10 March 2015

Ông tiến sĩ thâm hay dở hơi?

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 07.03.2015

Ông tiến sĩ thâm hay dở hơi?

Thưa Bạn đọc,

Kỳ trước tôi không có bài gửi đến bạn đọc vì lý do "cái bệnh già" và cũng bởi cái thú của những ngày lạnh hiếm hoi của cái xứ nhiệt đới này nên buổi sáng nhảy ra mở cửa, bất ngờ gặp "gió mới," rất nhanh chóng bị cảm lạnh, trở vào nhà nằm thẳng cẳng. Ho đến nỗi thở không ra hơi, uống thuốc vào lại bị thức suốt đêm không tài nào nhắm mắt được, ăn uống không "dô."

Cứ như thế, trời hành cho 5 ngày liền từ 1 đến 5 Tết. Đến hôm nay, trời đất lại trả về cho Sài Gòn cái nóng thường lệ và tôi cũng may mắn lại được rời bệnh viện, trở về nhà với cái chứng sưng vòm họng đang dần bình phục nên mới "nhóc nhách" bò dậy tiếp tục làm công việc của mình để mấy ông chủ bút đỡ mất công kiếm bài thay thế.

Trong khi đó mấy ông bạn tôi ở Mỹ và Canada than lạnh với tuyết rơi dày đặc, nhiều ông cũng khật khừ ốm dở. Một ông bạn tôi, ông Kim đầu bạc ở Sài Gòn, được con gái đón sang Mỹ chơi ba tháng. Nhưng ông chỉ đi có hơn một tháng rồi tức tốc mua vé máy bay trở lại VN. Ông đến thăm tôi và kể đủ mọi kiểu "khổ" khi ở Mỹ.

Được gặp lại bè bạn hơn 40 năm cũ đón tiếp nồng nhiệt, vui thật, nhưng sau đó về nhà nằm quá lạnh, đêm không ngủ, ngồi đếm từng giờ, từng khắc trôi qua trong cô đơn buồn tẻ. Ăn không nổi vì món ăn không hợp khẩu vị. Ông còn kể nhiều kiểu khổ nữa của mấy người bạn ở Mỹ mà tôi không ngờ tới được. Sau 20 tiếng ngồi trên máy bay trở lại Sài Gòn, ông mừng như được sống lại. Tuy là dân thể thao từ nhỏ nhưng cũng sụt mất đúng 5kg. Trông ông phờ phạc, lái xe gắn máy không còn vững như "anh hùng xa lộ" thời xưa nữa. Thì ra anh già nào cũng có nỗi khổ của riêng mình.

Thứ bệnh già đáng yêu
Một ông bạn già ở Hawaii an ủi tội rằng cái tuổi "ăn cơm tháng bệnh viện" là cái chung của cả anh em mình. Tôi chợt nghĩ đến "cái lịch sử của sự ăn." Khi còn trẻ, đi trọ học, ăn "cơm trọ," vừa kịp khôn lớn đã ăn "cơm lính." Rồi khi có nhiều bạn bè, ăn "cơm khách." Lớn tí nữa ăn "cơm tù" hơn 10 năm. Ra tù, ăn "cơm ké," "cơm chùa." Vợ đi vắng thì "cơm hàng cháo chợ." Già rồi ăn "cơm bệnh viện." Không biết mai này ăn thứ cơm gì nữa đây hay chỉ còn ăn cháo. Nhưng dù sao còn sống được, còn nhóc nhách được là vui rồi.

Có một điều tôi thấy rõ là đau ốm, nhưng không ngày nào không vào net đọc e mail và nhìn qua tin tức khắp nơi. Bây giờ chỉ cón "ghiền" một thứ duy nhất là đọc "meo," xem tin tức, xem clip. Ốm liệt giường mà được đi du lịch thế giới, xem hoa anh đào nở ở Nhật Bản, xem đủ loại phim, còn gì sướng hơn. Cảm ơn các bạn đã từng gửi "meo" cho tôi hàng ngày.

Ông Hoàng Hải Thủy ở xứ Rừng Phong thú nhận là "bây giờ tao ghiền vào internet ngày 3 cữ, sáng trưa chiều tối, chẳng bao giờ quên." Còn ông Tạ Quang Khôi, sống cu ky một mình, hầu như suốt ngày mò mẫm vào net xem đủ thứ rồi chuyển đủ thứ cho các bạn già.

Cơm có thể bỏ, thuốc có thể quên không uống nhưng net thì không thể quên. Có phải đó cũng là thứ "bệnh già" của tất cả những ông bà trạc ngoại lục tuần không nhỉ? Song, tôi nghĩ đó là thứ "bệnh già đáng yêu" của chúng tôi đấy các bạn ạ.

Lai rai tâm sự vụn với bạn đọc vài hàng cho thêm gần gụi, để các bạn hiểu rõ chúng tôi hơn. Được chia sẻ cũng là một hạnh phúc.

Viết ngắn lại
Bây giờ xin trở về với điều tôi muốn viết. Thật ra đây là đề tài tôi định viết ngay từ trước Tết, nhưng "kiêng" nói chuyện nhức đầu ngày Tết nên đành hoãn lại cho tới hôm nay. Trước hết xin nói rõ, khi tôi vừa trở về từ bệnh viện, ông Bác sĩ Nguyễn Ý Đức từ Mỹ gọi điện thoại thăm hỏi, đồng thời ông cũng đưa ra lời khuyên rất hữu ích cho việc viết lách của tôi. Ông nói nhiều bạn trẻ thích đọc bài tôi nhưng họ ngại bài dài quá. Trên thực tế bây giờ độc giả không có nhiều thì giờ nên thích đọc bài ngắn hơn, vả lại có tuổi rồi nên viết ngắn lại cho đỡ "đau đầu." Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này và từ nay tôi sẽ viết ngắn hơn, chỉ gom lại trong một chủ đề chính.

Vậy tôi đi ngay vào chủ đề này. Đây là một đề tài đã được dư luận nổi sóng bất bình trên rất nhiều trang báo lề phải cũng như lề trái. Đó là "sáng kiến quái dị" của ông Nguyễn Hữu Tri, một vị Phó giáo sư tiến sĩ (PGS.TS), Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia công bố trên báo chí về chuyện chạy công chức, chạy quyền.

Nói trắng ra ông tiến sĩ này đề nghị nhà nước VN nên đưa ra cái luật cho phép chạy chức chạy quyền. Trong khi người dân đang đùng đùng kết tội thì ông lại đưa ra cái ý kiến quái đản này. Cho nên ông bị "ném đá" tơi bời hoa lá và đôi khi có độc giả… rủa không thương tiếc. Nhưng tôi lại không nghĩ thế, không phải vì tôi ủng hộ ý kiến quái đản đó của ông mà tôi có ý nghĩ khác. Trước tiên chúng ta hãy nhìn qua "lý luận" của ông tiến sĩ này.

Tại sao nên cho phép chạy chức chạy quyền?
Trên tờ báo Đất Việt – Diễn đàn của Liên Hiệp các hội Khoa Học Kỹ Thuật VN có một tiêu đề to tướng "Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền" của ông TS Nguyễn Hữu Tri. Tôi xin tóm tắt vài điểm chính của ông tiến sĩ. Ông nói:
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri (Đất Việt).
"Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết."

Khi được phóng viên hỏi: Là người có nhiều năm nghiên cứu về hành chính và là trưởng ban chấm thi nâng ngạch công chức chắc ông hiểu rõ bản chất của sự việc chạy' công chức mới đây ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội có nêu. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?

Ông PGS.TS Nguyễn Hữu Tri trả lời rành mạch:
"Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi cho các lớp học khi tham gia giảng bài ở đó rằng tại sao lại phê phán việc chạy chức chạy quyền? Trên thế giới này chạy chức chạy quyền nhiều chứ (?!). Obama phải chạy vào Nhà Trắng, Putin phải chạy vào nhà đỏ thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu. Ai cũng muốn có chức, có quyền và điều này chưa thể khẳng định là xấu. Bản thân tôi cũng từng nói với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rằng tôi cũng muốn chạy để có chức. Vào để tôi có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lời dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung. Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này là vì cũng xuất phát từ quan điểm cơ chế thị trường. Chúng ta nói nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là theo quy luật cơ bản của cơ chế thị trường bởi vì cái gì cũng có quy luật của nó tức là cung cầu, cạnh tranh, giá trị."

Và ông cho rằng:
"Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chính những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định cho nó chạy. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết."

Rồi Ông đưa ra kết luận:
"Tôi khẳng định không thể tìm được gì vì lấy đâu ra chuyện giấy trắng mực đen."
Tức là ông quả quyết không thể nào ngăn chặn nổi nạn chạy chức, chạy quyền như một dòng chảy âm thầm trong xã hội VN. Vì thế nên cứ công khai cho chạy cho yên chuyện.

Những viên đá tảng phản kháng
Đã có hàng trăm lời bình của rất nhiều độc giả thuộc đủ mọi giới. Tôi nêu vài lời bình đáng chú ý nhất:
- Bạn Ngân Hà viết: Qua bài báo này, chúng ta có thể nhận ra hai vấn đề:

Thứ nhất, Bộ Giáo Dục nên nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra lại bằng cấp và trình độ của vị PGS-TS ; nếu vẫn không phát hiện được gì thì sang vấn đề thứ hai.

Thứ hai, trong cơ chế thị trường, mọi cái đều có thể mua được bằng tiền, ví dụ như đạo đức, lương tri, tình cảm, trình độ,.. nếu không mua được trực tiếp thì mua thông qua hình thức chạy, và hình thức chạy cần được luật hóa để có thể thu được tiền thay vì để tiền này chạy vào túi cá nhân, là những người trước đó đã bỏ tiền ra để chạy chức, chạy quyền.

- Bạn Đào Cường phê phán nặng nề hơn:
Phát biểu như người vô học, ngày mai ông ấy đề nghị tiếp là giết người được lấy tiền đền là xong để lấy tiền cho nhà nước tiếp đây.

- Bạn Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Làm quan mà phải dùng đến tiền để mua thì những người có tiền sẽ được làm quan, những người có tài thực sự nhưng ít tiền thì làm đầy tớ cho Quan. "Văn hay chữ dốt không bằng Quan dốt lắm tiền." Chẳng thế mà công chức ở nước ta có tới 30% không biết làm việc. Ôi chúng ta sẽ đi về đâu???

Sự bỡn cợt, mỉa mai đằng sau những con chữ
Thưa bạn đọc, riêng tôi lại có một ý kiến khác hẳn. Trình độ của ông Nguyễn Hữu Tri là Tiến sĩ, đã và đang giữ những chức vụ quan trọng, hiện là Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý và đã từng giữ những chức vụ then chốt như trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia. Bào báo được đăng trong Diễn đàn của Liên Hiệp các hội Khoa Học Kỹ Thuật VN không phải là loại lá cải.

Vậy thì cái mục đích chính của ông Tri là gì?

Khi đọc một bài báo như thế tôi nghĩ đến lối viết và lách của nhiều tác giả thời nay. Chúng ta nên tìm hiểu những gì đằng sau những con chữ. Những tiềm ẩn được gửi gấm sau những dòng mực như những dòng máu của người viết. Tôi cho rằng tác giả đang cố ý bỡn cợt hiện tượng chạy chức, chạy quyền ở VN chứ không phải đó là một đề nghị "nghiêm túc".

Không lẽ nào một vị tiến sĩ lại có đề nghị ngây thơ đến quái đản như thế! Có chăng ông quá thất vọng vì hiện tượng chạy chức, chạy quyền ở VN, ông cho rằng các loại chức tước cũng chẳng khác gì mớ rau con cá ngoài chợ, thôi thì cho nó vào luật quách đi cho xong. Anh nào nhiều tiền thì chức càng cao như con cá nào to thì phải trả giá đắt mới mua được, chứ chẳng cần tài cán gì ở cái xã hội này hết. Nếu đúng vậy thì ông TS này và cả cái diễn đàn của Liên Hiệp các hội Khoa Học Kỹ Thuật VN thâm thật.

Tùy bạn có thể nghĩ ông tiến sĩ này thâm thúy hay… dở hơi.

Văn Quang

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers