15 May 2009

Nỗi ngán ngẩm thường ngày

Không có tư tưởng triết lí gì thì đành diễn bằng điệu bộ. Đó là cách diễn của anh hề, của diễn viên tấu hài chứ không phải của nhà chính trị chuyên nghiệp, không thể là chính khách quốc gia! Chờ đợi để nhận ra tư tưởng triết lí, nhận ra vóc dáng quốc gia của người lãnh đạo đất nước nhưng tôi chỉ được thấy một vai diễn tấu hài thì còn gì ngao ngán hơn

Đã thành thói quen, tối nào tôi cũng phải ngồi trước máy thu hình khi đến giờ có chương trình thời sự để nắm bắt những diễn biến của thế giới chung quanh trong ngày qua. Mỗi ngày có vài lần nạp năng lượng vật chất cho con người cơ thể thì cũng cần có vài lần nạp năng lượng tinh thần, năng lượng tư duy cho con người xã hội, con người văn hoá. Tiếp nhận thông tin thời sự chính là một lần nạp năng lượng tinh thần cho con người xã hội vậy.

Là nhà lãnh đạo cấp cao đương chức nên ông thường xuất hiện trên truyền hình trong các chương trình thời sự. Vì thế, hầu như ngày nào tôi cũng phải thấy ông! Đang chăm chú theo dõi thông tin về những sự việc dồn dập của cuộc sống sôi động, thấy ông xuất hiện, tôi ngán ngẩm quá phải nhìn đi chỗ khác hoặc bấm remote chuyển sang kênh thể thao, giải trí nước ngoài. Chỉ có cách ấy mới tránh được nỗi ngán ngẩm, còn chuyển sang kênh tất cả các đài trong nước thì đều thấy ông!

Ngán ngẩm vì trên gương mặt, trong dáng điệu, cử chỉ của ông, tôi nhận ra rất rõ hai điều: Một là sự mãn nguyện, hả hê trên gương mặt nhạt nhẽo, hời hợt mà đáng ra phải là sự chín chắn, sâu sắc, sự ưu tư, trăn trở. Hai là điệu bộ, dáng vẻ của ông bộc lộ rất rõ sự diễn xuất của một diễn viên tồi mà đáng ra ở con người ông chúng tôi phải nhận ra sự chân thành, tự nhiên!

Người dân đang gặp chồng chất khó khăn trong cuộc sống, chồng chất nhức nhối trong xã hội. Từ việc chữa bệnh khi ốm đau, từ giải quyết bất kì việc gì ở cơ quan công quyền đều phải phong bao tiền đút lót, đến việc đồng tiền mất giá, vật giá leo thang, từ việc đất đai đang sở hữu nhưng bất kì lúc nào cũng có thể bị ngang nhiên thu hồi, đồng tiền bồi thường đất đã rẻ mạt lại bị nhiều cấp xâu xúm ăn chặn, đến kỉ cương phép nước bị chính quan chức nhà nước chà đạp! Kỉ cương không còn, cái xấu, cái ác ngang nhiên lộng hành, cuộc sống bất an, thân phận dân đen vô cùng mỏng manh, bị muôn vàn nỗi đe doạ! Đến với người dân khốn khó ấy nhưng ở đâu, chỗ nào ông cũng cười làm duyên! Cái cười hả hê, thỏa mãn của người đã quá toại nguyện! Cái cười của người vô lo, vô nghĩ! Chỉ những người không thể lo, không thể nghĩ mới cười được như thế! Sức lo, sức nghĩ chưa vượt khỏi gia đình thì làm sao có sức lo, sức nghĩ cho dân, cho nước! Quả thực ông mới lo được cho con, cháu, dâu, rể của ông chứ ông chưa lo được cho thần dân của ông!

Lo cho cậu ấm nhà ông vào nhà Đỏ không xong, ông liền đưa bằng được cậu ấm vào nhà Vàng! Đưa cậu ấm vào thẳng nhà Đỏ không được thì ông tìm đường đi vòng, đưa cậu ấm về trị nhậm ở địa phương, rồi theo cơ cấu, cậu ấm sẽ nghiễm nhiên vào nhà Đỏ! Cố chạy cho cậu ấm vô danh có được cái ghế quyền lực để rồi biết đâu lại nối dõi ông! Nào có khác gì thời phong kiến thối nát “Con vua thì lại làm vua / Con sãi ở chùa lại quét lá đa!”. Con vua nếu không làm vua cũng phải làm quan lớn dù đức tài chẳng hơn gì dân ngu và tất nhiên không thể bằng những người giỏi giang, lương thiện có rất nhiều trong dân nhưng không được sử dụng! Nhìn cách cố đấm ăn xôi đó của ông, người dân chúng tôi ngán ngẩm vì biết rằng không thể trông đợi gì ở một người lãnh đạo như vậy!

Trong thế giới Cộng sản, Stalin là nhà độc tài khét tiếng tàn bạo. Thực hiện học thuyết chuyên chính vô sản bằng bàn tay sắt Stalin, hàng chục triệu người, phần lớn là những người ưu tú, quí tộc, trí thức, nghệ sĩ, chủ doanh nghiệp, chủ đất, nhà tư tưởng, những người lãnh đạo Cộng sản có tư tưởng, chính kiến khác biệt với Stalin đã bị Stalin thủ tiêu, đày đoạ đến chết. Nhưng ứng xử của Stalin giữa riêng và chung, giữa gia đình và Tổ quốc thì đúng là ứng xử của nhà lãnh đạo quốc gia. Trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức bảo vệ Tổ quốc Xô viết, là người đứng đầu đảng cầm quyền, đứng đầu nhà nước, thống lĩnh quân đội, ông thừa sức đưa con cháu vào tháp ngà yên ổn và vinh thân nhưng ông không làm thế. Ông vẫn để đứa con trai duy nhất nhập ngũ, cầm súng ra mặt trận làm nghĩa vụ công dân với đất nước như mọi công dân khác. Trung úy Hồng quân con trai Stalin bị quân Đức bắt và quân Đức ra giá đổi viên trung úy con trai Stalin lấy viên Thống chế Đức bị Hồng quân bắt. Nếu tầm suy nghĩ và tình cảm của ông đại nguyên soái Stalin không vượt ra khỏi gia đình thì ông sẽ mừng rú, đổi ngay! Đây chính là lúc đòi hỏi, thử thách vị trí người lãnh đạo quốc gia. Người lãnh đạo quốc gia phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích riêng tư. Thống chế là người chỉ huy hàng tập đoàn quân, hàng trăm ngàn binh lính, nắm giữ bí mật từ tổng hành dinh tới bí mật chiến dịch, có vai trò quyết định cả chiến lược, sách lược, đường lối chiến tranh, cục diện chiến tranh. Trả cho kẻ thù một người như thế để nhận về một trung úy chỉ quản lí, chỉ huy một trung đội, một đại đội là cuộc đổi chác không tương xứng, quá thiệt thòi! Đặt lợi ích đất nước lên trên, Stalin đành để đứa con trai chết trong tay quân Đức, không chấp nhận cuộc đổi chác gây thiệt hại cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Một câu chuyện quá cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị về đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. Từ giá trị đạo đức đó, nhìn vào các nhà lãnh đạo của ta, người dân càng thêm ngao ngán! Trong khi nhiều học trò con dân thường học rất giỏi nhưng phải bỏ dở việc học ở trung học, ở cổng trường đại học vì nhà nghèo, vì nhà nước không có chính sách thiết thực tìm kiếm và nuôi dưỡng tài năng thì con của hầu hết các vị lãnh đạo từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên, học hành chỉ làng nhàng hoặc yếu kém đều dễ dàng đi học nước ngoài, vào học ở các trường danh giá và đắt đỏ nhất thế giới mà tiền học mỗi năm nhiều hơn tiền lương cả năm của quan chức có con du học! Học xong, những người trí tuệ làng nhàng và yếu kém đó về nước lại có sẵn những chiếc ghế nhung trong hệ thống quyền lực nhà nước chờ họ! Lại có thêm những bộ mặt hả hê, những miệng cười thỏa mãn trên những nỗi thống khổ chồng chất của nhân dân, trên những ung nhọt nhức nhối của xã hội!

Những giá trị giả được trọng dụng thì đương nhiên những giá trị thật, những hiền tài vô cùng quí báu và cần thiết cho đất nước bị ruồng bỏ, mai một! Đất nước phát triển ì ạch, ngày càng tụt lại sau những nước trước đây đã thua kém ta chính là do những tài năng bị bỏ phí, những giá trị giả mặc sức tung hoành thao túng đất nước, đưa đất nước đi từ sai lầm, đổ vỡ này đến sai lầm, đổ vỡ khác!

Tiêu cực xã hội tràn lan! Công việc thành ít, bại nhiều! Ở đâu cũng có giặc! Trong rừng sâu có giặc phá rừng, lâm tặc, phá tan hoang hàng hecta rừng! Trên đường lớn cuồn cuộn người xe, giữa ban ngày ban mặt vẫn nghênh ngang hoành hành một đám giặc áo vàng, cảnh tặc, cảnh sát áo vàng làm luật vòi tiền lái xe! Trong bệnh viện, ngoài giặc y, thầy thuốc làm tiền người bệnh, còn giặc thuốc, dược tặc, thầy thuốc ăn hoa hồng của người bán thuốc, nâng giá thuốc, móc túi người bệnh!. . . Đồng tiền hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ người nghèo bị quan chức xâu xúm ăn chặn! Hồ sơ thương binh, liệt sĩ cũng bị làm giả để rút ruột ngân sách nhà nước thì còn vô vàn mưu ma chước quỉ rút ruột tiền thuế của dân, thì còn vô vàn thứ giả dối, kể cả giả dối lương tâm!

Một người thầy dạy lịch sử ở đại học đã kí tên vào bản Kiến nghị đòi dừng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Nhưng khi cơ quan quyền lực chính trị trùm lên cả Quốc hội, trùm lên cả Chính phủ vẫn rắp tâm tiếp tục khai thác bô xít thì người thầy ấy lại leo lẻo phụ hoạ chính trị, sỉ vả những người đòi dừng dự án bô xít bằng những lời trơ trẽn và vô liêm sỉ: “Chủ trương khai thác bô xít đã có từ đại hội IX, có nghĩa là đã rất lâu và đã được cân nhắc, suy xét kĩ càng. Một số phần tử muốn chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta, đã mưu toan lợi dụng tung những tin đồn thất thiệt, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc hòng “diễn biến hòa bình” để phá vỡ ổn định của chúng ta . . . Đa số người dân không hiểu tường tận sự thật của vấn đề nên dễ bị lợi dụng và bị kích động, đưa một chuyện riêng về kinh tế thành “nguy cơ” về chính trị, an ninh... Đảng lắng nghe và thấu hiểu ý kiến trí thức nhưng không có nghĩa bỏ qua việc một số người lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá!”.

Ôi chao, một người thầy thản nhiên, công khai làm điều giả dối là tín hiệu báo động đỏ về sự suy đồi của đạo đức, của văn hoá! Nguyễn Trãi viết: “Khó bền, mạnh gắng, khôn ngay, khéo đầy”. Trước khó khăn thì bền chí. Trước trở lực mạnh thì gắng gỏi. Cái khôn ngoan là sự ngay thẳng. Cái khéo léo là sự đầy đặn. Đó là cốt cách, là thế ứng xử của con người Việt Nam truyền thống. Đó cũng là nhân nghĩa Việt Nam, là tinh hoa của văn hiến Việt Nam. Ngày nay giả dối đã thành lẽ sống, thành thế ứng xử xã hội thì dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến đã trở nên thảm hại, nguy khốn về văn hoá rồi, đã trượt xuống đáy vực của sự tha hoá rồi! Trước tình cảnh của dân tộc như vậy mà người lãnh đạo vẫn hơn hớn cười hả hê, thỏa mãn thì chúng tôi càng quá ngán ngẩm về cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo đó!

Với cái tâm, cái tầm đó của người lãnh đạo, chúng ta chẳng tiên liệu, lường trước được điều gì. Mọi sự cố, mọi tai hoạ xảy ra rồi mới biết, mới vội vã chạy theo giải quyết việc đã rồi! Với cái tâm, cái tầm đó, người lãnh đạo chỉ dùng được những giá trị giả! Những con người và sự việc ở Tổng cục II bộ Quốc phòng là minh chứng đau lòng về dùng giá trị giả! Với cái tâm, cái tầm đó, người lãnh đạo của ta vừa nhậm chức đã bị nước ngoài xỏ mũi dắt vào chương trình bô xít ma quỷ của họ!

Từ năm 2001, vừa ngồi vào ghế quyền lực, người lãnh đạo của ta đã kí tuyên bố chung với nước ngoài “Nhất trí sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô xít nhôm Đắc Nông”, đưa dân tộc ta vào vòng lệ thuộc nguy khốn được che đậy bằng từ “hợp tác”! Xỏ mũi được người lãnh đạo rồi, họ chẳng khó khăn gì trong việc làm cho cấp dưới phải lú lẫn chọn họ trúng thầu trong các dự án khai thác bô xít để họ đưa người vào ém quân, đặt căn cứ và Hán hoá vùng đất hiểm yếu nhất của cả bán đảo Đông Dương! Còn ta thì phải cắn răng vay nợ nước ngoài lấy vốn làm bô xít, sản phẩm làm ra bán rẻ cho họ, lợi họ hưởng, rủi ro ta gánh, lỗ ta chịu, thảm hoạ môi trường ta hứng!

Chẳng còn lo nghĩ được gì nên ông cứ vô tư cười khi tiếp xúc với công chúng và hồn nhiên diễn khi đứng trên diễn đàn! Ông uốn môi, tròn miệng khi đọc diễn văn, mắt lúng liếng đưa đẩy, tay huơ, tay khoát, giọng khi trầm khi bổng lúc nói chuyện, cố thể hiện một vai diễn sinh động, lôi cuốn! Nhưng ông càng cố diễn thì dân chúng càng ngán ngẩm!

Nhà chính trị nào cũng nhiều khi phải diễn. Nhà chính trị có tầm thì vai diễn có nội dung thú vị, có tư tưởng sâu sắc. Đảng Lao động Việt Nam tiến hành đại hội III năm 1960 khi Liên Xô và Trung Quốc, hai nước Cộng sản đàn anh của Việt Nam, hai nguồn viện trợ vật chất và hỗ trợ tinh thần to lớn cho Việt Nam lại đang lục đục, chống đối nhau quyết liệt. Cả hệ thống truyền thông khổng lồ của nhà nước Trung Quốc ra rả kết tội Liên Xô là xét lại hiện đại, là phản bội chủ nghĩa Mác Lê nin. Nóng bỏng trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền. Nóng bỏng cả trên đất biên giới Xô – Trung. Lúc đó đảng Lao động Việt Nam đã có nghị quyết 15, quyết định đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, đã mở đường mòn Trường Sơn đưa người và vũ khí vào miền Nam. Xung đột Xô – Trung là bất lợi rất lớn cho cách mạng Việt Nam. Đến dự buổi biểu diễn hòa nhạc do thanh niên Hà Nội tổ chức ở Bách Thảo chào mừng đại hội III đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu đảng Lao động Việt Nam, hai tay khoác hai vị khách đặc biệt: Mukhitdinov, trưởng đoàn đại biểu đảng Cộng sản Liên Xô và Lý Phú Xuân, trưởng đoàn đại biểu đảng Cộng sản Trung Quốc. Dẫn hai vị khách vào ghế ngồi cạnh nhau rồi Hồ Chí Minh bước lên sân khấu, cầm chiếc đũa chỉ huy từ tay nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc hòa tấu bài Kết đoàn là bài hát rất phổ biến lúc đó. Những chính khách từng trải có mặt ở Bách Thảo Hà Nội đêm đó đều biết rằng đó là vở diễn của Hồ Chí Minh nhưng ai cũng phải khâm phục sự thông minh, nhạy bén, sự ứng xử mau lẹ, tự nhiên, bất ngờ và thú vị của nhà chính trị từng trải Hồ Chí Minh. Vở diễn ứng tác đó là lời khuyên can hai nước Cộng sản hàng đầu phải đoàn kết lại như lời kêu gọi của người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản: Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại!

Hoàn toàn khác với vai diễn trên sân khấu, vai diễn trong chính trị cũng như vai diễn trong điện ảnh phải tự nhiên như cuộc sống đang diễn ra, không thể lên gân, không thể khoa trương, không được để cho người xem nhận ra sự diễn. Phải diễn bằng sự từng trải cuộc đời, bằng sự nhạy cảm nghệ sĩ đối với diễn viên và bằng mẫn cảm chính trị đối với nhà chính trị. Diễn để bộc lộ tư tưởng, triết lí muốn gửi gắm vào sự việc, vào cuộc sống. Tổng thống Mĩ Barack Obama cùng phó Tổng thống buổi trưa ra ăn cơm bụi ở đầu phố với dân chúng cũng là vai diễn của nhà chính trị Obama đấy. Với vai diễn đó, Obama muốn bộc lộ triết lí đưa chính trị về với đời thường, chính trị cần gần gũi với dân chúng của ông Tổng thống Mĩ thế hệ mới. Đó cũng là triết lí bình thường hoá, thân thiện hoá mọi ngăn cách, mọi căng thẳng do thứ chính trị phe nhóm, cực đoan tạo ra.

Không có tư tưởng triết lí gì thì đành diễn bằng điệu bộ. Đó là cách diễn của anh hề, của diễn viên tấu hài chứ không phải của nhà chính trị chuyên nghiệp, không thể là chính khách quốc gia! Chờ đợi để nhận ra tư tưởng triết lí, nhận ra vóc dáng quốc gia của người lãnh đạo đất nước nhưng tôi chỉ được thấy một vai diễn tấu hài thì còn gì ngao ngán hơn!

Phạm Đình Trọng

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers