Trí thức trên bàn cờ thế sự động lung lung
Vũ Đông Hà
Ngày 19 tháng 08 năm 2010 khi bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields, giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học cho GS Ngô Bảo Châu tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad thì Ngô Bảo Châu đã không còn là một giáo sư toán bình thường; anh đã trở thành niềm tự hào của nhiều người Việt Nam. Cùng lúc đảng lên kế hoạch để khai thác nhằm biến anh thành một sản phẩm của bộ máy tuyên truyền của đảng.
Google "Ngô Bảo Châu + giải thưởng" có đến 2 triệu 8 kết quả tìm kiếm. Khắp nơi trên các trang mạng người ta thấy hằng hà sa số những nhan đề, câu viết đại loại như "Ngô Bảo Châu làm rạng danh người Việt", "Ngô Bảo Châu là một ngôi sao sáng trên vòm trời toán học VN", "Đây là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, khi trí tuệ Việt vươn lên đỉnh cao của khoa học nhân loại và được khẳng định trên trường quốc tế...", "Trung Quốc, với 1,3 tỉ dân, cũng chưa có nhà toán học nào giành được vinh dự khoa học cao quý ấy. Hàn Quốc, Singapore mặc dù khoa học và công nghệ phát triển hơn ta rất nhiều nhưng vẫn chưa có ai đoạt Huy chương Fields"...
Ai cũng muốn... "cưới" anh. Lão "chú" rễ già nua cộng sản nhiều tiền lắm của hồi môn muốn anh trở thành cô dâu thứ n để tăng phần danh giá. Những người không đảng tịch, nghèo xơ xác, không có gì ngoài lòng yêu nước thương nòi cũng muốn... anh đưa em đi về, về quê hương yêu dấu.
Vì thế...
Ông trùm đảng viên đang chiếm ngự ghế thủ tướng ký văn thư chính phủ yêu cầu móc ngay 12 tỷ tiền thuế của dân tặng gấp anh căn hộ cao cấp 160 m2 nằm trong tòa nhà cao tầng Vincom ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông trùm phó thủ tướng tóc gió thôi bay đại diện nhà trai xách dùi đến thăm để sau đó báo lề đảng gõ trống rầm rầm.
Yên bề với căn hộ 12 tỷ, ngôi biệt thự 3 triệu đô, chú rễ già nua móc tiếp 650 tỷ tiền mồ hôi xương máu của bá tánh mở cửa tiệm mang tên Viện Toán cao cấp cho cô dâu danh giá. Tiền chùa nên chú rễ thoải mái tỏ tình yêu không điều kiện: không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của cô dâu.
Chưa đủ, Tập đoàn Tuần Châu đã tình cho không biếu không ngôi biệt thự trị giá 3 triệu USD cho Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và đại diện nhà trai đến dự lễ trao của hồi môn là quan to một thời Lê Khả Phiêu, nguyên là Tổng bí của đảng.
Toàn bộ các chương trình dạm hỏi đều có sự hỗ trợ phèng la của truyền thông lề chú rể. Cô dâu Ngô Bảo Châu có muốn hay không muốn thì hình ảnh, sự kiện ân cần, thương yêu, trọng vọng của nhà trai đối với nàng cũng đã hiện diện khắp nẻo đường báo giấy báo mạng Việt Nam, từ mũi Cà Mau đến Ải đã mất.
Phía bên kia lề đường, anh được nhắc lại là người đã từng ký tên vào bản kiến nghị Boxit. Tin tức về việc anh đã gửi một bức thư kiến nghị về dự án Bauxit ở Tây Nguyên vào ngày 29 tháng 5, 2009 với nội dung đề cập đến chính sách thực dân mới của chính quyền Trung Quốc về khai thác khoáng sản trên toàn cầu và đặc biệt là tại Tây Nguyên, với lời cảnh báo: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh" được lan truyền trên cộng đồng mạng.
Câu phát biểu của anh sau vụ án xử Ts Cù Huy Hà Vũ ngày 4 tháng 4, 2011: "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này" đã được cộng đồng mạng hoan nghênh xem là một quan điểm của người trí thức phản biện và lên tiếng về hành vi của các quan chức cộng sản đang cầm búa liềm công lý.
...
Giữa những lôi, kéo, giựt, giành... nhớ lại lời anh viết trên blog cá nhân ngay sau khi nhận giải thưởng Fields: "Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện NBC là lề trái hay lề phải. ''Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.''
Vậy là... hình như... anh quyết không... cưới đứa nào. Lề trái cũng cừu, lề phải cũng cừu, lề đảng cũng cừu, lề dân cũng cừu. Anh muốn anh là người tự do. Không cừu. Không lề.
Nhưng cuộc đời thì xám xịt và không trắng đen, không rõ ràng như những phương trình toán học logic mà anh ngày đêm ôm ấp. Nó rắc rối, bí hiểm, lươn lẹo, âm mưu chằng chéo, nhỏ nhen gấp ngàn lần cái công trình vĩ đại"Bổ đề toán học cho các nhóm" dài 100 trang của anh. Cuộc đời này, muốn làm cừu cũng chẳng dễ mà để làm người cũng lắm công phu.
Anh tự do không bám-theo-lề nhưng anh lại bế-theo-làm cái căn hộ 12 tỷ và cái viện mần-gì-mặc-kệ-nó trị giá 650 tỷ ở bên lề đường mang tên nguyễn-tấn-đảng đã làm người ta sờ cằm tìm tóc, sờ óc tìm râu, nghĩ lại và xét lại những câu nói của anh. Trong thâm tâm anh tin rằng đó là sự quan tâm, chiêu hiền đãi sĩ của nhà nước dành cho một trí thức danh giá như anh hay là một âm mưu tuyên truyền đánh bóng chế độ mà anh trở thành nạn nhân bất đắt dĩ? Chỉ có anh mới có tư cách để trả lời. Phần dư luận thì theo tùy góc nhìn của mỗi người và cảm giác thương ghét giận hờn dành cho anh, nhưng nếu chịu khó rà lại toàn bộ chính sách dùng người của đảng, xuyên suốt chiều dài lịch sử bi ai của thành phần trí thức đi không thấy phố thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ thì không khó để tìm ra kết luận khách quan.
Anh tự do không bám theo lề nhưng việc anh từng ký tên vào kiến nghị boxit, từng phán câu "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này" đã làm nhiều người khác không đứng ở lề đường mang tên đảng vẫn còn hy vọng ở anh nhảy qua đứng chung bên này lề. Niềm hy vọng cần thiết và hiểu được trong một đất nước quá nhiều tuyệt vọng, trong một xã hội mà con người đang cần những biểu tượng thế giá lên tiếng phản biện. Anh lại đang là niềm hãnh diện của đất nước, là ngôi sao trên vòm trời toán học của nhân loại, anh lên tiếng thì bố ai dám bỏ 2 bao cao su đã quá sử dụng vào thùng rác của anh!?
Vậy thì không theo lề nào nhưng ở lề nào anh cũng có ít nhiều niềm tin yêu và hy vọng. Tuy vậy, theo thời gian, thái độ không lề của bổ đề toán học đem vào đời thường với những giả thuyết quyết định nhưng phụ thuộc vào cảm xúc của con người đã, ở một mức độ nào đó, dưới mắt nhìn đầy cảm xúc của dư luận, cộng với thực tế xảy ra, đã làm nảy sinh hình ảnh đôi chân đi hàng hai, chàng hảng giữa hai lề trong đầu của một số người. Hình ảnh đó nó nằm yên, phảng phất, ẩn hiện cho đến khi bà con ta đọc bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ "Giáo sư Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai". Và nó đã làm "sùng sục" cộng đồng mạng.
Anh đi lề một:
- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm "trí thức". Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm "trí thức"?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Thử hỏi ai sướng rên, ai bức xúc khi chỉ đọc câu này trong lúc cả nước đang sục sôi mọi thứ - từ tư cách nhà cầm quyền, chuyện biển đảo, chuyện công dân biểu tình và cuối năm lại sôi sục hơn với câu chuyện đầy oan khiên và nước mắt của người nông dân Đoàn Văn Vươn?
Rồi anh đi lề hai:
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng. Hoan hô anh luôn.
Thử dùng phương trình toán học cơ bản không bổ cụng không đề, 2 lề nhập một:
A: giá trị trí thức không liên quan đến phản biện
B: không có phản biện xã hội chết lâm sàng
A + B = C
Trong đó C = xã hội có lâm sàng hay không chẳng ăn nhậu gì đến trí thức.
Kết quả là gì ai cũng biết. Cộng đồng mạng sôi sùng sục vì mang cảm giác anh là kẻ... phụ tình, cô dâu danh giá, trẻ trung, xinh đẹp đang có vẻ như lọt vào vòng tay của chú rễ già nua nhưng giàu có với của hồi môn 667 tỷ đồng Việt, 3 triệu đô Mỹ đã dâng cho nhà gái.
*
Công bằng mà nói, nếu không có giải thưởng Fields thì có lẽ anh nói gì thiên hạ cũng mặc kệ anh. Cả đảng lẫn dân. Anh ở lề nào, không lề nào thì cũng chẳng ai màng. Nhưng sau giải thưởng Fields, sau màn chiêng trống rầm trời của báo đảng, dưới ánh sáng của cuộc đời mà anh là một phần tử không thể tách rời, và dù anh có muốn hay không anh đã trở thành:
Một niềm hãnh diện của đất nước Việt Nam.
Một công cụ tuyên truyền của guồng máy độc quyền cai trị.
Cũng công bằng mà nói nếu anh không nhận những "sự hỗ trợ quý báu của đảng và nhà nước" bằng tiền của dân thì lời nói của anh chắc cũng ít bị đem lên bàn mổ một cách kỹ lưỡng như thế.
Cũng không thể nói anh xung phong, sẵn sàng trở thành sản phẩm tuyên truyền của chế độ khi anh nhận những hỗ trợ ấy.
Thôi đành xem đó là số phận của anh mà anh đã góp phần tạo nghiệp - chữ tài đi với chữ tai một vần. Chữ tai đó, nếu anh xem là tai họa thì cũng không sao. Có là bao so với cái TAI mà người nông dân Đoàn Văn Vươn và gia đình đang hứng chịu. Có thấm gì trong cái HỌA cả dân tộc Việt Nam đang gặp phải.
Bây giờ, như số phận của nhiều trí thức Việt Nam khác, anh cũng có sự "tự do"chọn lựa:
(1) anh là đứng về quyền lợi và khát vọng của nhân dân, hay
(2) chấp nhận là một con ốc hay công cụ cho mục tiêu tuyên truyền của guồng máy cai trị.
Chọn lựa nào, chỉ có anh mới biết rõ. Vẫn có thể là chọn lựa không lề như đã từng và lương tâm anh là tấm gương phản chiếu rõ nhất, cho thấy anh đang đứng ở đâu trên mảnh đất khốn khổ này. Còn lại đều là những phán xét chủ quan của dư luận đặt lên anh, dựa vào vài lời anh nói và vài điều anh làm. Và đây là trích đoạn một số điều anh vừa mới nói trên trang blogcủa anh:
...
11. GS ghét nhất điều gì?
Sự hèn nhát.
13. Điều mà GS học hỏi được nhiều nhất sau những năm sống và làm việc ở nước ngoài?
Một tấm lòng rộng mở.
17. Cho đến bây giờ, một triết lý sống mà GS luôn theo đuổi là?
Sống cho đẹp.
19. Theo GS, tố chất nào cần có ở một người trẻ?
Sự can đảm và một tấm lòng rộng mở.
26. GS nghĩ gì khi một bộ phận xã hội (trong đó có trí thức) đang vô cảm với những nỗi đau khổ của người khác (tình trạng vô cảm)?
Tôi nghĩ rằng cái còn nguy hiểm hơn sự vô cảm và cũng có thể là một nguyên nhân của sự vô cảm đó là việc sức mạnh, thường là đồng tiền, được coi là thước đo duy nhất cho mọi hoạt động và từng cá nhân trong xã hội.
27. GS có đồng ý định nghĩa, trí thức trong việc không để xã hội "ngủ"?
Người trí thức có nhiệm vụ quấy rầy khi những người khác ngủ trong những định kiến của mình.
28. Theo GS, đâu là phẩm cách quan trọng của một trí thức?
Trí thức cần tinh thần cầu thị, ham học, đầu óc phân tích, lập luận sắc bén. Người trí thức cần thêm sự can đảm và một tấm lòng rộng rãi, nhân hậu.
29. Trí thức cần gì nhất, theo GS?
Tự do.
...
Nói và sống: đi về có cùng một nghĩa như nhau?
Bằng niềm tin và hy vọng rất mong anh sẽ sống đúng như những gì anh vừa nói vì đất nước này cần lắm những con người đầy thông minh và trí tuệ như anh.
Vũ Đông Hà
Bằng niềm tin và hy vọng rất mong anh sẽ sống đúng như những gì anh vừa nói vì đất nước này cần lắm những con người đầy thông minh và trí tuệ như anh.
Vũ Đông Hà
No comments:
Post a Comment