Phật lịch 2554 TĐPĐ/VTT THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2554 của Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN Kính gửi: - Chư tôn Trưởng Lão Hội Đồng Lưỡng Viện, chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng ni. - Cùng toàn thể Phật tử các giới trong và ngoài nước. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn Đại đức, Thưa toàn thể Đồng bào Phật tử, Phật Đản, ngày trần gian chào đón Đức Thế Tôn đem An lạc, Giải thoát xuống trần gian khổ lụy. Thay mặt chư Tôn đức Trưởng lão Hội Đồng Lưỡng Viện, tôi trân trọng kính gửi đến chư tôn Hoà Thượng, chư Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni cùng đồng bào Phật tử trong và ngoài nước lời chúc mừng nồng nhiệt và bày tỏ niềm tin bất thoái vào Chánh pháp, nỗ lực phát huy sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, vượt thoát ma chướng, hoàn mãn sứ mệnh Như Lai sứ giả. Nhìn vào tấm gương lịch sử xưa nay, những cuộc va chạm văn hóa bằng bạo lực chỉ đưa tới sự phá sản tan tành các dân tộc bị trị, từ các cuộc cướp phá thành La Mã, thập tự chinh, khám phá Châu Mỹ cho đến những cuộc xâm thực Châu Phi. Thế nhưng khi gót giày Alexandre Đại đế tiến công đến bờ Ấn độ hà (Indus) năm 325 trước Tây lịch, thì sự tiếp cận với phương Đông Phật giáo thông qua A Dục vương Đại đế đã làm nên một nền văn hóa tổng hợp Gandhara của bao dung và hòa bình. Những nghệ sĩ và điêu khắc gia Hy lạp đến từ phương Tây thời ấy đã tìm ra chân dung hoan lạc của Đấng Từ Bi thay thế cho vô số thần linh phức tạp trong thần thoại của họ, khi từ dải đất Đông phương này, A Dục vương giới thiệu với họ chân lý đạo Phật. Tượng Phật ra đời từ đây, trên mặt tiền bằng vàng, bạc hay đồng cho đến tượng đá, lan truyền khắp vùng Đông Á, Trung quốc, Triều Tiên, Nhật bản, Việt Nam… Tượng chỉ là kỳ công của người điêu khắc đá, nhưng dưới đôi mắt đắc pháp, tượng trở thành Người Giác ngộ soi sáng cõi vô minh. Suốt tám thế kỷ, lý tưởng chung sống an lạc giữa các giống dân dọc biên địa A Phú Hãn và Pakistan ngày nay, kéo dài từ Kaboul đến Peshawar, Islamabad, bao trùm Trung Á và hàng nghìn quần đảo Nam Dương, đạo Phật đã theo tám đoàn truyền giáo của A Dục vương đem an lạc, hạnh phúc cho toàn cõi Ấn Độ thống nhất lần đầu, và vượt biên cương qua đến Tích Lan, Miến Điện, Mã Lai, Cam Bốt, Việt Nam, Hy Lạp. Cho đến ngày một tôn giáo dùng bạo lực truyền đạo từ thế kỷ thứ 9 trở đi hoành hành dưới vó ngựa cuồng chinh, đạo bao dung, hòa bình của Phật giáo mới tiêu điều, mà tiếng mìn nổ cuối cùng còn nhắc nhở người Phật tử năm 2001 khi những người Talibans phá hủy hai tượng Phật kỳ vĩ ở Bamiyan, A Phú Hãn. Bạo lực bắt nguồn từ mìn nổ, chiến tranh, nhưng bạo lực còn là những chế độ hung tàn không nhân tính, hủy triệt con người tự do và đạo lý. Từ hình ảnh điêu linh trải dài mười một thế kỷ qua, tôi kêu gọi người Phật tử hải ngoại hãy cùng với các nhân sĩ thế giới tái lập đạo bao dung, an lạc của Phật giáo giữa thời đại bạo động và khủng bố ngày nay. Điều mà ba mươi lăm năm qua người Phật tử trong nước không được quyền thực hiện. Dù vậy, ba mươi lăm Mùa Phật Đản đã qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đứng lên thể hiện nguyện vọng chính đáng, thiết tha của người dân Việt. Không phải là nguyện vọng chính trị đơn thuần, mà là những nguyện vọng sống còn và thiết yếu của quần chúng Việt Nam trong việc cải thiện cơ bản trên các lĩnh vực văn hóa, đạo đức, kinh tế, xã hội, chính trị. Ngày nay còn thêm nạn ngoại xâm uy hiếp lấn biển, lấn đảo, lấn đất, lấn rừng. Phật giáo không chủ trương chống đối cá nhân, tập đoàn, mà chỉ đối kháng sự độc đoán, bất lực, hủ hóa, phi đạo lý, cùng những chính sách sai lầm đang đẩy dân tộc vào con đường nô lệ, diệt vong. Đạo giác ngộ khó phát triển trong một thân thể bệnh hoạn, ung thư. Giáo lý từ bi không thể nẩy nở trong một đất nước bạo tàn, chuyên chế. Cho nên thân thể phải cường tráng mới dễ chở đạo qua bến bờ giải thoát ; đất nước tự do, dân chủ mới thuận duyên cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Ngôi nhà Việt Nam sau một trăm năm bị ngoại xâm chiếm đóng, sáu mươi lăm năm huynh đệ tương tàn, rồi độc tài toàn trị. Đã đến lúc người Phật tử không thể khoanh tay đứng ngó hay than thân trách phận, chờ đợi kiếp sau, mà phải đứng lên noi gương Ngài A Dục trải xuống cõi Diêm Phù Đề con đường siêu bạo lực, mở rộng từ bi, khai thông trí tuệ, nối tiếp Con Đường Phật 2554 năm trước. Có như thế, chúng ta mới thành kính Nhớ Phật, trả ơn Phật trong Mùa Phật đản năm nay. Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật. Thanh Minh Thiền Viện, ngày Phật Đản 2554, Tây lịch 2010 Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo (ấn ký) Sa Môn Thích Quảng Độ |
Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh |
No comments:
Post a Comment