31 December 2009

Bài Học Cho Á Châu


Bài học ở đây là phải cải tổ cơ chế để mở rộng thị trường nội địa và lấy đó làm sức đẩy. Đây là bài học quan trọng nhất của toàn bộ vụ khủng hoảng. Với dân số gần 90 triệu dân, tức là có thị trường nội địa đủ lớn, đáng lẽ Việt Nam phải học lấy bài học này mà sớm cải tổ.Vụ chấn động vừa rồi có thể là cơ hội rút tỉa kinh nghiệm sau nhiều năm hồ hởi với triển vọng hội nhập. Chủ yếu là phải lấy sức dân là chính và hội nhập mọi thành phần vào công cuộc phát triển thay vì cứ ngó ra ngoài và chỉ tìm mối lợi cho một thiểu số.

Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Quang RFA



Hai trận suy trầm toàn cầu của 10 năm đầu thiên niên kỷ thứ ba...


Thiên niên kỷ thứ ba khởi đầu với một vụ khủng hoảng từ Đông Á lan ra thế giới vào năm 1999. Thập niên đầu của thiên niên kỷ lại đang kết thúc với vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 từ các xứ công nghiệp dội về Á Châu. Từ hai vụ khủng hoảng mở đầu và kết thúc một thập niên, các nước Á Châu có thể rút tỉa được bài học gì? Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về những bài học đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Thanh Quang thực hiện sau đây.

Thanh Quang: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta đang ở vào mấy ngày cuối của một năm đầy biến động kinh tế mà cũng là năm cuối của thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Khi tổng kết, ta lại nhớ tới vụ biến động tài chính Đông Á năm 1997 khiến thế giới bị ảnh hưởng khi chuẩn bị chào đón thiên niên kỷ thứ ba. Thành ra, 10 năm vừa qua đã bắt đầu bằng một vụ khủng hoảng và kết thúc cũng bằng một vụ khủng hoảng! Vì vậy, chương trình cuối năm cần kiểm lại hiện tượng ấy và rút tỉa một số bài học cho các nước Á Châu. Ông nghĩ sao về đề nghị này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thấy đây là ý kiến rất độc đáo vì có thể cho mình thấy chuỗi liên hệ giữa các biến cố ấy. Nhưng muốn hiểu ra thì có lẽ ta phải đi lại từ bối cảnh chung và một số định nghĩa để mình cùng thấu triệt về nội dung được đề cập.

Thanh Quang: Như vậy, xin ông bắt đầu bằng bối cảnh và định nghĩa.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, trong từng quốc gia thì sinh hoạt sản xuất thường có lúc thịnh lúc suy theo một chu kỳ người ta nghiệm thấy là cứ sáu bảy năm thì xảy ra một lần. Người ta gọi đó là hiện tượng "suy trầm" hay "recession" theo tiếng Anh. Hoa Kỳ định nghĩa suy trầm là khi đà tăng trưởng sút giảm hai quý liền, tức là trong sáu tháng liền, và định nghĩa này đã trở thành phổ biến, cũng được nhiều nước áp dụng.

- Thế rồi từ khi kinh tế các nước mở ra buôn bán với nhau ngày một tự do hơn và nhiều hơn, chủ yếu là từ 1990 trở về sau, nạn suy trầm ở xứ này có thể gây ảnh hưởng cho xứ khác, nặng nhẹ là tùy quân bình vĩ mô và mức độ hội nhập là buôn bán với nhau và bị ảnh hưởng nặng nhất là các nước đang có nhiều yếu kém nội tại. Khi đa số các nước đều bị suy trầm cùng lúc thì ta có nạn "suy trầm toàn cầu" hay "global recession" là chuyện đã xảy ra năm nay.

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì định nghĩa "suy trầm toàn cầu" là khi đà tăng trưởng bình quân của thế giới chỉ còn có tối đa là 3% một năm và nghiệm thấy là cứ tám năm hay 10 năm thế giới lại bị một lần. Thật ra, theo định nghĩa này thì từ 20 năm nay, thế giới bị bốn lần, vào các năm 1990-1993, 1998, 2001-2002 và 2008-2009. Bây giờ ta mới nói về vụ khủng hoảng tài chính Á Châu...

Thanh Quang: Thưa vâng, chúng ta nhớ lại vụ khủng hoảng khởi đi từ những biến động ngoại hối tại Thái Lan năm 1997 rồi lan khắp Đông Á để dẫn tới nạn suy trầm toàn cầu vào các năm 1998-1999, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về bối cảnh thì thời ấy, cả thế giới đang ngợi ca sự kỳ diệu kinh tế Đông Á và sự xuất hiện của các nước "tân hưng" tức là mới phát triển. Thế rồi vụ khủng hoảng ngoại hối bùng nổ hôm mùng hai Tháng Bảy năm 1997 tại Thái Lan đã gây khủng hoảng kinh tế cho các nước Đông Á. Khi ấy, Trung Quốc chưa là sức mạnh kinh tế và chưa hội nhập như sau này. Việt Nam cũng vậy, mới chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp thôi. Nói chung, vụ khủng hoảng làm các nước Đông Á tiêu hủy hết thành quả tăng trưởng tích tụ trong 10 năm trước và là một biến cố kinh tế và chính trị còn trầm trọng hơn những gì ta đang thấy ngày nay.

- Sau đó, cơn chấn động Đông Á lan qua các nước Brazil, Argentina, Liên bang Nga và dội về Hoa Kỳ. Giới đầu tư của các nước giầu bèn hạn chế cho các nước đang phát triển vay tiền, làm kinh tế thế giới bị suy trầm năm 1998. Hậu quả là cuối năm đó dầu thô tuột giá mất 75%, chỉ còn có tám đồng một thùng khiến các nước xuất khẩu dầu thô cũng bị thiệt hại. Nhưng ảnh hưởng sâu xa và bất ngờ của vụ khủng hoảng là góp phần dẫn tới nạn suy trầm năm 2001-2002.

Khủng hoảng Đông Á gây ra suy trầm

Thanh Quang: Như vậy thì trên đang ở trên đài vinh quang, các nước Á Châu bỗng lộn nhào và gây họa cho thế giới. Nhưng như ông vừa nói thì vụ khủng hoảng ấy còn góp phần dẫn tới nạn suy trầm năm 2001-2002, nghĩa là di hại tới ba bốn năm sau?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thời ấy, các nước bị hại nặng nhất là tại Á Châu, làm nhiều chính quyền bị đổ. Nhưng rút tỉa bài học đó, xứ nào cũng tìm cách hạ tỷ giá đồng bạc để xuất khẩu mạnh và cải cách cơ chế kinh tế để có lượng dự trữ ngoại tệ đủ lớn cho cả yêu cầu tài trợ nhập khẩu lẫn ứng phó với đột biến ngoại hối. Hậu quả - như diễn đàn này có dịp trình bày trong chương trình kỳ trước về mục tiêu của khối dự trữ ngoại tệ - là dự trữ ngoại tệ dồi dào của các nước đang phát triển lại chảy ngược về Hoa Kỳ để kiếm lời một cách an toàn.Công khố phiếu Mỹ được chiếu cố và tiền rẻ lại thổi lên bong bóng đầu tư trên thị trường Mỹ. Trước hết là bong bóng cổ phiếu. Khi trái bóng này bể năm 2000 - và dẫn tới suy trầm năm 2001-2002 - thì tiền lại chảy qua khu vực địa ốc thành trái bóng gia cư vừa bị bể năm 2006 và dẫn tới khủng hoảng tại Mỹ sau này.

Thanh Quang: Nhìn vậy thì ta thấy ra cái vòng liên hoàn nối kết các nền kinh tế với nhau và dường như sự ứng phó trong mỗi lần hoạn nạn lại có thể là cái nhân cho một vụ khủng hoảng khác!

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy cho nên từ chuyện Đông Á năm 1997 ta mới bước qua chuyện Hoa Kỳ năm 2007 và vụ suy trầm toàn cầu năm 2008-2009.

- Sau khi trái bóng cổ phiếu Mỹ bị bể năm 2000, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm năm 2001. Nhưng đó là một vụ suy trầm có tám tháng dù xứ này bị khủng bố vào tháng Chín rồi bị vụ khủng hoảng của nhiều tập đoàn kinh doanh bất lương vào cuối năm đó. Từ vụ suy trầm 2001, người ta dự đoán là kinh tế Mỹ lại trôi vào một chu kỳ trì trệ khác sau sáu năm tăng trưởng, là tình hình năm 2007. Quả nhiên là cuối năm 2007, sản lượng kinh tế Mỹ có bị đình đọng và người ta chờ đợi một trận suy trầm có thể kéo dài cả năm, là mức bình quân đã từng thấy từ sau Thế chiến II.

- Nào ngờ vụ bể bóng gia cư năm 2006 lại dẫn tới sự sụp đổ của loại tín dụng thứ cấp

- thiếu an toàn và đầy rủi ro - và gây ra khủng hoảng tài chính tại Mỹ vào tháng Chín năm ngoái. Thật ra, trái bóng gia cư và tín dụng thứ cấp cũng đã có sẵn tại nhiều nước Âu Châu nên khủng hoảng tại Mỹ mới gây chấn động trước tiên và nặng nhất cho Âu Châu và dẫn tới nạn suy trầm kinh tế Âu-Mỹ. Trong khi đó, Nhật chưa thoát khỏi cơn hoạn nạn từ vụ bể bóng cố phiếu và địa ốc năm 1990 vả bị suy trầm liên tục.
Vì vậy, ba đầu máy kinh tế mạnh của nhóm công nghiệp hoá đều đình trệ cùng lúc khiến các nước đang phát triển, trong đó có các nước Á Châu, bị vạ lây, là vụ suy trầm toàn cầu 2008-2009. Nhưng là một trận suy trầm chứ không phải tổng khủng hoảng như người ta đã lo sợ.

- Thế rồi, bị suy trầm sớm nhất, là từ tháng 12 năm 2007, Hoa Kỳ đụng đáy trước nhất vào giữa năm 2009 và bắt đầu hồi phục, coi như đã trì trệ mất gần hai năm. Âu Châu bị sau nên bật dậy chậm hơn và với tốc độ chỉ bằng phân nửa Hoa Kỳ trong năm tới. Còn Nhật Bản thì chỉ có tốc độ bằng quãng một phần tư, tức là 0,7% một năm. Trong khi ấy, các nước đang phát triển sẽ bung lên mạnh nhất, với tốc độ bình quân khoảng 6,5%. Tính trung bình thì kinh tế thế giới năm tới có thể đạt mức tăng trưởng là 4%, tức là cao hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 3%. Trong số các nước đang phát triển, dẫn đầu sẽ là các nước Á Châu.

Thanh Quang: Tổng kết lại thì 10 năm sau khi Á Châu bị khủng hoảng và gây suy trầm cho thế giới thì lại bị suy trầm do một vụ khủng hoảng phát sinh trước tiên từ các nước công nghiệp hoá Âu-Mỹ. Bây giờ, các nước Á Châu ngoài Nhật Bản đang hồi phục nhanh nhất có thể là từ kinh nghiệm của vụ khủng hoảng trước của họ? Và đấy là một bài học đầu tiên?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bài học đầu tiên của các nước này là tư bản quốc tế có thể chảy vào mà cũng chảy ra rất nhanh nếu thấy bất trắc hoặc ít lời. Vì vậy, đa số đều thắt lưng buộc bụng để có một dự trữ ngoại tệ đủ dày hầu có thể ứng phó với các vụ chấn động ngoại hổi khi ngoại tệ tháo chạy ra ngoài. Nhưng dự trữ ngoại tệ ấy của họ cũng là tài sản đầu tư nên lại chảy ngược về Hoa Kỳ và thổi lên bong bóng tại Mỹ, như chúng ta vừa trình bày.

- Vì sao lại như vậy lại là một bài học khác: Vì sao không đầu tư ngay trong thị trường nội địa của mình? Một thí dụ là vì sao Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 2.230 tỷ Mỹ kim mà không ưu tiên đầu tư vào các khu vực nội địa kém mở mang và đang cần đầu tư để phát triển? Câu trả lời là những ách tắc trong môi trường đầu tư của họ. Giải tỏa ách tắc về cơ chế và cải thiện môi trường đầu tư nội địa mới là bài học. Các nước đã bị khủng hoảng nặng nhất 10 năm trước đều có thấy ra vấn đề và đã cải cách.

- Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lần này Nam Hàn và Indonesia lại ít bị hiệu ứng suy trầm hơn cả và nhờ vậy sẽ vọt lên nhanh nhất. Với đà tăng trưởng dự báo là 8% vào năm tới, Ấn Độ cũng thuộc trường hợp này mà ít ai nói tới. Việt Nam dường như chưa học được kinh nghiệm nên có dự trữ quá mỏng và vẫn để xảy ra nạn thất thoát tư bản. Ngoài ra, chế độ ngoại hối thiếu linh động còn khiến chính quyền bị nguy cơ khủng hoảng ngoại hối và lạm phát nặng.

Thanh Quang: Ngoài các bài học ấy, dường như các nước Á Châu cũng thấy là nếu có một hệ thống ngân hàng lành mạnh và nền móng vĩ mô quân bình thì khi hữu sự, chính quyền có khả năng mạnh tay ứng phó để kéo kinh tế ra khỏi suy trầm. Điều ấy có đúng không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Đa số các nước đều có quân bình ngân sách hoặc bội chi thấp, bình quân thì chỉ 0,1% Tổng sản lượng GDP trước vụ suy trầm, cho nên họ có thể tăng chi để kích cầu mà không bị khiếm hụt nặng. Bình quân thì chỉ chừng 4% và năm tới có thể giảm xuống 3,5%. So sánh thì trường hợp của Việt Nam rất đáng ngại vì bị bội chi cao gấp hai.

- Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của họ cũng vững hơn và có hiệu năng cao hơn và lãi suất ngắn hạn có giảm từ 5,5% xuống 2,5% thì khối tiền tệ gia tăng cũng rót vào đúng nơi cần cứu. Nhờ vậy mà các biện pháp tiền tệ hay ngân sách đều có ngay kết quả và ngân sách quốc gia cũng có khả năng cấp cứu các ngân hàng bị nạn mà không gây hốt hoảng cho thị trường.

Thanh Quang: Câu hỏi cuối, thưa ông, đó là mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu có thể là một nguyên do không, khiến các nước dễ bị suy trầm khi các thị trường xuất khẩu của họ bị thu hẹp vì khủng hoảng tại Mỹ, Âu Châu hay Nhật Bản?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như thế. Là một xứ rất nhỏ nên phải làm giàu nhờ thị trường bên ngoài, Singapore lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều nhất nên bị hậu quả nặng nhất. Ta nhớ rằng xuất khẩu của xứ này lên tới 185% tồng sản lượng GDP. Ngược lại, Indonesia chỉ lệ thuộc có 27% nên bị nhẹ hơn cả. Trong bối cảnh ấy, ta nhớ lượng xuất khẩu lên tới 70% GDP của Việt Nam, còn cao hơn Thái Lan là 64%, nên vẫn phải trông cậy vào các thị trường Hoa Kỳ và Âu Châu.

- Bài học ở đây là phải cải tổ cơ chế để mở rộng thị trường nội địa và lấy đó làm sức đẩy. Đây là bài học quan trọng nhất của toàn bộ vụ khủng hoảng. Với dân số gần 90 triệu dân, tức là có thị trường nội địa đủ lớn, đáng lẽ Việt Nam phải học lấy bài học này mà sớm cải tổ. Vụ chấn động vừa rồi có thể là cơ hội rút tỉa kinh nghiệm sau nhiều năm hồ hởi với triển vọng hội nhập. Chủ yếu là phải lấy sức dân là chính và hội nhập mọi thành phần vào công cuộc phát triển thay vì cứ ngó ra ngoài và chỉ tìm mối lợi cho một thiểu số.


NGUYỄN XUÂN NGHĨA & THANH QUANG RFA




30 December 2009

Thư ngõ kính gởi quí Bà trong ‘Đảng Cộng Sản, Quốc Hội và Nhà Nước CHXHCN Việt Nam’


Điều ngạc nhiên kinh khủng nhất của tôi và của đồng bào cả nước, kể cả người VN hải ngoại là chưa lần nào được nghe, được thấy quí Bà đang nắm giữ những quyền cao chức trọng trong Đảng, trong Quốc hội, trong guồng máy Nhà nước nói lên một lời, làm một việc nhỏ can thiệp với Đảng, Quốc Hội và Nhà Nước về số phận hẫm hiu nhục nhã của các chị em phụ nữ kể trên cùng đồng giới tính với quí Bà. Quí Bà chẳng một chút xót xa, tội nghiệp cho thân phận số gái VN nầy sao ?

Nguyễn Thùy


Thư ngõ kính gởi quí Bà trong ‘Đảng Cộng Sản, Quốc Hội và Nhà Nước CHXHCN Việt Nam’

Kính thưa Quí Bà,

Tôi, kẻ viết thư nầy, chưa được hân hạnh quen biết, tiếp xúc với quí Bà lần nào. Tôi chỉ được biết và nghe tên quí Bà qua các Diễn Đàn Truyền Thông. Tôi chỉ là người Việt Nam bình thường, sống phận ly hương nơi hải ngoại. Tôi mạn phép viết thư nầy gởi đến quí Bà chỉ với tấm lòng của một người xa quê hương nhưng luôn nghĩ đến Dân tôc̣, đất nước và đồng bào nơi quốc nội.

. Thư nầy không đề cập đến những vấn để, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về mặt Chính trị, Kinh tế, An ninh, Tôn giáo hay gì khác. Tôi không nêu ra những vụ bán buôn lãnh thổ, nhượng đất, nhượng biển, những vụ đảng viên, cán bộ và viên chức Nhà nước cướp nhà, cướp đất nhân dân, khủng bố đồng bào và các nhà đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ, cùng việc cho Tàu Cộng vào khai thác mỏ Bô-Xít ở Tây Nguyên cùng bao việc làm phản dân hại nước của Đảng và Nhà nước CHXHCN VN. Thư nầy chỉ xin nói đến một vấn đề về mặt xã hội liên quan trực tiếp đến giới tính của quí Bà.

Kính thưa quí Bà,

Quí Bà (ngoài một số vị đã về hưu như Bà Tôn Nữ Thị Ninh,..) hiện đang ở nhũng ngôi vị cấp cao, nắm giữ những chức vụ quan trong trong các cấp Ủy Đảng, trong Quốc Hội và trong các Ban, Bộ, Ngành của Nhà Nước. Quí Bà là những trí thức, học vị cao, bằng cấp lớn, hiểu biết rộng, thành tích công lao nhiều với Đảng , nên Đảng và Nhà nước ‘trân trọng’, tin tưởng trao cho quí Bà những nhiệm vụ lớn lao để thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng.

Kính thưa quí Bà,

Ở những địa vị và chức vụ quan trọng như thế, với trách nhiệm lo cho nước, cho dân, hẳn quí Bà từng được báo cáo hoặc đọc hoặc xem báo chí cùng các Diễn Đàn truyền thông hàng ngày, hàng tuần. chấc chắn quí Bà đã rõ tình dân cảnh nước ra sao.

Qua báo chí và truyền thông hải ngoại và nước ngoài, quí Bà chắc biết rõ tình cảnh đau thương, nhục nhã của một số đông Phụ nữ Việt Nam hiện nay. Hàng vạn cô gái xuân xanh nơi đồng quê nước mặn, sống heo hút, tủi buồn không ngày mai, không ánh sáng. Nơi miền quê khốn khổ cực cùng, họ phải ngày ngày mò cua, bắt ốc, hiu hắt lần mò từng ven ruộng bờ ao, cố tìm được chút rau cỏ, cá tôm để sống, nheo nhóc từng ngày, không đủ ăn, không đủ mặc, xác héo hồn tàn bên cha mẹ, chồng con cũng thân gầy xác ốm, cõi còm suốt tháng, quanh năm.

May sao ( !?), họ đã được những ‘phúc thần’ (!?) trong các dịch vụ ‘giới thiệu hôn nhân’ chiếu cố. Qua bao đề nghị nghe ra khá ‘hợp thời, hợp cảnh’́’ của các ‘phúc thần’ (!) nầy, họ nghĩ rằng họ sẽ được ‘giải phóng’ (!) khỏi cảnh đời tăm tối, lầm than. Thế là ‘khăn gói’ ra đi, tràn trề lệ chảy, từ biệt mẹ cha, xóm làng, quyến thuộc, giả từ nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ bấy lâu, giả từ khung trời Việt Nam yêu dấu, ra đi không hẹn ngày về, hy vọng lấy chồng nơi xa, tấm thân mình được ấm no cùng có được số tiền nào đó gởi về quê ‘cứu nguy’ cảnh đời cha mẹ, anh chị em.

Họ đã theo lời các ‘phúc thần’, các ‘ân nhân’ (?) nầy lên thành phố lớn xa hoa. Họ được đưa vào những căn nhà dĩ nhiên tốt đẹp hơn mái tranh lều nhỏ của họ nơi quê. Họ được chỉ dạy, học tập đủ mọi cách làm vợ, làm dâu xứ người.

Và họ đã ‘tuân’ theo mọi sắp đặt của các chủ nhân cơ sở ‘giới thiệu hôn nhân’, sắp hàng dài, lõa lồ thân thể để bao kẻ đàn ông ngoại quốc nhìn, ngắm, sờ mó mọi miền thân xác, sau đó chọn lựa như những kẻ mua heo chọn giống. Đượ̉c khách nước ngoài Đài Loan, Đại Hàn, Singapour, Mã Lai,..chọn rồi, ngã giá bán buôn, cũng làm thủ tục ‘hôn nhân’, được trao cho cha mẹ đôi trăm đồng Mỹ, họ theo ‘chồng’ về nơi xứ lạ. Họ phải làm vợ cho những kẻ mà tuổi đời đáng là cha, là chú hoặc nhũng kẻ ‘đui què mẻ sứt’, thất nghiệp, xấu xí mà phụ nữ nước họ chẳng thèm lưu ý. Không biết tiếng xứ người, không quen tập tục xứ người, họ bị ‘chông’ hành hạ, đánh mắng, chửi rủa, bạc đãi đủ mọi cách. Không những thế, họ còn bị bắt làm công cụ ‘tình dục’ cho cả gia đình người chồng và khi đã chán chê, chồng và gia đình chồng bán họ làm gái giang hồ trao qua đổi lại qua bao ổ động mãi dâm tồi tàn nơi xứ người. Đã có nhiều cô gái không chịu nỗi cảnh phũ phàng, đói khổ, nhục nhã đã phải tự tử hay lang thang chết nằm co queo nơi lề đường ven lộ.

Chắc quí Bà đã thấy nơi một số báo nước ngoài hình ảnh bao phụ nữ VN đứng trần truồng nơi tủ kính hay sắp hàng dài lõa lồ với dòng quảng cáo ‘chọn vợ VN giá hời giá rẻ’ của các nghiệp vụ kinh doanh phụ nữ. Hiện nay, tại đôi nơi như ở Singapour, Mã Lai, cả hàng nghìn phụ nữ VN đứng đường hay hàng hàng động ổ mãi dâm gái Việt.

Kính thưa quí Bà,

Chắc quí Bà đã thấy, tôi tin chắc chắn quí Bà đã thấy, phải thấy những hình ảnh nhơ nhuốc, đau lòng của lớp lớp gái Việt nói trên. Nghe đâu, bây giờ, Đảng Ủy và Ủy Ban Nhân Dân thành phố HCM sẽ giải tán những cơ sở ‘giới thieu hôn nhân’ tư nhân để Đảng và Nhà nước đảm trách hầu thực hiện được lời quảng cáo của ông Chủ Tịch nuớc Nguyễn Minh Triết đã nói trong lần ‘công du’ Hoa Kỳ : ‘Gái VN cũng đẹp lắm’.

Điều ngạc nhiên kinh khủng nhất của tôi và của đồng bào cả nước, kể cả người VN hải ngoại là chưa lần nào được nghe, được thấy quí Bà đang nắm giữ những quyền cao chức trọng trong Đảng, trong Quốc hội, trong guồng máy Nhà nước nói lên một lời, làm một việc nhỏ can thiệp với Đảng, Quốc Hội và Nhà Nước về số phận hẫm hiu nhục nhã của các chị em phụ nữ kể trên cùng đồng giới tính với quí Bà. Quí Bà chẳng một chút xót xa, tội nghiệp cho thân phận số gái VN nầy sao ?

Tôi nghĩ giả sử chính quí Bà lâm vào trường hợp các cô gái trên, cũng phải cảnh không mảnh quần áo che thân, mặc cho đàn ông ngoại quốc soi mói, nắn nót, sờ mó, chọn lựa như kẻ lái buôn chọn heo giống, quí Bà có chịu nỗi không ? Dĩ nhiên, quí Bà không lâm vào cảnh đó. Quí Bà nay đã địa vị cao, quyền chức lớn, nhà cửa cao sang, tiền bạc đủ đầy (biết đâu chẳng do số gái bạc phước và số công nhân lao động đã cung cấp cho quí Bà, cho Đảng và Nhà nước, không kể mọi thủ đoạm tham nhũng, hối lộ khác), làm sao quí Bà phải cảnh sống đau thương, tăm tối như thế, hơn nữa quí Bà nay tuồi đã cao, thân xác đâu còn mơn mởn gái tơ ! . Nhưng, nếu chính là con gái, cháu gái quí Bà hay của người thân kẻ thích quí Bà, của đôi bè bạn, đồng chí đã từng cùng quí Bà sát cánh đấu tranh cho Đảng bấy lâu nay, lâm vào cảnh đó, các Bà nghĩ sao ? Quí Bà có xấu hổ cho họ, có đau lòng không ?

Tôi nghĩ, chỉ cần mội lời lên tiếng, một hành động can thiệp của quí Bà với Đảng, với Quốc Hội, với các cấp Ủy Đảng, các cấp Nhà nước, cảnh sống tang thương của hàng hàng lớp phụ nữ dân đen kia sẽ có thể không còn xảy ra. Cớ sao quí Bà lại im hơi, lặng tiếng ?

Kình thưa Quí Bà,

Là người VN, tôi thấy tình cảnh lớp phụ nữ trên là niềm đau, là điều ô nhục, không riêng cho giới nữ của quí Bà mà còn là nỗi nhục chung cho cả nước, cho toàn dân, cho Dân tộc, cho lịch sử đất nước chúng ta.
Để tránh hay để bớt phải nhục nha cho nước, cho dân, cho cả quí Bà, tôi mạn phép kính gởi đến quí Bà ba đề nghị sau đây :

Đề nghị một : Xin quí Bà hãy mạnh dạn lên tiếng, mạnh dạn can thiệp với Đảng, với Quốc Hội, với các cấp Nhà Nước chấm dứt ngay tệ nạn xã hội ô uế nói trên, trừng trị thích đáng bọn người bất lương lợi dụng cảnh sống cùng khổ của Phụ nữ miền quê để mượn qua chiêu bài ‘giới thiệu hôn nhân’ mà làm giàu bằng buôn bán phụ nữ. Quí Bà có quyền, có trách nhiệm và có lý do đúng đắn để can thiệp vì sự việc ‘bán buôn phụ nữ’ trên liên hệ ngay đến danh dự, phẫm giá của chính quí Bà

Đề nghị hai : Xin quí Bà can thiệp với Đảng, Quốc Hội và Nhà nước có biện pháp hữu hiện cải thiện cảnh sống của toàn dân, của tầng lớp phụ nữ ở nông thôn, ở miền cao, mạn ngược để tình trạng xấu xa trên cùng bao tệ nạn xã hội khác không còn xảy ra nữa. Được như thế, quí Bà mới xứng đáng ̣được gọi là kẻ biết lo cho nước, cho dân.

Đề nghị ba : Trường hợp mọi lên tiếng, mọi đề nghị, mọi can thiệp của Quí Bà nhằm ‘giải phóng’ phụ nữ khỏi cảnh đời nhơ nhớp, và để toàn dân có được nếp sống đủ ăn đủ mặc mà Đảng, Quốc Hội và Nhà nước không nghe, thì xin quí Bà hãy can đảm đồng loạt hay từng cá nhân từ chức, từ nhiệm, trả địa vị, chức vụ, lui về sống yên lành với cha mẹ, chồng con. (Để tránh Đảng và Nhà Nước theo dõi, gây khó dễ, hành hạ, bạc đãi như Đảng và Nhà nước từng làm qua tay các Công an, đầu gấu đối các giáo dân, các Thanh niên và Trí thức đấu tranh ôn hoà cho Công Lý, Hòa bình, cho quyền nước, quyền dân, quyền người, thì quí Bà cứ sống lặng lờ, xem như mắt đui, tai điếc, không nói một lời chống đối, không lời thở than, ta thán cảnh nước, tình dân, không viết bài gởi lên báo chí, truyền thông, không trả lời bất kỳ phỏng vấn nào. Hãy như một Nguyễn Binh Khiêm từ chối mọi chức vụ quan quyền, lui về Bạch Vân Am để ‘ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, hay như một Chu Văn An dâng sớ chém đầu bao tên quan hư đốn, vua không nghe, đã lìa bỏ quan quyền, về quê sống đời thanh đạm. Như thế, tôi tin Đảng và Nhà nước không thể gây khó khăn, không thể ‘khủng bố’ quí Bà vì trước tiên quí Bà là phái nữ, sau nữa quí Bà đã hàng chục tuổi đảng, đã có công lớn với Đảng, đã từng giữ những chức vụ cao cấp lâu nay. Đảng không dại gì nhũng nhiễu quí Bà). Hãy can đảm từ nhiệm !

Kính thưa Quí Bà,

Những đề nghị trên không có gì khó thực hiện đối với quí Bà. Vì lương tri, vì nhân cách, phẫm giá của chính quí Bà và của giới nữ, tôi nghĩ và hy vọng quí Bà sẵn sàng thực hiện những đề nghị trên. Làm được như thế, tôi nghĩ quí Bà sẽ bớt phần hổ thẹn với lương tâm mình và ít ra không bị nhân dân chê khinh, phĩ nhổ̃.


Trân trọng kính chào quí Bà.

Nguyễn Thùy
nthuyviet@yahoo.fr


29 December 2009

Tâm Tình xin gởi đến toàn thể Anh Chị Cựu QN/QLVNCH


Họ -người lính Cộng sản- đi chiến đấu không cho người dân, cũng không cho chính người lính nơi họ mà chỉ cho tập đoàn Cộng sản cầm quyền, cho cái ý thức hệ riêng tư của lớp người lãnh đạo. Cộng sản đã biến người dân thành người lính, đã ép buộc người dân phải trở thành người lính. Họ đã xua hàng hàng lớp lớp người dân đi trước lính trong những chuyến công đồn đả viện. Chiến thuật biển người của Cộng sản đã nướng chết hàng vạn người dân và người lính. Họ cưỡng bức người dân phải trở thành người lính bằng đủ mọi thủ đoạn (như cúp hộ khẩu của cả gia đình) để phục vụ Đảng và Nhà nước, để giương cao ngọn cờ Cộng sản khắp nơi nơi. Họ đã xua hàng vạn thanh niên chưa đủ tuổi trưởng thành phải ‘sinh Bắc tử Nam ’...

Nguyễn Thùy


Tâm Tình xin gởi đến toàn thể Anh Chị Cựu QN/QLVNCH
Nguyễn Thùy

Kính thưa Các Anh Chị,

Người viết không là quân nhân (được miễn dịch vì sức khỏe, làm nghề dạy học tại các Tư Thục Sài-Gòn ; thời còn đi học, có tham gia VNQĐD tại địa phương Quãng Nam ) .

Suốt trên hơn phần tư thế kỷ, qua hai thời kỳ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà VN, trong cuộc chiến đấu chống xâm lăng Cộng sản, người viết được chứng kiến, được biết rõ ràng tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường cùng những hy sinh to lớn của tập thể quân đội VNCH để bảo vệ đất nước, bảo vệ tự do cho nhân dân Miền Nam được hưởng cuộc sống ấm no, thanh bình. Người viết cũng như toàn thể nhân dân Miền Nam (ngoại trừ những kẻ nằm vùng theo giặc) vô cùng cảm phục, mến yêu và biết ơn tập thể quân đội VNCH từ cấp binh nhì, binh nhất, hạ sĩ quan đến cấp úy, cấp tá, cấp tướng. Tất cả cùng một tấm lòng yêu nước thiết tha, cùng một dũng khí hùng anh, cùng một ý chí kiên cường bất khuất, dù gian khổ đến đâu, hiểm nguy đến mấy, vẫn luôn vì ‘Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm’, vẫn luôn vì nghĩa nước tình dân dù có phải hy sinh cũng sẵn sàng chấp nhận. Những trận đánh kinh hồn với những chiến công hiển hách tại Pleime, Đắc Tô, Đồng Xoài, Ngọ Môn, Huế, Sài-Gòn hồi Tết Mậu Thân, Bình Long, An Lộc, Mùa Hè Đỏ Lửa… và còn biết bao thắng lợi lẫy lừng trên khắp mọi miền từ địa đầu giới tuyến đến mũi Cà Mau đã tạo nên trang sử hào hùng, vẻ vang của đoàn quân tinh nhuệ, làm nức lòng toàn thể nhân dân .

Những gương hy sinh dũng cảm đó trong cuộc chiến, cùng những gương tuẩn tiết của bao tướng tá như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn,…cùng bao sĩ quan và quân nhân thuộc mọi binh chủng kể cả khí tiết hào hùng của anh em nơi các trại tù Cộng sản, đã nói lên cái nghĩa khí rạng ngời của một quân lực tinh nhuệ, kiên cường, chỉ vì những quyền lợi đổi chác bên ngoài đã ‘bức tử’ một quân đội anh hùng. Đến nay, trang sử đầy bí mật ̉ dần dần được ‘giải mã’ cùng với thực trạng đất nước đau thương cùng độ do bọn người ‘chiến thắng’ đã và đang gây nên, càng khiến toàn dân cả nước tiếc thương tập thể quân đội anh hùng một thời lẫy lừng trên chiến địa.

Tuy nhiên, bây giờ, nơi hải ngoại, niềm cảm phục của người viết phần nào bớt đi, hao mòn dần nhường chỗ cho ngậm ngùi, thương tủi. Trong nỗi ngậm ngùi đó, nhìn lại trang sừ đã qua, trong tâm trạng một người nặng lòng với đất nước, một nhà giáo cùng một kẻ có biết làm thơ, viết văn ít nhiều, người viết xin gởi đến toàn thể các anh em Cựu Quân Nhân VNCH tại hải ngoại chút tâm tình sau đây :

I.-Thất bại kiêu hùng:

Cuộc tan hàng của cả một binh lực tinh nhuệ, đầy nghĩa khí do cái lệnh ‘buông súng’ của Tổng Thống hai ngày Dương Văn Minh cùng sự sụp đổ của chánh thệ̉ VNCH vào ngày 30/04/75 là một thất bại đau thương của toàn thể quân đội và nhân dân Miền Nam để thảm họa trút lên toàn thể mọi người mà tầng lớp quân đội và gia đình họ phải gánh chịu nhiều hơn bất cứ ai. Thất bại nhưng là một ‘thất bại kiêu hùng’. Gọi là ‘thất bại kiêu hùng’ vì tập thể quân đội VNCH chiến đấu đến giờ phút chót trong những điều kiện thiếu thốn, gian nguy cùng cực. và chỉ ‘buông súng’ sau lệnh ‘đầu hàng’ (!) của Tổng Thống Dương Văn Minh và Chính Phủ của ông. Cái thất bại của tập thể Quân Đội VNCH không do họ, mà chỉ vì những sắp đặt, đổi chác, tính toán của các thế lực bên ngoài, đã tước đoạt hết mọi điều kiện chiến đấu. Vì thế, cái thất bại của quân đội VNCH, của nhân dân Việt Nam miền Nam nói chung, là một ‘thất bại kiêu hùng’ chẳng khác với cái thất bại của Imre Nagy, người hùng của dân tộc Hung-Gia-Lợi, bị quân đội Liên Xô thời Nikita Krouchev tràn ngập, tàn sát năm 1956 vì ông và đồng bào ông đã vùng dậy đấu tranh thoát ách Cộng sản để xây dựng Dân Chủ, Tự Do cho xứ sở, cho nhân dân..

Trong lúc đó, kẻ địch tức phe Cộng sản ‘chiến thắng’ nhưng là một ‘chiến thắng nhục nhã’.

‘Kẻ thua thì kiêu hùng, kẻ thắng lại nhục nhã’, nghe ra nghịch lý nhưng sự thực là thế.

Gác qua bên những vấn đề ý thức hệ, chính trị, tình hình thế giới, người viết gọi ‘thất bại của tập thể quân lực VNCH cùng cả Miến Nam là ‘thất bại kiêu hùng’ trong lúc chiến thắng của quân đội và tập đoàn Cộng sản Bắc Việt là ‘chiến thắng nhục nhã’, do từ phân tích ý nghĩa, tinh thần cùng tâm tình trong chiến đấu giữa hai người lính –người lính VNCH và người lính Cộng sản Bắc Việt. (Xin gọi chung là ‘lính’, là ‘quân nhân’ mà ́ không gọi ‘chiến sĩ’, ‘cán binh, bộ đội’ vì đã vào quân ngũ thì gọi theo danh từ chung là ‘lính’),

a) Người lính VNCH: Theo cái nhìn của người viết, người lính VNCH lúc còn dân sự đến khi gia nhập quân đội và đi vào chiến trận, mặc nhiên mang cả bốn tính chất : ‘người dân, người lính, người chiến sĩ và cả người nghệ sĩ’. Họ đi lính là để bảo vệ người dân, ngoài những lần hành quân đương đầu với giặc, họ sống chẳng khác gì người dân ; họ chiến đấu kiên cường nên trở thành chiến sĩ và chất nghệ sĩ luôn ẩn trong họ vì đã được thừa hưởng cái không khí tự do đầy tính Văn nghệ của miền Nam trong học đường, ngoài xã hội, biểu hiện qua ngôn ngữ, hành động, ý nghĩ,…nhất là nơi tầng lớp sĩ quan tốt nghiệp các trường võ bị Đà Lạt, Thủ Đức.

Hai đặc điểm rõ ràng nhất nơi người lính VNCH là tính nhân bản và tính đậm đà tình cảm với nước, với dân, với gia đình, vợ con, với bạn bè đồng ngũ, với người tình, với cả những em gái hậu phương. Do hai tính chất nầy mà sau nầy, văn học VN có biết bao sáng tác trung thực, đẹp đẽ nào truyện, nào thơ, nào nhạc,… nói lên cái ‘đẹp’ của người lính VNCH suốt trên 20 năm chinh chiến chống quân thù. Quân đội VNCH nghiêm minh về kỷ luật nhưng luôn luôn sống thực và tôn trọng tình cảm cá nhân nơi mình và nơi đồng đội.

-Ngoài những lúc phải đối mặt với quân thù, những lần hành quân rà tìm dấu vết kẻ địch, còn thì những lúc dừ̀ng quân, dưỡng quân,…, người lính VNCH hầu như luôn lẩm nhẩm những bài thơ, những bài hát, ngay cả nghe những bài ca phản chiến, sáng tác thơ ca nói lên cuộc sống và tâm tình người lính chiến. Ngay trong trại tù khổ sai của Cộng sản, người lính VNCH cũng làm thơ, làm nhạc, lẩm nhẩm học thuộc lòng rồi lén lút đọc, hát cho nhau nghe để nung chí kiên cường, bất khuát trước gọng kềm của giặc. Bao nhiêu thơ ca, bao nhiêu hồi ký về trại tù Cộng sản đã trở nên những tài liêụ ̉ giúp cho người sau có thể ‘thẩm định’ một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc.

-Đọc những bức thư nhà của cha mẹ, vợ con, của bạn bè hay người tình rồi viết thư hồi âm, lúc nào cũng nói lên mối tình tha thiết luôn nghĩ về cha mẹ, vợ con,…. để thêm kiên cường chiến đấu, mong sao sớm chấm dứt chiến tranh, về sống yên lành, chăm lo hạnh phúc của nhau cùng gây dựng tương lai cho con cháu.

Một trường hợp đặc biệt, một người lính VNCH nhặt được tập nhật ký của một nữ ‘bác sĩ’̣ Việt Công (cô Đặng Thùy Trâm) chết thảm, đọc qua chỉ thấy những kể lể gian khổ cùng tâm tình gởi đến người tình, đã không nỡ hủy bỏ, ném đi mà trao cho người bạn đồng minh giữ làm kỷ niệm.

-Người lính VNCH, giờ đây yên ấm nơi xứ người, dù có người tuổi đã cao, vẫn không quên bao đồng đội còn nơi quê hương, lết lê thân héo hồn tàn, cùng gia đình thất thểu kiếm ăn từng ngày không đủ sống, để chia xẻ chút tiền già và vận động đồng hương nơi hải ngoại quyên góp hàng năm tìm cách gởi về giúp đỡ đồng đội xưa, rủi ro thương tật (Cũng xin nói người viết rất bất mãn những trò lợi dụng tính ‘nhân đạo’ nầy để mưu lợi riêng và làm lợi cho Cộng sản).

Do tất cả những điều trên, hình ảnh người lính VNCH, theo cái nhìn của người viết, luôn luôn là hình ảnh đẹp.

b) Người lính Cộng sản: Qua một số sự kiện được biết, người viết nhận ra rằng người lính Cộng sản không có những sắc thái đẹp đẽ trên.

Họ -người lính Cộng sản- đi chiến đấu không cho người dân, cũng không cho chính người lính nơi họ mà chỉ cho tập đoàn Cộng sản cầm quyền, cho cái ý thức hệ riêng tư của lớp người lãnh đạo. Cộng sản đã biến người dân thành người lính, đã ép buộc người dân phải trở thành người lính. Họ đã xua hàng hàng lớp lớp người dân đi trước lính trong những chuyến công đồn đả viện. Chiến thuật biển người của Cộng sản đã nướng chết hàng vạn người dân và người lính. Họ cưỡng bức người dân phải trở thành người lính bằng đủ mọi thủ đoạn (như cúp hộ khẩu của cả gia đình) để phục vụ Đảng và Nhà nước, để giương cao ngọn cờ Cộng sản khắp nơi nơi. Họ đã xua hàng vạn thanh niên chưa đủ tuổi trưởng thành phải ‘sinh Bắc tử Nam ’. Họ không ngần ngại xích chân người lính vào các khẩu pháo để họ tìm vinh quang trong chiến thắng và người lính phải hy sinh để được họ phong cho là ‘anh hùng, liệt sĩ’. Cả những thương binh cũng bị cấp chỉ huy đành bỏ mặc, không được tải thương, chữa thương vì không điều kiện hay phải ‘để chêt́’ để khỏi phải ngăn cản việc rút quân sau mỗi trận đánh. Người lính Cộng sản không có một chút sống nào cho mình mà chỉ có phải ‘quyết tử’, phải học thuộc khẩu hiệu, phải là ‘anh hùng’ tạo vinh quang cho Đảng theo thứ ‘chủ nghĩa anh hùng cách mạng’ giả tưởng như Nguyễn Văn Trổi, Lê Văn Tám. …Đả̉ng nắm trọn mọi thứ, kiểm soát từng lời ăn, tiếng nói, từng thái độ, cử chỉ của người lính, người dân. Người VN nào, dù Bắc Nam, Trung, miền xuôi hay miền thượng cũng đều mang tính chất nghệ sĩ ít nhiều nơi mình nhưng Đảng đã giết chêt́, đã ngăn chặn cái tính nghệ sĩ bản nhiên đó nên người lính Cộng sản chiến đấu không cho dân, vì dân, không cho đất nước quê hương mà chỉ để phục vụ Đảng Cộng sản. Họ phải nhập tâm ‘yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội’ , phải tôn thờ Đảng hơn cả Tổ quốc, hơn cả tổ tiên, cha mẹ mình. Bị Đảng giết chết hết mọi tình cảm tự nhiên, đẹp đẽ nơi con người, nên người lính Cộng sản không có được những nét đẹp như người lính VNCH.

-Người lính Cộng sản không được phép viết một thư cho cha mẹ, vợ con kể lễ những gian truân nơi chiến trường, không được phép nhận một bức thư nhà nói về nỗi mong ngóng, đợi trông ; không được viết hay ngâm một câu thơ, một lời nhạc nói đến tình ái lứa đôi, than thở, trở trăn một cuộc tình dang dở hay cảnh đoàn tụ yên vui, xây dựng hạnh phúc gia đình nay mai khi được sống sót trở về.(nếu có thì chỉ là lén lút, âm thầm). Mọi thư từ, nếu có, của người lính Cộng sản gởi cho cha mẹ, vợ con, bạn bè đều bị các cấp chỉ huy, các cấp đảng ủy kiểm duyệt, phải tuân thủ đúng công thức viết thư mặc nhiên do Đảng đã ấn đinh : ‘phải nói lên tinh thần quyết tử, phải sĩ vã chưởi mắng đối phương, phải ca tụng và biết ơn đảng,…’.

-Không người lính Cộng sản nào bị thương hay bị bỏ mình nơi chiến trận mà được Đảng hay cấp chỉ huy thông báo cho gia đình, vợ con.

-Người lính Cộng sản không bao giờ được có lời hay thái độ thở than về mọi gian nguy, thiếu thốn cùng cực của mình cũng như bày tỏ nỗi xót thương cha mẹ, vợ con ngày đêm trông mong mình được trở về nguyên vẹn.

-Người lính Cộng sản không bao giờ được phép có một ý, một lời tỏ ra bất mãn, khó chịu mà lúc nào và bao giờ cũng phải tung hô ‘Đảng vĩ đại, bách chiến bách thắng,(!),…’.

-Mỗi người lính Cộng sản -cũng như mỗi người dân dưới chế độ Cộng sản- phải tự biến mình thành một tên công an, một tên tình báo, một tên mật thám với chính mình, với cha mẹ, vợ con, với bạn bè, với đồng đội. Những thanh niên sinh sau 1954 lại càng thiếu cái chất ‘nghệ sĩ’ bản nhiên của dân tộc vì chế độ giáo dục Xã hội chủ nghĩa đã làm triệt tiêu tính chất nầy rồi. Cuồng tín và cuồng bạo -cuồng tín theo Đảng, cuồng bạo đối với ai không theo đảng- đấy là chủ đích giáo dục của Cộng sản cho nhân dân miền Bắc và cho lớp lính Cộng sản trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam.

-Người lính Cộng sản đi vào chiến trận không vì yêu nước, yêu dân, cũng chẳng phải vì bổn phận, trách nhiệm, danh dự vì họ chỉ là thứ công cụ trong tay Đảng, mặc sức vo tròn, bóp méo sinh mạng và cuộc sống của họ.

-Người lính Cộng sản bắt buộc phải nhập tâm và thực hiện cho bằng được cái ‘vinh quang’ của đảng bằng chính sinh mạng người dân và người lính nơi mình. Bởi vì, người lính Cộng sản, khi chỉa súng vào đối phương, cùng lúc đã cảm thấy họng súng của đảng chỉa vào gáy, vào lưng mình, nên bắt buộc phải ‘quyết tử, phải anh hùng’ (!).

Do đó, cái chiến thắng của Cộng sản ngày 30/04/75 là một ‘chiến thắng ô nhục, một chiến thắng nhơ bẩn’. Do cuồng tín và cuồng bạo, người Cộng sản đã trở thành những sát thủ, sát nhân và sau chiến tranh, đã đày đọa đối phương bằng đủ mọi thủ đoạn bạo tàn khủng khiếp.

Cái ‘nhục nhã, nhơ bẩn’ nầy của Cộng sản càng được chứng minh qua bao việc làm của Cộng sản sau ngày họ gọi là ‘Đại thắng mùa Xuân’ năm đó. Suốt trên 30 năm, Cộng sản đã gây ra điêu đứng cho nước, cho dân, ai cũng đều thấy rõ : sẵn sàng làm tay sai cho Tàu Cộng, nhường đất, nhường biển cho Tàu cộng, đày đọa nhân dân vào cùng độ thảm thương, biến VN thành xứ sở lạc hậu, thoái hóa, nghèo nàn nhất, nhơ bẩn nhất trên thế giới.

Cái ‘chiến thắng nhục nhã’ của Cộng sản vào ngày đó đã khiến toàn dân miền Bắc bàng hoàng, sửng sốt, đau buồn vi suốt trên 20 năm dưới chế độ ‘VN Dân Chủ Cộng Hòa’, dưới lá cờ máu ‘nền đỏ sao vàng’, nhân dân Miền Bắc luôn mong ngóng, đợi trông từng ngày từng tháng được quân lực VNCH ra giải phóng họ, nào ngờ…. :

Cái ‘chiến thắng nhục nhã’ của Cộng sản vào ngày đó đã khiến một nữ Văn công Cộng sản (nhà văn Dương Thu Hương) lúc bà ngồi nơi góc đường Tự Do, đã ngậm ngùi, bi phẫn lên lời : ‘Kẻ chiến bại là người văn minh, kẻ chiến thắng lại dã man’ (người viết ghi nội dung, không nhớ đúng nguyên văn). Và sau nầy, bao người Cộng sản, nhìn lại cái .’chiên thắng nhục nhã’ của họ, đã không còn gọi tập thể chiến sĩ VNCH là ‘ngụy quân’ mà gọi là ‘quân đội Sài-Gòn’ một cách trân qui, tiếc thương.

Rồi cũng chính người Cộng sản, vài chuc năm sau, càng làm nhục thêm cái chiến thắng nhục nhã của họ. Khẩu hiệu ‘chống Mỹ cứu nước’ ngày nào, bây giờ trở nên trơ trẽn, mất giá một cách thảm hại. Chống Mỹ, đuổi Mỹ để rồi sau đó, trải thảm đỏ đón rước kẻ ‘cựu thù’ hay liên tiếp van xin viện trợ, đầu tư ; nhục nhã hơn nữa là cấp lãnh đạo Cộng sản lại gởi con cháu mình qua học hành, tu nghiệp nơi cái xứ ‘tư bản đế quốc’ mà họ từng mắng nhiếc không tiếc lời.

Cái ‘chiến thắng nhục nhà’ của người Cộng sản lại càng lúc càng thêm ‘nhầy nhụa, đê hèn’ vì ngày nào sỉ vả hàng ngũ quân đội VNCH đủ điều xấu xa, mạt sát họ chỉ là ‘tay sai đế quốc’, trốn qua Mỹ để được hưởng chút cơm thừa canh cặn của quan thầy, mạt sát vợ con họ qua Mỹ là hạng đĩ điếm, lưu manh, thế mà, chỉ hơn mươi lăm năm sau lại ve vuốt, vỗ về, ca tụng là ‘khúc ruột ngàn dăm’ để ngửa tay sung sướng, mừng rỡ nhận được số ngoại tệ do chính bọn người ‘phản động, phản cách mạng’ nầy từ ngoại quốc gởi về mà số người ‘làm ơn’ (!) cho chúng, phần lớn lại chính là các Cựu Quân Nhân VNCH cùng gia đình của họ.

[Viết những dòng trên, một điều, người viết thấy cần minh định rõ ràng : ‘những từ ‘chiến thắng nhục nhã, cuồng bạo, đê hèn’, người viết dùng để nói về tập đoàn lãnh đạo Cộng sản cùng cấp tướng tá đảng viên Cộng sản, chứ không ám chỉ hàng ngũ binh sĩ đã bị Cộng sản bắt buộc phải vào Nam chiến đấu vì những lớp binh nhì, hạ sĩ, cả một số cấp úy chỉ là nạn nhân đã bị Lãnh đạo và tướng tá CS thúc ép phải cầm súng phục vụ cho tham vọng đen tối, cho quyền lợi, quyền lực của chúng thôi. Người viết cũng xin rút lại những từ mang tính ‘nhục mạ’ trên đới với những đảng viên CS, những cấp tướng tá CS nay đã phản tỉnh, trở về với dân tộc, đứng vào hàng ngũ nhân dân chống lại Đảng CS và chế độ CHXHCN bạo tàn, đấu tranh xây dựng Dân chủ, Tự do cho cả nước, như Trung Tướng Trần Độ (?), Trung Tá Trần Anh Kim cùng bao người nữa]

Từ ngày đó (30/04/75) cho đến nay và mai nầy, toàn dân VN, lịch sử VN càng lúc càng yêu mến, ca ngợi cái ‘thất bại kiêu hùng’ của tập thể quân đội VNCH, của cả nhân dân VNCH, và càng chê khinh, căm ghét̉ cái ‘chiến thắng nhơ bẩn’ của tập đoàn Cộng sản côn đồ, phi nhân.

II.- Đau thương, Tủi nhục:

Nhưng rồi, đến xứ người, cái ‘kiêu hùng’ có hừng hực dâng cao trong một số năm đầu, thì sau đó, từ lúc Hoa Kỳ bỏ lệnh ‘cấm vận VN’ rồi bang giao bình thường với VN Cộng sản, tiếp theo những chủ trưởng ‘hòa hợp hòa giải, quên quá khứ, quên hận thù, hướng về tương lai’ của một số trí thức, chánh khách (!) hoạt đầu cơ hội cùng với cái được gọi là chủ trương ‘diễn biến hòa bình’ của Hoa Kỳ, chủ trương cởi mở ‘kinh tế thị trường theo định chế xã hội chủ nghĩa’ của Cộng sản, nhất là sau vụ lừa gạt của một đôi tổ chưc‘Mặt trận, Chính Phủ’ (nhằm mưu đồ riêng tư chứ không thực lòng vì nước, vì dân) ; thêm vào đó thủ thuật ve vuốt, cù rủ ma mị của Cộng sản, người Việt tỵ nạn Cộng sản, trong đó không ít Cựu Quân Nhân, vội vã về VN, gởi tiền về VN. Cái khí thế đấu tranh chống Cộng để xây dựng Dân chủ Tự do cho đồng bào quốc nội càng lúc yếu dần, hàng ngũ người Việt tỵ nạn Cộng sản càng ngày thêm phân hóa đáng buồn. Trong lúc đó, tập đoàn Cộng sản lại có điều kiện khai thác để phá nát Cộng Đồng người Việt hải ngoại.

Nơi đây, người viết chỉ xin tâm tình với tập thể anh chị Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH, xin không ngỏ lời với các giới đồng bào khác.

Do những tác động khách quan nói trên, các̉ Cựu Quân Nhân VNCH nơi hải ngoại đã tự mình làm lịm tắt cái hiên ngang, kiêu hùng đáng quí trước đây. Và, theo người viết, chính sự suy sụp ý chí, tinh thần của Anh Chị Cựu Quân Nhân Quân lực VNCH đã khiến lây lan, làm cho tinh thần, ý chí chống Cộng của đồng bào càng lúc càng yếu đi vì, trong số người tỵ nạn Cộng sản thì hàng ngũ Cựu Quân Nhân chiếm tỷ lệ cao nhất; số đông yếu đi thì số ít kia cũng mất đi chỗ tựa bền vững, mạnh hùng. Sự việc đáng buồn nhưng không thể không kể ra.

Cái ‘kiêu hùng trong chiến đấu’ cũng như ‘kiêu hùng trong thất bại’ trước đây là của chung Tập thể Quân đội VNCH chứ không của riêng ai dù cấp bực Tướng Tá, cũng không riêng của một Binh chủng nào. Thế nhưng, sang xứ người, một số Anh Chị không sống với cái ‘kiêu hùng chung’ đó mà giành cái ‘kiêu hùng chung’ đó cho riêng mình để tự đề cao mình nhưng lại nhân danh binh chủng mình, vô tình gây mất tình ‘đoàn kết’ của cả tậ̣p thể.

-Một đôi người viết hồi ký tâng bốc công trạng mình, lại viết không mấy đẹp về kẻ khác. Một sô kháć, qua các bài viết trên báo, trên các diễn đàn cũng thế. Thấy người nầy tự đề cao, khoe khoang công trạng thì người khác thấy cũng cần nên ‘khoe mình’ chút ít… Và khi tự đề cao mình thì mặc nhiên gây ra bất mãn nơi số người khác để đưa đến những chỉ trích, chê bai, mai mỉa, kể xấu nhau, xuyên tạc, vu khống, bóp méo sự thật, kể cả moi móc đời tư để ‘hạ gíạ́’ nhau. (Người viết xin cảm mến những những chiến sĩ hào hùng trước đây, sang xứ người, ôm nỗi buồn đau, cô đơn, lặng im, không nói, không viết gì về mình, về cuộc chiến vừa qua, dù người viết luôn mong các vị đó có những hoạt động cụ thể trong công cuộc đấu tranh chống Cộng. Nhiều hồi ký, nhiều bài viết, bài thơ của một số Tướng, Tá, của một số cấp Úy, ngay cả cấp Hạ sĩ, binh nhì, chỉ thuật lại những trận đánh, những chiến thắng, tuyệt nhiên không đề cao, thành tìch của mình ; những hồi ký, bài viết đó mang tính lịch sử chứ không phải nhằm ‘ca tụng’ mình, quả đáng khâm phục về tinh thần và tư cách của các tác giả).

- Sang xứ người, mỗi Anh Chị chỉ là một ‘Cựu Quân Nhân’ thôi và là từng cá nhân một, chứ không còn nằm trong một́ hệ thống tổ chức, có chỉ huy, có cấp trên cấp dưới nữa. Thế nhưng, một số hầu như còn nghĩ tưởng cái quá khứ trước đây nên sống trong ‘hoài niệm’ để sinh ra buồn chán

- Một số khác̀, qua xứ người sớm, chịu khó làm đủ nghề, ăn nên làm ra, điều nầy quá tốt nhưng đôi người đâm ra hợm hĩnh’ ‘hãnh tiến’, khiến thái độ đối xử, giao tiếp với nhau trở nên lạnh nhạt, tỵ hiềm rồi xa lánh nhau, chê khinh nhau.

Những mặc cảm tai hại trên đã khiến cái tình ‘huynh đệ chi binh’ ngày nào tan loãng, đã khiến cái ‘kiêu hùng của tập thể Quân Đội VNCH’ sút giảm, mất giá, phai nhạt dần đi. Cái ‘kiêu hùng của cả tập thể’ giờ đây biến thành cái ‘kiêu hùng’ của từng cá nhân, cái kiêu hùng ‘giả tạo’ do mặc cảm tự tôn, tự ty, do thói quen ưa đề cao, ưa khoe khoang, ưa tâng bốc của từng cá nhân. Nhiều Anh Chị Cựu Quân Nhân hầu như không còn giữ, không còn sống cái ‘tinh thần tập thể’ xưa kia mà chỉ sống với cái cá nhân, mượn danh nghĩa ‘Cựu Quân Nhân’ làm chiêu bài để tự hào, trang hoàng mình với đồng bào nơi hải ngoại.

III.- Tính khoác lác khoe khoang, tự đề cao, quảng cáo mình:

-Nơi xứ người, vai trò Cựu Quân Nhân không còn thích hợp về mặt quân sự ̣nên xoay qua ‘tranh đấu về mặt chính trị’. Và cái danh hiệu Cựu Quân Nhân trở thành một bảng hiệu quảng cáo sáng giá nơi những kẻ háo danh, háo lợi, háo tiếng tăm… Rồi lợi dụng cái ‘Tự do ngôn luận’ nơi xứ Dân chủ, mỗi người tha hồ bày đặt đủ thứ để đề cao, tâng bốc mình, tự cho ta đây mới là kẻ yêu nước thiệt tình, mới là chién sĩ chống Cộng trung kiên, đúng đắn nhất, kiêu hùng nhất. Để chứng minh điều nầy, mỗi người tìm cách ̀kể lể, nêu ra những thành tích của mình trong chiến đấu trước đây, những thành tích nhỏ thôi nhưng được phóng đại thành lớn lao..

-Đôi Anh Chị, nghĩ rằng mọi hồ sơ quân bạ trước đây, qua bao nhiêu năm hẳn không còn lưu trử, nên đã ‘tự phong’ mình từ một cấp thấp lên một cấp cao hơn (chẳng hạn từ Thiếu Úy, Trung Úy lên Thiếu Tá, Trung Tá,..) hay được một đôi tổ chức ‘phong’ cho tước hàm vượt bực rồi khoe khoang bao việc làm ngày trước thực sự nhiều khi là bịa đặt, để ‘đánh bóng’ mình với bao đồng đội. Rồi, một số Anh Chị khác sưu tầm, tìm ra, vạch trần những gian dối, bịa đặt ; thế là cãi vã, đôi co, chỉ trích, noi xấu bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ nặng nề..

- Đôi Anh Chị có̉ được một tờ báo, một Diễn đàn, thế là dùng phương tiện nầy quảng cáo mình đủ cách, nghĩ rằng chỉ mình mới là người quốc gia chân chính, trung kiên, mới là kẻ kế thừa đúng đắn cái ‘kiêu hùng, bất khuất’ của Quân đội VNCH hơn ai hết. Cái kiêu hãnh, tự tôn, không được chứng minh rõ ràng bằng sự việc ngày qua hoặc ‘có ít xít ra nhiều’ dĩ nhiên không thể không gây bất mãn cho bao Anh Chị khác vì thấy những kẻ đó không làm rạng danh hàng ngũ Quân Đội mà chỉ khiến thanh danh Quân Đội ngày thêm mất giá. Những vụ ‘đánh phá’ nhau, bôi nhọ nhau nhan nhản trên các diễn đàn,.

-Rồi mỗi người, vì cái thói quen ưa đề cao, ưa khoe khoang, cứ nghĩ chỉ có mình mới là kẻ tích cực chống Cộng, mới là ‘anh hùng’ chống Cộng. Từ đó, nẩy sinh cái tính ưa lãnh đạo, mua chuộc, quyến rủ một đôi người khác theo phe mình, tung hô, tâng bốc mình. Những ai không đồng ý, không thuộc ‘phe’ mình hoặc có lời nói, thái độ không đồng tình với mình, thì bị xem là ‘tiêu cực’, là ‘lưng chừng, là ‘thân cộng’, làm tay sai cho Cộng. Mọi thói vu vạ, chỉ trích, đánh phá, sĩ vã nhau được tung ra trên báo chí, truyền thông khiến bao nhiêu kẻ khác không còn biết ai là kẻ thực sự chống cộng, ai là kẻ mượn chiêu bài ‘chống cộng’ để đánh bóng, cốt làm ‘vang danh’ tên tuổi cá nhân mình. Từ đó, cái ‘kiêu hùng bất khuất’ của tập thể Quân Đội VNCH trước đây không còn được mọi người tôn trọng như xưa vì hàng ngũ Cựu Quân Nhân VNCH bây giờ phân hóa, chia rẻ, chống đối nhaủ,. Ai cũng muốn làm ‘lãnh tụ’, ai cũng tự cho là ‘anh hùng’, tự cho mình mới là kẻ ‘xứng đáng’ nhất, từ đó tạo bi kịch cho toàn thể. Cứ xem cái Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, bao năm qua đã rã rời, tan nát ra sao, cho mãi đến nay cũng vẫn còn tình trạng đau thương đó. Cho dù bảo rằng do Cộng Sản phá hoại, nhưng chưa hẳn do Cộng sản tài ba gì mà trước tiên do từ những mặc cảm tự tôn, tự ty, do cái thói quen ưa tranh giành địa vị, tiếng tăm, ưa tạo cho mình một thứ ‘danh tiếng’ hão huyền, ưa được nắm quyền điều khiển, ưa làm ‘lãnh tụ’, ưa được tâng bốc, đề cao. Cộng sản khai thác nhự̃ng điểm đó để gây chia rè, nghi ngờ nhau giữa hàng ngũ các Anh Chị và đồng bào chống Cộng. Mỗi Anh Chị, khi phóng bút tự đề cao mình trên báo chí, diễn đàn, hầu như quên nghĩ đến việc Cộng sản thừa cơ lợi dụng mình, cùng không nghĩ đến hậu quả xảy ra cho mình và cho các Anh Chị khác cũng như cho công cuộc đấu tranh chống Cộng của toàn thể người Việt tỵ nạn Cộng sản.

Thưa các Anh Chị,

Qua những những điều được nói trên, người viết đau lòng nghĩ rằng: ‘’Cai kiêu hùng của tập thể Quân đội VNCH’ trước đây, nay chỉ còn là vang bóng. Bây giờ, một số Anh Chị Cựu Quân Nhân không còn giữ, không còn sống thực với cái ‘anh hùng tập thể’ đó. Cái anh hùng của tập thể bị ‘tước đoạt’ để biến thành cái ‘anh hùng cá nhân’ nơi mỗi ngườị. Trước đây, trong chiến tranh, Cộng sản cùng bao thế lực bên ngoài (như đài BBC, như các kẻ phản chiến) cố tình ‘làm nhục’ quân đội VNCH, thế mà tập thể Quân đội vẫn kiên cường, bất khuất, vẫn hiên ngang, kiêu hùng cho đến giờ phút cuối. Bây giờ, nơi hải ngoại, cuộc sống đủ đầy, yên ổn, được hưởng tự do, nghĩ rằng cái ‘kiêu hùng tập thể’ kia càng có điều kiện thuận lợi phát huy, thế mà ngược lại, cái ‘anh hùng tập thể’ kia đang trên đường bị ‘hạ nhục’ !. Do các mặc cảm tai hại và các thói quen xấu trên, một số Anh Chị khi tự đề cao mình, đã vô tình, mặc nhiên ‘tự mình làm nhục mình, rồi làm nhục Anh Chị Em, từ đó làm nhục lây cái ‘kiêu hùng của cả tập thể quân đội VNCH’. Không rõ các tên tuổi ‘nổi đình nổi đám’ luôn ‘đánh phá’ nhau trên các báo chí, trên các diễn đàn Net có cảm thấy như vậy không ?

Cái ‘tự làm nhục chính mình’ và ‘gây nhục cho nhau’ của một số Anh Chị đó đã khiến các Anh Chị mặc nhiên phạm bao tội lỗi với bạn bè đồng ngũ, với đất nước, nhân dân, với cả con cháu của Anh Chi :

* Trước tiên với các Anh Chị em Thương phế binh và gia đình họ bên quê nhà.. Bài thơ được phổ nhạc ‘Gởi súng cho tao’ đã nói lên cái ‘kiêu hùng bất khuất’ của quân đội, của người quân nhân VNCH bây giờ đang bị đọa đày, gian khổ, ra sao, không rõ các anh em có để ý không ? Các anh em Thương Phế binh có cần tiền để qua cơn ngặt nghèo nhưng điều mong mỏi lớn nhất của Anh Em Thương Phế Binh là được thấy cái ‘anh hùng bất khuất’ của Quân Đội VNCH vẫn sống mãi nơi người Cựu Quân Nhân nơi hải ngoại để bên nhà, có bị lớp người Cộng Sản chà đạp, họ vẫn kiêu hãnh với cái ‘anh hùng’ của người Quân Nhân VNCH như ngày nào. Những trò ‘bôi bẩn’ nhau’ trên các Diễn đàn,, của một số Anh Chị Cựu Quân Nhân nơi hải ngoại đã làm tổn thương cái chí hùng anh, bất khuất của Anh Chị Em phế binh bên nhà.

* Các Anh Chị đã mặc nhiên phụ lòng trông đợi, tin tưởng nơi đồng bào quốc nội. Biết bao Trí thức, Sinh viên, Thanh niên, Văn Nghệ Sĩ, biết bao người đang tranh đấu cho Dân chủ tại quốc nôị, ngay cả hàng hàng lớp lớp đồng bào nghèo khổ, luôn mong ngóng, trông chờ vào tầng lớp Cựu Quân Nhân VNCH nơi hải ngoại đoàn kết đấu tranh chống Cộng sản, hổ trợ cho quốc nội, mong ngóng từng ngày, từng tháng lớp Cựu Quân Nhân VNCH cùng đồng bào VN tỵ nạn CS, làm được những gì đó để có thể sớm giải phóng quê hương và đồng bào thoát khỏi gọng kềm ác nghiệt của chế độ Cộng sản phi nhân như trước đây đồng bào miền Bắc trông chờ Miền Nam giải phóng miền Bắc khỏi gông cùm Cộng sản. Tự làm nhục mình, làm nhục tập thể Quân đội VNCH qua các trò ‘đánh phá’ nhau, đã làm suy yếu sức mạnh tranh đấu chống Cộng của đồng bào tỵ nạn CS, mặc nhiên, các Anh Chị đã mang tội với đất nước, với nhân dân, với lịch sử.

* Các Anh Chị cũng làm mang tiếng lây đến cả gia đình, cả các lớp con em của chính các Anh Chị. Thử nghĩ, con cháu các Anh Chi, sau nầy nhìn lại những việc làm, những bài viết, những lời, những ngôn ngữ thô bạo, tàn độc trút đổ lên nhau, con cháu các Anh Chị sẽ đau lòng, buồn tủi cho lớp cha ông, lớp đàn anh của chúng ra sao?

* Cái ‘tự làm nhục mình’ của mỗi Anh Chị cũng là một tội lỗi đối với chính các Anh Chị. Ngày nào, trong lao tù Cộng sản, mỗi Anh Chị đã phải kê khai lý lịch bao lần, đã phải kể rõ cả quá trình gia nhập quân đội VNCH, có Anh Chị nào đầu hàng, khuất phục để ca ngợi Đảng và quân đội Cộng sản đâu, có nói cái ‘nhục’ tham gia quân đội VNCH đâu, có tố cáo, phỉ báng một anh em quân nhân nào khác đâu, trái lại còn ngang nhiên nói lên cái khí tiết kiên cường bất khuất của tập thể Quân đội VNCH trong đó có Anh Chị. Nếu quả, các Anh Chị đã viết, đã ‘nhìn nhận’ cái ‘nhục’ đã vào quân đội VNCH, thì bao nhiêu năm nay, Cộng sản đã tung ra những bài viết, những cung từ đó để có bằng cớ hiển nhiên mà mạ lỵ, mạt sát tập thể Quân nhân miền Nam VNCH. là hèn nhát, là bất tài vô tướng. Thế sao, giờ nầy, các Anh Chị không kiên định, giữ vững cái khí tiết hào hùng đó mà lại bôi bác nhau, ‘ném bùn’ vào nhau? Các Anh Chị đã quên cái quá khứ anh hùng của mình, đã tự đánh mất giá trị, tư cách của mình mà nào có do một bắt buộc, cưỡng ép nào đâu. Ai làm nhục các Anh Chị, ai làm nhục cả tập thể Quân đội VNCH anh hùng giờ nầy? Chính là một số các Anh Chị đấy, các Anh Chị có ̀ để ý điều đó không?

Kính Thưa các Anh Chị,

Trong niềm đau buồn, tủi hận, người viết xin chân thành bày tỏ với số Anh Chị Cựu Quân Nhân nói trên hai đề nghị sau đây:

a) Đề nghị thứ nhất: Xin các Anh Chị Cựu Quân Nhân hãy dẹp qua những tỵ hiềm, ganh ghé́t, hãy gác qua những bất mãn, tranh chấp nhỏ nhen để cùng ngồi lại dựng xây lại cái kiêu hùng của tập thể Quân Đội VNCH, sống lại cái ‘anh hùng, bất khuất’ của tập thể Quân Đội trước đây. Không cần phải được giữ vai trò, chức vụ, điều khiển, chỉ huy, bỏ qua hết cái thói ưa đề cao, ưa được trọng vọng, ưa được nổi tiếng, tránh hết những luận điệu, khôn ngữ khích bác, công kích nặng lời, để mọi tổ chức, mọi hội đoàn quân nhân thuộc bất kỳ binh chủng nào giờ nầy được sinh hoạt đều đặn, tốt đẹp, mạnh mẽ. Xin diệt bỏ mọi mặc cảm tự tôn, tự ty, tự đại; xin diệt trừ thói quen ưa ton hót, nịnh bợ, ưa khoe khoang, tự đề cao mình. Xin giũ sạch mọi ganh ghét, tỵ hiềm, bất mãn cá nhân, mọi tranh chắp nhỏ nhen để cùng ngồi lại, bổ sung và đồng hợp khả năng, ý kiến, chung sức, chung lòng, thành tâm, thiện chí cùng toàn thể đồng bào hải ngoại đấu tranh kiên cường giúp đồng bào quốc nội tin tưởng, vùng lên giải thể chế độ Cộng sản bạo tàn. ̉Xin các Anh Chị, những ai, đã từ́ng mạt sát, đánh phá nhau bằng đủ mọi lời thô bạo, hãy can đảm ‘tự xin lỗi’ mình và xin lỗi nhau để từ nay thông cảm, thân thiết, đồng thuận về chủ trương, đường lối đấu tranh chống Cộng, làm rạng danh lại cái hào hùng hiên ngang, bất khuất của cả tập thể Quân Đội VNCH và của cả tập thể nhân dân Miền Nam. (Những điều vừa nói chẳng mới mẻ gì, bao người đã từng nghĩ, từng biết; người viết chỉ xin nói lại một cách rõ ràng hơn thôi).

b) Đề nghị thứ hai: Nếu xét thấy tự mình không đủ hùng tâm tráng khí, không đủ điều kiện, khả năng để cùng các Anh Chị em khác đấu tranh thì xin trung thành với cái Căn cước Tỵ nạn chính trị, không về nước du lịch, du hí… không nghe lời dụ dỗ, mua chuộc của Cộng sản, cứ bình thường lo cho cuộc sống hàng ngày, lo cho vợ cho con, không bôi tro trát trấu vào nhau,…Tuy làm như thế là thái độ tiêu cực nhưng ít ra cũng không gây hại cho công cuộc đấu tranh chống Cộng của các Anh Chị khác, của toàn thể đồng bào.

Trên đây là tâm tình nguời viết mạn phép gởi trao đến các Anh Chị Cựu Quân Nhân VNCH.

Có thề, những lời nầy sẽ bị một số Anh Chị xem là ‘trịch thượng’, dám ‘bày khôn xử khéo’ của một kẻ không là quân nhân. Có thể, một số Anh Chị sẽ bất mãn, phẫn nộ rồi lên án người viết bằng đủ mọi thứ ngôn ngữ ̃thô bạo. Người viết xin vui lòng lảnh nhận mà không trả lời. Tâm tình trao gởi không được cảm thông, đón nhận thì có giải bày đến mấy cũng chẳng đi đến đâu.

Không ai làm nhục được mình khi mình không ‘tự làm nhục’ mình. Chúng ta đừng nên làm như người Cộng sản. Chính người Cộng sản đã ‘tự làm nhục’ họ, làm nhục quân đội của họ từ lâu rồi khi đem xương máu người lính phục vụ mộng đồ đen tối của chúng. (xem thêm phía trên). Cứ xem ông Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã bị chúng làm nhục và cúi đầu chịu nhục ra sao. Bao nhiêu tướng tá Cộng sản đã phãi chết mờ ám như thế nào. Và bây giờ, chính hàng ngũ quân đội của họ, nhất là cấp đầu não cũng đang làm nhục nhau vì tranh giành quyền lực, vì chia chác quyền lợi tham nhũng không đều. Ngay cả Hồ Chí Minh, lãnh tụ của họ cũng đã hèn nhát, nhục nhã ra sao. Cho dù, có người bảo Hồ Chí Minh nghĩ rằng ‘cái lỗi lầm lớn nhất của ông là theo Cộng sản’ và suốt quảng thời gian dài, ông bị những Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ,…áp lực biến ông thành ‘ bù nhìn’ cho chúng (như những Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, như quyển ‘Đỉnh Cao Chói Lọi’ của Dương Thu Hương từng nói) thì ‘tại sao ông không dám từ nhiệm, không dám tự tử ?’ mà lại cam tâm, đành lòng để chúng vây hãm, kềm kẹp, bắt phải tuân phục ý đồ của chúng ? Chừng ấy đủ nói lên cái ‘hèn nhát’ của Hồ Chí Minh, cái ‘tham sống sợ chết’ của lãnh tụ Cộng sản. Hiện nay, bao cấp lãnh đạo cùng Tướng tá Cộng sản còn tiếp tục cái ‘đê hèn’ đó mà còn hơn thế nữa.

Đừng thấy Cộng sản giờ nầy dùng bao thủ đoạn gian manh, đang hết sức bày đủ trò lung lạc và tìm cách phá nát Cộng đồng người Việt hải ngoại mà nghĩ rằng chúng sẽ thành công. Cộng sản đang phải đối phó với bao khó khăn nan giải về kinh tế, về chính trị trong nước và trong nội bộ chúng ; chúng đang trên đà đi xuống, đang trên đà tan rã. Mọi vùng vẫy của chúng nơi hải ngoại chỉ nhằm che đậy những nát tan của chúng nơi quốc nội thôi. (Những điều nầy, sẽ do bao thức giả có đầy đủ dữ kiện để xác minh với toàn thể Anh Chi). Và chính tập thể Cựu Quân Nhân VNCH nơi hải ngoại là lực lượng mạnh mẽ nhất đập tan mọi hoạt động của Cộng sản khi các Anh Chị chịu ngồi lại với nhau, cùng đề cao tính anh hùng, bất khuất của Quân Đội trước đây, không còn tỵ hiềm, đánh phá nhau nữa.

Hãy luôn sống cái ‘anh hùng, bất khuất, cái khí hạo nhiên kiên cường của cả tập thể Quân Đội VNCH trước đây, hãy vững tâm bền chí, tránh tất cả mọi lời, mọi thái độ, mọi hành động gây chia rẻ, phân hóa hàng ngũ; hãy tôn trọng tư cách, nhân phẫm mình và của kẻ khác, nhất là Anh Chị Em đã từng là đồng ngũ. Hãy đoàn kết, tương thân, tương ái để cùng đấu tranh cho một ngày non nước nở hoa. Ngày Hội Non Sông huy hoàng, tráng lệ sẽ đến với toàn thể con dân yêu nưóc thương nòi.

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
(Nguyễn Du)


Người viết chẳng chút vui vẻ nào khi viết lời tâm tình nầy. Chẳng qua vì lòng khâm phục, kính mến và biết ơn tập thể Quân Lực VNCH anh hùng suốt 21 năm chiến đấu chống Cộng sản xâm lăng. Nay, nhìn cảnh phân hóa của tập thể Cựu Quân Nhân VNCH nơi hải ngoại mà viết nên thôi.

Người viết chân thành xin lỗi những Anh Chị Cựu Quân Nhân nào không mắc phải những mặc cảm cùng một số thói quen không tốt nói trên, đã và đang sát cánh cùng đồng bào nơi hải ngoại kiên trì đấu tranh chống Cộng bấy lâu nay. Người viết luôn tin tưởng vào sứ mạng thiêng liêng mà Tổ Quốc đã trao gởi cho Quân Đột VNCH anh hùng, bất khuất từ những năm 1954 đến nay mà một số thành quả lớn lao cùng đồng bào tỵ nạn CS đã thu đạt được trong công cuộc trường kỳ đấu tranh chống Cộng trên khắp mọi nơỉ có người VN tỵ nạn CS cư ngụ.

Kính mong tất cả Anh Chị Em Cựu Quân Nhân VNCH nơi hải ngoại nhận cho tấm lòng chân thành của kẻ viết.


Nguyễn Thùy
Thuy Georges Nguyen
nthuyviet@yahoo.fr
 

23 December 2009

KHÉP LẠI QUÁ KHỨ



KHÉP LẠI QUÁ KHỨ

Thi sĩ Trần Chiêu Yên



Anh khuyên tôi: "Hãy quên đi thù hận"
Về quê hương xây dựng nước non nhà
Bằng tài năng học hỏi chốn phương xa
Đảng, nhà nước hoan nghênh người viễn xứ !

Anh khuyên tôi hãy "khép lại quá khứ"
Quên những ngày khói lửa dậy trời Nam
Chiến xa Nga hằn đậm vết hung tàn
Trên đường phố Sài Gòn ngày quốc hận !

Anh bảo tôi quên những ngày lận đận
Cha đi tù, mẹ buôn gánh bán bưng
Nuôi đàn con trong khốn khổ tột cùng
Tôi phải thôi học, sáng ngô chiều sắn

Vâng, tôi cố quên những ngày mưa, nắng
Đi mò cua, giúp mẹ buổi cơm chiều
Quên những ngày nước ngập mái tranh xiêu
Đêm u tịch hãi hùng : "kinh tế mới" !

Giờ, tha phương, quê nhà xa dịu vợi
Tôi sống cuộc đời dân chủ ấm no
Nhưng dân tôi ĐANG khắc khoải mong chờ
Ngày sụp đổ của bạo quyền tàn độc

Thương quê hương, bao lần tôi bật khóc
Thấy lương dân trong kiếp sống khốn cùng
Thương dân hiền cam chịu kiếp lao lung
Khổ đến nổi đem con mình đi bán !

Tôi chống anh KHÔNG PHẢI VÌ DĨ VÃNG
Mà là vì HIỆN TẠI với TƯƠNG LAI
Vì dân tôi ĐANG sống kiếp dọa đày
Thế hệ trẻ nhìn TƯƠNG LAI VÔ ĐỊNH !

Thì anh ơi, nói chi lời lừa phỉnh
Đến bây giờ, ai tin cộng sản đâu
Nếu thật lòng xin hãy thực hiện mau

Cuộc hoà giải với người dân quốc nội :

Hãy ngưng ngay những hành động bỉ ổi
Ngưng đuổi nhà, cưởng chiếm đất nhân dân

Ngưng đào mồ, sang phẳng những mộ phần
Xây khách sạn làm giàu cho đảng ủy

Hãy ngưng ngay những ngón nghề phù thủy
Đạo giáo quốc doanh, dân chủ cò mồi

Hứa hoà hợp hoà giải ở đầu môi

Nhưng cộng đảng vẫn độc quyền chúa tể

Nếu thật tình thì hãy mau giải thể
Đảng độc tài cộng sản (đảng vô lương)
Người TỴ NẠN bốn bể sẽ hồi hương
Đem tài sức hiến dâng cho đất nước


Hứa với anh, tôi là người đi trước !!!


Thi sĩ Trần Chiêu Yên



Đạo đức xã hội xuống cấp và giải pháp khắc phục


Giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững và lâu dài trong việc chấm dứt sự tuột dốc của đạo đức xã hội hôm nay và khôi phục lại những chuẩn mực đạo đức vốn có từ trước đến nay mà chúng ta đã vô tình đánh mất. Đó là ngay lập tức nhà nước và chính quyền nên có cách nhìn thân thiện hơn đối với các tôn giáo, nên hiểu tôn giáo là vấn đề xã hội đã trường tồn cùng với lịch sử con người ở mỗi quốc gia hàng ngàn năm nay. Qua đó hãy nhanh chóng ủng hộ hỗ trợ sự khôi phục, phát triển tôn giáo bằng các chế độ chính sách và ngân sách cần thiết có thể.

KAMI



Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những chuẩn mực, những định hướng giá trị được xã hội thừa nhận và có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người. Đạo đức có các chức năng giáo dục, phản ánh và điều chỉnh cho mỗi cá nhân thành viên cộng đồng xã hội, nó là nền tảng không thể thiếu được của một hệ ý thức. Với các chức năng ấy đạo đức không chỉ là cái gốc của mỗi con người mà cùng với pháp luật, nó còn là công cụ và nền tảng quan trọng để xây dựng trật tự xã hội .

Đã tới lúc không thể chậm trễ, cần gấp rút gióng lên tiếng chuông cảnh báo toàn xã hội về tình trạng đạo đức con người Việt nam hôm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này đã trở nên tình trạng phổ biến của đại đa số người Việt nam chúng ta, bất kể thuộc nhóm nào, thành phần của xã hội cũng đều có các biểu hiện xuống cấp của đạo đức.

Không khó gì để biết, chỉ cần đọc báo hàng ngày bạn cũng dễ dàng biết được rất nhiều thông tin của sự xuống cấp đạo đức mà không thể thống kê ra hết được. Chỉ cần lướt qua các tiêu đề báo hàng ngày cũng có thể thấy được, nào là "Đạo đức kinh doanh xuống cấp", "Đạo đức học đường xuống cấp", "Đạo đức trong ngành y tế xuống cấp", "Đạo đức xã hội xuống cấp", "Đạo đức đảng viên xuống cấp" v.v.. hay nói một cách ngắn gọn là mọi chuẩn mực đạo đức của toàn xã hội đã bị tàn phá ở trên mọi lĩnh vực.

Những hành động vô đạo đức đó diễn ra trước mắt mọi người chúng ta ở bất kỳ chỗ nào, mọi nơi, mọi chỗ đã và đang trở thành việc "thường ngày ở Huyện". Nhỏ nhất như vứt, xả rác bừa bãi, chen lấn tranh giành thay cho việc xếp hàng theo thứ tự khi mua hàng hoặc chờ sử dụng các dịch vụ hoặc lưu thông trên đường. Lớn hơn một chút kẻ có chức và có quyền bất kể ở vai trò gì kể cả thấp hèn như hộ lý, y tá cũng đều gây khó dễ để kiếm chác tiền "bồi dưỡng" bằng phong bì chứ chưa nói gì đến các chức vụ lớn hơn. Từ đó dẫn tới những hành vi chạy chức chạy quyền của các quan chức và cứ tương tự như vậy dẫn tới các hành động tiêu cực cực đoan ở mức cao hơn nữa đại loại học trò tạt axit thầy giáo, bạn của cha hãm hiếp con gái, đâm chết người chỉ vì nhìn "đểu",một bà mẹ liệt sĩ bị cháu nội hành hung đến chết,một thầy giáo bị học sinh đánh trọng thương ngay trên bục giảng.v.v..

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao ngày càng có nhiều vụ việc suy đồi về đạo đức như mẹ giết con, con giết cha, trò đánh thầy, em đánh anh, dân đánh công an… gây nhức nhối đến vậy? Đâu là nguyên nhân? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Hàng loạt câu hỏi đặt ra không chỉ cho chính quyền các cấp, mà còn cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ và tìm ra những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và không cho sự xuống cấp đi xuống quá mức như hiện nay được.

Có nhiều người đánh giá rằng sự băng hoại của một hệ thống đạo đức của toàn xã hội Việt nam hôm nay là hậu quả của chính sách giáo dục đạo đức bị xem nhẹ và lệch hướng kéo dài vài thế hệ con người của đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ. Mọi giá trị và chuẩn mực của đạo đức bị xem nhẹ và bị coi thường một phần cũng do nền kinh tế kém phát triển quá kéo dài. Khi tình trạng người lao động không đủ ăn và nuôi gia đình chính là nguyên nhân đã tạo ra sự ích kỷ của mỗi cá nhân, đã tạo thành nếp đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ. Mà điều này kể cả đến nay, từ khi đất nước chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường cuộc sống tuy được cải thiện hơn, nhưng ngược lại sự xuống cấp của đạo đức theo chủ nghĩa đồng tiền có chiều hướng ngày càng gia tăng hơn.

Cái đó gọi là sự ích kỷ quá coi lợi ích cá nhân mình, đồng thời thiếu sự nhường nhịn của người Việt nam chúng ta, chỉ nghĩ cá nhân mình, gia đình mình là quan trọng trên hết. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, sẵn sàng trả bằng bất cứ giá nào vì sự vụ lợi của cá nhân mình bất chấp các hành động đó gây tổn hại cho những người xung quanh là đồng bào của mình hay cả cộng đồng xã hội. Quan trọng hơn nếp nghĩ đó đã góp phần làm cho nền tảng đạo đức xã hội vốn ít được quan tâm, ngày cảng lỏng lẻo và rệu rã hơn.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội mà các học giả, các nhà nghiên cứu xã hội học đã phân tích đánh giá với nhiều lý do khác nhau, mà theo họ các nguyên nhân chủ quan khách quan và vô vàn những lý do khác như : Đánh mất truyền thống của đạo đức vốn có, các giá trị về văn hóa ứng xử không được coi trọng, xã hội bị cuốn theo lối sống hưởng thụ, coi trọng giá trị đồng tiền hơn mức cần thiết và không có phương pháp giáo dục đạo đức hợp lý, cả ở trong môi trường gia đình và nhà trường.

Mọi lý do, mọi nguyên nhân nêu trên đều có những cái đúng ở một chừng mực nào đó có thể tạm chấp nhận được, kể cả một số người có suy nghĩ cực đoan cho rằng sự băng hoại của nền tảng đạo đức xã hội hiện nay là do việc chính quyền việc xây dựng một ý thức hệ mang tính chất cộng sản mang tính định hướng lệch lạc cái này không hoàn toàn tuyệt đối đúng. Tuy nhiên hệ quả của nó dẫn tới sự xuống cấp về mặt đạo đức của toàn xã hội là một thực tế khách quan không thể chối bỏ.

Nhưng với đánh giá của cá nhân tôi thì cho rằng nguyên nhân mấu chốt làm cho xã hội Việt nam xuống cấp về mặt đạo đức đó là chúng ta không coi trọng và thấy hết tầm quan trọng của việc sử dụng Tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức con người, mà cái đó hàng ngàn năm nay vẫn bền bỉ, dai dẳng tồn tại song hành với mọi dân tộc trên thế giới nói chung và dân tộc Việt nam nói riêng. Đó chính là yếu tố hết sức quan trọng, mang tính quyết định để xây dựng một nền tảng đạo đức cho bất kỳ chế độ xã hội nào. Đừng quên rằng tôn giáo mãi mãi là tôn giáo, nó luôn mang tính tích cực, nó chỉ biến thành mối đe dọa tới sự ổn định của một chế độ khi tôn giáo bị một số kẻ cố tình chính trị hóa và lợi dụng vì mục đích chính trị.

Bất cứ tôn giáo nào cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ của tôn giáo mình. Đa số các tôn giáo đều tuyên bố về giá trị tối cao của các lực lượng siêu nhiên (Thượng đế, Chúa, Phật, Thần thánh) và mọi giá trị khác phải lấy đó làm chuẩn. Trên thực tế cho thấy, quan niệm đạo đức của hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù nhằm bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn chủ yếu là đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác...

Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ là những chuẩn mực cơ bản của đạo đức con người. Ngoài ra mọi tôn giáo đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống hàng ngày và ít nhiều mang giá trị có tính nhân văn, trên thực tế những giá trị và chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội

Đặc biệt trong hệ thống những giá trị chuẩn mực của mọi tôn giáo, ngoài những điều khuyên răn cấm đoán tạo nên nội dung riêng của đạo đức tôn giáo, còn có những điều khuyên răn cấm đoán hướng con người biết tới những điều hay lẽ phải, những điều nên và không nên trong hành việc hành xử hàng ngày giữa các thành phần trong xã hội. Đây là một điểm hết sức quan trọng và cần thiết trong vấn đề giáo dục đạo đức con người ở mọi lứa tuổi và mọi thế hệ.

Vì bản thân tôn giáo là một bộ phận quan trọng của ý thức hệ, tôn giáo đã đem lại cho mọi cộng đồng xã hội, cho mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc khác nhau những chuẩn mực đạo đức nhất định thể hiện trong cách ứng xử, lối sống, phong tục, tập quán, trong các yếu tố văn hóa vật chất cũng như tinh thần. Và điều dễ nhận thấy là, những hệ thống đạo đức của tôn giáo tuy rất khác nhau về niềm tin, rất xa nhau về địa lý nhưng nó vẫn có một mục đích chung đó là nội dung hướng thiện cho con người.

Hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho con người đặc biệt là lứa tuổi học trò chỉ đơn thuần dựa vào hệ thống giáo dục của nhà nước qua các môn học đạo đức, luân lý hay giáo dục công dân. Cũng cần nhắc đến những điểm hạn chế nhất định về nội dung của các tài liệu sách giáo khoa còn mang tính chung chung và mang nặng tính chính trị, một đưa trẻ khó mà trở thành con người tốt khi mà lúc còn bé đã bị tiêm nhiễm các tư tưởng đâm chém, giết chóc qua các bài toán có nội dung "một chú bộ đội bắn một phát chết ba thằng Mỹ, phát thứ hai chết ha thằng nữa. Hỏi rằng..?" trong khi đối với tôn giáo tội giết người là một trong những trọng tội.

Khi còn bé thì như vậy, khi lớn lên thi cũng chẳng có gì khá hơn nếu không nói là càng kém đi, vấn đề giáo dục đạo đức hầu như không còn trong nội dung giáo dục từ bậc phổ thông trung học và đại học. Thay vào đó là các bài giảng về chính trị tạo nhàm chán khô khan nếu không nói là vô tích sự trong việc giúp đỡ củng cố và xây dựng nhân cách con người, cái cần và quan trọng nhất là trang bị cho mỗi cá nhân các chuẩn mực đạo đức làm hành trang vào đời. Dạy cho họ biết những điều gì nên và không nên làm khi hành xử với mọi người trên và dưới xung quanh , thế nào là con người có đạo đức và vô đạo đức thay vì giáo dục "con người mới XHCN" chung chung.

Với một người là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào cũng vậy, thì từ thủa lọt lòng cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, thì mọi bài giảng kinh của đạo Phật, bài giảng kinh của Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo khác, hàng tuần hay trong các ngày lễ là một bộ phận không thể thiếu được trong cuộc sóng của họ. Thông qua các bài giảng kinh đó đã dạy cho con người ta hướng tới cái Chân-Thiện-Mỹ những điều nên và không nên làm, những điều hay lẽ phải và quá trình đó không chỉ là một vài lần mà là hàng ngàn lần cho mỗi đời người. Quá trình lặp đi lặp lại như vậy tạo nên một hệ ý thức và lẽ sống cho họ, sống mình vì mọi người, thương yêu đùm bọc con người như thể thương thân, hay suy nghĩ "cho và chia sẻ với người khác là hạnh phúc".

Khi hiểu và thực hiện những điều giáo lý đó sẽ làm cho cái cá nhân của mỗi người sẽ nhỏ đi và cái cộng đồng, đồng bào sẽ càng được coi trọng. Đó chính là lý do vì sao đa phần những người là tín đồ của các tôn giáo thường là người tốt, họ sẵn sàng nhường nhịn và chia sẻ những cái mình có cho những đồng loại của mình khi gặp khó khăn vì họ hiểu được rằng tranh giành, giành giật là điều xấu xa mà không cho phép người có đạo đức được hành xử như vậy.

Hiện nay, khác với những năm xưa trên tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo, Đảng CSVN và chính quyền nhà nước đã bước đầu nhìn nhận tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chính sách tôn giáo, bảo vệ và tu tạo các di sản văn hóa tôn giáo.

Việc cho phép và hỗ trợ trùng tu hay xây mới các cơ sở tôn giáo, khôi phục các lễ hội văn hóa mang màu sắc tôn giáo v.v.. phần nào đã phản ảnh được điều đó. Tuy nhiên sự cởi mở ấy vẫn ở mức hạn chế, đặc biệt là quan niệm và các hành xử của chính quyền với các tôn giáo vẫn mang nặng sự ngờ vực không thành tâm và đôi khi cảnh giác không cần thiết. Nguyên nhân chính vì có nhiều giai đoạn những người cộng sản đã coi tôn giáo là kẻ thù của họ, bởi họ nhầm tưởng coi chủ nghĩa cộng sản mà họ theo đuổi và duy trì cũng là một thứ tôn giáo cần được độc tôn. Đảng CSVN và chính quyền đã nhầm lẫn khi coi vấn đề đạo đức con người là vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề xã hội hóa. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự coi nhẹ và xem thường ý nghĩa của các tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức cho nhân dân, điều này dẫn tới hệ quả như hôm nay chúng ta đã chứng kiến hậu quả của nó đã làm xã hội băng hoại, đạo đức con người xuống cấp trầm trọng ở mức báo động.

Giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững và lâu dài trong việc chấm dứt sự tuột dốc của đạo đức xã hội hôm nay và khôi phục lại những chuẩn mực đạo đức vốn có từ trước đến nay mà chúng ta đã vô tình đánh mất. Đó là ngay lập tức nhà nước và chính quyền nên có cách nhìn thân thiện hơn đối với các tôn giáo, nên hiểu tôn giáo là vấn đề xã hội đã trường tồn cùng với lịch sử con người ở mỗi quốc gia hàng ngàn năm nay. Qua đó hãy nhanh chóng ủng hộ hỗ trợ sự khôi phục, phát triển tôn giáo bằng các chế độ chính sách và ngân sách cần thiết có thể.

Đạo đức con người là nền tảng của một xã hội, là cái quý nhất. Một xã hội như Việt nam chúng ta hôm nay không thể phát triển nhanh và ổn định nếu không có sự cải tạo về cơ bản để xây dựng và phục hồi các chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho một hệ ý thức lành mạnh và tiến bộ cho người dân.

Hãy chấn hưng và tự do cho tôn giáo để phát huy tính tích cực vốn có của nó trong việc giải quyết chấm dứt sự xuống cấp của đạo đức.

Đó là biện pháp dễ dàng và hiệu quả nhất.


KAMI


Vì sao Việt nam không bao giờ hết kẻ thù?


Khẩu hiệu “Đầu hàng hay đánh” tại Hội nghị Diên hồng cách đây hàng trăm năm của Vua tôi nhà Trần và các vị bô lão vẫn là một bài học cần ghi nhớ, đó chính là kết quả của sự đồng thuận và đoàn kết nhất trí của nhân dân Đại Việt năm xưa.

Bằng sức mạnh đó dân tộc Việt nam đã ba lần đánh gục đội quân Nguyên Mông hùng mạnh một thủa, những kẻ đã chinh phục một nửa thế giới từ đông sang tây bằng vó ngựa nhưng đến đất Việt nam lại là tử địa của chúng.

KAMI



Mấy ngày trong tháng 12/2009 các nhà lãnh đạo cao cấp Việt nam có hàng loạt các chuyến công du sang các nước Nga, Hoa kỳ, Pháp, Hàn quốc..nhằm tìm kiếm đồng minh và tăng cường mua sắm các trang thiết bị quân sự nhằm củng cố và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Cụ thể chuyến đi Nga (từ 15 đến 16 tháng 12) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đi Mỹ và Pháp (từ 10 đến 20 tháng 12) của Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh và một đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thứ trưởng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, dẫn đầu đã tới thăm Hàn Quốc (từ 12/12-18/12).

Trong các chuyến thăm nói trên Việt Nam đã hoàn tất một số hợp đồng mua vũ khí quan trọng với Nga, Pháp và nâng cao mức quan hệ về quốc phòng với Hoa kỳ, Hàn quốc được giới phân tích và bình luận đánh giá là những động thái nhằm tỏ rõ dấu hiệu quan ngại trước sự bành trướng hải quân của Trung quốc trên Biển Đông, nó không chỉ đơn giản là sự phô trương mà đã và đang trở thành mối đe dọa tới an ninh quốc phòng của Việt nam. Các hoạt động dồn dập và sôi nổi trong lĩnh vực này được cho là chỉ dấu cho xu hướng đa phương hóa và hiện đại hóa quân đội Việt Nam để đối phó với các thách thức của thời kỳ mới, nhất là sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc.

Mặt khác các chuyến thăm trên cũng cho thấy nhà nước Việt nam đang tăng cường thắt chặt mối quan hệ quân sự mới với Nga vốn một thời là một người đồng chí, anh em hàng đầu đã từng viện trợ cho họ trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và đặc biệt là đồng minh tin cậy duy nhất sau khi mối quan hệ với Bắc Kinh tan vỡ, bằng cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979. Với Hoa kỳ cũng vậy, là một quốc gia cựu thù từng được coi là kẻ thù số một trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, mà kể cả khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ cho đến nay thì sự ngờ vực vẫn của nhà nước Việt nam vẫn có xu hướng giảm bớt một cách khiêm tốn. Thì chuyến đi thăm vừa qua của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh được coi là một bước tiến mới và là đánh dấu sự phát triển trong quan hệ quân sự song phương, như Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng đánh giá cho rằng “hợp tác với Mỹ là hết sức cần thiết”. Đối với nước Pháp cũng vậy, từng bị liệt vào là một trong ba đế quốc to bị thua trận ở Việt nam, tuy không thuộc dạng kẻ thù nguy hiểm như Hoa kỳ thì chuyến đi thăm của ông Phùng Quang Thanh được đánh giá là mở cơ chế đối thoại trực tiếp giữa bộ quốc phòng hai nước để xây dựng lòng tin và “tránh hiểu nhầm”.

Nhìn lại lịch sử cận đại của Việt nam trong những năm thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt là từ năm 1945 khi nhà nước Việt nam dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN thì một điều người ta dễ nhận thấy trong quan hệ đối ngoại của họ với các quốc gia thuộc hạng nước lớn như Nga (Liên xô), Trung quốc, Mỹ , Pháp, Nhật v.v.. từ bạn thành thù rồi lại từ thù trở thành bạn quay đi quay lại đến mức khó hiểu.

Điển hình là quan hệ với Trung quốc và Hoa kỳ.

Đối với Trung quốc, sau ngày 1/10/1949 với sự ra đời của nước CHND Trung Hoa là một nước đã có công rất lớn trong việc chi viện sức người sức của cho sự thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp(1946-1954) và chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam Việt nam (1954-1975) của đảng và nhà nước Việt nam. Nhưng ngay sau đó quan hệ Việt nam-Trung quốc xấu đi một cách nhanh chóng và đỉnh cao là cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (1979-1988), ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau khi Việt Nam và Liên bang Xô viết ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hợp tác, và sáu tuần sau khi Việt Nam xâm chiếm Campuchia, Trung Quốc đã tuyên bố một cuộc tấn công chống lại Việt Nam dọc theo biên giới chia cắt hai quốc gia. Quan hệ với Trung quốc khi đó trong chính sách đối ngoại, được đảng CSVN xác định là kẻ thù nguy hiểm trước mắt và lâu dài, điều này được ghi rõ trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam năm 1981, mối quan hệ căng thẳng đó được kéo dài cho tới năm 1991 khi hệ thống XHCN ở Liên xô và các nước Đông Âu tan rã. Điều ngạc nhiên sau khi quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước Việt nam và Trung quốc được bình thường hóa thì nó lại được phát triển rất nhanh chóng, từ mối quan hệ giữa hai kẻ thù chuyển thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt được tô thắm bằng 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt.

Vậy thì sao hôm nay nhà nước Việt nam lại ráo riết mua sắm trang thiết bị quốc phòng để chống lại họ?

Tương tự đối với Hoa kỳ cung không hề khác, ngay từ khi chưa giành được chính quyền đảng CSVN khi đó đang hoạt động dưới danh nghĩa của Mặt trận Việt minh người đứng đầu là Hồ Chí Minh tổ chức đánh Pháp kháng Nhật. Ngay từ khi ấy, Việt minh đã bắt tay với Hoa kỳ thông qua nhóm tình báo Con Nai (Deer Team) thuộc OSS. Theo lời đề nghị của Hồ Chí Minh, nhóm Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào tháng 7 năm 1945 để giúp đỡ trong việc huấn luyện các chiến sĩ Việt Minh đánh Nhật đồng thời chuyển giúp thư của Hồ Chí Minh đến chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Truman công nhận độc lập của Việt Nam. Tiếc rằng lịch sử đã đi theo hướng hai nước trở thành đối thủ trong cuộc chiến 20 năm hủy diệt từ 1954-1975 với sự thất bại của người Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, quan hệ hai nước cũng không hề được cải thiện, Hoa kỳ đã dùng biện pháp cấm vận kinh tế nhằm làm suy yếu nhà nước Việt nam. Tình trạng đó kéo dài cho tới 3.2.1994 khi quan hệ hai nước Việt nam Hoa kỳ được chính quyền Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa và ngày càng phát triển không ngừng cho đến ngày hôm nay, khi mà các động thái của nhà nước Việt nam cho chúng ta hiểu rằng họ đang mượn tay Hoa kỳ làm đối trọng trong quan hệ với Trung quốc.

Tuy ai cũng hiểu rõ rằng trong chính trị không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, nhưng nhìn lại hai ví dụ trên về quan hệ giữa Việt nam-Trung quốc và Việt nam-Hoa kỳ cho thấy nhà nước Việt nam dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN từ trước tới nay, không có một chủ trương nhất quán trong quan hệ đối ngoại với các nước, đặc biệt là các cường quốc.

Chính sách đối ngoại đó thay đổi quá nhanh trong việc chuyển từ kẻ thù thành bạn rồi từ bạn thành kẻ thù, việc đó cho người ta có cảm giác con đường của quan hệ đối ngoại của nhà nước Việt nam ví như đường đi của một chú kiến bò quanh quẩn miệng chén. Chính cái đó dẫn tới nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tranh đã gần như trở thành chu kỳ có thể dự định trước được, tựu chung các cuộc chiến đó dần trở thành hy sinh xương máu vô ích bởi mới là kẻ thù đánh nhau chán chê, xong lại thành bạn. Xưa ta “chống Mỹ cứu nước” thề quét sạch không còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì sao ngày hôm nay chúng ta lại “Đón Mỹ cứu nước” trải thảm đỏ đón kẻ xâm lược năm xưa quay lại với danh nghĩa nhà đầu tư tư bản nước ngoài?

Chúng ta thường thấy khẩu hiệu “Nguyện đi theo con đường của Bác Hồ đã chọn” được treo đầy ngoài đường phố, khẩu hiệu này còn được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ , Quốc hội và các tổ chức quần chúng ghi trong các cuốn sổ lưu niệm trong những ngày viếng Bác. Vậy xin hỏi, con đường mà trong công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác quốc tế kiểu “hôm qua là bạn, hôm nay là kẻ thù và ngày mai sẽ lại là bạn” diễn đi diễn lại mấy chục năm qua có phải là con đường Bác Hồ đã chọn hay không? Vì con đường mà công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác quốc tế Việt nam chúng ta đã đi trong mấy chục năm qua này là con đường sai lầm, nó làm cho Việt nam chúng ta chưa hết kẻ thù này lại xuất hiện kẻ thù khác ngay lập tức, cứ theo con đường này thì 1.000 năm nữa nước ta cũng không hết kẻ thù và các thế lực thù địch. Cả dân tộc luôn luôn phải sẵn sàng đối phó với nhiều loại kẻ thù, không được lơ là để dốc toàn lực vào công cuộc xây dựng kinh tế, kiến thiết đất nước.

Việc mua sắm vũ khí hiện đại trang bị cho quốc phòng nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của quân đội là một việc cần thiết của mọi quốc gia không chỉ riêng Việt nam. Nhưng để phát huy hiệu quả, trong công tác đối ngoại Việt nam cần phải giữ quan hệ tốt, làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới và duy trì mối quan hệ hài hòa giữ được khoảng cách hợp lý cần thiết giữa các nước lớn trên cơ sở các bên đều có lợi, phải tôn trọng độc lập, tự chủ và chủ quyền lãnh thổ. Việc nghiêng hẳn để dựa vào một quốc gia nào đó như chính quyền Việt nam Cộng hòa hay chính quyền Việt nam cộng sản những năm trước đây chính là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh xung đột triền miên hàng chục năm trời, biến Việt nam thành địa điểm đối đầu của các cường quốc, người Việt nam bị chia rẽ thành các phe phái và bị mượn tay cầm súng bắn giết lẫn nhau nhằm phục vụ cho lợi ích của các cường quốc.

Một đất nước trải dài với hàng ngàn km bờ biển với dân số 80 triệu dân, nằm một vị trí chiến lược trong bản đồ chính trị khu vực và thế giới như Việt nam ắt sẽ nằm trong sự dòm ngó của các nước lớn. Vũ khí duy nhất đảm bảo an ninh và sự bình yên của tổ quốc sẽ không hoàn toàn là phải dựa vào sức mạnh của quân đội hay vũ khí chiến tranh. Vì một thực tế cho thấy nếu xảy ra chiến tranh với các cường quốc, nếu chỉ độc lập, không dựa vào một cường quốc khác làm chỗ dựa thì việc sử dụng sức mạnh đoàn kết toàn dân và sử dụng chiến tranh nhân dân là sức mạnh vô địch duy nhất mà chúng ta có thể lựa chọn.

Đường lối đối ngoại của một chính đảng chính trị không thể là nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, nếu như chính đảng cầm quyền đó không ra đời từ nguyện vọng thông qua lá phiếu bầu thể hiện sự lựa chọn thực sự của quần chúng trong một cuộc bầu cử tự do thực sự công bằng và dân chủ. Có như vậy thì đảng chính trị nào không có chính sách đối ngoại khéo léo với các cường quốc, gây nên mối đe dọa về an ninh về chủ quyền quốc gia và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và coi trọng quyền lợi cục bộ của đảng mình, đặt quyền lợi dân tộc và đất nước dưới quyền lợi của đảng chắc chắn sẽ bị nhân dân đồng lòng loại bỏ bằng lá phiếu của mình.

Không phải nhìn đâu xa, cứ xem các nước trong khu vực Đông nam Á có nền dân chủ phát triển như Thái lan, Singapore, Malaixia, Indonexia và cả Philipines… họ đâu có sợ các nước lớn.

Một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự nơi mà mọi người dân đều sống, làm việc và được đối xử bình đẳng theo Hiến pháp và pháp luật. Đó chính là một nhà nước của dân, do dân và vì dân, khi đó người dân tự làm chủ vận mệnh cá nhân và vận mệnh tổ quốc mình một cách thực sự là yếu tố quan trọng để tạo nên sự đồng thuận, sự đoàn kết nhất trí của mọi tầng lớp nhân dân Việt nam trong và ngoài nước.

Khẩu hiệu “Đầu hàng hay đánh” tại Hội nghị Diên hồng cách đây hàng trăm năm của Vua tôi nhà Trần và các vị bô lão vẫn là một bài học cần ghi nhớ, đó chính là kết quả của sự đồng thuận và đoàn kết nhất trí của nhân dân Đại Việt năm xưa.

Bằng sức mạnh đó dân tộc Việt nam đã ba lần đánh gục đội quân Nguyên Mông hùng mạnh một thủa, những kẻ đã chinh phục một nửa thế giới từ đông sang tây bằng vó ngựa nhưng đến đất Việt nam lại là tử địa của chúng.

Bằng sức mạnh đó mà sau hơn 1000 năm Bắc thuộc người Trung quốc không thể đồng hóa được người Việt như hàng trăm tộc người khác hôm nay đã buộc trở thành người Trung quốc trên quê hương của họ như Mãn châu, Tây tạng, Tân cương v.v..

Đó chính là do sức mạnh vô địch của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt nam. Sức mạnh đó không có thứ vũ khí nào có thể khuất phục được.


KAMI


22 December 2009

Đảng Cộng sản Sợ Quân Đội Nhân Dân


Trước đe doạ quân đội Trung Quốc xâm lược chủ quyền lãnh thổ, mất nước, mất chủ quyền dân tộc, quân đội Việt Nam không thể ngỏanh mặt làm ngơ để bị muôn đời nguyền rủa. Biết đâu chính lòng yêu nước của các quân nhân trong quân đội Việt Nam sẽ là lực chính, thúc đẩy tiến trình dân chủ tại Việt Nam .

Nguyễn Quang Duy



Để sửa soạn cho Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2009, báo Quân Đội Nhân Dân cho phổ biến một loạt bài lấy chủ đề “Làm thất bại chiến lược Diễn biến hòa bình”. Trong loạt bài này, ngày 15/11/2009, Đại tá Tiến Sỹ Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng Ban Nghiên cứu - Tổng kết Lý luận thuộc Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, cho rằng đòi hỏi cần xây dựng quân đội chuyên nghiệp, để quân đội có khả năng gìn giữ biên cương lãnh thổ, chỉ nằm trong chiến lược "diễn biến hòa bình". Chiến lược này nhằm tách đảng Cộng sản ra khỏi quân đội. Ông Quang đã dùng đúc kết sau để kết luận bài viết: “Ở các nước đông Âu khi nhân dân nổi dậy quân đội đứng ngoài chính trị, chỉ tuân theo pháp luật, bảo vệ Tổ quốc nên đảng thua”.

Hội nghị nói trên diễn ra trong hai ngày 05 và 06 tháng 12 tại Hà Nội. Trong phần khai mạc ,Tổng Bí thư cộng sản Nông Đức Mạnh nhận định về vai trò quân đội như sau: "Trong tình hình mới, hơn bao giờ hết quân đội phải tỉnh táo, nhạy bén về chính trị, phân biệt rõ địch, ta, đối tượng, đối tác, nắm vững bản chất, đánh giá đúng các hiện tượng, chủ động ngăn ngừa và đập tan mọi âm mưu thủ đoạn xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch; xác định đúng mục tiêu yêu cầu xây dựng quân đội cả tầm gần và tầm xa. Quân đội cũng phải thường xuyên nắm chắc tình hình, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, xử trí đúng đắn các tình huống phức tạp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ đường lối của Đảng, chủ động tiến công làm thất bại các âm mưu, hành động phá hoại của kẻ thù, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh của đất nước, nhất là trong dịp có các sự kiện quan trọng của đất nước.”

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trong diễn văn bế mạc hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong quân đội: "Các cấp ủy chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, chú trọng về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng; chủ động đấu tranh chống âm mưu, hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và quan điểm sai trái, giữ vững, tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.”

Trong cuộc họp báo công bố Sách trắng Quốc phòng tại Hà Nội, ngày 8/12/2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng tuyên bố "những thế lực thù địch vẫn sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, kích động lực lượng bên trong chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam".

Thực ra đây không phải là chuyện mới lạ gì.
Ngày 27/8/2007 tại Tổng Cục Chính Trị Quân Đội, Chủ tịch nhà nước cộng sản Nguyễn minh Triết từng tuyên bố: “… khẳng định trước sau như một là chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng đảng của chúng ta. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát, cho nên phải củng cố công tác chính trị tư tưởng, củng cố vai trò của đảng…” Tiếng nói của ông Triết là tiếng nói chính thức của đảng Cộng sản. Việc ông Triết công khai cảnh giác về đòi hỏi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp trước thành phần lãnh đạo quân đội cho thấy nội bộ quân đội đã có những thách thức về vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản, cũng như những đòi hỏi đảng Cộng sản phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, và việc này đã làm cho giới cầm quyền lo sợ.

Trừơng hợp anh Nguyễn Tiến Trung gia nhập quân đội nhưng nhất quyết không thề “trung với đảng”. Anh Trung tin rằng quân đội phải trung thành với tổ quốc, với đất nước, với dân tộc thay vì với đảng cầm quyền. Anh Trung còn hãnh diện là đảng viên đảng Dân chủ Việt Nam và từng tuyên bố thi hành nghiã vụ để quân đội trở nên đa đảng. Giới cầm quyền quân đội đã bó tay chấp nhận cho đến ngày anh rời khỏi quân đội.

Trở lại với bài viết Đại tá Nguyễn Văn Quang, thay vì nhận ra nhu cầu bức thiết phải xây dựng quân đội chuyên nghiệp hay hiện đại hóa quân đội để quân đội có khả năng gìn giữ biên cương lãnh thổ, ông cha ta để lại, ông Quang ngược lại cho rằng đòi hỏi này là đòi hỏi phản động vì :

Thứ nhất đòi hỏi này “loại bỏ vai trò lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản Việt Nam. ” và “… không chỉ với quân đội mà còn đối với toàn xã hội.”

Ông Quang đưa ra một số lý do từ phiá đòi hỏi xây dựng quân đội chuyên nghiệp như: (1) trình độ lạc hậu của quân đội Việt Nam không thể bảo vệ được lãnh thổ, biển đảo; (2) đảng Cộng sản Việt Nam không chăm lo xây dựng quân đội chuyên nghiệp; (3) để có một quân đội hiện đại cần luật hóa quân đội để quân đội đứng ngoài chính trị các đảng phái; và (4) quân đội chỉ là của nhà nước và phục tùng nhà nước mà thôi…

Thứ hai đòi hỏi này “làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam nghi hoặc về chức năng nhiệm vụ, mất mục tiêu lý tưởng chiến đấu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.” Theo ông Quang nếu chỉ chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp mà không nâng cao bản chất chính trị giai cấp của quân đội thì quân đội sẽ không còn thực sự là quân đội của giai cấp công nhân, nhân dân lao động do đảng Cộng sản lãnh đạo.

Đây là một quan điểm đã quá lỗi thời vì đảng Cộng sản Việt Nam không còn hay chưa bao giờ đại diện cho giai cấp công nhân hay nhân dân lao động. Lại nữa, ước mơ của người cộng sản là biên giới các quốc gia cộng sản sẽ được xoá bỏ để tiến đến một thế giới đại đồng. Chính vì ước mơ này một phần không nhỏ lãnh thổ Việt Nam đã bị quốc gia đàn anh Trung Quốc chiếm đóng. Càng ngày Trung Quốc lại càng lộ rõ dã tâm xâm chiếm các quốc gia trong vùng bằng quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá… Muốn giữ gìn bờ cõi ông cha để lại, về quân sự chỉ có một phương cách duy nhất là hiện đại hoá, chuyên môn hoá quân đội.

Thứ ba, đòi hỏi này “làm suy yếu tính nhân dân của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Theo ông Quang: “quan điểm“chuyên nghiệp hóa quân đội, thành lập quân đội tự nguyện chuyên nghiệp, chuyển nghĩa vụ quân đội thành nghĩa vụ dân sự’’, khi có sự biến, chắc chắn chỉ còn một mình quân đội phải gánh vác. Và nếu chỉ quan tâm tới lực lượng tự nguyện chuyên nghiệp thì lấy đâu ra nguồn nhân lực hùng hậu bổ sung cho quân đội trước thiên tai, bão lụt chứ đừng nói gì đến động viên cho chiến tranh.”

Đây là một đề tài lớn giữa tình nguyện và cưỡng bách quân dịch. Trong hoà bình việc tình nguyện và chuyên môn hoá quân đội thường được đem ra áp dụng. Khi chiến tranh luật tổng động viên có thể được ban hành theo nhu cầu chiến cuộc.

Lịch sử đã chỉ thấy nếu quân đội thực sự phục vụ tổ quốc dân tộc khi chiến tranh toàn dân sẽ một lòng phục vụ quân đội chống ngoại xâm.

Vai trò chính cuả quân đội là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Quân đội cũng giúp dân trong việc xây dựng làng xã công trình công cộng, cứu trợ thiên tai bão lụt,... nhưng đây không phaỉ là vai trò chính. Miền Nam trước 1975, các công tác trên đã được các đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh tình nguyện thực hiện. Một xã hội dân sự lành mạnh là nhu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam ngày nay.

Chính ông Quang cũng cho rằng “cần kết hợp một cách hợp lý giữa chế độ tình nguyện và nghĩa vụ là điều mọi quốc gia đang làm.”

Thứ tư là “tạo ra “các cơ sở pháp lý để thâu tóm quân đội, dùng chính quân đội để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.” Theo ông Quang: “Khi mà Hiến pháp đã ban ra, việc thực thi “quân đội chuyên nghiệp” sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc dễ bề thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”. Kẻ thù sẽ tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, rồi dùng ngay sức mạnh quân sự bấy lâu nay được Đảng tôi luyện, nhân dân ta nuôi dưỡng để chống lại Đảng, lật đổ Nhà nước, xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…”

Rõ ràng đảng Cộng sản đang lo sợ Quân Đội Nhân Dân sẽ đứng về phiá người dân để giành lại các quyền tự do cho toàn dân tộc, từ tay một thiểu số cầm quyền cộng sản.

Đại Hội lần này, đảng cộng sản đang phải đối đầu với suy thoái kinh tế, lạm phát phi mã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam . Các quân nhân thường gánh phải nhiều khó khăn về vật chất, có khi còn mắc khó khăn hơn các tầng lớp xã hội khác. Đa số các quân nhân thi hành nghĩa vụ thường lệ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình.

Bên cạnh khủng hoảng kinh tế là những khủng hoảng về văn hóa, giáo dục, luật pháp, tư tưởng… Và nạn tham nhũng đang ngày một xoáy mòn đảng và nhà nước cộng sản.

Đa số cán bộ trung và cao cấp trong quân Đội ngày nay đều trưởng thành trong cuộc chiến tại Cam Bốt và cuộc chiến chống bá quyền Trung Quốc xâm lược. Họ có cách nhìn và suy nghĩ khác với thiểu số cầm quyền cộng sản. Chính vì thế Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khóa IX) tiến đến việc thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội theo đúng khuôn mẫu đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra. Từ đó mới dẫn đến các đòi hỏi chuyên (chuyên nghiệp hóa quân đội) hơn hồng (chính trị hóa quân đội). Chuyên để giữ nước hồng để giữ đảng. Giữ nước hay giữ đảng chính là câu hỏi đang được giới quân nhân quan tâm tìm câu trả lời.

Trước đe doạ quân đội Trung Quốc xâm lược chủ quyền lãnh thổ, mất nước, mất chủ quyền dân tộc, quân đội Việt Nam không thể ngỏanh mặt làm ngơ để bị muôn đời nguyền rủa. Biết đâu chính lòng yêu nước của các quân nhân trong quân đội Việt Nam sẽ là lực chính, thúc đẩy tiến trình dân chủ tại Việt Nam.


Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi




Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers