Bài học ở đây là phải cải tổ cơ chế để mở rộng thị trường nội địa và lấy đó làm sức đẩy. Đây là bài học quan trọng nhất của toàn bộ vụ khủng hoảng. Với dân số gần 90 triệu dân, tức là có thị trường nội địa đủ lớn, đáng lẽ Việt Nam phải học lấy bài học này mà sớm cải tổ.Vụ chấn động vừa rồi có thể là cơ hội rút tỉa kinh nghiệm sau nhiều năm hồ hởi với triển vọng hội nhập. Chủ yếu là phải lấy sức dân là chính và hội nhập mọi thành phần vào công cuộc phát triển thay vì cứ ngó ra ngoài và chỉ tìm mối lợi cho một thiểu số. Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Quang RFA |
Hai trận suy trầm toàn cầu của 10 năm đầu thiên niên kỷ thứ ba...
Thiên niên kỷ thứ ba khởi đầu với một vụ khủng hoảng từ Đông Á lan ra thế giới vào năm 1999. Thập niên đầu của thiên niên kỷ lại đang kết thúc với vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 từ các xứ công nghiệp dội về Á Châu. Từ hai vụ khủng hoảng mở đầu và kết thúc một thập niên, các nước Á Châu có thể rút tỉa được bài học gì? Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về những bài học đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Thanh Quang thực hiện sau đây.
Thanh Quang: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta đang ở vào mấy ngày cuối của một năm đầy biến động kinh tế mà cũng là năm cuối của thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Khi tổng kết, ta lại nhớ tới vụ biến động tài chính Đông Á năm 1997 khiến thế giới bị ảnh hưởng khi chuẩn bị chào đón thiên niên kỷ thứ ba. Thành ra, 10 năm vừa qua đã bắt đầu bằng một vụ khủng hoảng và kết thúc cũng bằng một vụ khủng hoảng! Vì vậy, chương trình cuối năm cần kiểm lại hiện tượng ấy và rút tỉa một số bài học cho các nước Á Châu. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thấy đây là ý kiến rất độc đáo vì có thể cho mình thấy chuỗi liên hệ giữa các biến cố ấy. Nhưng muốn hiểu ra thì có lẽ ta phải đi lại từ bối cảnh chung và một số định nghĩa để mình cùng thấu triệt về nội dung được đề cập.
Thanh Quang: Như vậy, xin ông bắt đầu bằng bối cảnh và định nghĩa.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, trong từng quốc gia thì sinh hoạt sản xuất thường có lúc thịnh lúc suy theo một chu kỳ người ta nghiệm thấy là cứ sáu bảy năm thì xảy ra một lần. Người ta gọi đó là hiện tượng "suy trầm" hay "recession" theo tiếng Anh. Hoa Kỳ định nghĩa suy trầm là khi đà tăng trưởng sút giảm hai quý liền, tức là trong sáu tháng liền, và định nghĩa này đã trở thành phổ biến, cũng được nhiều nước áp dụng.
- Thế rồi từ khi kinh tế các nước mở ra buôn bán với nhau ngày một tự do hơn và nhiều hơn, chủ yếu là từ 1990 trở về sau, nạn suy trầm ở xứ này có thể gây ảnh hưởng cho xứ khác, nặng nhẹ là tùy quân bình vĩ mô và mức độ hội nhập là buôn bán với nhau và bị ảnh hưởng nặng nhất là các nước đang có nhiều yếu kém nội tại. Khi đa số các nước đều bị suy trầm cùng lúc thì ta có nạn "suy trầm toàn cầu" hay "global recession" là chuyện đã xảy ra năm nay.
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì định nghĩa "suy trầm toàn cầu" là khi đà tăng trưởng bình quân của thế giới chỉ còn có tối đa là 3% một năm và nghiệm thấy là cứ tám năm hay 10 năm thế giới lại bị một lần. Thật ra, theo định nghĩa này thì từ 20 năm nay, thế giới bị bốn lần, vào các năm 1990-1993, 1998, 2001-2002 và 2008-2009. Bây giờ ta mới nói về vụ khủng hoảng tài chính Á Châu...
Thanh Quang: Thưa vâng, chúng ta nhớ lại vụ khủng hoảng khởi đi từ những biến động ngoại hối tại Thái Lan năm 1997 rồi lan khắp Đông Á để dẫn tới nạn suy trầm toàn cầu vào các năm 1998-1999, có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về bối cảnh thì thời ấy, cả thế giới đang ngợi ca sự kỳ diệu kinh tế Đông Á và sự xuất hiện của các nước "tân hưng" tức là mới phát triển. Thế rồi vụ khủng hoảng ngoại hối bùng nổ hôm mùng hai Tháng Bảy năm 1997 tại Thái Lan đã gây khủng hoảng kinh tế cho các nước Đông Á. Khi ấy, Trung Quốc chưa là sức mạnh kinh tế và chưa hội nhập như sau này. Việt Nam cũng vậy, mới chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp thôi. Nói chung, vụ khủng hoảng làm các nước Đông Á tiêu hủy hết thành quả tăng trưởng tích tụ trong 10 năm trước và là một biến cố kinh tế và chính trị còn trầm trọng hơn những gì ta đang thấy ngày nay.
- Sau đó, cơn chấn động Đông Á lan qua các nước Brazil, Argentina, Liên bang Nga và dội về Hoa Kỳ. Giới đầu tư của các nước giầu bèn hạn chế cho các nước đang phát triển vay tiền, làm kinh tế thế giới bị suy trầm năm 1998. Hậu quả là cuối năm đó dầu thô tuột giá mất 75%, chỉ còn có tám đồng một thùng khiến các nước xuất khẩu dầu thô cũng bị thiệt hại. Nhưng ảnh hưởng sâu xa và bất ngờ của vụ khủng hoảng là góp phần dẫn tới nạn suy trầm năm 2001-2002.
Khủng hoảng Đông Á gây ra suy trầm
Thanh Quang: Như vậy thì trên đang ở trên đài vinh quang, các nước Á Châu bỗng lộn nhào và gây họa cho thế giới. Nhưng như ông vừa nói thì vụ khủng hoảng ấy còn góp phần dẫn tới nạn suy trầm năm 2001-2002, nghĩa là di hại tới ba bốn năm sau?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thời ấy, các nước bị hại nặng nhất là tại Á Châu, làm nhiều chính quyền bị đổ. Nhưng rút tỉa bài học đó, xứ nào cũng tìm cách hạ tỷ giá đồng bạc để xuất khẩu mạnh và cải cách cơ chế kinh tế để có lượng dự trữ ngoại tệ đủ lớn cho cả yêu cầu tài trợ nhập khẩu lẫn ứng phó với đột biến ngoại hối. Hậu quả - như diễn đàn này có dịp trình bày trong chương trình kỳ trước về mục tiêu của khối dự trữ ngoại tệ - là dự trữ ngoại tệ dồi dào của các nước đang phát triển lại chảy ngược về Hoa Kỳ để kiếm lời một cách an toàn.Công khố phiếu Mỹ được chiếu cố và tiền rẻ lại thổi lên bong bóng đầu tư trên thị trường Mỹ. Trước hết là bong bóng cổ phiếu. Khi trái bóng này bể năm 2000 - và dẫn tới suy trầm năm 2001-2002 - thì tiền lại chảy qua khu vực địa ốc thành trái bóng gia cư vừa bị bể năm 2006 và dẫn tới khủng hoảng tại Mỹ sau này.
Thanh Quang: Nhìn vậy thì ta thấy ra cái vòng liên hoàn nối kết các nền kinh tế với nhau và dường như sự ứng phó trong mỗi lần hoạn nạn lại có thể là cái nhân cho một vụ khủng hoảng khác!
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy cho nên từ chuyện Đông Á năm 1997 ta mới bước qua chuyện Hoa Kỳ năm 2007 và vụ suy trầm toàn cầu năm 2008-2009.
- Sau khi trái bóng cổ phiếu Mỹ bị bể năm 2000, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm năm 2001. Nhưng đó là một vụ suy trầm có tám tháng dù xứ này bị khủng bố vào tháng Chín rồi bị vụ khủng hoảng của nhiều tập đoàn kinh doanh bất lương vào cuối năm đó. Từ vụ suy trầm 2001, người ta dự đoán là kinh tế Mỹ lại trôi vào một chu kỳ trì trệ khác sau sáu năm tăng trưởng, là tình hình năm 2007. Quả nhiên là cuối năm 2007, sản lượng kinh tế Mỹ có bị đình đọng và người ta chờ đợi một trận suy trầm có thể kéo dài cả năm, là mức bình quân đã từng thấy từ sau Thế chiến II.
- Nào ngờ vụ bể bóng gia cư năm 2006 lại dẫn tới sự sụp đổ của loại tín dụng thứ cấp
- thiếu an toàn và đầy rủi ro - và gây ra khủng hoảng tài chính tại Mỹ vào tháng Chín năm ngoái. Thật ra, trái bóng gia cư và tín dụng thứ cấp cũng đã có sẵn tại nhiều nước Âu Châu nên khủng hoảng tại Mỹ mới gây chấn động trước tiên và nặng nhất cho Âu Châu và dẫn tới nạn suy trầm kinh tế Âu-Mỹ. Trong khi đó, Nhật chưa thoát khỏi cơn hoạn nạn từ vụ bể bóng cố phiếu và địa ốc năm 1990 vả bị suy trầm liên tục.
Vì vậy, ba đầu máy kinh tế mạnh của nhóm công nghiệp hoá đều đình trệ cùng lúc khiến các nước đang phát triển, trong đó có các nước Á Châu, bị vạ lây, là vụ suy trầm toàn cầu 2008-2009. Nhưng là một trận suy trầm chứ không phải tổng khủng hoảng như người ta đã lo sợ.
- Thế rồi, bị suy trầm sớm nhất, là từ tháng 12 năm 2007, Hoa Kỳ đụng đáy trước nhất vào giữa năm 2009 và bắt đầu hồi phục, coi như đã trì trệ mất gần hai năm. Âu Châu bị sau nên bật dậy chậm hơn và với tốc độ chỉ bằng phân nửa Hoa Kỳ trong năm tới. Còn Nhật Bản thì chỉ có tốc độ bằng quãng một phần tư, tức là 0,7% một năm. Trong khi ấy, các nước đang phát triển sẽ bung lên mạnh nhất, với tốc độ bình quân khoảng 6,5%. Tính trung bình thì kinh tế thế giới năm tới có thể đạt mức tăng trưởng là 4%, tức là cao hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 3%. Trong số các nước đang phát triển, dẫn đầu sẽ là các nước Á Châu.
Thanh Quang: Tổng kết lại thì 10 năm sau khi Á Châu bị khủng hoảng và gây suy trầm cho thế giới thì lại bị suy trầm do một vụ khủng hoảng phát sinh trước tiên từ các nước công nghiệp hoá Âu-Mỹ. Bây giờ, các nước Á Châu ngoài Nhật Bản đang hồi phục nhanh nhất có thể là từ kinh nghiệm của vụ khủng hoảng trước của họ? Và đấy là một bài học đầu tiên?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Bài học đầu tiên của các nước này là tư bản quốc tế có thể chảy vào mà cũng chảy ra rất nhanh nếu thấy bất trắc hoặc ít lời. Vì vậy, đa số đều thắt lưng buộc bụng để có một dự trữ ngoại tệ đủ dày hầu có thể ứng phó với các vụ chấn động ngoại hổi khi ngoại tệ tháo chạy ra ngoài. Nhưng dự trữ ngoại tệ ấy của họ cũng là tài sản đầu tư nên lại chảy ngược về Hoa Kỳ và thổi lên bong bóng tại Mỹ, như chúng ta vừa trình bày.
- Vì sao lại như vậy lại là một bài học khác: Vì sao không đầu tư ngay trong thị trường nội địa của mình? Một thí dụ là vì sao Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 2.230 tỷ Mỹ kim mà không ưu tiên đầu tư vào các khu vực nội địa kém mở mang và đang cần đầu tư để phát triển? Câu trả lời là những ách tắc trong môi trường đầu tư của họ. Giải tỏa ách tắc về cơ chế và cải thiện môi trường đầu tư nội địa mới là bài học. Các nước đã bị khủng hoảng nặng nhất 10 năm trước đều có thấy ra vấn đề và đã cải cách.
- Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lần này Nam Hàn và Indonesia lại ít bị hiệu ứng suy trầm hơn cả và nhờ vậy sẽ vọt lên nhanh nhất. Với đà tăng trưởng dự báo là 8% vào năm tới, Ấn Độ cũng thuộc trường hợp này mà ít ai nói tới. Việt Nam dường như chưa học được kinh nghiệm nên có dự trữ quá mỏng và vẫn để xảy ra nạn thất thoát tư bản. Ngoài ra, chế độ ngoại hối thiếu linh động còn khiến chính quyền bị nguy cơ khủng hoảng ngoại hối và lạm phát nặng.
Thanh Quang: Ngoài các bài học ấy, dường như các nước Á Châu cũng thấy là nếu có một hệ thống ngân hàng lành mạnh và nền móng vĩ mô quân bình thì khi hữu sự, chính quyền có khả năng mạnh tay ứng phó để kéo kinh tế ra khỏi suy trầm. Điều ấy có đúng không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Đa số các nước đều có quân bình ngân sách hoặc bội chi thấp, bình quân thì chỉ 0,1% Tổng sản lượng GDP trước vụ suy trầm, cho nên họ có thể tăng chi để kích cầu mà không bị khiếm hụt nặng. Bình quân thì chỉ chừng 4% và năm tới có thể giảm xuống 3,5%. So sánh thì trường hợp của Việt Nam rất đáng ngại vì bị bội chi cao gấp hai.
- Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của họ cũng vững hơn và có hiệu năng cao hơn và lãi suất ngắn hạn có giảm từ 5,5% xuống 2,5% thì khối tiền tệ gia tăng cũng rót vào đúng nơi cần cứu. Nhờ vậy mà các biện pháp tiền tệ hay ngân sách đều có ngay kết quả và ngân sách quốc gia cũng có khả năng cấp cứu các ngân hàng bị nạn mà không gây hốt hoảng cho thị trường.
Thanh Quang: Câu hỏi cuối, thưa ông, đó là mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu có thể là một nguyên do không, khiến các nước dễ bị suy trầm khi các thị trường xuất khẩu của họ bị thu hẹp vì khủng hoảng tại Mỹ, Âu Châu hay Nhật Bản?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như thế. Là một xứ rất nhỏ nên phải làm giàu nhờ thị trường bên ngoài, Singapore lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều nhất nên bị hậu quả nặng nhất. Ta nhớ rằng xuất khẩu của xứ này lên tới 185% tồng sản lượng GDP. Ngược lại, Indonesia chỉ lệ thuộc có 27% nên bị nhẹ hơn cả. Trong bối cảnh ấy, ta nhớ lượng xuất khẩu lên tới 70% GDP của Việt Nam, còn cao hơn Thái Lan là 64%, nên vẫn phải trông cậy vào các thị trường Hoa Kỳ và Âu Châu.
- Bài học ở đây là phải cải tổ cơ chế để mở rộng thị trường nội địa và lấy đó làm sức đẩy. Đây là bài học quan trọng nhất của toàn bộ vụ khủng hoảng. Với dân số gần 90 triệu dân, tức là có thị trường nội địa đủ lớn, đáng lẽ Việt Nam phải học lấy bài học này mà sớm cải tổ. Vụ chấn động vừa rồi có thể là cơ hội rút tỉa kinh nghiệm sau nhiều năm hồ hởi với triển vọng hội nhập. Chủ yếu là phải lấy sức dân là chính và hội nhập mọi thành phần vào công cuộc phát triển thay vì cứ ngó ra ngoài và chỉ tìm mối lợi cho một thiểu số.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA & THANH QUANG RFA
No comments:
Post a Comment