24 May 2009

Vấn Đề Trung Quốc Của Úc

Chính quyền hiện hành thì có đổi khác - và sự khác biệt này được giới quan sát đưa lên hàng đầu - đó là Úc không thể hoàn toàn trông cậy vào Hoa Kỳ vì nước Mỹ bị bận chân hoặc có thể có ưu tiên khác. Thủ tướng Kevin Rudd đánh giá không sai chính quyền Barack Obama và số phận của các đồng minh cứ tưởng là chiến lược của Mỹ.



Đóng Tầu Ngầm Ra Khỏi Pháo Đài...

Mùng hai tháng Năm vừa rồi, bộ Quốc Phòng Úc Đại Lợi công bố một Bạch thư về quốc phòng cho các thập niên tới ("Defending Australia in the Asia-Pacific Century: Force 2030). Văn kiện này được Chính quyền của Thủ tướng Kevin Rudd trang trọng giới thiệu với các chính quyền khác và lập tức được sự hưởng ứng của Jakarta, nhưng bị Bắc Kinh đả kích - là mở ra một cuộc thi đua võ trang.

Thiên triều bị chạm nọc!

Các quốc gia văn minh như Úc vẫn thường công bố viễn ảnh và chiến lược quốc phòng của mình trong các tập "bạch thư". Những lần trước là vào các năm 1987, 1994 và sau cùng là năm 2000, dưới Chính quyền bảo thủ của Thủ tướng John Howard. Sau khi đắc cử năm 2007, Chính quyền thiên tả Kevin Rudd đã muốn xét lại chiến lược quốc phòng nên chỉ thị cho bộ Quốc phòng nghiên cứu lại và soạn ra một bạch thư khác trước năm 2009. Văn kiện này bị trễ mất bốn tháng vì... lực bất tòng tâm: khủng hoảng kinh tế đã đảo lộn các ưu tiên về chiến lược và ngân sách.

Nhưng cuối cùng Bạch thư Force 2030 vẫn kịp xuất hiện và... trở lại chuyện cũ. Hoặc đúng hơn, hướng vào chuyện mới, là vấn đề Trung Quốc.

Cũ và Mới khác nhau thế nào, ta cần nhìn lại (độc giả có thể vào website của bộ Quốc phòng Úc để tham khảo tài liệu 143 trang này - và xin nhớ rằng bộ Quốc phòng viết theo Anh ngữ của Anh, không phải của Mỹ, là defence).

***

ÚC ĐẠI LỢI VÀ HOA KỲ

Cách đây 18 tháng, mùng năm tháng Chín năm 2007, Thủ tướng John Howard ký kết Hiệp định Hợp tác Thương mại và Quốc phòng với Tổng thống George W. Bush.

Hiệp định Mỹ-Úc được ký kết bên lề Thượng đỉnh APEC năm đó tại Sydney và tái khẳng định mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia: Úc là đồng minh của Mỹ tại Á Châu y như Anh là đồng minh của Mỹ tại Âu Châu. Nghĩa là không thể nào gắn bó hơn, còn nặng hơn Nhật Bản, vốn thuộc một nền văn hoá khác. Sau đấy, Chính quyền Howard thất cử - một phần cũng vì quá gắn bó với Chính quyền Bush và tai họa Iraq - và phe đối lập thắng cử, ông Kevin Rudd lên làm Thủ tướng. Ông Rudd muốn rà soát lại chiến lược quốc phòng Úc nên mới chỉ thị việc nghiên cứu và công bố một bạch thư mới thay thế những gì ông cho là lỗi thời từ Bạch thư 200 của chính quyền tiền nhiệm.

Là người thông thạo Hoa ngữ, ông Rudd muốn gia tăng quan hệ với Trung Quốc tại Châu Á. Trong Thượng đỉnh G-20 tháng 11 năm ngoái ở Washington DC, khi Úc Đại Lợi là đồng chủ tịch ủy ban cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, ông kêu gọi IMF phải mở rộng cửa đón nhận Trung Quốc và các nước tân hưng khác. So sánh với chính quyền Howard, chính quyền Rudd có quan điểm thân thiện và ôn hoà hơn với Trung Quốc - và độc lập hơn với Hoa Kỳ.

Khác biệt về quan điểm ấy có được phản ảnh qua hai cuốn Bạch thư về Quốc phòng Úc của các năm 2000 và 2009.

Một cách sơ lược thì chính quyền bảo thủ Úc tự coi là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ và cùng Mỹ đảm bảo trật tự an ninh của Á châu Thái bình dương (tạm gọi là Thái-Á) trong khi hoàn toàn trông cậy vào Mỹ cho việc bảo vệ an ninh chiến lược của Úc. Nôm na thì quân lực Úc ("Lực lượng Phòng vệ Úc Đại Lợi" - ADF) sẽ cấp tốc có mặt trên các chiến trường nóng của khu vực Thái Á trong khi chờ đợi viện binh Hoa Kỳ tới giải quyết vấn đề trên một quy mô lớn hơn. Lớn nhất là việc phòng thủ cho Úc Đại Lợi khi có xung đột cấp quốc gia với võ khí chiến lược.

Chính quyền hiện hành thì có đổi khác - và sự khác biệt này được giới quan sát đưa lên hàng đầu - đó là Úc không thể hoàn toàn trông cậy vào Hoa Kỳ vì nước Mỹ bị bận chân hoặc có thể có ưu tiên khác. Thủ tướng Kevin Rudd đánh giá không sai chính quyền Barack Obama và số phận của các đồng minh cứ tưởng là chiến lược của Mỹ.
Vì vậy, dưới cái nhìn hiện đại của Úc - ít ra là từ nay đến năm 2030 - nước Úc phải tự lo lấy thân và trong ý nghĩa đó, cuốn Bạch thư là tiếng chuông cảnh tỉnh chính quyền Obamê. Ông Obama còn đang bận làm cách mạng xã hội nên chưa thấy có phản ứng vì về sự thay đổi này.

Nhưng, nếu nhìn xa hơn vấn đề Mỹ-Úc, Bạch thư Force 2030 lại có nhiều chỉ dấu còn đáng quan tâm hơn khiến Bắc Kinh mới giẫy nẩy. Chúng ta nên tìm hiểu về những chỉ dấu đó...

***

PHÁO ĐÀI ÚC ĐẠI LỢI

Nước Úc thật ra là một đại châu lục ("Úc Châu") ở miền Nam biển Thái bình, có diện tích vĩ đại là 7,7 triệu cây số vuông (so với khoảng 9,6 của Trung Quốc và Hoa Kỳ) mà chỉ có dân số thưa thớt là 22 triệu! Đa số dân cư lại tập trung ở các tiểu bang miền Đông, Đông Nam và Tây Nam. Với sản lượng kinh tế đứng hàng thứ 14 của thế giới, Úc là một quốc gia... "khiếm khai", chưa phát triển hết tiềm năng và tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào của mình.

Mà đa số diện tích bạt ngàn ở miền Bắc lại là vùng đất không người.

Đóng bè qua biển Bắc ấy đi vài trăm hải lý là Úc gặp một vựa người đông đảo, 240 triệu dân của Nam Dương quần đảo, tuyệt đại đa số theo Hồi giáo. Xứ Nam Dương là một quần đảo có chừng 17.000 đảo lớn nhỏ trải ngang đường thông thương của Úc với biển Thái bình và qua Ấn Độ dương. Nam Dương mà có loạn, các tộc trưởng hoặc lãnh chúa mà làm chủ một số đảo để đòi tiền mãi lộ, hoặc thuyền nhân mà đóng bè tỵ nạn là Úc sẽ lãnh họa.

Vì địa dư hình thể ấy, các chính quyền tả hữu của Úc đều cùng theo đuổi một chiến lược phòng thủ có cái dạng của những hình tròn đồng quy. Nằm trong cốt lõi sau cùng, và ưu tiên nhất, là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, như một thành lũy bất khả xâm phạm.

Một pháo đài giữa biển.

Ở vòng hai là góp phần - hay tự thân - bảo vệ sự ổn định của toàn khu vực Nam Thái bình dương, từ đảo quốc Fiji tới Đông Timor đến cả Nam Dương quần đảo.

Khi Trung Quốc thời Mao muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản xuống Nam Dương thời Sukarno và bị vụ phản đảo chánh năm 1965 khiến nửa triệu người thiệt mạng, Canberra ngồi trên tuyến đầu như ngồi trên lửa. Khi chế độ Suharto bị đổ vì vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997-1998, Úc cũng trực tiếp tham gia vào việc ổn định Đông Timor. Đấy là vùng trái độn sinh tử cho an ninh của Úc.

Ở vòng thứ ba bên ngoài, Úc muốn góp phần phát triển khu vực Đông Nam Á, gia tăng hợp tác với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á và ổn định luồng giao lưu hàng hải ngoài Đông hải của Việt Nam, là cửa ngỏ thông thương với Âu Châu và Đông Bắc Á. Hơn hai chục năm trước, khi Hà Nội cho Liên bang Xô viết vào tới Cam Ranh Đà Nẵng, oanh tác cơ chiến lược của Liên Xô đã có thể uy hiếp miền Bắc Úc Đại Lợi, và đấy là chuyện đáng cho Úc quan tâm.

Ngoài cùng, ở vòng "toàn cầu" của thiên hạ sự, Úc cũng muốn đóng góp vai trò cứu trợ, viện trợ hay ổn định của mình, từ A Phú Hãn tới Pakistan hay cả Trung Đông. Cứ theo từng vòng đồng quy ấy, ta có thể hiểu ra từng cấp ưu tiên trong hệ thống phòng thủ quân sự của Úc: ngần ấy vòng đều phải xoay tròn từ pháo đài Úc qua Thái bình dương ra tới bên ngoài.

Nhưng bây giờ, ở vòng ngoài, Liên Xô mới chỉ mon men trở lại Đông Bắc Á (xin xem bài "VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC CỦA NGA" trên cột báo này trong số ra tuần trước), còn Đông Nam Á lại trở thành "ao nhà" của Trung Quốc, thì tất nhiên Canberra không yên tâm.

Mà càng không yên tâm khi Hoa Kỳ vẫn cứ như muốn nhìn qua nơi khác...

Vì vậy, một phần chính trong tập Bạch thư mới có nội dung nhắc nhở và cảnh báo Washington về vai trò của Hoa Kỳ, như một siêu cường có khả năng và trách nhiệm ổn định khu vực Thái - Á cho cả thế giới. Nhưng, Úc sẽ không thiết kế chiến lược quốc phòng của mình trong những năm tới trên một lời cảnh báo hay một sự trông đợi vào Hoa Kỳ. Canberra muốn tích cực giải quyết lấy bài toán của mình thay vì chỉ mong chờ "kỵ binh Mỹ" - hay Đệ thất Hạm đội.

Chúng ta không quên rằng Hoa Kỳ và Úc cùng Tân Tây Lan vẫn còn thoả ước phòng thủ ANZUS, theo đó một xứ bị tấn công là hai nước kia đều có nhiệm vụ liên đới. Dù Tân Tây Lan ngả theo chủ trương "phi nguyên tử" và gây khủng hoảng cho thỏa ước, Hoa Kỳ và Úc vẫn tiếp tục duy trì quan hệ phòng thủ chiến lược ấy. Nhưng, Canberra vẫn chuẩn bị tự vệ trước khi trông cậy vào Mỹ.

Lý do được nhìn ra từ Bạch thư Force 2030 này là trong khi Hoa Kỳ lúng túng việc nhà thì Trung Quốc đã bước ra tới ngoài ngõ - của Úc Đại Lợi. Vì vậy, Úc cũng phải ra khỏi pháo đài làm Bắc Kinh thất kinh la hoảng.

Chỉ vì dù có mơ mộng như nhiều lãnh tụ cánh tả, Thủ tướng Kevin Rudd của Úc cũng hiểu thành ngữ Trung Hoa. Cư an mà không tư nguy thì sẽ thành cư nguy tư an!

***

CƯ AN TƯ NGUY

Trên bình diện ngoại giao, lập trường của Canberra là không gây hấn mà còn muốn góp phần chuyển hóa Trung Quốc thành cường quốc có trách nhiệm với thiên hạ sự, với các vấn đề lớn của nhân loại. Và hành xử một cách văn minh. Nhưng, Úc không mấy yên tâm về sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh. Bạch thư Force 2030 nói thẳng ra một sự thật là "Trung Quốc đang xây dựng lực lượng võ trang quá thừa cho một vụ xung đột với Đài Loan". Chỉ duy Quân lực Hoa Kỳ, Đô đốc Michael Mullen nói thêm cho rõ: "Trung Quốc thực ra muốn nhắm vào Mỹ".

Bắc Kinh chưa thể và có lẽ không bao giờ có khả năng gây chiến với Hoa Kỳ, nhưng - dù có Mỹ hay không - sức nặng quân sự và nhất là hải quân Trung Quốc là một vấn đề cho Úc Đại Lợi. Thành thử, dù nói chuyện hiếu hoà và còn có thiện chí chuyển hoá Trung Quốc, Canberra vẫn phải thực tế nhìn vào việc phòng vệ của mình.

Nếu chịu khó tìm hiểu Bạch thư Force 2030 vừa công bố, ta có thể thấy ra hai hướng phát triển rất mới của quân lực Úc.

Thứ nhất là tăng cường khả năng không quân để mở rộng tầm hoạt động vượt quá Nam Dương quần đảo, như sẽ thay thế các chiến đấu cư loại F-111 đã lỗi thời và đầu tư thêm vào phi cơ thám báo và các vận tải cơ phụ trách tiếp liệu trên không. Úc bay ra khỏi pháo đài là trong ý nghĩa đó.

Thứ hai, quan trọng nhất, là tăng cường hải quân với mức độ chưa từng thấy. Úc sẽ nhân đôi số tiềm thủy đĩnh của mình và trang bị thêm nhiều chiến hạm lẫn hoả tiễn có thể bắn lên từ ngoài - hoặc dưới - biển (hỏa tiễn thiết trí trên chiến hạm và tầu ngầm).

Canberra không muốn một cường quốc khu vực nào có thể khống chế đại dương - ở ngoài cửa ngõ thông thương của mình - và coi như sẽ phải tự lo lấy thân chứ không còn trông cậy vào Hạm đội Thái bình dương của Mỹ nữa.

Và chính là việc đầu tư rất mạnh vào hải quân mới khiến Bắc Kinh la làng!

***

Tổng kết lại, Chính quyền John Howard của Úc có thể đã phải trả một cái giá rất đắt khi sát cánh với Mỹ về mặt chiến lược và bị mắc nạn vì chuyện Iraq, nên Chính quyền Kevin Rudd đã điều chỉnh tại tầm nhìn của mình. Cứ coi như Hoa Kỳ mắc bận đi, Úc vẫn phải lo lấy vấn đề Trung Quốc của Úc.

Úc Đại Lợi là một hải đảo nằm sâu ở vùng cực Nam của Thái bình dương, có lịch sử và quá khứ xuất phát từ Âu Châu. Nhưng kinh tế và tương lai lại gắn bó với châu Á. Vì tương lai và cả sự tồn vong của mình, Úc phải đảm nhiệm vai trò cường quốc Á Châu. Cùng với Nhật Bản tại Đông Bắc Á, Úc sẽ phải góp phần ổn định Đông Nam Á. Vì mục tiêu khách quan ấy, Canberra không thể ngồi yên nhìn hải đội Trung Quốc khống chế biển Đông nên nói thẳng ra mục tiêu bành trướng sức mạnh quốc phòng của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Úc đã long trọng công bố Bạch thư trên một chiến hạm!

Nhìn về dài, Hoa Kỳ tất nhiên không thể tháo chạy khỏi Thái bình dương nhưng trước khi tầu ngầm Trung Quốc có thể chơi trò du kích với Hạm đội Mỹ thì đã gặp tiềm thủy đĩnh của Úc. Mà về kinh nghiệm hàng hải, Bắc Kinh sẽ còn phải học khá lâu thì mới nói chuyện phải quấy được với "Miệt Dưới"./.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers