Những lời trấn an dân chúng của lãnh đạo đảng và nhà nước cũng đã được toàn bộ lực lượng truyền thông đồ sộ của đảng tác nghiệp hết công suất, vẫn không thể làm yên lòng được ai... Có lẽ chưa một lần nào khi nhìn vào tương lai của dân tộc mình mà lòng tôi lại thất vọng, lại đau đớn, lại tan nát như những ngày này
“Kính tặng các thầy, các bạn học sinh lớp 8G -9G-10G
Trường cấp 3 Nguyễn Trãi Hà Nội
những năm 1962-1963-1964-1965”
Được đọc mấy câu thơ của nhà thơ tài danh Nguyễn Trọng Tạo viết tặng Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi anh Trọng viết thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản đối việc triển khai dự án khai thác Bô xít ở Tây Nguyên:
“Tưởng câm hết rồi không nói được
Bỗng từ tim óc phọt lên lời
Chuông vàng cất tiếng chăng tơ nhện
Trọng đã gõ rền tiếng “ Nước ơi!”
Tôi nói với bạn bè tôi rằng, tôi bị ám thị dữ dội bởi những vần thơ này.
Bạn tôi cũng nói với tôi rằng những câu thơ đó là một thứ xúc tác kích hoạt trong họ những giục dã khó diễn tả thành lời.
Vậy cho nên khi trong Email của tôi xuất hiện một bức thư của một người chưa quen biết:
“Thưa các anh, chị, em, đồng bào yêu nước,
Chúng ta là những công dân của nước Việt Nam, chúng ta có quyền, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước này. Lẽ nào chúng ta lại cam chịu ngồi nhìn Tây Nguyên, nóc nhà của cả Đông Dương đang và còn sẽ bị cầy sới tơi bời! Con cháu của bạn sẽ nghĩ gì về bạn nếu bạn thờ ơ với vận mệnh của đất nước!
Vì tổ quốc, đúng 9 h sáng ngày 23/4/2009, đồng bào yêu nước hãy kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng (cổng Phủ Thủ tướng )cạnh vườn hoa Thanh Niên, đầu đường Thanh Niên(Giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch),quận Ba đình, Hà Nội để biểu tình hoà bình - ôn hoà, yêu cầu chính phủ ngừng ngay dự án sai trái này.
Cuộc biểu tình do anh chị em trí thức, sinh viên yêu nước tổ chức . Xin hãy góp sức phổ biến thông tin này cho nhiều người cùng biết và tham gia.”
Là kiểu người thích “Xớ Rớ” vào những việc mà người đời thường bảo là không phải là việc của mình, là người có thiên hướng thuộc về đám đông, là người luôn tôn thờ những giá trị tinh thần, luôn đặt những chuẩn mực phẩm hạnh là trên hết, lại là người viết ký sự cho cuộc đời…thử hỏi tôi làm sao mà ngồi yên được trước những dòng chữ nóng bỏng tinh thần trách nhiệm với đất nước như thế.
Tôi lặng lẽ lên đường vào sáng 23/4/2009 tìm đến cái vườn hoa mà ngót 50 năm trước ngày ngày tôi vẫn lại qua mỗi khi đến trường. Có điều giờ đây cậu học trò trường Nguyễn Trãi năm nào nay đã là một ông già đang lần lần giở lại những kỷ niệm đã xa mờ trong quá vãng. [*]
Đâu rồi những chuyến tầu điện leng keng sớm khuya chạy từ Chợ Mơ – Quan Thánh - Thuỵ Khuê - Bưởi! Đâu rồi một bên đường là tượng đài Lý Tử Trọng, bên kia đường là một vườn hoa ở giữa là một đài phun nước ! Đâu rồi những thầy, những bạn mới ngày nào mà nay đã non nửa thế kỷ chưa một lần gặp lại! Đâu rồi đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về! Và …Hồ tây ! Hồ Tây tím mờ!
Kỷ niệm trong tôi sống động, lung linh hiện về theo từng nhịp xe lăn, bỗng vụt tan biến khi chiếc điện thoại vọng đến lời gắt gỏng của một ai đó ở đầu dây bên kia:
- “Ông Long! Ông đang ở đâu? Tôi là công an thành phố đang đứng trước cửa nhà ông đây!”.
Vậy là công an lại đến nhà. Đã từ lâu, cứ mỗi khi đến gần những thời điểm nhạy cảm là tôi lại được cơ quan an ninh “săn sóc” đến nơi đến chốn. Những ngày đầu là giấy mời, rồi giấy triệu tập, có lần họ lập trạm gác cố định trước cửa nhà tôi suốt cả ngày đêm. Tôi đã quá quen với các cung bậc này rồi. Dừng hẳn xe lại, tôi trả lời:
- “ Tôi là một công dân tự do, tôi ở nhà hay tôi đi đâu là quyền của tôi. Dù tôi ở đâu, tôi vẫn là người đàng hoàng, tôi không làm điều gì trái với hiến pháp, pháp luật và trái với lương tâm tôi. Không một ai có quyền tước đoạt của tôi những quyền tự do đó. Xin ông nhớ cho”.
Người ở đầu dây bên kia không giấu được sự bực bội, song vẫn cố dịu giọng:
- “Thôi được, tôi sẽ gặp bác sau.”
Tôi nghĩ, thật lạ lùng cho thái độ của vị khách không mời mà đến này. Sự bực bội vì bị xúc phạm nột cách vô cớ làm mất đi những hồi ức đẹp vừa sống dậy trong tôi. Một lúc sau, chiếc điện thoại lại rung bần bật trong túi quần tôi. Lại vẫn là vị khách không mời nọ, lần này anh ta gắt gỏng:
-“Bác đang ở đâu để chúng tôi đưa bác về !”
Đến nước này tôi không thể giữ được bình tĩnh nữa, tôi gắt lại:
-“ Tại sao các ông lại có cách hành xử kỳ lạ thế nhỉ! Chẳng bao giờ tôi lại dễ dàng giao phó thân xác tôi cho một người mà tôi không hề biết người đó là ai! Kể cả việc công an bắt giữ tôi, công an cũng phải làm đúng theo luật định mới gọi là pháp quyền, pháp trị chứ! Tôi là một công dân tự do, được hiến pháp và pháp luật bảo vệ, mong các ông nhớ cho là như vậy.”
Người ở phía đầu dây bên kia hạ giọng đe doạ:
-“Thôi được tôi sẽ gặp bác sau”
Sau cú điện thoại đó, tôi khoá máy cho đỡ bực mình. Tôi không hiểu họ đã nghĩ gì về “quyền con người”, cái quyền mà chính phủ CHXHCNVN đã từng long trọng cam kết với quốc tế. Khi họ đọc báo, nghe đài, khi họ xem thời sự trên các kênh truyền hình thấy người dân ở các nước dân chủ, tự do xuống đường ôn hoà bầy tỏ nguyện vọng, bày tỏ chính kiến của mình, tôi không hiểu họ đã nghĩ gì vào những lúc đó! Những ai cho phép họ, khuyến khích họ biến người dân trở thành những đám đông chỉ biết thừa hành, chỉ biết vâng lời và chỉ giỏi mỗi một môn là nhẫn nhục chịu đựng. Một dân tộc mà câu đầu đời dạy nhau là: “Quốc gia hưng vong, Thất phu hữu trách” nay có nguy cơ trở thành một cộng đồng thoái hoá, một đám đông hoàn toàn là vô cảm, hoàn toàn bị liệt kháng kể cả khi bị kẻ thù ngoại xâm lẫn nội xâm dồn đuổi đến tận chân tường. Dân tộc chúng ta đang ngày càng lạc lõng giữa thế giới văn minh, đến nỗi đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thuỷ phải thốt lên trong đau đớn: “Tôi tuyệt vọng về dân tộc tôi".
Hôm nay, họ khống chế tôi, họ cô lập tôi, tách tôi ra khỏi đồng bào tôi là họ muốn bẻ gẫy ngòi bút của tôi. Biện minh cho hành động vô lý và bất nhẫn này, họ không có bất cứ một cơ sở nào hết. Gắng rũ khỏi đầu những tạp niệm đầy ám ảnh, đúng 9h tôi đã đến được nơi tôi cần đến. Tôi lượn xe xung quanh vườn hoa Mai Xuân Thưởng để quan sát. Từ xa tôi đã nhìn thấy những chiếc xe cảnh sát đậu khép nép dọc đường Hoàng Hoa Thám & đầu đường Thuỵ Khuê. Trong xe lố nhố rất đông công an trong sắc phục mầu xanh rêu. Không khí không quá căng thẳng như ở trước cửa Sứ quán Trung Quốc ngày nào. Không có CSCĐ trong trang phục rằn ri loang lổ, xùm xụp nón sắt trên đầu và gậy gỗ trong tay. Trong các hàng ghế của vườn hoa, tôi thấy nhiều bóng công an mặc sắc phục và cũng rất đông những nhân viên an ninh trong đồ dân sự trong tay lăm lăm là máy ảnh kỹ thuật số, là Camera các loại. Từ các vị trí đã triển khai đó, có thể nói công an đã khoá chặt vườn hoa Mai Xuân Thưởng và họ hoàn toàn khống chế được mọi di biến động ở trong và ngoài vườn hoa này.
Tôi vòng xe về phía đền Quan Thánh, nơi có pho tượng Quan trấn vũ bằng đồng đen nổi tiếng linh thiêng, thấy trong các quán nước dọc đường Cổ Ngư rất đông anh em trí thức đang như thư giãn và mọi con mắt như đang đổ dồn về phía vườn hoa như chờ một hiệu lệnh.
Tôi lượn xe qua đường Thuỵ Khuê, con đường quá thân quen với tôi từ ngót 50 năm trước thấy cũng rất đông những người cùng trang lứa tôi,lấp loáng kính trắng, tóc trắng ngồi kín các quán nước dọc con đường này. mọi con mắt như cùng đổ dồn về phía vườn hoa để ngóng chờ một hiệu lệnh….
Cứ thế, cứ thế…tôi vòng qua vòng lại cái vườn hoa nhỏ bé nay đã là một địa danh nổi tiếng gắn với cộng đồng dân oan của cả nước.Cũng trên đoạn đường này, tôi đã từng nhiều lần chứng kiến những người nông dân lam lũ, gầy guộc đứng như hoá đá dưới những biểu ngữ:
-“Chủ tịch UBND… cướp đất, cướp nhà tôi!”
-“Thủ tướng ơi! Quốc hội ơi! Cứu dân!” ...
Cũng trên đoạn phố ngắn này, tôi cũng đã từng chứng kiến chị em tiểu thương Chợ Hàng Da đã từng biểu tình ngồi, ôn hoà biểu lộ nguyện vọng yêu cầu nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh của họ, v..v.
Hôm nay sẽ thật tuyệt vời nếu tôi được chứng kiến giới trí thức Việt Nam đến đây để bầy tỏ thái độ của mình về những vấn đề liên quan tới sự mất còn của Tổ Quốc, đến sự tồn vong của giống nòi trước những mưu sâu kế hiểm của ngoại bang.
Rất tiếc, vì nhiều lý do mà điều tôi nghĩ đến chưa thể xảy ra, nhưng tôi không hề thất vọng. Không có gì phải bàn cãi nữa, người trí thức Việt Nam đã vượt qua được nỗi sợ hãi thâm căn cố đế, để sống có trách nhiệm hơn trước lịch sử. Điều phải đến rồi sẽ đến thôi, tiến trình này là không thể đảo ngược được. Một lần nữa tôi thấy thật đúng khi Nhà hoạt động chính trị xã hội Nguyễn Gia Kiểng, đại diện Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nói: “ về Văn Hoá tổ chức, người Việt Nam ta là có vấn đề”. Tôi rời Vườn hoa Mai Xuân Thưởng trong nỗi bâng khuâng da diết khi nghĩ về thân phận người trí thức Việt Nam trong những ngày qua.
…
Ít ngày sau, tôi đem toàn bộ những gì mà tôi đã quan sát được trong buổi sáng 23/4/2009,trao đổi với một nhà dân chủ rất nổi tiếng, ông mới trở về sau chuyến kinh lý dọc đất nước, xuyên qua cả Tây Nguyên đang sôi động. Tôi thắc mắc với ông về hiện tượng: Trong bản Kiến nghị của 3 trí thức vừa qua thấy rất ít chữ ký của các gương mặt dân chủ tiên phong! Trả lời tôi nhà dân chủ nổi tiếng nói:
“Ngay từ 3/3/2009 rất nhiều anh em dân chủ đã ký chung một kiến nghị yêu cầu nhà nước phải trưng cầu dân ý về dự án khai thác Bô xít ở Tây Nguyên rồi. Người ký tên đa phần cũng là trí thức, nhân sĩ, văn nghệ sĩ,lão thành cách mạng cả đấy chứ. Trước những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự sống còn của đất nước, sự tồn vong của giống nòi… giới trí thức đã bắt đầu có được sự đồng thuận rồi đấy. Để tránh những đòn đánh của đám văn nô, đám bồi bút đủ mọi loại hạng, để tránh những bôi bác ác độc của đám cơ hội, trí xảo, hoạt đầu, đám con buôn chính trị,… việc không thấy xuất hiện nhiều chữ ký của những nhà dân chủ, chiến sĩ dân chủ trong Kiến nghị mới đây của 3 nhà trí thức lớn, nên được hiểu là bình thường, là hợp lý”.
Tôi thấy thái độ bình tĩnh, cẩn trọng của nhà dân chủ tiên phong đó là hoàn toàn đúng, hoàn toàn hợp lý. Ít ngày sau, giới bạn đọc, cư dân mạng vô cùng ngạc nhiên rồi nhanh chóng đi đến cảnh giác trước hội chứng “tự vả” của Hà Văn Thịnh (báo Lao Động). Tiếp theo là cả một xê ri bài viết lập lờ nhưng không thiếu chất tàn độc của những Xuân Quang (báo Nhân Dân), Thái Nam, Phạm Gia Minh, Nguyễn Ngọc Trân dành cho những người đã ký Kiến Nghị. Là nhà báo, tay họ cầm bút nhưng mắt họ láo liên, lấm lét nhìn đón ý 15 ông trong BCT để tranh nhau trình làng những quái chiêu bôi bác kiểu: “Những kẻ té nước theo mưa!”. Theo các tác giả này, chỉ có vài ba người ký kiến nghị là phản biện thật, còn lại rặt một lũ a dua phản biện đểu! Hãy cùng nghe lại ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nói gì về những người đã ký Kiến Nghị: “Rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hoá, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”. Họ cho vào cái mớ láo nháo đó cả các đại công thần, các nhà văn hoá, các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, các nhân sĩ, các nhà hoạt động tôn giáo khả kính trong nước lẫn ngoài nước.
Họ sẵn sàng hạ mình đặt bút để viết những dòng như đã trích dẫn là vì họ đã có được những tuyên bố xanh rờn của các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng về dự án khai thác bô xit ở Tây Nguyên và gần đây là chỉ thị của BCT cũng về vấn đề này.
Xin được hỏi, có là mâu thuẫn không khi ông Dũng bảo: “Khai thác bô xít ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng”. Sau này BCT còn làm rõ hơn: “Kế hoạch khai thác bô xít ở Tây Nguyên đã có từ ĐH IX, ĐH X!”. Vậy tại sao ông Trọng khi ở Tây Nguyên, lúc ở Séc lại nói: “Dự án Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu đôla, chưa thuộc dự án phải đặt dưới sự giám sát của Quốc hội”. Vậy là một ông thì nói LỚN, một ông lại nói là NHỎ! Người dân chúng tôi biết tin ai bây giờ?
Khi lên Tây Nguyên ông Trọng đã từng lớn tiếng: Khai thác bô xít ở đây là thực hiện ý nguyện của đảng bộ và nhân dân Tây Nguyên. Họ muốn làm giàu quê hương mình bằng khai thác bô xít. (!). Xin được hỏi ông Trọng, nhân đây cũng xin hỏi các ông Mạnh, ông Dũng, ông Triết cùng các ông khác trong BCT rằng: “Quyết định cho người Tàu vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên các ông có hỏi ý kiến của vài chục triệu người đang sống và làm việc ở dải đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, thậm chí phải hỏi cả những người dân đang sinh sống ở các tỉnh đông bắc CPC và Hạ Lào, những người đang phải dùng nước của sông Đồng Nai, sông Xerepoc và sông Mê công….khi mà không một ai dám cam kết rằng những dòng sông đó không hề chứa một dung lượng nào là bùn đỏ khi Tây Nguyên bị cầy sới tơi bời để tìm bô xít cho người Trung Quốc”.
Ông Trọng còn đã từng lớn tiếng cảnh báo trước những người tung hô ông ở Đắc Nông, ở cả nước ngoài rằng: “… Phải hết sức cảnh giác trước các thế lực thù địch!”. Xin được hỏi ông Trọng: Mai đây khi Tây Nguyên là một Hợp chủng bao gồm người Kinh, các sắc tộc Tây Nguyên cùng Hảo lớ với vài vạn ngoại nhân từ phương Bắc tràn xuống,…ai trong số này là thù địch đây? Hay là bọn thù địch chỉ nằm trong số những người đã ký tên trong các Kiến Nghị liên quan đến vấn đề bô xít ở Tây Nguyên!
Thưa ông Nguyễn Phú Trọng! Tôi biết trong danh sách các chữ ký khuyên can đảng thực ra là khuyên 15 ông trong BCT ngừng triển khai dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, rất nhiều người ký đã được thử thách, được khẳng định lòng yêu nước từ lúc ông cổ còn quàng khăn đỏ và ngày ngày phải đọc thuộc lòng 5 điều Cụ Hồ răn dạy đấy ạ!
Tất cả các Kiến nghị đòi dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên đã được gửi đi.
Những lời trấn an dân chúng của lãnh đạo đảng và nhà nước cũng đã được toàn bộ lực lượng truyền thông đồ sộ của đảng tác nghiệp hết công suất…vẫn không thể làm yên lòng được ai.
Trong đời tôi có lẽ chưa một lần nào khi nhìn vào tương lai của dân tộc mình mà lòng tôi lại thất vọng, lại đau đớn, lại tan nát như những ngày này.
Tôi nghĩ rằng, giai đoạn này, Tổ Quốc- Dân Tộc & Đảng CSVN đang cùng đối diện với một cuộc trắc nghiệm vĩ đại. Cuộc trắc nghiệm này sẽ dẫn đến những kết cục Bi – Hùng, Thành - Bại, Mất – Còn, Hưng - Phế, Vinh – Nhục v.v.
Cầu mong các vị Liệt tổ, Liệt tông, các bậc Tiên Đế khôn thiêng phù hộ độ trì cho Tổ Quốc, cho giống nòi chúng tôi luôn tỉnh táo, sáng láng để nhận đường, để tìm đường đặng đưa đất nước vượt qua giai đoạn đầy những thử thách và cam go ghê ghớm như lúc này.
Để khép lại những trang viết đầy bức xúc này, tôi xin kể lại câu chuyện giữa tôi và một học sinh cũ diễn ra sau ngày tôi từ vườn hoa Mai Xuân Thưởng trở về.
Hôm đó vào lúc chia tay, em học sinh đó đã nói với tôi: Nếu có chuyện luân hồi, biết đâu vào kiếp sau, thầy trò chúng ta lại xuất hiện trong bộ dạng là những anh Tàu! Thầy nghĩ gì về cảnh ngộ đó?
Tôi bảo: Điều đó không thể, không được phép xảy ra. Hồi đầu thập kỷ 1990 tôi nhớ thi sĩ Nguyễn Quang Thiều đã từng nói tới chuyện của kiếp sau qua thi phẩm hết sức nổi tiếng của ông. Đó là tập thơ Sự mất ngủ của lửa và trong bài “Bài hát về cố hương” Nguyễn Quang Thiều đã viết:
“Tôi hát, tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm”
rồi bất ngờ ông ghi tạc một thông điệp:
“Kiếp này tôi là Người, kiếp sau tôi là Vật.
Với kiếp sau tôi xin làm con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn báu vật cố hương tôi”
Năm đó người ta trao tặng cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa của ông Thiều giải thưởng văn học rất cao. Tôi âm thầm dành cho ông một góc huy hoàng trong tâm hồn mình cũng vì những câu thơ này. Giờ đây tôi lại nghĩ khác. Nỗi đau buồn của dân tộc lúc này đã vượt quá kích cỡ có thể chịu đựng được. Và không một loại Chó nào có thể canh giữ được nỗi đau buồn đó. Ngay kiếp này, ngay lúc này nỗi buồn đó phải được hoá giải, phải được khắc ghi. Tôi muốn vườn hoa Mai Xuân Thưởng sẽ được mang tên mới là “Công viên Dân oan”, và nơi đó sẽ mọc lên một tổ hợp tượng đài mô tả những người nông dân rách rưới, đói khát từ nhiều vùng trên đất nước đã từng đội đơn dắt díu nhau tìm về. Trong cụm tượng đài đó phải có cả bóng dáng những người công nhân, những người trí thức, những nhà doanh thương, những cựu chiến binh, những nạn nhân đau khổ của chiến cuộc…đã từng tìm đến, đã từng khắc khoải, mỏi mòn ngóng chờ ánh sáng công lý.
Đó là công việc của kiếp này em ạ. Lịch sử đã ký thác vào chúng ta điều đó, sứ mạng đó, chúng ta không thể thoái thác.
Tháng 5/2009
Nguyễn Thượng Long
[*] Vào những năm đầu thập kỷ 1960 Trường Bưởi cũ có 2 trường cùng tồn tại. Buổi sáng là trường Chu Văn An - Buổi chiều là trường Nguyễn Trãi,nên đôi khi ngày đó người ta gọi trường chiều của chúng tôi là trường Chu Văn An B.
16 May 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp. |
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền? |
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”. |
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein
Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo. |
No comments:
Post a Comment