Việt Nam sau 3 ngày Tết
Tôi viết bài này vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn. Một cái Tết nữa vừa qua đi trong cuộc đời, tùy theo tuổi tác, có thể cho là "cuộc đời ngắn ngủi" đối với những ông già trên 60-70 tuổi, cuộc đời sẽ còn "dài lê thê" đối với các bạn trẻ mới bước chân vào đời. Nhưng dù ngắn hay dài, chúng ta cũng phải bước qua những cái Tết và những mùa xuân. Tết có thể vui ở nơi này, buồn ở nơi khác. Song dù sao cũng là một cột mốc đánh dấu từng bước chân ta đã đi qua. Cột mốc ấy trước hết là số tuổi chúng ta mang theo cứ lớn dần lên và mang theo vô vàn điều đã học được, đã cho đi. Có hạnh phúc và có khổ đau. Những điều đó làm nên cuộc sống của mỗi người. Mỗi lần Tết đến, chịu khó nhìn lại 365 ngày, ta đã làm được gì, điều nên làm và điều nên tránh, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm để đi vững vàng đi tới trong những ngày tháng tiếp theo. Tôi hy vọng bạn đọc đã vừa trải qua những ngày Tết như thế ngoài những niềm vui "theo thông lệ, theo truyền thống" với những lời chúc và những bình hoa.
Trước hết, muốn nói đến đời sống của người dân, vấn đề đầu tiên phải kể đến là giá cả. Hầu như ai cũng biết rằng giá mọi mặt hàng sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết đều tăng.
Bác Bảy Bù Loong đã than thở trên báo: "Giá cả lên, chẳng có gì là lạ hết. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, dân tình có khóc kêu trời cũng từng đó chuyện và cũng chẳng có gì lạ. Cái lạ là ở chỗ nghe có QUỸ BÌNH ỔN GIÁ mà không biết ở đâu?".
Còn bác Công Lý nhận định: "Thói xấu của những người bán hàng trong những ngày tết và sau tết là lên giá. Lên rồi là khỏi xuống luôn. Chính những tật xấu này giá cả mỗi năm mỗi tăng, làm cho đời sống trở nên khó khăn hơn. Họ không ý thức được rằng việc làm nhất thời có lợi cho bản thân mà quên cả cộng đồng xã hội. Thật đáng trách và cần xử lý triệt để, bỏ đi vấn nạn này cho xã hội và nền kinh tế cả nước. Đây là những lúc rất cần đến lực lượng quản lý thị trường, mà xem ra lúc cần thì chẳng thấy ai làm việc".
Thế nên mọi gia đình từ tầng lớp trung lưu trở xuống đều tự thắt lưng buộc bụng, trong "ngân sách" chi tiêu của từng gia đình đã tự động rút bớt đôi ba khoản chi có vẻ "xa xỉ phẩm". Năm trước mua 3 bó hoa thì năm nay bớt 2 hoặc ít ra là một bó hoa đắt tiền nhất. Năm trước mua 1 cân thịt, ba cân cá thì năm nay bớt xuống còn một nửa thôi. Vì thế các chợ hoa từ chợ hoa lớn như các công viên 23-9, Mạc Đĩnh Chi đến chợ hoa nhỏ lề đường đều ế ẩm dài dài. Cho đến ngày cuối năm, trên một số lề đường, những chậu hoa bày la liệt, đại hạ giá, có khi chỉ còn bằng 1/10 giá hai ngày trước.
Còn một tầng lớp rách nữa hoặc "tiết kiệm theo lối ăn không" thì đợi đến khi việc mua bán đã xong, các chủ vựa, thu xếp đồ đạc ra về, bỏ lại những chậu hoa ế, những cành hoa còn tươi nhưng không chịu bán giá thấp, liền xúm lại nhặt nhạnh hết mang về nhà, có khi còn rộng rãi, chia cho bà con trong xóm.
Nhưng năm nay thì khác, tôi đã tận mắt chứng kiến, trên đường Lý Thái Tổ, các ông chủ vựa hoa, dẵm nát bét hết các cành hoa ế đó, không cho dân "mót hoa cuối mùa" mang về nữa. Có người cho là các ông chủ vựa nhẫn tâm không biết thương người nghèo.
Bà chủ vựa hoa nói rất có lý, tôi đành im lặng. Nhưng xét cho cùng thì anh nghèo lại "xiết" anh rách chứ người có tiền đâu có thèm biết đến những cảnh oái oăm này. Không biết năm sau những anh "tiết kiện theo kiểu ăn không" còn có đất hoạt động nữa không.
Nhìn vào mức chi tiêu, giá cả thị trường trong ba ngày Tết vừa qua, có thể nhận định dân Viêt Nam từ lớp trung lưu trở xuống, ngày một nghèo đi bởi suốt 5 năm liền lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, tất nhiên "ngân quỹ gia đình" phải hao hụt, đời sống ngày càng khó khăn thêm. Việc tiết kiệm chi tiêu, bớt đi một vài món hàng được gọi là xa xỉ như chưng nhiều hoa cảnh, ăn uống bớt lãng phí, bớt đi lại thăm viếng, bớt biếu xén… Nhưng có những việc vẫn không thể bớt được như mâm cơm cúng ông bà, đốt chút vàng mã cho người dưới âm tiêu Tết, quây quần con cháu cuối năm hoặc đầu năm… Và người VN nào cũng tỏ ra vui vẻ tươi cười trong ba ngày Tết. Đôi khi "Vui thì vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó, mặn mà với ai…".
Trên đây, tôi không tính đến thành phần nằm trên giai cấp trung lưu. Bởi đó là những con người khá đặc biệt. Họ làm gì mà nhiều tiến thế? Câu hỏi không thể trả lời. Có lương thiện hay không, chẳng thể biết. Chỉ biết rằng ở VN còn vô số những vị "đại gia", họ sống khác với mọi tầng lớp trong xã hội. Có khi bất chấp dư luận, chơi được là cứ chơi, khoe được là cứ khoe, kể cả các bà, các cô khoe cả mấy cái hột soàn to như hạt mít trên cái thân hình "núi của" ra cho thiên hạ thèm. Thôi thì hay để họ sống trong cái thế giời riêng của họ, được bao bọc rất kỹ. Ta quay về với thế giới của ta.
Ở vào cái tuổi tôi, cứ mỗi năm tính sổ, lại vài ông "ra đi". Trong năm 2011 đã ra đi vài ông, sắp đến ngày Tết năm nay, ông Hồng Dương bỗng lăn quay ra, bị xuất huyết não đang nằm ở BV Los Angeles. Một ông bạn khác ở San Jose, có khối u trong phổi, không muốn tiếp xúc với ai. Chẳng biết bệnh tình đi về đâu. Trong năm 2012 này còn những gì xảy ra nữa? Dieu seul le sait!
Nhờ vào mấy cái đài truyền hình và vài tờ báo trên mạng internet, trong nước cũng như ở nước ngoài, chúng tôi thường ngắm bà con mình ở Cali, ở Virginia, ở Úc, ở Canada… qua những "Phiên chợ Tết Việt" ở nước ngoài. Cũng có đủ "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Các bạn ở nước ngoài cũng có thể ngắm nhìn quê hương mình qua ống kính truyền hình. Tuy rằng không đầy đủ lắm, nhưng cũng nhìn thấy hình ảnh nét truyền thống quê hương. Thế cũng là đủ.
Với hơn 9 tỉ đô la từ nước ngoài chuyển về VN trong năm nay, chúng ta biết rằng, trong số đó phần lớn là của thân nhân ở nước ngoài gửi về cho người còn ở VN. Quả là một con số đáng kể góp phần làm cho nền kinh tế VN vững vàng hơn. Không một doanh nghiệp hay một cơ quan nào làm ra được số tiền lớn như vậy. Chúng ta phải làm gì để ghi nhớ những tấm lòng này? Không biết câu hỏi này đã có ai đặt ra chưa?
Bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết, các sòng bài ở khắp các đường phố, khắp VN bắt đầu nhộn nhịp. Đến nay, 4 tết thì càng nhộn nhịp hơn. Các sòng bài công khai mọc lên khắp nơi. Hầu như "khu phố văn hóa" nào cũng có vài sòng bài, từ quán cà phê đến vỉa hè, từ trong nhà ra ngoài ngã ba, ngã tư, chỗ nào tương đối rộng rãi là có sòng bài. Đủ các loại từ xì dách, bài cào, đến cá ngựa, bàu cua tôm cá. Chỗ thì đánh sòng phẳng, chỗ đánh bịp.
Theo một chủ sóc bầu cua, do nắm được tâm lý của các anh cảnh sát và mấy cơ quan chức năng, ngày đầu năm mới thường "phe lờ" cho người dân vui xuân. Hoặc nếu có bị bắt thì cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, dẹp sòng nên cứ "vô tư" làm ăn ngày Tết. Những người có máu cờ bạc chỉ cần qua vài ván, chủ sòng sẽ đoán được và đưa "con mồi" vào tròng. Ban đầu thì chủ sòng sẽ thả cho ăn rồi sẽ "lột" sạch lại cho đến khi con bạc cháy túi.
Không ít khách qua đường thấy đám đông tụ tập, lại sẵn có máu đỏ đen nên tấp vào "vui xuân" vài ván. Khi "hăng máu" thì số tiền ăn thua với nhà cái lên đến gần chục triệu đồng. Một anh thanh niên than thở: "Lúc đầu tôi cũng tính chơi vài phút xem năm nay có hên hay không, ai ngờ khi chơi không dứt ra được. Đến lúc nghỉ thì thua mất gần 6 triệu đồng. Thế là hết Tết!".
Những cuộc vui xuân này sẽ kèo dài cho tới bao giờ bị dẹp ráo riết sẽ lại chuyển vào một khu nhà nào đó rồi thành sòng bài chuyên nghiệp cho đến khi bị tóm.
"Hầu hết mọi người đều có tâm lý lo ngại những ngày nghỉ tết kéo dài sẽ tạo cơ hội "chìm xuồng", "đánh bùn sang ao", thậm chí là "đi đêm" chạy tội... cho những người, những ngành đang có tì vết. Người dân nóng lòng mong muốn các cơ quan chức năng "nhập cuộc nhanh" ngay sau tết."
No comments:
Post a Comment