30 May 2009

Sự khác nhau giữa Dân chủ và Tự do

Nếu vội vàng tạo lập Dân chủ nơi chính quyền trong khi chưa giành được những quyền tự do dân sự trong dân chúng thì đó là thứ Dân chủ không có gốc, nó dễ dàng trở thành phản bội



Hai khái niệm Tự do ( Liberty) và Dân chủ (Democracy) xưa nay thường được hiểu là tương tự, hoặc ít ra thì cũng rất gần nhau, theo hướng giải phóng con người. Quả thực, trong các nước dân chủ phương Tây thì hai yếu tố ấy cũng bện chặt vào nhau để tạo nên một nền Dân chủ - Tự do (liberal democrcy). Hầu hết chúng ta đều hiểu Dân chủ và Tự do là hai yếu tố biến thiên cùng chiều như một cặp bài trùng. Vì thế cũng không ai mổ xẻ tách bạch sự khác nhau giữa hai khái niệm ấy làm gì.

Song thực tiễn chính trị đã khiến cho hai từ Dân chủ và Tự do buộc phải được hiểu môt cách chính xác hơn (nhưng vẫn cùng chiều), rồi thật bất ngờ, dưới bàn tay nhào nặn khéo léo của một số nhà chính trị ở một số quốc gia, Dân chủ và Tự do không bện chặt vào nhau nữa, chẳng những rời nhau ra mà có thể còn chống lại nhau. Từ đó hình thành và phát triển những hệ thống chính trị Dân chủ- nhưng không Tự do (illiberal democracy).

Nhiều chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, thậm chí các chính quyền được bầu lại hoặc được tái xác nhận thông qua trưng cầu dân ý, lại càng bất chấp các giới hạn quyền lực do hiến pháp qui định và thường tước đi các quyền và những tự do căn bản của người dân.

Sự phát hiện điều nghịch lý và khái quát thành lý luận này của Fareed Zakaria, một nhà báo, nhà triết học chính trị với vốn sống chính trị phong phú, thuộc số những nhà trí thức hàng đầu có nhiều ảnh hưởng nhất hiện nay [1], theo tôi là một phát kiến rất lớn, mặc dù nhiều học giả của thế kỷ 18 và 19 cũng đã bắt đầu nhìn thấy trong Dân chủ một sức mạnh có thể gây tổn hại cho Tự do.

Thật vậy, Dân chủ trước hết và chủ yếu được hiểu là quyền làm chủ của dân, là sự can dự của dân vào quá trình hình thành bộ máy cai trị. Khi một quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng, có cạnh tranh, bộ máy cầm quyền do lá phiếu của người dân bầu ra, không ai áp đặt, chúng ta gọi quốc gia đó là dân chủ.

Còn Tự do, theo nghĩa truyền thống và thường được hiến định, là các quyền tự nhiên, bất khả nhượng nên còn gọi là Tự do hiến định (constitutional liberalism), nhằm bảo vệ tính độc lập tự chủ và nhân phẩm của con người trước những chèn ép về chính trị, xã hội, tôn giáo và những cái khác.

Nếu muốn coi Dân chủ cũng là biểu hiện của Tự do thì đó là Tự do chính trị, còn quyền Tự do hiến định chính là Tự do dân sự; một đằng tạo ra chính quyền, một đằng không ngừng chỉnh lý, khống chế chính quyền ấy. Vì Tự do là nền tảng, Dân chủ là thượng tầng nên quan hệ giữa Tự do và Dân chủ là quan hệ hầu như một chiều : Chủ nghĩa Tự do hiến định dẫn đến Dân chủ, nhưng Dân chủ thì dường như không mang lại chủ nghĩa tự do hiến định. Gốc nào thì quả ấy, cho nên Cái làm thành nét đặc trưng và tạo ra sự khác biệt giữa các chính quyền tại châu Âu và Bắc Mỹ với các chính quyền khác trên toàn thế giới không phải là dân chủ mà chính là chủ nghĩa tự do hiến định. Biểu tượng tốt nhất của Mô hình phương Tây không phải là hệ thống bầu cử đại chúng mà chính là vị quan toà không thiên vị. (Zakaria).

Nếu vội vàng tạo lập Dân chủ nơi chính quyền trong khi chưa giành được những quyền tự do dân sự trong dân chúng thì đó là thứ Dân chủ không có gốc, nó dễ dàng trở thành phản bội.

Chúng ta vẫn thường nghĩ một cách đạo đức và đơn giản rằng: sự cảnh giác chỉ cần khi chính quyền đối lập với nhân dân, chứ khi nhân dân đã tự gánh vác trách nhiệm thì sự thận trọng là không còn cần thiết. Xin thưa, Alexandr Lukashenko sau khi được bầu làm Tổng thống Belarus một cách dân chủ với đa số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử tự do năm 1994, khi được hỏi về việc giới hạn quyền lực của ông ta, thì chính nhà độc tài này đã tuyên bố Chế độ độc tài sẽ không có ở đây. Tôi thuộc về nhân dân, vì vậy tôi sẽ cống hiến vì nhân dân !

Cũng đừng tưởng rằng khi người cầm quyền do dân bầu ra mà chống lại tự do của dân thì dân sẽ không bầu nữa. Trái lại có thể dân vẫn bầu, mà còn bầu với số phiếu cao nữa kia! Bởi nếu những quyền tự do hiến định không được thực hiện thì những thủ thuật để chiếm lòng dân, để tạơ sức mạnh của số đông, để dân lại tiếp tục bầu là điều không khó khăn gì.

Đối với pháp trị, lòng tin dễ thành thuốc độc, bởi tinh thần căn bản của luật pháp là dựa trên sự nghi ngờ. Khi đã cố xây dựng lòng tin làm cẩm nang, làm tiên đề để điều hành xã hội thì luật pháp sẽ bị vận dụng méo mó, sẽ mất hiệu năng và đó là mầm mống bành trướng của quyền lực tuyệt đối.

Sau một diễn tiến Dân chủ thường tạo được lòng tin, nhưng lòng tin lại gây mất cảnh giác nơi dân chúng và là mảnh đất phát sinh lạm quyền, rồi sự lạm quyền sẽ quay lại chống Tự do. Con đường Dân chủ chống lại Tự do cứ khép một đường vòng như vậy. Đừng bao giờ quên rằng khi có quyền trong tay người ta có thể biến thành một người hoàn toàn khác. Chỉ trong một xã hội có Tự do dân sự vững chắc thì sự tha hoá của quyền lực mới được kiềm chế và đường vòng phản hồi chống dân chủ kia mới có khả năng ngăn chặn. Biết đặt sự nghi ngờ lên trước để xử lý thì lòng tin sẽ đến theo sau.

Bằng con mắt tinh tường và với một quan điểm lý luận có hệ thống, Zakaria đã điểm mặt những vùng địa lý chính trị, nơi nào có Dân chủ-Tự do điển hình, nơi nào tuy chưa thật dân chủ nhưng lại có Tự do, ngược lại nhiều nơi chưa có Tự do nhưng lại được xếp vào nước có Dân chủ…

Đặc biệt ông đã nhận ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu thế Dân chủ phi Tự do (illiberal democracy), như một lối thoát được ngụy trang rất khôn ngoan của những chính quyền cố giữ cho được sự cai trị độc đoán trước một trào lưu dân chủ toàn cầu không thể chống lại. Những chính quyền ở Peru, Palestin, Sierra Leon, Slovakia, Kazakstan, Kyrgystan, Pakistan, Belarus,… và những nhân vật chính trị như Boris Yeltsin, Alexandr Lukashenko, Alberto Fujimori, Carlos Menem, … là những ví dụ điển hình (khi ấy là năm 1997, sau này phải kể thêm Vladimir Putin ). Theo Zakaria thì lúc ấy một nửa số các quốc gia đang dân chủ hoá lại là các chế độ Dân chủ phi tự do (illiberal democracy).

Trước sự trỗi dậy của xu thế có Dân chủ nhưng không có Tự do như thế dân Việt Nam phải làm gì để khỏi sa vào?

Chính trị cũng như thị trường, chẳng qua cũng một Quy luật cung cầu chi phối cả. Có cầu ắt có cung, và thế nào cũng xuất hiện bọn cung đểu (bọn làm hàng giả), quy luật cạnh tranh sinh tồn vốn tiềm tàng tính bất thiện như thế. Nhân dân cần Dân chủ và Tự do ư ? (và nghĩ rằng hai thứ đó giống nhau), thì sẽ có giới cầm quyền đứng ra nhận thoả mãn nhu cầu ấy. Nhưng đối với giới cầm quyền thì món hàng Dân chủ có giá thành rẻ hơn lại ít nguy hiểm hơn so với Tự do, nên họ cứ trưng cái nửa Dân chủ ra trước đã. Nếu dân là người tiêu dùng hồn nhiên, gặp kẻ tiếp thị có nghề là bập vào ngay. Thế là dân hoan nghênh, dân bầu ngay, tín nhiệm ngay, rất tự giác, rất dân chủ.

Nhưng như thế là thượng đế bị sa bẫy rồi, cái bẫy có tên là Dân chủ phi Tự do! Khi cái ghế quyền lực đã đúc bê tông thì số phận cái nửa Tự do kia sẽ thế nào là chuyện hạ hồi phân giải !

Chỉ khi nào dân trí đã khôn, đã từng trải, mới biết nắm đằng chuôi, mới biết khước từ món mì chính trị ăn liền thường rất đậm đà màu sắc địa phương, mà đòi cho được quyền Tự do hiến định, tức Tự do dân sự như dân các nước văn minh được hưởng. Điều tưởng như rất bình dị này mới chính là sản phẩm quốc tế chất lượng cao, đã được lịch sử kiểm định ! Người khôn ngoan không đòi ngay con cá mà cố giành lấy chiếc cần câu chính là như vậy.

Trong lúc tôi đang băn khoăn, thai nghén những ý tưởng về chủ đề này thì may mắn thay, cùng một lúc tôi được đọc hai tài liệu cùng của Fareed Zakaria. Một cuốn Tương lai của Tự do (The Future of Freedom) do trang mạng X-café dịch và đăng nhiều kỳ. Một bài tiểu luận "Sự trỗi dậy của các chế độ Dân chủ phi tự do" do Phạm Hồng Sơn dịch và Mai Thái Lĩnh hiệu đính (và được phép chính thức của tạp chí Foreign Affairs) . Bài tiểu luận này viết năm 1997 chính là nòng cốt để tác giả phát triển thành cuốn The Future of Freedom năm 2003.

Với những độc giả không có nhu cầu tìm hiểu rộng và chi tiết, chỉ cần nắm được luận điểm chính và những ví dụ điển hình, tôi nghĩ đọc bài tiểu luận “Sự trỗi dậy của các chế độ Dân chủ phi tự do” là thích hợp, trong đó tác giả trình bày ý tưởng một cách ngắn gọn, súc tích và sắc xảo.

Xin chân thành cảm ơn cả hai dịch giả của hai tác phẩm nói trên.

Hà Sĩ Phu
(Tháng 5-2009)


[1] Fareed Zakaria là một nhà báo Mỹ gốc Ấn Độ. Ông sinh năm 1964 tại thành phố Mumbai (tên cũ là Bombay) thuộc bang Maharashtra - Ấn Độ, trong một gia đình Hồi giáo. Cha ông là Rafiq Zakaria (1920-2005), một học giả Hồi giáo và là một chính trị gia của Đảng Quốc Đại Ấn Độ (Indian National Congress). Mẹ ông, Fatima Zakaria, đã có thời là biên tập viên của tuần báo Times of India (Thời báo Ấn độ). Sau khi học trung học tại Ấn Độ, Zakaria du học tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp Cử nhân (B.A.) tại đại học Yale và lấy bằng tiến sĩ chính trị học (Ph.D. in Political Science) tại đại học Havard – nơi đây ông được hướng dẫn bởi các vị giáo sư chính trị học nổi tiếng như Samuel P. Huntington và Stanley Hoffmann. Ông nhập quốc tịch Hoa Kỳ vào năm 2001.

Sau khi tham gia một công trình nghiên cứu của Đại học Harvard về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Zakaria trở thành biên tập viên điều hành (managing editor) của tạp chí Foreign Affairs (Các vấn đề đối ngoại) và giữ chức vụ này trong 7 năm (từ năm 1993 đến năm 2000). Tạp chí này là một tập san chuyên đề bàn về các quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, được phát hành hai tháng một lần bởi Hội đồng về Các quan hệ đối ngoại ( Council on Foreign Relations, CFR) . Tháng 10 năm 2000, ông được bổ nhiệm làm tổng biên tập (editor) của tạp chí Newsweek International (tức ấn bản quốc tế của tạp chí Newsweek). Với chức vụ này, ông chịu trách nhiệm trông nom các ấn bản tiếng Anh ở hải ngoại của tờ tạp chí nổi tiếng này, được phát hành khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và vùng Trung Đông với trên 3 triệu ruỡi độc giả. Ngoài nhiệm vụ đó, ông còn thường xuyên viết bài cho các tờ báo nổi tiếng ở Mỹ như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, và New Republic v.v. Ông còn cộng tác với nhiều đài truyền hình nổi tiếng như PBS (2005-2007), ABC (2002-2007) và CNN (từ tháng 6 năm 2008). Không chỉ là nhà báo, Zakaria còn là tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng như: The Future of Freedom (Tương lai của Tự do, 2003) và The Post-American World (Thế giới hậu - Hoa Kỳ, 2008).

Năm 1999, tạp chí Esquire vinh danh ông là «một trong 21 nhân vật quan trọng của thế kỷ 21». Năm 2007 ông được các tạp chí Foreign Policy và Prospect xếp vào danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu được nhiều người biết đến của thế giới. Tháng 1 năm 2009, tạp chí Forbes xếp Zakaria vào danh sách 25 nhà tự do (liberals) có ảnh hưởng nhất trong giới truyền thông Hoa Kỳ.

Bài báo “Sự trỗi dậy của nền dân chủ phi-tự do” (The Rise of Illiberal Democracy) công bố trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng 11 năm 1997 là tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất của Zakaria. (Tư liệu do nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cung cấp)

29 May 2009

Lãnh đạo nhà nước và các chuyến công du ngoại quốc

Chẳng nguyên thủ nào mời đâu, xin đi cả đấy, thậm chí nếu không đi được nước này thì lại chuyển hướng xin sang thăm nước khác để sao cho 4 cụ trong một năm đi được bao nhiêu nước không bị trùng lặp đó.



Phần 1

Có những chuyện của lãnh đạo nhà nước mà ít khi người dân được biết, cho dù đó là chuyện riêng tư hay chuyện công việc, cũng bởi sự cọ xát tiếp xúc của họ với dân chúng quá ít ỏi, hay cũng bởi các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước không được phép đề cập tới. Thực ra nếu các vị lãnh đạo có thoải mái tiếp xúc với báo giới hay công khai chuyện đời thường thì chắc chúng ta không còn chuyện gì để bàn nữa.

Kể từ bài viết này, Dongsongxanh sẽ cung cấp những câu chuyện ở phạm vi hẹp, sẽ không thêm thắt tình tiết, mà ngược lại có lược bớt để giảm mức độ nhạy cảm, tuy nhiên cơ bản vẫn cố gắng hết mức để có sao nói vậy hầu bạn đọc. Xin đừng hỏi những câu chuyện này đến từ đâu, bởi sẽ không có ai kiểm chứng cho các bạn được. Ai tin thì tin, không tin thì coi là chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”. Sau loạt bài viết này có thể sẽ dừng blog, coi như một lời tạm biệt. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày đất nước trọn niềm vui.

Cũng bởi mối quan hệ “đặc biệt” giữa hai Đảng hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, thế nên đa phần các câu chuyện được kể sẽ tập trung vào mối quan hệ này, một mối quan hệ mà chúng ta có thể nói rằng mộng lành thì ít mà duyên dữ thì nhiều, đó vừa là duyên phận mà cũng là định mệnh không tránh khỏi. Mục đích cũng chỉ để giúp mọi người hiểu thêm về tình hình đất nước cũng như khắc họa chân dung những vị lãnh đạo vốn xa cách bấy lâu, thường chỉ được chúng ta nhìn ngắm trên ti vi, so với đời thường thì họ ra sao mà thôi.

Dongsongxanh sẽ không đi vào chi tiết tên tuổi, địa chỉ của những người dưới đây, thay vào đó chỉ kể tình huống mà những người trong cuộc được dịp chứng kiến, đối với đa phần độc giả đó có thể là điều lần đầu tiên được biết tới.

Một cụ nguyên ủy viên bộ chính trị khóa trước có dịp đi thăm hai nước A, B (xin phép được tạm gọi vậy và tương tự cho các nước khác sẽ kể sau). Cũng bởi sẽ nghỉ hưu sau khóa đó, vì thế cụ đã gợi ý Tổ chức đưa phu nhân đi cùng, gọi là cho chị có dịp đi lại đây đó để thăm thú, mở rộng tầm mắt. Chuyến đi đó được cụ kêu với mọi người là đi “dối già”.

Trước khi đoàn lên đường 1 ngày, ban tổ chức họp buổi cuối báo cáo công tác chuẩn bị. Với tư cách trưởng đoàn, cụ đã hỏi han xem khâu tổ chức còn vấn đề gì không, rồi dặn dò các đồng chí thành viên trong đoàn khi sang bên đó chớ có nói năng, phát biểu thiếu cân nhắc trái với chủ trương của Đảng và cũng đồng thời lo phía bạn cắt cử người hiểu tiếng Việt tháp tùng đoàn để nghe lỏm được gì chăng. Quả là cụ nào cũng có tính đa nghi tào tháo và luôn lo sợ đi trệch đường lối.

Khi sang nước A, cả đoàn được bố trí ở trong một khách sạn nhỏ tới nỗi mà chiếc giường cũng phải làm với kích cỡ tương ứng. Đêm đó, vô tình trở mình, cụ đã hạ cánh trên… sàn nhà. Cũng bởi đất nước này không phải là trạm dừng chân chính thức mà chỉ đi với danh nghĩa tham quan, thế nên đoàn không được hưởng qui chế đón tiếp cấp cao của nước bạn và cũng chẳng ai ra sân bay đón tiễn ngoài ĐSQ VN. Mọi chuyện thu xếp hậu cần đón tiếp đều một tay do Đại sứ quán bên đó lo liệu cả. Ra sân bay thì hành lý nhiều quá nên lùng tùng tới nỗi 1 vị ủy viên trung ương đảng cùng nhóm quan chức cấp thứ trưởng đi theo cũng phải tham gia lấy đồ và đẩy xe hành lý như …đám tùy tùng.

Dạo đó thời tiết bên ngoài sân bay khá nóng, đúng tiết giữa hè oi ả, sân bay nước ngoài lại quá rộng thế nên nhìn cảnh cả đám kéo nhau rời khỏi sân bay để lên xe bus chờ bên ngoài xa mà cứ thấy lôi thôi, lếch thếch.

Chuyến đó đoàn lưu lại nước A vẻn vẹn có 2 ngày gọi là ăn chơi, nhảy múa và đi lại thăm thú trước khi công cán chính thức sang đất nước B. Nhìn cảnh phố phường, giao thông ngăn nắp, gọn gàng trật tự cũng như kiến trúc tuyệt vời tại đó khiến cụ và đoàn viên phải không ngừng thốt lên những lời cảm thán khâm phục. Để ý thấy hình như sau chuyến đó về, cụ đã bớt hô hào khẩu hiệu và có chút gì đó trầm lắng so với trước đây.

Cụ thường ngày có thói quen đi lại khá nhanh và dáng đi dứt khoát, trong chuyến đi nước A đó khi được cán bộ sứ quán dẫn đi tham quan Vịnh và các danh thắng khác thì không hiểu do háo hức trước cảnh vật quá đẹp ở đó hay do thói quen thường nhật của lãnh đạo là phải đi….trước nên đã phăm phăm đi bất kể anh em và đặc biệt là phu nhân có theo kịp hay không. Và thế là đoàn đã phải tách làm 2 nhóm, 1 nhóm đi với cụ phía trước, nhóm còn lại bố trí nữ cán bộ tháp tùng hộ tống phu nhân phía sau.

Cụ lại có niềm đam mê các thiết bị điện tử, trong nhà cụ khoe đã có mấy chiếc máy điện thoại và laptop đời mới rồi, nhưng sang đó thì máu nghề nghiệp lại nổi lên. Cụ đòi anh em phải đưa đi mua trực tiếp mới thỏa. Sau một hồi ngắm nghía cụ quyết định mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Tới khi thanh toán, cụ đưa thẻ tín dụng Master Card ra. Đúng lúc cô nhân viên đưa thẻ của cụ đút vào máy thì cửa hàng lại mất điện cái rụp, vậy là không biết thông tin trừ tiền trong thẻ đã được chuyển tới máy chủ hay chưa, mọi người bần thần bối rối. Chờ mãi không có điện trở lại mà hơn nữa không thể ở lại lâu hơn. Hôm đó lại là ngày cuối tuần, gọi điện thoại lên ngân hàng mãi mới kiểm tra lại được tài khoản, mất một hồi lâu kiểm tra thông tin mới thanh toán được cho cụ cái máy ảnh. Quả là đen đủi.

Hiện nay thì cụ đã nghỉ hưu, nhưng thỉnh thoảng lại thấy cụ xuất hiện bên nước ngoài, hỏi ra mới biết là cụ đi…..chữa bệnh.

Một cụ trong số tứ trụ triều đình sang thăm TQ theo nguyên tắc thăm viếng ngoại giao đối đẳng thường niên mấy năm trước. Và cũng bởi đó là những chuyến thăm định kỳ nên xét về mọi mặt không có gì khác biệt so với trước. Mọi cuộc hội kiến, hội đàm với phía TQ cũng như đi lại thăm thú các nơi đều diễn ra suôn sẻ đúng như kịch bản. Và cũng giống như mọi khi, sau khi hội đàm và hội kiến với lãnh đạo phía TQ xong, theo quy định buổi tối các thành viên đoàn sẽ sang họp với cụ để báo cáo tình hình cũng như hội ý chương trình cho các buổi làm việc tiếp sau. Tối đó lại là ngày đặc biệt, bởi vậy thay vì một số người có trách nhiệm được gặp cụ thì toàn thể cả mấy chục con người trong chuyến đi đó đều được cụ mời tới tham dự. Buổi gặp cũng vui vẻ, sôi nổi như nó vốn phải vậy, thế rồi cũng lại tới lúc họp bàn của các cụ, một số cán bộ chủ chốt được giữ lại tham dự. Nội dung cụ thể thì xin không nói ra, nhưng chốt lại là buổi họp đã được các cụ thầm thì với âm lượng vừa đủ nghe như đám đánh bạc giả sợ công an bắt. Hóa ra các cụ sợ tình báo Trung cộng đặt máy nghe lén.

Lại kể về phu nhân của cụ, vốn xuất thân cũng từ cán bộ nhà nước, vừa mới nghỉ hưu xong. Hôm cụ ông mới nhậm chức trong đội ngũ tứ trụ triều đình, tối đó có buổi tiếp khách quốc tế mà theo nguyên tắc ngoại giao phu nhân phải tham dự cho đủ bộ. Tội cái là vợ các cụ nhà mình thì thường xuất thân nhà quê, ít khi được giao tiếp bên ngoài, đặc biệt là tiếp khách quốc tế. Bởi thế, hôm trước đó thì cụ bà đã phải trải qua một lớp học cấp tốc do bên Tổ chức cử người sang hướng dẫn về cách thức tham dự một buổi tiệc theo nghi lễ ngoại giao, từ cách đi đứng, nói cười, bắt tay cho tới những chi tiết nhỏ hơn như cách cầm dao, dĩa (trong buổi tiệc không dùng đũa như gia đình chúng ta hay dùng) cũng như cách uống các thứ rượu khác nhau cho mỗi món tương ứng. Nói nôm na như cô hướng dẫn là vang đỏ thì dùng với thịt, còn vang trắng thì dùng với cá cho dễ hiểu. Thế là cụ bà cũng đành phải đến tham gia khóa đào cấp tốc đó, có điều lạ là cụ bà lại đến đó bằng phương tiện xe…….máy, bởi vì xưa nay cụ bà hay bị say ô tô, nhưng lạ là chỉ say ô tô con, nghĩa là loại xe xịn, còn đi xe tải thì lại…..vô tư (hôm tiếp chính thức, bắt buộc phải đi ô tô thì thấy cụ đã phải vật vã ra sao).

Trong buổi học, nhìn những động tác của cụ bà tuổi chưa tới 60 mà cứ lóng nga lóng ngóng thấy tội, cũng chẳng trách được, tiền bạc đôi khi có song hành được với sự sang trọng đâu. Muốn biết phải học vậy.


Phần 2

Cũng do bởi thời gian gấp gáp, eo hẹp mà Dongsongxanh không kể được hết, hôm nay nói nốt về mấy anh sĩ quan tiếp cận bảo vệ lãnh đạo của cụ nguyên Ủy viên BCT trong câu chuyện trên trước khi sang chuyện về đoàn tướng lĩnh dưới đây.

Các chú sĩ quan bảo vệ nhà ta thì mỗi chú một vẻ, quả là 10 phân vẹn 10. Chú sĩ quan cảnh vệ đi theo bảo vệ lãnh đạo năm đó cũng đã xấp xỉ tuổi ngũ thập, ấy vậy nhưng còn rất phong độ, có một đặc điểm là không ghét XHCN, không yêu tư bản nhưng lại rất thích… gái tư bản, còn chú bác sĩ riêng của lãnh đạo lại ghét XHCN nhưng lại yêu vợ đang….ở nhà. Thế nên mới có chuyện là hôm sang nước A đó, buổi tối nhân lúc thủ trưởng đi ngủ với thủ bà, chú tranh thủ gạ gẫm mấy anh em khác trong đoàn ra ngoài làm tí “cải thiện”, chú bác sĩ kia thì do yêu vợ nên xin phép ở lại khách sạn nghỉ, thế là còn lại chú cảnh vệ với mấy chú cán bộ sứ quán rủ nhau đi chơi bời. Không biết kết quả ra sao nhưng khi về thì vui vẻ phấn khởi lắm, chẳng biết công việc chú hoàn thành theo nhiệm vụ ra sao chứ hôm đó rủi có tụi “phản động” mà nó lẻn vào phòng ông bà kia “đòm” cho một phát thì chắc giờ này chú đang bóc lịch rồi. Mấy bác lãnh đạo bên Bộ Tư lệnh cảnh vệ của chú này có đọc được thì về chấn chỉnh lại đội ngũ chiến sĩ của mình nhé, kẻo buông thả về lối sống và mục nát về ý chí tới nơi rồi thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết nơi dựa dẫm.

Kể tiếp về một đoàn tướng lĩnh quân sự cấp cao nước ta đi thăm nước bạn. Trong đoàn có 10 người thì đến 1/3 là các tướng giữ vị trí tư lệnh quân khu, số còn lại cũng đều nắm giữ cương vị cao trong quân đội (quân đội Việt Nam có 8 quân khu cả thảy, người đứng đầu quân khu về mặt chỉ huy tác chiến gọi là tư lệnh quân khu, không nói tới cấp chính ủy). Một trong số các vị tư lệnh quân khu …, là thành viên tham gia đoàn đi thăm một số nước, trong đó có có nước B. Hôm đó kết thúc buổi hội đàm với phía bạn xong, buổi tối anh em bên sứ quán rủ đoàn đi ăn tối, tiện thể mời tới hộp đêm xxx để xem màn biểu diễn strip dance. Bác đó trong lòng rất muốn đi, nhưng lại vướng tư cách, danh nghĩa cao cấp như vậy mà đi thì cũng không hay, vậy là xin phép ở lại khách sạn, còn anh em cán bộ và người của sứ quán thì thoải mái thưởng thức show mãn nhãn với các em xxx xinh xắn. Thế nhưng có điều làm cán bộ phục vụ tá hỏa khi check out rời khách sạn là cái hóa đơn xem…. tivi. Xem tivi trong khách sạn thì có gì mà trả tiền nhỉ, hẳn bạn nào phải thắc mắc như vậy, ấy nhưng đó lại là chương trình pay-movie, nghĩa là chương trình phim dành cho người lớn, muốn xem phải trả tiền. Vậy là báo hại cho lễ tân đoàn phải chi ra đúng 102 đô Mỹ trả cho hóa đơn đó. Khi về nước quyết toán với tài vụ đã phải lấy lý do đoàn mua quà tặng cho Sứ quán để hợp lý hóa khoản tiền này.

Ở Việt Nam ngành ngân hàng vẫn còn lạc hậu, chuyện thanh toán quốc tế lại còn thô sơ hơn nữa, hay cũng bởi thói quen xưa nay của Bộ Tài chính Việt Nam là cứ phát tiền mặt cho các cá nhân đi công tác như kiểu chúng ta cầm tiền đi chợ mua đồ vậy. Chuyện này tưởng nhỏ nhưng nó thể hiện sự lạc hậu của Việt Nam tới đâu, vì trên thế giới ngay cả dân thường đều dùng thẻ thanh toán cho giản tiện mà lại an toàn. Cũng bởi thế mà khi đoàn các cụ tổng đi nước ngoài thì có khi phải cầm tới cả trăm ngàn đô Mỹ mang theo là chuyện bình thường, và cán bộ có nhiệm vụ giữ tiền có khi không dám đi đâu, tự nguyện ở lỳ trong khách sạn để giữ số tiền đó, bởi nếu không may bị trộm mất thì chỉ có nước bán nhà đi mà đền cho công quĩ.

Thế nên mỗi lần đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam có ra nước ngoài thì vẫn cứ cầm hàng chục ngàn đô Mỹ tiền mặt để thanh toán các chi phí như khách sạn, lễ tân, đi lại. vv..

Hôm đó đoàn qua máy soi sân bay thì hải quan phát hiện ra 1 cục tiền lớn được dắt theo người cán bộ phục vụ. Theo qui định quản lý ngoại hối thì mỗi cá nhân chỉ được mang 7000 đô khi xuất cảnh mà không cần khai báo. Số tiền này qui với tiêu chuẩn đã vượt xa rất nhiều. Báo hại phải thanh minh thanh nga một hồi lâu kể cả trình ra các công văn giấy tờ chứng thực thì mới được cho lên máy bay. Mấy bác tướng lĩnh thấy vậy cứ phỗng ra như trời trồng. Kể cũng hài hước, các bác ấy ở nhà mỗi người đều nắm trong tay chí ít hàng vạn quân, mỗi tiếng nói đều là quân lệnh và có sức mạnh tương đương với bom tấn. Ấy vậy mà khi sang nước ngoài, không quân hầu kẻ hạ bỗng trở nên “ngoan” một cách đáng yêu, cán bộ phục vụ đoàn thuộc dạng nhãi nhép, ranh con bảo sao thì các bác nghe vậy, chỉ đâu thì các bác ấy đi. Còn khi về nước thì đừng hòng gặp được trợ lý mấy tầng các bác ấy chứ đừng nói diện kiến trực tiếp nhé. Vì sao như thế ư, vì các bác có biết tí ngoại ngữ nào đâu, nói chi cũng chịu nếu không có phiên dịch, thế thì làm gì mà chẳng phải phiền người khác.

Lại nữa, chuyện thuê phiên dịch cho đoàn, không hiểu bên nhà và Đại sứ quán làm việc kiểu gì mà không cho mang theo phiên dịch, lại để cho Đại sứ quán có sáng kiến mướn bà Việt kiều bên đó dịch cho đoàn. Kể ra thì bà ấy giao tiếp thường ngày sẽ không có vấn đề gì, thế nhưng giữa nói chuyện thường ngày và trong lúc làm việc là khác nhau, bởi không chỉ xét về mặt lễ tân nghi thức mà trong quá trình dịch cũng gặp vấn đề. Đó là khi nói tới các thuật ngữ chuyên sâu thì bà này đã giơ tay hàng khẩn trương. Không nói tiếp thì quí vị cũng hiểu câu chuyện sau đó ra sao rồi. Cuối cùng tới khi thanh toán thì bà ta vẫn chủ động xin rút tiền 100 usd/ngày.

Tới nước nào làm việc thì bao giờ nhóm cán bộ tùy viên quân sự tổng cục II bên tình báo quân đội cũng phải sang báo cáo với đoàn về tình hình nhiệm vụ, nhưng có chứng kiến tác phong làm việc, đơn giản như chấp hành đúng giờ tới báo cáo cấp trên, cũng như thông tin thu thập được của mấy ông này bên nước bạn mới thấy sự “tinh nhuệ” của ngành tình báo VN nó tới đâu. Thôi không kể nữa.

Cũng trong chuyến công tác đa phương, đoàn tới Đại sứ quán VN tại nước C thăm làm việc và cũng có nhiều việc phải nhờ vả. Đợt đó Đại sứ vừa mới nghỉ hưu, người mới chưa sang, ông tham tán công sứ đã phải tạm thay mặt Đại sứ để giải quyết công việc. Tuy nhiên ông này lại là người làm việc không có tinh thần trách nhiệm, hay cau có và làm ăn qua quýt cho xong chuyện. (như một lẽ thường, các Đại sứ quán VN ở nước ngoài hay có những mâu thuẫn nhân sự nội bộ, bằng mặt nhưng không bằng lòng do đó hay đấu đá lẫn nhau, thậm chí quyết liệt nữa- đúng như tính cách người Việt). Thế nên cái cách tiếp đón lạnh nhạt cũng như làm việc sơ xuất đã mang lại nhiều phiền toái cho đoàn.

Vụ đó các cụ về nước giận lắm, định báo cáo ra Ban bí thư để xử ông kia, nhưng rồi vị Trưởng đoàn có đề nghị rút kinh nghiệm để xử lý nội bộ, vậy là mọi chuyện cũng chìm xuồng. Vì sao vậy, hóa ra là vấn đề bố trí phương tiện giao thông đi lại bên đó. Cũng đã nói ở trên, cái ông phó kia do tắc trách, lẽ ra phải bố trí cho đoàn xe cộ đi lại tử tế thì ông ấy thấy đoàn sang đông, đã thuê nguyên cái xe bus của công ty xe bus địa phương. Tới khi đoàn đến thì đã không kịp thay đổi gì được nữa vì quá gấp gáp. Bởi mỗi nước chỉ đi thăm có 2 hôm. Thế nên sáng hôm sau khi tới trụ sở cơ quan của nước bạn để làm việc thì do cái xe to quá khổ, khi đỗ vào tận cửa đã va phải cái mái nhà làm xô lệch cả một góc. Phía cảnh sát bảo vệ bên kia hốt quá, tưởng khủng bố bèn ào ào súng ống lao ra vây quanh chiếc xe, tay lăm lăm sẵn sàng bóp cò, chỉ thiếu nước nổ súng nữa thôi. Phen đó làm anh em ngồi trên xe hết hồn, mặt ai cũng tái xanh tái xám, còn chú lái xe thì khỏi phải nói, tới nỗi không thốt nên lời. Cuối cùng thì sự vụ cũng được làm sáng tỏ và người ta đã phải thu xếp cho chiếc xe bus đỗ tạm ở bãi đỗ xe……tăng và xe bọc thép bảo vệ trụ sở làm việc cạnh đó.

Một chuyến đi ở cấp độ cao cấp như vậy mà xét thấy toàn bộ quá trình từ khi đặt chân sang bên nước bạn cho tới lúc về toàn gặp những điều xui xẻo cũng như hiệu quả công tác mang lại mới thấy rằng quả là chuyến đi nhiều điều đáng nhớ và suy ngẫm. Cái đó người ta gọi là đi chơi đốt tiền của nhân dân thì đúng hơn là đi làm việc. Mà nếu nói rằng đi chơi thì cũng chẳng ra dáng dấp của một chuyến đi chơi thật sự. Chỉ khổ thân tướng T người từng làm công tác đối ngoại mấy chục năm bên quân đội, và là anh hùng quân đội được “bác” Hồ khen thưởng trong chiến tranh đã phải thốt lên rằng: “cả đời tôi chưa bao giờ gặp tình huống dở khóc dở cười thế này”.

Cuối chuyến đi, đoàn đã phải thanh toán đầy đủ tiền nong với sứ quán, kể cái tiền puộc boa cho các vị gọi là giúp đỡ đoàn trong thời gian công tác nước ngoài, ngoài miệng Trưởng đoàn và các thành viên nói lời cảm ơn mà trong bụng thì cứ sôi lên sùng sục, bụng bảo dạ về nước phen này quyết cho gã kia ra bã. Nhưng như đã kể ở trên, rồi cái gì nó cũng xuôi theo dòng nước mà trôi đi, bởi nghĩ kỹ lại thì ai cũng ngầm hiểu có nói ra cũng giải quyết được gì đâu, thay ông khác vào thì tình hình nó rồi cũng vậy, khắp nơi trên thế giới này có Đại sứ quán VN nào mà tử tế và thân thiện với người Việt Nam đâu, cái mà họ cần chỉ là những tờ xanh kia thôi. Muốn giải quyết triệt để vấn đề này thì e rằng phải sửa đổi ở thượng tầng kiến trúc chứ không thể làm ở ngọn được.

(Mở ngoặc một chút về phu nhân của cụ Tổng, vợ cụ vốn không phải là người quen với các phương tiên giao thông quá hiện đại, thế nên mỗi lần theo cụ Tổng đi công tác trong hay ngoài nước thì mỗi lần xuống sân bay y như rằng đã thấy cụ bà đang nằm trên cáng để anh em khiêng vào xe ô tô. Hoặc là đi thẳng vào bệnh viện, hoặc nếu nhẹ thì an dưỡng trên ô tô ít phút để cùng đoàn tiếp tục cuộc hành trình với cụ Tổng).

Những tưởng là lãnh đạo quốc gia, nguyên thủ, hay thủ tướng Việt Nam thích đi nước nào là có thể đi được, ấy vậy mà có những lúc phía bạn đã thẳng thừng từ chối, thậm chí thông qua cách nói chuyện của đại sứ quán nước họ, cũng đã cảm nhận thấy sự đánh giá thấp về những nhà lãnh đạo Việt Nam. Mỗi khi gặp phải tình huống này thì đám cán bộ cấp dưới phải đôn đáo liên hệ với nước khác cho chuyến đi “đốt tiền” của các cụ. Nhiều khi nói gãy lưỡi mà phía nước ngoài họ cứ lặng thinh không thèm trả lời liệu có bố trí tiếp đón đoàn lãnh đạo cấp cao nhà nước Việt Nam sang thăm hay không.

Cho đến khi đoàn sang thì cũng nhiều sự việc khiến lãnh đạo Việt Nam phải tím mặt nhưng cũng không có cách gì khác được. Chẳng hạn có chỉ đồng ý cho cụ cùng vài vị khác được tham dự buổi tiếp, còn những người khác, thậm chí là ủy viên trung ương đảng thì cũng đứng ngoài mà chờ. Lắm khi xin gặp lãnh đạo phía cao cấp bên kia cũng không được tiếp, chỉ được gặp ông phó là cùng, thời gian còn lại xin quí vị cứ tự do mà đi chơi.

Rồi chúng ta cũng biết, thậm chí là nguyên thủ Việt Nam đi thăm nước ngoài nhiều khi cũng phải dùng cửa hậu mà vào nếu không muốn đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của bà con người Việt hải ngoại cũng như dân bản địa không hoan nghênh đến thăm đất nước họ. Bởi thế lãnh đạo Việt Nam đi ra nước ngoài, đặc biệt là các nước phương tây luôn có tâm lý không thoải mái, đề phòng. Trừ những buổi tiếp xúc, hội đàm, gặp gỡ ra thì luôn trốn biệt trong khách sạn, không bao giờ dám ra ngoài đi dạo, tiếp xúc với dân tình như cung cách ta thường nhìn thấy ở những nguyên thủ quốc gia khác khi thăm Việt Nam.

Điểm chung trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo TQ thì lãnh đạo phía Việt Nam luôn lập đi lập lại phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy, thêm nữa cũng chỉ tiếp tục kiên trì chủ nghĩa Mác Lê bấy lâu nay và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của phía Trung Quốc. Kể cũng lạ, nhiều điều hay và tiến bộ của các nước khác giá mà học được thì tốt, bõ cái công dùng tiền đóng thuế của nhân dân để thực hiện các chuyến vi vu thường xuyên như vậy. Thế nhưng cũng chỉ tại cái khác biệt về hệ thống chính trị mà không thể nào áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam được, hay nói ngược lại muốn áp dụng thì phải cải tổ hệ thống này. Cũng bởi Trung Quốc bắt thóp tâm lý lãnh đạo Việt Nam cũng như đứng ở vị trí bề trên mà luôn có giọng khuyên nhủ theo chiều thuyết phục và phủ dụ, vẽ ra một viễn cảnh đẹp khiến phía Việt Nam hay ảo tưởng có thể đạt được trong tầm tay giống như những thành tựu mà phía Trung Quốc hiện có.

Nói chung nếu ai đó có một lần được “vinh dự” tham gia ngồi nghe các “cụ” hai bên trao đổi với nhau cũng chẳng cần phải tinh ý lắm mới nhận thấy cái sự lệ thuộc về ý thức hệ với ông anh cả nó lớn thế nào. Dường như có một sự khiếp nhược về tinh thần thể hiện rõ trong thái độ cả khi hội đàm cũng như sau khi đã “trở về” với người nhà mình.

Đừng nghĩ rằng chúng ta vốn hay nghe câu nói quen thuộc của các phát thanh viên trên truyền hình rằng: nhận lời mời của Tổng thống, Thủ tướng nước …, Tổng Bí thư, thủ tướng nước ta sẽ tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức từ ngày...tới ngày…nhé. Lắm lúc chẳng nguyên thủ nào mời đâu, xin đi cả đấy, thậm chí nếu không đi được nước này thì lại chuyển hướng xin sang thăm nước khác để sao cho 4 cụ trong một năm đi được bao nhiêu nước không bị trùng lặp đó.

Dongsongxanh

28 May 2009

Mở Cửa Giáo Dục

Nếu không mở cửa giáo dục, đất nước sẽ không bao giờ vững vàng được, và sẽ cứ lệ thuộc hoài thôi. Hãy trang bị lòng hiếu học cho toàn dân, hãy cắt giảm học phí đại học tới mức tối đa bằng mạng Internet.



Muốn đất nước hùng mạnh, không gì bằng trang bị cho dân đầy đủ kiến thức vững vàng để cùng góp sức đưa cả nước thăng tiến về mọi mặt. Nghĩa là giúp cho người dân đủ kiến thức để thích ứng với một xã hội mới của thế kỷ 21, đủ chuyên môn và lý luận để biện biệt đúng sai nhằm phát minh ra các sáng tạo mới để vượt qua các bế tắc, trở ngại hay để cải tiến phương pháp làm việc. Như thế, đất nước mới vững vàng, không bị nước khác bắt nạt.

Trường hợp nhà nước không muốn người dân học nhiều, vì sợ các tư tưởng phóng khoáng làm người dân suy nghĩ khác hơn lề bên phải mà Bộ Thông Tin Văn Hóa đã quy định, vì sợ thế hệ trẻ sẽ không dễ dàng vâng lời nữa, và sợ các xã hội dân sự sẽ hình thành bên ngoài khung tổ chức của nhà nước… thì cách duy nhất là khép cửa giáo dục, chỉ mở cửa học đường cho các sinh viên tin cậy, do đảng, đoàn đưa lên.

Giáo dục là chìa khóa để đưa cả nước tới một chân trời mới, và là cách duy nhất hiện nay có thể đưa cả nước thoát khỏi vòng phong tỏa của Trung Quốc trên mọi mặt, từ văn hóa, xã hội, tới kinh tế, tài chánh… Bởi vì, không thể để tình trạng bật máy truyền hình là thấy ngay cả nước đang bị Vạn Lý Trường Thành bao vây. Lâu dài, sẽ hết cứu, vì các thế hệ tương lai của Việt Nam, trong tâm tưởng, đã được gợi ý sẵn để đầu hàng đàn anh vĩ đại từ thuở ấu thơ. Từ món ăn Vịt Bắc Kinh ngoài chợ, tới áo quần Thượng Hải ngoài tiệm, từ ái mộ cô tài tử phim bộ Hồng Kông, tới phi thuyền không gian Thần Châu… nếu Việt Nam không tự đứng vững thì từ Tây Nguyên tới Biển Đông làm sao mà giữ, vì đã thua ngay từ trong tiềm thức rồi.

Nói thế không phải để bài Hoa, hay bài ngoại. Vấn đề là chúng ta phải học, để tự mình chung sức đưa cả nước đi lên.

Điều cực kỳ quan ngại là nhà nước Hà Nội đang tìm cách khép cửa giáo dục với nhiều thành phần. Nổi bật nhất trong các trở ngại là học phí. Bây giờ học phí đã trở thành gánh nặng, quá nặng đối với rất nhiều thành phần sinh viên, học sinh. Không chỉ học phí, mà ngay cả cách đòi tiền học phí cũng "thô bạo, chuyên chính, không hề khoan nhượng."

Báo Đất Việt của nhà nước Hà Nội, số ngày 14-5-2009, kể chuyện "Chưa đóng học phí, bị đuổi khỏi phòng thi."

Bài báo kể chuyện về trường Cao Đẳng Nguyễn Tất Thành ở Sài Gòn, trong "giờ thi môn kiểm toán của khoảng 80 SV lớp 07TTC07 ngành Tài chính - ngân hàng, cao đẳng (CĐ) Nguyễn Tất Thành vừa qua, có hơn 10 trường hợp bị đuổi ra khỏi phòng thi vì chưa đóng học phí.

"Bạn Nguyễn Văn Hoàng cho biết, vào đầu giờ thi, giám thị yêu cầu những SV chưa đóng tiền học kỳ bốn (1.900 đồng) phải ra khỏi phòng thi. Những ai đã đóng tiền thì phải xuất trình biên lai đóng tiền học phí. SV không có biên lai phải đi xin xác nhận từ phía nhà trường, nếu cũng sẽ "cùng cảnh ngộ" với những người chưa đóng tiền. "Nhiều bạn bỏ quên biên lai ở nhà phải chạy đi xin xác nhận, khi trở lại phòng thi thì các bạn đã làm bài hơn 15 phút", Hoàng kể lại." (hết trích)

Thử làm một bài toán nhỏ, trong 80 sinh viên thi, có 10 SV bị đuổi ra khỏi phòng thi vi chưa đóng học phí, nghĩa là tỉ lệ rớt kỳ thi ít nhất là 1/8. Nghĩa là, nếu có 800 SV, thì có 100 SV thua cuộc chỉ vì không xoay kịp tiền để đóng học phí trước giờ thi. Mất mảnh bằng, không phải vì học kém, mà chỉ vì tiền không xoay ra kịp. Uổng biết là bao nhiêu công mài dùi kinh sử cả năm. Và nếu là nữ sinh viên, tình hình có thể sẽ làm nhiều cô hoặc bỏ ngang để về lấy chồng, hoặc phải nương dựa vào những tên giàu xụ hung hiểm. Nếu tất cả các ngành khác cũng ở tỉ lệ 1/8 thi rớt vì chưa có tiền học phí, thì tương lai Việt Nam ra sao? Học giỏi cách mấy, cũng chưa chắc qua được cửa học phí này.

Nhưng, học phí cao cỡ nào mà tỉ lệ không xoay kịp tiền tới như thế? Cũng theo báo Đất Viêt, học phí sẽ ngày càng tăng, không giảm. Bản tin ngày 22-5-2009 cho biết rằng ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, năm học 2009 - 2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án từ năm 2010 đến 2014, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền từ năm 2008 so với năm 2000… Nghĩa là, cụ thể, "Như vậy, năm học 2009 - 2010, học phí ĐH tăng từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng một tháng; học phí học nghề tăng từ 120.000 đồng lên 170.000 đồng một tháng. Riêng sinh viên sư phạm vẫn được miễn học phí trong năm 2009 và bắt đầu thu học phí từ năm 2010 với mức khởi điểm là 280.000 đồng một tháng." (hết trích)
Bây giờ, thử lấy giá trung bình học phí 255.000 đồng VN. Con số này có nghĩa gì trong đời sống dân Việt hiện nay? Nếu một sinh viên đóng học phí này, vậy rồi cộng thêm tiền phòng trọ (nếu từ tỉnh xa tới), rồi tiền ăn hàng ngày, rồi tiền mua sách vở, giấy mực, tiền đổ xăng, vân vân… Chỉ phí tổng cộng sẽ tới bao nhiêu? Chúng ta ở hải ngoại, không biết chính xác các con số này, nhưng có thể biết rằng gia đình nào cũng phải hy sinh, gồng gánh rất nhiều mới đưa được con qua các năm đại học.

Nếu cho các chi phí linh tinh, là bằng với học phí, thì thử giả định, chi phí cho một em sinh viên có thể là 500,000 đồng VN. Trong khi đó, lương tối thiểu của một công nhân ở VN hiện nay chỉ có 650.000đ/tháng. Thấy rõ, ba mẹ mà làm lương tối thiểu là kể như con bỏ học.

Báo Dân Trí ngày 1-5-2009 trong bản tin "Nhiều thay đổi quan trọng về chính sách từ 1/5" đã viết:

"Tăng lương tối thiểu lên 650.000đ/tháng.
Từ 1/5, mức lương tối thiểu chung 650.000đ/tháng được áp dụng đối với 4 loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức, bao gồm: các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…" (hết trích)

Như thế, tương lai cả nước chỉ còn thành phần sinh viên thuộc lớp con cán bộ (diện chính sách ưu đãi) hay thành phần nhà giàu (chủ yếu ở thành thị, buôn bán, thân cận giới có quyền lực). Còn học trò ở tỉnh nhỏ, vùng sâu vùng xa, nhà nghèo, ngoài diện chính sách là kể như hỏng.

Nếu nền giáo dục quê nhà nhứ thế, trước sau gì cũng không bứt nổi vòng phong tỏa của Trung Quốc, một quốc gia đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục và đã gửi sinh viên ào ạt du học nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, có một cách để VN có thể mở cửa nền giáo dục: Rằng các đại học tại VN nên đưa lên mạng Internet những lớp nào có thể lên mạng được, nếu có thể lên mạng tới 50% các lớp hay tỉ lệ nhiều hơn, có thể tin là tiền học phí sẽ giảm rất nhiều. Bài tập có thể làm, gửi qua email cho thầy cô, và hàng tuần hay hàng tháng thì tới trường một lần để thi trực tiếp dưới sự giám sát của thầy cô. Sẽ tiết kiệm được rất nhiều, nếu đưa nhiều lớp lên mạng Internet.

Nhà nước Hà Nội có thể lập một mạng riêng, hay mượn một phần không gian của các mạng có sẵn để các đại học vào mở lớp trên mạng. Trường hợp này không có gì là bí ẩn: hơn 200 đại học Mỹ đã đưa rất nhiều lớp lên các mạng chung hoặc riêng, trong đó nhiều nhất, khoảng 100 đại học vào chung ở mạng YouTube (http://www.youtube.com, vào Channels, vào Education).

Trên mạng này, có rất nhiều đại học nổi tiếng, thì dụ như UCLA gia nhập mạng này từ ngày 2-3-2006, và bây giờ có 580 băng hình ở đây; đại học Harvard Business, gia nhập mạng từ 1-10-2007, và bây giờ có 39 băng hình ở đây; Đại Học MIT gia nhập từ 11-10-2005, hiện có 932 băng hình ở đây; Đại học Stanford University, gia nhập mạng ngày 18-9-2006, và bây giờ có 610 băng hình ở đây, và nhiều trường nổi tiếng khác.

Trường hợp các đại học VN lên mạng, có thể hoặc là cho vào xem tự do, hoặc là sẽ trao mật mã cho sinh viên để vào xem một số lớp học đặc biệt, nếu cần thiết, thí dụ các lớp dạy về y khoa tình dục không nên để xem tự do đối với trẻ em. Ưu điểm là, sinh viên có thể xem đi xem lại hoài một băng hình, nếu chưa hiểu bài kịp. Thêm nữa, SV có thể tận dụng thì giờ ban ngày đi làm, đêm về xem băng hình để học, nếu bản thân phải vừa làm vừa học mà không bị trở ngại giờ giấc. Thêm nữa, dạy qua mạng sẽ giúp các sinh viên vùng sâu vùng xa có thể hằng ngày học qua mạng, chỉ trừ các kỳ thi cuối tháng là phải trực tiếp tới trường để thi. Tiết kiệm vô số, mà lại mở cửa giáo dục cho cả nước.

Báo The Christian Science Monitor, số ngày 13-5-2009, trong bài viết nhan đề "OpenCourseWare: College education, without the student loans" đã viết:
"Từ vùng băng giá của Bắc Cực cho tới chiền trường ở Iraq, một lớp học ảo và miễn phí đang thành hình.

Thúc đẩy nhờ tiến bộ kỹ thuật và lòng hiếu học của người dân trong thời kinh tế suy thoái, các đại học đang đưa lên mạng các tài liệu học vấn - kể cả học trình, các bản ghi chú trong lớp, và bài giảng - cho bất kỳ ai muốn học. Phong trào này gọi là OpenCourseWare, cho người tự học tiết kiệm tiền học phí, cho cựu sinh viên liên lạc với trường cũ, và cho những người muốn trở thành sinh viên nhìn vào các lớp đại học.
Hiện thời đã có hơn 200 đại học đưa các lớp, từ môn lịch sử nghệ thuật tới kinh tế học lên mạng cho học miễn phí…" (hết trích dịch)

Một ưu điểm nữa, nếu nhà nước Hà Nội đưa nhiều lớp đại học lên mạng như thế, sẽ có thể nhờ các giáo sư quốc tế dạy từ xa các môn học mà các giáo sư quốc nội không thực hiện xuất sắc được. Thí dụ, giáo sư Mỹ dạy Anh Văn, hay giáo sư Pháp dạy Pháp Văn. Các lớp này thu vào băng hình, đưa lên mạng, trước tiên là trang bị được ngoại ngữ giỏi hơn cho thế hệ trí thức tương lai, và tiết kiệm rất nhiều… Thực tế, có thể nhiều vị trí thức Việt kiều có thể giúp giảng dạy cho các môn đặc biệt, mà các giáo sư qúôc nội không phụ trách giỏi được, thí dụ như môn học về đời sống di dân ở Mỹ, văn học da đen Hoa Kỳ, nghệ thuật hậu hiện đại, Hiến Pháp Mỹ, và vân vân.

Nếu không mở cửa giáo dục, đất nước sẽ không bao giờ vững vàng được, và sẽ cứ lệ thuộc hoài thôi. Hãy trang bị lòng hiếu học cho toàn dân, hãy cắt giảm học phí đại học tới mức tối đa bằng mạng Internet. Hãy nhớ, khi Biển Đông đang bị vây tới nổi tàu cá Việt hễ ra xa là bị đụng chìm, khi Tây Nguyên đã có mọc lên các Phố Tàu, và khi dòng Mekong đang bị vận dụng bởi các đập nước hung hiểm từ nội địa Trung Quốc, thì cách duy nhất để gỡ vòng phong tỏa là cả nước phải học khẩn cấp, để tự ý thức rằng cơ hội tự giải thoát có thể sẽ không kịp nữa, và phải trao cho toàn dân cơ hội mới để chung sức - làm một bước đầu cho tiến trình dân chủ hóa. Đừng nói rằng dân trí thấp. Hãy tự chất vấn rằng vì sao nhà nước còn phong tỏa giáo dục./.

TRẦN KHẢI

27 May 2009

Thất nghiệp Sàigòn

Tình hình công nhân bị chậm lương, xù việc như cô Mai không ít. Chưa nói cả nước, chỉ riêng cái tam giác kinh tế Sài Gòn – Đồng Nai – Bình Dương không thôi, đã sơ sơ lòi ra cỡ vài chục ngàn cuộc đời ‘giữa đường đứt gánh’.



Ở Việt Nam, hình như ngoài trừ các công chức vào biên chế ngồi một lèo mấy mươi năm tới lúc về hưu, còn thì không ai trong đời chẳng vài lần nếm mùi thất nghiệp. Thất nghiệp có nhiều hạng. Có hạng bị cho nghỉ vì không ăn cánh với xếp. Có hạng bất mãn, đang làm đùng đùng bỏ về nằm nhà. Có hạng tốt nghiệp bằng nọ bằng kia hẳn hoi nhưng thích phụ mẫu nuôi báo cô dài hạn …Những hạng đó không dám nói không có bi kịch.

Nhưng bi nhất, bi thật sự, phải là những người thất nghiệp từ các tỉnh đổ về Sài Gòn – Hà Nội và các thành phố lớn khác, kiếm vận hội mới. Tám chục phần trăm trong số họ xuất thân từ đồng ruộng miền Bắc, miền Trung. Một chị dùng xe đạp làm cửa hàng lưu động, treo lủ khủ nong nia, rổ rá, thuyền bè, lọ hoa bằng mây tre, đứng bán lề đường cho biết ‘những đồ này, có cái nhà đan, có cái lấy của chỗ khác. Nghề chính là dệt chiếu cói ở Nga Sơn- Thanh Hóa, nhưng từ năm ngoái đã không có hàng’. Anh bán ấm chén vỉa hè Pasteur cũng thở dài ‘làng gốm Bát Tràng bây giờ sáng mở cửa ngồi đến tối lại đóng cửa. Đành đưa hàng vào đây bán lẻ, gỡ vốn’.

Những người nhập cư tìm việc ở Sài Gòn, đa số không có cơ hội tiếp cận ngay những công việc ổn định, thu nhập cao. Không tay nghề, không bằng cấp, đôi khi thiếu giấy tờ tùy thân (địa phương không cấp vì thiếu thuế, thiếu đóng góp các khoản bắt buộc), trước mắt họ đành bằng lòng với những nghề ít dân Sài Gòn nào chịu làm như phu hồ, đào đường, giúp việc nhà, rửa bát quán ăn, thu mua ve chai, đấm bóp dạo, bán chạy (vừa bán vừa chạy cảnh sát).


Dựa vào đồng hương

Cùng thân phận thất nghiệp, cùng xoay xở tìm việc nhưng có điều khác biệt rất rõ giữa người thất nghiệp gốc Sài Gòn và người thất nghiệp nhập cư. Đó là người thất nghiệp gốc Sài Gòn, thường trẻ tuổi, có học vấn, có bằng cấp, hay tận dụng các biện pháp tìm việc có vẻ hiện đại như trực tiếp tham gia các sàn giao dịch việc làm, truy cập các website tuyển dụng trên internet, lui tới các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín, tự đăng tin ‘rao bán mình’ trên báo. Trong khi người thất nghiệp nhập cư, thường ‘cứng’ tuổi, ít học, không có nghề chuyên môn, không bằng cấp, thích sử dụng kênh tìm việc tuy cổ cỗ sĩ, nhưng vẫn cho kết quả tốt, là kênh đồng hương.

Bình-Trị-Thiên, Thanh-Nghệ-Tĩnh là những tỉnh có hội đồng hương tương đối mạnh. ‘Đụng vào tao là đụng vào cả nhóm, cả hội. Đừng tưởng bố mày dễ chơi!’ Một anh thợ hồ, người nhỏ choắt đã chĩa thanh sắt vào mặt đối phương, hét vậy, khiến chủ thầu L. phải nhảy vào can thiệp. Anh L. bảo “Ban đầu cứ thằng nào đến xin cũng nhận, sau thấy không xong, phải giao cho một thằng làm đầu. Nó tuyển toàn đồng hương. Thợ phụ 70.000 đồng một ngày. Thợ điện, thợ sơn, thợ hàn cao gấp đôi. Nhiều khi nghe toàn giọng Bắc, giọng Trung, cũng giật mình. Chúng nó làm thì khoẻ, chịu đi xa, ít nghỉ bậy, nhưng rất dễ bị kích động. Hơi tí là kéo bè kéo cánh choảng nhau.”

Biết anh L. đang nhận thi công dài ngày khu du lịch Mandagui, trên quốc lộ 20, khá gần nơi các công ty Trung Quốc đang chuẩn bị khai thác bô xít qui mô lớn, kẻ viết bài hỏi anh về nguy cơ thợ bỏ sang làm cho các công ty Trung Quốc đó. Anh L. cười, chỉ một thợ trẻ, quê huyện Lâm Hà – Lâm Đồng. Anh thợ này cho biết “công nhân toàn người Trung Quốc. Đồ dùng cũng vậy, toàn từ Trung Quốc chở sang. Họ ở quây lại, trong một khu vực như làng riêng. Ngay kỹ sư Việt Nam cũng chỉ làm việc vặt, lương bằng một phần ba lương công nhân Trung Quốc”.

Từ ‘lời khai’ của anh thợ, liên hệ với trường hợp thắng thầu của hàng loạt công ty Trung Quốc ở Hải Phòng, Cà Mau, Quảng Ninh thời gian qua thì thấy khá giống nhau về mặt ‘chính sách’: tất cả công nhân, nguyên vật liệu xây dựng, trang thiết bị lắp ráp đều chở từ Trung Quốc sang, hạn chế tối đa việc mua bán, thuê mướn nhân công ta. Nhân đây mở ngoặc đơn nói thêm: tất cả những gì dính đến chủ quyền biển đảo, lãnh thổ, bang giao, buôn bán, vệ sinh thực phẩmTrung Quốc … ở Việt Nam hiện nay đều rất nhạy cảm và dễ bị quy kết. Ngay ông Lê Dũng – người phát ngôn chính thức của bộ Ngoại Giao – còn phải ‘cân nhắc, nâng lên đặt xuống từng chữ một’. Người dân rất dè dặt, rất hay nói thầm, thậm chí nói bậy. Chả thế mà trong thực tế, trước tình trạng công nhân Việt Nam đói ‘chóc mỏ’ nhìn công nhân Trung Quốc ào ạt kéo sang cướp việc làm (báo chí đưa tin có khoảng 50.000 thợ Châu Á hiện đang làm việc tại Việt Nam…) dân thất nghiệp ta đã gọi nó là cuộc xâm lăng không tiếng súng. Bậy bạ đến thế là cùng!

Theo nhiều nguồn thống kê dự báo khác nhau, thì cả năm 2009, số người thất nghiệp toàn quốc có thể sẽ lên tới 400.000 người, số lao động làng nghề, chủ yếu ở miền Bắc, bị ảnh hưởng (tức là bán thất nghiệp hay thất nghiệp toàn phần) cũng có thể đạt kỷ lục 5.000.000 người. So với các nước khác, con số đó thể chưa là gì, nhưng trong thực tế, đằng sau nó là sự mưu sinh vất vả của những người thợ lành nghề, những trụ cột gia đình phải ly thổ, ly hương, ly gia…

Khi kẻ viết bài đến xã Tương Bình Hiệp – làng sơn mài truyền thống của Bình Dương, đi qua dãy hàng sơn mài vắng vẻ, gặp một cơ sở mài ốc xà cừ, hỏi chuyện làng nghề, cô thợ lắc đầu ‘gốm, sơn mài, đồ gỗ từng là thế mạnh xuất khẩu của Bình Dương, nhưng bây giờ đầu ra nhỏ giọt, giá cả nguyên liệu lên, nợ cũ chưa trả, ngân hàng từ chối cho vay mới. Hơn năm mươi nhà làm nghề sơn mài phải giảm thợ hàng loạt. Mấy ông đạp xe ba gác, chạy xe ôm, mấy bà bán dâu da, măng cụt, trà đá dọc đường toàn là thợ làng nghề bị dạt ra’.

Chao ôi! Để nhất nghệ tinh, đôi tay thợ gốm, thợ tiện, thợ vẽ, thợ cẩn ốc…phải miệt mài từ thuở còn thơ. Nhưng đứng bán ngoài đường thì khỏi học. Có điều, đứng vậy, lâu ngày sẽ chết nghề, rất tiếc! “Sao không kiếm một việc khác, một xưởng khác mà làm thay vì ‘đứng đường?” Câu hỏi này của kẻ viết bài bị các công nhân thứ thiệt chê ‘hỏi ngu thấy mẹ’, không thèm đáp. Má Hai Cơm Tấm đầu con hẻm đường Phan Huy Ích – Gò Vấp, nơi có mấy xí nghiệp may đóng quân, phải ‘xóa ngu’ giùm. Má nói ‘mày tính đi! Một đứa công nhân tháng lãnh triệu rưởi hai triệu. Trừ tiền cơm, tiền nhà, tiền điện nước, chưa kể đau ốm, đi đám cưới đám ma, góp mua cái này cái nọ chút đỉnh, hỏi còn dư được mấy đồng gửi về quê? Bị nghỉ nằm nhà bất tử, đứa nào không lo, không muốn kiếm việc khác. Nhưng việc khác, chỗ khác, chủ khác, thì lạ nước lạ cái, phải dò dẫm, phải học lại từ đầu. Đã vậy lương thưởng, chế độ bảo hiểm, xe đưa rước… không bằng chỗ cũ. Là mày, mày vô đó làm không?’ Ra là vậy! Hèn chi đi một vòng Thủ Dầu Một (Bình Dương), Gò Vấp, Thủ Đức (Sài Gòn) thấy nhiều bảng treo tuyển công nhân với số lượng lớn, điều kiện tốt nhưng người tới nộp đơn rất ít, cứ thắc mắc không hiểu tại sao.


Bảy nghề trị thất nghiệp

Đối với các quan chức, các nhà doanh nghiệp, vấn đề thất nghiệp, phải giải quyết, phải tiêu diệt, chứ không sống chung. Nhưng với người dân, sống chung với thất nghiệp, là chuyện nhỏ, và ‘xưa rồi Diễm’. Có thể sống chung với lũ, với dịch tả, cúm heo cúm gà, và trước mắt là đại dịch cúm H1N1, thì với thất nghiệp, cũng vậy. Có điều, phải chuẩn bị kỹ. Ai mà biết thất nghiệp nó đến lúc nào, đến bao nhiêu lần trong đời. Chuẩn bị cách sao? Lấy bảy nghề trị thất nghiệp! Ngẫm ra, đây không phải là phép chơi chữ thú vị mà là kinh nghiệm sống hoàn toàn khả thi.

Từ tấm vé số tình cờ mua ủng hộ người đàn ông ngồi xe lăn trước công viên Gia Định – Gò Vấp, kẻ viết bài được nghe kể kinh nghiệm sống chung với thất nghiệp từ chính cuộc đời hai anh em ông – Thu và Thảo – làm ruộng ở Đồng Tháp, đi mò cua, đạp phải mìn sót lại dưới lòng rạch, vợ bỏ… thắt lưới, đan thảm cói đến bán vé số, bán bánh ngọt, lột hột điều, làm tăm tre … tính ra tới bảy nghề, vẫn bữa đói nhiều hơn bữa no… thằng em kêu làm thêm nghề thứ tám, là nghề …ăn mày, anh dứt khoát không nghe. Trong xóm nhà lá của anh em Thu – Thảo, dọc kinh Nhiêu Lộc Thị Nghè kẻ viết bài gặp khá nhiều mảnh đời thất nghiệp, cơ nhỡ tương tự. Có đánh lộn, chửi đời chửi trời, có cắp trộm lặt vặt, nhưng không thấy ai chết đói hay tự tử. Vô hình trung, mọi người đều chia sẻ với nhau triết lý sống: Biết một nghề, giỏi một nghề chưa đủ, phải ‘gối đầu’ thêm vài nghề khác. Tiền làm ra phải cất phòng hờ. Hễ thấy xí nghiệp chậm lương hai ba tháng, không có đơn hàng mới thì tự nghỉ, đi tìm việc khác ngay, không thưa kiện, đình công chờ giải quyết lương thưởng, không theo đuổi chế độ chính sách của ‘mấy ổng’ để khỏi mất thì giờ. Cô Mai, công nhân may túi xách, mất việc hơn tháng nay cho biết “Công ty đóng trên địa bàn Gò Vấp, chủ Hàn Quốc đã bỏ trốn. Mấy ông công đoàn biểu công nhân chờ. Chờ sao được. Không tiền, nhiều người bỏ về quê, nhiều người xoay qua giúp việc nhà, phụ quán ăn.” Bản thân cô, cũng thế. Sáng ngủ lấy sức.


Chiều ra bán cháo vịt, tới khuya.

Tình hình công nhân bị chậm lương, xù việc như cô Mai không ít. Chưa nói cả nước, chỉ riêng cái tam giác kinh tế Sài Gòn – Đồng Nai – Bình Dương không thôi, đã sơ sơ lòi ra cỡ vài chục ngàn cuộc đời ‘giữa đường đứt gánh’. Mà để giải quyết sự đứt gánh rùng rợn này, ở tầm vĩ mô, có quyết định 30 của ông nhà nước…; tầm ‘trung mô’ có tổ chức công đoàn các cấp, các sở ngành địa phương có liên quan; tầm vi mô, mới tới ‘cái thằng công nhân’. Tầm nào cũng nhằm can thiệp với chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi công nhân, cho công nhân vay tiền học nghề mới, làm kinh tế gia đình, hoặc tìm việc làm mới. Tầm nào cũng ‘đẹp như mơ’.


Susan Boyle và người Sài Gòn

Nhân nói mơ, mới nhớ cuộc thi hát ‘Nước Anh có tài năng’. Trong cuộc thi đó, bà Susan Boyle, một người phụ nữ lớn tuổi người Scotland, đã hát bài ‘tôi mơ một giấc mơ’ bằng một chất giọng đẹp vượt xa tưởng tượng của ban giám khảo và khán giả. Ngay lập tức, lý lịch thất nghiệp, vẻ ngoài xồ xề, quê mùa của bà thí sinh 47 tuổi biến mất, chỉ còn những tràng pháo tay vang dội, những đôi mắt mở lớn, cả những giọt lệ hân hoan…Coi đoạn video ghi lại phần trình diễn của Susan Boyle trên website youtube.com, nhiều người Sài Gòn cùng cảnh với Susan như được tiếp thêm sức mạnh.
Susan thất nghiệp. Họ cũng thất nghiệp. Susan có một giấc mơ, họ cũng mơ. Susan ‘đẹp’ dưới mức trung bình, họ cũng ‘đẹp’. Vậy thì, nếu con vịt Susan đã thành thiên nga, sao họ không thể?

Chao ơi! Chỉ nhìn thấy những phần người ta có mình cũng có, còn phần người ta có mình không có thì không chịu thấy giùm! E muôn đời, vịt nhà ta chỉ thành… cháo vịt mà thôi.

Nguyễn Thị Lan Anh

25 May 2009

Thảm trạng của người Việt tị nạn tại Căm Bốt

Bước đầu, để phục vụ cho việc điều tra xét hỏi, công an điều tra và quản lý trại giam luôn luôn cài đặt ”ăng-ten”. Chúng đưa những tội phạm hình sự hay kinh tế “nhảy xô”, nhằm khai thác thông tin từ các bị can liên quan đến vấn đề chính trị và tôn giáo. Những tay nhảy xô chuyên nghiệp này thường có mức án cao nên mong được giảm án, họ đang lao động ngay tại trại giam, hoăc từ các trại tù cưỡng bức lao động di lý về.



Trong công cuộc đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền; trong đó có hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền Cộng sản Việt Nam đang tâm chà đạp, bản thân tôi đã trải qua bao phen vào ra trong ngục tù Cộng sản. Nay, biết mà không nói là bất nhân, xin chân thành chia sẻ những nỗi niềm với bao người đang bị bức ép đọa đày bởi chính sách hà khắc của chế độ Cộng sản gian ác, nhằm đối phó với những sự lường láo tráo trở, xảo quyệt điêu ngoa của Cộng sản.

Sau khi mãn hạn tù, tôi còn phải chịu cảnh 5 năm quản thúc. Tôi sống trong tình trạng không có bất cứ một quyền căn bản nào của một con người, tất cả các quyền công dân hoàn toàn bị chính quyền Cộng sản tước đoạt, trên mảnh đất Việt Nam thân yêu không còn một nơi nào khả dĩ dung thân. Bởi thế cho nên, tôi không còn sự chọn lựa nào khác, phải đành lòng tìm đường vượt biên giới sang Cam Bốt lánh nạn.

Sau khi trình diện với văn phòng Phủ Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh, trong thời gian chờ đợi cơ quan này cứu xét quy chế tị nạn, tên tình báo Cộng sản Nguyễn Công Cẩm đã vài ba lần gặp gỡ tôi ngay tại văn phòng Phủ Cao Uỷ, y đã gạ gẫm tôi, hãy đưa cho y các loại giấy tờ để y giúp dịch sang Anh ngữ, sau đó gửi lên Phủ Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc để được phỏng vấn và công nhận tư cách tị nạn nhanh hơn. Mặc dù tôi đã hết sức cảnh giác, đã khước từ, nhưng rồi không bao lâu sau khi tôi được công nhận quyền tị nạn, thì hàng chục hàng trăm tên tình báo mật vụ Cộng sản Việt Nam hoạt động tại Cam Bốt trong đó có tên Nguyễn Công Cẩm cũng đã trắng trợn bắt cóc tôi giữa chốn đông người ngay trước khu chợ O´Russey, thủ đô Nam Vang. Bọn chúng giải giao tôi về trại giam B34 của bộ Công an Cộng sản tại Sài Gòn, giam giữ một cách nghiêm ngặt để điều tra xét hỏi. Với lối chứng minh bắc cầu theo nghiệp vụ điều tra kiểu Cộng sản, bọn chóp bu an ninh điều tra A24 cho rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức chống phá nhà nước, nên đã kết tội tôi với tội danh “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” theo điều 91.

1. Cài đặt

Bước đầu, để phục vụ cho việc điều tra xét hỏi, công an điều tra và quản lý trại giam luôn luôn cài đặt ”ăng-ten”. Chúng đưa những tội phạm hình sự hay kinh tế “nhảy xô”, nhằm khai thác thông tin từ các bị can liên quan đến vấn đề chính trị và tôn giáo. Những tay nhảy xô chuyên nghiệp này thường có mức án cao nên mong được giảm án, họ đang lao động ngay tại trại giam, hoăc từ các trại tù cưỡng bức lao động di lý về. Có trường hợp trại giam ngụy tạo ra quyết định thi hành kỷ luật để có cớ đẩy người vào buồng giam, chịu khổ nhục kế như bị cùm chân hòng đánh lừa, đồng thời dằn mặt chúng ta để khai báo. Trước khi nhận lãnh công tác nhảy xô, chúng được những tên cán bộ điều tra dặn dò kỹ lưỡng, đồng thời họ được hứa hẹn giảm án, tùy theo mức độ lập công chuộc tội. Qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta không dại gì tâm sự kể lể dài dòng, cứ nói chuyện bình thường, vô thưởng vô phạt. Khoảng thời gian chừng một tuần, hay mười ngày, kẻ ăng-ten lại được gọi ra làm việc kết hợp với việc thăm nuôi, y sẽ báo cáo những thông tin nghe ngóng được từ chúng ta. Ăng-ten sẽ được thay đổi liên tục, tôi có cơ may đã cảm hoá được nhiều người, khiến họ phải thú nhận ngay từ những buổi đầu được giao nhiệm vụ nhảy xô, nên tôi được hiểu thêm phần nào những trò lọc lừa của bọn điều tra.

2. Đánh lừa

Đây là trường hợp trại giam B34 Sài Gòn ngụy tạo tình huống nhằm đánh lừa tôi. Ngày 25-07-2002, tôi bị bọn công an tình báo mật vụ Cộng sản Việt Nam hoạt động tại Cam Bốt bắt cóc đưa về Việt Nam. Có những buổi hỏi cung, chúng đưa thêm công an điều tra vào, như thể lấy thêm lời khai của tôi để sang thẩm vấn người chung vụ với tôi, để tôi lầm tưởng rằng, người đồng hành với tôi cũng đã bị bắt, khiến tôi phải thành thật khai báo, ngụy tạo ba mặt một lời. Thêm nữa, trước khi chuyển tôi sang buồng biệt giam ở một khu khác, tôi sẽ ở chung với bị can A, công an trại giam xếp đặt một người nào đó như thể bị tạm giam ở gần buổng với A, nêu tên xưng họ, quê quán và giọng nói (Nam, Trung hay Bắc) y chang như thiệt. Sau đó, A sẽ nói lại với tôi rằng, y có nghe được giọng nói người tên đó họ đó, để tôi lầm tưởng, người đồng sự cũng đã bị chúng bắt giam ở đây rồi, phải thành thật khai báo thôi, vì nghĩ rằng, nếu mình không khai thì có thể người kia cũng khai ra. Thế nhưng, hình như tôi có linh cảm và không tin đó là sự thật, tôi bèn rà hỏi một gã công an trại giam vào đưa cơm, gã công an ấy xác nhận chắc chắn rằng, ở trại giam B34 này, không có ai tên họ như vậy. Thế là, bọn chóp bu điều tra bể mánh đánh lừa.

Sau khi mãn hạn 20 tháng tù, Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc đã điều đình với chính phủ Thụy Điển đồng ý cho tôi được tị nạn chính trị tại vương quốc này theo quy chế tị nạn vẫn còn hiệu lực. Tại xứ sở này, tôi lại có cơ duyên thường xuyên được tiếp xúc gặp gỡ và trao đổi chuyện trò với những người Thượng Tây Nguyên hiền lành chất phác, được biết họ chạy sang lánh nạn tại Cam Bốt vào những năm gần đây. Chính những người đồng cảnh này lại là nguồn cung cấp thông tin vô cùng chính xác và trung thực, về những hiểm họa mà cả đồng bào Thượng lẫn người Kinh tị nạn phải đối mặt từng giờ từng ngày tại xứ Chùa Tháp. Những đồng bào Thượng này vẫn chưa hoàn hồn và thỉnh thoảng không cầm được nước mắt, khi họ chân tình kể cho tôi nghe những thông tin về những hoạt động tình báo của bọn mật vụ Cộng sản Việt Nam. Họ cũng chỉ đích danh tên tình báo đội lốt người tị nạn Nguyễn Công Cẩm, cùng những đe dọa của bọn chúng đối với những người Thượng và người Kinh tị nạn tại đó như thế nào?

3. Những sự đe dọa và bức hại của cơ quan mật vụ Cộng sản đối với đồng bào Thượng trong các trại tị nạn ở Nam Vang:

Những người Việt gốc Kinh từ Việt Nam sang đây lánh nạn, cũng như những người tị nạn thuộc các dân tộc khác đến từ châu Phi, Trung Đông hoặc Trung Cộng được gọi là Urban Refugees. Sau khi họ đã trình diện với Phủ Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc để xin tị nạn, thì họ phải tự thuê mướn nhà cửa để tạm trú qua ngày cho đến khi được phỏng vấn, được cấp giấy tạm thời, quy chế tị nạn, sau đó họ được đi định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó. Liên Hiệp Quốc sẽ không thiết lập trại tị nạn cho nhóm này, nên vấn đề an ninh hết sức mong manh. Bởi lẽ, theo nhận thức của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại đây, thì nhóm những người tị nạn này có khả năng xoay xở, cũng như có điều kiện kiếm sống qua ngày, ngay tại đất nước tạm dung. Thêm nữa, chính phủ hoàng gia Cam-Bốt phải cho phép họ tạm dung theo Công ước Quốc tế về người tị nạn năm 1992 mà Cam Bốt đã đặt bút ký kết.

Khác hẳn với nhóm này, đối với các sắc tộc thiểu số khác từ Việt Nam sang đây lánh nạn, đa số là đồng bào Thượng ở vùng Tây Nguyên, Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc thấu hiểu rằng, họ không đủ trình độ hay khả năng để hội nhập với xã hội Cam-Bốt. Họ cũng không thể nào tự xoay xở để kiếm kế sinh nhai, hoặc có thể trang trải các khoản tiền thuê nhà. Ngoài ra, chính phủ Cam-Bốt cũng không cho phép họ tạm dung trên đất nước Chùa Tháp này. Bởi thế cho nên, Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc phải thiết lập ba trại tị nạn: trại 1 tọa lạc ở thủ đô Phnom Penh, trại 2 tại khu vực Tuol Kork và trại 3 ở khu vực Toeuk Thla. Ngay sau khi trình diện với Cao Uỷ tị nạn, tất cả những người Thượng Tây Nguyên được tập trung vào trại 2 để chờ phỏng vấn. Sau khi được phỏng vấn, họ sẽ được thuyên chuyển sang trại 3 để chờ kết quả. Đến khi phủ Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc thông báo kết quả, người nào được công nhận tư cách tị nạn, sẽ được chuyển qua trại 1 để chờ lên đường định cư tại một nước thứ ba. Còn lại những người bị từ chối tư cách tị nạn, họ sẽ được đưa trở lại trại 2 đề chờ ngày bị cưỡng bức hồi hương.

Dù ở trại nào chăng nữa, mỗi người Thượng đều được cung cấp chỗ nghỉ ngơi khoảng chừng ba mét vuông và được cung cấp lương thực tối thiểu vừa đủ để sống qua ngày. Những người Thượng đáng thương khi kể chuyện với tôi, họ vẫn không khỏi bàng hoàng và bật khóc, khi nhắc đến hàng rào an ninh rất nghiêm ngặt bởi những tên tình báo Cộng sản Hà Nội mang quốc tịch Cam Bốt, chúng sử dụng thành thạo ngôn ngữ Khmer. Ngoài ra, cũng có cả một số nhân viên an ninh người Khmer đã từng được đào tạo nghiệp vụ tình báo tại Hà Nội. Chỉ huy tất cả lực lượng này là tên trung tá an ninh đang làm việc cho Bộ Nội vụ Cam Bốt mang tên Ly Heng, đích thị là tên Nguyễn Công Cẩm, người Việt tị nạn ở đây đã từng vạch mặt chỉ tên hắn ta. Nguyễn Công Cẩm có vỏ bọc là người tị nạn được Phủ Cao Uỷ công nhận, song thực chất chính là loài lang sói quỷ đỏ được sản sinh ra bởi tập đoàn Cộng sản Hà Nội.

Chính vì lý do này, mặc dù khi tiếp xúc với các nhân viên của Phủ Cao Uỷ tị nạn, họ được cam kết chắc chắn rằng, tất cả hồ sơ, thông tin và lời khai về nhân thân của người xin tị nạn sẽ được bảo mật, nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược với những cam kết đó. Bởi chỉ sau khoảng vài ba ngày trình diện với Cao Uỷ tị nạn, thì oái oăm thay, những lời khai báo về những sự áp bức, khủng bố hay việc cướp đoạt đất đai bởi chính quyền Cộng sản đã được phía Việt Nam nắm rõ. Ngoài ra, toàn bộ hồ sơ, hình ảnh... đã từ những bàn tay lông lá của những tên mật vụ này chuyển về đến tận buôn làng của họ. Thế là, bọn công an ở các buôn làng này mặc tình tự tung tự tác. Chúng mời thân nhân của người tị nạn lên tra hỏi và cho xem bằng chứng, hình ảnh, lời khai... Đồng thời, chúng ép buộc những người này phải liên lạc thuyết phục người thân của mình ở Cam Bốt quay về đầu thú, hoặc tự nguyện hồi hương.

Ngoài những trò bỉ ổi lường láo đó, Ly Heng tức Nguyễn Công Cẩm còn chỉ đạo cho các trưởng trại phải móc nối một số người Thượng nhẹ dạ cả tin trong trại. Những người Thượng này sẽ làm ăng- ten hay tố giác chỉ điểm cho chúng về những trại viên có hành vi chống đối, hoặc là những trại viên nào thường nhảy hàng rào trốn ra ngoài, để tiếp nhận sự trợ giúp của nhóm tị nạn người Kinh. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên tiếp nhận những kế hoạch biểu tình phản đối sự đàn áp và cưỡng bức hồi hương của Bộ Nội vụ Cam Bốt ngay trong trại. Những người này chắc chắn phải đối diện với những khó khăn về pháp lý, khi họ bị ép buộc phải quay trở lại buôn làng tại quê nhà như trường hợp Mục sư A Đung. Bọn tình báo mật vụ này còn dối trá với những lời hứa hão huyền, rằng ai cung cấp được nhiều thông tin về những người tị nạn chống đối khác, thì người ấy sẽ sớm được cấp quy chế tị nạn và sẽ sớm được đi định cư. Bởi thế, không ít người Thượng đã vào cuộc. Họ chỉ điểm và tố giác lẫn nhau, khiến cho không khí chia rẽ và hận thù trong mỗi trại ngày càng sôi sục trầm trọng. Thảm trạng này tăng cao đến mức báo động, khiến nhiều người phải vượt qua những mối hiểm nguy để vượt trại vào giữa đêm hôm khuya khoắt, ngõ hầu mong thoát được cái bẫy giết người và cảnh địa ngục trần gian này. Đó chính là cõi A tỳ địa ngục mà bọn công an mật vụ tình báo nối dài cánh tay quyền lực cho đảng Cộng sản Việt Nam cùng với Bộ Nội vụ Cam Bốt lập nên, mà Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Nam Vang chỉ là kẻ vô tình tiếp tay cho họ. Chính quyền Cộng sản Việt Nam và Cam Bốt đã nhẫn tâm đọa đày các sắc tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đang bị truy bức, đàn áp. Quyền sống của họ đang bị chà đạp một cách trắng trợn ở quê nhà và ngay cả trên xứ sở Chùa Tháp nữa.

4. Những sự bức hại và đe dọa của tình báo mật vụ Cộng sản cùng những trò bịp bợm nhằm bịt miệng bưng mắt đối với người Kinh tị nạn:

Số lượng người Việt gốc Kinh tị nạn tại Cam-Bốt không nhiều, so với đồng bào thuộc các sắc tộc thiểu số, có khi lên đến con số gần hai nghìn người. Thời điểm được xem là cao điểm, khi người Kinh trốn sang Cam Bốt lánh nạn vào năm 2007, con số lên đến khoảng chừng tám chục người. Tuy nhiên, Bộ Công an Cộng sản Việt Nam cũng cảm thấy hết sức quan ngại, bởi vì nhóm những người Kinh tị nạn xuất phát từ nhiều thành phần mà không ít là hàng trí thức. Trong số đó, có những sĩ quan, binh sĩ thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà; nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã từng có những hoạt động đòi hỏi tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở quê nhà. Nhóm người Kinh này dù số lượng không đáng kể, nhưng lại có khả năng tổ chức tốt, vẫn còn tâm huyết với phong trào dân chủ quốc nội. Thêm nữa, đây chính là trung tâm trợ giúp tinh thần lẫn vật chất cho cả người Kinh và đồng bào Thượng tị nạn giữa chốn đất khách quê người. Điển hình là Hội Thánh Tin Lành do một người tị nạn là Mục sư Ngô Đắc Lũy chăn dắt. Sự việc này khiến cho công an mật vụ tình báo cùa chính quyền Cộng sản Việt nam lo ngại. Bọn chúng đã tính toán nhiều phương cách đàn áp, bắt cóc, khiến vị Mục sư này đã có lần phải lẫn trốn vào rừng sâu vào cuối năm 2007 mới thoát được nanh vuốt của loài sói lang Cộng sản. Điển hình một trong những tình cảnh như thế, để chúng ta biết rằng, công an Cộng sản hết sức cay cú hậm hực, chúng không từ một thủ đoạn tàn ác nào để triệt phá nhóm này cho bằng được.

Trong thời gian sang lánh nạn ở đây, tôi đã tìm hiểu được rằng, ngoài cơ quan tình báo đặc vụ có trụ sở tại Đại sứ quán Cộng sản tại Nam Vang, còn có một hệ thống chân rết tình báo gián điệp hoạt động trên khắp lãnh thổ Cam Bốt lên đến hàng nghìn tên. Chúng núp dưới lớp vỏ thương gia, doanh gia, chủ thầu xây dựng, kết hôn với người bản xứ... Đa số những tên này là bộ đội, cán bộ Cộng sản Việt Nam, chúng được cài cắm lại trưóc khi rút quân ra khỏi Cam Bốt vào đầu thập niên 90. Nhiệm vụ của bọn tình báo này là theo dõi nhất cử nhất động của mọi người dân Việt định cư trên đất nước Chùa Tháp, cũng như những người Việt vãng lai tại đây. Ngoài ra, chính quyền Cộng sản Việt Nam cũng đã cài đặt một tên tình báo cao cấp vào hàng ngũ người Việt tị nạn. Với cái vỏ bọc tị nạn chính trị, tên này không những gần gũi với những người Việt tị nạn, mà còn dễ dàng tiếp cận với văn phòng Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh, cùng với những cá nhân hay tổ chức quốc tế có những hoạt động trợ giúp nhóm những người Việt tị nạn tại đây. Chính quyền Cộng sản độc tài toàn trị hình như đã thành công trong thủ đoạn này. Bởi lẽ như chúng tôi đã trình bày, ngoài cái vỏ bọc của một người tị nạn mang tên Nguyễn Công Cẩm, tên tình báo này còn là một nhân viên an ninh cấp tá của chính phủ hoàng gia Cam-Bốt mang tên Ly Heng.

Tôi đã từng gặp mặt Nguyễn Công Cẩm tại văn phòng Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh. Thật tình mà nói rằng, y có một thái độ lễ phép, lịch thiệp và hoà nhã một cách hết sức nghiệp vụ, nên người tị nạn mới gặp gỡ lần đầu rất dễ bị mắc lừa. Theo lời kể của những người tị nạn lâu năm, những người này đã biết quá rõ chân tướng của y, thì hắn ta hết dụ dỗ lại hăm he. Đã có lần y đem lời đường mật để câu nhử anh Ngô Văn Tài là người tị nạn làm chỉ điểm viên cho y với nhiều hứa hẹn, nhưng đã bị anh ấy khước từ. Y đe dọa bằng những cách hành xử y chang bọn xã hội đen, đối với bất cứ ai dám tố giác y trước Cao Uỷ tị nạn hay các cơ quan quốc tế đang hoạt động tại Cam Bốt. Mặt khác, y xoa dịu rằng, các anh chị hãy an tâm, dù tôi có lên cấp tướng hoặc làm gì đi nữa, thì cũng không bao giờ quay lại hãm hại anh các người đâu.

Đối với những người mới sang lánh nạn sau năm 2005, ngoài những cựu đảng viên của đảng Nhân Dân Hành Động và của Chính Phủ Tự Do, dường như không ai biết được Nguyễn Công Cẩm là ai. Đây chính là lợi điểm cho tên tình báo mật vụ này trong sự tiếp cận với họ. Một mặt y thu thập thông tin về lý lịch nhân thân, mặt khác y tung hoả mù nhằm gây ly gián, bằng một số thông tin bâng quơ cho rằng, những người tị nạn kia chính là mật vụ hoặc tình báo của cộng sản đánh đi. Tiếc thay, có một số anh em dân chủ tuổi trẻ nhẹ dạ không tin rằng, tên Cẩm chính là công an mật vụ tình báo của Cộng sản Việt Nam, mặc dù hàng ngày họ vẫn thấy tên này trong quân phục an ninh Hoàng gia Cam Bốt mang quân hàm trung tá, đi đâu cũng lè kè súng ống hẳn hoi.

Đầu năm 2005, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam ra đời. Chi hội tại Cam Bốt cũng đã được người tử tù Nguyễn Phùng Phong đang tị nạn tại đây làm đại diện, nhằm tương thân tương tế người đồng cảnh gặp lúc khó khăn. Chính sự ra đời của Chi hội này, nên đã hơn một lần khiến cho người cựu tử tù này phải đối mặt với một vụ mưu sát của những sát thủ thuộc cơ quan tình báo Cộng sản tại Nam Vang.

Ngoài ra, tổ chức Trà Đàm Dân Chủ tập hợp mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước. Họ có cơ hội gặp gỡ nhau để nói lên niềm thao thức và luận đàm về hiện tình đất nước mà thôi. Thế mà báo chí của chính quyền Cộng sản Việt Nam lên tiếng đả kích, bôi nhọ, bằng những luận điệu hết sức vu vơ, để kiếm cớ truy bắt các vị này. Trong khi đó, tên Cẩm mang lốt tị nạn vẫn nghênh ngang giữa phố chợ đông người với súng ống và quân phục hẳn hoi. Giả sử rằng hắn ta là người tị nạn đích thực, thì liệu tình báo mật vụ Cộng sản dày đặc ở đây có để yên hay không? Đáng tiếc thay, một số anh em của chúng ta vẫn không nhận ra chân tướng của tên tình báo này, đến nỗi nhà dân chủ trẻ Lê Trí Tuệ phải sa vào tay của chúng nó, mãi cho đến nay, vẫn không ai biết số phận anh ấy sống chết ra sao!

Về hình thế địa lý, xứ Chùa Tháp là đất nước duy nhất mà những nhà dân chủ, những nhà bất đồng chính kiến trong nước lúc bị đàn áp, họ có thể vượt biên giới sang đó bằng đường bộ. Tôi viết bài này không ngoài mục đích chia sẻ thông tin và lên tiếng cảnh giác cho những ai đang bị chế độ Cộng sản truy bức đọa đày ở quê nhà, khi không còn sự lựa chọn nào khác, đành lòng phải tìm đường sang đây lánh nạn. Mong rằng, sau khi được tái định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó, quý vị sẽ hoan hỉ góp tiếng nói cùng chúng tôi, nhằm chỉ tên vạch mặt những tên tình báo mật vụ Cộng sản tại Cam Bốt đang ngày đêm gieo rắc tai họa cho người Việt tị nạn chúng ta.

Ước mong rằng, với những thông tin được thu thập ở đây, Cao Uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Quan sát Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, cùng các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, sẽ có cơ sở ngõ hầu trợ giúp và bảo vệ người Việt tị nạn một cách hữu hiệu hơn. Đồng thời, tôi cũng khẩn thiết kêu gọi chính quyền Cộng sản Việt Nam hãy ngưng ngay tội ác chống lại những người bất đồng chính kiến, những người đang ngày đêm đòi hỏi tự do, dân chủ và quyền con người trên đất nước Việt Nam thân yêu. Bởi lẽ, những nhà dân chủ, những nhà bất đồng chính kiến là những người yêu nước đích thực. Những người này đang ngày đêm mong muốn cả dân tộc Việt Nam được ấm no hạnh phúc. Họ ước mơ tổ quốc giang sơn Việt Nam được hưng thịnh, phú cường. Các vị ấy không phải là mối đe doạ hiểm nguy đối với tổ quốc và dân tộc Việt Nam, mà chính bè lũ Tàu Cộng đang mượn cớ đến khai thác Bô Xít ở Tây Nguyên mới là hiểm họa khôn lường, đối với sự tồn vong của tổ quốc và dân tộc Việt nam. Tập đoàn bộ Chính trị Cộng sản Hà Nội đã và đang tiếp tay với quan thầy Bắc Kinh để bán đứng đất nước này, mà quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã rơi vào tay bọn chúng. Đây chính là tội đồ của dân tộc Việt Nam, lịch sử mai hậu sẽ phán xét tội ác này.

Thụy Điển, 24-05-2009
Trí Lực

Thật giả lẫn lộn và trách nhiệm của chúng ta

chúng ta đang sống trong một xã hội vô cảm. Tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh họ vô cảm vì nền giáo dục nhồi sọ một chiều, vì chưa nếm trải đau thương mất mát trong chiến tranh, vì tối ngày si mê điện thoại di động. Trí thức, công chức, tư chức, văn nghệ sĩ phần lớn là ngậm miệng ăn thua



Xã hội Việt Nam hiện nay xảy ra mấy việc sau đây:

- Dân chê nhà nước độc tài, không có nhân quyền, không có dân chủ, các chức vụ then chốt trong bộ máy nhà nước đều do Đảng quyết định... Nhà nước trả lời bằng cách mớm ý cho ông bí thư Đà Nẵng “đề nghị” cho dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố.

- Dân la làng rằng nhà nước là “tay sai Trung Quốc” là “bán nước cho Tàu” là “dâng đảo Hoàng Sa Trường Sa cho Chệt”… nhà nước bèn trả lời bằng cách bổ nhiệm một ông chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa với nhiệm kỳ 5 năm.

- Dân lại nói: Thái Lan nó biểu tình tùm lum, quậy phá cơ quan nhà nước, chiếm sân bay, ách tắc giao thông, ảnh hưởng buôn bán, du lịch, làm thiệt hại cho đất nước… còn Việt Nam thì ổn định, bình yên mấy chục năm nay. Như thế có phải “ngon lành” hơn là tự do dân chủ hay không?

- Có người hỏi: các anh muốn thay đổi chế độ hiện nay ở Việt Nam hả? Lấy cái gì thay? Học thuyết của các anh đâu? Người ta có chủ nghĩa Mác Lê-nin còn các anh có cái gì? Không có học thuyết đừng hòng tập hợp quần chúng, đừng hòng lập một đảng chính trị. Không có đảng chính trị thì ai cầm lái? Các anh sẽ dẫn dân tộc theo con đường nào, đi đến đâu?


*


Toàn là những vấn đề hóc búa. Đố ai cãi được.

Vậy thôi đừng cãi. Chỉ xin hỏi chút xíu. Chẳng hạn như:

-Ông bí thư Đà Nẵng “đề nghị” cho dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố, vậy khi đắc cử xong, nhận áo mão cân đai xong, thì ông ta làm được gì?

Ông chủ tịch này chức thì lớn nhưng không phải đảng viên, vậy khi họp thành uỷ chắc chắn ông không được quyền tham dự, trong khi các quan chức dưới quyền ông (ví dụ như các giám đốc Sở, các chủ tịch quận…) đều là thành uỷ viên, họ đều được mời họp, được phổ biến chủ trương đường lối, được nhận chỉ thị của Đảng. Vậy thì họ nghe lời Đảng hay nghe lời ông chủ tịch thành phố ngoài Đảng?

Chỉ hỏi có một câu mà ông chủ tịch thành phố biến thành bù nhìn ngay.

Lại hỏi:

- Ông Đặng Công Ngữ hiện nay là chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, vợ con ở Đà Nẵng, ti-vi, tủ lạnh, xe pháo… đều ở Đà Nẵng và rất có thể ông chưa bao giờ đặt chân lên đảo Hoàng Sa và cũng không dám bén mảng tới gần hòn đảo ấy vì sợ Trung Quốc nó bắt nhốt.

Có thể ông cũng có một trụ sở UBND huyện Hoàng Sa ngay tại Đà Nẵng và hàng ngày ông cũng đi làm, hàng tháng vẫn lãnh lương, nhưng ông sẽ làm những việc gì? Ông có bao nhiêu nhân viên? Ông có công an, bộ đội không? Có vũ khí không? Có thành lập Mặt trận Giải phóng Hoàng Sa không? Bao giờ thì tiến hành kháng chiến? Bao giờ thì giải phóng Hoàng Sa?

Còn phía Trung Quốc, khi hay tin Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch Hoàng Sa thì nổi tam bành, ra công hàm phản đối kịch liệt.

Trời ạ! Hai ông nhà nước đóng kịch với nhau mà cứ y như thiệt!


*


Khác với Thái Lan, dưới chế độ ta, xã hội Việt Nam ta ổn định, không biểu tình, không chiếm sân bay, không ngồi lì giữa phố cản trở giao thông, không ngăn sông cấm chợ làm xáo trộn sinh hoạt… O.K tốt quá, nhưng xin hỏi chút xíu:

-Xã hội ta ổn định ư? Sao nghe cựu thủ tướng Phan Văn Khải nói xã hội ta “trên bảo dưới không nghe”? Sao mỗi sáng mở tờ báo ra thấy đâu đâu cũng tham nhũng? Mạnh ai nấy ăn. Cầu đường ăn theo cầu đường, dầu khí ăn theo dầu khí, giáo dục ăn theo giáo dục, y tế ăn theo y tế, bóng đá ăn theo bóng đá, nhà đất ăn theo nhà đất.

Ăn một cách hùng hồn, ăn một cách sỗ sàng, ăn một cách thô bạo, ăn một cách lịch lãm, ăn một cách xấc xược, ăn một cách lộ liễu, ăn một cách quy mô, ăn một cách nham nhở, ăn một cách trí thức, ăn một cách hoành tráng, ăn một cách hiện đại…

Ăn nhấm nháp như chuột, ăn ngồm ngoàm như hổ báo, ăn lén lút như khỉ, ăn chụp giựt như kênh kênh quà quạ…

Tiền Việt cũng ăn, tiền đô cũng đớp, lúa gạo, thịt cá, tôm xuất khẩu ăn đã đành, đến xi măng nó cũng ăn, sắt thép đã đem xây cầu Rạch Miễu rồi, nó cho người nhái lặn xuống sông, cắt ra mà ăn.

Thằng ở biển thì ăn biển, thằng ở rừng thì ăn rừng, computer, cáp quang nó cũng ăn, điện 220 volt nó cũng nuốt, xe lửa, máy bay, tàu biển nó ăn tuốt hết…

Chúa ơi! Xã hội như vậy mà gọi là ổn định sao hở trời!

Đó là một xã hội vô chính phủ.

Đó là một xã hội “trên bảo dưới không nghe”.

Cụm từ đó ai cũng biết người ta dùng để chỉ cái gì rồi.

Nó không phải là một xã hội ổn định. Nó là cái “con kẹc” đã hết xí oách.


*


Những xáo trộn vừa qua ở Thái Lan là một hình thức đấu tranh chính trị rất phổ biến trong các nước dân chủ. Nó có khả năng ngăn chặn độc tài, tham nhũng và bóc lột, góp phần giành tự do, dân chủ cho nhân dân lao động.

Các cuộc biểu tình ấy có khi cũng bị các đảng phái xôi thịt lợi dụng, nhưng nó thường là một thế lực mà bọn tham nhũng, bọn tay sai ngoại bang phải dè chừng, phải chùn bước. Nó có thể bùng phát rất dữ đội nhưng cũng giống như một cơn sốt, khi uống đúng thuốc thì nó sẽ bình phục.

Còn cái xã hội gọi là “ổn định” của Việt Nam hiện nay giống hệt một người đang nhiễm HIV. Nó có thể ủ bệnh đến 10 năm. Bề ngoài trông rất bình thường nhưng… hết thuốc chữa!

Con HIV made in VN hiện nay đã tiêu diệt sức đề kháng của cả một dân tộc, của cả một thế hệ.

Đó không phải là điều rất đáng sợ sao?


*


Bây giờ nói tới chuyện “cần một học thuyết để đối trọng với học thuyết Mác-Lênin, để vạch đường đi cho dân tộc”.

Xin hỏi:

-Trong suốt hơn 3000 năm nay nhân loại đã bị đủ thứ học thuyết gây nên bao cuộc chiến tranh làm cho thây chất thành núi, máu chảy thành sông, làm cho nhà tan cửa nát, làm cho tử biệt sinh ly, làm cho tàn phế, nghèo đói, khốn khổ khốn nạn trong hai cuộc thế chiến, rồi nào là Hitler, Pôl Pốt, Mao Trạch Đông, Stalin… rồi nào là “thánh chiến” nào là “vệ quốc”…Bộ quý vị chưa đủ tởn sao mà còn đòi học thuyết? Cá nhân tôi, mỗi lần nghe “học thuyết” là nổi da gà, muốn ói, muốn quỳ xuống mà lạy, xin đi chỗ khác chơi, xin tránh giùm cái dân tộc này cho chúng con nhờ!

Ai nói gì nói, tôi vẫn “chịu” cụ Hồ khi cụ tuyên bố tại Tours cuối năm 1920 đại khái: “Đệ tam hay đệ tứ cộng sản? Không biết có ĐỆ NHỊ RƯỠI cộng sản không, nếu có thì tôi cũng theo, miễn là giành được độc lập…”. Câu chế diễu ấy chứng tỏ cụ Hồ cũng coi các học thuyết chỉ là mớ giẻ rách.

Dân Việt Nam không cần học thuyết, hiện nay chúng ta chỉ cần một lực lượng chính trị, một đảng chính trị gì gì cũng được. Có thể là đảng Dưa Chuột, đảng Bí Đao hay đảng Sầu Riêng, Chôm Chôm gì gì đó cũng được, thậm chí là một Đảng Cộng Sản thứ 2 cũng được, miễn là cái đảng ấy phải có lãnh đạo độc lập với Đảng cộng sản đang nắm quyền hiện nay ở Việt Nam.

Để làm gì?

Không phải để dẫn dắt dân tộc theo một triết lý nào, học thuyết nào (vì đó là những thứ vớ vẩn) mà để làm những việc sau đây:

1. Khi có bầu cử quốc hội thì Đảng đó phải có các đại biểu có thực quyền trong quốc hội.

2. Khi nào chính quyền nói bậy, nói hiếp, nói càn thì Đảng đó biết phản bác, chỉ trích, tố cáo.

3. Khi nào chính quyền thò tay ký kết các hiệp ước bán nước, bán biển, bán tài nguyên, bán người lao động… cho ngoại bang thì Đảng đó cầm cái búa mà đập vào tay nó cho nó khỏi ký bậy.

4. Khi nào chính quyền há miệng ra “ăn” thì Đảng đó đưa tay ra giựt lại, trả cho dân. Khi nào chính quyền thò tay “móc túi dân” thì Đảng đó biết cầm cây roi mây quất vào tay nó cho nó chừa.

Hiện nay nhân dân chỉ cần có thế.

Nhưng ai sẽ đứng ra thành lập cái đảng Dưa Chuột ấy? Tất nhiên phải có lãnh tụ, muốn có lãnh tụ phải có lực lượng, muốn có lực lượng phải có phong trào quần chúng, từ các phong trào ấy chúng ta mới phát hiện người tốt để xây dựng cơ sở cách mạng, làm ngòi pháo, làm lực lượng xung kích. Đó là những điều mà tôi đã học được từ đảng cộng sản.

Tiếc thay, chúng ta đang sống trong một xã hội vô cảm. Tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh họ vô cảm vì nền giáo dục nhồi sọ một chiều, vì chưa nếm trải đau thương mất mát trong chiến tranh, vì tối ngày si mê điện thoại di động. Trí thức, công chức, tư chức, văn nghệ sĩ phần lớn là ngậm miệng ăn thua.

Hiện nay cũng có lác đác một số trí thức trong nước dám dùng ngòi bút của mình để mong kích hoạt một sự chuyển biến nào đó, như các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, nhà văn La Thành, tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhạc sĩ Tô Hải, nhạc sĩ Tuấn Khanh… và nhóm của các anh ở Lâm Đồng, Đà Lạt… nhưng họ cũng chỉ mới khẳng định được sự có mặt của một khuynh hướng chứ chưa phải là một lực lượng.

Tình thế thật gian nan.

Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng vào những người có tâm huyết trong Đảng cộng sản Việt Nam, trong giới sĩ quan cao cấp của các lực lượng công an, bộ đội. Hy vọng ấy đã được củng cố từ khi tôi đọc bài “Bauxite Tây nguyên: phép thử phản xạ tự vệ của quốc gia Việt” của tác giả La Thành đăng trên Thông Luận ngày 07.05.2009. Xin trích dẫn một đoạn:

“Ở một đơn vị lớn của quân đội đóng trên địa bàn Hà Nội, những cuộc họp chi bộ Đảng hằng tháng gần đây đã biến thành những xê-mi-na sôi nổi xung quanh chủ đề bauxite Tây Nguyên. Một vài sĩ quan đã không ngần ngại phát biểu công khai: “Chúng nó đang bán nước!” Thái độ khiếp nhược, nô lệ của giới cầm quyền trước nước lớn phương Bắc đã được đem ra mổ xẻ.”

Có thể một ngày nào đó các lực lượng này sẽ lớn mạnh đủ để tách ra thành lập một Đảng Cộng sản thứ 2 độc lập với đảng cộng sản hiện nay.

Đảng ấy có thể vẫn thờ Bác Hồ, vẫn thờ cụ Mác, cụ Lê-nin… cũng chẳng sao, miễn nó có thực lực, nó đóng vai trò giám sát tham nhũng, đấu tranh cho tự do, dân chủ. Đảng ấy phải có tiếng nói trong những quyết sách mang tính chiến lược quốc gia như vụ bauxite hiện nay.

Việc khai thác bauxite ở Tây nguyên là một sai lầm nghiêm trọng, và càng nghiêm trọng hơn khi cho người Trung Quốc vào khai thác. Nếu có đảng đối lập thì đã không có những quyết định sai lầm như thế. Nhà nước đang ngày càng sa lầy vào vụ bauxite và sẽ dẫn đến mất nước trong một tương lai không xa.

Việt Nam đang lâm vào một thế bí chết người mà chỉ có lòng yêu nước và sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân mới cứu vãn nổi.

Đào Hiếu
Nguồn: Blog Lề bên trái, ngày 18/05/2009

24 May 2009

Những điều không ''tử tế'' trong câu chuyện Bauxite Việt Nam

Sở dĩ có quá nhiều chuyện cần phải "bàn lại" vì dự án khai thác quặng bauxite đã được chính Tổng bí thư Đảng CS là Nông Đúc Mạnh đã ký với TC ngày 3/12/2001 qua ký kết "…Hai bên cùng tăng cường hợp tác trong dự án như Bauxite Đắk Nông, trong các dự án khuôn khổ hành lang một vành đai kinh tế…."



Câu chuyện khai thác quặng mỏ bauxite và sự hiện diện của công nhân và chuyên viên Trung cộng ở cao nguyên Trung phần Việt Nam hiện là một điểm nóng và là một đề tài đã được người dân trong nước cũng như ở hải ngoại quan tâm. Truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình hầu như khai thác hàng ngày trên mọi mặt của vân đề từ gần 3 tháng qua.

Bài viết nầy, qua đề tựa lần lượt nêu ra một số vấn đề "bất cập"; trong đó những người có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp của dự án, những người đang trực tiếp điều hành nhà nước CS Việt Nam…đã nêu ra, biện giải hay phản bác những "góp ý" của người dân trong và ngoài nước trên báo chí, phòng vấn, hội thảo v.v… Sở dĩ có quá nhiều chuyện cần phải "bàn lại" vì dự án khai thác quặng bauxite đã được chính Tổng bí thư Đảng CS là Nông Đúc Mạnh đã ký với TC ngày 3/12/2001 qua ký kết "…Hai bên cùng tăng cường hợp tác trong dự án như Bauxite Đắk Nông, trong các dự án khuôn khổ hành lang một vành đai kinh tế…."

1/ Về diện tích đất khai thác: Ngay từ đầu, với diện tích dự trù khai thác lớn lao như tại Đắk Nông gồm 6 địa điểm chiếm trên 1.900 Km2, gần 1/3 diện tích của toàn tỉnh, nhưng vẫn được giải thích là chỉ khai thác trên diện tích đất "hoang", không có trồng cây công nghiệp như trà, cà phê, cao su v.v… Nhưng trên thực tế, công tác di dời nhà (đuổi nhà) đã xảy ra từ hơn năm rồi.

Hiện tại, những vụ kiện tụng vẫn còn đang tiếp diễn. Làm sao bà con có thể chấp nhận được khi tiền bồi thường hoàn toàn dưới giá trị của nhà và đất trồng. Một thí dụ điển hình là, một gia đình có nhà và đất chung quanh, cộng thêm một diện tích đang chờ thu hoạch có giá trị cây đang trồng là 60 triệu Đồng VN. Tất cả, được bồi thường 30 triệu, không đủ chi phí để mua miếng đất cất nhà ở khu được di dời!

2/ Vấn đề hoàn thổ và trình tự khai thác "cuốn chiếu": Theo biện giải của Phó Thủ tướng CS Hoàng Trung Hải và mới đây nhứt được Thứ trưởng Bộ Khoáng sản lập lại là làm tới đâu lấp đất (hoàn thổ) tới đó và cho biết là tiến trình nầy rất thành công ở TC. Xin thưa, lớp đất mặt một khi đã được đào sới lên, dù được bảo quản kỷ lưỡng thì cũng phải trôi mất dưới sức chảy của những cơn mưa cao nguyên như thác đổ, nhứt là từ khi nạn phá rừng xảy ra hơn 30 năm nay. Và phải lấy đất ở đâu để lấp những vùng đã khai thác với từ 5 đến 20 thước sâu?

Nếu đúng như vậy, tại sao TC phải vội vã đóng cửa hàng trăm khu khai thác bauxite ở nước họ, mà phải khăn gói sang một nơi xa xôi để bắt đấu làm lại rất tốn kém. Và tại sao không khai thác các khu mỏ bauxite ở gần biên giới Bắc – Trung mà phải vào tận Cao nguyên Trung phần Việt Nam? Có phải vì một ẩn ý chính trị gì không?

3/ Vấn đề chuyên chở: Theo dự án, một đường xe lửa nối liền Đắk Nông tới Bình Thuận dài khoảng 300 Km và một hải cảng sẽ được thiết lập tại Kê Gà (Bình Thuận). Hai công trình nầy dự kiến trong dự án, nhưng hoàn toàn không nghe nói đến chi tiết kỹ thuật, tài chính cầnn cho dự án, cũng như tiến độ thi công vào giai đoạn nào…trong lúc hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đã bắt đầu đến giai đoạn xây dựng nhà máy. Có phải phải chờ 5 hay 10 năm nữa mới bắt đầu chuyển vận alumina về TC hay không?

4/ Vấn đề điện năng và nguồn nước cho khai thác: Theo như dự án Nhân Cơ, nguồn điện năng dùng cho việc khai thác bauxite để chế biến nhôm gồm việc xây dựng một nhà máy thuỷ điện tại Đắk Tít với công xuất 144 MW và lấy nước từ 4 hồ nước chạy dọc theo soôg Serépok để cung cấp nước cho nhà máy. Trong lúc đó, Ông PTT CS Hoàng Trung Hải nói là dự án sẽ xây dựng 3 tổ máy với công suất 3x30 MW và lấy nguồn nước từ sông Đồng Nai và một số suối trong khu vực để lấy nước cho việc khai thác. Như vậy, chẳng lẽ có hai dự án khai thác khau nhau ở tại Nhân Cơ. Người viết cũng không nghe nói đền nguồn điện và nước dùng để khai thác công trường Tân Rai ở Lâm Đồng, mặc dù ở hai nơi nầy cùng chung một chỉ tiêu khai thác là 600.000 tấn nhôm (ròng)/năm.

Với tính cách thông tin, hiện tại lượng điện năng dung cho toàn cõi Việt Nam là 58 tỷ KWH, và muốn khai thác 1,2 triệu tấn nhôm/năm phải cần đến 18 tỷ KWH. Như vậy tính khả thi của của hai nguồn điện trên (nếu nằm trong dự án) sẽ không cao nếu không nói là không tưởng.

Còn vấn đề nguồn nước, qua các dữ kiện "chung chung" nói trên, người đọc cũng sẽ dễ dàng nhận biết là có thể đến Tết "congo" mới hy vọng có đủ nước để hoàn thành dự án.

Một phương pháp "tối tân" nữa mà người viết với kinh nghiệm trên 20 năm trong lãnh vực xử lý bùn phế thải ở Hoa Kỳ chưa được biết là, bùn đỏ sẽ được trích nước ra để còn 54,4% nước (bằng cách nào, dự án không nói tới) và nước cùng với kiềm (sút) đã được trích ly sẽ được dùng lại để khai thác lô quặng khác, không cần phải thêm hoá chất.

Đây quả thật là một chu trình kín ứng hợp với tiến trình tòan cầu hoá trong việc áp dụng công nghệ sạch và xanh vì bùn đỏ sẽ được trộn lẫn với lớp đất mặt, đất mùn(?) (ở đâu ra(?)), phân bón hữu cơ để hoàn thổ và trồng cây công nghiệp, bảo vệ môi trường…

5/ Vấn để xử lý bùn đỏ: Theo tính toán của công nghệ khai thác quặng bauxite trên thế giới, trung bình khai thác 4 tấn quặng nguyên sinh sẽ có được 2 tấn alumina; và từ alumina sẽ điện phân được 1 tấn nhôm ròng. Lượng bùn đỏ trộn lẫn với nước là khoảng độ 2 tấn.

Nếu theo như diễn giải nêu trên thì không cần phải xử lý bùn đỏ vì bùn đỏ đã được biến thành đất nông nghiệp rồi?

Vấn đề hồ chứa bùn đỏ: Theo dự án, các hồ chứa bùn đỏ đều được thiết kế theo hệ thống thu hồi nước tuần hoàn kể trên.. Lợi dụng các khu vực thung lũng trong khu vực để xây dựng các hồ chứa quặng. Khu vực bãi chứa bùn đỏ sẽ dựa theo "tiêu chuẩn khồng chế ô nhiễm chôn lấp chất thải ô nhiễm" của Trung Cộng (tiêu chuẩn GB18598-2001) sử dụng giải pháp chống rò rỉ toàn diện, để tránh khỏi tình trạng dung dịch của bùn đỏ thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước dưới lòng đất (tức là nước ngầm).

Nếu theo tiến trình xử lý bùn đỏ ở phần trên, nước trong bùn đã được thu hồi và sử dụng lại, thì nước bùn đỏ đâu còn nữa mà phải bảo quản chặt chẽ để tránh ô nhiễm mãch nước ngầm, cũng như trồng cây chung quanh khu chứa bùn đỏ để tránh "sạt nở"?

6/ Vấn đề giải quyết ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm: Để bảo đảm việc dung dịch trong hồ bùn đỏ không gây ảnh hưởng đến nguồn nước, dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ thiết kế bố trí 4 giếng quan sát, kiểm tra nguồn nước lở thượng nguồn, hạ nguồn gần bùn đỏ. Hạ lưu bãi bùn đỏ thiết kế 1 giếng đối chiếu, và bố trí 3 giếng ở hạ lưu, tổ hợp thành kiểm tra 3 chiếu để quan sát ảnh hưởng của dung dịch ở hồ chứa bùn đỏ đối với nguồn nước.

Xin thưa, nước rỉ của một bãi chứa bùn đỏ sẽ thấm qua các lớp đât đá bên dưới và lần lần sẽ đi vào nguồn nước ngầm. Do tiến trình thẩm thấu từ vài năm đến vài chục năm tuỳ theo điều kiện địa chất ở từng vùng, do đó các giếng quan trắc (chứ không phải quan sát) (monitoring wells) phải được thăm dò và đóng ở những độ sâu khác nhau để có thể thu hồi nước rỉ trước khi nước nầy thấm vào mạch nước ngầm. Việc nấy đòi hỏi phải cần có cuộc khảo sát sâu rộng để định vị các giếng chứ không phải đóng một vài giếng đã được "chỉ định". Và cần phải có hàng trăm giếng chứ không phải một vài giếng ở thượng và hạ nguồn là đủ!

7/ Vấn đề ô nhiễm không khí, bụi đỏ, mưa acid và bức xạ: Trong khi khai thác quặng nguyên sinh, bụi đỏ là nguyên nhân đầu tiên, ành hưởng đến không khí trong vùng, không những ở vùng khai thác mà bụi còn bay xa đến một chu vi rộng lớn của khu dân cư và khu trồng cây công nghiệp của dân chúng.

Ảnh hưởng về lâu về dài đến sức khoẻ của con người là các loại bịnh về đường hô hấp vì đây là những hạt bụi ly ti có đường kính dưới 10 micron. Khi nhiễm dài hạn có thể đưa đến ung thư. Còn đối với cây trồng, là sẽ bị phủ lớp bụi nầy, từ đó cây sẽ bị hạn chế tăng trưởng và mức thu hoạch cũng sẽ bị giảm theo.

Thêm nữa, tiến trình khai thác sẽ nảy sinh ra khí sulfur dioxid (SO2), và khí nầy sẽ tạo ra mưa acid, ảnh hưởng cũng không nhỏ đến cây trồng và người dân sống chung quanh. Tất cả vấn đề trên không được nêu ra ngoài những mỹ từ đẹp đẻ kết quả của việc khai thác bauxite là làm tăng thêm phúc lợi cho người dân sống trong vùng, tạo dựng đường xá, trường học, y tế, và nhứt là nâng cao đời sồng kinh tế cho người địa phương (?).

Về bức xạ, dự án đã khẳng định là các công ty nước ngoài đã phân tích mẫu quặng ở Tân Rai và Nhân Cơ và kết quả là hoàn toàn không có phóng xạ. Xin thưa, trong đất tự nhiên (kể cả không khí và nguồn nước) luôn luôn có chứa các bức xạ như các tia alpha, beta, radium và có nồng độ giao động trong khoảng 20 PicoCurie/Kg (hay L) tuỳ theo vùng. Và với tính cách thông tin, nước rỉ kỹ nghệ như công trường khai thác quặng mỏ hay các bãi rác công nghiệp có hàm lượng bức xạ cao hơn nhiều, điển hình như tại bãi rác ở Los Angeles, bức xạ trung bình được tìm thấy trong hơn 25 năm là 40 PicoCurie/L.

Hãy nghe một người dân sống gần lò luyện nhôm của Chalco (Công ty đang thực hiện việc khai thác ở Nhân Cơ) ở Tây Tạng, được trích dẫn trên một bài đăng ở Mạng Lưới Hàng Động Fluoride (Fluoride Action Network) nói rắng: "Khói bao phủ sườn đồi. Nếu chúng tôi để cừu hay lừa ra gặm cỏ, răng của chúng trở nên vàng khè và giòn, rồi rụng hết. Gia súc của chúng tôi chết đói, và chúng tôi mất kế sinh nhai của mình".

8/ Vấn đề hợp tác khai thác: Trung Cộng, Nhật, Hoa Kỳ, Úc: Để trấn an dư luận phản đối sự hiện diện ồ ạt của công nhân và chuyên viên TC, nhiều cấp quyền lực của Việt Nam đã viện dẫn là có sự hợp tác quốc tế gồm nhiền nước trên thế giới tham gia trong việc khai thác nầy, và họ kê khai công ty Alcoa, Hoa Kỳ đã có 40% cổ phần khai thác.

Xin thưa, phát ngôn viên của Alcoa là Lowry đã công bố tại London vào ngày 28/4/2009 rằng công ty hoàn toàn không dự phần vào việc khai thác Nhân Cơ và Tân Rai, và hiện đang nghiên cứu thăm dò địa chất và có thể ký kết để khai thác khu Gia Nghĩa (Đắk Nông) dự trù vào năm 2012.

Từ đó, chúng ta thấy những bào chữa hay giải thích của "chính quyền" các cấp đều là những hình thức chữa cháy để trấn an dư luận hay đánh lừa dư luận mà thôi.

Hiện tại, dân số ở cao nguyên Trung phần Việt Nam tăng lên đến 4,2 triệu so với 1,2 trước năm 1975, và trong thời điểm vừa kể, người thiểu số chiếm gần 90%. Còn mức gia tăng gia tăng hiện tại ngày hôm nay phải là do sự nhập cư của của người Việt và các dân tộc khác đến từ bên ngoài Cao nguyên Trung phần và dân tộc thiểu số nguyên khai đã được ước tính trong năm 2008 là khoảng độ 400 ngàn mà thôi. Như vậy, mức gia tăng nầy cho thấy Việt Nam đã gián tiếp đẩy người thiểu số rời khỏi đất nước Việt Nam, bằng cớ là họ đã di chuyển sang Lào và Camdodia từ mấy chục năm nay. Như vậy, sự gia tăng đến từ đâu? Phải chăng họ đến từ phương bắc?

Người "công nhân" TC không phải đã định cư ờ Nhân Cơ hay Tân Rai, mà họ đã có mặt ở khắp miền đất nước từ Bắc chí Nam. Như tại Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh đã có trên 4.000 công nhân và chuyên viên cư ngụ ở một khu vực hoàn toàn biệt lập có cổng rào riêng và được canh gát cẩn mật do bảo vệ cũng là người Hoa. Tương tợ như ở Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng với trên 2000 công nhân, Công ty than Nông Sơn đã có trên 100 và dự trù vào tháng 6 tới đây sẽ tăng cường thêm 500 nữa. Thậm chí Công ty Điện Đạm Cà Mau cũng đã có trên 1.000.

Việt Nam đang đứng trước nạn khủng hoảng kinh tế và nạn thất nghiệp trầm trọng; theo con số chính thức đã có trên 1 triệu công nhân thất nghiệp đặc biệt là hai khu chế xuất Đồng Nai và Sông Bé… Thế mà cũng đã có hàng ngàn công nhân nhập lậu (không có giấy phép lao động) làm việc trong các hảng xưởng do người Tàu làm chủ theo tin tức của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Chính Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh mới vừa công bố là không có công nhân "không có giấy phép làm việc" và các công ty đều theo đúung thủ tục của Luật Lao động. Xin thưa, Luật Lao động có ghi rõ là mọi công nhân hay chuyên viên nước ngoài đều phải xin giấy phép và công ty thuê mướn phải chứng minh là loại công việc trên là cần thiết và được Bộ Lao động cung cấp giấy phép lao động. Xin hỏi các công nhân làm việc trên hai công trường Tân Rai và Nhân Cơ như cất nhà, làm đường xá, làm mặt bằng, hay đào các hố rãnh v.v… Đây có phải là những việc người công nhân Việt Nam không có khà năng làm không?

9/ Tính cách hợp pháp trong việc đấu thầu: Trong một suy nghĩ đơn giàn, việc đấu thầu một công trình có tính các quốc gia cần phải tham khảo và kêu gọi nhiều đối tác đấu thầu. Và cũng theo Luật Lao động và chủ trương của "nhà nước" công cuộc đấu thầu cần phải dành ưu tiên cho các công ty nội địa để thứ nhứt bảo đảm công ăn việc làm cho người dân, và thứ hai bảo vệ công cuộc phát triển và tài nguyên của quốc gia.

Trong trường hợp hai công trình Nhân Cơ và Tân Rai, cùng với nhiều công trình phát triển khác ở miền Bắc, sự việc không diễn ra như trên.

Bộ chính trị đạ định và đã dành cho TC "cái đặc quyền khai thác" (đã dành hay đã bị hay cùng nhau hợp tác…vẫn còn là một câu hỏi lớn và bí mật giữa hai đảng CS TC và Vệt Nam). Mọi thủ tục tiến hành để thực hiện một công trình khai thác và sản xuất đều vượt ra ngoài khuôn khổ của Bô luật Môi trường của Viêt Nam là phải nộp bản Nghiên cứu Tác động Môi trường (Enviromental Assessment Impacts – EAI) trước khi giấy phép khai thác được chấp thuận. Nghĩa là công ty muốn khai thác phải chứng minh là quy trình sản xuất nầy bảo đảm không làm đão lộn hệ sinh thái trong vùng và giải quyết toàn thể mọi phế thải từ không khí, đến phế thải rắn và lỏng.

Bộ chính trị còn cho thêm nhiều đặc quyền cho TC nữa là chấp nhận 35% vật liệu xây dựng, công nhân được chuyển thẳng từ TC, do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những vật liệu xây dựng và giải trí cho công nhân đều được chở từ TC sang, thậm chí đế những bàn cầu để tiểu tiện cũng …made in China nữa!

10/ Và điều thứ mười là cung cách tuyên truyền không trung thực: Theo tuyên truyền và những "thông tin khoa học" chính thức phát ra từ "chính quyền" qua văn bản, tuyên bồ, họp báo…thì phẩm chất bauxite ổ Việt Nam thuộc vào loại…tốt nhứt trên thế giới, có hàm lượng alumina cao và oxit silic thấp (SiO2).

Trên thực tế thì ngược lại. Quặng bauxite được khảo sát và thẩm định qua việc ước tính tỷ lệ hai hoá chất trên qua chỉ số Silic (mSi), nghĩa là tỷ lệ giữa alumina và silic. Và tỷ lệ nấy thấp đối với bauxite Việt Nam so với các quặng mỏ khác trên thé giới. Chỉ số mSi ở Nhân Cơ từ 3,5 đến 7,8 (trung bình 4,93). Trong lúc đó, chỉ số quặng trên ở Indonesia là từ 14 đến 18, Úc, 11 – 20, Ấn Độ, 20 – 25. Do đó, tỷ lệ thu hồi Alumina rất thấp và dĩ nhiên sự phát thải bùn đỏ càng nhiều hơn. Và phương pháp Bayer áp dụng cho việc tách rữa nầy sẽ sử dụng nước nhiều hơn…vì phải cần tinh luyện qua tẩy rữa nhiều lần để tăng nồng độ alumina trong quặng. Và sút phải được dùng nhiều hơn qua nhiều giai đoạn tẩy rữa bằng phương pháp nầy.

Đôi với quặng ở Nhân Cơ, theo quy trình của dự án, thì giai đoạn 1, sẽ đạt được alumina đạt được hàm lượng 35 – 39%. Sau đó, phải cần đến giai đoạn 2 trong việc tẩy rữa bằng sút tiếp theo để có thể đạt được nồng độ gần tinh khiết của alumina là 98,6%. Rồi sau đó mới tới giai đoạn điện phần để cho nhôm ròng. Vì vậy chúng ta nghe nói việc khai thác bauxite ở Nhân Cơ áp dụng theo phương pháp Bayer "ướt" là do việc sử dụng nhiều sút qua nhiều công đoạn tẩy rữa mà thôi (và dĩ nhiên, cần thêm sút thì cũng cần thêm nước để tẩy rữa).

Từ 10 sự việc "không tử tế" xảy ra cho hai dự án trên, tất cả đã nói lên não trạng cứng ngắt của lãnh đạo Việt Nam hiện tại. Có thể nói không "sợ trật" là trong bất cứ dự án nào có tính cách quốc gia ở Việt Nam hiện tại, những "sự cố" nêu trên cũng sẽ xảy ra tương tự và điều khác biệt duy nhứt là tên của dự án đã được thay đổi mà thôi!

Câu chuyện Tân Rai và Nhân Cơ cùng những câu chuyện phát triển khác đang xảy ra ở Việt Nam chắc chắn sẽ còn dài dài, đã đang và sẽ báo hiệu sự phản kháng của đủ mọi tầng lớp dân chúng ở quốc nội và hải ngoại.

Tiếng nói của người dân, đã không được chú ý, và nếu sự việc không được giải quyết thoả đáng, sự xáo trộn xã hội có thể bùng nổ trong một tương lai không xa và có thể đưa đến nội loạn.

Thiết nghĩ, tiên liệu trên đây cần phải được lằng nghe và sửa sai.

Mai Thanh Truyết
VAST- 5/2009

Ghi Chú: Với tính cách thông tin, sau đây là những thông số kỹ thuật của nhà máy sản xuất nhôm của Alcoa tại Rockdale, Texas, Hoa Kỳ.

Năng lượng: Phải đốt 16.329 tấn than/ngày. Một năm đốt hết 1,4 triệu tấn than để chạy nhà máy có công suất 500MW.

Nhu cầu nước: 8,3 triệu m3/năm

Ô nhiễm môi trường: Tạo ra 3,7 triệu tấn Carbon dioxide (CO2), 500 tấn hạt bụi lơ lững, 10.000 tấn sulfur dioxide (SO2), 220 tấn hợp chất hữu cơ, 720 tấn carbon monoxide (CO), 125.000 tấn tro (ash), 193.000 tấn bùn (khô), 77 Kg thuỷ ngân, 102 kg arsenic, 51,7 Kg chì và 1,8 kg cadmium. Các khí kểv trên đã được hạn chế phát thải vài không khí qua những màng lọc của công ty. Còn tất cả phế thải rắn và lỏng đã được xử lý theo quy định của EPA Hoa Kỳ.

Chất thải của lò luyện kim (lò luyện phải nóng đến 999 oC và dưới một điện cực 150.000 Amper): Cứ mỗi 1000 tấn nhôm ròng được sản xuất, phát thải ra 20 tấn phế thải độc hại do lớp cathode bị hao mòn. Phế thải gồm các hợp chất chứa ffuorr và cyanide. Đây là hai hoá chất, theo cơ quan WHO ảnh hưởng lên hệ sinh thái là huỷ diệt hoàn toàn thực động vầt trong vùng. Còn con người hấp thụ qua đường tiêu hoá hay hô hấp sẽ làm cho xương bị biến dạng (dị hình dị dạng) và hệ thần kinh bị hư hại. Các hiễm họa nầy sẽ không xảy ra cho Việt Nam, vì Việt Nam mặc dù trong dự án nói đến chỉ tiêu sản xuất là 1,2 triệu tấn nhôm ròng, nhưng trên thực tế chỉ dừng ở giai đoạn đầu là khai thác alumina (oxid nhôm) và chuyển tải về đàn anh nước lớn là TC để tiếp tục luyện nhôm.

(Nguồn: http://maithanhtruyet.blogspot.com/)
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết


Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers