31 July 2009

Tham nhũng càng dễ cai trị


Stepnanenko: Ở Mĩ và Anh các doanh nghiệp rất có trách nhiệm xã hội và có truyền thống từ thiện. Ở Ukraine thì không có. Chính vì thế mà các tổ chức xã hội ở Ukraine mới phải sống bằng tài trợ phương Tây. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng 60% hoạt động của các tổ chức xã hội ở Ukraine là được tài trợ từ các quĩ ở phương Tây.

TS Viktor Stepanenko
Phạm Minh Ngọc dịch


Lời người dịch: Ở những nước mà tham nhũng đã trở thành hiện tượng “quần chúng” thì phong bì và cửa sau là biện pháp giải quyết công việc riêng tư hữu hiệu nhất. Nhưng phong bì cũng là bằng chứng của tội hối lộ và tham nhũng. Vòng tròn ma thuật đã hình thành: người dân vừa không muốn vừa không dám đòi giải quyết công việc của mình một cách công khai nữa. Nhà cầm quyền vô lương tâm chỉ cần có thế. Bài trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Viktor Stepanenko được công bố từ cuối năm 2004, nhưng thiết nghĩ vẫn chưa mất tính thời sự và có thể coi là điểm nhìn tham chiếu cho những nước và những khu vực có “vinh dự” được đứng cùng hàng về mặt tham nhũng với những nước như Nga và Ukraine.

Đã 13 năm nay, ở nước Ukraine độc lập có dân chúng nhưng không có các công dân. Hầu hết các vấn đề phát sinh từ đấy. Như mọi người đếu biết, ổn định và thịnh vượng về kinh tế chỉ có thể xuất hiện ở những nước có xã hội công dân mạnh mẽ, đủ sức ngăn chặn những hành động quá lạm của chính quyến. Đây là bài trả lời phỏng vấn của ông Viktor Stepanenko, Trưởng phòng Viện Xã hội học thuộc Viện hàn lâm khoa học Ukraine, Giám đốc trung tâm phát triển chính sách xã hội, cộng tác viên khoa học Viện nghiên cứu mang tên Kenann của nước Nga, Tiến sĩ xã hội học Đại học Manchester, với hãng thông tấn Washington Profile về xã hội công dân ở Ukraine.

Câu hỏi: Xin cho biết tình hình xã hội công dân ở Nga và Ukraine hiện nay?

Stepnanenko: Chính quyền nhận thức được rằng xã hội công dân là một tác nhân nghiêm túc. Phổ quan hệ giữa chính quyền và sáng kiến của các công dân là tương đối rộng, nhưng chính quyền có thể không thích nhường bớt ngay cả một phần quyền lực của mình. Hoạt động mang tính lễ nghi thì được, thí dụ như cái gọi là “diễn đàn của các tổ chức xã hội”, tức là những diễn đàn giả vờ như có đối thoại giữa chính quyền và xã hội.

Có thể nhận thấy ba sách lược đối phó của chính quyền với xã hội công dân.

Thứ nhất, “sinh sản vô tính” các sáng kiến công dân, nghĩa là trong trường hợp thiếu vắng xã hội công dân thì nhà nước đóng luôn vai trò của nó. Tổ chức “Đi cùng nhau” ở Nga dưới trào Putin là một thí dụ. Sinh sản vô tính là biện pháp của chính quyền nhằm tạo ra các “ốc đảo” nơi diễn ra các hoạt động trung thành với chính quyền.

Thứ hai là chế nhạo. Đấy là biện pháp nhằm giễu cợt những sáng kiến của công dân, coi đấy như những việc làm thiếu nghiêm túc. Thí dụ như cách đây ba năm người ta đưa ra từ “xực tài trợ” (nhằm chế giễu những tổ chức sống bằng tài trợ của phương Tây) – nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực của tất cả những tổ chức xã hội có mạng lưới rộng khắp.>

Và cuối cùng là tấn công công khai vào các sáng kiến của công dân. Gần đây nhất là việc xem xét hoạt động của các tổ chức công dân, được nước ngoài tài trợ, trong quốc hội Ukraine. Người ta coi đấy là các “tác nhân gây ảnh hưởng” và biện pháp can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine . Ở Nga cũng có thái độ thiếu thiện chí như thế, trong Thông điệp, Tổng thống Vladimir Putin đã chia xã hội công dân thành tốt, tức là trung thành với chính quyền và xấu, tức là do các quĩ ở phương Tây tài trợ và có quan điểm đối lập với chính quyền.

Câu hỏi: Nguồn tài chính cho hoạt động của các tổ chức xã hội?

Stepnanenko: Ở Mĩ và Anh các doanh nghiệp rất có trách nhiệm xã hội và có truyền thống từ thiện. Ở Ukraine thì không có. Chính vì thế mà các tổ chức xã hội ở Ukraine mới phải sống bằng tài trợ phương Tây. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng 60% hoạt động của các tổ chức xã hội ở Ukraine là được tài trợ từ các quĩ ở phương Tây.

Nói về doanh nghiệp ở Ukraine và ở Nga thì tài sản vẫn là nặc danh. Gần đây mới xuất hiện thông tin về chủ của một vài sản nghiệp. Còn các ông chủ thì thường tránh “xuất đầu lộ diện”, họ sợ, họ không dám trở thành các nhân vật của xã hội. Gần đây một vài nhân vật đầu sỏ bắt đầu hoạt động tích cực trong đời sống xã hội. Thí dụ như họ đã thành lập mạng lưới trợ giúp pháp lí miễn phí. Nhưng Mạnh thường quân trong nước thường chỉ hào phóng trước các cuộc bầu cử mà thôi.

Doanh nghiệp phụ thuộc vào chính quyền, liên kết với chính quyền. Chỉ những doanh nghiệp trung thành với chính quyền mới phát triển được. Vì vậy mà chính sách của chính quyền và doanh nghiệp đối với xã hội công dân là tương tự như nhau.

Câu hỏi: Ở Mĩ và các nền dân chủ phương Tây khác, các tổ chức phi chính phủ thường đứng ra thầu các chương trình của chính phủ trong những lĩnh vực chính sách đối nội và đối ngoại. Tình hình ở Ukraine và Nga thì như thế nào?

Stepanenko: Cũng đã có một vài bước đi theo hướng này. Nhưng chính quyền sợ, không dám giao chức năng của mình cho bất kì người nào khác. Ba Lan hoạt động tốt hơn theo hướng này, thí dụ như trong chính sách trợ cấp xã hội, trợ cấp cho những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội.

Lại có những kiểu làm thế này nữa. Vì nhiều quĩ ở phương Tây không giao tiền cho các tổ chức nhà nước, thế là chính quyền lập ra các tổ chức giả vờ đóng vai tổ chức xã hội, nhưng trên thực tế đấy chỉ là cánh tay nối dài của các bộ của chính phủ mà thôi. Một số tổ chức kiểu đó hoạt động khá hiệu quả. Nhưng ngay cả trong những lĩnh vực mà nhà nước không giải quyết được thì họ cũng không chịu giao những chức năng đó cho các tổ chức xã hội.

Có một logic quái gở như thế này: xã hội công dân mạnh khi nhà nước mạnh, còn ở nước chúng tôi nhà nước còn yếu. Nhà nước yếu cho nên sợ người phản biện và tìm cách cản trở.

Câu hỏi: Thế còn sáng kiến từ bên dưới?

Stepanenko: Ở Ukraine hiện chưa có tầng lớp trung lưu, tức là chưa có tác nhân chính của xã hội công dân. Nước có độc lập, nhưng không có những con người độc lập – tức là không có những con người truyền bá các giá trị của xã hội công dân, không có cỗ máy tạo ra các truyền thống của xã hội công dân, không có người truyền bá những tính chất đặc thù của xã hội công dân.

Ở Ukraine có gần 50 ngàn tổ chức xã hội đã đăng kí, nhưng thực ra chỉ có độ 10% trong số đó hoạt động mà thôi. Vì sao? Nhiều tổ chức viện cớ là không có tiền, mà đôi khi có những tổ chức được hình thành nhân một dự án cụ thể nào đó hoặc ngay trước kì bầu cử.

Trong lĩnh vực này cũng đã xuất hiện một xu hướng rất rõ ràng: xã hội công dân đang đi theo lối thị trường hóa và chuyên môn hóa, đã xuất hiện các nhà quản lí chuyên nghiệp, họ sống bằng hoạt động xã hội. Nhưng họ lại thường phải làm theo tiêu chí của những Mạnh Thường Quân. Trong nhiều trường hợp những người này không cần chứng tỏ cho dân chúng thấy kết quả hoạt động của mình, báo cáo với quĩ còn quan trọng hơn.

Còn phần đông dân chúng đều bị đẩy ra rìa hoặc có tâm trạng lưu vong ngay trên quê hương mình. Dân chúng không cảm thấy sức mạnh của mình, không thấy được khả năng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội của mình.
Truyền thống tình nguyện đã bị phá tan từ lâu. Truyền thống tình nguyện dưới chính thể Xô Viết thực chât chỉ có tính chất lễ nghi (những ngày lao động thứ bảy, dân quân tình nguyện) đã biến mất, chỉ còn lại trong dân chúng thái độ thù địch đối với những hình thức hoạt động kiểu đó mà thôi.

Câu hỏi: Tại sao không thể coi các tổ chức ở Liên Xô cũ là “xã hội công dân”? Đã từng có những tổ chức quần chúng, các sự kiện ồn ào…

Stepanenko: Xã hội công dân là lĩnh vực xã hội, tác biệt với nhà nước; mặt khác, nó cũng vượt ra ngoài quan hệ của những cá nhân riêng lẻ. Đấy không phải là gian bếp, đấy là vũ đài xã hội. Có thể nói rằng ở Liên Xô đã từng có xã hội dân sự riêng tư. Nhưng ý tôi không phải là Bộ Thanh niên hay công đoàn hay là những hình thức kiểm soát khác của nhà nước đối với mọi khía cạnh khác nhau của đời sống của người công dân. Đã từng có những nhà in lậu, những người chống đối, những câu lạc bộ văn nghệ – giống như “một món đồ chơi giấu trong túi áo” vậy.

Như ông Valdimir Bukovsky từng nói: dưới trào Brezhnev đã có hàng trăm lời kêu gọi được đánh máy trên cùng một máy chữ, có thể tạo được tác động xã hội. Truyền thống này rất quan trọng cho việc hình thành lực lượng đối lập về mặt tinh thần, nhưng nó không thể phát triển thành một phong trào tự nguyện mang tính quần chúng, không thể thành một xã hội công dân độc lập được.

Chúng tôi thường xuyên tiến hành khảo sát từ năm 1994, gần 80% những người tình nguyện trả lời, mà đây là những người trưởng thành ở Ukraine, không phải là thành viên của một tổ chức xã hội nào. 20% còn lại, nếu trừ đi những tổ chức như chơi tem, cá cảnh, chó cảnh, thì chỉ có chừng 5% là có tham gia vào chính trị, có xu hướng chính tri mà thôi.

Cũng tương ứng với các chỉ số ở phương Tây, nhưng đừng vội mừng vì ở phương Tây, trong các nền dân chủ đã phát triển hoạt động chính trị của dân chúng có xu hướng giảm, đấy là vì hoạt động chính trị đã tập trung vào địa bàn dân cư, việc tham gia giải quyết các vấn đề chính trị đã không còn có tính hình thức nữa. Chỉ khi nảy sinh một vấn đề xã hội nào đó người ta mới thành lập ra những phong trào quần chúng mạnh mẽ mà thôi.

Còn ở Ukraine và ở Nga, cần phải xem xét cái 5% này với một hiện tượng nữa, đấy là, thí dụ như ở Ukraine chỉ có 12% dân số cảm thấy thỏa mãn với địa vị của mình. Nếu người dân cảm thấy không thỏa mãn thì họ sẽ phản đối hay sẽ tìm những hình thức tham gia chính trị khác nhằm thay đổi hiện tình của đất nước. Ở Nga và Ukraine người ta không làm như thế.

Câu hỏi: Tại sao lại như thế?

Stepanenko: Điều này có thể giải thích.

Thứ nhất, dân chúng không tin tất cả các hình thức tham gia chính trị. Sự bất tín xuất hiện ngay từ thời Xô Viết, đấy là giai đoạn của những hoạt động mang tính lễ nghi-bắt buộc.

Thứ hai, liên quan đến sự phản bội của giới tinh hoa chính trị, cuối những năm 1980 và 1990 họ tuyên bố chương trình cải cách nhưng sau đó lại gắn bó với chính quyền. Đã thế lại chẳng hề có một thay đổi tích cực nào hết.

Thứ ba, trong thời kì Xô Viết đã hình thành những hình thức quan hệ giúp người ta sống còn, sau này đã chuyển hóa thành những hình thức tương tự. Trong văn học phương Tây gọi là quan hệ bạn hàng – tiến trao cháo múc, tham nhũng, tức là những cái thay thế cho quan hệ công dân đích thực. Người ta không thích giải quyết các vấn đề trên bình diện xã hội mà thường nhờ một người có thế lực nào đó giúp thu xếp các công việc riêng tư bằng cửa sau, bằng đút lót.

Câu hỏi: Nhưng nhiều xã hội đã sống như thế hàng trăm năm và bây giờ vẫn tiếp tục sống như thế. Tại sao như thế là không tốt?

Stepanenho: Xã hội công dân là vũ đài thảo luận công khai, đưa người dân tham gia vào việc giải quyết những vấn đề xã hội. Còn chúng ta lại đang nói về hiện tượng giả-xã hội. Nó cũng có những mặt tích cực – trong những giai đoạn chuyển đổi khó khăn thì đây chính là cái phao cứu sinh duy nhất: dựa vào họ hàng vào gia đình để mà sống.

Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lĩnh vực riêng tư-gia đình là rất quan trọng, nó là ốc đảo, nơi con người có thể ẩn náu, để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Nhưng nó lại tạo ra xã hội công dân “xó bếp” thời kì Xô Viết, đấy là khi người ta không còn khả năng đồng cảm và thích giải quyết các vấn đề trong nội bộ gia đình.

Trong nhiều lĩnh vực, nền chính trị của Nga và Ukraine được xây dựng trên các mối quan hệ bạn hàng-băng nhóm. Đời sống xã hội, đa phần nằm trong tình trạng trì trệ. Người dân không thể nhận lương một cách công khai, phải dùng phong bì. Doanh nhân không thể hợp thức hoá thu nhập, họ luôn phải nhìn ngó ông thuế vụ, ông công an chữa cháy, ông chính quyền. Tham những là hình thức kiểm soát xã hội rất tiện lợi vì người dân bị dinh líu vào các mối quan hệ mang tính băng nhóm, nhiều tổ chức làm việc một cách bán công khai và luôn luôn có thể bị kiểm tra hoặc đàn áp. Một đất nước như thế thì dễ cai trị và dễ kiểm soát lắm.

Dân chúng có thái độ như thế nào? Đến 40% thanh niên cho rằng lối thoát duy nhất là di cư ra nước ngoài. Hay là thí dụ như hiện tượng lưu vong ngay tại quê hương mình, đấy là khi người ta vẫn sống trong nước nhưng hoàn toàn không coi mình là công dân của nước đó, họ sống trong nhóm riêng của mình, không thèm quan tâm đến bất kì ai hay bất kì cái gì nữa.

Câu hỏi: Trong những nước đã phát triển dân chúng thường không ưa chính quyền. Sự khác biệt của thái độ không thân thiện đó với thái độ không thân thiện ở Nga và Ukraine là như thế nào?>

Stepanenko: Vâng, người ta bảo rằng đặc trưng mang tính dân tộc của người Canada là không ưa chính quyền. Nhưng các công dân ở đó cảm thấy rằng họ có thể thay đổi chính quyền hoặc có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của nó, họ có những lựa chọn vì có những luật chơi rõ ràng và thường xuyên được điều chỉnh, có qui trình thay thế và gây ảnh hưởng đối với quyết định của chính phủ. Còn chúng tôi không ưa là vì bất lực. Anh không ưa chính phủ, anh có thể đập đầu vào tường nhưng sác xuất thay chính phủ thì rất nhỏ.

Nhưng tôi xin nói về những mặt tích cực. Về nhận thức và hành vi của người dân khi họ thu mình vào trong gia đình, vào công việc. Trong thời Xô Viết hiện tượng này chưa phát triển đến như thế. Bây giờ người dân cảm thấy rằng họ có một cuộc sống riêng. Có thể đến một lúc nào đó họ sẽ thấy chán cái tự do riêng tư này, một lúc nào đó sẽ xuất hiện nhu cầu có giải pháp và hành động mang tính tập thể.

Quan niệm xã hội công dân chỉ là những tổ chức phi chính phủ là các tiếp cận hẹp hòi. Xã hội công dân là các giá trị tinh thần, là quan hệ giữa người với người, là sự tin cậy lẫn nhau.

TS Viktor Stepanenko
Phạm Minh Ngọc dịch

27 July 2009

NGƯỜI PHẤT CỜ VÀ KẺ SOI ĐƯỜNG TRONG CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC


Tà quyền chỉ có thể dùng bạo lực để đàn áp khi thấy giáo dân bị bỏ rơi và sợ hãi. Bạo lực sẽ tan rã nhanh chóng trước sức mạnh của quần chúng tay không nhưng ý chí không bị lay chuyển trước vũ khí, như đã được lịch sử chứng minh với hai mươi ba chế độ cộng sản theo nhau sụp đổ trong vài tháng tại Âu Châu gần 20 năm trước.

Sơn Tùng


Hiện trạng và những diễn biến đang xảy ra tại Việt Nam hiện nay cho thấy một cuộc cách mạng là không tránh khỏi.

Cuộc cách mạng ấy, cũng như bao nhiêu cuộc cách mạng đã xảy ra trong lịch sử loài người, đã do chính kẻ cầm quyền gieo mầm tạo mống và tự đào huyệt chôn chính mình.

Đảng Cộng Sản VN đã thành hình và lên nắm quyền dưới ngọn cờ giành độc lập và cách mạng vô sản lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng. Lá cờ ấy có lúc đã được lắm người tưởng như là biểu tượng của chính nghĩa, của chân lý. Nó đã thu hút được nhiều người dân Việt Nam yêu nước đang khát khao thoát khỏi ách ngoại thuộc cùng với phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa đang trên chiều hướng đi lên trên thế giới với những mộng mơ về một thiên đường vô sản trong đó không còn cảnh “người bóc lột người” như một bầy lang sói cấu xé lẫn nhau để giành sự sống.

Nhưng sau non một thế kỷ thí nghiệm với những con chuột người mà hơn một trăm triệu đã mất mạng, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ tại chính quê hương tạo sinh ra nó. Từ khi khối cộng sản Đông Âu và Liên bang Sô-viết tan rã vào cuối thập niên 1980, đầu 1990, ba nước cộng sản còn lại ở Á Châu và một ở vùng Vịnh Ca-ri-bê Mỹ Châu đã trở thành những đứa con mất cha, phải tự tìm đường mưu sinh để tồn tại.

Cộng sản VN sau hào quang chớp nhóa ngắn ngủi với “đại thắng mùa xuân” năm 1975 đã ngơ ngác đứng trước bờ vực thẳm vào giữa thập niên 1980 để rồi phải bỏ quyết tâm “tiến mau tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội” để quay trở lại làm ăn theo lối tư bản, lấy tiền của tư bản để tự cứu nguy theo đường lối được gọi là “đổi mới” với một nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Mặc dù đã vứt bỏ căn cước Mác-Lênin, Đảng CSVN vẫn nhân danh “cách mạng” để tiếp tục nắm độc quyền cai trị bằng công cụ đẫm máu của cộng sản dựa trên lừa dối và bạo lực. Cuộc lột xác mà không thay hồn ấy đã tạo ra một guồng máy cai trị cực kỳ thối rữa, cực kỳ man rợ, cực kỳ phản động.

Thật vậy, bản chất phản động của chế độ độc tài đảng trị hiện nay tại Việt Nam đang ngày càng hiện rõ trong một thế giới mà ý thức tự do dân chủ đang nở hoa ở mọi nơi. Phong trào đứng lên đòi dân chủ tự do tại Việt Nam đang ngày một lớn dần dù bị đàn áp thô bạo đã báo trước số phận của chế độ phản động.

Nắm trong tay tất cả mọi quyền lực – hành pháp, lập pháp, tư pháp, truyền thông, nhà tù – đảng CSVN đang đi dần đến chỗ tự hủy diệt.

Phong trào dân chủ từ bước đầu rời rạc, ôn hòa, cục bộ, đang được mở rộng dần và mục tiêu cũng dần dần được xác định. Khởi đi từ những đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, dân oan đòi đất, dân đen chống tham nhũng… cuộc vận động đang hướng về một mục tiêu rõ rệt: một cuộc cách mạng dân tộc.

Xã hội Việt Nam ngày nay không phải là một cơ thể bình thường nhưng đang đau yếu chỉ vì thiếu vài chất sinh tố mà nếu được bồi dưỡng sẽ lành mạnh trở lại. Nó là một cơ thể đang mắc một cơn “bệnh quỷ” mà chỉ có một liều thuốc cực mạnh mới có thể hồi sinh.

Qua những bài học được trả bằng nước mắt và máu, không mấy ai nghĩ rằng đảng CSVN sẽ tự uống liều thuốc ấy để thay hồn đổi xác, từ bỏ độc quyền độc lợi, trả những gì đã bị tước đoạt – tài sản vật chất và tài sản tinh thần – cho người dân Việt Nam, trả lại đất nước Việt Nam cho công dân Việt Nam để mọi người có thể góp phần đưa đất nước Việt Nam tới chỗ phú cường, dân chủ, góp mặt bình đẳng trong cộng đồng thế giới văn minh.

Lịch sử cũng chứng minh rằng không có đảng cộng sản nào khi nắm quyền lại biết tự hóa thân để mang bộ mặt nhân bản trong một xã hội tự do, đúng như xác quyết của Nhà văn Nga Solzhenitsyn: “Chủ nghĩa cộng sản không thể nào cải thiện, chỉ có chết” (communism can not improve – only die).

Trước chính sách phản động điên rồ của đảng CSVN – chỉ biết đàn áp, đàn áp, và đàn áp – một cuộc cách mạng chắc chắn phải bùng lên.

Nhưng, cuộc cách mạng ấy sẽ được phát động từ đâu, và ai là người phất cờ, ai là kẻ soi đường?

Trong bất cứ xã hội nào, dù đen tối và bế tắc đến đâu, cách mạng sẽ không bùng nổ nếu không có người phất cờ khởi nghĩa và không có kẻ soi đường dẫn lối.

Tuyệt đại đa số dân chúng bao giờ cũng đều thụ động, dù khổ đau và ý thức được một cách mơ hồ căn nguyên của khổ đau đang gánh chịu. Họ chỉ biết rên siết, than vãn. Một số đông khác thì an phận, hay may mắn thuộc thành phần được ưu đãi, lại thường làm ngơ, vô cảm trước sự khổ đau của đồng chủng và nhắm mắt trước hoàn cảnh đen tối của đất nước, dù cũng nhận thức được khá rõ thực trạng xã hội vì có trình độ hiểu biết cao hơn.

Còn lại chỉ là một số ít người có thể đóng vai trò tạo ra biến cố thường được gọi là tầng lớp “trí thức” trong xã hội, được hiểu là những người có bằng cấp cao, có địa vị lớn được quần chúng trọng vọng. Nhưng, thực ra trong giới này, những người trí thức chính danh không có bao nhiêu. Phần còn lại chỉ là những khoa bảng, có bằng cấp dùng để tạo một đời sống dễ chịu hơn đồng chủng. Họ có kiến thức về một ngành chuyên môn, hay có sự hiểu biết về một số vấn đề trong xã hội, nhưng không có sự minh triết, không có tâm và không có trí của một người trí thức.

Trong mọi xã hội, những người trí thức chính danh là thành phần ưu tú, là những kẻ soi đường mở lối đưa xã hội lên con đường tiến hóa. Xã hội không thể tiến hóa nếu chỉ có khoa bảng mà không có trí thức.

Xã hội Việt Nam chậm tiến và đắm chìm trong điêu linh mấy thế kỷ nay cũng vì thiếu trí thức chính danh. Chỉ có hủ nho và những khoa bảng “tây học” bái thờ vật chất được khoác áo văn minh, thiếu cả tâm lẫn trí nhưng lại thừa lòng tự kiêu tự mãn. Việt Nam trở thành bãi chứa của nhiều món khuyết sản từ đông sang tây mà hiện tại là tai ương Mác-Lênin, món sản phẩm gớm ghiếc và kinh tởm của phương tây được đem vào Việt Nam bởi những kẻ mù lòa mang danh cách mạng với sự tiếp tay của những khoa bảng có bằng cấp cao, nhưng không có tâm, không có trí, và không có cả dũng. Họ cúi đầu a tòng trong một tội ác lớn nhất lịch sử Việt Nam kéo dài hơn nửa thế kỷ nay.

Mấy năm gần đây có những dấu hiệu cho thấy bóng dáng của những trí thức chính danh trong cuộc đứng dậy của dân tộc Việt Nam. Tuy chỉ mới lác đác, nhưng bóng dáng họ đã vươn lên cao lớn giữa tám mươi triệu người cúi đầu trước bạo lực. Những trí thức chính danh đã ngước cao đầu để dõng dạc lên tiếng tạo thành những âm thanh vang động của tâm, trí, và dũng, khơi động một ao tù của câm nín và bạc nhược. Họ là những người phất cờ kêu gọi quần chúng đứng dậy.

Đã có những người đứng dậy, và đang cùng nhau lên đường, càng ngày càng có thêm nhiều người nhập cuộc. Nhưng, họ sẽ cùng nhau đi trên con đường nào và về hướng nào?

Tạo được một cuộc cách mạng là điều không dễ. Đưa cuộc cách mạng đến thành công càng khó hơn mà nắm chính quyền chỉ là thành công bước đầu. Thành tựu cuối cùng, đưa xã hội vào con đường tiến hóa (evolution) mới chính là mục tiêu thực sự của cách mạng (revolution).

Đây là một đề tài cần phải được đào sâu và khai rộng trước một cuộc cách mạng.

Biết bao cuộc cách mạng thành công bước đầu nhưng rồi sau đó đã đưa đến thảm họa, gây ra những tàn phá khủng khiếp cho xã hội và cho con người, về vật chất cũng như về tinh thần. Trong số này có cuộc cách mạng do chủ nghĩa cộng sản gây ra.

Trở lại với đất nước Việt Nam. Cuộc cách mạng trước mắt tất yếu sẽ phải xảy ra, nhưng dân tộc Việt Nam sẽ đi theo con đường nào và sẽ dẫn tới đâu?

Trong cuộc chiến đấu chống cộng sản 1955-1975, người Việt Quốc Gia đã thiếu một ý thức hệ, dù đã có những cố gắng tạo ra một học thuyết để làm ngọn đuốc soi đường nhưng thuyết Nhân vị thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã không đủ chiều dày và chiều cao để làm đồn lũy tinh thần ngăn chận làn sóng đỏ. Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì chỉ còn chống cộng bằng súng đạn.

Ngày nay, đây là lúc dân tộc Việt Nam phải tìm ra con đường để tiến hóa khi một cuộc cách mạng bùng nổ và chế độ cộng sản không còn.

Hai mươi ba trong hai mươi bảy chế độ cộng sản trên thế giới đã sụp đổ và mỗi nước đã đi theo một con đường khác nhau, và tất nhiên đã tạo ra những xã hội khác nhau. Kinh nghiệm của các nước ấy là những bài học quý báu cho Việt Nam và chúng ta sẽ phải tìm lấy một con đường riêng. Con đường ấy phải phù hợp với văn hóa và tâm thức người Việt để xây dựng một xã hội dân chủ trong đó Nhân quyền và Công lý là hai bệ đỡ căn bản.

Trí thức chính danh ở trong nước, với cuộc sống bị cướp đoạt và khổ đau từng ngày từng giờ, và với tâm với trí, sẽ tìm ra con đường tự cứu và cứu dân tộc ra khỏi tai ương hiện tại. Nhưng vì không có tự do, những hiểu biết của họ về thế giới bên ngoài không tránh khỏi thiếu sót. Đó là điều mà trí thức người Việt hải ngoại có thể đóng góp vào cuộc cách mạng dân tộc ở trong nước.

Nhưng, trí thức hải ngoại đang ở đâu và đang làm gì?

Phải thẳng thắn mà nói, khoa bảng rất nhiều nhưng trí thức thì không có bao nhiêu. Họ đang âm thầm dốc hết tâm trí làm việc ngày đêm để mong góp phần đưa đất nước Việt Nam ra khỏi đêm đen, trong lúc những người khác lo làm lại cuộc đời và hội nhập tiến thân trên quê hương mới, an cư lạc nghiệp, có tài sản, có danh vọng, và có một số quay đầu quy thuận tội ác trên đất nước mà chính họ trước đây đã rời bỏ.

Trong bài “Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”, việc đòi đất thuộc quyền sở hữu của giáo hội Thiên Chúa Giáo đã được nâng lên thành vấn đề của cả xã hội Việt Nam hiện nay – như quyền tư hữu không được tôn trọng, tham nhũng thối nát, sự gian dối trong nhiều lãnh vực kể cả truyền thông và học đường, khuynh hướng sử dụng bạo lực, bạo hành, và cái ác lan tràn trong đời sống xã hội. Trong phần quan điểm, Hội Đồng Giám Mục VN đã nói đến “nhân quyền”, đến “toàn cầu hóa”, đến “xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đến “chấm dứt mọi hình thức bạo lực”, “xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu”. Hội Đồng Giám Mục cũng kêu gọi xây dựng đạo đức và lương tâm cho con người, vai trò chính yếu của mọi tôn giáo.

Vấn đề đã ra khỏi phạm vi tôn giáo và được nói lên như một thách thức cường quyền. Hội Đồng Giám Mục VN không chỉ đòi quyền lợi của giáo hội mà còn đòi quyền lợi cho cả dân tộc.

Hội Đồng Giám Mục VN đã đi một bước tới phía trước với hàng triệu giáo dân ở phía sau. Có lẽ các tôn giáo khác và những thành phần đối kháng cũng đang sẵn sàng nhập cuộc.

Nếu CSVN sử dụng bạo lực sẽ không tránh khỏi đổ máu. Máu của những người tử đạo một lần nữa sẽ đổ ra trên đất Việt Nam, nhưng khác với những người tử đạo vào đầu Thế kỷ 19, ngày nay giáo dân không chỉ hy sinh thân mình vì đạo mà còn vì đời. Không chỉ chấp nhận cái chết vì tôn giáo mà còn vì dân tộc. Và những cái chết anh hùng cao quý ấy sẽ làm bùng nổ một cuộc cách mạng.

Những ngày tháng sắp tới không chỉ vô cùng quan trọng cho Thiên Chúa giáo tại Việt Nam mà còn cho tương lai đất nước Việt Nam.

Đây là thời điểm mà những ai thiết tha với tiền đồ đất nước, nhận thức được mức độ trầm trọng của tai ương hiện tại, hãy cùng đứng lên đòi lại quyền làm người, đòi lại đất nước đang bị một nhóm người cướp đoạt, nhân danh một chủ nghĩa điên rồ đã gây ra nhiều tội ác nhất trong lịch sử loài người..

Chủ nghĩa ấy đã xuất phát từ Âu Châu và đã bị khai tử tại Âu Châu gần 20 năm trước. Tại Việt Nam, chủ nghĩa ấy vẫn còn được một nhóm người phản động dùng để đày đọa hơn 80 triệu dân vì họ còn có thể làm cho dân sợ hãi. Một khi người dân không còn sợ hãi, bạo quyền sẽ sụp đổ như một thân cây đã mục rễ.

Ngày nay, tà quyền tại VN đang run sợ trước phong trào đòi dân chủ nhân quyền ngày một lớn rộng, bất chấp đe dọa, khủng bố, tù tội. Sự sợ hãi đã chuyển từ người bị trị sang kẻ thống trị. Dân chúng không còn sợ hãi một khi thấy giới trí thức đã dấn thân cứu nước cứu dân.

Tà quyền chỉ có thể dùng bạo lực để đàn áp khi thấy giáo dân bị bỏ rơi và sợ hãi. Bạo lực sẽ tan rã nhanh chóng trước sức mạnh của quần chúng tay không nhưng ý chí không bị lay chuyển trước vũ khí, như đã được lịch sử chứng minh với hai mươi ba chế độ cộng sản theo nhau sụp đổ trong vài tháng tại Âu Châu gần 20 năm trước.

Nay không còn là lúc đắn đo, vị kỷ, cầu an. Các tôn giáo, các tổ chức đấu tranh, các thành phần khác nhau trong xã hội, nên nắm lấy thời cơ, sát cánh với giáo dân Thái Hà để tạo sức mạnh dân tộc. Bạo lực nào cũng sẽ phải lùi bước.

Trái lại, nếu bạo quyền đàn áp được giáo dân Thái Hà thì sẽ lần lượt đến các tôn giáo khác và các tổ chức nhân quyền, các nhóm dân chủ, công nhân, nông dân, sinh viên… bị tà quyền coi là kẻ thù nguy hiểm.

Hải ngoại đang yểm trợ tinh thần mạnh mẽ giáo dân Thái Hà và Hội Đồng Giám Mục VN trong cuộc tranh đấu cho Công Lý và Nhân Quyền của người dân Việt Nam, nhưng vận mạng Việt Nam và tương lai của các thế hệ mai sau đang nằm trong tay đồng bào trong nước, mà dẫn đầu là trí thức và các nhà lãnh đạo các tôn giáo, những người biết rõ hơn ai hết: “Tự do không bao giờ là tặng phẩm của một chế độ độc tài.”

Sơn Tùng

Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước


Trong Xã hội Dân sự thì hai giới NHÀ BÁO Dân chủ và LUẬT SƯ Dân chủ là hai trụ cột cực kỳ quan trọng, nên người muốn phá Xã hội Dân sự bao giờ cũng kiềm chế hai giới này.

Hà Sĩ Phu


1. Chủ nghĩa Mác liên quan gì đến vụ bauxite và nguy cơ mất nước của Việt Nam?

Thực tế cho thấy: Muốn bàn luận về vụ Bauxite không thể không đề cập rốt ráo đến quan hệ Việt-Trung. Rồi tiếp tục, không thể nào bàn luận quan hệ Việt Trung mà không cày xới những vấn đề gốc rễ nằm trong chủ nghĩa Mác-Lê là chủ nghĩa đã chi phối và quyết định động thái, số phận của hai nước Cộng sản này. Không thể đạt kết quả gì hữu ích nếu chỉ bàn chuyện khơi khơi trên ngọn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Yêu quý nhất Sự thật”, tôi muốn thêm : Cứ đi đến tận cùng Sự thật sẽ nhìn thấy lối ra!. Vậy nên, cho phép tôi khỏi phải giữ “Lễ” kiểu “quân tử Tàu”, để được tiếp cận vấn đề từ gốc.

*

Trước đây, một số đảng viên Cộng sản chân thật, khi đọc bài “Chia tay Ý thức hệ” (1995- www.hasiphu.com/ll3.html), đến câu “Đã theo chủ nghĩa Mác-Lê thì sự phản bội chỉ còn là vấn đề thời gian, chính Mác nếu còn sống cũng không thể trung thành với một lý thuyết như thế ” thì không chịu. Nhưng gần đây, do vụ Bauxite, gặp lại tôi, nhiều bác đã bảo : Chú nói đúng, nhưng chẳng lẽ một đảng cứu nước lại chuyển hoá thành một đảng bán nước ư, kỳ lạ thật ?

Sao lại có chuyện phản bội tưởng như ngược đời ấy? Cố ý hay vô tình?

Nguyên nhân dễ thấy chính là do ảo tưởng về một thế giới “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, lấy lý tưởng giai cấp để xóa nhòa ranh giới quốc gia thì chỉ làm mồi cho những nước cộng sản lớn, đặc biệt là khi nước lớn ấy đã lấy chủ nghĩa bành trướng Đại Hán làm động cơ truyền kiếp và đã có thừa trí khôn để biết ảo tưởng Mác-xít chính là công cụ tuyệt vời để chiếm đoạt thiên hạ.

Nhưng ngoài lý do bị lừa do ảo tưởng , còn có hai lý do khác nữa.

- Lý thuyết Mác-Lê phi lý thì tất yếu bị thời đại đào thải, nhưng còn cả một hệ thống quyền lực do nó đã trót tạo ra, với đặc quyền đặc lợi hơn cả vua chúa, thì hệ thống ấy phải tìm mọi cách để tự vệ, tránh cuộc đào thải. Đảng cộng sản nhỏ (cầm quyền) phải dựa vào đảng cộng sản lớn mới tồn tại được. Sự nương tựa quá lớn này ắt phải trả giá, mà đảng CS nhỏ có gì để trả giá ngoài quyền lợi của đất nước mình? Cho nên phải bán, lúc đầu tưởng chỉ bán một phần là được, nhưng nước lớn cáo già đâu có dễ dàng để cho con mồi có thể thoát ra? Giả sử không còn cộng sản Trung Quốc thì đương nhiên cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn khác. Vụ Bauxite nếu không dính dáng đến Trung Quốc thì vấn đề chỉ “nhỏ như con thỏ”!

- Ấy là xét về động cơ của giới cộng sản cầm quyền (điều này cũng dễ nhận ra, vì chẳng có kẻ cầm quyền nào lại tự nguyện rút lui), nhưng còn nhân dân? Xin thưa, điều tệ hại nhất của chủ nghĩa Mác-Lê chẳng những đã tạo ra một hệ thống quyền lực tuyệt đối mà, tệ hại hơn, nó tước hết “vũ khí” của nhân dân, nhất là vũ khí tinh thần và vũ khí tổ chức: bị trói trong vòng kim cô của ý thức hệ, của luật pháp XHCN, của ý thức tổ chức và tất cả xã hội dân sự bị biến thành xã hội thần dân của đảng cộng sản. Cứ đối chiếu với các nước văn minh sẽ thấy ngay nhân dân ở các nước cộng sản được “làm chủ” hay làm “đày tớ” như thế nào. Và như đứa trẻ đã chịu nằm gọn trong tay người bế ẵm thì dân sẽ được “nựng” bằng đủ lời ru ngon ngọt, và nếu không “ngoan”thì đã có roi. Khi nhân dân đã bị vô hiệu thì vận mệnh đất nước nằm gọn trong tay người cầm quyền. Việc mua bán đâu cần hỏi dân làm gì?

Nguy cơ mất nước nằm trong 3 nguyên nhân ấy.

2. “Nước đổ lá khoai” trong vụ bauxite.

Những ai theo rõi diến biến về vụ Bauxite từ khi có trang Web bauxitevietnam.info hẳn không khỏi ngạc nhiên, vì sao những tiếng nói phản biện của phía nhân dân, mà đại diện là giới trí thức tiên tiến của dân, những người có thông tin, có tâm và có tầm, đã lên tiếng đầy đủ đến thế, có lý có tình thuyết phục đến thế, mà đến nay vẫn như nước đổ lá khoai, mà giới có quyền vẫn ăn nói và xử sự như không hề có làn sóng phản biện ?

Minh hoạ cho hiện tượng một bên cứ thắng một bên cứ thua này không gì bằng ví dụ khôi hài mà nhà báo Ngô Nhân Dụng đã mô tả trong bài “Dân chủ cũng như luật đá banh” (Nguồn: http://www.x- cafevn.org)). Cái sân bóng đá dân chủ XHCN đặc biệt này dốc như sườn đồi, đội nhà nước thì ở bên cao, cầu môn lại hẹp, cầu thủ được quyền đá ẩu, chơi cả bằng tay. Đội của dân thì ở phía thấp, cầu môn lại rộng…, nên để tự nhiên là bóng cứ tự động lăn vào lưới của dân, bên nhà nước cứ đá lờ vờ cũng thắng.

3. Thương nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

Tại sao Mác lại thiết kế ra cái “sân bóng đá” quái gở như trên? Chính vì Mác muốn cho Vô sản thắng trăm phần trăm, Tư sản thua trăm phần trăm nên đã thiên vị.

Điều oái oăm và bi lịch là: những hậu quả tai hại ấy lại khởi đầu từ những mục đích rất thiệng và rất cao cả. Mác muốn trừ khử những bất công, muốn đổi đời cho tất cả những ai bị áp bức, nhưng Mác không hiểu những quy luật tất yếu của xã hội, nên đưa ra những phương án rất không cân bằng, rất thiên vị , nghiêng hẳn về giới cần lao bị trị. Mác chia phần gần như 100 phần trăm cho phía bị trị, giới thống trị bị coi là kẻ thù , chỉ được trú chân tạm thời rồi bị đẩy ra ngoài cuộc chơi, để cho giới bị trị tự chia thành hai đội (nội bộ tự quản) rồi chơi với nhau.

Nhưng nhà thiết kế Các Mác tốt bụng đã lầm to. Do quy luật cạnh tranh sinh tồn nên sau khi bọn thống trị cũ bị tống cổ ra khỏi cuộc chơi thì cái đội “lãnh đạo” từ nội bộ tách ra sẽ chiếm ngay lấy phía sân trên cao, đẩy đa số còn lại về nửa sân phía thấp, và nó cứ duy trì cái sân nghiêng sẵn có và không bao giờ chịu đổi sân nữa. Đội bóng “lãnh đạo” mới này nguy hiểm hơn đội “thống trị” cũ, không thể bị phế truất vì nó vẫn nhân danh là “đội của dân”, hơn thế còn là “đày tớ” tức là có tính “nhân dân” hơn cả nhân dân (nếu dân đã là vô sản thì đội ngũ này còn “vô sản” chân chính hơn nữa kia), nên theo quy định của Mác thì đội này hoàn toàn có quyền làm chủ sân bóng, vừa đá bóng vừa thổi còi,và cứ thế, đội “lãnh đạo” thắng hết trận này đến trận kia trên cái sân nghiêng, không tốn một giọt mồ hôi.

Nếu hiểu đúng quy luật thì Mác phải thấy cả hai cực cai trị và bị cai trị bao giờ cũng song song tồn tại, nên phải thiết kế một sân chơi bằng phẳng, có luật nghiêm minh, không thiên vị bên nào, và cứ sau một hiệp lại phải đổi sân , người lãnh đạo cũ lại trở về dân, dân lại cử người khác làm lãnh đạo. Cái độ nghiêng thiên vị xưa kia của Mác nhằm ép giới thống trị, nay bị đánh tráo và sự hẩm hiu lại ép vào phía nhân dân.

Thiết kế sân chơi như gợi ý của Charles Montesquieu, J.J.Rousseau mới chính là sân chơi công bằng, khách quan, hợp quy luật tiến hoá.

Thế là Mác muốn làm ơn mà nên oán. Học thuyết giải phóng kẻ bị trị lại biến thành lá bùa để kẻ mạnh tước đoạt của kẻ yếu, nước mạnh tước đoạt của nước yếu, cứ ngọt sớt, vì cuộc tước đoạt có vỏ bọc là những “chữ vàng” tuyệt đẹp như một cuộc hợp tác từ thiện hay một cuộc tự nguyện hiến dâng.

Nói cách khác, học thuyết Chuyên chính Vô sản là bà đỡ cho cả nạn NỘI XÂM lẫn NGOẠI XÂM, hai kẻ sinh đôi này tất nhiên câu kết với nhau để cùng tước đoạt quyền làm chủ của dân đối với đất nước. Vong hồn Mác chắc chắn vẫn còn nợ giới cần lao một lời tạ lỗi vì sai lầm lý thuyết ấy.

Hậu quả là ngày nay bất cứ người cộng sản nào cũng phải chọn một trong hai sự “PHẢN BỘI”không thể thoái thác: hoặc là phản lại (hoặc từ bỏ) học thuyết sai lầm để trung thành với nước với dân (cũng là trung thành với tấm lòng và mục tiêu chân chính của Mác), hoặc là cứ “trung thành” với học thuyết sai lầm thì lại phản dân tộc, phản tiến hoá. Người cộng sản tử tế chọn cách “phản” thứ nhất! Còn phần lớn người cộng sản có quyền bính trong tay thì chọn cách “phản” thứ hai, và gọi sự “phản” của họ là đức tuyệt đối trung thành. Thái độ im lặng thực chất là gián tiếp đồng loã với cách phản bội thứ hai.

4. Đặc điểm một cuộc xâm lăng kiểu mới đối với nước ta.

Nếu chủ nghĩa bành trướng Đại Hán muốn tái hiện một cuộc Bắc thuộc đối với Việt Nam thì sẽ gặp thuận lợi gì và khó khăn gì?

Thời Pháp thuộc Việt Nam chỉ mất nước chứ không có khả năng đồng hóa Dân tộc ta. Trong lịch sử, Trung Hoa đã nhiều lần muốn đồng hoá Dân tộc Việt Nam, vì họ thừa biết một Dân tộc bị đồng hoá thì bị mất nước vĩnh viễn. Mặc dù có ưu thế của ảnh hưởng Khổng giáo, của nhiều tập tính Đông phương và có biên giới gần gũi để di dân nhưng những thứ đó vào Việt Nam đã bị Việt Nam đồng hoá theo cách riêng của một Dân tộc có phong cách riêng và biết tự tôn nên mưu đồ đồng hoá thất bại.

Ngày nay, những nhân tố ấy vẫn còn, lại được thêm sự hỗ trợ cực kỳ hiệu quả của giáo lý Mác-Lê, của lá bùa xây dựng thiên đường XHCN và khuôn khổ tổ chức Xã hội chủ nghĩa. Lê Chiêu Thống ngày xưa không mảy may điều hành được xã hội, còn Lê Chiêu Thống ngày nay thì khả năng ấy có thừa.

Trong lịch sử 4.000 năm đã có bao giờ bị thất thủ mất đất mất biển đơn giản như thế, đã có bao giờ bị ngoại bang cưỡi lên giữa lưng, tóm lấy yết hầu, chi phối nhân sự dễ dàng như thế? Đã có bao giờ người cầm đầu xã hội bạc nhược đến mức không dám gọi đến tên kẻ đã đánh giết dân mình chứ chưa nói đến có gan chống lại?

Xã hội dân sự rất èo uột vì bị quản lý đến tận hang cùng ngõ hẻm, chỉ biết tuân theo. Đã thế lại bị ảnh hưởng tiêu cực của lối sống thực dụng, màu mè lai căng (thờ phụng một cầu thủ bóng đá, một M.Jackson, nhưng không coi Tổ quốc ra giá trị gì), của tâm lý cầu an chán nản sau chiến tranh quá dài, của thói dối trá và cách sống luồn lọt- xin cho, của lối sống vừa vô cảm vừa tàn bạo, của sự thiếu hụt và tan vỡ lý tưởng nên mất niềm tin, của sự bất lực trong giáo dục…khiến cho đạo đức suy đồi, lòng người ly tán. Một quốc gia như vậy là một quốc gia yếu, làm mồi ngon cho xâm lăng.

Khả năng bị đồng hóa toàn diện nặng nề hơn bao giờ hết. Đã có sự nhập cư ồ ạt không thể kiểm soát của những người Tàu không rõ lý lịch. Thông tin cho biết nhiều kẻ nhập cư lậu thuộc loại chất lượng xấu nhưng vừa chiếm chỗ lao động, vừa lấy được 2-3 người vợ Việt Nam để sinh đẻ cho nhiều ! Chẳng những sẽ bị Hán hóa mà còn lưu manh hóa và mông muội hóa để thành những tộc dân mọi rợ. Dân tộc bị thoái hóa thì sẽ mất nước vĩnh viễn, trở thành quận huyện của người ta, uổng công tổ tiên nghìn đời xây đắp.

Nhưng không phải kẻ xâm lược chỉ gặp thuận lợi. Khó khăn là lịch sử đã dạy cho dân Việt Nam hiểu người láng giềng khổng lồ quá rõ. Dùng mưu mô khó bịp được nhau. Còn dùng vũ lực ư, thì Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa …còn đó chứ đã mất đi đâu?

5. Giải phóng dân mới cứu được nước.

Chân lý muôn đời là chỉ có Dân mới cứu được nước. Nhưng thế của Dân hiện nay như thế của một đội bóng trong một cái sân nghiêng rất khó chịu như đã mô tả ở trên: đội “Nhân dân” ở cuối dốc, cầu môn lại rỗng ruễnh, trọng tài là người của bên kia lúc nào cũng sẵng sàng thổi phạt. Mà đội “lãnh đạo” trên đỉnh dốc nay lại thuê rất nhiều “cầu thủ ngoại xâm” cao to và hung dữ, chỉ rình “nuốt sống” đối phương.! Đội “nhân dân” chỉ còn cách thúc thủ?

Muốn nhân dân phục hồi sinh lực tất nhiên phải nâng cao DÂN TRÍ và xây dựng một XÃ HỘI DÂN SỰ cường tráng. Nhưng sẽ không thể làm được một việc gì hết nếu không đồng thời cải biến chính cái “sân chơi” kia (mà Mác đã thiết kế): phải giảm dần độ nghiêng đến mức nằm ngang, phải lập lại tổ trọng tài, phải trừng trị kẻ chơi xấu và không được cấm cản cầu thủ đội “nhân dân” một cách vô lý…vân vân…

Nhân dân khác nào vị tướng tài bách chiến bách thắng nhưng còn đang bị giam lỏng, phải trả tự do ngay cho vị tướng này.

Tóm lại là : Khi tiến hành nâng cao DÂN TRÍ và xây dựng Xã HỘI DÂN SỰ phải đồng thời xử lý những giáo lý và thiết chế Mác-xít mới mong giải phóng được sinh lực của Dân tộc, làm nhân tố quyết định để giữ nước. Lịch sử đã tạo ra vấn nạn gì thì lại tạo tiền đề để giải quyết vấn nạn ấy. Một ảo tưởng, trái quy luật đã theo lòng yêu nước xâm nhập vào trong một cuộc chống ngoại xâm, thì khi điều kiện lịch sử ấy qua đi, sẽ được chính lòng yêu nước tiễn đưa ra, cũng bằng một dịp chống xâm lược! Một nguy cơ biết đâu lại chẳng là một cơ hội ?

Xây dựng Xã hội Dân sự là sự nghiệp của toàn dân, những người tiên phong có thể là giới trí thức tiên tiến và giới trẻ tiến bộ, nhưng rất cần những điểm tựa tinh thần đang hiện diện. Các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sĩ Nguyên, Lê Văn Cương…, vốn là những nhân vật bảo vệ nền Độc lập, nhưng trước mối an nguy của vận nước trong vụ Bauxite đã cất tiếng phản biện đanh thép, không khoan nhượng, tự nhiên đã thành biểu tượng của Dân chủ. Cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn của Dân tộc đã gắn hai yếu tố Độc lập và Dân chủ lại với nhau. Những vị tướng QUÂN SỰ nếu có thể trở thành những vị tướng DÂN SỰ trong một xã hội Dân sự thì thật đáng mừng.

Trong Xã hội Dân sự thì hai giới NHÀ BÁO Dân chủ và LUẬT SƯ Dân chủ là hai trụ cột cực kỳ quan trọng, nên người muốn phá Xã hội Dân sự bao giờ cũng kiềm chế hai giới này.

Quy chế về cái gọi là “Lề phải” chính là một ngụy biện nhằm mục đích kiềm chế ấy.

Trong bối cảnh như thế, trang Web bauxitevietnam khởi xướng bởi GS Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và TS Nguyễn Thế Hùng là một thành quả của Báo chí tự do, báo chí Dân chủ, đầy trí tuệ, rất thông minh và thật đáng khích lệ !.

Đà Lạt ngày 26-7-2009
HSP


26 July 2009

Lời nhắn nhủ anh chị em công an, an ninh, cảnh sát …


các bạn nên biết rằng tôi đã quen một số nhà báo ở Liên Xô và Cộng hoà dân chủ Đức cũ và nghe họ kể rằng có hàng chục sỹ quan an ninh của KGB (Liên Xô cũ) và STASI (Cộng hoà dân chủ Đức cũ) đã tự sát vì sau khi Liên Xô tan vỡ và bức tường Berlin sụp đổ, họ đã hối hận, bị lương tâm cắn rứt, khi phải ngồi nhớ lại và khai ra những việc làm tệ hại của họ trong thời cộng sản ngự trị. Họ không thể chịu nổi khi đối diện với lương tâm mình

Bùi Tín


Do hoàn cảnh lịch sử, khi còn ở trong nước tôi quen biết khá nhiều anh chị em cán bộ, sỹ quan, nhân viên các ngành công an, an ninh, cảnh sát quân báo, tình báo, bảo vệ… Ngành này có nhiều quyền hành, đụng chạm nhiều đến cuộc sống thường ngày của nhân dân, cán bộ nhân viên nếu không có công tâm, thiếu đạo đức, rất dễ phạm sai lầm, dễ lạm dụng quyền lực, xử sự hách dịch, bất công, hà hiếp người ngay thẳng, có khi vi phạm đến tính mạng, danh dự, tài sản của những công dân lương thiện và gia đình đồng bào ta.

Trong thời chiến tranh, tôi được biết nhiều cán bộ đảng viên lo chạy vạy cho con em mình vào các cơ quan công an, vào học trường sỹ quan công an như T500 trong thị xã Hà Đông, vì cũng được coi là đi “nghĩa vụ quân sự”, không phải cầm súng ra trận, nhất là khỏi phải vào Nam theo lệnh đảng, vì lên đường vào Nam thường là biệt tăm luôn, có đến chừng 70% là sinh Bắc tử Nam, một đi không về. Bà con ta thường nói: vào ngành Công An, có quyền lực và quyền lợi riêng, có uy quyền, lại có chữ Thọ in trước ngực giữa thời bom đạn, ai mà chẳng thích.

Tôi cũng biết rằng trong ngành Công an, không phải ai cũng lạm dụng quyền lực, ai cũng vụ lợi, hà hiếp nhân dân. Do trong thời chiến, lòng yêu nước, hy sinh cho đất nước được đề cao từ trường phổ thông, tinh thần ” Công an là bạn dân” được truyền bá, nên trong lực lượng Công an vẫn còn không ít người tốt, tận tâm, trong sạch, tử tế.

Trong cuộc sống hoà bình, thời “đổi mới” oái oăm, cuộc sống vật chất có nhiều cám dỗ, đảng cộng sản sa sút và thoái hoá rõ rệt, chế độ độc đảng “một mình một chiếu” không ai kiểm soát, kiềm chế, “dột từ nóc xuống”, do đó lực lượng công an cũng tha hoá rõ rệt. Công an, cảnh sát, tình báo, mật vụ, bảo vệ… trở nên những binh chủng kiêu binh vô đạo, tiêu pha với ngân sách cực lớn, hống hách, lộng hành, một gánh nặng bi thảm và một tai họa cho lương dân và toàn xã hội. Thế mà vẫn phong tướng lu bù, phân phát huân chương vô tội vạ.

Gần đây lực lượng công an, cảnh sát được huy động bừa bãi để đàn áp tàn bạo anh chị em thanh niên, trí thức, giáo viên và sinh viên biểu tình ôn hoà trước toà lãnh sự Trung quốc ở Sàigòn, với biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt nam”, Công an còn huy động chỉ đạo bọn du côn xã hội đen đổ sơn trộn phân… vào nhà Cụ Hoàng Minh Chính, nhà báo Trần Thị Thanh Thủy, và gần đây là vào Chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng, quấy nhiễu hơn 400 người sống thiện với đạo, với đời. Thật quá đáng, sự vô liêm sỹ không còn giới hạn!

Mới đây sau khi đàn áp giáo dân Thái Hà Hànội, công an lại hành hung giáo dân ở nhà thờ Tam Toà Đồng Hới một cách dã man, dùng dao, gậy, súng và cả hơi cay…

Nhân danh một người từng sống trong chế độ độc đảng và từng là đảng viên cộng sản, được là nhà báo tự do gần 20 năm nay, tôi có lời nhắn nhủ tha thiết với anh chị em cán bộ nhân viên ngành Công an, cảnh sát, tình báo, quân báo trong nước :

- hãy trau dồi lòng yêu nước, thương dân thật sâu đậm, luôn tu luyện thành người lương thiện, sống có đạo đức, luôn tự mình suy nghĩ tỉnh táo để tự phân biệt đúng sai, quyết không làm điều gì hại người ngay thẳng, hại người lương thiện, luôn tâm niệm bảo vệ người yêu nước, thương dân, chuộng lẽ phải ;

- các bạn nên biết rằng tôi đã quen một số nhà báo ở Liên Xô và Cộng hoà dân chủ Đức cũ và nghe họ kể rằng có hàng chục sỹ quan an ninh của KGB (Liên Xô cũ) và STASI (Cộng hoà dân chủ Đức cũ) đã tự sát vì sau khi Liên Xô tan vỡ và bức tường Berlin sụp đổ, họ đã hối hận, bị lương tâm cắn rứt, khi phải ngồi nhớ lại và khai ra những việc làm tệ hại của họ trong thời cộng sản ngự trị. Họ không thể chịu nổi khi đối diện với lương tâm mình;

- sau khi chế độ dân chủ thay thế cho chế độ độc quyền đảng trị ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ (như Ba Lan, Hung, Tiệp, Đông Đức, Ukraina, Mông Cổ …), nhân dân từng bị đàn áp, tước đoạt, đày đoạ, tra tấn, hãm hại, cùng với gia đình bạn bè họ có trí nhớ rất lâu, họ đòi phải giải quyết công bằng dưới chế độ mới; nhiều hồ sơ luu trữ được suu tầm và xử lý ngiêm minh;

- ngay hiện tại, trong nước ta, đang có những người ngay thẳng, có công tâm ra sức sưu tầm tài liệu, nghị quyết, bản án, tranh ảnh, ghi âm về những việc làm phi pháp, bất công, tham nhũng, tàn bạo của những con người tội lỗi trong cơ quan công an, an ninh, cảnh sát… để lưu giữ và cũng từng phần phổ biến trong và ngoài nước, nhằm cảnh cáo những kẻ thoái hoá, biến chất và chặn tay tội ác của chúng;

- các bạn hãy noi gương sáng của những người trong ngành của các bạn, sống trong bùn mà biết giữ đạo đức không để hôi tanh mùi bùn. Như đại tá quân đội Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng cục quân báo, bị chế độ vu cáo là làm gián điệp cho Liên Xô, kiên cường chống đến cùng vụ án xét lại chống đảng; như tướng Công an Nguyễn Tài , con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, bị chế độ CH miền Nam bắt giam từ tháng 9-1970 đến 30-4-1975, sau đấy bị chụp mũ là “đầu hàng khai báo cho địch”, sau 4 năm mới được minh oan và phong anh hùng công an; ông vẫn ngay thẳng tố cáo công khai vụ án siêu nghiêm trọng “Tổng cục II”, vẫn tố cáo lý lịch bất minh và hành động đê tiện của nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh (xem hồi ký: Khúc Khỷu Đường Đời) ; như nguyên đại úy công an Tạ Phong Tần trở nên một nhà báo-luật sư chuyên bênh vực dân oan, kiên định chống lại mọi hành động bạo ngược của những đồng đội cũ của mình.

Mong các bạn sống tử tế, có lương tâm và đạo đức, không bị quyền lực ve vãn (hiện công an được đề bạt, lên lương nhanh nhất), không bị bả vật chất làm mù quáng, sống với lòng thương người dân thấp cổ bé họng, để lại phúc đức cho con cháu, sống giữa lòng quý mến chân thành của đồng bào địa phương.

Bùi Tín

24 July 2009

LIÊN THÀNH VÀ NHỮNG SỰ THẬT HAY LỪA DỐI ?


"...Nguyễn văn Thiệu đã đưa hung thần Nguyễn ngọc Loan ra Huế ngay tức khắc để chận đứng báo giới trong và ngoài nước, không cho một ai bén mảng đến hiện trường của Mồ chôn Tập thể. Điều ấy chứng tỏ sự gian ác của chế độ Thiệu về vụ này, trong đó Liên Thành đóng vai phụ mẫu tại Huế. Chính vì vậy, cuốn sách Biến Động Miền Trung ra đời để đổ thừa cho Phật giáo, chạy tội cho Cộng sản và chế độ Thiệu..."

Bảo quốc Kiếm


Từ khi đọc được cuốn sách tình báo chính trị “Biến Động Miền Trung” của ông Liên Thành, nguyên thiếu tá Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia tỉnh Thừa thiên-Huế (1966-1974) bản nông dân nghe nụ cười hoà nước mắt trào dâng. Tôi nói là nghe, chứ không phải thấy. Tôi nghe, tôi thật sự nghe trong lắng đọng của tâm tư, sâu kín, xa dài, đau đớn và pha lẫn những nụ cười đôi khi nhẹ nhàng, có lúc ác nghiệt, đau đớn khôn lường cho số phận Dân tộc Việt. Từ đó, tôi quyết định trình bày những gì tôi thấy nó KHÔNG THẬT, TIẾU LÂM VÀ GIAN ÁC mà cuốn sách Biến Động Mền Trung đã chuyển tải. Cuốn sách tôi đang viết được đặt tên rất nhà quê, đó là LIÊN THÀNH VÀ MẮM TÔM. Tuy nhiên, do yêu cầu tìm lại lịch sử một cách lương thiện, tôi phải truy lục tài liệu, luận chứng vững chãi, do đó nó sẽ dài dòng. Vừa đưa lên Internet 26 chương đầu, thì ông Liên Thành lại đi Úc để quảng bá cuốn sách của ông. Tôi đã đọc bài tường thuật và Diễn văn của Chủ tịch Cựu quân nhân Nguyễn việt Long, thấy mình ngẩn ngơ, khó chịu, đau đớn, nhục nhã. Nhân có vài vị yêu cầu tóm lược cái nhìn của tôi về cuốn sách ấy, nên xin phép bàn sơ vài chuyện về tác giả và tác phẩm ấy.

Là một kẻ ít học, nhưng thích đọc sách. Là một người nhà quê nên ưa sự thật, ghét lừa dối; do đó, tôi chỉ trình bày trong phạm vi hiểu biết cấp thấp của mình và đúng như CHÍNH NÓ. Tìm thú đọc sách nhưng không nô lệ cuốn sách đó là ý nguyện xưa nay của bản kiếm. Chính vì vậy, những thổn thức nổi lên cuồn cuộn khi đọc phải một tác phẩm mang tính Tình báo Chính trị của Liên Thành. Cái khổ nỗi là, khi gọi là Tình báo thì nó mơ màng khó hiểu; khi là chính trị thì nó thủ đoạn khôn lường. Vậy thì làm sao hiểu được sự thật ? Theo tôi, trước hết phải tìm thấy sự thật của chính người viết khi viết về chính tác giả. Từ khởi điểm chúng ta phải có niềm tin vào tác giả, thì sự đánh giá tác phẩm mới không nhầm lẫn. Và bây giờ thử xem Liên Thành nói về chính ông, về đối tượng của ông như thế nào trước khi tìm hiểu về sự thật tình báo chính trị của ông ?


A. Không thật về chính mình:

Khi mới cầm cuốn sách, coi bìa trước, lật bìa sau, tôi ngạc nhiên khi thấy ông ghi bên cạnh tấm hình Mai Bạc là:”1969-1975 Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Thừa thiên Huế”. Là một cư dân tại Huế, và có dịp vào Bộ chỉ huy Cảnh sát vào khoảng hạ bán niên 1974, tôi không thấy ông Thiếu tá Liên Thành, mà gặp ông Trung tá Hoàng thế Khanh làm Chỉ huy trưởng. Vậy điều này có là sự thật hay không ? Năm ngàn Cảnh sát Thừa thiên Huế có ai dám bảo là đúng, thì nói thử xem ? Một điều hiển nhiên như thế mà còn nói sai, thì sự thật nào khi ông viết về cái gọi là Tình báo, Chính trị ? Về lý lịch cá nhân ông, ông đã viết trong các trang 107, 205, 208 của cuốn sách hoàn toàn trật trẹo với nhau. Xin trích lại một đoạn tôi đã viết:

“Nơi trang 205, Liên Thành viết:

1-“Hoàng kim Loan sinh và chánh quán tại xã Phong an, quận Phong điền, tỉnh Thừa thiên. Tính đến tháng 5 năm 1972 hắn vừa đúng 56 tuổi”.(1972-56=1916)

Tại trang 208, Liên Thành viết:

2-“Nhưng Hoàng kim Loan không ngờ lần này, hắn gặp một đối thủ dù tuổi đời chỉ mới 26, thua hắn 30 năm, vào nghề sau hắn 18 năm, nhưng thừa khả năng, lòng can đảm, ý chí sắt đá của một sỹ quan quân lực Việt nam Cộng hoà, và là nhân viên công lực của lực lượng Cảnh sát Quốc gia miền Nam Việt nam. Viên sỹ quan trẻ tuổi này đã bẻ gãy kế hoạch của Hà nội và Hoàng kim Loan”.(1972-26=1946)

Nơi trang 107, ổng viết:

3-“Thưa thầy, tôi là Liên Thành, học trò cũ của thầy môn Việt văn, lớp đệ nhị B2 tại trường Quốc học Huế, niên khoá 57-58”.(1957-17=1940)

Trang 108, ổng viết:

4-“…đó là Nguyễn đắc Xuân (Nguyễn đắc Xuân sinh năm 1937 tại Huế, nhưng trên giấy tờ khai sinh là 1943, hắn gốc Quảng nam)..”

Qua những đoạn trích dẫn trên đây, chúng ta biết Liên Thành là ai ?

Từ trích dẫn 1: Hoàng kim Loan, vào tháng 5 năm 1972 đúng 56 tuổi, nghĩa là hắn sinh năm 1916. Từ trích dẫn 2, “thua hắn 30 năm”; nghĩa là Liên Thành sanh năm 1946. Đối chiếu với trích dẫn 3, thì “học sinh đệ nhị 2B niên khoá 57-58”. Chúng ta cũng thấy rằng, ít nhất 17 tuổi mới học đệ nhị, thì trích dẫn 3 cho thấy, Thành sinh năm 1940.

Như thế, một thiên tài xuất chúng mang tên Liên Thành ra đời mà không ai biết. Chỉ mới 11-12 tuổi đã học đệ nhị. (sinh năm 1946 học đệ nhị niên khoá 57-58). Điều này được xác nhận lại trong trích dẫn 2: “tuổi đời chỉ mới 26” (1972-26= 1946). Những điều này khế hợp với: “thua hắn 30 năm” (26+30=56). Thế nhưng, qua trích dẫn 4, chúng ta lại thấy khác, vì ông Liên Thành là bạn học từ tiểu học với Nguyễn đắc Xuân, nhưng Xuân sinh 1937, lại khai sinh là 1943. Do vậy, hoá ra Liên Thành lại sinh năm 1943 ??? Cộng lại, chúng ta có 3 Liên Thành, một sinh năm 1940, một sinh năm 1943, một sinh năm 1946. Vậy, ông nào làm Trưởng ty ???”

Còn vui hơn nữa là, cho đến 14-7-2009, khi ông Quốc Việt ở Úc phỏng vấn thì Liên Thành mới chính thức nói: ”năm nay tôi đã 66 tuổi”, nghĩa là ông sinh năm 1943. Điều ấy lại tự xác nhận sự bất minh của ông. Nếu sinh năm 1943 thì làm sao học lớp đệ nhị B2 vào năm 1957-1958 khi còn 14 tuổi ? Làm sao nói được là năm 1972 mới 26 tuổi như trong sách đã ghi ? Tại trang 57 của sách BĐMT, Liên Thành xác định ông làm Chỉ huy trưởng CSQG/TT-Huế cho đến 30-4-1975, nay ông lại nói là cho đến cuối năm 1974, vậy nó đúng chỗ nào, sự thật ở đâu ? Sau sự xác nhận ấy, Liên Thành lại lừa dối trắng trợn thêm khi ông nói: “Tôi đi khoá 16 Thủ đức, ra trường phục vụ tại chi khu Nam hoà, làm Đại đội trưởng Nghĩa quân, Đại đội trưởng Địa phương quân”. Có ai xác nhận được Nghĩa quân đã thành lập ĐẠI ĐỘI năm nào không ? Sự thật về chính ông, ông không biết, thì sự thật nào mà người đọc có thể tin hả ?


B. Không biết đối tượng:

Là một Chỉ huy trưởng Cảnh sát, thế nhưng khi ông lên giọng buộc tội những nhà lãnh đạo Phật giáo là Cộng sản, ông không hề trình bày những theo dõi, khai thác do ông chỉ huy để đưa đến kết luận, mà chỉ căn cứ vào lời tên tình báo Cộng sản Hoàng kim Loan và lời tên Ủy viên BCT đảng Cộng sản là Tố Hữu. Vậy Liên Thành là ai ? Để chứng minh điều này, tôi xin trình bày những bất minh của ông như sau:

1-Khi nói về HT Thích Trí Thủ nơi trang 299, Liên Thành cho là: “Thích như Ý là anh ruột HT Thích trí Thủ”. Như thế, rõ ràng ông Thành chẳng biết gì về đối tượng mà ông bắt. Rõ ràng ông Thích như Ý trú trì chùa Trà am là người Quảng nam, còn HT Trí Thủ là CON TRAI ĐỘC NHẤT, người Quảng trị. Vậy sự thật ở đâu ? Trong câu kế tiếp, ông Thành cho rằng HT Trí Thủ là TỔNG THƯ KÝ VIỆN HOÁ ĐẠO. Trang 293, Liên Thành cũng đã nói điều này. Lại là một trật lất của ông Chỉ huy trưởng CSQG/TT Huế, là người Huế, là tình báo, là vương gia, là…bá láp ! HT Trí Thủ chưa bao giờ là Tổng thư ký cả, mà là ngài Thích huyền Quang. Vậy sự thật ở đâu ?

2-Khi nói về ông Thích chánh Trực, nơi trang 206, Liên Thành viết:

‘Thích Chánh Trực TRỤ TRÌ CHÙA TƯỜNG VÂN và hàng ngàn cơ sở nằm trong các khuôn hội tại 13 quận thuộc Thừa thiên Huế để thi hành công tác khuấy động chính trị gây xáo trộn và rối loạn tại miền trung và Thừa thiên Huế”.

Do vậy, nơi trang 284, Liên Thành cho rằng TCT đem Việt cộng Hoàng kim Loan vào chùa Tường vân để ở hơn một năm. Trong thực tế, ông Thích chánh Trực là đệ tử Hoà thượng Thích lương Bật, thuộc chùa Kim tiên, thì làm sao ông ta Trú trì chùa Tường vân thuộc ngài HT Thích tịnh Khiết, nơi mà chú và anh ông Thành làm đệ tử ? Đã không phải Trú trì chùa Tường vân, thì chuyện đem Hoàng kim Loan vào ở hơn một năm làm sao xảy ra ? Vậy sự thật ở đâu ?

3-Khi nói về ông Nguyễn khắc Từ, Trưởng ban hướng dẫn gia đình Phật tử Thừa thiên Huế, Liên Thành cho ông ta là nhân viên tình báo của Cộng sản bên cạnh HT Thích trí Quang. Cũng trong trang 283 Liên Thành lại cho thấy Nguyễn khắc Từ là nhân viên thuộc cấp của ông, khi ông viết: ”Báo nhận hiểu và thi hành đi”. Trong một cuộc phỏng vấn khác, Liên Thành lại cho Nguyễn khắc Từ là Đại tá Tình báo chiến lược ! Như thế hoá ra Liên Thành là Đại tướng Tình báo của Cộng sản Hà nội chăng ? Xin quý vị theo dõi cuốn sách LIÊN THÀNH VÀ MẮM TÔM để cùng cười, cùng khóc với quê hương.

Tóm lược vài điều như thế để đồng bào thấy rằng tác giả Biến động Miền Trung đã hoàn toàn không biết chính mình, không biết đối tượng mà ông truy bức, chỉ nói càn, nói nhảm để buộc tội Phật giáo, đẩy đưa những thành phần tranh đấu 1966 về phía CS mà thôi. Tôi sẽ cố gắng dẫn chứng cụ thể, luận chứng rõ ràng theo thực tế về những điều mà ông Liên Thành đưa ra trong cuốn sách Biến Động Miền Trung nhằm làm sáng tỏ những điều mà ông ta và phe nhóm cho là “sự thật lịch sử”. Tôi ước mong được sự chỉ giáo từ mọi phía, mọi người, mọi giai tầng xã hội để không cho những kẻ phù thủy bẻ cong lịch sử đích thực.

Riêng về vụ Thảm sát Mậu thân 1968, Liên Thành đã chứng tỏ sự lừa dối trắng trợn trong việc Hồ chí Minh, Nguyễn văn Thiệu đã điều hợp tình hình, mà Liên Thành thủ một vai trò quan yếu tại Huế. Chuyện ghi nhận trước tiên là chuyện lá cờ tại Kỳ đài Ngọ môn khi CS chiếm Huế. Tất cả mọi người, kể cả phía CS; đặc biệt là hai vị Sĩ quan trực tiếp hạ cờ MTGPMN để treo cờ quốc gia lên; thế nhưng Liên Thành vẫn nói là cờ Mặt trận Liên minh Dân tộc, Dân chủ Hoà bình do ông Đôn Hậu làm phó để buộc tội Phật giáo !

Thực tế, vụ thảm sát Mậu thân hoàn toàn bị cả ba phía bịt kín cho đến ngày nay. Liên Thành vẫn bám chặt con số 5327 người bị giết và 1200 người mất tích mà không chứng minh cụ thể, nhưng các tài liệu trong và ngoài nước nói rằng thực tế có hàng chục ngàn người bị giết và mất tích. Tại sao ? Trong cuộc phỏng vấn mới đây của ông Quốc Việt, Liên Thành xác nhận “không nhà nào không có người bị giết hay mất tích”, vậy tại sao chỉ có khoảng 6000/130000 người như Liên Thành nói ??? Nguyễn văn Thiệu đã đưa hung thần Nguyễn ngọc Loan ra Huế ngay tức khắc để chận đứng báo giới trong và ngoài nước, không cho một ai bén mảng đến hiện trường của Mồ chôn Tập thể. Điều ấy chứng tỏ sự gian ác của chế độ Thiệu về vụ này, trong đó Liên Thành đóng vai phụ mẫu tại Huế. Chính vì vậy, cuốn sách Biến Động Miền Trung ra đời để đổ thừa cho Phật giáo, chạy tội cho Cộng sản và chế độ Thiệu. Có lạ lùng lắm không khi biến cố này xảy ra thì Chuẩn tướng Ngô quang Trưởng Tư lệnh SĐ I không có mặt tại BTL một ngày một đêm, Trung tá Phan văn Khoa, Tỉnh trưởng mất tích bảy ngày; Phó Tỉnh trưởng bị VC bắt từ đầu, Phó Thị trưởng bị giết ngay, Thiếu tá Tiểu khu phó bị thương và bị loại; Thiếu tá Tình đoàn trưởng XDNT bị giết tàn bạo; chỉ còn lại Liên Thành và Nguyễn văn Tố Tham mưu trương Tiểu khu điều hợp. Hậu quả của tất cả điều đó gói gọn trong một đoạn của Liên Thành tại trang 144:

“Việt cộng đã vào thành phố quá dễ dàng, Y NHƯ ĐI VÀO CHỖ KHÔNG NGƯỜI. Cũng chính vì vậy mà từ đêm 2 Tết và liên tục đến ngày mồng 6 Tết, bọn chúng muốn đi đâu thì đi, muốn bắt ai cứ việc bắt, muốn bắn giết ai cứ việc bắn, cứ việc giết, tự do, thoải mái hành động, thoả mãn thú tính, và hậu quả là điêu tàn, là đổ nát, là tang thương, là 5327 thuờng dân vô tội bị lính ông Hồ giết chết, không nguyên nhân, cũng chẳng cần lý do, mà quân đội cũng như lực lượng Cảnh sát quốc gia Thừa thiên Huế không can thiệp ngăn chận, và bảo vệ dân chúng”.

Đây là “sự thật” do Liên Thành tiết lộ, xin đồng bào suy gẫm thật kỹ để biết mục đích của Mậu thân 1968 là gì, do ai tạo ra, và nó liên hệ gì đến Phật giáo hay không ?

BQK-23-7-09

Những bài viết của BQK liên quan đến Liên Thành, xin mời quý vị ghé thăm Tiếng Nói Áo Lam Thế Giới.


23 July 2009

Báo cáo trong cuộc họp mặt kiều vận


Quan trọng hơn cả là chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi – dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức – nhưng đồng thời cũng không để cho nhân dân cảm thấy tuyệt vọng. Cho dù người dân có bất mãn về chuyện này chuyện kia thì vẫn làm cho họ nuôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Và phải làm điều này một cách hết sức tinh vi, kiên nhẫn, đôi lúc phải can đảm cắt bỏ những khối u trong đảng để làm nguội bớt nỗi tức giận của nhân dân.

Nguyễn Tâm Bảo



Lưu trữ theo chế độ tài liệu tuyệt mật.

KÍNH THƯA CÁC ĐỒNG CHÍ

Đảng quang vinh của chúng ta muốn tồn tại và phát triển, giữ vai trò là đảng tiên phong và duy nhất lãnh đạo đất nước, thì có mấy mục tiêu quan trọng sau đây phải được quan tâm đúng mức:

1. Phải làm cho dân chúng vừa yêu vừa sợ.

Nếu không thể làm cho người dân yêu mến – điều mà tôi e là sự thật cay đắng cần chấp nhận – thì cũng phải tuyệt đối duy trì nỗi sợ hãi để họ không bao giờ có đủ ý chí mà nổi loạn.

2. Phải giữ cho cái gọi là “phong trào dân chủ đối lập” không thể trở thành phong trào đúng nghĩa, không thể bén rễ và lan rộng.

Phải làm sao để nó chỉ là hoạt động manh mún, rời rạc, tự phát của các cá nhân đơn lẻ; làm cho có nhiều “lãnh tụ” mà ít hoặc không có quần chúng; có nhiều “nhân sĩ trí thức” mà ít hoặc không có một tổ chức nào có thực lực; có nhiều những hoạt động lãng mạn hời hợt có tính phô trương – mà người dân có biết đến cũng chỉ mỉm cười ý nhị – chứ ít hoặc không có những hoạt động thiết thực có tầm mức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội; có thật nhiều những hoạt động “chống cộng cực đoan” có tính chất phá hoạt từ bên trong, gây phản cảm đối với người dân lao động, thậm chí làm cho những gia đình cách mạng và đội ngũ cựu chiến binh phẫn nộ…

Tóm lại, phải làm cho người dân nếu không quay lưng thì cũng thờ ơ với cái gọi là “đấu tranh dân chủ”. Cụ thể như thế nào thì tôi đã có dịp trình bày.

3. Phải chủ động trong việc nâng cao dân trí để làm bàn đạp mà phát triển kinh tế, nhưng lại phải lèo lái để “dân trí cao” không đồng nghĩa với “ý thức dân chủ cao”.

Phải làm sao để chất lượng giáo dục bậc đại học được cải thiện nhưng đa số sinh viên phải trở nên thực dụng hơn, có tinh thần “entrepreneurship” – khao khát tiền bạc và công danh, mạo hiểm và sáng tạo trong kinh doanh, cầu tiến trong sự nghiệp riêng, tôn thờ Bill Gates và chủ nghĩa tiêu thụ – nhưng đồng thời cũng tuyệt đối thờ ơ với những lý tưởng và hoài bão cải biến xã hội, xa lạ với những tư tưởng trừu tượng viễn vông, tìm kiếm những giải pháp cá nhân thay cho ý thức công dân, và đặc biệt là tránh xa âm mưu thay đổi chế độ.

4. Phải chủ động trong việc mở rộng xã hội dân sự, thuần phục và trung hòa giai cấp trung lưu đang lớn mạnh (gọi là “co-optation”)…

Làm sao để trong mỗi tổ chức dân sự đều có chân rết của ta. Các tổ chức trung gian như mặt trận Tổ quốc, công đoàn, hội phụ nữ, các hội cựu chiến binh, các câu lạc bộ hưu trí… phải phát huy vai trò tối đa trong việc trung hòa những nhân tố nguy hiểm, điều hòa những xung đột nếu có giữa nhà nước và xã hội, giảm thiểu sự bất mãn của dân chúng…

Làm sao để xã hội dân sự vẫn được mở rộng nhưng theo hướng có kiểm soát của chúng ta, chứ không trở thành mối đe dọa.

Quan trọng hơn cả là chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi – dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức – nhưng đồng thời cũng không để cho nhân dân cảm thấy tuyệt vọng. Cho dù người dân có bất mãn về chuyện này chuyện kia thì vẫn làm cho họ nuôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Và phải làm điều này một cách hết sức tinh vi, kiên nhẫn, đôi lúc phải can đảm cắt bỏ những khối u trong đảng để làm nguội bớt nỗi tức giận của nhân dân.

Trong trường hợp này thì việc thả Nguyễn Việt Tiến và việc bắt giam hai nhà báo là sai lầm. Lẽ ra chúng ta phải không tiếc một số ít các đồng chí tham lam quá mức, biến họ thành dê tế thần để giành lại niềm tin của nhân dân, hoặc ít nhất cũng làm họ giảm bất mãn, trong nỗ lực chống tham nhũng của chúng ta.

Một người bất mãn cực độ là một người nguy hiểm. Một người tuyệt vọng đôi khi còn nguy hiểm hơn. Một người lạc quan, nhiều hy vọng, thì thường cũng là một người dễ bảo, yêu chuộng sự ổn định và do đó không có ý định phản kháng.

Chúng ta phải biết dùng mồi để nhử, đánh vào thói tham lam ích kỷ lẫn thói háo danh của người đời, vừa phải làm sao để tinh thần thực dụng và chủ nghĩa mánh mung chụp giật trở thành bản tính của dân tộc – vốn đã rã rời về ý chí, tan vỡ về niềm tin, chán ngán các loại ý thức hệ; nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn những cái van để dân chúng có chỗ giải tỏa ẩn ức.

Tuyệt đối không để sự bất mãn trong xã hội tích tụ lại vượt quá ngưỡng kiểm soát của chúng ta. Kiên quyết tiêu diệt mọi mầm mống có khả năng dẫn đến các loại hoạt động đối kháng có tổ chức, có sự phối hợp rộng rãi; tuyệt đối ngăn chặn khả năng huy động được đông đảo quần chúng tham gia.

Chúng ta phải nghiên cứu tất cả những tư tưởng gia vĩ đại trong việc chiếm đoạt quyền lực và duy trì vị trí độc tôn, từ Tôn Tử, Ngô Khởi, Trương Tử Phòng, Lý Tư… và Mao Trạch Đông ở phương Đông, cho đến Machiavelli – tác giả cuốn cẩm nang “The Prince” nổi tiếng ở phương Tây, thậm chí cả Napoleon, Hitler, Stalin… hoặc Hugo Chavez thời nay. Tất cả đều có những điều rất đáng để chúng ta học hỏi, từ nghệ thuật mị dân cho đến những thủ đoạn cứng – mềm linh hoạt trong việc đối phó với địch, và cả những sai lầm chiến thuật của các vị này.

Phải làm sao để chúng ta vẫn trấn áp được đối lập dân chủ, nhưng vẫn không làm sứt mẻ quan hệ ngoại giao đang ngày một tốt hơn với Hoa Kỳ và phương Tây – vốn là những kẻ đạo đức giả, duy lợi và thực dụng nhưng thích rao bán tấm áo “dân chủ tự do” cùng với những khẩu hiệu cao đẹp khác.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải khái quát những luận điểm của Machiavelli để có thể áp dụng cho một chế độ, một đảng phái có cơ cấu phức tạp, chứ không phải là một nhà độc tài quân phiệt giản đơn.

Một nhà độc tài dù tàn độc đến đâu, ranh ma đến đâu, thì cũng chỉ là một kim tự tháp trên sa mạc, tĩnh lặng và không tiến hóa – nên trước sau cũng sẽ để lộ sơ hở chết người. Nhưng một đảng chuyên quyền thì luôn luôn biến động, thay đổi và lớn lên không ngừng; biết bù đắp khiếm khuyết, che giấu yếu điểm, phô trương sức mạnh một cách vô cùng linh động… và đặc biệt có đủ tài lực và nhân lực để lan tỏa chân rết đến mọi ngõ ngách của xã hội, kiểm soát cả dạ dày lẫn linh hồn của nhân dân.

Bác Hồ (hay có thể là bác Lê Nin) đã dạy: người cách mạng phải không ngừng học hỏi, học từ nhân dân và học từ kẻ địch; phải không ngừng tiến hóa về mặt tư duy lẫn thủ đoạn để sống sót mà vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào; phải luôn uyển chuyển và linh động để sẵn sàng thay máu đổi màu khi cần thiết, thậm chí sẵn sàng đào thải cả những đồng chí quá tham lam và ngu dốt có hại đến lợi ích chung của đảng. Đối với địch thủ thì phải thiên biến vạn hóa, ranh ma tàn độc đủ cả… và đặc biệt phải biết dùng hình nộm kết hợp với thủ đoạn đấu bò tót kiểu Tây Ban Nha để thu hút ám khí và sừng bò của đối thủ.

Trong lúc đối thủ tiêu hao lực lượng vì đánh vào những hình nộm rơm, hoặc phung phí thời gian và sức lực vào những mục tiêu viễn vông, thì chúng ta lạnh lùng quan sát, phân tích thấu đáo địch tình, ra đòn bất ngờ và hợp lý để địch chết không kịp ngáp.

Đặc biệt chúng ta ngầm khuyến khích những hành động tự sát theo kiểu “không thành công cũng thành nhân” – tất nhiên là phế nhân. Chúng ta cũng phải biết lắng nghe những phê phán của địch thủ mà thay đổi cho thích hợp. Kẻ đối địch luôn có những bài học quý giá mà chỉ có những người bản lĩnh và khôn ngoan mới nhìn ra.

Nếu kẻ địch lãng mạn viễn vông với những khẩu hiệu trừu tượng như “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do” … thì chúng ta phải thực tế với những tiêu chí cụ thể như “ổn định xã hội”, “tăng trưởng kinh tế”, “xóa đói giảm nghèo”…

Nếu kẻ địch hô hào những điều khó hiểu du nhập từ phương Tây như “đa nguyên”, “đa đảng”, “pháp trị”, “khai phóng”… thì chúng ta phải tích cực cổ vũ mô hình: Nhân Trị của đấng Minh Quân – nhưng ở đây Minh Quân phải được hiểu là đảng cộng sản – cũng như đề cao những “giá trị Á châu” một cách khéo léo.


Phát huy dân chủ cơ sở - tập trung

Chúng ta cũng phải phát huy “dân chủ cơ sở”, “dân chủ tập trung”, “dân chủ trong đảng”… để làm sao cho dân thấy đảng không phải là cái gì đó cao xa vời vợi, mà đảng cũng là dân, ở ngay trong dân, từ dân mà ra, đã và đang đồng hành cùng với dân.

Phải cho dân thấy là nếu đảng có xe hơi thì dân cũng có hon đa – chứ không phải đi bộ; nếu đảng có đô la thì dân cũng có tiền in hình Bác đủ tiêu xài – chứ không quá túng thiếu; nếu đảng có cao lương mỹ vị thì dân cũng có gạo ăn – không chết đói mà còn dư thừa để đem xuất khẩu.

Đặc biệt là phải tích cực tuyên truyền và giải thích để người dân hiểu được ý nghĩa của “dân chủ” theo cách có lợi cho chúng ta: “dân chủ” nghĩa là đảng luôn lắng nghe dân, phản ánh ý nguyện của dân (phần nào thôi) qua những chính sách vĩ mô và vi mô, thỏa mãn niềm tự ái của dân vì được dạy dỗ đảng, cũng như kích thích lòng tự hào dân tộc của dân để hướng nó vào những kẻ thù mơ hồ giấu mặt ở bên ngoài.

Đối thủ của chúng ta thường lãng mạn và nhiều nhiệt tình nhưng ít chịu học hỏi, hoặc nếu có học thì chỉ qua quýt đủ để thuộc lòng những khẩu hiệu trừu tượng như “nhân quyền”, “dân chủ”… rồi nhai đi nhai lại làm dân chúng phát nhàm. Nói chung, đối thủ của chúng ta thường chỉ biết đến một số cuốn cẩm nang về dân chủ có ngôn từ rất kêu, rất đẹp, nhưng nghèo nàn về phương pháp thực tế, lẫn lộn giữa cứu cánh và phương tiện.

Ngược lại, chúng ta cần phải tích cực nghiên cứu sâu sắc những trước tác của các học giả phương Tây về khoa học chính trị và kinh tế học. Chúng ta phải nhận thức được đã có rất nhiều những nghiên cứu khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa “thể chế chính trị” và “phát triển kinh tế”.

Hai phạm trù “dân chủ” và “phát triển” có quan hệ hết sức phức tạp, phi tuyến, chứ không phải là quan hệ nhân – quả. Nghiên cứu kỹ về vấn đề này sẽ rất có lợi cho chúng ta trong việc chủ động phát triển kinh tế mà không cần phải “dân chủ hóa”.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là: phát triển kinh tế làm phát sinh một số yếu tố hiểm nguy cho chế độ. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, tùy thuộc vào khả năng “tháo ngòi nổ” của chúng ta, cũng như khả năng khai thác những yếu tố hiểm nguy này của đối lập dân chủ.

Chẳng hạn, học giả Daron Acemoglu của đại học MIT danh tiếng đã có nhiều phân tích về “nguồn gốc kinh tế của các chế độ độc tài và dân chủ”. Trong đó ông đã chỉ ra rằng phát triển kinh tế kèm theo việc phân bố của cải vật chất một cách tương đối công bằng, đồng thời với việc nới lỏng một cách chừng mực những tự do dân sự, thì bất mãn của xã hội sẽ không quá cao, do đó hoàn toàn có thể duy trì chế độ độc tài mà vẫn thúc đẩy kinh tế phát triển. Đó là trường hợp của Singapore, điển hình của một nhà nước độc tài sáng suốt.

Một ví dụ nữa là những nghiên cứu của Bruce Bueno de Mesquita, đã chỉ ra cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu trong việc đàn áp cái gọi là “coordination goods”, tức là những yếu tố vốn không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu được vận dụng bởi đối lập dân chủ thì lại trở thành những vũ khí đáng sợ. Đó là nghệ thuật “đàn áp có chọn lọc” mà tôi đã có dịp phân tích.


Giới trẻ và sinh viên học sinh

Một kết quả bất ngờ mà theo tôi cũng là một kinh nghiệm quý trên mặt trận tuyên truyền nhồi sọ: việc chúng ta bắt ép sinh viên phải học tập chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại những kết quả ngoài mong ước.

Thành công của chúng ta không phải đã đạt được mục đích ban đầu là làm cho thế hệ trẻ tôn thờ thứ chủ nghĩa mà ngay cả chúng ta cũng không tin. Ngược lại, thành công của chúng ta là đã làm cho thế hệ trẻ chán ngán đến tận cổ khi phải học mãi một thứ ý thức hệ lỗi thời, bị nhồi nhét đến phản cảm những tư tưởng cũ kỹ. Nhờ vậy chúng ta đã đào tạo ra một thế hệ trẻ thờ ơ vô cảm với tất cả các loại tư tưởng và ý thức hệ, chai sạn với lý tưởng và hoài bão mà thanh niên thường có, trở nên thực dụng và ích kỷ hơn bao giờ hết.

Thế hệ trẻ hôm nay, ngoài cái đức tính thực dụng và tinh thần chụp giật, cũng như niềm khao khát tiền bạc, công danh, ám ảnh bởi chủ nghĩa hưởng thụ, thì chỉ còn le lói “tinh thần dân tộc” vẫn còn sót lại trong máu huyết của mỗi người Việt.

Đây là con dao hai lưỡi, là con giao long đang nằm yên, mà chúng ta cần phải biết lèo lái một cách khôn ngoan để không xảy ra một tiểu Thiên An Môn ở Ba Đình.

Dưới chế độ chuyên chế nào cũng vậy, sinh viên và trí thức trẻ luôn luôn là những kẻ nguy hiểm nhất, là ngòi nổ của quả bom, là kíp mìn hẹn giờ, là hạt nhân của các phong trào đấu tranh. Các cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ độc tài bao giờ cũng do sinh viên và trí thức dẫn đầu; công nhân, nông dân, và các tầng lớp lao động khác chỉ là sức mạnh cơ bắp. Chỉ có trí thức và sinh viên mới đủ lý luận để huy động được đông đảo quần chúng, mới có lý tưởng để dấn thân và mới có khả năng tổ chức và phối hợp.

Triệt tiêu được những phong trào sinh viên, cô lập được những trí thức phản kháng, chính là đánh vào đầu não chỉ huy của địch. Những thứ còn lại như “dân oan biểu tình”, “công nhân đình công”… chỉ là cơ bắp của một cơ thể đã bị liệt não.

Như trên đã nói, chúng ta đã thành công trong việc làm cho sinh viên trở nên lãnh cảm về các loại ý thức hệ, thờ ơ với những tư tưởng tự do khai phóng từ phương Tây. Chúng ta chỉ còn phải đối phó với tinh thần dân tộc của sinh viên đang có nguy cơ thức dậy, mục đích là để nó ngủ yên, nếu không phải lèo lái nó theo hướng có lợi cho chúng ta.


Trí thức

* Đối với tầng lớp trí thức, những biện pháp “vừa trấn áp vừa vuốt ve” từ xưa đến nay đã đem lại kết quả khả quan. Chúng ta đã duy trì được một tầng lớp trí thức hèn nhát, háo danh, và nếu không quá ngu dốt thiển cận thì cũng chỉ được trang bị bởi những kiến thức chắp vá, hổ lốn, lỗi thời.

* Nói chung, đa số trí thức của chúng ta đều hèn, đều biết phục tùng theo đúng tinh thần “phò chính thống” của sĩ phu xưa nay. Phần lớn những kẻ được coi là trí thức cũng mang nặng cái mặc cảm của việc học không đến nơi đến chốn, ít có khả năng sáng tạo; và so với trí thức phương Tây về cả tri thức lẫn dũng khí đều cách xa một trời một vực.

* Trí thức của chúng ta vẫn mãi mãi giữ thân phận học trò, kiểu sĩ hoạn mơ ước được phò minh chủ, hanh thông trên đường hoạn lộ, chứ không bao giờ vươn lên thành những nhà tư tưởng lỗi lạc.

* Tầm mức ảnh hưởng của trí thức đến xã hội không đáng kể, không giành được sự kính trọng từ các tầng lớp nhân dân, thậm chí còn bị người đời khinh bỉ bởi sự vô liêm sỉ và thói quen ném rác vào mặt nhau.

* Chỉ có một số ít trí thức vượt qua được cái vỏ ốc hèn nhát, nhưng thường là quá đà trở nên kiêu ngạo tự mãn, coi mình như núi cao sông sâu, là lương tâm thời đại. Những người này quả thật có dũng khí, nhưng cũng không đáng sợ lắm bởi đa phần đều có tâm mà không có tài, có đởm lược mà ít kiến thức.

* Đa phần trong số này cũng chỉ đến khi về hưu mới thu gom được dũng khí mà ra mặt đối đầu với chúng ta, do đó sức cũng đã tàn, lực cũng đã kiệt. Một số ít trẻ trung hơn, nhiệt huyết còn phương cương, thì lại chưa có kinh nghiệm trường đời, chưa được trang bị lý luận chu đáo, chưa có kiến thức về dân chủ sâu rộng. Với những kẻ này chúng ta đàn áp không nương tay, bỏ tù từ 3 đến 7 năm. Đó là phương cách giết gà từ trong trứng.

Thử tưởng tượng xem một tài năng trẻ phải thui chột những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời trong lao tù, cách ly với môi trường học vấn, gặm nhấm nỗi cô đơn thay cho việc học hành nghiên cứu, thì sao có thể phát triển hết khả năng? Khi ra tù thì cũng đã quá tuổi trung niên, mệt mỏi, chán chường. Nếu vẫn còn dũng khí thì cũng đã tụt hậu về kiến thức, bị trì néo bởi gánh nặng gia đình, còn làm gì được nữa?

Với những phân tích như trên tôi cho rằng chế độ của chúng ta vẫn còn bền vững ít nhất thêm hai mươi năm nữa. Nhưng thời thế đổi thay. Chúng ta không thể kiêu ngạo mà tin rằng sẽ trường tồn vĩnh viễn.

Chúng ta luôn học hỏi và thay đổi để sống còn và vươn lên, nhưng cũng nên biết rằng đối thủ của chúng ta có lẽ cũng không quá ngu ngốc. Nếu kẻ địch cũng nhìn ra được mạnh – yếu của chúng ta, cũng biết tự đổi thay để thích nghi, cũng biết học cách đấu tranh có phương pháp, có tổ chức, có chiến lược… thì chuyện gì sẽ xảy ra sau hai mươi năm nữa thật khó mà biết được.

Đó là một cuộc đua đường trường mà kẻ nào dai sức hơn, bền chí hơn, khôn ngoan hơn, thì sẽ đến đích trước.

Chúc các đồng chí chân cứng đá mềm và luôn nhớ lời dạy của Hồ Chủ Tịch: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nguyễn Tâm Bảo

22 July 2009

Phú Túc: một vụ án bất công


Đáng ngạc nhiên là trong danh sách 10 người làm chứng thì có tới 5 cảnh sát giao thông, những người liên quan trực tiếp đến vụ việc và có thể bị kiện nếu chính quyền này có dân chủ. Năm người làm chứng gian này là:

1. Ông Nguyễn Văn Đểu, sinh năm 1961,
2. Ông Nguyễn Trường Giang, sinh năm 1984,
3. Ông Phạm Thanh Bình, sinh năm 1976,
4. Ông Phạm Lợi, sinh năm 1985,
5. Ông Trần Ngọc Sơn, sinh năm 1986,

Tất cả đều thuộc Đội CSGT số 2, quốc lộ 20.

Đình Phú


Sự việc xảy ra ngày 1/3/2009 tại xã Đồng Xoài, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai tính đến nay đã gần 5 tháng. Công an huyện Định Quán đã bắt tạm giam 15 người từ hơn 4 tháng nay. Vụ này sẽ do tòa án huyện Định Quán đưa ra xử lưu động vào lúc 8 giờ ngày thứ sáu 24/7/2009 tại Trung tâm văn hóa xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai (cách TP. HCM 90 km trên đường đi Đà Lạt).

Đây là một vụ án bất công: kẻ gây ra sự việc, nguyên nhân gây ra sự bất bình của người dân, kẻ vi phạm pháp luật khi lạm dụng quyền hành trong lúc làm nhiệm vụ là các cảnh sát giao thông, cầm đầu là Nguyễn Trường Giang, sinh năm 1984, thuộc Đội CSGT số 2, quốc lộ 20, thì không bị xét xử. Ngược lại, những người dân thấy chuyện bất bình đứng ra yêu cầu CSGT tôn trọng sự thật, lập biên bản sự việc ngay tại chỗ thì lại bị bắt giam và kết tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Tòa án nhân dân huyện Định Quán, cụ thể là bà Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy đã ký “Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án Nhân dân huyện Định Quán” số 87/2009/HSST-QĐ ngày 13/7/2009. Dưới đây là danh sách các nạn nhân của vụ án đầy bất công này:

1. Đặng Thị Huệ, sinh năm 1960
2. Lê Hoàng Trung Nghĩa, sinh năm 1990
3. Trần Ngọc Lâm, sinh năm 1981
4. Trịnh Cao Tuyên, sinh năm 1969
5. Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1970
6. Võ Thành Nhân, sinh năm 1980
7. Điểu Lụy, sinh năm 1985
8. Trần Quang Đạt, sinh năm 1988
9. Trần Thị Bích Ngọc, sinh năm 1975
10. Phan Thị Bé Phượng, sinh năm 1971
11. Nguyễn Văn Vẽ, sinh năm 1975
12. Điểu Thị Hồng, sinh năm 1988
13. Điểu Văn Gìn, sinh năm 1990
14. Điểu Hận, sinh năm 1974
15. Võ Thị Mỹ Lệ, sinh năm 1983

15 người này sống trong các xã Phú Cường (6), Phú Túc (4), Túc Trưng (4) – huyện Định Quán và xã Gia Tân 3 (1) – huyện Thống Nhất. Họ sống bằng các nghề: làm rẫy (6), thợ mộc (2), buôn bán, thợ hớt tóc, bán vé số, nội trợ, thợ hồ và sinh viên. Hầu hết họ là người Công Giáo (12/15).

Theo Quyết định 87/2009/HSST-QĐ trên thì vụ án được xét xử công khai.

Thẩm phán của phiên tòa là bà Phạm Thị Thanh Thủy (chủ tọa). Thẩm phán dự khuyết là ông Phan Ngọc Thành.

Các Hội thẩm nhân dân là:

- ông Nguyễn Công Khanh, cán bộ Đoàn, huyện đoàn Định Quán
- bà Nguyễn Thị Liệu, cán bộ hưu trí
- dự khuyết: ông Bùi Văn Vinh, cán bộ Ủy ban MTTQ xã Phú Cường

Thư ký tòa là các ông Nguyễn Ngọc Phú và Trần Văn Tuấn. Các kiểm sát viên là ông Nguyễn Ngọc Tuấn và ông Trần Đức Kỳ. Các luật sư bào chữa cho các nạn nhân là:

1. Nguyễn Thị Dư, đoàn luật sư TP. HCM
2. Ngô Văn Dũng, cộng tác viên trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai
3. Phan Mạnh Hoàng, cộng tác viên trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai
4. một luật sư vô danh thuộc đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai

Đáng ngạc nhiên là trong danh sách 10 người làm chứng thì có tới 5 cảnh sát giao thông, những người liên quan trực tiếp đến vụ việc và có thể bị kiện nếu chính quyền này có dân chủ. Năm người làm chứng gian này là:

1. Ông Nguyễn Văn Đểu, sinh năm 1961,
2. Ông Nguyễn Trường Giang, sinh năm 1984,
3. Ông Phạm Thanh Bình, sinh năm 1976,
4. Ông Phạm Lợi, sinh năm 1985,
5. Ông Trần Ngọc Sơn, sinh năm 1986,
Tất cả đều thuộc Đội CSGT số 2, quốc lộ 20.


3 người giữa hình: CSGT Nguyễn Trường Giang, bà Đặng Thị Huệ (mũ vành) và người bị CSGT đánh Trần Ngọc Lâm

Vật chứng đưa ra xem xét tại phiên tòa là “2 bìa các tông có ghi chữ màu đỏ ‘Công an giao thông đánh người’”. Tòa án đã cố tình làm ngơ những hình ảnh và video do người dân chứng kiến hôm đó ghi lại (đã đưa lên internet) mà chỉ dùng những hình ảnh do công an chìm được sai tới để chụp mũ người dân.

Ngày 20/7/2009 vừa qua, tòa án huyện Thống Nhất đã xử bất công một vụ tương tự, xảy ra tại Dốc Mơ trước vụ ở Phú Túc mà mức án cao nhất cho 1 người là 3 năm tù giam. Có lẽ vụ xét xử sắp tới ở Phú Túc cũng không nằm ngoài “khung án bất công” này.

Các “tòa án nhân dân” tại Việt Nam ngày càng tạo ra nhiều dân oan, ngày càng gây nên nhiều nỗi oán giận trong lòng người dân.

Những ai quan tâm đến vấn đề công lý xin hãy đến chứng kiến phiên tòa công khai này tại địa điểm và thời gian nêu trên để thấy rõ hơn sự bất công và bao che cho các cán bộ của tòa án Việt Nam.

Đình Phú



TẠI SAO CỘNG SẢN GIẾT PHẠM QUỲNH ?


Trong việc hợp tác với Pháp, có hai hạng người: hạng thứ nhất là những kẻ hợp tác để mưu cầu danh lợi riêng tư, lợi dụng quyền thế, hống hách bóc lột đồng bào; hạng thứ hai ra tham chính, làm việc với Pháp, không dựa vào quyền thế để hiếp đáp dân chúng, mà dùng quyền thế để cứu giúp đồng bào, và vẫn giữ được khí tiết riêng của mình như Nguyễn Trường Tộ, Pétrus Trương Vĩnh Ký, và biết bao nhiêu người vô danh khác…

Trần Gia Phụng


TẠI SAO CỘNG SẢN GIẾT PHẠM QUỲNH ?, trong khi cộng sản không giết Trần Trọng Kim và toàn bộ nhân viên nội các Trần Trọng Kim, là những người đang còn hoạt động? Câu hỏi nầy cần tách ra làm hai phần để dễ tìm hiểu:

Thứ nhất: Từ khi đến Trung Hoa hoạt động năm 1924, Hồ Chí Minh, điệp viên của Đê Tam Quốc tế Cộng sản, lúc đó có tên Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, đã chủ trương “giết tiềm lực”. Giết tiềm lực là tiêu diệt tất cả những cá nhân có khả năng tiềm tàng mà không chịu theo chủ nghĩa cộng sản hay đảng Cộng Sản, có thể sẽ có hại cho đảng Cộng sản trong tương lai. Những người nầy về sau có thể sẽ hoạt động chính trị và có thể sẽ gây trở ngại, gây nguy hiểm cho sự phát triển của cộng sản. Nạn nhân danh tiếng đầu tiên của chủ trương giết tiềm lực của Hồ Chí Minh là Phan Bội Châu (1867-1940). Phan Bội Châu bị Lý Thụy bán tin cho Pháp, để Pháp bắt Phan Bội Châu năm 1925 tại nhà ga Thượng Hải, nhằm đoạt lấy tổ chức của Phan Bội Châu. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, bản dịch của Nguyễn Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.)

Từ đó, Hồ Chí Minh và phe đảng thi hành chủ trương giết tiềm lực, ngầm thủ tiêu rất nhiều thanh niên sinh viên hoạt động chính trị, và nhất là năm 1945, khi nắm được quyền lực, Việt Minh (VM), mặt trận ngoại vi của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), đã giết hầu hết những nhân tài không theo VM.

Tại Huế, VM tìm tất cả các cách nhắm cô lập vua Bảo Đại. Cách tốt nhất là cách ly nhà vua với những người có khả năng và uy tín thân cận bên cạnh nhà vua, trong đó quan trọng hơn cả là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi. Do đó, VM ra lệnh bắt Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi cùng con của ông Khôi là Ngô Đình Huân ngày 23-8-1945. Đồng thời VM sắp đặt những người của VM như Tạ Quang Bửu, Phạm Khắc Hòe vây quanh rỉ tai nhà vua, phóng đại về kháng chiến, về Việt Minh.(Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, tr. 184.)

Theo David G. Marr trong Vietnam 1945, The Quest for Power, sau khi Phạm Quỳnh và hai cha con Ngô Đình Khôi bị bắt, người Nhật can thiệp một cách yếu ớt không hiệu quả. Ngày 28-8, sáu người Pháp nhảy dù xuống một địa điểm cách kinh thành Huế khoảng 20 cây số nhắm mục đích bắt liên lạc với vua Bảo Đại và các cựu quan Nam triều. Lúc đầu, VM địa phương tưởng những người Pháp nầy là người của phe Đồng Minh, cho họ trú tạm tại một ngôi nhà thờ, nhưng khi biết rằng đây là những người Pháp có ý định tìm cách liên lạc với các quan chức Nam triều cũ, VM liền giết bốn người, và cầm tù hai người đến tháng 6-1946. (David G. Marr, Vietnam 1945, The Quest for Power [Việt Nam 1945, đi tìm quyền lực] University of California Press, tt. 452-453.)

Trong khi cô đơn, lại bị Phạm Khắc Hòe xúi giục và hù dọa, vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8-1945, và làm lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn ngày 30-8-1945, với sự hiện diện của đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, và Cù Huy Cận.

Theo hồi ký của Trần Huy Liệu, sau khi Nhật đầu hàng, người Pháp nhảy dù xuống Huế, liền hỏi ngay đến Bảo Đại, Phạm Quỳnh và những người cộng tác với Pháp trước đó. Việt Minh bắt được toán người Pháp nầy và “xử lý thích đáng” Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh. (Nguyên văn lời của Trần Huy Liệu.) Theo lối chơi chữ của Trần Huy Liệu, “xử lý thích đáng” có nghĩa là thủ tiêu hai ông Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh.
Nhiều người cho rằng việc người Pháp muốn kiếm cách liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại và Phạm Quỳnh (vì lý do gì không được rõ) vô tình đã làm cho VM lo ngại, sợ rằng một khi người Pháp trở lui, Pháp sẽ nhờ Phạm Quỳnh và những người đã từng làm việc với Pháp như Ngô Đình Khôi giúp Pháp lật ngược thế cờ, đưa cựu hoàng trở lại cầm quyền.

Do đó VM vội vàng “mời” cựu hoàng Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945, ra Hà Nội làm cố vấn chính phủ, để cách ly cựu hoàng với cố đô, chiếc nôi của nhà Nguyễn, đồng thời cách ly cựu hoàng với những cận thần cũ. Vì vậy VM giết ngay các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi ngày 6-9 để trừ hậu hoạn. Trong khi đó, nếu người Pháp trở lui Huế, người Pháp cũng không hợp tác với Trần Trọng Kim, vì ông Kim và nội các của ông bị gán cho là thân Nhật.

Thứ hai: Khi cướp chính quyền, VM đã chủ ý giết một số người trong đó có Phạm Quỳnh. Việt Minh chủ ý giết Phạm Quỳnh vì :

1) Phạm Quỳnh muốn xây dựng nền quân chủ lập hiến tại nước ta, và cho rằng cộng sản là “nạn dịch” gây bất ổn xã hội. (Phạm Quỳnh, “Ce que sera l’Annam dans cinquante ans?”[Nước Nam sẽ ra sao năm mươi năm sau?], Essais franco-annamites (1929-1932), Huế: Nxb. Bùi Huy Tín, 1937, tr. 500.) Phạm Quỳnh muốn xây dựng nền quốc học trong khi Việt Minh muốn phổ biến chủ nghĩa cộng sản.

2) Ở trong nước, Phạm Quỳnh tiêu biểu cho giới trí thức làm văn hóa, theo chủ nghĩa dân tộc, lập trường quốc gia, bất bạo động, dấn thân hoạt động chính trị. Việt Minh giết Phạm Quỳnh để đe dọa, uy hiếp và khủng bố tinh thần giới trí thức hoạt động văn hóa trên toàn quốc. Đây là lối mà người xưa gọi là “sát nhất nhân, vạn nhân cụ “(giết một người, mười ngàn người sợ).

3) Đối với nước ngoài, Phạm Quỳnh là người được Pháp ủng hộ và rất có uy tín trên chính trường Pháp. Với đường lối ôn hòa, ông còn có thể được cả Nhật, Trung Hoa (lúc bấy giờ do Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng cầm quyền), Anh, Hoa Kỳ chấp nhận hơn là đường lối cực đoan theo Liên Xô của Hồ Chí Minh.

4) Hồ Chí Minh muốn chụp lấy ngay thời cơ tạo ra do khoảng trống chính trị sau tối hậu thư Potsdam vào cuối tháng 7-1945, nên chủ trương tiêu diệt tất cả những người nào có khả năng tranh quyền với Hồ Chí Minh, để cho ở trong cũng như ngoài nước thấy rằng chỉ có một mình Hồ Chí Minh mới xứng đáng lãnh đạo đất nước. Phạm Quỳnh đã từng là thượng thư bộ Lại, đứng đầu triều đình Huế. Đặc biệt những điều ông viết về tương lai thế giới mà ông đưa ra từ 1930 trong bài “Ce que sera l ‘ Annam dans cinquante ans?” [Nước Nam sẽ ra sao năm mươi năm sau?] đều đã diễn ra đúng theo ông tiên liệu, như mối đe dọa của Nhật Bản, nạn dịch cộng sản, xung đột Thái Bình Dương, đại hỏa hoạn ở châu Âu [thế chiến 2]. Nhờ thế mà uy tín Phạm Quỳnh lên rất cao.

Phạm Quỳnh có uy tín và tư thế lớn đối với dư luận trong và ngoài nước, là một trong những người có thể trở thành đối thủ đáng ngại của Hồ Chí Minh, nên Hồ Chí Minh quyết tiêu diệt Phạm Quỳnh để tránh trở ngại về sau.

5) Khi mới nổi dậy năm 1945, để lôi cuốn quần chúng, Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, chứ không phải là đảng viên cộng sản, và Hồ Chí Minh ra đi để tìm đường cứu nước, đồng thời Hồ Chí Minh tự giấu thật kín chuyện xin vào học trường Thuộc Địa Paris mà bị loại. Một chuyện nữa cũng thuộc loại “thâm cung bí sử” của Hồ Chí Minh là việc Nguyễn Ái Quốc gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) ở Paris vào đầu năm 1922. (Jacques Dalloz, “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale” [Người Việt trong hội Tam Điểm thuộc địa], tạp chí Revue Française d’Histoire d’Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d’Histoire d’Outre-mer, tr. 105.) Hội Tam Điểm là một hội có chủ trương chính trị đối lập với đảng Cộng Sản và là kẻ thù của đảng Cộng Sản.

Cũng trong năm 1922, theo lời mời của chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đến Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Địa (École Coloniale) ngày 31-5-1922 về đề tài “Sự tiến hóa về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ”. Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn lâm Pháp. Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những “chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi”, và không nêu tên những người ông đã gặp trong nhật ký. Tuy nhiên, trên sổ lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Thứ Năm, 13-17]: “Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)”. [Tờ lịch Chủ nhật 16-7]: “Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” [Chủ nhật 16-7] [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.]

Như thế, Phạm Quỳnh là một trong những người biết rõ tung tích Hồ Chí Minh ở Paris, biết rõ Hồ Chí Minh đã gia nhập hội Tam Điểm Pháp, và đặc biệt Phạm Quỳnh còn sống cho đến 1945. (Những người khác như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh đều đã từ trần.) Phạm Quỳnh là một nho sĩ chính trực nên ông không tiết lộ cho vua Bảo Đại biết điều nầy, do đó nhà vua mới bị Phạm Khắc Hòe dẫn dụ về nhân vật Hồ Chí Minh.( Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, tt. 184-185.) Phải chăng vì là người đã lỡ “biết quá nhiều” về Hồ Chí Minh mà Phạm Quỳnh bị Hồ Chí Minh ám hại?

Do những lẽ trên, nếu không có những người Pháp nhảy dù xuống Huế như tác giả David G. Marr viết hay Trần Huy Liệu kể, cộng sản cũng vẫn giết Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim đều là hai nhà văn hóa, và chính trị nổi tiếng trên toàn quốc. Trần Trọng Kim viết khảo cứu có tính cách hoàn toàn chuyên môn, chứ không có chủ trương chính trị lâu dài; nội các Trần Trọng Kim gồm những chuyên viên cần thiết cho việc xây dựng cơ sở căn bản trong giai đoạn chuyển tiếp từ chính quyền Pháp qua chính quyền Việt. Trần Trọng Kim ít biết về những hoạt động của Hồ Chí Minh lúc còn ở Paris.

Ngược lại, Phạm Quỳnh trước tác với một ý hướng chính trị rõ ràng: xây dựng một nền văn hóa dân tộc, bảo tồn quốc tuý, nâng cao trình độ văn hóa của dân chúng bằng cách phổ biến văn hóa Âu tây, dịch thuật những tư tưởng dân quyền của Montesquieu, Voltaire, Rousseau. Phạm Quỳnh tham gia triều đình Huế cũng nhắm đến một chủ đích rõ ràng: tranh đấu ôn hòa, nhưng cương quyết yêu cầu Pháp trả lại chủ quyền cho triều đình, và xây dựng một hiến pháp làm luật lệ căn bản của quốc gia.

Ảnh hưởng văn hóa và chính trị của Phạm Quỳnh khá rộng rãi trên các tầng lớp quần chúng, nhất là giới trí thức trung lưu, từ lớp trí thức Nho học đến cả lớp trí thức và thanh niên tân học. Tạp chí Nam Phong được các lớp người ưu tú ở các địa phương lúc bấy giờ trên toàn quốc xem như loại sách báo giáo khoa chỉ đường. Đó là điều mà cộng sản chẳng những không thể chấp nhận và cũng không thể dung thứ, vì cộng sản muốn nắm độc quyền lãnh đạo chính trị, độc quyền yêu nước, độc quyền chân lý.

Xin hãy chú ý thêm ngày Phạm Quỳnh bị sát hại. Phạm Quỳnh bị bắt ngày 23-8-1945, và bị giết ngày 6-9, nghĩa là ông không bị nhóm VM địa phương Huế giết liền khi họ nổi dậy. Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945 với sự chứng kiến của đại diện chính phủ Việt Minh từ Hà Nội đến là Trần Huy Liệu (bộ trưởng bộ Tuyên truyền), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (bộ trưởng không bộ nào tức quốc vụ khanh). Phạm Quỳnh bị giam giữ một thời gian, rồi mới bị giết ngày 6-9-1945, nghĩa là lúc đó đã có mặt của đại diện trung ương của VM và của đảng CSĐD.

Khi đã có sự hiện diện của đại diện trung ương, các cán bộ VM địa phương chắc chắn không dám tự tiện ra tay, mà chắc chắn phải có ý kiến của trung ương. Nhóm Trần Huy Liệu cũng không thể tự quyết định được việc nầy. Như vậy phải chăng chính nhóm Trần Huy Liệu đã đem lệnh từ Hà Nội vào Huế để giết Phạm Quỳnh? Và lệnh đó từ đâu, nếu không phải là từ Hồ Chí Minh?

Sau khi Phạm Quỳnh bị giết, hai người con gái đầu của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh. Dưới đây là lời kể của bà Thức:”…Tháng 8 năm 1945, Thầy tôi ra đi!…Sau đó, chị tôi [tên Giá] và tôi nhờ một anh bạn là Vũ Đình Huỳnh ngày ấy là garde-corps [cận vệ] cho cụ Hồ, giới thiệu đến thăm cụ và hỏi truyện [tức chuyện Phạm Quỳnh]. Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về…Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội và có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…” (Hồi ký viết tại Paris ngày 28-10-1992 của bà Phạm Thị Thức, nhân kỷ niệm 100 năm sinh niên Phạm Quỳnh, tài liệu gia đình.)

Phạm Quỳnh bị giết ngày 6-9-1945. Hồ Chí Minh cướp chính quyền ngày 2-9-1945, ra lệnh “mời” Bảo Đại ra Hà Nội, và Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945. Như thế có nghĩa là Hồ Chí Minh đã về Việt Nam, đã cướp được chính quyền, đã nghĩ đến cựu triều đình Huế, đến việc đưa Bảo Đại ra Hà Nội, vậy chắc chắn Hồ Chí Minh không thể quên hay không biết chuyện Phạm Quỳnh. Lối lý luận của Hồ Chí Minh là cách chối tội thông thường cổ điển của VM: “Mất mùa là tại thiên tai,/ Được mùa là tại thiên tài đảng ta.)

Giết xong Phạm Quỳnh, cộng sản tính việc hủy diệt luôn hình ảnh sáng chói nhà văn hóa Phạm Quỳnh, tức giết Phạm Quỳnh lần thứ hai. Việc nầy thì không thể nói là Hồ Chí Minh không biết gì cả. Đảng Cộng Sản quy chụp cho Phạm Quỳnh tội “phản quốc, làm tay sai cho Pháp”. Gần 40 năm sau, trong Từ điển văn học, gồm 2 tập, mỗi tập trên 600 trang, gồm nhiều người viết, do Uỷ ban Khoa học Xã hội xuất bản tại Hà Nội năm 1984, vẫn không có mục “Phạm Quỳnh”. Khi viết về các nhóm văn hóa, sách nầy không thể loại nhóm Nam Phong vì nhóm Nam Phong có khá nhiều tác giả nổi tiếng.

Nói đến nhóm Nam Phong, trang 121-123, tập 2, tác giả Nguyễn Phương Chi, trong ban biên tập từ điển, vẫn còn gọi Phạm Quỳnh là “bồi bút, phản động”. Hơn thế nữa, năm 1997, trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội ấn hành, Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên tập, mục “Phạm Quỳnh”, trang 758-759, hai tác giả nầy viết: “Hoạn lộ của ông [chỉ Phạm Quỳnh] lên nhanh như diều gặp gió vì gắn bó mật thiết với các quan thầy thực dân…Ngày 23-8-1945, Phạm bị các lực lượng yêu nước bắt ở Huế, rồi sau đó bị xử bắn ở l.[làng] Hiền Sĩ, t.[tỉnh] Thừa Thiên, hưởng dương 53 tuổi.”

Các tác giả cộng sản thường đưa ra chiêu bài yêu nước và dân tộc để quy chụp những người không theo khuynh hướng của cộng sản là phản động, phản quốc, trong khi chính vì Hồ Chí Minh khăng khăng đi theo cộng sản Liên Xô mà Việt Nam không được các nước Đồng Minh thừa nhận sau năm 1945. Cũng chính vì đảng Cộng Sản chủ trương ý thức hệ cộng sản mà gây ra mâu thuẫn quốc cộng, phá hoại tình đoàn kết dân tộc, là một trong những nguyên nhân chính đưa đến chiến tranh Việt Nam từ 1946 đến 1975, và hậu quả còn kéo dài mãi cho đến ngày nay.

Sau năm 1954, rồi 1975, chính đảng Cộng sản Việt Nam đã nhập cảng và áp dụng một cách máy móc chính sách văn hóa Mác, Mao và kinh tế chỉ huy rập theo khuôn Liên Xô và Trung Cộng, đã làm cho Bắc Việt rồi cả Việt Nam suy kiệt về mọi mặt cho đến ngày nay mà chưa tìm ra lối thoát.

Nếu nói rằng: Phạm Quỳnh hợp tác với Pháp để mưu cầu chủ quyền cho Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của quốc gia là làm tay sai cho ngoại bang, còn Hồ Chí Minh và đảng cộng sản theo Nga Hoa, bán đứng quyền lợi đất nước, thì không phải là tay sai ngoại bang? Nếu nói rằng Phạm Quỳnh hợp tác công khai với Pháp, viết bài trình thuật rõ ràng các hoạt động của ông là phản quốc, trong khi Hồ Chí Minh làm gián điệp cho Đệ tam Quốc tế Cộng sản, cầu viện Trung Quốc và Liên Xô là không phản quốc?

Nếu nói rằng Phạm Quỳnh viết bài quảng bá học thuật Âu tây, đề cao tư tưởng dân quyền của Voltaire, Montesquieu, Rousseau là không có tinh thần dân tộc, còn cộng sản phổ biến tư tưởng Marx, Lenin, và nhất là chủ nghĩa Stalin thì gọi là gì? Phạm Quỳnh dịch thơ Corneille, Racine là bồi bút, còn Tố Hữu làm thơ gọi Stalin là ông nội, “thương cha thương mẹ thương chồng / thương mình thương một thương ông thương mười”, thì không bồi bút?

Nói cho cùng, nếu Phạm Quỳnh chỉ là người học trò bình thường của Voltaire, Montesquieu hoặc Rousseau thì cũng đáng mừng cho dân tộc Việt Nam, vì tư tưởng của các nhà học giả Pháp nầy là ánh sáng soi đường cho nhân dân toàn thế giới xây dựng nền tự do dân chủ phân quyền pháp trị.

Trong khi đó Hồ Chí Minh là “một người học trò trung thành của Các Mác và V. I. Lê-nin” (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 160.), và nhất là người học trò xuất sắc của Stalin, thì thực tế lịch sử đã chứng minh rằng đó là hiểm họa độc tài đen tối khốc liệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam.

Dầu sao, việc tuyên truyền của cộng sản một thời gây nhiễu xạ hình ảnh của Phạm Quỳnh và ảnh hưởng không ít đến dư luận dân chúng, làm nhiều người, kể cả vài kẻ tự mệnh danh là trí thức tiến bộ, hiểu sai về Phạm Quỳnh, và hiểu sai luôn về một số nhân vật chính trị theo khuynh hướng quốc gia dân tộc. Phạm Quỳnh đã từng nói: “Về phần tôi, tôi đã chọn con đường của tôi. Tôi là một người ở buổi giao thời và tôi sẽ chẳng bao giờ được cảm thông…”. (Thư ngày 30-12-1933 của Phạm Quỳnh gời Louis Marty, Hành trình nhật ký, Paris: Nxb. Ý Việt, 1997, phần “Dẫn nhập”, không đề trang.)

Ngày nay, sau những biến động đảo điên của thời cuộc, mọi người nên công tâm tìm hiểu Phạm Quỳnh và nhìn lại sự nghiệp của ông. Trước ngã ba đường vào đầu thế kỷ 20, giữa cựu học, Tây học, và tân học, Phạm Quỳnh chọn con đường tân học, cải tiến và hoàn chỉnh văn học Quốc ngữ để làm phương tiện xây dựng quốc học, vừa bảo vệ quốc hồn quốc túy, vừa bồi đắp thêm bằng cách du nhập những tinh hoa văn hóa nước ngoài.

Chủ trương hòa nhập văn hóa (acculturation) của Phạm Quỳnh xét cho cùng rất quý báu và cần thiết cho đất nước, vì nếu chỉ mãi mê tranh đấu chính trị và quân sự, mà không xây dựng nền văn hóa dân tộc dựa trên quốc hồn, quốc học và quốc văn, thì người Việt vẫn bị trì trệ trong sự nô lệ tinh thần. Những đóng góp của ông trong việc phát triển nền văn chương Quốc ngữ thật lớn lao. Những vấn đề văn chương, triết lý tổng hợp đông tây ông đã viết, những ý kiến do ông đưa ra trong các bài báo, kể cả những ý kiến ông tranh luận về truyện Kiều, về Nho giáo, vẫn còn có giá trị. Giấc mơ của Phạm Quỳnh về quốc học, quốc hồn lại càng cần được cổ xúy làm nền tảng giáo dục tinh thần cho mọi người Việt Nam ngày nay ở trong cũng như ở ngoài nước. Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn của Việt Nam thời hiện đại.

Về chính trị, Phạm Quỳnh viết nhiều tiểu luận bằng tiếng Việt cũng như bằng tiếng Pháp để tranh đấu thực hiện lý tưởng chính trị của ông. Nhiều người thường đồng nghĩa nền quân chủ với phong kiến hoặc thực dân, nên cho rằng quan niệm quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh là thủ cựu. Cần phải chú ý là Phạm Quỳnh chủ trương bất bạo động. Ông chọn thể chế quân chủ lập hiến với hy vọng thúc đẩy Việt Nam chuyển biến một cách ôn hòa trong trật tự.

Nhìn ra nước ngoài, hiện nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì nền quân chủ lập hiến, nhưng vẫn là những nước hết sức dân chủ như Anh Quốc, Nhật Bản, Thuỵ Điển, Bỉ …Ở trong nước, xét trên chiều dài của lịch sử, từ ngày Pháp đặt nền đô hộ năm 1884 đến năm 1945, tuy các vua nhà Nguyễn bị người Pháp khống chế, nhưng vua vẫn là biểu tượng cao cả của đất nước, nên các cuộc nổi dậy kháng Pháp từ Bắc vào Nam đều quy hướng về một mối, đó là triều đình ở kinh đô Huế. Trái lại từ năm 1945 trở đi, khi VM cộng sản cướp chính quyền, người Việt Nam bị chia rẽ trầm trọng thành nhiều phe nhóm khác nhau, theo những quan điểm khác nhau. Do đó, Phạm Quỳnh có phần hữu lý khi ông chủ trương cải cách ôn hòa, và chọn quân chủ lập hiến theo đại nghị chế thay thế cho nền quân chủ chuyên chế.

Ngày nay, cục diện chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn, quan niệm quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh không còn phù hợp, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận tinh thần ái quốc, lòng can đảm và sự tận tình của ông trên con đường phụng sự quê hương. Phạm Quỳnh đã âm thầm tranh đấu bất bạo động để đòi hỏi chủ quyền cho đất nước. Ông đã hết lòng hoạt động vì nước và đã hy sinh vì lý tưởng của mình. Đó là điều thật đáng trân quý nơi Phạm Quỳnh, nhà trí thức dấn thân hoạt động chính trị.

Một điều đáng ghi nhận cuối cùng trong cách thức hành xử của Phạm Quỳnh. Ông theo đuổi một lý tưởng chính trị trường kỳ và bất bạo động, nên ông luôn luôn cố gắng làm những gì có lợi cho đất nước và đồng bào, đồng thời tránh không làm bất cứ việc gì có hại cho quốc gia dân tộc. Phạm Quỳnh sống lương thiện, không tham ô nhũng lạm, và cũng không hề gây tội ác giết hại đồng bào. Thái độ nầy là điều mà rất ít nhà hoạt động chính trị của mọi khuynh hướng thực hiện được, và là một điểm son sáng chói phân biệt Phạm Quỳnh với những người ra hợp tác với Pháp để trục lợi cầu vinh.

Đây là điều cần phải được tách bạch. Trong việc hợp tác với Pháp, có hai hạng người: hạng thứ nhất là những kẻ hợp tác để mưu cầu danh lợi riêng tư, lợi dụng quyền thế, hống hách bóc lột đồng bào; hạng thứ hai ra tham chính, làm việc với Pháp, không dựa vào quyền thế để hiếp đáp dân chúng, mà dùng quyền thế để cứu giúp đồng bào, và vẫn giữ được khí tiết riêng của mình như Nguyễn Trường Tộ, Pétrus Trương Vĩnh Ký, và biết bao nhiêu người vô danh khác…

Phải tránh vơ đũa cả nắm, và phải rõ ràng như thế mới hiểu được tâm trạng cùng sự can đảm của những nhà trí thức, trong hoàn cảnh éo le của đất nước, dấn thân hoạt động chính trị, phụng sự dân tộc, nhất thời đã bị hiểu lầm sau những cơn lốc tranh chấp chính trị kéo dài trên quê hương yêu dấu, trong đó Phạm Quỳnh là trường hợp điển hình nhất.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)





Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers