet của nhà khoa học Hà Sĩ Phu (địa chỉ tại 4E Bùi Thị Xuân, Đà lạt) ngưng hoạt động.

Sau khi yêu cầu sửa chữa không kết quả và cố công lần tìm manh mối, tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu mới được chính thức thông báo rằng cơ quan nhà nước quyết định cắt vĩnh viễn liên lạc từ 2 máy điện thoại mà ông thuê của Trung tâm viễn thông Đà Lạt vì lý do “được sử dụng để truyền tải những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an tỉnh Lâm Đồng)”(Trích biên bản làm việc số 64/BB – TTr ngày 18.05.2010 giữa công dân Nguyễn Xuân Tụ tức Hà Sĩ Phu với Thanh tra sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lâm đồng gồm chánh thanh tra Bạch Ngọc Dũng và phó chánh thanh tra Nguyễn Thúy Hằng)

Tôi, Bùi Minh Quốc, cũng có mặt cùng tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong buổi làm việc đó.Tôi nói với chánh, phó thanh tra sở TTTT : thế là hôm nay nhà nước cũng đã hơi khá lên về mặt hành chính trong quan hệ với công dân, chứ như lần trước, ông Hà Sĩ Phu bị cắt điện thoại liên tục 11 năm 7 tháng từ 1997 đến 2008 mà chẳng nhận được một văn bản nào của cơ quan thẩm quyền.

Tôi tha thiết đề nghị các đồng nghiệp cầm bút và anh chị em trong giới luật sư luật gia hãy cùng gấp rút góp tiếng nói làm rõ thế nào là “những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam”, đặc biệt đối với người cầm bút thì phải xác định thật cụ thể rõ ràng rành mạch dứt khoát thế nào là “chống” ?

Một người cầm bút viết bài bày tỏ những quan điểm bất đồng với nhà nước và cấp lãnh đạo nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể gọi là “chống nhà nước”.Mà theo chỗ tôi biết thì nhà khoa học Hà Sĩ Phu suốt mấy chục năm qua chỉ làm mỗi việc ấy thôi, đó là cái việc nhìn thẳng vào sự thật bằng con mắt của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, nói đúng nói rõ sự thật bằng tiếng nói trung thực của mình, dù tiếng nói ấy gây chối tai xóc óc những người sợ sự thật đang cầm quyền. Và suốt mấy chục năm qua, những người sợ sự thật trong giới cầm quyền với một bộ máy lý luận đồ sộ đã không thể có một bài nào tranh luận công khai với các luận điểm của Hà Sĩ Phu lại chỉ một mực huy động bộ máy bạo lực đồ sộ dùng đủ mọi biện pháp thất nhân tâm từ bỏ tù đến quản chế, cắt điện thoại, cho công an “mời làm việc” rồi đưa ra đấu tố ở phường chỉ nhằm dập tắt tiếng nói của Hà Sĩ Phu.

Tổng cộng, ngoài việc bị cắt điện thoại liên tục 11 năm 7 tháng, ông đã bị tù (bởi một bản án phản công lý) 1 năm, bị khởi tố tội “phản bội Tổ Quốc” nhưng sau ít ngày phía khởi tố thấy vô lý lộ liễu quá phải đình chỉ vụ án nhưng chuyển thành quản chế 2 năm, bị “mời làm việc” và đưa ra phường đấu tố trên 400 buổi. Ấy là chưa kể biết bao những sự sách nhiễu nhiều kiểu, nhiều cách diễn ra dai dẳng triền miên.

Xin lược lại vắn tắt quá trình “mở miệng” (chữ dùng của chủ tịch Hồ Chí Minh) của công dân – nhà khoa học Hà Sĩ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) và quá trình hành xử của nhà nước nhằm bịt miệng ông.

Năm 1988, Hà Sĩ Phu “mở miệng” bằng bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”.Bài này, khi dự thảo, Hà Sĩ Phu đã trình bày trong một cuộc gặp mặt thân mật gồm giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, giáo sư Phạm Vĩnh Cư, tiến sĩ kiến trúc sư Đặng Việt Nga (ái nữ của cố tổng bí thư Trường Chinh) và người viết thư ngỏ này – Bùi Minh Quốc, toàn là con đẻ của Cách mạng trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa cả. Nhân đây xin kể luôn, Hà Sĩ Phu sinh năm 1940 tại làng Lạc Thổ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (cùng làng với thi sĩ Hoàng Cầm), vốn là một thày giáo dạy cấp 2 tại Vĩnh Phú, được cử đi học đại học tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân sinh học năm 1965, tốt nghiệp phó tiến sĩ Sinh học ( Candidata Vẽd, nay gọi tiến sĩ) tại Cộng hòa XHCN Tiệp khắc năm 1981, là cán bộ giảng dạy tại đại học Dược khoa Hà Nội rồi cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Việt Nam; khi Viện thành lập Trung tâm khoa học của Viện đặt tại Đà Lạt, ông tự nguyện xung phong rời Hà Nội vào đây nhân nhiệm vụ phó giám đốc Trung tâm.Công trình về Nuôi cấy mô và tế bào của ông đã trích đăng trên tạp chí Sinh học tháng 8.1984 và tháng 3.1991. Là một trong mấy Phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhưng năm 1986, ông đột ngột bị một kỹ sư, cũng là phó giám đốc Trung tâm, ngang ngược đẩy ra khỏi chức vụ. Vụ việc phi lý tệ hại này đã được thông tin rất cụ thể trên báo Lao động năm 1987 nhưng những người có trách nhiệm tại Viện khoa học Việt Nam vẫn coi như không biết; Hà Sĩ Phu bị đẩy khỏi biên chế của Trung tâm chuyển sang Trung tâm khác không hợp chuyên môn và cuối cùng đành về hưu lúc 53 tuổi.

Trở lại bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, ngay từ khi Hà Sĩ Phu trình bày trong phạm vi hẹp các trí thức văn nghệ sĩ nêu trên và tiếp đó khi hoàn chỉnh và tuyền tay bằng bản đánh máy đã được đồng tình tán thưởng mỗi lúc càng rộng rãi tuy thầm lặng. Luận điểm cơ bản của bài là khẳng định dứt khoát rằng động lực phát triển của xã hội loài người là trí tuệ chứ không phải đấu tranh giai cấp.Theo nhìn nhận của riêng tôi, trong phạm vi hoạt động lý luận Việt Nam mà tôi thấy được cho đến lúc ấy, đây là một luận điểm có tính phát hiện động trời, thách thức dữ dội luận điểm chính thống về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã kìm trí trói tay xã hội Việt Nam suốt bao năm ròng. Cũng cần nói luôn, chủ trương “Đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật…” của đại hội Đảng lần thứ 6 và lời hô “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã mở ra một không gian mới cho sự “mở miệng” hồ hởi của giới trí thức văn nghệ sĩ trong đó có Hà Sĩ Phu.Tôi đã viết sẵn “Lời tòa soạn “để chuẩn bị đăng trên tạp chí Lang Biang của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng do tôi làm chủ tịch kiêm tổng biên tập.Ở Huế, tạp chí Sông Hương đã đăng lời báo tin sẽ đăng “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, tiếc rằng sau đó bị buộc phải thay bằng bài “Biện chứng và ngụy biện trong công cuộc đổi mới” cũng của Hà Sĩ Phu.Hà Sĩ Phu gửi bài cho Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhận được thư báo tin ân cần của nhà văn Xuân Thiều chánh văn phòng Hội. Tháng 10 năm 1989, tại đại hội lần thứ 4 của Hội, họp tại hội trường Ba Đình Hà Nội, tôi đã trao tặng bài này (gộp với một bài nữa của Hà Sĩ Phu in vi tính thành cuốn sách mỏng nhan đề “Suy nghĩ của một công dân”) cho đại hội, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (sau là ủy viên bộ chính trị, chủ tịch hội đồng lý luận trung ương, trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương) thay mặt chủ tịch đoàn đại hội đã trân trọng tiếp nhận.

Mặc dù bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” bị Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng trực tiếp phê phán trong “Đề cương dự thảo Cương lĩnh Đại hội VII”, nhưng nhà văn Ma Văn Kháng (ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam) đã khéo léo đưa nhiều luận điểm của bài ấy vào tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” của ông xuất bản đầu những năm 90; trong hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” xuất bản tháng 10 năm 2009 (NXB Hội Nhà văn), ông đã thuật lại cụ thể việc đó khi dành hẳn một chương viết về người bạn cố tri Nguyễn Xuân Tụ – Hà Sĩ Phu.Các cán bộ lão thành, đảng viên lâu năm và các cựu chiến binh rất yêu mến, tin cậy vào con người và tiếng nói trung thực của Hà Sĩ Phu, đã tìm mượn cuốn hồi ký của Ma Văn Kháng đem photo truyền nhau, thấy phần viết về Hà Sĩ Phu bị cắt nhiều đoạn (thay bằng ký hiệu chấm chấm chấm…) đã viết thư gọi điện cho tác giả yêu cầu cung cấp bổ sung những đoạn ấy.Tóm lại, dù chưa được chính thức thừa nhận, những luận điểm của Hà Sĩ Phu đã ghi được những dấu ấn nhất định, và sự quan tâm ngày càng rõ trong giới trí thức nước ta.

Thiết nghĩ cũng nên trình dẫn ra đây một số ý kiến đánh giá của đồng nghiệp qua thư gửi đến Hà Sĩ Phu mà ông cho tôi xem.

Thư của nhà văn Xuân Thiều :
Hà nội ngày 4 tháng 7 năm 1989
Kính gửi đồng chí Hà Sĩ Phu ! Ban chuẩn bị Đại hôi Nhà văn lần thứ 4 đã nhận được bài phát biểu của đồng chí ” Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ ” .Chúng tôi hoan nghênh sự tìm tòi mạnh dạn của đồng chí về những vấn đề xã hội đang rất nóng bỏng cũng như tấm lòng của đồng chí đối với Đại hội Nhà văn Việt nam sắp tới . Tuy nhiên thời gian ở Đại hội hạn hẹp sẽ rất khó có điều kiện để trình bày bài phát biểu này.Xin đề nghị với đồng chí gửi cho các tạp chí, các báo để bài phát biểu của đồng chí được ra mắt trước bạn đọc rộng rãi. Kính chúc đồng chí sức khỏe, tiếp tục những công trình nghiên cứu mới đóng góp cho đất nước.
TM/Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ 4
Xuân Thiều ( đã ký )

Thư của Tạp chí SÔNG HƯƠNG:
Huế ngày 24 tháng 4 năm 1989
Kính gửi anh Hà Sĩ Phu ! Chúng tôi đã nhận được bài “Dắt tay nhau…” của anh .
Đây là một bài viết tốt,thẳng thắn,mạnh dạn và trung thực, chắc chắn sẽ được bạn đọc ủng hộ. Chúng tôi sẽ sử dụng bài viết này trong số tới ( 39 ) (*) .Vậy chúng tôi kính báo để anh biết. Chúc anh khỏe, đóng góp cho SÔNG HƯƠNG chúng tôi những bài viết khác của anh.
TM Ban Biên tập, Biên tập viên Vương Hồng Nam. (*)

Thư của nhà văn Ma văn Kháng:
Hà nội ngày 15/6/89
…Trong hoàn cảnh hiện nay, bài “Dắt tay nhau…” quý giá ấy, cố gắng ra được ở những tờ báo, chưa cần là những chốn công luận có danh tiếng, là tốt và cần …Mình nghĩ…đã làm sao sài nổi thức ăn siêu đẳng này ?Nói vậy thôi, ta vẫn cứ nên chờ…,Hay là cứ gửi thẳng bài ấy tới Tạp chí Cộng sản ?…
16/9/93 : Bài “Đôi điều suy nghĩ…” mình đọc ngay trong đêm đầu tiên nhận được.
Tuyệt ! Sâu sắc,có hệ thống logic chặt chẽ và lập được thành một lý thuyết ; ngoài ra là sự kín kẽ, chu đáo, trọn vẹn lý tình…

Thư của ông Vũ Văn Thanh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Mác-Lê trường Đại học Dược khoa Hà Nội:
Hà Nội 24/11/88.
Chiều qua mình nhận được thư và bài viết của Tụ. (bài “Dắt tay nhau…” ). Vừa thú vị vừa kinh ngạc. Thú vị vì câu đối viếng đồng chí Trường Chinh, có dịp lên Viện Mác-Lênin mình sẽ đưa cho anh Đặng xuân Kỳ, trưởng nam của đồng chí Trường Chinh; câu đối hay lắm, khái quát được cả cuộc đời, mà chữ nghĩa thì đúng nhà câu đối ! Kinh ngạc vì mình không ngờ Tụ lại có những ý tưởng rất sâu sắc về một lĩnh vực vốn không phải của mình.Đó chính là Trí tuệ. Người ta có thể có trí thức, là người trí thức, nhưng có trí tuệ lại là chuyện khác.

Các trang 1,2,3,4 rất hay ( bài “Dắt tay nhau…” 10 trang đánh máy )
Các trang sau phân tích rất hay, kèm theo một sơ đồ hệ thống rất sáng rõ tư tưởng người viết.

Sau ba bài lý luận cơ bản “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “Suy nghĩ của một công dân” và “Chia tay ý thức hệ” nhằm góp phần xây dựng một nền lý luận cho con đường phát triển lành mạnh bền vững của Việt Nam, những năm gần đây Hà Sĩ Phu dành thời gian làm thơ, làm câu đối (ông có tập thơ và câu đối mang tên “Sáng trăng” xuất bản tại Pháp và Mỹ), đồng thời tập trung lên tiếng về hiểm họa mất nước bởi thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc và bởi thái độ bạc nhược của một số người gánh vác việc dân việc nước Việt Nam. Nếu có chuyện ông “chống nhà nước” thì quả là ông đang chống cái nhà nước bành trướng phương bắc, và luôn mong muốn nhà nước ta mạnh lên bằng cách thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đặt chiếc ghế quyền lực giữa lòng dân chứ không nên xoắn xuýt với cái quan hệ mười sáu chữ vàng giả dối nói một đằng làm một nẻo.

Dù một số người nào đó trong giới cầm quyền có nhân danh Đảng và nhà nước, núp dưới một số điều khoản mơ hồ do họ cố ý cài đặt vào các qui định (như cái câu “những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam”) để đầy đọa hành hạ sách nhiễu Hà Sĩ Phu thế nào đi nữa thì ai ai cũng chỉ ngày càng thấy rõ Hà Sĩ Phu là một nhà khoa học yêu dân yêu nước yêu tự do vào hàng mãnh liệt nhất, trung kiên bền bỉ nhất, và dứt khoát ông sẽ cứ như thế trọn đời, như lão thành cách mạng 95 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh : “Còn hơi thở còn lên tiếng!”.

Hà Sĩ Phu không đơn độc. Mái nhà xập xệ chật chội nép bên bờ đường Bùi Thị Xuân nồng nặc mùi nước cống mà vợ chồng ông trú ngụ lại là nơi các cán bộ lão thành, đảng viên lâu năm và các cựu chiến binh thường xuyên lui tới thăm hỏi và đàm đạo chuyện thế sự quốc sự. Bà Virginia E.Palmer, Phó đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt nam đã đến đây ngày 22.05.2009 thăm hỏi và vấn ý Hà Sĩ Phu về tình hình và lối ra của Việt Nam cũng không vì lý do nào khác ngoài ảnh hưởng về những bài lý luận của ông. Cuộc đến thăm của bà phó đại sứ đã diễn ra tốt đẹp trong sự tôn trọng lịch lãm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Việc đối xử với Hà Sĩ Phu không còn bó hẹp trong quan hệ giữa nhà nước với cá nhân ông nữa mà quan hệ tới toàn thể giới trí thức có tư duy và tư thế độc lập của Việt Nam, do đó quan hệ đến quốc thể.

Một người như Hà Sĩ Phu mà không được dùng điện thoại và đường truyền internet, vì bất cứ lý do gì, là một sự phi lý không thể chấp nhận được.

Muốn cắt điện thoại của Hà Sĩ Phu, hãy cho xuất bản các tác phẩm của Hà Sĩ Phu và dùng mấy trăm báo đài của nhà nước phân tích phê phán, đồng thời đăng bài Hà Sĩ Phu tự bảo vệ mình, nếu tìm được chỗ nào có nội dung “chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam” thì khởi tố truy tố đưa ra tòa xét xử và việc cắt điện thoại chỉ được thực hiện theo phán quyết của tòa mà thôi.

Trong khi chờ đợi một sự ứng xử nghiêm túc đúng pháp luật như thế, cần nối lại ngay điện thoại và đường truyền internet cho Hà Sĩ Phu, đấy mới là thượng sách của một nhà nước tử tế.



Bùi Minh Quốc
Đà Lạt 22.05.2010


Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


22 May 2010

Công an an ninh nỗ lực đàn áp, khủng bố tinh thần trẻ con



Vào ngày 28/4/2010 khi tôi chở đứa con trai nhỏ hơn 5 tuổi đến nhà chị Dương Thị Tân ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, Tp. Sài Gòn, dự định cùng đi Chùa với chị, vì hôm đó là ngày Rằm. Đến nơi mới biết chị Tân không có mặt tại nhà. Tôi gọi điện thoại cho chị, chị nói sẽ về nhà ngay nên vẫn ở nhà chị để chờ. Độ ít phút sau, tôi nghe cháu Dũng nói: “Mẹ con mới bị chặn bắt ngoài bãi giữ xe của siêu thị, cô cứ ở đây đợi mẹ để con đi đón em con về”. Cháu còn dặn thêm: “Con đi rồi, ai gọi cửa thì cô cũng đừng mở, hãy chờ con về”.

Lư Thị Thu Trang

Công an an ninh nỗ lực đàn áp,
khủng bố tinh thần trẻ con



Sài Gòn ngày 19/5/2010.

THƯ TỐ CÁO.



Về việc:
Nhận lệnh chỉ đạo từ Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam, công an an ninh nỗ lực đàn áp, khủng bố tinh thần trẻ con; dùng bạo quyền cưỡng đoạt tài sản + giấy tờ tùy thân của dân oan Lư Thị Thu Trang.


Kính gửi:

- Đồng bào Việt Nam ở trong và ngòai nước.

- Các chính khách của những quốc gia yêu chuộng Tự do và Công lý.

- Các Cơ quan truyền thông đại chúng.

- Ông Lê Hồng Anh - Bộ trưởng Bộ công an nước CHXHCN Việt Nam.


Tôi tên Lư Thị Thu Trang, hiện đang cư ngụ tại 77/13B đường Trần Bình Trọng, P.1, Q.Gò Vấp, Tp. Sài Gòn. Nay viết đơn này tố cáo tội ác mà Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (NCQ CSVN) đã gây ra cho tôi và gia đình. Cụ thể là: Lãnh đạo công an Việt Nam đã chỉ đạo cho lực lượng công an an ninh tại Tp. Sài Gòn bủa vây đàn áp, chặn bắt người trái phép, đánh đập, cướp đoạt tài sản. Hiểm độc hơn, họ cố tình khủng bố tinh thần những trẻ nhỏ vô tội của gia đình họ Lư chúng tôi.

Vào ngày 28/4/2010 khi tôi chở đứa con trai nhỏ hơn 5 tuổi đến nhà chị Dương Thị Tân ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, Tp. Sài Gòn, dự định cùng đi Chùa với chị, vì hôm đó là ngày Rằm. Đến nơi mới biết chị Tân không có mặt tại nhà. Tôi gọi điện thoại cho chị, chị nói sẽ về nhà ngay nên vẫn ở nhà chị để chờ. Độ ít phút sau, tôi nghe cháu Dũng nói: “Mẹ con mới bị chặn bắt ngoài bãi giữ xe của siêu thị, cô cứ ở đây đợi mẹ để con đi đón em con về”. Cháu còn dặn thêm: “Con đi rồi, ai gọi cửa thì cô cũng đừng mở, hãy chờ con về”.

Dũng đi độ mươi phút sau, tôi nghe có người đập cửa nhưng không mở. Chờ đến lúc cháu Dũng về lên tiếng gọi, tôi mở cửa thì lập tức một đám người ùa vào, dẫn đầu là tên Khanh thuộc lực lượng công an an ninh của Q. Gò Vấp. Khanh hùng hổ nhảy xổ vào, một tay túm tóc tôi, một tay đấm vào mắt, vào mặt tôi túi bụi, miệng chửi: “Tao đã nói mày ra là tao giết, mà mày vẫn cứ đi!”. Hỗ trợ tên Khanh là lực lượng an ninh và dân phòng xúm lại vừa lôi, vừa đẩy tôi từ lầu 3 chung cư xuống dưới sân. Trong lúc quẳng tôi lên xe ôtô của công an P.1, Q.Gò Vấp và đánh đập tôi như con vật, chúng tranh thủ “bắt” luôn chiếc xe tay ga, biển số 52-T5- 6162 của tôi đang gửi tại bãi để xe của chung cư, rồi đưa cả tôi và xe về đồn công an Q. Gò Vấp, tại địa chỉ số: 16/1 đường Quang Trung, P.10, Q. Gò Vấp. Chúng bỏ lại đứa con trai nhỏ của tôi đang khóc đến ngất đi, gây ra nỗi sợ hãi cho cả các cháu bé là con và cháu của chị Tân.

Khi về đến đồn công an Q. Gò Vấp, lực lượng công an an ninh xúm lại và buộc tôi phải mở cốp xe cho họ xét, mà không cần có bất cứ văn bản hay chứng từ nào cho phép họ cái quyền làm việc đó. Điều này chứng tỏ bản thân họ cũng đang khinh rẻ Luật pháp của chính cái chế độ độc tài, thối nát mà họ đang phục vụ. Họ ngang nhiên chà đạp, phun nhổ vào cái thể chế chính trị “ưu việt” của Đảng cộng sản mà họ đang gân cổ tuyên truyền, hòng gạt gẫm thêm những ai còn nhẹ dạ, cả tin vào cái bộ mặt sẵn sàng giết cha, chém chú để thủ lợi của họ. Trong khi xét xe, họ có vẻ thất vọng, chắc họ mong tìm được thứ gì đó để có thể “cho” tôi được tội như họ muốn. Nhưng trong cốp xe của tôi, họ chẳng tìm thấy thứ gì để gọi là phạm pháp. Thế rồi ông lớn Võ Minh Hà, viên sỹ quan công an cấp tá, thuộc Phòng PA.38 – Sở công an Tp. Hồ Chí Minh đã có mặt và họ xúm nhau lại bàn bạc để thực hiện những thủ đoạn khác. Tôi vẫn thản nhiên ngồi chứng kiến lũ mặt người dạ thú đang tính tóan thực hiện những hành động đê hèn tiếp theo của họ

Vào đầu giờ chiều cùng ngày, họ đưa 1 cảnh sát giao thông đi xe công vụ đến. Tên Khanh lại tiếp tục đánh đập và lôi đầu tôi vào 1 phòng khác để diễn tuồng cướp xe của tôi. Anh cảnh sát giao thông tên Võ Văn Yên, tự xưng là trung úy (tôi có ghi số hiệu cụ thể nhưng tên Võ Minh Hà đã cướp lại) nói được lệnh làm việc theo thủ tục hành chánh với tôi, rồi yêu cầu tôi phải xuất trình giấy tờ tùy thân cùng bằng lái + giấy tờ xe. Tôi đề nghị anh ta cho xem văn bản hoặc lệnh nào chứng minh sự làm việc của anh là đúng luật pháp. Nhưng anh ta lúng túng nói: “Tôi được yêu cầu”. Tôi nói: “Anh chỉ được quyền yêu cầu tôi làm việc khi xe tôi đang lưu hành trên đường và đang vi phạm luật giao thông. Còn hiện tại, tôi không điều khiển xe thì anh không có cái quyền đó”. Anh ta vẫn chống chế: “Nhưng người ta bắt chị và yêu cầu tôi làm việc này, yêu cầu chị hợp tác”. Tôi nói: “Về nhân thân tôi, nếu anh muốn biết thì hãy hỏi những kẻ đã vi phạm pháp luật này. Họ bắt người trái phép rồi chở luôn chiếc xe tôi đang để ở nhà người quen về đây. Tôi có đầy đủ giấy tờ hợp pháp nhưng không xuất trình, vì anh đang làm việc không đúng với luật pháp qui định. Vậy thôi!”

Vây quanh, chứng kiến viên công an giao thông đuối lý trước lý lẽ của tôi, lực lượng công an an ninh, nhất là tên Võ Minh Hà thộn mặt ra. Rồi tên Hà hất mặt ra lệnh và tên Khanh bất ngờ đánh mạnh vào sau gáy tôi, làm tôi ngã xuống. Vừa gượng dậy được, tên Khanh lại nhảy vào đánh tiếp. Lúc này, tôi không còn cảm thấy đau nữa và tôi đã hiểu được vì sao mà anh thanh niên tên Bảo ở Hà Nội, chỉ sau vài giờ vào đồn công an đã phải hồn lìa khỏi xác, với thân mình bầm dập như vậy. Và tôi cũng hiểu rằng: để đạt được mục đích thống trị nhân dân Việt Nam, NCQ CSVN sẵn sàng đưa vào hàng ngũ của cái gọi là “Lực lượng công an nhân dân” của họ những tên đồ tể khát máu. Chúng là những tên có thủ đoạn hèn hạ, vô liêm sỉ như tên Khanh, tên Võ Minh Hà này và còn rất, rất nhiều những tên ác ôn, khát máu khác nữa,...

Sau khi đánh tôi để thỏa mãn thú tính, chúng bu lại hội ý với viên công an giao thông tên Yên. Rồi chúng lập biên bản, tự ký với nhau và tuyên bố: “Thu giữ xe máy của tôi” và màn phô diễn để cướp xe đã hoàn tất! Khi viên công an giao thông đi rồi, chúng đẩy tôi lên lầu để thực hiện thủ đoạn tiếp theo: vừa ngồi xuống ghế, tên Võ Minh Hà nói: “Đưa cái túi đây”. Tôi hỏi: “Lệnh xét người đâu?”. Tên Hà gầm lên như một con thú điên: “ Lệnh cái con mẹ gì, lệnh là tao nè, quyền là tao!”. Nói đọan, hắn hất mặt và lập tức 7 tên công an nhảy vào (có 2 nữ). Tên Khanh bẻ quặt 2 tay tôi ra sau ghế và nói: “Đưa còng đây!”. Nhưng bọn chúng đâu có rảnh để đi lấy còng, vì còn đang bận: đứa thì giật túi, đứa thì giữ chặt để 2 nữ công an xét người tôi. Sau khi giật được túi đang đeo trong người tôi rồi, chúng hả hê kiểm tra “chiến lợi phẩm”, gồm có:

1) 4 ĐTDĐ + 2 thẻ sim mới chưa xài + 2 thẻ sim đang sử dụng.

2) 2 thẻ nạp tiền điện thọai, trị giá 250.000 vnđ.

3) Chứng minh nhân dân + Bằng lái xe + Giấy tờ xe + 2 giấy mua Bảo hiểm xe máy (2 năm).

4) 2 tấm hình Chúa Giêsu mà tôi luôn mang theo, mỗi khi ra đường.

5) 2 Giấy viết tay số điện thọai của Linh mục Chân Tín, do chính tay Cha trao cho tôi trong lần tôi đến thăm Cha gần nhất.

6) Danh thiếp của bác Trần Khuê đã tặng tôi hồi đầu năm, khi cùng các anh chị đến chúc Tết bác cùng gia đình.

7) Những giấy tờ ghi lại việc chi tiêu của gia đình + 1 thẻ khách hàng + 2 thẻ được giảm giá khi mua thức ăn nhanh của siêu thị.

Sau khi kiểm tra những vật dụng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân tôi, chúng ngồi ghi lại hết các số điện thọai trong danh bạ 4 chiếc điện thọai của tôi. Đến độ 7 giờ tối thì có 1 sếp công an đến hỏi tôi những chuyện đâu đâu, và tuyên truyền những điều sáo rỗng, mà ngay cả ông ta cũng tự thấy là mâu thuẫn. Trong lúc mới gợi chuyện và nói xấu anh Đỗ Nam Hải cũng như một vài thành viên khác của Khối 8406 với tôi. Viên công an này nói với tôi rằng: “Sự việc xảy ra với chị ngày hôm nay là do chị có gửi đơn thưa công an. Chúng tôi có nhận được và đã gửi chị 3 Giấy mời nhưng vì chị không nhận, nên mới có sự việc như ngày hôm nay và nó sẽ còn dài dài nữa, chứ chưa hết đâu!”.

Lúc đó tôi có trả lời ông ta rằng: “Rõ ràng lời nói của ông đang thể hiện rõ sự độc tài và xảo trá của chế độ bạo quyền này. Thứ nhất: Giấy mời được đưa đến vào các ngày: 29 + 30 + 31/3/2010, mà Đơn Tố Cáo công an của tôi viết vào ngày 7/4/2010, rồi mới gửi đi qua đường Bưu điện, tức là sau đó cả tuần lễ. Vậy thì lý do ông vừa nêu ra là xảo ngôn, là ngụy biện. Thứ hai: Giấy mời của người hay của cơ quan có người bị tố cáo là không đúng thẩm quyền. Chẳng phải các người đang giở trò lập lờ đánh lận con đen hay sao?”. Vậy mà viên công an này vẫn tuyên bố: “Chị phải nhận Giấy mời của chúng tôi vào ngày mai (29/4/2010), phải đến đồn công an để làm việc và nếu không đến thì chúng tôi vẫn cứ bắt tiếp, giống như ngày hôm nay vậy”.
Tôi cũng thẳng thừng trả lời rằng: “Tôi dứt khóat không nhận Giấy mời của các ông và chắc chắn sẽ không đến. Việc lạm dụng bạo quyền và vi phạm pháp luật của các người tôi sẽ viết đơn, thư tố cáo tiếp.”. Tên Võ Minh Hà nói: “Tao sẽ tru di tam tộc họ Lư mày, bắt mày bỏ tù mọt gông, rồi giết chết hết cả nhà mày không sót mạng nào. Chúng tao được lệnh chỉ đạo nên sẽ làm. Cứ tố cáo đi coi làm gì được tao? Tao cắt Internet đó, tao cắt điện thọai đó, bao vây kinh tế đó, coi cả nhà họ Lư mày sống được bao lâu nữa? Nhà nước này thừa lực lượng, thừa thời gian, tụi tao được ăn lương để làm việc này,…”.

Thấy nói chuyện với loại người vô liêm sỉ này chẳng khác nào đàn khảy tai trâu nên tôi tuyên bố sẽ không trả lời bất cứ câu nào nữa. Thế rồi chúng đem máy quay phim vào quay, tôi phản đối nhưng chúng vẫn cứ làm. Đến 9 giờ kém 15 tối thì chúng kêu xe của công an P.1, Q.Gò Vấp đến chở, rồi thả tôi xuống đi bộ về nhà trong tình cảnh tả tơi, chân không giày dép.

Về đến nhà, khi báo tin cho các anh chị trong phong trào đấu tranh, tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ quan tâm thân tình của các anh chị. Tôi cảm giác như được sự bảo bọc của một gia đình lớn. Đúng như lời bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã giáo huấn tôi: “Chúng ta như những người thân trong một gia đình.”, và lúc này đây tôi cảm nhận điều ấy rõ nhất. Từ các anh chị trong giới truyền thông, bất cứ lúc nào mà chúng tôi gặp khó khăn hay bị đàn áp thì các anh chị đều kịp thời giúp đỡ, đưa tin kịp thời. Nếu không có sự quan tâm và nhiệt tình ấy, chắc gì chúng tôi còn tồn tại được như ngày hôm nay. Tôi đã nợ rất nhiều những ân tình, những tấm lòng của những cá nhân cũng như Cộng đồng người Việt mình ở khắp nơi, từ trong nước đến Hải ngoại đã đồng cam cộng khổ cùng chúng tôi. Chính vì tinh thần ấy mà NCQ CSVN đang sợ hãi! Họ sợ những tấm lòng yêu nước ấy, chớ họ đâu lo ngại những con người nhỏ bé như tôi. Xin tri ân toàn thể Quý vị!

Rồi sự khủng bố tinh thần đối với những người thân của tôi vẫn tiếp diễn:

+ Vào ngày 1/5/2010 bà chị chồng của tôi ở Tân Bình sang thăm các cháu, đến 6 giờ 30 tối thì ra về. Khi bà vừa ra khỏi cửa nhà tôi thì lập tức bị đưa về đồn công an để điều tra, xách nhiễu đến 9 giờ tối mới được thả ra.

+ Sáng ngày 4/5/2010 tôi dắt đứa con gái đang học lớp 2 đi bộ đến trường, tên Võ Minh Hà lại chặn bắt tôi ngay trước cổng trường. Cũng chẳng có việc gì để làm, giữ đến 3 giờ chiều lại thả ra nhưng việc này đã gây hoang mang, sợ hãi cho cháu bé đến độ ngày hôm sau cháu nhất định không chịu đi học nữa. Tôi dỗ dành mấy cháu cũng chỉ khóc chứ nhất định không đi. Cháu vừa khóc, vừa nói: “Công an lại bắt mẹ nữa rồi con sống với ai?”. Mặc dầu chỉ còn vài buổi học nữa là thi hết năm học. Việc này tôi nghĩ phía NCQ CSVN đã tính toán kỹ: mục đích của họ là khủng bố tinh thần những đứa bé để gây khó khăn cho gia đình tôi.

Vì ngày hôm đó, lúc mới bắt tôi về đồn, tên Võ Minh Hà có nói: “Biết là phải đưa con đi học và nó sắp thi, nhưng có lệnh chỉ đạo nên cứ bắt.”. Vậy mục đích của họ là gì, nếu không phải để hù dọa mấy đứa trẻ con? Từ suy nghĩ này, tôi quyết tâm phải đưa bằng được con đến trường để học và thi xong học kỳ II. Nếu không, cháu sẽ không được lên lớp trong năm học tới. Ngay lúc đó, tôi viết đơn xin phép cho cháu nghỉ học 1 ngày, rồi đích thân cầm đến trường gửi cho cô giáo Chủ nhiệm. Khi thấy tôi đi rồi về mà không bị công an bắt nữa thì qua ngày hôm sau cháu đã chịu đến trường và đi học cho đến xong kỳ thi. Tôi rất mừng, tưởng cháu đã vượt qua được, nhưng không ngờ sau khi thi xong cháu nhất định không chịu đi học nữa, vẫn với lý do: “Thấy công an cứ đi theo để bắt mẹ, con sợ lắm, không đi học nữa đâu!”

Sự việc dù sao cũng đã xảy ra, tôi chưa biết phải lo liệu cho cháu thế nào trong năm học tới. Hy vọng trải qua mùa hè cháu sẽ nguôi đi nỗi sợ hãi. Đây cũng là thực trạng đau lòng, là một trong những thủ đoạn hèn hạ mà Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Việt Nam đã và đang sử dụng: chúng nhắm vào những đứa bé để khống chế tinh thần của những người tham gia đấu tranh. Nhưng chúng quên rằng: chính những hành động phi nhân, bất nghĩa đó là chúng đang tự tố cáo tội ác của chúng với nhân dân. Phong trào đấu tranh dân chủ vì vậy sẽ ngày càng lan sâu rộng hơn. Sẽ có những con người trung thực, khách quan chứng kiến sự bất công đó và họ sẽ không còn sợ hãi nữa mà ngược lại, họ mạnh dạn yểm trợ rồi sau đó cùng tham gia vào phong trào đấu tranh.

Xin cảm ơn mọi người đã bước vào con đường đấu tranh cùng chúng tôi!

Xin cảm ơn Quý vị đã đọc thư và xin kính chào toàn thể Quý vị!


Người viết thư tố cáo:

Lư Thị Thu Trang – Thành viên Khối 8406.

Địa chỉ liên lạc: 77/13B Trần Bình Trọng, P.1, quận Gò Vấp, Tp. Sài Gòn.


Ghi chú:

Xin gửi kèm tấm hình có viên sỹ quan công an tên Khanh, kẻ đã đánh tôi suốt ngày 28/4/2010, như tường trình ở trên. Ngày 22/12/2007, em gái tôi là Lư Thị Thu Duyên đã chụp được tấm hình này. Khanh khỏang trên 50 tuổi, đang ngồi trên chiếc xe máy màu đỏ, mặc áo màu xanh da trời, quần xanh đen và đội mũ bảo hiểm màu đen. Ảnh chụp tại trước cửa nhà tôi, khi Khanh đến đó tham gia đóng chốt.


Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


19 May 2010

Hòa giải dân tộc


Nhìn nhận sự thực, trong đó có việc nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chỉ là bước đầu. Một sự tin cậy thực sự chỉ có thể được hình thành qua hành động. Và bằng những chính sách cụ thể. Nhiều người nêu lên yêu sách giải tán đảng Cộng sản hoặc xoá bỏ điều 4 trong Hiến pháp liên quan đến việc độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản. Tôi cho những yêu sách như thế là lý tưởng nhưng rất ít có tính khả thi. Không bao giờ có chuyện một đảng cầm quyền tự động giải tán hay từ bỏ quyền lực khi chưa bị đẩy vào thế ở đường cùng cả. Mà trong tình hình chính trị quốc nội cũng như quốc tế hiện nay, có lẽ còn lâu đảng Cộng sản mới bị đẩy vào cái thế đường cùng ấy. Bởi vậy, thực tế hơn, chúng ta chỉ đặt ra một yêu sách: vì đất nước. Vấn đề đảng nào cầm quyền không quan trọng bằng vấn đề lý tưởng xây dựng một đất nước thực sự giàu mạnh, tự do và bình đẳng. Cơ sở để nhìn nhận và đánh giá lý tưởng ấy là các chính sách.

Nguyễn Hưng Quốc

Hòa giải dân tộc


Lâu nay, trong lãnh vực chính trị, một trong những chữ chúng ta, nhất là những người đang sống ở hải ngoại, thường nghe nhiều nhất là chữ “hoà giải”. Đó cũng là một trong những chữ gây tranh cãi nhiều nhất. Một số người đồng ý. Nhưng một số người khác lại chống đối kịch liệt. Không có kết quả điều tra nào cụ thể, nhưng tôi tin là con số những người chống đối cao hơn hẳn. Cứ nhìn vào các cuộc biểu tình đây đó hay trên báo chí và diễn đàn trên internet thì thấy ngay.

Nhưng tại sao người ta lại chống đối một điều dễ ngỡ là tốt đẹp như thế?

Trước hết, cần lưu ý: không phải chỉ có người Việt chúng ta mới nói đến chuyện hoà giải. Trên thế giới, trong mấy thập niên vừa qua, người ta cũng bàn nhiều đến vấn đề hoà giải. Lý do rất dễ hiểu: không có thời đại nào trong lịch sử, nhân loại lại bị chia rẽ một cách dữ dội và đối xử với nhau một cách độc ác như trong thế kỷ 20 vừa qua. Đệ nhất thế chiến. Đệ nhị thế chiến. Chiến tranh lạnh. Chủ nghĩa apartheid. Chủ nghĩa cộng sản. Xung đột sắc tộc. Hàng trăm triệu người bị giết chết. Hàng mấy trăm triệu người bị thương tật. Vết thương dai dẳng. Thù hận chồng chất. Đối diện với thực trạng ấy, hầu như ai cũng thấy hoà giải là một điều cần thiết. Không thể xây dựng một xã hội hoà bình và giàu mạnh và không thể an tâm hướng tới tương lai khi thương tích trong tâm hồn hàng triệu nạn nhân hay con cháu nạn nhân chưa được lành lặn, khi cảm giác nghi kỵ và thù hằn chưa được xoá bỏ. Bởi vậy, từ khoảng đầu thập niên 1990 đến nay, giới lãnh đạo nhiều quốc gia ráo riết đẩy mạnh quá trình hoà giải. Hoà giải giữa các quốc gia từng có thời thù nghịch và tàn sát nhau như giữa Nhật Bản và Trung Hoa, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa Indonesia và East Timor, giữa Đức và một số quốc gia Bắc Âu. Hoà giải trong nội bộ từng nước như giữa người Mỹ và người gốc Phi châu từng bị bán hoặc đày sang châu Mỹ làm nộ lệ thế kỷ trước, giữa người Úc và thổ dân, người Tân Tây Lan và người Maori, giữa người Nam Phi và người da trắng từng thống trị và đàn áp họ, v.v…

Nếu hoà giải là xu hướng chính của thời đại, tại sao nhiều người Việt ở hải ngoại lại chống đối chuyện hoà giải?

Lý do đầu tiên, theo tôi, là vì vết thương của người Việt Nam còn quá mới. Chiến tranh kết thúc mới 35 năm. Các trại cải tạo mới đóng cửa cách đây chưa tới 20 năm. Những người trải qua những kinh nghiệm thảm khốc trong chiến tranh cũng như những kinh nghiệm cay đắng trong các trại cải tạo, và tiếp theo, kinh nghiệm hãi hùng trong vượt biên vẫn còn sống và nhiều người vẫn còn tham gia tích cực vào các sinh hoạt chính trị, dù ở thế yếu, xa lắc ngoài đất nước.

Tuy nhiên, đây không phải là lý do không thể vượt qua được. Nỗi đau bị kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi còn mới hơn nhiều. Mâu thuẫn giữa Indonesia và East Timor lại càng mới hơn nữa. Vậy mà ở các nước ấy, quá trình hoà giải được tiến hành khá tốt đẹp.

Bởi vậy, theo tôi, lý do thứ hai này quan trọng hơn: chúng ta thiếu sự tin cậy đối với nhau.

Nói đến tin cậy là nói đến góc nhìn từ phía các nạn nhân. Một trong những chấn thương lớn nhất của các nạn nhân là sự đổ vỡ niềm tin đối với chính quyền. Không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Đừng tin những gì cộng sản nói; hãy nhìn những gì cộng sản làm” lại trở thành cực kỳ phổ biến sau năm 1975. Như một thứ danh ngôn. Không chừng đó là câu nói để đời duy nhất của ông Nguyễn Văn Thiệu trong suốt 8 năm làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà (1967-1975). Không thể nói đến hoà giải khi niềm tin ấy chưa phục hồi. Nhưng niềm tin chỉ có thể phục hồi từ công lý. Bởi vậy, ở đâu quá trình hoà giải cũng đều bắt đầu bằng sự thừa nhận sự thực. Nước Đức không thể hoà giải với người Do Thái hay nhiều quốc gia khác từng bị chiếm đóng ở châu Âu nếu cứ khăng khăng phủ nhận các tội ác của Nazi, đặc biệt, sự tồn tại của Holocaust. Nhật Bản không thể hoà giải với nhiều quốc gia Á châu, nổi bật nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, nếu không thừa nhận những tội ác chiến tranh của họ ở thập niên 1940.

Chính vì thế, quá trình hoà giải thường bắt đầu bằng một lời xin lỗi chính thức. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị thế chiến. Cũng năm 1990, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn Forest vào năm 1940 (Đàn Chim Việt: chi tiết này không chính xác, con số này là 22.000 người, chủ yếu là sĩ quan Ba Lan). Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây. Thủ tướng Anh Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Ở Nhật, năm 1993, Thủ tướng Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác mà nước Nhật đã gây nên thời Đệ nhị thế chiến. Năm 1995, Thủ tướng Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Keizo Obuchi lại xin lỗi lần nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc. (1) Riêng ở Úc, đầu năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ.

Những lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và thiện chí của các chính phủ nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại hầu hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác. Đó là yếu tố đầu tiên cần có để tạo nên sự tin cậy.

Ở các nước, mọi lời xin lỗi đều đi liền với sự đền bù. Trong hoàn cảnh Việt Nam, tôi không nghĩ sự đền bù là cần thiết, nhất là đối với những người Việt hiện đang sống ở hải ngoại. Thành thực mà nói, họ đã được đền bù. Không phải Việt Nam đền bù. Mà là quốc tế đền bù khi cứu vớt họ từ trên các chiếc thuyền vượt biển mỏng manh hoặc khi chấp nhận cho họ định cư ở các quốc gia tự do, từ đó, bản thân họ và con cháu họ được hưởng một cuộc sống an lành và no ấm, được hưởng các điều kiện giáo dục và an sinh xã hội thuộc loại hoàn hảo nhất thế giới. Họ không cần đền bù. Nhưng họ cần một lời xin lỗi, hoặc ít nhất, một sự nhìn nhận sai lầm từ chính phủ, như một điều kiện đầu tiên xác lập lại niềm tin cậy đã bị đánh mất.

Nhìn nhận sự thực, trong đó có việc nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chỉ là bước đầu. Một sự tin cậy thực sự chỉ có thể được hình thành qua hành động. Và bằng những chính sách cụ thể. Nhiều người nêu lên yêu sách giải tán đảng Cộng sản hoặc xoá bỏ điều 4 trong Hiến pháp liên quan đến việc độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản. Tôi cho những yêu sách như thế là lý tưởng nhưng rất ít có tính khả thi. Không bao giờ có chuyện một đảng cầm quyền tự động giải tán hay từ bỏ quyền lực khi chưa bị đẩy vào thế ở đường cùng cả. Mà trong tình hình chính trị quốc nội cũng như quốc tế hiện nay, có lẽ còn lâu đảng Cộng sản mới bị đẩy vào cái thế đường cùng ấy. Bởi vậy, thực tế hơn, chúng ta chỉ đặt ra một yêu sách: vì đất nước. Vấn đề đảng nào cầm quyền không quan trọng bằng vấn đề lý tưởng xây dựng một đất nước thực sự giàu mạnh, tự do và bình đẳng. Cơ sở để nhìn nhận và đánh giá lý tưởng ấy là các chính sách.

Nhưng vấn đề là: hiện nay đảng Cộng sản có thực sự vì đất nước hay không? Có rất nhiều bằng chứng cho thấy là không. Ít nhất, với họ, đất nước không quan trọng bằng quyền lợi của chính họ. Có ai đó tóm tắt cái thế tiến thoái lưỡng nan của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay một cách rất tài tình: “Theo Trung Quốc thì mất nước; theo Mỹ thì mất Đảng”. Theo ghi nhận của nhiều người, dường như đảng Cộng sản đang chọn: thà mất nước còn hơn mất Đảng.

Tuy nhiên, điều này đã được nhiều người phân tích, tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm: ít nhất với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chính quyền Việt Nam hoàn toàn không quan tâm đến lý tưởng xây dựng đất nước. Ý định hoà giải với cộng đồng người Việt chỉ xuất phát từ mưu đồ biến cộng đồng thành công cụ của họ, nhằm phục vụ cho lợi ích của chính họ mà thôi. Có thể thấy rõ điều này qua bức thư Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn gửi Dân biểu Mỹ Cao Quang Ánh ngày 31 tháng 3 vừa qua. Trong thư, ông Nguyễn Thanh Sơn viết:

“Chúng tôi tin tưởng rằng với thiện chí của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, với vị trí và uy tín của Ngài trong Chính quyền Mỹ cũng như trong cộng đồng người Việt sở tại… với những gì Ngài đã tận mắt chứng kiến và thực sự cảm nhận qua chuyến về Việt Nam vừa rồi, tôi huy [sic] vọng Ngài sẽ cùng hợp tác với chúng tôi để chúng ta có những cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn nhằm đem lại lợi ích thiết thực góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung thành cộng đồng người Việt ở hải ngoại thực sự đoàn kết vì Quê hương đất nước ruột thịt của mình.” (2)

Xin hãy lưu ý đến mệnh đề cuối: “nhằm đem lại lợi ích thiết thực nhằm xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung…”

Mục tiêu của hoà giải, như thế, chỉ nhằm “xây dựng cộng đồng người Việt Nam” ở hải ngoại. “Xây dựng” theo chiều hướng nào? Theo chiều hướng “đoàn kết” với chính quyền trong nước! Nghĩa là, nói cách khác, để biến thành công cụ của chính quyền!
Vậy mà cũng gọi là “hoà giải” sao?

À, tự nhiên sực nhớ chuyện năm 2005 chính quyền Việt Nam đã vận động chính quyền Indonesia và Malaysia đập bỏ tấm bia tưởng nhớ những người bị chết trên đường vượt biển ở đảo Galang và đảo Bidong, nơi dừng chân của cả hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam trước khi được định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó.

Chỉ có hai tấm bia nhỏ nhoi ở hai hòn đảo heo hút như vậy mà họ cũng không chịu nổi. Thì nói đến chuyện hoà giải làm gì cho mệt.


Nguyễn Hưng Quốc

Chú thích:
1. Xem “Reconciliation in the Asia-Pacific” do Yoichi Funabashi biên tập, United States Institutes of Peace Press xuất bản tại Washington, D.C. năm 2003, tr. 4-5.
2. Xem toàn văn bức thư trên ở http://josephcao.house.gov/UploadedFiles/Nguyen_Thanh_Son_request.pdf và thư trả lời của ông Cao Quang Ánh ở http://josephcao.house.gov/UploadedFiles/Letter_to_Deputy_Minister_Nguyen_Thanh_Son.pdf

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


18 May 2010

Chân đá banh tay cầm búa Mác hoà giải


“Nói thật anh, việc ấy thì tôi biết ngay khi tôi lên trên núi thì tôi biết MTGP là một trò bịp bợm, tức là một tổ chức hữu danh vô thực, nó là tổ chức của CS thôi, gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhưng mà tất cả đều do Hà Nội chỉ đạo thôi. Việc đó tôi biết ngay và họ cũng không giấu anh ạ! Lúc đó mình ở trong tay họ rồi nên họ cũng không giấu”.

“Giống hệt như tôi! Vị nào cũng được mời họp hết. Riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc mà quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy, tức là mời bà đị họp rồi võng Bà lên núi luôn”.

Lê Hải Lăng

Chân đá banh tay cầm búa Mác hoà giải


Khi mà cả thế giới lên án tội diệt chủng do chủ nghiã cộng sản (CS) tạo ra, khi chính nhân dân Nga kéo sập tượng Lenin, khi những cuốn phim tài liệu phơi bày các vụ thảm sát dã man người vô tội do Stalin chỉ đạo, thì Đảng CS Việt Nam lại khăng khăng ôm lấy và ca tụng cái chủ thuyết mà nhân loại đã ghê tởm.

Bắc Bộ phủ Ba Đình cố sức đào xới cái thây ma trong đống rác xã hội chủ nghĩa rồi tô son vẽ phấn bắt người dân Việt Nam (VN) chiêm ngưởng coi đó như là ngọn đuốc hải đăng.

Trong cuộc họp kỷ niệm 140 năm sinh nhật Lenin, Trương Tấn Sang đọc diễn văn: “…Ðảng ta luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lenin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tinh thần khoa học, tính cách mạng, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lê-nin vẫn còn mãi trong trái tim, khối óc của hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới…”

Trong ngày kỷ niệm 35 năm ngày chiếm miền Nam, báo Lao Động viết: “Trong bản tham luận gửi đọc tại hội thảo, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: “Đại thắng mùa xuân 1975 được tạo nên bởi ý chí, nghị lực, trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, của sự giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế. Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh hùng hồn: Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, chiến thắng trọn vẹn”.

Xem những phát biểu trên đây, tự nó đã cho thấy tập đoàn Ba Đình đã vì chủ nghĩa CS quốc tế mà đã cài đặt chiến tranh tương tàn lên quê hương. Hết họ Hồ cõng rắn cắn gà nhà, gây cảnh nồi da xáo thịt, đến xương máu đổ trên xứ Chùa Tháp. Rồi chính vì quyền lợi cuả nghĩa vụ thiên lệch về Nga mà Đảng CS Trung Quốc đã “dạy cho VN một bài học” trên sáu tỉnh biên giới.

Bè phái Ba Đình tiếp tục ngự trị trên ngai vàng, vẫn manh tâm đi ngược lại trào lưu tiến hoá của nhân loại, đưa thảm hoạ nô vong càng ngày càng lún sâu vào cái bánh xe xiềng xích từ Bắc phương. Những tên đóng phim chính trị Ba Đình không có chủ trương khai phóng, phát triển quốc gia trên cương vị lấy dân tộc làm gốc. Ngược lại, chúng cố sức bám víu cái chắp nối này tới cái chắp nối kia trong cái quỹ đạo Trung Cộng để đảng được sống và tác oai tác quái lên đầu cổ hơn 80 triệu người.

Đảng đã từng chụp mũ cho Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là bán nước, tham nhũng. Nhưng thử hỏi có tài liệu nào cho thấy Việt Nam Cộng hoà làm mất một tấc đất nào về tay ngọai bang không. Tập đoàn CS đã có bản văn dâng Hoàng Sa do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Mười sáu tấn vàng đảng uỗm lấy chia nhau xài. Ông Thiệu có lấy đi ký lô nào chưa. Ông Thiệu đã từng ban luật người cày có ruộng giúp nông dân, trong khi Đảng cướp đất bán rẻ cho tài phiệt ngoại bang xây sân gôn du hí ăn chơi. Ai là đại tham nhũng, đại cướp bóc, làm cho đồng bào mất nhà cửa đất đai để rồi con gái phải bán đi nước ngoài làm nô lệ tình dục, chưa kể tới chuyện trẻ con đi làm điếm? Ai là thủ phạm kéo cột mốc biên giới dần dần xuống gần Hà Nội? Ai cúi đầu vâng dạ lệnh Thiên triều phương Bắc để ngư dân không có quyền đánh cá trong biển cả của tổ tiên để lại.

Đảng thay phiên nhau đi đi về về nâng ly chúc tụng đàn anh với “mười sáu chữ vàng, bốn tốt”. Khi quay lại cố quận đảng xiết cổ kẻ đồng hội đồng thuyền với mình. Trong lịch sử từ cổ tới kim, giặc Tàu đã dùng kế sách mua chuộc, tạo phân hoá, chia rẽ để trị dân Nam. Chuyện đảng bắt tù những người yêu nước, đánh đập, cướp phá nhà thờ, tu viện, chuà chiền, nhất định phải có bàn tay lông lá “môi hở răng lạnh, thắm thiết Việt -Trung”.

Chuyện bắn giết, tịch thu thuyền đánh cá rành rành hàng ngày như sáu câu vọng cổ quen thuộc. Thế mà nhà nước độc tài vì “tiền đồ dân tộc” lại sợ phạm húy nên chỉ dùng chữ “tàu lạ”, “nước ngoài’! Có phải chăng Việt Nam đã trở thành tỉnh lẻ?

Dòng họ Hán vào Tây Nguyên như đi chợ Tây Tạng. Người Thượng ở miền núi không rành tiếng Kinh nhưng họ vẫn gọi đích danh là “Tàu Cộng”. Còn như cả một bộ máy quyền lực lố nhố tư bản đỏ, mặc áo vét tông xuống núi lại không dám mở miệng kêu rõ tên “thằng lưu manh hải tặc”gốc gác là Tàu.

Đúng là tập đoàn khôn nhà dại chợ. Bị chủ kéo mũi như súc vật cũng chịu khâm phục làm cái kiếp ngựa trâu tôi mọi.

Đã làm cả nước khốn khố, dân mất đất đứng, thế mà đảng chưa chịu dừng ở đó. Đảng vươn cánh tay dài ra hải ngoại phá bĩnh, lũng đoạn tập thể người Việt. Nghị quyết 36 ra đời sáu năm nay, tuy nhiên đảng đã ôm cay ngậm đắng khi những tên hoạn heo, lái buôn mang bị đi chu du phải chui cửa sau để vào nhà thiên hạ. Còn gì nhục hơn khi người lãnh đạo ra nước ngoài bị chính dân mình dàn chào bằng la ó “cút đi”. Thế mà khi về nước lại đứng trên bệ ngọc hả mồm cười nhìn công an dùng lựu đạn, dao găm, dùi cui đá đạp dân oan khiếu kiện.

Gần đây Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn biên thư cho Dân biểu Cao Quang Ánh thỉnh cầu hợp tác.

Bao lâu nay trò ma giáo rẻ tiền đã hết hiệu nghiệm rồi. Ngay cả chuyện tổ chức đại hội Việt kiều cũng chỉ có vài con nhạn trở về vì thích đi xe có hụ còi. Chân đảng đá trái banh ra tự nó đã xì hơi vì chính bị bàn tay đảng cầm cái buá Mác đè lên.

Bản chất của Đảng là lường gạt, nhổ nước miếng ra rồi liếm lại, xạo ke hơn những tay anh chị đứng đường, quỷ quyệt ma mãnh hơn thảo khẩu cướp biển. Thế thì làm sao đổ thừa người Việt hải ngoại “ngộ nhận” cho được.

Người viết xin đưa ra một vài trường hợp điển hình dưới đây về chuyện những người ở trong chăn để biết thế nào là “con đường mang tên hoà hợp hoà giải”.

Trương Như Tảng năm 1976 qua sống lưu vong ở Pháp, đã hối hận là không vâng lời cha dạy mà đi theo CS.

Còn bà Dương Quỳnh Hoa nói: “Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn”. Và khi nhận định về bức tường Bá Linh, bà nói: “Đây là ngày tàn của một ảo tưởng vĩ đại”.

Trả lời câu hỏi “Hoàn cảnh đưa đẩy họ đến núi đó có tương tự như ông không?” của phóng viên Nguyễn An đài RFA, Lê Văn Hảo cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Huế trong biến cố Mậu Thân nói như sau:

“Nói thật anh, việc ấy thì tôi biết ngay khi tôi lên trên núi thì tôi biết MTGP là một trò bịp bợm, tức là một tổ chức hữu danh vô thực, nó là tổ chức của CS thôi, gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhưng mà tất cả đều do Hà Nội chỉ đạo thôi. Việc đó tôi biết ngay và họ cũng không giấu anh ạ! Lúc đó mình ở trong tay họ rồi nên họ cũng không giấu”.

“Giống hệt như tôi! Vị nào cũng được mời họp hết. Riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc mà quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy, tức là mời bà đị họp rồi võng Bà lên núi luôn”.

“Những người trẻ hơn như anh Tôn Thất Dương Tiềm thì lúc đó đi theo quân giải phóng, ông Tiềm là Việt Cộng nằm vùng mà! và một vài vị khác cũng là Việt Cộng nằm vùng thì cũng tà tà lên núi thôi và tất cả chúng tôi gặp nhau ở trên núi, và khi đi ra ngoài Bắc thì chúng tôi cũng đi cùng một lượt với nhau”.

Đoàn văn Toại viết:
“Sau khi Sài Gòn thất thủ, rất nhiều nhà trí thức tiến bộ cũng như nhiều nhà lãnh đạo các phong trào phản chiến trước đây đều tin rằng chính quyền mới sẽ đem lại dân chủ và tự do thay cho sự thống trị của ngoại bang. Họ tin rằng chính quyền mới sẽ đeo đuổi các quyền lợi tốt nhất cho nhân dân. Sẽ giữ đúng lời hứa của chính họ về chính sách hoà giải dân tộc, không có sự trả thù. Phủi sạch những hứa hẹn, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt giam hàng trăm ngàn người, không chỉ những người đã cộng tác với chế độ Thiệu mà cả những người khác, bao gồm các vị lãnh đạo tôn giáo và các cựu thành viên MTDTGPMN”

“…Một cái chết âm thầm khác là của Luật sư Trần Văn Tuyên, một lãnh tụ khối đối lập tại Quốc hội dưới thời Tổng thống Thiệu. Nhà hoạt động nổi tiếng này đã chết dưới bàn tay cộng sản vào năm 1976, mặc dù vào cuối tháng 4/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tuyên bố với các phóng viên Pháp rằng ông vẫn còn sống mạnh khoẻ trong trại cải tạo. Một trong những tổn thất to lớn nhất là cái chết của triết gia nổi tiếng Việt Nam Hồ Hữu Tường. Tường, bạn đồng môn với Jean Paul Sartre thập niên 30 tại Paris, có lẽ là nhà trí thức hàng đầu tại Nam Việt Nam. Ông chết tại nhà tù Hàm Tân vào ngày 26/06/1980. Đây là những người bị bắt, cùng với rất nhiều những người khác trong nhóm những người Nam Việt Nam ưu tú và được trọng nể nhất, với mục đích ngăn ngừa bất cứ một sự chống đối nào với chế độ cộng sản”…(Trích bản dịch Felix Nguyễn)

Cha Nguyễn Ngọc Lan, dùng báo“Đối diện” với chính quyền VNCH, là vua quậy phá nền dân chủ tự do chưa được hoàn hảo cho lắm. Dùng báo và tu viện làm bàn đạp tấn công nền tảng pháp trị miền Nam. Khi được đảng CS cho ăn bánh “hoà giải” con ma vú xẹp này không được viết theo suy nghĩ cuả mình, không được ăn bã mía, đành quay sang “Đứng dậy”(tiền thân cuả tạp chí Đối Diện). Rồi cả báo, cả người chết trong tức tưởi vì không được nói. Và khi biết thành phần thứ ba chỉ là thứ công cụ giai đoạn, biết thế nào là “Tin Sáng” hoặc Tin tối, thế nào là hoà hợp hoà giải, thì đã phải ôm khăn đi theo “bác Hồ”

Khi đảng lâm thế kẹt với cộng đồng thế giới, đảng xuất chiêu hoà giải tôn giáo.Tăng đoàn Làng Mai đi từ Bắc vô Nam tha hồ múa xiệc cái bánh vẽ tự do. Lúc đạt được chuyện lừa lọc, không bao lâu sau đảng quay lưng đánh phủ đầu sư Thích Nhất Hạnh qua vụ Bát Nhã.

Khi đảng chìa một tay ve vuốt “khúc ruột ngàn dặm” để vớt đô la, thì tay kia chém vè kéo tóc, kéo cổ áo, bịt miệng bà con họ hàng của Việt kiều sinh sống trong nước. Đảng là tay tổ xỏ lá. Ngay cả trong hàng ngũ đảng. Như ông Nguyễn Hộ cuả Câu lạc bộ kháng chiến cũ cũng bị bỏ tù.

Đám ma Tướng Trần Độ, ông Hoàng Minh Chính đảng cũng kéo ghế ăn có phá đám như kiểu con nít trả thù vặt.

Đảng CS đã có một thời nhai đi nhai lại như giẻ rách là vu khống miền Nam bị chế độ kềm kẹp không có tự do. Thử hỏi ba mươi năm cai trị miền Bắc, CS đã cho ai được tự do nói,tự do biểu tình chưa. Hãy hỏi sư cô Huỳnh Liên, Huỳnh Tấn Mẫm, Đoàn Văn Toại, Lê Văn Nuôi xuống đường đóng chốt bao nhiêu lần để hô hào chống chính quyền.

Cháy nhà mới ra mắt chuột. Không có gì che đậy mãi dưới ánh sáng mặt trời. Đảng CS đã lộ nguyên hình một băng cướp. Cướp chính quyền, cuớp tài sản quốc gia. Bên cạnh đó chính tập đoàn CS là một bầy gia nô cho quan thầy Trung Cộng. Bắc Bộ phủ Ba Đình ví như cái chuồng sở thú mà kẻ nuôi ăn sai khiến thú vật chính là bàn tay bá quyền Bắc Kinh.

Khi nhà cầm quyền bất tín với dân, khi cả nước đứng bên bờ vực thẳm ngoại xâm, đưa trái banh hoà hợp hoà giải cho tập đoàn Ba Đình chẳng khác nào đưa cô gái 16 trăng tròn xóm củi cho thằng ma cô cầu ba cẳng. Chân đảng đá banh “đối thoại”tay giữ chặt cái búa Mác. Nguyễn Thanh Sơn,Trương Tấn Sang trả lời dùm, nếu chấp nhận đối thoại thì có bao nhiêu cái đầu vô tội bị buá đập khi lỡ mắc bẩy? Nói như Michail Gorbachev: “Đảng CS mà ông phục vụ chỉ giỏi gian xảo tuyên truyền.”

Muốn chống ngoại xâm, không gì mạnh hơn là có một chính quyền hợp pháp do dân lựa chọn. Đây là vấn đề mà thế hệ trẻ phải đặt ra để tự chung tay giải quyết. Đất nước đi thụt lùi hay phú cường tùy vào giới lãnh đạo. Một khi sơn hà bị xâm lăng vì nhà cầm quyền khiếp nhược, nhiệm vụ và bổn phận công dân của tuổi trẻ là dấn thân nhập cuộc để cứu nguy Tổ quốc. Không có đảng nào lại bán giang san Tổ quốc bằng Đảng cướp Cộng sản VN!

Không có ai yêu nước thương bản thân mình bằng trái tim 80 mươi triệu người dân Việt.
Không có ai lo cơm áo cho “khúc ruột nghìn dặm” bằng chính họ.


Hô hào đừng “ngộ nhận” nữa, “yêu cầu hợp tác” chỉ là bánh vẽ – gông cùm. Ai muốn ăn, cứ việc, nhưng đừng rập toa nhau xúi dại người khác lao đầu vào chổ chết. Chết kiểu bị chôn sống ở Huế Mậu Thân 1968 đó, biết không?


Lê Hải Lăng

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh


Những vấn để của nước Nhật


Điều chắc chắn mà Việt Nam mình nên học của Nhật là: Tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể, tôn trọng kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần học hỏi cầu tiến, tính khiêm nhượng, biết người biết ta, tính sạch sẽ, tính đúng giờ và nhất là tính không nói dối nói khoác.

Ngô Khôn Trí

Những vấn để của nước Nhật


Nhật Bản là một nước đông dân, nghèo nàn về tài nguyên, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, thế nhưng kinh tế Nhật Bản đã sớm phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973) khiến cho thế giới phải ngạc nhiên và khâm phục. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học và kỹ nghệ, có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tính theo GDP. Nhiều bài viết đã thần tượng hoá, gọi là “Thần kỳ Nhật Bản”.

Nhiều quốc gia theo sau chọn mô hình của Nhật để phát triển kinh tế vì muốn có những thành tích kinh tế lừng lẫy như Nhật.

Nhưng ít ai thấy hết những gì mà người nước Nhật đã đánh mất để có được, không đánh giá đúng những gì mà nước Nhật đã trả , không thấy hết những hậu quả mà dân Nhật đã và còn đang hứng chịu do những sai lầm trong việc phát triển quá nhanh không đồng bộ, nặng về phần khối lượng hơn về phẩm lượng.

Trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhiều nông dân Nhật đã rời bỏ nông thôn, di cư vào các đô thị để kiếm sống, một số bị ép bán đất đai để ưu tiên xây dựng nhà máy, sân gôn, khu nghỉ mát, phi trường mới v.v. Đa số nông dân không có trình độ học vấn cao nên không kiếm được việc làm tốt và ổn định, chính vì thế họ trở thành những cư dân nay đây mai đó, kiếm sống ngày qua ngày, một số không may mắn trở thành ăn mày trên các đường phố, nhà ga.

Vào những thập niên 1970, lúc còn du học tại Nhật bản, tôi đã chứng kiến tận mắt có rất nhiều người ăn mày, vô gia cư sống trong những ổ chuột của các nhà ga, các công viên ngay tại trung tâm Tokyo. Một số vì quá bất mãn đâm ra loạn trí đã dùng dao đâm loạn đám đông đi qua nhìn họ với cặp mắt khinh bỉ, cũng có kẻ khùng điên đem đổ xăng vào xe buýt rồi đốt cháy v.v. Trong khi đó, tại nông thôn chỉ còn lại những ông già bà lão với những đàn ông là trưởng nam của gia đình phải ở lại để kế nghiệp cha mẹ, những người này không thể tìm được vợ, do đó đã xuất hiện nhiều công ty môi giới giới thiệu các cô dâu đến từ các nước nghèo Á Châu.

Số người làm ngành nông càng ngày càng giảm đi, trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.

Trong khoảng thời gian này, nước Nhật được thế giới ca ngợi là “Japan as number One”.

Tại những đô thị lớn như Tokyo, Osaka, những tòa nhà đồ sộ của chính phủ và tư nhân đua nhau mọc như nấm, dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân trong các đô thị. Diện tích công viên cây xanh mất dần, đường xá chật hẹp, thường xảy ra nạn kẹt xe, khí thải của xe cộ làm ô nhiễm thành phố, việc xử lý rác thường và rác công nghiệp v.v. Thời đó, chính phủ Nhật đã có những quyết định dời các trụ sở của nhà nước ra ngoài trung tâm thành phố, thành lập những trung tâm vệ tinh, khuyến khích các xí nghiệp di chuyển ra ngoại ô, qui định giờ giao thông của các xe tải hạng nặng, xây thêm nhiều cao tốc, thay đổi giờ làm việc của các xí nghiệp và các trường học, trồng thêm cây xanh, xây cất nhiều chung cư ở viền đai thành phố v.v.

Tỷ lệ chiếm hữu đất đai của các đại công ty càng ngày càng gia tăng, nhất là ở đô thị lớn. Tỷ lệ tư nhân làm chủ đất đai càng ngày càng giảm đi. Để đạt được những thành tựu về kinh tế, để kiếm được nhiều lợi nhuận, các công ty khuyến dụ nhân viên làm thêm giờ (zangyò). Nhân viên nghĩ rằng cuộc sống sẽ sung túc ra, nhưng thực chất họ không giàu thêm bao nhiêu, vì những chi phí cho cuộc sống của con người như: giá bất động sản, chi phí giao thông, chi phí ăn uống, chi phí giáo dục cho con cái, chi phí y tế v.v. càng ngày càng leo thang với tốc độ nhanh hơn đồng lương mà họ kiếm thêm vào. Đó là chưa nói đến đời sống tinh thần, thời gian sinh hoạt của gia đình càng ít ỏi (Thời gian di chuyển trong một ngày mất gần 2 giờ, vào những ngày trong tuần, thời gian người cha, người chồng tiếp xúc với gia đình chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ). Hạnh phúc gia đình bị hy sinh. Tỷ lệ sống độc thân càng ngày càng gia tăng, 4% vào năm1980 và dự đoán sẽ tăng đến 17% vào năm 2020.

Ngoài sức ép trong việc cạnh tranh để vào học các trường nổi tiếng , để xin việc làm ổn định trong các công ty lớn, giới trẻ ở Nhật gặp nhiều khó khăn tài chánh trong việc tìm kiếm cuộc sống tự lập, họ phải trả giá khá đắt cho việc thuê một căn hộ, do bởi chế độ cho thuê nhà phi lý của các chủ nhà ở Nhật Bản. Người thuê phải trả nhiều chi phí như: 1 tháng tiền nhà cho người môi giới (Fudoya san) gọi là “chukai ryòkin”; 2 tháng tiền nhà để đặt cọc (gọi là shikikin); 1 tháng tiền nhà trả trước và 2 tháng tiền nhà để làm quà cho chủ nhà (gọi là reikin). Tổng cộng phải có đủ tiền để trả 6 tháng tiền nhà trước khi dọn vào ở.

Có rất nhiều giới trẻ hiện nay không muốn lập gia đình và không muốn có con vì thấy chi phí nuôi con và cho con đi học đại học vượt ngoài khả năng chứ đừng nói chi việc mua nhà cho mình. Tỷ lê tự tử ở những người trẻ ngày càng cao do nhiều sức ép từ xã hội và nơi làm việc. Nhật bản là một trong những nước có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới, 70% là đàn ông mà phần lớn là những thanh niên dưới 30 tuổi. Mặc dù chính phủ Nhật đã bỏ ra 22,5 tỷ yên (tương đương 220 triệu đô la) cho chương trình chống tự sát để giúp đỡ những nạn nhân mắc hội chứng căng thẳng tâm lý và một số bệnh lý khác thoát khỏi giai đoạn khó khăn, để làm giảm tỷ lệ này, nhưng tỷ lệ vẫn gia tăng, hiện rõ nhất từ những năm 1990. Năm 2009 đã có trên 30 000 vụ tự sát, con số tương tự như vậy đã xảy ra liên tục trong 12 năm qua. Trung bình, mỗi ngày có 100 người Nhật tự sát.

Trong thời kỳ phát triển kinh tế cao độ, vào những năm 1950-1970, các chất độc hại được thải ra từ các công trường sản xuất đã làm ô nhiễm nước, không khí, thực phẩm, gây ra nhiều căn bệnh có hại cho con người. Người ta đã phát giác nhiều căn bệnh ô nhiễm (công hại), trong đó có 4 căn bệnh công hại lớn nhất (四大公害病 yondai kōgai-byō) là: Bênh Minamata (水俣病) phát sinh năm 1956 tại Kumamoto-ken, là căn bệnh hội chứng thần kinh đầu tiên trong lịch sử nhân loại, gây ra bởi nhiễm độc thủy ngân. Bệnh Dainiminamata (第二水俣病) phát sinh năm 1964 tại ShinNigata-ken. Bệnh suyễn Yokkaichi (四日市ぜんそく) phát sinh tại Mie-ken, Shimane và Miyazaki-ken vào những năm 1962-1972. Bệnh itai-itai (イタイイタイ病) phát sinh tại Fukuyama vào những năm 1910-1970.

Trải qua một thời gian lâu dài gần hơn 30 năm đấu tranh đòi bồi thường của trên mười ngàn gia đình nạn nhân thấp cổ bé họng, kể từ khi phát hiện cho đến những năm 1975. Tòa án đã kết tội các công ty hóa chất như: Chisso, Showadenkò. Vào tháng 3 năm 2001, chính thức thừa nhận 2265 nạn nhân, trong số đó 1784 nạn nhân đã chết. Đến năm 2004, tại Toà án Tối cao của vùng Kansai, chính phủ và chính quyền vùng Kumamoto đã nhìn nhận trách nhiệm, công ty Chisso bị phạt đền bù 86 triệu Yen. Vào tháng 10 năm 2007, Hội Hổ tương Nạn nhân bệnh Minamata, khoảng 2100 người chưa được giải quyết, đã cùng khởi tố xí nghiệp và chính phủ, số tiền đòi bồi thường lên đến 2,28 tỷ yen. Tổng giám đốc công ty Chisso từ chối. Tháng 7 năm 2009, Ủy ban đặc biệt phụ trách những vấn đề và cứu trợ các nạn nhân mắc bệnh Minamata được thành hình (gần trên 54 năm kể từ khi phát hiện căn bệnh). Vào tháng 3 năm 2010, chính phủ , chính quyền địa phương và công ty Chisso đồng ý đền bù 2,1 triệu yen và chi phí điều trị cho mỗi nạn nhân. Đó là một trong những hậu quả mà dân Nhật đã và đang phải gánh chịu.

Ngày nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia mà người dân có mức thu nhập khá cao trên thế giới. Nhiều người nước ngoài cho rằng cuộc sống ở Nhật Bản thật sung sướng vì lương bổng cao, phúc lợi tốt. Với đồng lương lãnh ở Nhật đem tiêu xài ở nước ngoài, nơi mà vật giá rẻ hơn nhiều, thì rõ ràng dễ mang lại ấn tượng người Nhật rất giàu có. Bản thân người Nhật cũng nghĩ rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, nếu lấy tổng thu nhập của mỗi hộ gia đình trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm, chi phí ăn uống, đi lại, tiện nghi, giáo dục cho con cái, v.v. thì chẳng còn lại bao nhiêu.

Theo thống kê năm 2008, thu nhập bình quân mỗi tháng của một gia đình là 534 235 yên (khoảng 5000 đô la), sau khi trừ thuế thu nhập, thuế cư trú và các loại cước phí bảo hiểm như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, v,v… còn lại 442 749 yen (disposable income). Trừ chí phí sinh hoạt (living expenses) là 324 929 yen, còn lại là 117 820 yen. Số tiền còn lại này dùng để trả nợ nhà, chi phí bảo hiểm nhân mạng, để dành. Nếu phải trợ cấp cho 1 hay 2 người con ăn học đại học ở trong các đô thị lớn thì rất chật vật. Riêng học phí của đại học cũng rất đắt: 158 718 yen ở trường công và 325 849 yen ở trường tư.

Đắt đỏ nhất ở Nhật Bản phải kể đến là giá nhà ở. Tuy giá đất ở Nhật đã giảm nhiều kể từ khi nền kinh tế thổi phồng sụp đổ, giá đất ở Tokyo và Osaka vẫn đắt nhất trên thế giới. Giá của một căn hộ (condo) tại Tokyo khoảng 27 triệu yen, tức khoảng 5 lần lương 1 năm của một gia đình. Giá của một căn nhà có đất tại Tokyo đắt kinh khủng, người dân bình thường không bao giờ mơ tưởng mua được. Khi mua nhà, người ta thường trả góp kỳ hạn 20-30 năm, nhưng ở Nhật người ta được phép trả góp lâu dài hơn. Một khoản chi phí lớn khác trong gia đình là chi phí ăn uống. Thực phẩm tại Nhật rất đắt so với nhiều nước khác trên thế giới. Thống kê cho thấy mức chi trung bình khoảng 70 000 yen / tháng, chiếm khoảng 20% chi phí sinh hoạt. .

Tóm lại, nước Nhật là một nước văn minh và giàu có về vật chất nhưng chất lượng cuộc sống của người dân chưa được nâng cao đúng mức. Nước Nhật đã có những thành công đáng khâm phục nhưng cũng vấp phải những thất bại, hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng mà các nước theo sau nên học hỏi.

Điều chắc chắn mà Việt Nam mình nên học của Nhật là: Tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể, tôn trọng kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần học hỏi cầu tiến, tính khiêm nhượng, biết người biết ta, tính sạch sẽ, tính đúng giờ và nhất là tính không nói dối nói khoác.


Ngô Khôn Trí

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh




Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers