Huyền Nhi
Từ xưa đến nay người Việt chúng ta luôn tự hào với nền văn hiến từ bốn ngàn năm. Nền văn hiến này được bồi dưỡng bằng đạo đức do ông cha ta truyền lại đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
-Nhân: Chữ "Nhân" có nghĩa là "người." trong đạo đức Việt Nam chữ "nhân" biểu hiện cho tình người.
Ông cha ta luôn mong mỏi chúng ta phải có lòng nhân đạo, yêu người đồng loại quê hương.
"Lá lành đùm lá rách"
"Thương người như thể thương thân"
Người xưa còn dạy:
"Nhiều điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
Ðiều này nhắc nhở chúng ta phải luôn đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, đừng vì những chuyện không đâu mà làm mất tinh thần dân tộc.
-Nghĩa: Chữ "Nghĩa" có nghĩa là "lý lẽ." Trong đạo đức Việt Nam chữ "Nghĩa" thể hiện cho sự nghĩa hiệp của người Việt Nam.
Chúng ta có thể làm việc nghĩa dưới nhiều hình thức khác nhau: giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, người nghèo khổ trong cơn hoạn nạn khốn cùng, hoặc bạn bè, tất cả mọi việc làm nghĩa nào cũng là tốt đẹp cả miễn sao chúng ta làm theo "lý lẽ " và "lương tâm" của chúng ta.
Tục ngữ có câu:
"Giàu nhân, giàu nghĩa mới giàu
Giàu tiền, giàu bạc hơn nhau sự thường"
Lòng nhân nghĩa mới thật là sự giàu có bẩm sinh của người Việt Nam.
-Lễ: "Tiên học lễ, hậu học văn"
Từ xưa ông cha ta đã có quan niệm rằng lễ phép còn quan trọng hơn bằng cấp, hoặc chữ nghĩa. Chúng ta phải nhận định thế nào là:
"Kính trên, nhường dưới
Lấy lễ làm đầu"
Trong xã hội ngày nay, chúng ta có thể hình dung được một người tài giỏi nhưng không có đạo đức thì chỉ có thể gây tai hại cho nhân loại và xã hội.
-Trí: Trí có nghĩa là "Sự hiểu biết" đối với người Việt chúng ta "Trí" còn có nghĩa là sự khôn ngoan và khéo léo.
Người có trí tuệ thông minh không những là phải hiểu biết nhiều mà còn phải biết xử sự theo đầu óc và lý trí. Khi muốn làm một việc gì thì chúng ta phải có sự tính toán và chuẩn bị như cổ nhân đã dạy:
"Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng"
-Tín: Tín có nghĩa là "Tin cậy"
Chữ "Tín" rất quan trọng, vì chúng ta giao dịch với nhau qua sự tín nhiệm "Chọn mặt gửi vàng." Một người không có chữ "Tín" sẽ không làm nên chuyện:
"Một sự bất tín, vạn sự không tin"
Câu này khuyên chúng ta đừng nên nói dối, dù chỉ một lần. Một lần nói dối có thể đánh mất niềm tin nơi mọi người. Nói tóm lại, chúng ta cần phải giữ đúng lời hứa và làm tròn trách nhiệm, có như thế chúng ta mới chiếm được cảm tình và niềm tin của người chung quanh.
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là đạo đức luân lý quý báu do tiền nhân truyền dạy. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng và bồi đắp những đức tính này để chúng ta có thể tự hào là người Việt Nam./.
Huyền Nhi
No comments:
Post a Comment