23 May 2009

Âu Châu U Ám

...Âu Châu có thể sẽ suy thoái cho đến năm 2011...

Khi một số chỉ dấu cho thấy kinh tế Hoa Kỳ có thể đụng đáy và sẽ hồi phục dù vẫn còn chậm thì tình hình kinh tế Âu Châu lại u ám bất ngờ. Với một khối kinh tế quy tụ 27 quốc gia và sản lượng một năm tương đương với khoảng 15.000 tỷ Mỹ kim, tức là còn lớn hơn sản lượng kinh tế Mỹ, nạn suy thoái kéo dài của Âu Châu là mối lo phụ trội cho các nền kinh tế Đông Á vốn rất cần xuất khẩu qua thị trường Âu-Mỹ. Diễn đàn Kinh tế đaì RFA sẽ tìm hiểu riêng về hiện tượng ấy qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Việt Long: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, các thống kê kinh tế vừa được Liên Hiệp Âu Châu công bố tuần qua lại cho thấy một nạn suy thoái trầm trọng. Điều này có thể là bất ngờ vì nhiều người tưởng rằng Âu Châu suy trầm do khủng hoảng tài chính lây lan từ Hoa Kỳ chứ hình như Âu Châu còn bị nhiều tai họa do chính mình gây ra. Do đó chương trình kỳ này xin đề nghị là ta cùng phân tích các vấn đề đặc thù của Âu Châu. Trước hết, xin ông vui lòng trình bày cho bối cảnh của các vấn đề này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, về bối cảnh thì ta cần nhớ Liên Hiệp Âu Châu, xin gọi tắt là Liên Âu, gồm có 27 quốc gia, quy tụ gần 500 triệu dân và một năm sản xuất ra một sản lượng tương đương với hơn 15.000 tỷ Mỹ kim, so với cỡ 14.000 tỷ của nước Mỹ. Bên trong Liên Âu lại có 16 quốc gia đã thống nhất dùng chung một đồng bạc là đồng Euro. Đấy là "khối Euro", quy tụ hơn 300 triệu dân và có sản lượng bằng với khoảng 12.000 tỷ đô la. Nói về Âu Châu, có khi ta phải phân biệt hai nhóm ấy cho chính xác.
- Bước qua chuyện kinh tế, hôm mùng năm tháng Năm, cơ chế hành pháp của Liên Âu là Ủy ban Âu Châu đã công bố dự báo bi quan bất ngờ so với dự báo hồi tháng Giêng về nạn suy thoái của các hội viên. Qua ngày 15, Văn phòng Thống kê Eurostat của Ủy ban lại đưa ra nhiều dữ kiện còn u ám hơn dự báo trước đó về tình hình quý một. Vắn tắt thì tổng sản lượng nội địa GDP của quý một quy ra toàn năm đã giảm 4,4% cho cả Liên Âu, riêng cho khối Euro thì giảm 4,6%.

Việt Long: Liệu Âu Châu có mang họa lây vì những gì đã xảy ra tại Hoa Kỳ hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây là một ngộ nhận mà truyền thông chúng ta cần làm sáng tỏ. Dữ kiện kinh tế cho thấy Âu Châu bị suy trầm từ quý một năm ngoái - trước khi bị hiệu ứng khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ hồi tháng Chín - ít ra tại chín nước là Đan Mạch, Estonia, Ireland, Latvia, Luxembourg, Portugal, Slovakia, Phần Lan và Thụy Điển. Rồi sang quý hai năm ngoái, nạn suy trầm lan qua bốn nước Đức, Pháp, Ý và Hoà Lan. Tức là họ bị suy trầm từ hơn một năm nay mà không chỉ vì Mỹ. Trong ba tháng đầu năm nay, đa số bị suy trầm nặng hơn Hoa Kỳ, sản lượng bình quân của cả 27 nước Liên Âu bị sụt 4,4% so với 2,6% của Mỹ. Mà nạn sản lượng sa sút sẽ còn kéo dài, chưa nói đến khủng hoảng tài chính đã xảy ra vì lý do nội tại của Âu Châu - và còn lan rộng, kể cả trong đầu máy kinh tế mạnh nhất của cả Liên Âu lẫn khối Euro là nước Đức

Việt Long: Nếu như vậy, ta phải đi lại từ đầu để tìm hiểu xem Âu Châu gặp nạn như thế nào. Đầu tiên, vì sao dư luận cứ cho là vì hậu quả khủng hoảng và suy thoái tại Hoa Kỳ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đầu tiên là cấp lãnh đạo các nước có thể quy tội cho Mỹ để khoả lấp trách nhiệm của họ, là chuyện ta có thể hiểu được khi mà lý luận tranh cử năm ngoái làm dư luận Mỹ còn lầm tưởng rằng Hoa Kỳ có tội với thế giới! Thứ nữa, do cơ chế lãnh đạo kinh tế đặc thù Âu Châu, là một tập hợp của nhiều quốc gia nhưng chưa là một thể chế liên bang thống nhất như Hoa Kỳ, việc ứng phó có phối hợp và thuần nhất là điều không dễ. Cho nên ai cũng mong Mỹ sớm phục hồi để kéo kinh tế Âu Châu ra khỏi nạn suy thoái hiện tại, vì vậy càng dễ có ấn tượng sai lầm rằng tai họa xảy ra từ Hoa Kỳ.
- Nói thế không phải là phủ nhận nạn cạn kiệt thanh khoản nổ ra từ vụ khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại Hoa Kỳ, như chương trình tuần trước có trình bày. Khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ có thể làm các ngân hàng Âu Châu mất tối đa chừng 400 tỷ đô la từ năm kia, nhưng sự lỗ lã ấy không thể giải thích nạn suy thoái kinh tế hiện nay. Nói nôm na thì cơ thể Âu Châu suy yếu vì lý do nội tại nên bị lây cúm tài chính nặng hơn. Nhưng nạn cúm có thể sẽ rút mà Âu Châu vẫn chưa đứng dậy được nếu không nhìn ra sự yếu kém của chính mình để cải sửa.

Việt Long: Thưa ông, thế thì đâu là những yếu kém nội tại của Âu Châu khiến tình hình có thể còn nguy ngập và kéo dài lâu hơn những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính từ sự co cụm của thị trường gia cư sau nhiều năm lạc quan làm ăn với lãi suất thấp và tiền rẻ. Âu Châu cũng bị hiện tượng ấy, lại không có cơ chế lãnh đạo kinh tế, tài chính hay ngân hàng thống nhất và linh động như Hoa Kỳ, mà cũng chưa công nhận điều ấy nên sẽ khó xoay trở hơn. Tôi xin được lần lượt giải thích...
- Các nước Âu Châu cũng bị hiện tượng hồ hởi sảng và lạc quan tếu như Hoa Kỳ nên đã cho vay thả giàn - và từ trước khi xuất hiện bong bóng gia cư tại Mỹ. Thứ nhất, tín dụng bành trướng vì lãi suất đi vay quá rẻ sau khi Âu Châu thống nhất tiền tệ và bước vào trật tự tài chính của đầu máy mạnh nhất và có kỷ luật nhất là nước Đức. Lãi suất rẻ khiến một số quốc gia đầu tư vào xây dựng nên thổi lên bong bóng gia cư và bất động sản. Thứ hai, tín dụng còn bành trướng vì hiện tượng "carry trade" mà ta có dịp phân tích trong chương trình ngày 29 tháng 10 năm ngoái, đó là đi vay tiền nơi rẻ - có tỷ giá thấp - thí dụ như Phật lăng Thụy Sĩ hay Yen Nhật, để đầu tư vào nơi có lời cao hơn và lấy nhiều rủi ro hơn.
- Qua nhiều năm, nơi có triển vọng vì là vùng đất mới chính là Đông Âu - xin gọi chung cho dễ hiểu thực tế thì có cả các nước Trung Âu, ba nước Cộng hoà Baltic ở mạn Bắc và các nước thuộc khu vực Balkan ở miền Nam. Khu vực này vừa ngả theo cơ chế thị trường và đang cần tái thiết và phát triển. Bây giờ, nơi này lại suy sụp nặng và điều ấy phơi bày một nhược điểm khác của Âu Châu mà không liên hệ gì đến Hoa Kỳ. Đó là sau khi Âu Châu mở rộng thì ngân hàng Tây Âu đã lạc quan trút tới hơn ngàn tỷ đô la vào Đông Âu. Bây giờ, các ngân hàng Tây Âu đó bị nạn mà không thể có một cơ chế thống nhất khả dĩ tung tiền cấp cứu vì việc đó là thầm quyền và trách nhiệm của từng quốc gia.

Việt Long: Ông vừa nói đến nạn bong bóng gia cư tại Âu Châu do lãi suất thấp và phản ứng lạc quan thái quá của nhiều nước mà thật ra không liên hệ gì đến trái bóng gia cư của Mỹ. Ông có thể giải thích được chuyện này cho rõ hơn không?
- Dư luận Hoa Kỳ vốn chủ quan và ít quan tâm đến những gì xảy ra ngoài nước Mỹ nên không thấy rằng việc thống nhất tiền tệ và lưu hành Euro cũng thổi lên làn sóng lạc quan tại Âu Châu. Nhiều nước trong khối Euro nương theo đó xây nhà đi bán, là trường hợp của Ireland hay Tây Ban Nha. Nhiều xứ cũng vì tín dụng bành trướng dễ mà thổi lên trái bóng gia cư sau các năm 2000 và 2001, như Anh quốc, Đan Mạch, Hoà Lan và các nước Baltic. Cũng thế, trò tín dụng thứ cấp đầy rủi ro không là độc quyền của chính khách hay doanh gia Mỹ muốn cho người người đều có nhà và mình có tiền, mà còn là quốc sách của nhiều xứ Âu Châu thiên về xu hướng xã hội.
- Kết cuộc thì trái bóng gia cư Âu Châu còn căng phồng hơn bong bóng Mỹ. Lấy tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, là so giá nhà với các yếu tố kinh tế cơ bản khiến nhà lên giá, thì giá nhà tại cả chục nước Âu Châu - như Ireland, Hoà Lan, Anh, Áo, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Tây Ban Nha hoặc Ý - còn tăng hơn Hoa Kỳ, nên sẽ có lúc sụt mạnh, là lúc này. Tức là suy sụp tài chính vì bể bóng gia cư nay đang và sẽ còn xảy ra tại Âu Châu.

Việt Long: Bây giờ, các nước Âu Châu sẽ xoay trở ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Kinh tế toàn cầu suy thoái khiến các thị trường đều giảm và sản lượng công nghiệp cùng co cụm, mà co cụm mạnh nhất là tại Âu Châu, đấy là dự báo bi quan vừa qua của Ủy ban Âu Châu. Nguy cơ còn đáng sợ hơn thế chính là nạn giảm phát - hay deflation - là hàng hạ giá mà vẫn ế và thất nghiệp vẫn tăng.
- Nhưng chìm sâu dưới tai ách nhất thời này là vị trí bấp bênh của hệ thống ngân hàng vì - như trường hợp Á Châu và ngược với Hoa Kỳ - doanh nghiệp châu Âu ít huy động vốn trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu mà lệ thuộc từ 80 đến 90% số tài trợ vào ngân hàng. Khi ngân hàng từ Đông về Tây Âu, kể cả Đức, mà mất nợ và kẹt vốn, các doanh nghiệp đều bị họa lây. Giải quyết vụ khủng hoảng chòng chéo này quả là khó vì họ thiếu cơ chế thống nhất để điều tiết ngân hàng và cấp cứu khi cần thiết như hiện nay. Cụ thể là làm sao bơm tiền hoặc đắp vốn cho ngân hàng khi các nước chưa thẩm định được mức độ thiệt hại, chưa thống nhất được kế hoạch chung và những biện pháp hoặc trách nhiệm riêng của từng nước?
- Một thí dụ là mãi đến hôm 13 vừa qua, Đức mới quyết định cấp cứu các ngân hàng "xấu" của họ mà chưa thể thống nhất về ba loại cơ sở khác nhau, từ loại hợp tác xã tín dụng tới ngân hàng của các bang ở địa phương đến ngân hàng của tư nhân. Âu châu cũng dự tính làm "trắc nghiệm ứng suất" ngân hàng tức là "stress test" như Hoa Kỳ, để xem khả năng đối phó của ngân hàng, mà tháng Chín này mới biết kết quả và là kết quả chung, chứ không phải của từng ngân hàng. Khi biết thì cũng chưa rõ cơ chế nào sẽ cấp cứu trong khi thị trường đã lại thêm hốt hoảng.
- Đã thế, rất nhiều xứ Âu Châu đã bị bội chi ngân sách nặng và phải vay mượn quá nhiều - thật ra chẳng kém gì Hoa Kỳ trong những năm nguy ngập sắp tới. Vì vậy, khả năng xoay trở của họ cũng rất khó khăn. Trước mắt thì việc phát hành công khố phiếu để vay tiền cấp cứu kinh tế sẽ không dễ dàng và rẻ. Điều mỉa mai là trên các thị trường tài chính quốc tế, công khố phiếu Âu Châu sẽ không hấp dẫn bằng công khố phiếu Mỹ, và đô la Mỹ có lên ngôi thì cũng vì Euro suy sụp nặng hơn.

Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, chẳng lẽ cả khối Âu Châu mà không có thể đối phó nổi với những khó khăn hiện nay hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng kinh tế Âu Châu có thể sẽ suy thoái cho đến năm 2011 thì may ra mới hy vọng đụng đáy. Nhưng, phục hồi hay không thì cũng còn tùy vào khả năng công nhận sự thật - thay vì chỉ đổ lỗi cho Mỹ - rằng Âu Châu có vấn đề riêng của mình, nghiêm trọng nhất là hệ thống ngân hàng đầy bất trắc của họ. Khi nào ta thấy cả khối Âu Châu cùng phối hợp giải quyết vấn đề này thì mình mới hy vọng. Trong khi chờ đợi, tôi thiển nghĩ rằng các nước Đông Á cứ phải coi như đầu máy Âu Châu sẽ còn trì trệ rất lâu.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA & RFA

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers