Thời gian trôi qua hơn 35 năm tôi mới dám nghĩ lại đến phận đời phó thường dân của mình. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bên ni, bên nớ.
Anh Tám hồ hởi
Nhớ lại, sau 30 tháng 4 mấy anh Tám hồ hởi ló mặt, lên dây thiều cùng các anh nón cối nhận "làm đầy tớ nhân dân" trong chế độ mới. Tuyệt đại đa số người miền Nam đùng một cái từ công dân một quốc gia tự do trở thành phó thường dân trong đất nước thống nhất "anh em một nhà".
Mấy anh Tám làm "đầy tớ" này thì lên tiếng tớ đây có quyền quyết định tất cả: đầy ải các phó thường dân ra vùng kinh tế mới và bọn "tay sai Mỹ Ngụy" vào các trại tập trung cải tạo. Đã là anh em một nhà thì nhà của em cũng là nhà của anh. Anh Tám bảo mấy em giao nhà, hiến đất, cơ xưởng để phục vụ nhân dân. Hơn nữa các anh đã dựng chòi tạo điều kiện cho các em "lao động vinh quang" còn các anh phải ở lại tiếp quản tài sản và ở trong (lòng) quần chúng nhân dân. Cách mạng là đổi đời mà.
Vì được gọi là cặn bã xã hội và được cách mạng tái sinh vào phận phó thường dân nên đa số đám trẻ miền Nam cỡ tuổi tôi được đưa vào ngọn cờ đầu "thanh niên xung phong". Có chăng còn vài đứa như tôi sót lại trên sàng vào được Đại Học thì lụi cụi mới hai ba năm trên ghế học đường lại được tuyển đi "nghĩa vụ quân sự" trên chiến trường ở tuyến đầu tổ quốc. Phó thường dân chúng tôi bao giờ cũng được nhà nước xã hội chủ nghĩa ưu đãi tạo cho cơ hội phấn đấu thành anh hùng kiểu liệt sĩ.
Tôi nói thôi bỏ qua đi tám, nhưng anh Tám hồ hởi không chịu bỏ qua nên đám phó thường dân đành liều bỏ chạy tứ phương, tám hướng.
Bác-Tôi
Đúng ra thì tôi phải gọi ông ngang cỡ "ông cố nội" nhưng vì ông thích được gọi bằng Bác thành ra Bác (bác) Tôi (tôi) chắc cũng không mích lòng gì và chẳng bị mắng là (hỗn) láo.
Nói thì không ai tin chứ thực ra số phận của tôi và Bác có vẻ gắn bó với nhau lắm. Bác mà không đem thiên đường cộng sản về Việt Nam thì chắc tôi và Bác chẳng mắc mớ gì đến nhau. Nếu Bác cứ xây dựng thiên đường cộng sản ngoài ấy ấy đi thì cũng chẳng đến nông nỗi nào với tôi. Nhưng mà Bác lại cứ "toàn thắng lại về ta" nên chơi luôn thằng em đàng trong.
Vốn dĩ được xem là "thành phần có vấn đề" nên tôi có tư tưởng phản động theo gương Bác liều mình tìm đường cứu thân (thật) thay vì cứu nước (láo) như Bác.
Thời đó các chiến sĩ giải phóng ta đã quyét sạch tàu Mỹ, tàu Tây mất tuyệt chẳng còn đâu ở bến Nhà Rồng để tôi lon ton lên làm bồi như Bác nên tôi phải vượt biển đi chui từ kênh rạch rặc mùi bùn. Cái mạng phó thường dân thời thuộc địa Pháp của Bác trông ngon lành hơn kiểu phó thường dân thời xã hội chủ nghĩa của tôi nhiều. Làm bồi như Bác sang hơn tôi một cái rụp. Bác sang Tây (do Bác chọn nó) còn tôi sang Mỹ (vì nó chọn tôi) nhưng mà kiểu nào thì cũng là người lưu vong cả thôi.
Cuộc đời của Bác thì đã được ngàn vạn đầu sách nói đến, kể cả sách của Bác (Trần Dân Tiên, T. Lan) tự họanữa chứ chẳng phải chơi. Của đáng tội, chẳng cần Bác tự họa thì cũng đã có ngàn vạn văn nô bồi bút thổi phồng rồi, làm chi cho má nó khi (xin phép bác Tưởng Năng Tiến).
Đời phó thường dân lang thang như tôi thì có cặm cụi viết lắm cũng chưa đủ dăm trang. Ấy thế mà nó lại cứ hao hao giông giống như thế nào mới chết chứ.
Bác viết báo, tôi viết blog. Bác phó nhòm, tôi phó tiến sĩ ("mát" in VN kiểu cử nhân Luật anh ba Nguyễn Tấn Dũng). Bác học Lê-nin, tôi học Lin-cơn (Abraham Lincoln). Bác là cộng sản, tôi gốc cộng hòa.
Nói giông giống như vậy thôi chứ tôi thì tiền hậu bất nhất không như Bác trước sau như một. Tôi với Bác vốn trước đây cùng ở một đất nước chuyển tiếp từ thuộc địa sang hậu thuộc địa mà không có một thời gian thực sự độc lập để thoát ra khỏi cái tâm thức nô dịch.
Bác một dạ một lòng với ông Mác, ông Nin cung nghinh chủ thuyết cộng sản về nô dịch hóa đồng bào mình, hết cải tạo lao động, cải cách ruộng đất đến chỉnh huấn, thanh trừng theo rập khung anh cả. Bác luôn dùng bạo lực cách mạng độc tài đảng trị theo huấn thị của Quốc Tế Cộng Sản. Ngay cả cuối đời thì Bác cũng cà cuống (chết đến đít còn cay) đi gặp ông Mác ông Nin, nghe bài ca mẫu quốc Mao lần cuối. Bác hành xử "hân hoan, hồn nhiên" (à la Nguyễn Hữu Liêm trong bài "Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an") với tâm thức của một người thuộc địa. Hóa ra Bác, chủ tịch nước, cũng không hơn gì một phó thường dân.
Tôi sang đây ở xứ đế quốc Mỹ nhưng quyết học cách làm người công dân và kháng cự để không bị nô dịch hoá: tham gia biểu tình phản đối những chính sách quân phiệt, đế chế hoặc chính sách bất công thiên vị; phát biểu ý kiến đả phá chủ trương Tư Bản thống trị toàn cầu dù theo kiểu Đế quốc Mỹ hay Đại Hán Trung Hoa; cổ xuý cho việc giải thực tâm thức thuộc địa cho đồng bào bên ni và bên nớ.
Tiến trình giải thực tâm thức nô lệ không phải một sớm một chiều. Cái vòng kim cô nô dịch vô hình trên đầu thì khó gỡ hơn là cái xiềng xích nô lệ chân tay.
Thực dân, nô lệ, ăn mày (tựa đề một bài viết của Nguyễn Hoàng Văn)
Qua đến thời "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa" này thì số phó thường dân không giảm đi nhưng ngược lại nó tăng vụt một cách chóng mặt.
Ở bên nớ, nông dân không chuyên nghề ở nhà gặp nhiều "sự cố ở huyện" quá đỗi nên rủ nhau biệt xứ. Họ thế chấp nhà cửa mua vé đi lậu, đi chui làm người rơm, người rừng cho bọn tư bản đế quốc dẫu viễn xứ gian truân, khó khăn trăm bề nhưng có lẽ còn có thể kiếm ăn hơn là chịu nhục chịu đói làm phó thường dân ở làng xã.
Dân có học thì cũng chẳng khấm khá gì. Chỉ cần tư duy độc lập không chịu làm con cừu đi theo lề phải là bị đạp xuống thành phó thường dân ngay. Ngó qua ngó lại thì cả nước chứ chẳng phải nông dân, công nhân, trí thức gì gì đều là phó thường dân[1] dưới cái chính quyền nô dịch này.
Đảng CSVN cầm quyền (cầm tiền) ở Việt Nam càng ngày càng lộ cái dị dạng hai đầu: vừa mang dấu ấn nội-thực-dân trong cơ chế độc tài đảng trị, vừa trao thân cho tân-thực-dân (neocolonialist) dưới chiêu bài "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa."
Các điều khoản trong Hiếp Pháp nhà nước XHCN Việt Nam như "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai" (Điều 18 Hiến Pháp 1992), "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu" (Khoản 1 Điều 5 Luật Đất Đai) là hình thức che đậy cho quyền xử dụng trong tay thiểu số tập đoàn cai trị tung hoành cướp đất đồng bào[2].
Qua cơ chế độc tài đảng trị, bọn nội-thực-dân khai thác tài nguyên quốc gia, bán tháo bán đổ, sang nhượng cho thuê bất kể tác hại đến an ninh và môi sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng công ăn việc làm, và tước đoạt phương tiện sinh hoạt kinh tế của người dân.
Dưới chiêu bài "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" thì ngân sách quốc gia được đút vào các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước (DNNN), điển hình là Vinashin. Từ đó những "ông chủ trá hình" tha hồ tùy tiện xử dụng và biển thủ nguồn tài chánh này (thuế từ dân chúng, tài nguyên quốc gia, kiều hối, vay mượn nợ ngân hàng quốc tế). Với phương thức văn vẻ "cổ phần hoá" (equitization), tài sản công cộng bỗng dưng biến mất dưới bàn tay phù phép và lọt vào túi những tên tư bản đỏ nằm trong tập đoàn chính trị đầu sỏ (oliarchy)[3].
Mặt khác, cái tập đoàn chính trị đầu sỏ đấy lại hành xử như những người nô dịch thời thuộc địa. Họ chưa (muốn) biết làm thế nào để thoát ra được cái tâm thức nô dịch dù đã đánh đuổi được thực dân Pháp ra khỏi nước. Vì thế các ông "đầy tớ nhân dân" với quyền lực tuyệt đối nhưng sống trong trạng thái tâm lý của kẻ vừa là nội-thực-dân vừa là tên nô dịch cho tân-thực-dân.
Họ vừa ở trong trạng thái trầm uất (depression) tự ti ngu dốt, thiếu khả năng hơn các chủ nhân ông tân-thực-dân, vừa huyên hoang trong chứng bệnh vĩ cuồng vị kỷ (narcicisstic grandiosity)[4]. Vĩ cuồng trong những đề án hoang tưởng Vinashin, dự án đường sắt cao tốc, và công trình lễ hội Ngàn Năm Thăng Long.
Họ hăm hở nhại lại những gì các nước Âu Mỹ thành công để tưởng rằng mình "Cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng đúng mức đàng hoàng …"[5] Họ biển thủ, trộn cắp muốn mua lấy phú quý, vinh quang nhưng vẫn chung quy phường mèo mả, gà đồng.[6]
Hoang tưởng vĩ cuồng cho mình chỉ cần (ăn ba đấu gạo) đổ bao nhiêu công phiếu, nợ nần vào Vinashin là vươn vai Phù Đổng trong khi trình độ kỹ thuật chưa làm được một con ốc đủ tiêu chuẩn công nghệ cao.
Hoang tưởng vĩ cuồng khi nghĩ rằng chỉ cần vay nợ (đời con đời cháu cũng chưa trả hết) làm đường sắt cao tốc là trở thành tân tiến trong khi hệ thống đường sắt cổ lỗ sỉ xuống cấp, vẫn còn lưới sắt chống đá, vẫn còn đổ phân xuống đường rày, và vẫn còn những đàn bò đi trên/ngang qua quốc lộ cao tốc.
Hoang tưởng vĩ cuồng trong khi người dân thiếu đất trồng trọt, không đủ nhà ở thì lại quy hoạch (đầu cơ địa ốc) xây dựng các sân golf, casino, và resort phục vụ những con ông cháu cha, những tân-thực-dân ngoại kiều và Việt kiều.
Mọi thứ đều hoành tráng bên ngoài và tạm bợ nhưng rỗng tuếch bên trong. Họ không hiểu rằng những phương tiện hào nhoáng bên ngoài này không mua được bản chất và cốt cách bền vững lâu dài.
Điều căn bản đáng cần làm là xây dựng hạ tầng cơ sở từng bước một vững chắc (không theo kiểu đầu voi đít chuột, nay làm mai sửa, càng sai càng sửa, càng sửa càng sai) cụ thể như nâng cao mức sống người dân (không theo kiểu từ cao nhỏ giọt xuống – "trickle-down", làm đầy tớ cho người); nâng cao dân trí (giáo dục miễn phí, tự do ngôn luận và phản biệt) thì không thấy quan tâm.
Không một mảy may đầu tư vun xén cho hạ tầng cơ sở được vững chải mang tính sách lược và hệ thống hóa. Chỉ thấy "phát triển" ngoài da như đi trên mây chẳng bao giờ chạm chân chấm đất.
Nào là xây nhà quốc hội hoành tráng cho đa số nghị ông, nghị bà bù nhìn, gật gù cho đúng khuôn mẫu "dân chủ" kiểu "Đảng ta". Không thấy xây nhà xí[7], xây thư viện hay lắp cầu[8] qua sông cho người nghèo đi lại, hay học sinh có phương tiện đến trường sinh hoạt căn bản. Chỉ thấy thụ động chờ xem những ai không thể bịt mắt trước đau khổ nhọc nhằn của đời phó thường dân, góp công góp của, và xắn tay vào thực hiện thì "thiên tài" Đảng ta cướp công lấy điểm là nhà nước rất "no". Nếu không phải là một hình thức nội-thực-dân chỉ cốt phục vụ cho tập đoàn chính trị đầu sỏ và đám ăn theo thì gọi là gì?
Theo ông Memmi[9] thì tâm lý của kẻ thực dân là luôn coi mình có văn minh, tiến bộ, bậc thầy của người bị trị.
Phong tác thực dân luôn nhập vai vào người đô thị, thời thượng. Kiểu cách thực dân thì đương nhiên được nâng cao và phục vụ bởi người nghèo khó túi vá áo ôm. Những người bị cho là "thiếu văn hoá, văn minh" này đa phần xuất thân từ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Họ bị bần cùng hoá và phải đổ ra đô thị làm cửu vạn, ôsin.
Họ sa vào đường cùng khi phương tiện sinh hoạt kinh tế nông thôn thì đã dần co hẹp do mất đất mất nhà, chi phí sản suất thì vụt cao, giá cả nông sản thì bị dìm ẻm, và thu nhuận của họ không đủ sống qua ngày trong khi lạm phát càng lúc càng gia tăng.
Một số khác đành phải gia nhập đội ngũ công nhân hạng bét cho các cơ xưởng sản xuất xuyên quốc gia (transnational). Họ được gián tiếp huấn luyện trở thành nô-lệ-thời-hiện-đại phục vụ cho giới thống trị toàn cầu.
Đám tân-thực-dân thông đồng với giới thống trị toàn cầu này rất thính hơi với lợi nhuận. Họ nhanh chóng và thường xuyên di dịch từ đô thị này sang đô thị khác tìm mồi. Họ hớt nước cốt trong nồi súp, rồi ra vẻ tử tế thương hại để lại phần xương xẩu sót dưới đáy nồi cho người địa phương. Việt Kiều, Ngoại Kiều thì có khác gì. Cả hai đều hối hả chung tay vào khai thác và nô lệ hoá giới lao động bần cùng.
Ở bên ni, người có học được tiếp xúc với nền văn hóa Âu Mỹ thì đã không ít kẻ bị mờ mắt với nền khoa học, kỹ thuật tân tiến. Trí thức hải ngoại dù cánh tả hay cánh hữu cũng đều dễ bị lôi cuốn vào diễn luận trọng Âu (eurocentrism). Con đường này không chóng thì chày cũng dẫn đến góc tối thực-dân-mới.
Giới có học biết đòi hỏi quyền lợi cho bản thân nhưng lại rụt rè trong việc đòi dân quyền và công bằng cho tha nhân. Họ tậu công ăn việc làm, đạt an sinh cá nhân trong môi trường tự do tương đối và an thân trong vị trí đó.
Họ tự viện cớ ứng xử nhiều kiểu khác nhau để âm thầm trương bảng "không tham gia chính trị" như thể đó là một phạm trù có thể khoanh vùng và cô lập ra khỏi cuộc sống. Họ là những người tự nguyện làm công dân hạng hai, sẵn lòng làm phó thường dân, và chưa dám làm một công dân thực thụ trong xã hội dân chủ phương Tây.
Họ giữ im lặng, chẳng hề lên tiếng hoặc xác định vị thế chính trị nào trước các chính sách kỳ thị về di trú hay bất công trong vấn đề dân quyền, nhất là khi cân nhắc và biết tác động của các chính sách này không ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Họ giữ im lặng dù biết các chính sách này vi phạm nhân quyền gây nhiều thương tổn cho các sắc dân hoặc tôn giáo thiểu số mà mình cùng sống chung.
Sự im lặng đáng ngạc nhiên. Vì chính mình tự kiểm duyệt mình trong một hoang tưởng an toàn như con cừu đang đứng giữa được bao bọc bởi bầy đàn và để mặc cho đồng loại bị cắn xé ngoài rìa. Họ muốn lặng lẽ quên gốc gác màu da của mình. May thay cũng có những người không im lặng (Đừng bảo tôi im vì bạn im).
Cũng có người ngụy biện theo chước khác. Họ dùng cái "thinh lặng của thiền định nhà Phật" để lẫn tránh vào nơi an trú. Cái thinh lặng sấm sét truớc kêu gào, rên siết. Họ không thèm hiểu hay quên hẳn rằng một số quyền và tự do tương đối họ đang hưởng là kết quả từ những đấu tranh và hy sinh của nhiều công dân đi trước – những người đã can đảm thực hiện quyền công dân thực thụ. Họ sống ẩn với triết lý và học đường tại vị, che mắt bịt tai để không phải mục kích thảm kịch dành cho giới lao động chân tay và phục dịch – một khối tuy rất đông nhưng sống trong sợ hãi chỉ lo đến miếng cơm manh áo.
Trong khi đó, bộ máy truyền thông bảo thủ được tài trợ bởi giới tài phiệt tư bản xuyên quốc gia biết cách chế ngự đám đông làm nỗi sợ này ngày càng gia tăng. Guồng máy này tiếp tục ra rả đem ông ngáo ộp thất nghiệp dọa dẫm giới lao động.
Tập đoàn tư bản nắm cái cán dao việc làm vung qua vung lại rêu rao đe dọa đóng cửa cơ xưởng, xuất khẩu việc làm, và cắt giảm lương bổng. Chúng đòi được lợi tức tối đa, miễn thuế dài hạn, và giảm bỏ các luật lệ kiểm soát an toàn để tự do tung hoành trong sản xuất.
Giới lao động và công đoàn thất thế, chịu bị ép buộc vào những điều kiện bất lợi. Chỉ vì mong có được việc làm trước mắt nên họ dễ dàng thuần phục theo diễn luận tân-tự-do (neo-liberalism) đánh vào nhược điểm tâm lý mình. Họ hiểu mơ hồ nghe theo ủng hộ các biện pháp có điều kiện bất lợi về lâu dài cho chính họ mà lại vô cùng thuận lợi cho giới chủ nhân ông.
Cả hai giới lao động tri thức và chân tay đều ít lên tiếng phản kháng chống cự vì thói quen cố hữu với phận tôi đòi, hay tránh né sợ sệt ảnh hưởng đến việc làm hay quyền lợi riêng (dù là ảo tưởng và chẳng là bao).
Người ta có thể đưa quốc gia ra khỏi vòng thuộc địa nhưng chưa hẳn là đã đem tâm thức thuộc địa ra khỏi quốc gia.
Những người sinh ra và lớn lên ở VN thời thuộc địa và hậu thuộc địa dù không ít thì nhiều vẫn giữ lại tâm thức người thuộc địa. Một số người ham muốn tranh giành quyền lợi vẫn tiếp tục ôm lấy lề thói xin-cho trong tương tác với quyền lực chính thống cho dù đã rời VN trước đây rất lâu.
Họ xun xoe xin xỏ, chọn lựa bon chen tâng bốc chức sắc chính quyền các cấp. Họ không dám đòi hỏi quyền được tôn trọng và công nhận chính danh sự hiện hữu của cộng đồng. Họ phò tá thay vì chỉ xem những viên chức chính quyền là người phục vụ[10] dân và đáp ứng nhu cầu của người công dân. Rốt cuộc, những người đồng hương lờ mờ của họ chỉ được ăn cái bánh vẽ.
Giới thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt sinh ra hoặc lớn lên (lúc còn bé) tại hải ngoại thì lại là một hiện tượng khác. Mặc dù họ không bị vướng tâm thức nô lệ thuộc địa nhưng lại kẹt mắc vào ứng xử suy nghĩ thông đồng với diễn luậnTrắng (Whiteness)[11]. Một diễn luận tạo tầng lớp nô lệ khác, đặc thù là nô lệ văn hoá.
Thực dân thì lắm dạng và nô lệ có nhiều kiểu.
Bản tuyên ngôn nô lệ ra đời (phê chuẩn và phổ biến) ngày 1 tháng 1 năm 1863. Nhưng 100 năm sau người Mỹ da đen qua phong trào dân quyền (civil rights movement) vẫn còn phải tranh đấu không ngừng để đòi hỏi những quyền tự do căn bản cho mình. Họ cũng chưa hẳn đã đạt được trọn vẹn quyền làm người bình đẳng bất khả xâm phạm này.
Mục sư Martin Luther King, Jr. từng kêu gọi người Mỹ da đen phải can đảm phải quyết tâm vực dậy tự thảo cho chính mình bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ bản thân[12]. Ông nhắc họ – những tâm hồn nô dịch và tư tưởng bị thống trị không cần gươm đao – rằng không một bản tuyên ngôn giải phóng nào có thể cắt đứt, xóa bỏ những móc xích nô lệ ngoại trừ ý thức và ý chí từ mỗi người.
Chúng ta, những người Việt trong và ngoài nước, cũng nên suy gẫm về điều nhắn nhủ ấy. Thay vì sống chia rẽ, kèn cựa, phân hóa, và tự cô lập thụ động – những hành động suy nghĩ chỉ có lợi cho thế thực dân thống trị mới – chúng ta nên chọn đồng lòng hợp sức thoát khỏi cơn mê chiều[12]. Chúng ta cần tự vực mình dậy mà đi, và tự viết bản tuyên ngôn nhân quyền cho chính cá nhân thì mới mong thoát khỏi cái kiếp lê thê, ê chề của nô lệ ăn mày.
http://vietsoul21.net/2010/11/20/pho-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-dan-1/
© 2010 VietSoul:21
NOTES:
[1] Hà Văn Thịnh, Tôi sai.
[2] RFA, Khiếu kiện đất đai gia tăng tại Việt Nam. (Video)
[3] RFA, Đằng sau những tập đoàn kinh tế
[4] Alschuler, L. R. (2006). "The psychopolitics of liberation", Chapter 3 – Decolonization and Narcissism, p.43
[5] Nguyễn Minh Triết "Lòe" Việt Kiều.
[6] danlambao.com, Bí thư Tỉnh ủy Đinh Văn Hùng lấy đâu tiền mua trống 1,2 triệu USD?
[8] VnExpress (2010, August 29). Người lái đò bỏ tiền xây cầu cho dân nghèo. Dân Trí (2010, June 13). Xác định vị trí xây cầu Khuyến học & Dân trí vượt sông Pô Kô.
Tin 180.com (2010, February 14). Nhóm Việt kiều xây hơn 100 chiếc cầu cho quê hương.
[9] Memmi, A. (1957). "The colonizer and the colonized".
[10] Tiểu Sài-gòn (Seattle) yêu cầu Thị trưởng: lời nói đi đôi với việc làm, (Little Saigon asks the Mayor to walk the talk), International Examiner, 2009
[11] Cooks, L. (2003). Pedagogy, Performance, and Positionality: Teaching about Whiteness in Interracial Communication. Communication Education, 52(3), 245-257.
Cooks defines whiteness as "a set of rhetorical strategies employed to construct and maintain a dominant White culture and identities" (p. 246). In addition, McLaren defines in his article, Decentering Whiteness: In Search of a Revolutionary Multiculturalism whiteness as "a refusal to acknowledge how white people are implicated in certain social relations of privilege and relations of domination and subordination" (p. 9) [See McLaren, P. (1997). Decentering Whiteness: In Search of a Revolutionary Multiculturalism. Multicultural Education, 5(1), 4-11.]
[12] Martin Luther King, Jr. Speech "Sign your own emancipation" (Ký bản tuyên ngôn giải phóng của bạn)
[13] Hoàng Hạc (2010, February 5). Cơn Mê Chiều, nhạc phẩm thống thiết viết từ bối cảnh Mậu Thân. Trong bài hát "Cơn mê chiều" sáng tác bởi Nguyễn Minh Khôi có đoạn mở đầu sau đây: "Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn. Đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng"
No comments:
Post a Comment