Khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách giữa quan với dân
Ở bất cứ nước nào tình trạng giàu nghèo là chuyện đương nhiên, không thể tránh khỏi. Ai cũng muốn làm giàu và chẳng ai muốn nghèo cả. Nhưng làm giàu bằng cách nào mới là điều đáng nói. Làm giàu bằng tài năng, trí lực như Bill Gates được người đời kính trọng, làm giàu bằng ăn hối lộ, buôn gian bán lận người đời khinh ghét. Cái khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam vừa được một ông đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) VN nêu ra trước Quốc Hội.
Ông Ksor Phước lo ngại khoảng cách giàu nghèo gia tăng gây bất ổn xã hội. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo giữa quan và dân còn nguy hiểm hơn nhiều. Cái khoảng cách đó mênh mông lắm, nó làm cho người dân hàng ngày phải bực bội, phẫn nộ khiến cho quan với dân cứ như kẻ thù của nhau vậy. Vì thế người ta không lạ gì người dân VN thường có những phản ứng đôi khi mạnh tay đối với những viên chức nhà nước mà báo chí ở đây gọi là "chống đối," "manh động" với người thi hành công vụ" nhẹ thì bị tóm, phạt hành chính, nặng thì đưa ra tòa đi tù như chơi. Tôi chỉ nêu một vụ "manh động" khôi hài gần đây nhất:
Ba công an xã bị gã say rượu nhốt vào buồng
Theo tin của hầu hết các báo ở VN, ngày 16/2 vừa qua, công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) khởi tố, tạm giam Vũ Đình Nhàn (40 tuổi, ở xã Vĩnh Long) về hành vi chống người thi hành công vụ.
Ngày 10/2 (mùng 3 Tết), nhận tin báo Nhàn uống rượu say, đang gây rối trật tự công cộng, hai phó công an xã Vĩnh Long là Hà Viết Oai và Trịnh Viết Hưng cùng một cán bộ xuống hiện trường xác minh thì bị Nhàn lớn tiếng lăng mạ.
Nhàn lừa nhóm công an vào buồng nhà mình rồi khóa cửa nhốt họ bên trong. Người đàn ông này chỉ chịu thả người khi công an huyện Vĩnh Lộc được huy động đến giải cứu. Tại cơ quan điều tra, Nhàn khai uống nhiều rượu bia nên không làm chủ được bản thân.
Anh Vũ Đình Nhàn nhốt 3 CA xã vào buồng bị gọi tới cơ quan điều tra.
Thật ra sự việc này là do những dồn nén lâu ngày nên khi uống rượu vào mới nổ ra. Anh chàng Nhàn này phải khai như thế cho nhẹ tội. Còn phía "nhà nước" cũng phải chấp nhận như thế cho đỡ "bẽ bàng." Một anh nông dân mà nhốt được ba ông công an vào buồng mới là chuyện lạ. Đã từng có không biết bao nhiêu "vụ án" xảy ra như vậy rồi, cũng chỉ là chuyện hàng ngày ở huyện.
Đến đây, tôi tường trình với bạn đọc về sự lo ngại của ông Dân biểu Quốc Hội trước, phần sau sẽ bàn về khoảng cách giữa quan và dân.
Lo ngại bất ổn xã hội vì khoảng cách giàu nghèo
Phát biểu ý kiến vào báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của chính phủ, chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc Ksor Phước cho rằng thực trạng khoảng cách giàu nghèo đáng báo động. Ông Phước khẳng định có đầy đủ số liệu để chứng minh khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. "Nó sẽ gây bất ổn xã hội. Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách quá cao sẽ gây xung đột."
Ông mào đầu bằng câu ca tụng trước rồi mới nói tới cái tai hại sau cũng như rất nhiều vị tai to mặt lớn thường diễn thuyết trước đám đông. Ông nói:
"Mặc dù nhiệm kỳ qua Chính Phủ đã có nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu nhìn từ các tiêu chí như thu nhập, giáo dục, y tế… thì thấy cái nghèo hiện nay là nghèo cùng cực bởi hàng năm nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn chi trả bảo hiểm cho người nghèo, hàng trăm tấn gạo để cứu đói."
Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Nguyễn Văn Giàu cũng đồng tình, bày tỏ lo lắng khi nông nghiệp 5 năm nay chững lại, sụt giảm rất lớn, thu nhập của người nông dân cũng bị sụt giảm, thị trường giá cả rất bấp bênh làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Dẫn chứng năm 2011 có 54 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng đến năm 2015 lên tới 71 nghìn doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế đề nghị làm rõ thêm đây là do tất yếu hay do chính sách chưa theo nhịp sống của nền kinh tế.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu: "Xã hội đang bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Một số tờ báo thông tin doanh nghiệp nói sợ nhất chi phí gầm bàn. Bây giờ đang thu hút làn sóng đầu tư mới mà cứ để cho người ta nói như thế làm giảm đi sức hút đầu tư của chúng ta".
Báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Pháp Luật cũng nêu rõ: "Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, gây lãng phí, tốn kém cho xã hội."
Điều này không một người VN nào không biết, đó là thứ chuyện cổ tích. Viên chức nhà nước làm việc kiểu "sáng xách ô đi, tối xách về" không có gì lạ. Bộ máy hành chính và những luật lệ, quy định tréo cẳng ngỗng khiến ngay cả các ông cán bộ cũng lúng túng như thợ vụng mất kim, nói chi đến người dân càng rối rắm hơn nữa, chẳng biết lối nào mà mò. Còn tham nhũng thì thôi "biết rồi khổ lắm nói mãi," nói hoài cũng thế thôi. Rút cục là "lãng phí cho xã hội" như Ủy Ban Pháp Luật vừa nêu ra chính là để tránh phải nói thẳng tội lãng phí tiền bạc mồ hôi nước mắt của người dân đấy thôi. Có gì mới mẻ đâu.
Tuy nhiên sự lo lắng của mấy ông ĐBQH là có lý, song chưa quan trọng bằng khoảng cách giữa các quan và người dân. Có nhiều điều vô lý hơn và tế nhị ẩn hiện muôn ngàn vẻ trong cuộc sống hàng ngày.
Dân đói quan no
Chuyện này quá nhiều, tôi chỉ trích dẫn hai vụ gần đây nhất khiến người dân đàm tiếu. Hầu hết các báo ở VN đều lên tiếng về vụ ông Hoàng Nghĩa Hiếu, tân phó giám đốc. Để chúc mừng vị tân phó giám đốc, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nghệ An đã mở tiệc giao lưu với nhiều quan khách.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu (giữa) trong đêm "giao lưu" chúc mừng về làm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.
Chiều 25 tháng 2, 2016, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Tỉnh ủy viên, nguyên bí thư huyện ủy Yên Thành giữ chức phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nhiệm kỳ 2015-2020.
Tối cùng ngày, Sở này mở tiệc giao lưu chúc mừng vị tân phó giám đốc với biển chào mừng tại Nhà Khách Nghệ An. Tối cùng ngày, trang Facebook cá nhân được cho là của ông Hiếu cùng nhiều người có mặt ở bữa tiệc đăng tải nhiều hình ảnh cùng lời chúc mừng vị phó giám đốc Sở.
Là người tham dự buổi tiệc, bà Lương Thị Minh Hằng, chánh văn phòng Sở xác nhận, cơ quan đã đặt 10 mâm. Khoảng 100 người tham dự trong đó có nhiều cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đại biểu và một số lãnh đạo huyện Yên Thành.
Buổi tiệc gồm hai phần, ăn uống và giao lưu văn nghệ diễn trong khoảng vài giờ đồng hồ, bắt đầu từ 5 giờ 30 chiều ngày 25/2. Riêng phần kinh phí tổ chức thì bà Hằng cho biết, bà chưa nắm được việc này và số tiền cụ thể là bao nhiêu, ai chi trả. Nữ chánh văn phòng kiêm kế toán trưởng Sở Nông Nghiệp Nghệ An nói, "Do đang bận việc nên tôi chưa kiểm tra được, khi nào xem báo cáo tôi sẽ trả lời sau."
Một nhân viên Nhà Khách Nghệ An cho hay, tiệc mừng tân phó giám đốc Sở diễn ra với phông nền "hoành tráng," không khí sôi động. Người đặt tiệc là một nhân viên của Sở Nông Nghiệp. Anh này diễn tả, "Buổi giao lưu diễn ra ấm cúng, những người tham gia hát hò rộn ràng rồi ra về. Đến sáng 26/2, cơ quan này vẫn chưa đến thanh toán số tiền đã đặt tiệc."
Bạn Quý An viết trên báo Người Lao Động:
"Người dân có quyền yêu cầu làm rõ nguồn tiền chi trả cho bữa tiệc 10 bàn đãi 100 quan khách nói trên. Nếu là tiền của sở thì rõ ràng là hành vi thâm lạm của công, chắc chắn chi sai nguyên tắc tài chính; trong trường hợp là tiền túi của ông Hoàng Nghĩa Hiếu thì câu hỏi đặt ra càng lớn hơn nữa: Sự cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ - đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, ở đâu? Làm phó giám đốc sở thì có gì béo bở mà ăn nhậu hả hê như thế? Nên nhớ, cũng như năm trước, cuối năm 2015 vừa rồi, tỉnh Nghệ An tiếp tục xin Chính phủ cấp gạo cứu đói dịp Tết Bính Thân và mùa giáp hạt sau Tết với hơn 3,600 tấn."
"Người dân có quyền yêu cầu làm rõ nguồn tiền chi trả cho bữa tiệc 10 bàn đãi 100 quan khách nói trên. Nếu là tiền của sở thì rõ ràng là hành vi thâm lạm của công, chắc chắn chi sai nguyên tắc tài chính; trong trường hợp là tiền túi của ông Hoàng Nghĩa Hiếu thì câu hỏi đặt ra càng lớn hơn nữa: Sự cần, kiệm, liêm, chính của cán bộ - đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, ở đâu? Làm phó giám đốc sở thì có gì béo bở mà ăn nhậu hả hê như thế? Nên nhớ, cũng như năm trước, cuối năm 2015 vừa rồi, tỉnh Nghệ An tiếp tục xin Chính phủ cấp gạo cứu đói dịp Tết Bính Thân và mùa giáp hạt sau Tết với hơn 3,600 tấn."
Đúng là cảnh dân đói rã họng phải xin cứu đói mà quan thì ăn nhậu lu bù. Làm sao dân không căm giận được. Cái nguy cơ xung đột tiềm tàng mới thật sự là mối hiểm nguy.
Bỏ sở dẫn nhau đi liên hoan chuyển giao quyền lực
Theo báo Zing.vn: Vụ việc xảy ra vào 4 giờ chiều khi hàng chục cán bộ, công nhân viên chức của Sở Công Thương Vĩnh Long kéo nhau đến hội quán trên đường Nguyễn Thái Bường để nhậu. Bia lon Heineken được khui, nhân viên chúc mừng tân giám đốc Sở là ông Nguyễn Minh Tho (nguyên bí thư Huyện Ủy Bình Tân). Nguyên giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long Hồ Văn Huân cũng cụng ly chia tay với nhân viên cũ để nhận nhiệm vụ mới là phó bí thư thường trực thành ủy.
Theo một cán bộ Sở Công Thương Vĩnh Long, tiệc được tổ chức từ 3 giờ 30 chiều tại quán của một người trong ngành công thương. Tất cả các thực khách đến quán này bị nhân viên phục vụ nhà hàng từ chối vì phải phục vụ tiệc "chuyển giao quyền lực" cho các cán bộ. Trong khi đó, người dân có việc cần đến Sở Công Thương Vĩnh Long vào chiều ngày hôm đó đành thất thểu ra về.
Trong giờ làm việc, cả Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long kéo nhau đến quán nhậu Ngân Vinh "liên hoan chuyển giao quyền lực" – Ảnh trên báo ZING.VN
Ông Tho cũng thừa nhận có tổ chức liên hoan sớm nhưng cán bộ cơ quan không bỏ đi hết mà có người trực văn phòng. Vị giám đốc Sở cũng khẳng định chỉ có hai người liên lạc để làm việc với phòng xúc tiến thương mại và nghi đó là phóng viên (một nam, một nữ) chứ không phải người dân.
Đối với việc tổ chức tiệc tại quán, ông Tho giải thích do cơ quan không có nhà ăn. Hội quán Ngân Vinh do người cho ngành làm chủ nên 10 bàn ăn chỉ tốn 4 triệu đồng ($180 đô) vì đầu bếp nấu hộ, không tính tiền công.
"Nước ngọt, bia và rượu Bến Tre chỉ có 2 triệu đồng ($90). Phần này anh em bên quản lý thị trường tặng và không có chuyện nhậu đến tối vì có ba bàn là các ông cụ nên không ai nhậu nhiều."
Ông Nguyễn Bách Khoa, chánh văn phòng Tỉnh Ủy Vĩnh Long cho biết bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu giám đốc Sở Công thương giải trình vụ tổ chức liên hoan trong giờ làm việc. Sau khi xem xét giải trình và làm việc với tất cả cán bộ, công chức của Sở Công Thương Vĩnh Long, Tỉnh Ủy Vĩnh Long sẽ có hình thức kiểm điểm lãnh đạo Sở này.
Ăn nhậu xong rồi các quan cãi chày cãi cối sao chẳng được. Có lẽ nhờ vậy mà sếp lớn chỉ bị kiểm điểm.
Ôi, lại kiểm điểm và rút kinh nghiệm cho cái sợi dây kinh nghiệm của VN dài mãi ra, dài như vòng tròn trái đất. Bởi vậy đừng hỏi tại sao cái khoảng cách giữa quan và dân lại xa thế, dân cứ đói, quan cứ no rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
Theo như lời cảnh cáo của ông chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc Ksor Phước khẳng định: "Nó sẽ gây bất ổn xã hội. Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách quá cao sẽ gây xung đột."
Liệu chuyện này có thể xảy ra không? Thời gian sẽ trả lời.
Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 14.03.2016
No comments:
Post a Comment