Giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững và lâu dài trong việc chấm dứt sự tuột dốc của đạo đức xã hội hôm nay và khôi phục lại những chuẩn mực đạo đức vốn có từ trước đến nay mà chúng ta đã vô tình đánh mất. Đó là ngay lập tức nhà nước và chính quyền nên có cách nhìn thân thiện hơn đối với các tôn giáo, nên hiểu tôn giáo là vấn đề xã hội đã trường tồn cùng với lịch sử con người ở mỗi quốc gia hàng ngàn năm nay. Qua đó hãy nhanh chóng ủng hộ hỗ trợ sự khôi phục, phát triển tôn giáo bằng các chế độ chính sách và ngân sách cần thiết có thể. KAMI |
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những chuẩn mực, những định hướng giá trị được xã hội thừa nhận và có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người. Đạo đức có các chức năng giáo dục, phản ánh và điều chỉnh cho mỗi cá nhân thành viên cộng đồng xã hội, nó là nền tảng không thể thiếu được của một hệ ý thức. Với các chức năng ấy đạo đức không chỉ là cái gốc của mỗi con người mà cùng với pháp luật, nó còn là công cụ và nền tảng quan trọng để xây dựng trật tự xã hội .
Đã tới lúc không thể chậm trễ, cần gấp rút gióng lên tiếng chuông cảnh báo toàn xã hội về tình trạng đạo đức con người Việt nam hôm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này đã trở nên tình trạng phổ biến của đại đa số người Việt nam chúng ta, bất kể thuộc nhóm nào, thành phần của xã hội cũng đều có các biểu hiện xuống cấp của đạo đức.
Không khó gì để biết, chỉ cần đọc báo hàng ngày bạn cũng dễ dàng biết được rất nhiều thông tin của sự xuống cấp đạo đức mà không thể thống kê ra hết được. Chỉ cần lướt qua các tiêu đề báo hàng ngày cũng có thể thấy được, nào là "Đạo đức kinh doanh xuống cấp", "Đạo đức học đường xuống cấp", "Đạo đức trong ngành y tế xuống cấp", "Đạo đức xã hội xuống cấp", "Đạo đức đảng viên xuống cấp" v.v.. hay nói một cách ngắn gọn là mọi chuẩn mực đạo đức của toàn xã hội đã bị tàn phá ở trên mọi lĩnh vực.
Những hành động vô đạo đức đó diễn ra trước mắt mọi người chúng ta ở bất kỳ chỗ nào, mọi nơi, mọi chỗ đã và đang trở thành việc "thường ngày ở Huyện". Nhỏ nhất như vứt, xả rác bừa bãi, chen lấn tranh giành thay cho việc xếp hàng theo thứ tự khi mua hàng hoặc chờ sử dụng các dịch vụ hoặc lưu thông trên đường. Lớn hơn một chút kẻ có chức và có quyền bất kể ở vai trò gì kể cả thấp hèn như hộ lý, y tá cũng đều gây khó dễ để kiếm chác tiền "bồi dưỡng" bằng phong bì chứ chưa nói gì đến các chức vụ lớn hơn. Từ đó dẫn tới những hành vi chạy chức chạy quyền của các quan chức và cứ tương tự như vậy dẫn tới các hành động tiêu cực cực đoan ở mức cao hơn nữa đại loại học trò tạt axit thầy giáo, bạn của cha hãm hiếp con gái, đâm chết người chỉ vì nhìn "đểu",một bà mẹ liệt sĩ bị cháu nội hành hung đến chết,một thầy giáo bị học sinh đánh trọng thương ngay trên bục giảng.v.v..
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao ngày càng có nhiều vụ việc suy đồi về đạo đức như mẹ giết con, con giết cha, trò đánh thầy, em đánh anh, dân đánh công an… gây nhức nhối đến vậy? Đâu là nguyên nhân? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Hàng loạt câu hỏi đặt ra không chỉ cho chính quyền các cấp, mà còn cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ và tìm ra những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và không cho sự xuống cấp đi xuống quá mức như hiện nay được.
Có nhiều người đánh giá rằng sự băng hoại của một hệ thống đạo đức của toàn xã hội Việt nam hôm nay là hậu quả của chính sách giáo dục đạo đức bị xem nhẹ và lệch hướng kéo dài vài thế hệ con người của đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ. Mọi giá trị và chuẩn mực của đạo đức bị xem nhẹ và bị coi thường một phần cũng do nền kinh tế kém phát triển quá kéo dài. Khi tình trạng người lao động không đủ ăn và nuôi gia đình chính là nguyên nhân đã tạo ra sự ích kỷ của mỗi cá nhân, đã tạo thành nếp đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ. Mà điều này kể cả đến nay, từ khi đất nước chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường cuộc sống tuy được cải thiện hơn, nhưng ngược lại sự xuống cấp của đạo đức theo chủ nghĩa đồng tiền có chiều hướng ngày càng gia tăng hơn.
Cái đó gọi là sự ích kỷ quá coi lợi ích cá nhân mình, đồng thời thiếu sự nhường nhịn của người Việt nam chúng ta, chỉ nghĩ cá nhân mình, gia đình mình là quan trọng trên hết. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, sẵn sàng trả bằng bất cứ giá nào vì sự vụ lợi của cá nhân mình bất chấp các hành động đó gây tổn hại cho những người xung quanh là đồng bào của mình hay cả cộng đồng xã hội. Quan trọng hơn nếp nghĩ đó đã góp phần làm cho nền tảng đạo đức xã hội vốn ít được quan tâm, ngày cảng lỏng lẻo và rệu rã hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội mà các học giả, các nhà nghiên cứu xã hội học đã phân tích đánh giá với nhiều lý do khác nhau, mà theo họ các nguyên nhân chủ quan khách quan và vô vàn những lý do khác như : Đánh mất truyền thống của đạo đức vốn có, các giá trị về văn hóa ứng xử không được coi trọng, xã hội bị cuốn theo lối sống hưởng thụ, coi trọng giá trị đồng tiền hơn mức cần thiết và không có phương pháp giáo dục đạo đức hợp lý, cả ở trong môi trường gia đình và nhà trường.
Mọi lý do, mọi nguyên nhân nêu trên đều có những cái đúng ở một chừng mực nào đó có thể tạm chấp nhận được, kể cả một số người có suy nghĩ cực đoan cho rằng sự băng hoại của nền tảng đạo đức xã hội hiện nay là do việc chính quyền việc xây dựng một ý thức hệ mang tính chất cộng sản mang tính định hướng lệch lạc cái này không hoàn toàn tuyệt đối đúng. Tuy nhiên hệ quả của nó dẫn tới sự xuống cấp về mặt đạo đức của toàn xã hội là một thực tế khách quan không thể chối bỏ.
Nhưng với đánh giá của cá nhân tôi thì cho rằng nguyên nhân mấu chốt làm cho xã hội Việt nam xuống cấp về mặt đạo đức đó là chúng ta không coi trọng và thấy hết tầm quan trọng của việc sử dụng Tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức con người, mà cái đó hàng ngàn năm nay vẫn bền bỉ, dai dẳng tồn tại song hành với mọi dân tộc trên thế giới nói chung và dân tộc Việt nam nói riêng. Đó chính là yếu tố hết sức quan trọng, mang tính quyết định để xây dựng một nền tảng đạo đức cho bất kỳ chế độ xã hội nào. Đừng quên rằng tôn giáo mãi mãi là tôn giáo, nó luôn mang tính tích cực, nó chỉ biến thành mối đe dọa tới sự ổn định của một chế độ khi tôn giáo bị một số kẻ cố tình chính trị hóa và lợi dụng vì mục đích chính trị.
Bất cứ tôn giáo nào cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ của tôn giáo mình. Đa số các tôn giáo đều tuyên bố về giá trị tối cao của các lực lượng siêu nhiên (Thượng đế, Chúa, Phật, Thần thánh) và mọi giá trị khác phải lấy đó làm chuẩn. Trên thực tế cho thấy, quan niệm đạo đức của hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những giá trị đặc thù nhằm bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn chủ yếu là đề cập đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác...
Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ là những chuẩn mực cơ bản của đạo đức con người. Ngoài ra mọi tôn giáo đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống hàng ngày và ít nhiều mang giá trị có tính nhân văn, trên thực tế những giá trị và chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội
Đặc biệt trong hệ thống những giá trị chuẩn mực của mọi tôn giáo, ngoài những điều khuyên răn cấm đoán tạo nên nội dung riêng của đạo đức tôn giáo, còn có những điều khuyên răn cấm đoán hướng con người biết tới những điều hay lẽ phải, những điều nên và không nên trong hành việc hành xử hàng ngày giữa các thành phần trong xã hội. Đây là một điểm hết sức quan trọng và cần thiết trong vấn đề giáo dục đạo đức con người ở mọi lứa tuổi và mọi thế hệ.
Vì bản thân tôn giáo là một bộ phận quan trọng của ý thức hệ, tôn giáo đã đem lại cho mọi cộng đồng xã hội, cho mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc khác nhau những chuẩn mực đạo đức nhất định thể hiện trong cách ứng xử, lối sống, phong tục, tập quán, trong các yếu tố văn hóa vật chất cũng như tinh thần. Và điều dễ nhận thấy là, những hệ thống đạo đức của tôn giáo tuy rất khác nhau về niềm tin, rất xa nhau về địa lý nhưng nó vẫn có một mục đích chung đó là nội dung hướng thiện cho con người.
Hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho con người đặc biệt là lứa tuổi học trò chỉ đơn thuần dựa vào hệ thống giáo dục của nhà nước qua các môn học đạo đức, luân lý hay giáo dục công dân. Cũng cần nhắc đến những điểm hạn chế nhất định về nội dung của các tài liệu sách giáo khoa còn mang tính chung chung và mang nặng tính chính trị, một đưa trẻ khó mà trở thành con người tốt khi mà lúc còn bé đã bị tiêm nhiễm các tư tưởng đâm chém, giết chóc qua các bài toán có nội dung "một chú bộ đội bắn một phát chết ba thằng Mỹ, phát thứ hai chết ha thằng nữa. Hỏi rằng..?" trong khi đối với tôn giáo tội giết người là một trong những trọng tội.
Khi còn bé thì như vậy, khi lớn lên thi cũng chẳng có gì khá hơn nếu không nói là càng kém đi, vấn đề giáo dục đạo đức hầu như không còn trong nội dung giáo dục từ bậc phổ thông trung học và đại học. Thay vào đó là các bài giảng về chính trị tạo nhàm chán khô khan nếu không nói là vô tích sự trong việc giúp đỡ củng cố và xây dựng nhân cách con người, cái cần và quan trọng nhất là trang bị cho mỗi cá nhân các chuẩn mực đạo đức làm hành trang vào đời. Dạy cho họ biết những điều gì nên và không nên làm khi hành xử với mọi người trên và dưới xung quanh , thế nào là con người có đạo đức và vô đạo đức thay vì giáo dục "con người mới XHCN" chung chung.
Với một người là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào cũng vậy, thì từ thủa lọt lòng cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, thì mọi bài giảng kinh của đạo Phật, bài giảng kinh của Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo khác, hàng tuần hay trong các ngày lễ là một bộ phận không thể thiếu được trong cuộc sóng của họ. Thông qua các bài giảng kinh đó đã dạy cho con người ta hướng tới cái Chân-Thiện-Mỹ những điều nên và không nên làm, những điều hay lẽ phải và quá trình đó không chỉ là một vài lần mà là hàng ngàn lần cho mỗi đời người. Quá trình lặp đi lặp lại như vậy tạo nên một hệ ý thức và lẽ sống cho họ, sống mình vì mọi người, thương yêu đùm bọc con người như thể thương thân, hay suy nghĩ "cho và chia sẻ với người khác là hạnh phúc".
Khi hiểu và thực hiện những điều giáo lý đó sẽ làm cho cái cá nhân của mỗi người sẽ nhỏ đi và cái cộng đồng, đồng bào sẽ càng được coi trọng. Đó chính là lý do vì sao đa phần những người là tín đồ của các tôn giáo thường là người tốt, họ sẵn sàng nhường nhịn và chia sẻ những cái mình có cho những đồng loại của mình khi gặp khó khăn vì họ hiểu được rằng tranh giành, giành giật là điều xấu xa mà không cho phép người có đạo đức được hành xử như vậy.
Hiện nay, khác với những năm xưa trên tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo, Đảng CSVN và chính quyền nhà nước đã bước đầu nhìn nhận tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chính sách tôn giáo, bảo vệ và tu tạo các di sản văn hóa tôn giáo.
Việc cho phép và hỗ trợ trùng tu hay xây mới các cơ sở tôn giáo, khôi phục các lễ hội văn hóa mang màu sắc tôn giáo v.v.. phần nào đã phản ảnh được điều đó. Tuy nhiên sự cởi mở ấy vẫn ở mức hạn chế, đặc biệt là quan niệm và các hành xử của chính quyền với các tôn giáo vẫn mang nặng sự ngờ vực không thành tâm và đôi khi cảnh giác không cần thiết. Nguyên nhân chính vì có nhiều giai đoạn những người cộng sản đã coi tôn giáo là kẻ thù của họ, bởi họ nhầm tưởng coi chủ nghĩa cộng sản mà họ theo đuổi và duy trì cũng là một thứ tôn giáo cần được độc tôn. Đảng CSVN và chính quyền đã nhầm lẫn khi coi vấn đề đạo đức con người là vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề xã hội hóa. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự coi nhẹ và xem thường ý nghĩa của các tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức cho nhân dân, điều này dẫn tới hệ quả như hôm nay chúng ta đã chứng kiến hậu quả của nó đã làm xã hội băng hoại, đạo đức con người xuống cấp trầm trọng ở mức báo động.
Giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững và lâu dài trong việc chấm dứt sự tuột dốc của đạo đức xã hội hôm nay và khôi phục lại những chuẩn mực đạo đức vốn có từ trước đến nay mà chúng ta đã vô tình đánh mất. Đó là ngay lập tức nhà nước và chính quyền nên có cách nhìn thân thiện hơn đối với các tôn giáo, nên hiểu tôn giáo là vấn đề xã hội đã trường tồn cùng với lịch sử con người ở mỗi quốc gia hàng ngàn năm nay. Qua đó hãy nhanh chóng ủng hộ hỗ trợ sự khôi phục, phát triển tôn giáo bằng các chế độ chính sách và ngân sách cần thiết có thể.
Đạo đức con người là nền tảng của một xã hội, là cái quý nhất. Một xã hội như Việt nam chúng ta hôm nay không thể phát triển nhanh và ổn định nếu không có sự cải tạo về cơ bản để xây dựng và phục hồi các chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho một hệ ý thức lành mạnh và tiến bộ cho người dân.
Hãy chấn hưng và tự do cho tôn giáo để phát huy tính tích cực vốn có của nó trong việc giải quyết chấm dứt sự xuống cấp của đạo đức.
Đó là biện pháp dễ dàng và hiệu quả nhất.
KAMI
No comments:
Post a Comment