Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 06.4.2012
Chuyện trong nhà ngoài phố và khoảng cách không thể san lấp
Lâu nay tôi cứ ngóng ra ngoài bàn chuyện thiên hạ sự mà quên rằng ngay trong chung cư mình đang sống cũng có khối chuyện vui. Trong tuần này, ngồi trong nhà thôi, cũng biết khá nhiều chuyện "trái khoáy vạy đuôi".
Nhìn sang lô B trước mặt, thấy hai lá cờ "phất phới bay trong gió" trên tầng 1. Đó là cờ báo hiệu nhà có đám tang, bà cụ mập mạp vẫn ngồi trước hàng hiên đón gió, hôm nay "ra đi".
Ở Saigon, các trại hòm thường cung cấp hai lá cờ này để những nhà có đám tang trong hẻm treo trước lối ra vào cho bà con đến viếng dễ tìm. Có thể là từ chiều nay, hàng xóm láng giềng của mấy dãy nhà chung cư lại đau đầu vì kèn trống, chưa biết chừng đêm lại nghe kèn "bú dích" với vài đội hát hò đến quá nửa đêm làm "điên cái đầu". Trong khi đó, có chừng vài ba bà mang cái bụng bầu chờ ngày sinh cháu bé. Một ở đầu đời và một ở cuối đời cùng gặp nhau trong ngõ hẹp.
Phía dãy nhà sau lô D, hôm nay lại có đám cưới, dựng rạp hoa lá cành ra giữa đường. Trong khi đó một cặp trong chung cư mới ly dị và… chửi nhau om xòm, kiện cáo đòi chia con, chia của.
Trong mấy lô gần đây cũng có hai ba căn nhà chẳng biết của ai, mua rồi để đó, không thèm ở, có lẽ là của mấy bác ngoài Bắc vào mua… để dành hay là một cách đầu tư mới sau khi ngân hàng hạ lãi suất và còn "dọa" sẽ hạ tiếp. Hoặc có căn nhà vừa mua lại, chủ mới sửa sang cẩn thận nhưng hàng tuần chỉ có 1 người đến quét dọn rồi để làm cảnh, có lẽ là một thứ "phòng tiếp khách riêng" cho ông chủ khi "hữu sự".
Trong chung cư lại thấy có dăm bảy ông, trước đi làm bằng xe gắn máy, nay mua xe hơi bóp còi tin tin nghe cũng vui tai. Ông bộ trưởng Thăng đang đau đầu vì chuyện đánh thuế xe hơi và đang bị phản đối tá lả bùng binh. Nhưng phản đối cho vui thế thối chứ dân có tiền vẫn cứ mua xe hơi, bất chấp thuế má. Chỉ có dân đi xe gắn máy vẹo xương sườn mới sợ thuế. Hoặc có dăm ba ông, trước cũng xe gắn máy làm chuẩn, bây giờ có xe hơi của nhà nước đến đón. Chả biết nhà nước có hạn chế được loại xe đưa đón này không?
Cô dâu Phạm Thị Loan trong ngày cưới vào cuối năm vừa qua.
Ở mấy dãy nhà phía trong, vẫn có vài cô gái lấy chồng Đài Loan, chồng Hàn Quốc, mặc dù họ vẫn đọc báo, vẫn biết tin mới đây, ngày 21-1-2012 (tức 28 tháng chạp), cô Phạm Thị Loan đã theo chồng sang Hàn Quốc và chưa đầy 2 tháng sau, cô Phạm Thị Loan bị anh chồng Hàn Quốc là Eom Yang Ock, mắc bệnh tâm thần bóp cổ cho đến chết. Và còn biết bao nghịch cảnh khác nữa, nhưng gái chung cư, có những cô rất xinh xắn vẫn cứ lấy chồng Hàn Quốc, lấy chồng Đài Loan như một cuộc đánh đu với số mạng "nhất chín nhì bù". Người dân chung cư chỉ còn biết ngậm ngùi thương cô hàng xóm. Nhìn trên nét mặt bố mẹ của cô gái mới theo chồng đi Hàn Quốc, tôi đọc được một nỗi đau âm thầm, một sự nhẫn nhục chịu đựng và nếu như có chuyện bất hạnh xảy ra, chắc họ chỉ còn biết đấm ngực ngàn lần mà than rằng: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đằng…". Còn biết đổ lỗi cho ai đây?!
Nhà thì lên đời, nhà thì xuống đời làm cái khoảng cách giàu nghèo trong chung cư cũng được nới rộng.
Chết bất đắc kỳ tử và ăn thực phẩm độc hại cũng quen
Đấy, chỉ trong cái chung cư nho nhỏ này thôi mà biết bao chuyện trái khoáy diễn ra hàng ngày. Còn cái chuyện chết bất đắc kỳ tử vì nhà cửa chung cư xuống cấp nghiêm trọng là chuyện "ngàn năm cũ". Trên hành lang chung cư bỗng dưng rơi ầm ầm mấy mảng xi măng xuống giữa đường đi, vậy mà ra phường trình báo năm lần bảy lượt vẫn chỉ có câu trả lời "Về đi, lát nữa cho người xuống xử lý". Nhưng mấy năm trôi qua rồi, người của phường vẫn chưa đi được đến nơi xảy ra "sự cố". Đường xa thật! Cái kiểu sống chết mặc bay này là chuyện hàng ngày ở huyện tại khắp nơi. Nên sống ở chung cư mãi rồi cũng quen. Có bị xi măng rơi trúng đầu là tại cái số thôi.
Ngay cả những ngày gần đây, báo động thịt heo thối, chất tạo nạc ăn vào rất nguy hiểm, có thể mắc bệnh ung thư như chơi hoặc hàng chục thứ bệnh nay y khác, nhưng dân chợ Bàn Cờ vẫn cứ bán, dân chung cư vẫn cứ phải ăn. Vậy mà, may quá, chưa ai chết vì ăn thịt bẩn, hay là có chết vì thực phẩm cũng chẳng ai biết, lại đổ cho bệnh mãn tính, là tại bệnh viện. Nói thật với các cụ, cứ kể đến thực phẩm ở VN thì cái gì cũng có chất độc hại hết. Ăn cái gì cũng có thể thể mang bệnh, cũng có thể chết.
Đọc những tin tức trên báo hàng ngày ai cũng giật mình vi đủ thứ thực phẩm bẩn. Ngay cả đến thứ nước giải khát đóng chai cũng chứa chất độc.
Nói tóm lại, người dân bị thực phẩm độc hại bao vây kín mít, ăn hay uống đều có thể chết. Nhưng người ta không thể không ăn không uống nên lâu dần rồi thành quen. Kể ra người VN lúc này làm quen được với nhiều thứ "kinh khủng" thật. Quen với những cái chết bất ngờ như đang đi đường bị điện giật, sụp hố ga, cây đổ, xe đâm…Tây nghe chắc hết hồn. Các bác ở nước ngoài muốn về VN chơi cũng hết hồn. Còn chúng tôi ở VN thì cứ "vô tư đi", đợi nhà nước "xử lí"!
Chuyện thú vị trong tuần: Hai cụ cố 91 tuổi muốn kết hôn
Nhưng nói mãi chuyện độc hại chỉ thêm hoang mang đau đầu và chẳng bao giờ có hồi kết. Xin kể đến một thứ chuyện, tôi cho là thú vị nhất vừa xảy ra trong tuần này. Đó là một chuyện rất tình của hai "ông bà cố" mới vừa 91 tuổi muốn kết hôn.
Cụ Bà Bùi Thị Vinh 91 tuổi còn rất minh mẫn, muốn kết hôn để bớt cô đơn.
Người dân xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang xôn xao về trường hợp cụ ông Hà Văn Tới và cụ bà Bùi Thị Vinh, cùng 91 tuổi, đến xin cử hành hôn lễ tại nhà thờ xã. Theo cụ Vinh, hai người có nguyện vọng gắn bó phần còn lại của cuộc đời với nhau. Tuy không tổ chức đám cưới, nhưng ông bà mong muốn được nhà thờ Phú Phụng làm thánh lễ (cả hai đều theo đạo Thiên Chúa) và Ủy ban Nhân dân xã Phú Phụng làm giấy hôn thú (ở đây gọi là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn). Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa thành do vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía con, cháu hai bên. Thậm chí chú rể còn bị người thân của cô dâu lớn tiếng chửi bới.
Bị con cháu ngăn cản quyết liệt
Kể chuyện quyết định kết hôn với cụ Tới, cụ Vinh nói rằng chồng mất hơn 40 năm, con gái ruột đã yên bề gia thất bên tỉnh Trà Vinh nên nhiều năm qua bà ở một mình. Hai đứa con nuôi thỉnh thoảng mới đến thăm. Bà rất muốn có người bạn già bên cạnh để sớm hôm tâm sự, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi trái gió trở trời. Cụ cho biết: "Các con cháu tôi không chịu hiểu điều này, mà cố ngăn trở làm tôi thấy rất buồn và cô đơn".
Theo con gái cụ Vinh thì mẹ chị lú lẫn, đã gần đất xa trời nên không thể "đi bước nữa". Tuy nhiên, khi tiếp xúc với mọi người bà cụ vẫn tỏ ra thông thái, giọng hào sảng, đặc biệt là nét mặt trông trẻ hơn tuổi rất nhiều.
Còn chú rể Tới, từ ngày bị ngăn cản kết hôn với cô dâu Vinh đến nay ông cũng không được con cháu cho gặp người lạ. Người con trai ngoài 30 tuổi của cụ Tới nói rằng nếu kết hôn chắc cha anh phải "vô hòm" vì đã quá già.
Theo con trai cụ Tới, trước đây bà cụ Vinh làm ở nhà bảo sanh nên có nhận đỡ đầu cho người thân trong gia đình anh. Vì vậy, hai ông bà cụ già trở nên thân thiết với nhau. Người con khẳng định: "Nhưng tình cảm ấy nếu vượt quá giới hạn làm bà con đàm tiếu, soi mói thì tôi không chấp nhận, nhất quyết ngăn cản cha kết hôn".
Chính quyền xã và độc giả nghĩ gì?
Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Phụng nói với báo chí: "Các con của hai cụ già không có quyền ngăn cản cha mẹ kết hôn vì chồng bà Vinh và vợ ông Tới đều đã mất. Bởi vậy cuộc hôn nhân này không trái pháp luật. Ông nói thêm: "Đúng ra con cháu phải ủng hộ tâm nguyện của hai cụ. Vài hôm nữa chúng tôi sẽ họp để giao cho hội phụ nữ, ban tư pháp và hội người cao tuổi đến tìm hiểu, vận động con cháu hai cụ xem có đạt kết quả tốt hay không. Nếu được thì xã vẫn cấp giấy kết hôn khi hai cụ hoàn chỉnh các giấy tờ tư pháp có liên quan".
Cùng quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết nếu hai cụ có đủ năng lực hành vi dân sự, vợ chồng hai bên đã mất thì UBND xã Phú Phụng có quyền cấp giấy chứng nhận kết hôn cho hai người. Hiện Luật hôn nhân gia đình không quy định mức tối đa bao nhiêu tuổi thì không được kết hôn.
"Luật cấm kết hôn với người mất hành vi dân sự, nhưng con của hai cụ không thể nói cha mẹ lú lẫn để lấy đó làm lý do cản trở, mà phải có giấy tờ giám định của cơ quan chức năng".
Đã có rất nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin ủng hộ quyết định kết hôn của hai cụ. Riêng tôi, và tôi nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc ủng hộ hai cụ này. Tình yêu không có tuổi và một điều giản dị và quan trọng hơn hết là vào cái tuổi già, cần có một người tâm sự gắn bó, săn sóc lẫn nhau, lúc đó mới biết thật sự mình còn được sống, được chia sẻ, được yêu thương như mọi người. Phương ngôn chúng ta đã có câu: "Con chăm sóc cha không bằng bà chăm sóc ông". Những người con của hai cụ cần hiểu điều này. Xin lấy một lời bình luận của một trong số hàng trăm ý kiến của bạn đọc làm kết luận:
"Chúc mừng 2 cụ, mong 2 cụ sớm tìm được bình yên, thỏa niềm vui tuổi già. Xin gửi tới những người con, người cháu 2 cụ 1 điều : Làm con, làm cháu mà không hiểu được nỗi niềm của đấng sinh thành, đấy là bất hiếu, dù các người có chăm lo cho họ tốt đến nhường nào đi nữa".
Chuyện bên Tây còn vui hơn nhiều
Những người con của cụ ông Tới và cụ bà Vinh hãy nhìn sang…bên Tây, già khằng khú đế mà vẫn còn lấy vợ.
Một cụ ông ở bang Illinois vừa tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 110 vào cuối tuần vừa rồi và được công nhận là người già nhất của nước Mỹ.
Cụ Shelby Harris sinh ngày 31/3/1901, có hai đời vợ và ba con gái. Hai người vợ của cụ đã qua đời vì tuổi già. Người cháu ngoại trẻ nhất của cụ năm nay 57 tuổi.
Cụ Harris nói đã thấy đủ thứ trong đời nhưng vẫn còn hai điều ước, một là được chơi bóng chày thêm một lần và hai là làm đám cưới thêm một lần nữa.
Trong ngày sinh nhật lần thứ 110 này, cụ được mời đến ném quả bóng đầu tiên trong trận khai mạc của giải đấu bóng chày tại địa phương. Vậy là chỉ còn một tâm nguyện nữa. Cụ tỏ ra rất quyết tâm làm đám cưới ngay trong tuần tới, tuy nhiên vẫn chưa biết cô dâu là ai.
Cụ ông 112 tuổi lấy vợ 17
Hàng trăm người đã dự đám cưới của chú rể tự cho là mình 112 tuổi, với cô dâu là một thiếu nữ, diễn ra ở miền trung Somalia.
Ông Ahmed Muhamed Dore, đã có 5 vợ và 18 con, hân hoan tuyên bố ông muốn có thêm con với tân nương là cô Safia Abdulleh, 17 tuổi.
Đài BBC trích lời cụ Dore nói sau khi tiệc cưới kết thúc: "Hôm nay đấng tối cao đã biến giấc mơ của tôi thành hiện thực". Phía gia đình cô dâu cũng cho biết cô "hạnh phúc với người chồng mới".
Trông người lại ngẫm đến ta, so với thế giới, hai cụ Tới và Vinh… còn "trẻ lắm". Một lần nữa chúc mừng hạnh phúc của hai cụ. Và mong hai cụ sống trong "một mái nhà tranh hai trái tim vàng". Không cần tới căn nhà triệu đô nhưng cũng đừng ở trong căn nhà như cái lỗ chó chui giữa Hà Nội.
Từ căn nhà triệu đô đến căn nhà chỉ cao 1m10
Lại xin bàn đến cái khoảng cách giàu nghèo qua hình ảnh của hai căn nhà, tôi không mang hình ảnh ở làng quê xa xôi so sánh với thành phố, đây là hai căn nhà hiện đang "tồn tại" ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Phòng tắm của căn nhà được mạ vàng
Một dự án nhà siêu sang vừa ra mắt tại Hà Nội. Giá 1,2 triệu đô la mỗi căn, thiết kế mang phong cách cổ điển với nhiều chi tiết dát vàng 24K. Lấy cảm hứng từ phong cách Hoàng gia Châu Âu thế kỷ XVII, tòa tháp tọa lạc tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) bao gồm một khách sạn 5 sao và 242 căn nhà cực kỳ sang trọng. Căn nhà mang tên nữ thần Venus kết hợp giữa gam màu xanh hoàng gia cổ điển điểm xuyết những chi tiết mạ vàng. Toàn bộ đồ nội thất được làm từ khung gỗ sồi, hồ đào tẩm sấy nhằm chống mối mọt, chất liệu bọc là da cao cấp.
Hồ bơi trong căn nhà dát vàng
Nội thất mang đường nét uốn lượn, nhẹ nhàng. Những đường viền mạ vàng trên mặt bàn, gờ tủ... được khắc họa đậm nét hơn, nhằm ăn ý với không gian nội thất chung của căn nhà.
Chất liệu gỗ sồi tự nhiên đã được sấy, tẩm kỹ càng phù hợp với vật liệu lót cao cấp và vải da bọc màu be sáng hoàn thiện, góp phần tôn thêm vẻ sang trọng của bộ sản phẩm.
Phòng tắm tại căn nhà được mạ vàng 24K, thường được sử dụng tại các tòa nhà nổi tiếng thế giới như The Ritz - Las Vegas, Hilton Club - NewYork. Men sứ được làm bằng tay, chịu được nhiệt độ cao, bền và sáng. Bề mặt men bóng chống bám bẩn và trầy xước.
Mỗi căn nhà, bàn ăn được trang bị đồ gốm sứ tinh xảo, cầu kỳ, góp phần tô điểm thêm vẻ cổ điển cho căn phòng. Trong nhà còn có bể bơi. Toàn bộ mặt tường được trang trí và phân cách bằng các khung gỗ tự nhiên, phào chỉ PU tổng hợp thếp vàng 24K.
Thang máy với khung kính trong suốt bọc ngoài được thiết kế cho người đi có thể ngắm nhìn những vườn cây nhỏ xinh trên cao hay những họa tiết trang trí bên trong tòa nhà.
Căn nhà được chào bán với giá khoảng 100 triệu đồng mỗi m2. Với diện tích rộng 133,2- 260,8 m2 thì mỗi căn nhà tại đây có giá từ hơn 13 tỷ đến 26 tỷ đồng (tương đương 1,2 triệu đôla).
Cả gia đình ở trong căn nhà chỉ có thể nằm hoặc ngồi
Ngược hẳn lại với căn nhà dát vàng này, từ 14 năm nay, hai vợ chồng cùng cậu con trai (học lớp 9) của gia đình anh Hoàng Văn Xuân, sống tại số nhà 44, Hàng Buồm, Hà Nội ở trong ngôi nhà cao vỏn vẹn 1,10m, rộng chưa đầy 6m. Anh Xuân than thở, khổ nhất là lúc ngủ, muốn xoay người cũng khó. Chuyện riêng tư của hai vợ chồng phụ thuộc hoàn toàn vào giờ giấc của cậu con trai.
Căn nhà của vợ chồng anh Xuân chỉ cao 1m10
Muốn lên được nhà, anh Xuân phải trèo một đoạn tường cao gần 2m. Trong nhà, ngoài một số vật dụng thiết yếu như tivi, quạt, nồi cơm điện, gia đình anh không dám sắm thêm bất cứ thứ gì vì không có chỗ để.
Muốn lên nhà... phải trèo tường và chui qua lỗ này
Chiều cao của anh Xuân là 1,60m và cậu con trai 1,40m, trong khi căn nhà chỉ có 1,10m. Trông cậu bé 14 tuổi ngồi mà đầu đã gần chạm trần nhà.
Trong nhà, anh Xuân sắm 2 chiếc nồi cơm điện để tiện việc nấu nướng. Một chiếc dùng nấu cơm, chiếc còn lại thì nấu rau, xào thức ăn…. Tất cả chỉ có thế!
Bạn đọc đã thấy cái khoảng cách xa mờ mịt như chẳng bao giờ san lấp được giữa thủ đô Hà Nội. Chỉ cần so sánh một cái biệt thự của "đại gia, đại quan" với căn nhà "lỗ chó chui" cũng đủ thấy nỗi khổ của người dân như thế nào.
Dự án căn nhà mạ vàng như thế này có phải là thứ "văn hóa leo lên đầu người dân nghèo" không?
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~
No comments:
Post a Comment