Điều chắc chắn mà Việt Nam mình nên học của Nhật là: Tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể, tôn trọng kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần học hỏi cầu tiến, tính khiêm nhượng, biết người biết ta, tính sạch sẽ, tính đúng giờ và nhất là tính không nói dối nói khoác. Ngô Khôn Trí |
Những vấn để của nước Nhật |
Nhật Bản là một nước đông dân, nghèo nàn về tài nguyên, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, thế nhưng kinh tế Nhật Bản đã sớm phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973) khiến cho thế giới phải ngạc nhiên và khâm phục. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học và kỹ nghệ, có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tính theo GDP. Nhiều bài viết đã thần tượng hoá, gọi là “Thần kỳ Nhật Bản”.
Nhiều quốc gia theo sau chọn mô hình của Nhật để phát triển kinh tế vì muốn có những thành tích kinh tế lừng lẫy như Nhật.
Nhưng ít ai thấy hết những gì mà người nước Nhật đã đánh mất để có được, không đánh giá đúng những gì mà nước Nhật đã trả , không thấy hết những hậu quả mà dân Nhật đã và còn đang hứng chịu do những sai lầm trong việc phát triển quá nhanh không đồng bộ, nặng về phần khối lượng hơn về phẩm lượng.
Trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhiều nông dân Nhật đã rời bỏ nông thôn, di cư vào các đô thị để kiếm sống, một số bị ép bán đất đai để ưu tiên xây dựng nhà máy, sân gôn, khu nghỉ mát, phi trường mới v.v. Đa số nông dân không có trình độ học vấn cao nên không kiếm được việc làm tốt và ổn định, chính vì thế họ trở thành những cư dân nay đây mai đó, kiếm sống ngày qua ngày, một số không may mắn trở thành ăn mày trên các đường phố, nhà ga.
Vào những thập niên 1970, lúc còn du học tại Nhật bản, tôi đã chứng kiến tận mắt có rất nhiều người ăn mày, vô gia cư sống trong những ổ chuột của các nhà ga, các công viên ngay tại trung tâm Tokyo. Một số vì quá bất mãn đâm ra loạn trí đã dùng dao đâm loạn đám đông đi qua nhìn họ với cặp mắt khinh bỉ, cũng có kẻ khùng điên đem đổ xăng vào xe buýt rồi đốt cháy v.v. Trong khi đó, tại nông thôn chỉ còn lại những ông già bà lão với những đàn ông là trưởng nam của gia đình phải ở lại để kế nghiệp cha mẹ, những người này không thể tìm được vợ, do đó đã xuất hiện nhiều công ty môi giới giới thiệu các cô dâu đến từ các nước nghèo Á Châu.
Số người làm ngành nông càng ngày càng giảm đi, trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.
Trong khoảng thời gian này, nước Nhật được thế giới ca ngợi là “Japan as number One”.
Tại những đô thị lớn như Tokyo, Osaka, những tòa nhà đồ sộ của chính phủ và tư nhân đua nhau mọc như nấm, dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân trong các đô thị. Diện tích công viên cây xanh mất dần, đường xá chật hẹp, thường xảy ra nạn kẹt xe, khí thải của xe cộ làm ô nhiễm thành phố, việc xử lý rác thường và rác công nghiệp v.v. Thời đó, chính phủ Nhật đã có những quyết định dời các trụ sở của nhà nước ra ngoài trung tâm thành phố, thành lập những trung tâm vệ tinh, khuyến khích các xí nghiệp di chuyển ra ngoại ô, qui định giờ giao thông của các xe tải hạng nặng, xây thêm nhiều cao tốc, thay đổi giờ làm việc của các xí nghiệp và các trường học, trồng thêm cây xanh, xây cất nhiều chung cư ở viền đai thành phố v.v.
Tỷ lệ chiếm hữu đất đai của các đại công ty càng ngày càng gia tăng, nhất là ở đô thị lớn. Tỷ lệ tư nhân làm chủ đất đai càng ngày càng giảm đi. Để đạt được những thành tựu về kinh tế, để kiếm được nhiều lợi nhuận, các công ty khuyến dụ nhân viên làm thêm giờ (zangyò). Nhân viên nghĩ rằng cuộc sống sẽ sung túc ra, nhưng thực chất họ không giàu thêm bao nhiêu, vì những chi phí cho cuộc sống của con người như: giá bất động sản, chi phí giao thông, chi phí ăn uống, chi phí giáo dục cho con cái, chi phí y tế v.v. càng ngày càng leo thang với tốc độ nhanh hơn đồng lương mà họ kiếm thêm vào. Đó là chưa nói đến đời sống tinh thần, thời gian sinh hoạt của gia đình càng ít ỏi (Thời gian di chuyển trong một ngày mất gần 2 giờ, vào những ngày trong tuần, thời gian người cha, người chồng tiếp xúc với gia đình chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ). Hạnh phúc gia đình bị hy sinh. Tỷ lệ sống độc thân càng ngày càng gia tăng, 4% vào năm1980 và dự đoán sẽ tăng đến 17% vào năm 2020.
Ngoài sức ép trong việc cạnh tranh để vào học các trường nổi tiếng , để xin việc làm ổn định trong các công ty lớn, giới trẻ ở Nhật gặp nhiều khó khăn tài chánh trong việc tìm kiếm cuộc sống tự lập, họ phải trả giá khá đắt cho việc thuê một căn hộ, do bởi chế độ cho thuê nhà phi lý của các chủ nhà ở Nhật Bản. Người thuê phải trả nhiều chi phí như: 1 tháng tiền nhà cho người môi giới (Fudoya san) gọi là “chukai ryòkin”; 2 tháng tiền nhà để đặt cọc (gọi là shikikin); 1 tháng tiền nhà trả trước và 2 tháng tiền nhà để làm quà cho chủ nhà (gọi là reikin). Tổng cộng phải có đủ tiền để trả 6 tháng tiền nhà trước khi dọn vào ở.
Có rất nhiều giới trẻ hiện nay không muốn lập gia đình và không muốn có con vì thấy chi phí nuôi con và cho con đi học đại học vượt ngoài khả năng chứ đừng nói chi việc mua nhà cho mình. Tỷ lê tự tử ở những người trẻ ngày càng cao do nhiều sức ép từ xã hội và nơi làm việc. Nhật bản là một trong những nước có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới, 70% là đàn ông mà phần lớn là những thanh niên dưới 30 tuổi. Mặc dù chính phủ Nhật đã bỏ ra 22,5 tỷ yên (tương đương 220 triệu đô la) cho chương trình chống tự sát để giúp đỡ những nạn nhân mắc hội chứng căng thẳng tâm lý và một số bệnh lý khác thoát khỏi giai đoạn khó khăn, để làm giảm tỷ lệ này, nhưng tỷ lệ vẫn gia tăng, hiện rõ nhất từ những năm 1990. Năm 2009 đã có trên 30 000 vụ tự sát, con số tương tự như vậy đã xảy ra liên tục trong 12 năm qua. Trung bình, mỗi ngày có 100 người Nhật tự sát.
Trong thời kỳ phát triển kinh tế cao độ, vào những năm 1950-1970, các chất độc hại được thải ra từ các công trường sản xuất đã làm ô nhiễm nước, không khí, thực phẩm, gây ra nhiều căn bệnh có hại cho con người. Người ta đã phát giác nhiều căn bệnh ô nhiễm (công hại), trong đó có 4 căn bệnh công hại lớn nhất (四大公害病 yondai kōgai-byō) là: Bênh Minamata (水俣病) phát sinh năm 1956 tại Kumamoto-ken, là căn bệnh hội chứng thần kinh đầu tiên trong lịch sử nhân loại, gây ra bởi nhiễm độc thủy ngân. Bệnh Dainiminamata (第二水俣病) phát sinh năm 1964 tại ShinNigata-ken. Bệnh suyễn Yokkaichi (四日市ぜんそく) phát sinh tại Mie-ken, Shimane và Miyazaki-ken vào những năm 1962-1972. Bệnh itai-itai (イタイイタイ病) phát sinh tại Fukuyama vào những năm 1910-1970.
Trải qua một thời gian lâu dài gần hơn 30 năm đấu tranh đòi bồi thường của trên mười ngàn gia đình nạn nhân thấp cổ bé họng, kể từ khi phát hiện cho đến những năm 1975. Tòa án đã kết tội các công ty hóa chất như: Chisso, Showadenkò. Vào tháng 3 năm 2001, chính thức thừa nhận 2265 nạn nhân, trong số đó 1784 nạn nhân đã chết. Đến năm 2004, tại Toà án Tối cao của vùng Kansai, chính phủ và chính quyền vùng Kumamoto đã nhìn nhận trách nhiệm, công ty Chisso bị phạt đền bù 86 triệu Yen. Vào tháng 10 năm 2007, Hội Hổ tương Nạn nhân bệnh Minamata, khoảng 2100 người chưa được giải quyết, đã cùng khởi tố xí nghiệp và chính phủ, số tiền đòi bồi thường lên đến 2,28 tỷ yen. Tổng giám đốc công ty Chisso từ chối. Tháng 7 năm 2009, Ủy ban đặc biệt phụ trách những vấn đề và cứu trợ các nạn nhân mắc bệnh Minamata được thành hình (gần trên 54 năm kể từ khi phát hiện căn bệnh). Vào tháng 3 năm 2010, chính phủ , chính quyền địa phương và công ty Chisso đồng ý đền bù 2,1 triệu yen và chi phí điều trị cho mỗi nạn nhân. Đó là một trong những hậu quả mà dân Nhật đã và đang phải gánh chịu.
Ngày nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia mà người dân có mức thu nhập khá cao trên thế giới. Nhiều người nước ngoài cho rằng cuộc sống ở Nhật Bản thật sung sướng vì lương bổng cao, phúc lợi tốt. Với đồng lương lãnh ở Nhật đem tiêu xài ở nước ngoài, nơi mà vật giá rẻ hơn nhiều, thì rõ ràng dễ mang lại ấn tượng người Nhật rất giàu có. Bản thân người Nhật cũng nghĩ rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, nếu lấy tổng thu nhập của mỗi hộ gia đình trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm, chi phí ăn uống, đi lại, tiện nghi, giáo dục cho con cái, v.v. thì chẳng còn lại bao nhiêu.
Theo thống kê năm 2008, thu nhập bình quân mỗi tháng của một gia đình là 534 235 yên (khoảng 5000 đô la), sau khi trừ thuế thu nhập, thuế cư trú và các loại cước phí bảo hiểm như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, v,v… còn lại 442 749 yen (disposable income). Trừ chí phí sinh hoạt (living expenses) là 324 929 yen, còn lại là 117 820 yen. Số tiền còn lại này dùng để trả nợ nhà, chi phí bảo hiểm nhân mạng, để dành. Nếu phải trợ cấp cho 1 hay 2 người con ăn học đại học ở trong các đô thị lớn thì rất chật vật. Riêng học phí của đại học cũng rất đắt: 158 718 yen ở trường công và 325 849 yen ở trường tư.
Đắt đỏ nhất ở Nhật Bản phải kể đến là giá nhà ở. Tuy giá đất ở Nhật đã giảm nhiều kể từ khi nền kinh tế thổi phồng sụp đổ, giá đất ở Tokyo và Osaka vẫn đắt nhất trên thế giới. Giá của một căn hộ (condo) tại Tokyo khoảng 27 triệu yen, tức khoảng 5 lần lương 1 năm của một gia đình. Giá của một căn nhà có đất tại Tokyo đắt kinh khủng, người dân bình thường không bao giờ mơ tưởng mua được. Khi mua nhà, người ta thường trả góp kỳ hạn 20-30 năm, nhưng ở Nhật người ta được phép trả góp lâu dài hơn. Một khoản chi phí lớn khác trong gia đình là chi phí ăn uống. Thực phẩm tại Nhật rất đắt so với nhiều nước khác trên thế giới. Thống kê cho thấy mức chi trung bình khoảng 70 000 yen / tháng, chiếm khoảng 20% chi phí sinh hoạt. .
Tóm lại, nước Nhật là một nước văn minh và giàu có về vật chất nhưng chất lượng cuộc sống của người dân chưa được nâng cao đúng mức. Nước Nhật đã có những thành công đáng khâm phục nhưng cũng vấp phải những thất bại, hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng mà các nước theo sau nên học hỏi.
Điều chắc chắn mà Việt Nam mình nên học của Nhật là: Tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể, tôn trọng kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần học hỏi cầu tiến, tính khiêm nhượng, biết người biết ta, tính sạch sẽ, tính đúng giờ và nhất là tính không nói dối nói khoác.
Ngô Khôn Trí
Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh |
No comments:
Post a Comment