Stepnanenko: Ở Mĩ và Anh các doanh nghiệp rất có trách nhiệm xã hội và có truyền thống từ thiện. Ở Ukraine thì không có. Chính vì thế mà các tổ chức xã hội ở Ukraine mới phải sống bằng tài trợ phương Tây. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng 60% hoạt động của các tổ chức xã hội ở Ukraine là được tài trợ từ các quĩ ở phương Tây. TS Viktor Stepanenko Phạm Minh Ngọc dịch |
Lời người dịch: Ở những nước mà tham nhũng đã trở thành hiện tượng “quần chúng” thì phong bì và cửa sau là biện pháp giải quyết công việc riêng tư hữu hiệu nhất. Nhưng phong bì cũng là bằng chứng của tội hối lộ và tham nhũng. Vòng tròn ma thuật đã hình thành: người dân vừa không muốn vừa không dám đòi giải quyết công việc của mình một cách công khai nữa. Nhà cầm quyền vô lương tâm chỉ cần có thế. Bài trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Viktor Stepanenko được công bố từ cuối năm 2004, nhưng thiết nghĩ vẫn chưa mất tính thời sự và có thể coi là điểm nhìn tham chiếu cho những nước và những khu vực có “vinh dự” được đứng cùng hàng về mặt tham nhũng với những nước như Nga và Ukraine.
Đã 13 năm nay, ở nước Ukraine độc lập có dân chúng nhưng không có các công dân. Hầu hết các vấn đề phát sinh từ đấy. Như mọi người đếu biết, ổn định và thịnh vượng về kinh tế chỉ có thể xuất hiện ở những nước có xã hội công dân mạnh mẽ, đủ sức ngăn chặn những hành động quá lạm của chính quyến. Đây là bài trả lời phỏng vấn của ông Viktor Stepanenko, Trưởng phòng Viện Xã hội học thuộc Viện hàn lâm khoa học Ukraine, Giám đốc trung tâm phát triển chính sách xã hội, cộng tác viên khoa học Viện nghiên cứu mang tên Kenann của nước Nga, Tiến sĩ xã hội học Đại học Manchester, với hãng thông tấn Washington Profile về xã hội công dân ở Ukraine.
Câu hỏi: Xin cho biết tình hình xã hội công dân ở Nga và Ukraine hiện nay?
Stepnanenko: Chính quyền nhận thức được rằng xã hội công dân là một tác nhân nghiêm túc. Phổ quan hệ giữa chính quyền và sáng kiến của các công dân là tương đối rộng, nhưng chính quyền có thể không thích nhường bớt ngay cả một phần quyền lực của mình. Hoạt động mang tính lễ nghi thì được, thí dụ như cái gọi là “diễn đàn của các tổ chức xã hội”, tức là những diễn đàn giả vờ như có đối thoại giữa chính quyền và xã hội.
Có thể nhận thấy ba sách lược đối phó của chính quyền với xã hội công dân.
Thứ nhất, “sinh sản vô tính” các sáng kiến công dân, nghĩa là trong trường hợp thiếu vắng xã hội công dân thì nhà nước đóng luôn vai trò của nó. Tổ chức “Đi cùng nhau” ở Nga dưới trào Putin là một thí dụ. Sinh sản vô tính là biện pháp của chính quyền nhằm tạo ra các “ốc đảo” nơi diễn ra các hoạt động trung thành với chính quyền.
Thứ hai là chế nhạo. Đấy là biện pháp nhằm giễu cợt những sáng kiến của công dân, coi đấy như những việc làm thiếu nghiêm túc. Thí dụ như cách đây ba năm người ta đưa ra từ “xực tài trợ” (nhằm chế giễu những tổ chức sống bằng tài trợ của phương Tây) – nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực của tất cả những tổ chức xã hội có mạng lưới rộng khắp.>
Và cuối cùng là tấn công công khai vào các sáng kiến của công dân. Gần đây nhất là việc xem xét hoạt động của các tổ chức công dân, được nước ngoài tài trợ, trong quốc hội Ukraine. Người ta coi đấy là các “tác nhân gây ảnh hưởng” và biện pháp can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine . Ở Nga cũng có thái độ thiếu thiện chí như thế, trong Thông điệp, Tổng thống Vladimir Putin đã chia xã hội công dân thành tốt, tức là trung thành với chính quyền và xấu, tức là do các quĩ ở phương Tây tài trợ và có quan điểm đối lập với chính quyền.
Câu hỏi: Nguồn tài chính cho hoạt động của các tổ chức xã hội?
Stepnanenko: Ở Mĩ và Anh các doanh nghiệp rất có trách nhiệm xã hội và có truyền thống từ thiện. Ở Ukraine thì không có. Chính vì thế mà các tổ chức xã hội ở Ukraine mới phải sống bằng tài trợ phương Tây. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng 60% hoạt động của các tổ chức xã hội ở Ukraine là được tài trợ từ các quĩ ở phương Tây.
Nói về doanh nghiệp ở Ukraine và ở Nga thì tài sản vẫn là nặc danh. Gần đây mới xuất hiện thông tin về chủ của một vài sản nghiệp. Còn các ông chủ thì thường tránh “xuất đầu lộ diện”, họ sợ, họ không dám trở thành các nhân vật của xã hội. Gần đây một vài nhân vật đầu sỏ bắt đầu hoạt động tích cực trong đời sống xã hội. Thí dụ như họ đã thành lập mạng lưới trợ giúp pháp lí miễn phí. Nhưng Mạnh thường quân trong nước thường chỉ hào phóng trước các cuộc bầu cử mà thôi.
Doanh nghiệp phụ thuộc vào chính quyền, liên kết với chính quyền. Chỉ những doanh nghiệp trung thành với chính quyền mới phát triển được. Vì vậy mà chính sách của chính quyền và doanh nghiệp đối với xã hội công dân là tương tự như nhau.
Câu hỏi: Ở Mĩ và các nền dân chủ phương Tây khác, các tổ chức phi chính phủ thường đứng ra thầu các chương trình của chính phủ trong những lĩnh vực chính sách đối nội và đối ngoại. Tình hình ở Ukraine và Nga thì như thế nào?
Stepanenko: Cũng đã có một vài bước đi theo hướng này. Nhưng chính quyền sợ, không dám giao chức năng của mình cho bất kì người nào khác. Ba Lan hoạt động tốt hơn theo hướng này, thí dụ như trong chính sách trợ cấp xã hội, trợ cấp cho những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội.
Lại có những kiểu làm thế này nữa. Vì nhiều quĩ ở phương Tây không giao tiền cho các tổ chức nhà nước, thế là chính quyền lập ra các tổ chức giả vờ đóng vai tổ chức xã hội, nhưng trên thực tế đấy chỉ là cánh tay nối dài của các bộ của chính phủ mà thôi. Một số tổ chức kiểu đó hoạt động khá hiệu quả. Nhưng ngay cả trong những lĩnh vực mà nhà nước không giải quyết được thì họ cũng không chịu giao những chức năng đó cho các tổ chức xã hội.
Có một logic quái gở như thế này: xã hội công dân mạnh khi nhà nước mạnh, còn ở nước chúng tôi nhà nước còn yếu. Nhà nước yếu cho nên sợ người phản biện và tìm cách cản trở.
Câu hỏi: Thế còn sáng kiến từ bên dưới?
Stepanenko: Ở Ukraine hiện chưa có tầng lớp trung lưu, tức là chưa có tác nhân chính của xã hội công dân. Nước có độc lập, nhưng không có những con người độc lập – tức là không có những con người truyền bá các giá trị của xã hội công dân, không có cỗ máy tạo ra các truyền thống của xã hội công dân, không có người truyền bá những tính chất đặc thù của xã hội công dân.
Ở Ukraine có gần 50 ngàn tổ chức xã hội đã đăng kí, nhưng thực ra chỉ có độ 10% trong số đó hoạt động mà thôi. Vì sao? Nhiều tổ chức viện cớ là không có tiền, mà đôi khi có những tổ chức được hình thành nhân một dự án cụ thể nào đó hoặc ngay trước kì bầu cử.
Trong lĩnh vực này cũng đã xuất hiện một xu hướng rất rõ ràng: xã hội công dân đang đi theo lối thị trường hóa và chuyên môn hóa, đã xuất hiện các nhà quản lí chuyên nghiệp, họ sống bằng hoạt động xã hội. Nhưng họ lại thường phải làm theo tiêu chí của những Mạnh Thường Quân. Trong nhiều trường hợp những người này không cần chứng tỏ cho dân chúng thấy kết quả hoạt động của mình, báo cáo với quĩ còn quan trọng hơn.
Còn phần đông dân chúng đều bị đẩy ra rìa hoặc có tâm trạng lưu vong ngay trên quê hương mình. Dân chúng không cảm thấy sức mạnh của mình, không thấy được khả năng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội của mình.
Truyền thống tình nguyện đã bị phá tan từ lâu. Truyền thống tình nguyện dưới chính thể Xô Viết thực chât chỉ có tính chất lễ nghi (những ngày lao động thứ bảy, dân quân tình nguyện) đã biến mất, chỉ còn lại trong dân chúng thái độ thù địch đối với những hình thức hoạt động kiểu đó mà thôi.
Câu hỏi: Tại sao không thể coi các tổ chức ở Liên Xô cũ là “xã hội công dân”? Đã từng có những tổ chức quần chúng, các sự kiện ồn ào…
Stepanenko: Xã hội công dân là lĩnh vực xã hội, tác biệt với nhà nước; mặt khác, nó cũng vượt ra ngoài quan hệ của những cá nhân riêng lẻ. Đấy không phải là gian bếp, đấy là vũ đài xã hội. Có thể nói rằng ở Liên Xô đã từng có xã hội dân sự riêng tư. Nhưng ý tôi không phải là Bộ Thanh niên hay công đoàn hay là những hình thức kiểm soát khác của nhà nước đối với mọi khía cạnh khác nhau của đời sống của người công dân. Đã từng có những nhà in lậu, những người chống đối, những câu lạc bộ văn nghệ – giống như “một món đồ chơi giấu trong túi áo” vậy.
Như ông Valdimir Bukovsky từng nói: dưới trào Brezhnev đã có hàng trăm lời kêu gọi được đánh máy trên cùng một máy chữ, có thể tạo được tác động xã hội. Truyền thống này rất quan trọng cho việc hình thành lực lượng đối lập về mặt tinh thần, nhưng nó không thể phát triển thành một phong trào tự nguyện mang tính quần chúng, không thể thành một xã hội công dân độc lập được.
Chúng tôi thường xuyên tiến hành khảo sát từ năm 1994, gần 80% những người tình nguyện trả lời, mà đây là những người trưởng thành ở Ukraine, không phải là thành viên của một tổ chức xã hội nào. 20% còn lại, nếu trừ đi những tổ chức như chơi tem, cá cảnh, chó cảnh, thì chỉ có chừng 5% là có tham gia vào chính trị, có xu hướng chính tri mà thôi.
Cũng tương ứng với các chỉ số ở phương Tây, nhưng đừng vội mừng vì ở phương Tây, trong các nền dân chủ đã phát triển hoạt động chính trị của dân chúng có xu hướng giảm, đấy là vì hoạt động chính trị đã tập trung vào địa bàn dân cư, việc tham gia giải quyết các vấn đề chính trị đã không còn có tính hình thức nữa. Chỉ khi nảy sinh một vấn đề xã hội nào đó người ta mới thành lập ra những phong trào quần chúng mạnh mẽ mà thôi.
Còn ở Ukraine và ở Nga, cần phải xem xét cái 5% này với một hiện tượng nữa, đấy là, thí dụ như ở Ukraine chỉ có 12% dân số cảm thấy thỏa mãn với địa vị của mình. Nếu người dân cảm thấy không thỏa mãn thì họ sẽ phản đối hay sẽ tìm những hình thức tham gia chính trị khác nhằm thay đổi hiện tình của đất nước. Ở Nga và Ukraine người ta không làm như thế.
Câu hỏi: Tại sao lại như thế?
Stepanenko: Điều này có thể giải thích.
Thứ nhất, dân chúng không tin tất cả các hình thức tham gia chính trị. Sự bất tín xuất hiện ngay từ thời Xô Viết, đấy là giai đoạn của những hoạt động mang tính lễ nghi-bắt buộc.
Thứ hai, liên quan đến sự phản bội của giới tinh hoa chính trị, cuối những năm 1980 và 1990 họ tuyên bố chương trình cải cách nhưng sau đó lại gắn bó với chính quyền. Đã thế lại chẳng hề có một thay đổi tích cực nào hết.
Thứ ba, trong thời kì Xô Viết đã hình thành những hình thức quan hệ giúp người ta sống còn, sau này đã chuyển hóa thành những hình thức tương tự. Trong văn học phương Tây gọi là quan hệ bạn hàng – tiến trao cháo múc, tham nhũng, tức là những cái thay thế cho quan hệ công dân đích thực. Người ta không thích giải quyết các vấn đề trên bình diện xã hội mà thường nhờ một người có thế lực nào đó giúp thu xếp các công việc riêng tư bằng cửa sau, bằng đút lót.
Câu hỏi: Nhưng nhiều xã hội đã sống như thế hàng trăm năm và bây giờ vẫn tiếp tục sống như thế. Tại sao như thế là không tốt?
Stepanenho: Xã hội công dân là vũ đài thảo luận công khai, đưa người dân tham gia vào việc giải quyết những vấn đề xã hội. Còn chúng ta lại đang nói về hiện tượng giả-xã hội. Nó cũng có những mặt tích cực – trong những giai đoạn chuyển đổi khó khăn thì đây chính là cái phao cứu sinh duy nhất: dựa vào họ hàng vào gia đình để mà sống.
Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lĩnh vực riêng tư-gia đình là rất quan trọng, nó là ốc đảo, nơi con người có thể ẩn náu, để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Nhưng nó lại tạo ra xã hội công dân “xó bếp” thời kì Xô Viết, đấy là khi người ta không còn khả năng đồng cảm và thích giải quyết các vấn đề trong nội bộ gia đình.
Trong nhiều lĩnh vực, nền chính trị của Nga và Ukraine được xây dựng trên các mối quan hệ bạn hàng-băng nhóm. Đời sống xã hội, đa phần nằm trong tình trạng trì trệ. Người dân không thể nhận lương một cách công khai, phải dùng phong bì. Doanh nhân không thể hợp thức hoá thu nhập, họ luôn phải nhìn ngó ông thuế vụ, ông công an chữa cháy, ông chính quyền. Tham những là hình thức kiểm soát xã hội rất tiện lợi vì người dân bị dinh líu vào các mối quan hệ mang tính băng nhóm, nhiều tổ chức làm việc một cách bán công khai và luôn luôn có thể bị kiểm tra hoặc đàn áp. Một đất nước như thế thì dễ cai trị và dễ kiểm soát lắm.
Dân chúng có thái độ như thế nào? Đến 40% thanh niên cho rằng lối thoát duy nhất là di cư ra nước ngoài. Hay là thí dụ như hiện tượng lưu vong ngay tại quê hương mình, đấy là khi người ta vẫn sống trong nước nhưng hoàn toàn không coi mình là công dân của nước đó, họ sống trong nhóm riêng của mình, không thèm quan tâm đến bất kì ai hay bất kì cái gì nữa.
Câu hỏi: Trong những nước đã phát triển dân chúng thường không ưa chính quyền. Sự khác biệt của thái độ không thân thiện đó với thái độ không thân thiện ở Nga và Ukraine là như thế nào?>
Stepanenko: Vâng, người ta bảo rằng đặc trưng mang tính dân tộc của người Canada là không ưa chính quyền. Nhưng các công dân ở đó cảm thấy rằng họ có thể thay đổi chính quyền hoặc có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của nó, họ có những lựa chọn vì có những luật chơi rõ ràng và thường xuyên được điều chỉnh, có qui trình thay thế và gây ảnh hưởng đối với quyết định của chính phủ. Còn chúng tôi không ưa là vì bất lực. Anh không ưa chính phủ, anh có thể đập đầu vào tường nhưng sác xuất thay chính phủ thì rất nhỏ.
Nhưng tôi xin nói về những mặt tích cực. Về nhận thức và hành vi của người dân khi họ thu mình vào trong gia đình, vào công việc. Trong thời Xô Viết hiện tượng này chưa phát triển đến như thế. Bây giờ người dân cảm thấy rằng họ có một cuộc sống riêng. Có thể đến một lúc nào đó họ sẽ thấy chán cái tự do riêng tư này, một lúc nào đó sẽ xuất hiện nhu cầu có giải pháp và hành động mang tính tập thể.
Quan niệm xã hội công dân chỉ là những tổ chức phi chính phủ là các tiếp cận hẹp hòi. Xã hội công dân là các giá trị tinh thần, là quan hệ giữa người với người, là sự tin cậy lẫn nhau.
TS Viktor Stepanenko
Phạm Minh Ngọc dịch
No comments:
Post a Comment