MÊ HỒN TRẬN QUỐC CỘNG
Ấn bản thứ 3
HỒ TẤN VINH
Khi hai Bà Trưng đánh đuổi được quân Đông Hán và lên ngôi vua, người dân Việt Nam tôn Hai Bà là anh hùng dân tộc. Khi Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh thì người dân Việt Nam xem trận Đống Đa là chiến công của dân tộc. Người anh hùng dân tộc hay chiến thắng của dân tộc thời xưa đâu đó rất rõ ràng, không có dị nghị, không có nghi vấn. Trong lịch sử Việt Nam chỉ từ khi có đảng Cộng Sản ra đời đến nay mới có lẫn lộn chánh tà. Cái thắng trận cũng có thể là cái thua trận. Kẻ vổ ngực xưng anh hùng cũng có thể là kẻ đại phản. Cái thắng, cái thua, cái được cái mất, cái giải phóng, cái đọa đày, cái độc lập và cái lệ thuộc, cái may cái rủi quây cuồng trong một trận mê hồn.
Hảy thử lấy một biến cố lịch sử, chẳng hạn như ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà phân tách.
Đối với Việt Nam Cộng Hòa, ngày 30-4-75 đưa đến ba cái họa.
1- Những người có dính líu với chánh quyền VNCH bị bắt đi tù đày ngụy danh là cải tạo.
2- Mất nhà cửa, tài sản, công ăn việc làm, phương tiện mưu sinh. Con cái bị kỳ thị.
3- Và khi chịu hết nổi, cả triệu người bỏ nước ra đi, trong đó không biết bao nhiêu người bỏ mình giữa biển hoặc bị hải tặc hãm hại.
Hầu hết tất cả gia đình của người miền Nam đều chịu ít nhứt là một hoặc cả ba đại họa trên. Đó là ngày có nhiều mất mát. Vì vậy người miền Nam gọi ngày 30-4-75 là ngày Quốc Hận.
Có rất nhiều lối suy nghiệm về cái thất bại của miền Nam. Có nhiều lý thuyết. Thường thường người ta cho là tại Mỹ. Có thể nào vì Mỹ đổ quân tham chiến mà tạo ra cái cớ 'chống Mỹ cứu nước'? Có thể nào vì Mỹ rút quân trong lúc chiến trận đang dằn co? Có thể nào vì Mỹ cúp viện trợ trong lúc đối phương lại được tăng viện trợ? Có thể nào vì Kissenger là người Do Thái? Có thể nào tại Tổng Thống Mỹ hứa với Tổng Thống Thiệu mà không giữ lời? Những lập luận trên đây mặc nhiên thừa nhận rằng sự mất còn của VNCH hoàn toàn tùy thuộc vào sự tùy hỷ của Đồng Minh chớ không tùy mình.
Có thể nào vì cuộc triệt thoái Cao Nguyên luộm thuộm khiến Vùng Một đở không nổi? Nhưng nếu Quân Đoàn Hai rút được suông sẻ thì tướng Ngô Quang Trưởng giữ Vùng Một được không? Được thêm bao lâu?
Có thể nào vì Cụ Trần Văn Hương bàn giao cho Đại Tướng Dương Văn Minh? Nếu Cụ Hương đừng bàn giao mà cứ tiếp tục chiến đấu thì Vùng Bốn vốn không có hao tổn gì cả có thể giữ được không? Giữ được thêm bao lâu?
Nhưng đó chỉ là những suy luận đơn thuần chiến thuật, chỉ có liên quan đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.
Cái thất bại của Miền Nam cũng có thể có những nguyên nhân sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ những ngày đầu tiên chạm trán Quốc Cộng? Chẳng hạn như việc sử dụng 'độc chiêu'. Ngay từ đầu, người CS quan niệm 'bạo lực cách mạng' là bất chấp pháp lý, đạo lý, tình cãm, luật chơi giang hồ. Còn người quốc gia trong hành động còn lấn cấn với công pháp quốc tế, với nhân quyền, với hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, với những giáo huấn của Khổng Tử, với lòng từ bi, bác ái của tôn giáo, với cái bóng cái vó của đồng minh.
Trong cuộc tranh đấu giành quyền hành, kẻ nào xài chiêu tàn ác nhứt là kẻ thắng. Cho nên trong lúc CS giết người bằng cách chặt đầu, chôn sống hay cho đi mò tôm thì người Quốc Gia lại lập các trung tâm chiêu hồi. Thua là ở chỗ đó?
Trong lúc mất miền Nam là cái đau khổ của người này lại có thể là cái vui mừng của ngưới khác. Sau ngày miền Nam thất thủ, chúng ta đã thấy những người CS nằm vùng đã tự vổ ngực xưng tên, khoe khoang cái công lao. Thôi thì đủ thứ, từ trên dinh Tổng Thống đến bộ Tổng Tham Mưu, từ cơ quan chánh phủ trung ương đến các xã ấp, các nhà văn, các ký giã, từ người buôn gánh bán bưng đến các trí thức khoa bảng. Thật ra số nằm vùng rất là nhiều, ngó trước ngó sau, ngó qua ngó lại, đâu đâu cũng có. Chúng ta đều biết rằng trong binh pháp đều có trá hàng, nghi binh, đột kích, dụ địch, ém binh, phục binh v.v. . Nhưng nếu những gì ta mưu tính đều bị 'nằm vùng' thông báo cho địch biết hết thì trên mặt chiến thuật, chiến lược ta đã thua rồi. Chỉ nội sự kiện này thôi cũng đủ làm bằng cớ bắt buộc phải mất miền Nam, đâu cần phải đổ tội vào ông Tổng Thống này, hay chê bai ông tướng kia? Có Mỹ hay không có Mỹ cũng phải thua. Cái khác nhau là thua chậm hay thua lẹ mà thôi. Nhưng bắt buộc phải hoàn toàn thua.
Cái vận nước đã đến lúc cần phải có một biến đổi bể dâu khủng khiếp - như việc mất miền Nam - để dân tộc bừng tỉnh thì mới hiểu được bốn cái ngộ nhận lớn lao của cuộc chiến.
Cái ngộ nhận thứ nhứt thuộc về phía Quốc Gia. Những nhà lãnh đạo quốc gia nghỉ rằng họ chỉ cần hô hào chánh nghĩa thì đương nhiên được dân ủng hộ. Nhưng 'chánh nghĩa' là một ý niệm trừu tượng. Chánh nghĩa phải có những gương cụ thể thấy được. Cái gương sáng thì chánh nghĩa sáng, thì dân mới tin. Nhưng dường như các nhà lãnh đạo VNCH tự thỏa mãn hô hào chánh nghĩa mà không cần dân tin, vì chính họ cũng có thể không tin.
Vậy thì thuốc đắng đả tật. 'Chánh nghĩa nói suông' cần một khúc quanh lịch sử như cái ngày 30 tháng Tư, thì quân lính và dân chúng miền Nam mới thấy được ba bộ mặt khác của VNCH.
Không nên hiểu lầm. Tình trạng miền Nam lúc đó là thua rồi. Không có phép lạ nào cứu được. Sau khi tận lực rồi, nếu không còn cách nào khác nữa thì phải tìm cách thoát thân là lẽ đương nhiên. Nhưng chỉ có cái kiểu cách chạy là phân biệt mà thôi. Quân và dân miền Nam phải thật sự thấy cái kiểu cách của vài Tướng Tá chạy. Chính cái sự thật lộ ra vào giờ chót - như việc có vài Tướng Tá vừa nghe tiếng súng địch là từ chức hay ra lịnh cho lính mình pháo vào đơn vị của mình rồi lấy cớ chạy te - cắt nghĩa một phần của cái thua toàn bộ. Việc này đâu chỉ có dính dáng đến vài cá nhân hèn nhác mà thôi. Nó dính vào cái ngỏ nghách nào mà các cá nhân bất xứng lại lọt vào hệ thống và được chọn giao trách nhiệm sinh mạng cả ngàn binh sĩ và ai đã đề nghị và gắn lon cho các Tướng Tá đó? Việc này tức nhiên đã phải đưa đến nản chí và rối loạn lòng quân. Ta hảy tự trách ta đi. Cái chánh nghĩa quốc gia cũng có khía cạnh nhục nhã. Trong quân sử quốc tế, chưa có trang nào kỳ cục như vậy.
Bọn lái buôn chánh nghĩa - đã chạy trước nên có dư thời giờ đem tài sản theo và từ đó đến nay sống phè phởn - có thể làm hoen ố chánh nghĩa, đất nước có thể trong một thời gian ngắn hay dài bị chiếm đống và đô hộ, nhưng người quốc gia vẫn biết nâng niu và làm sáng tỏ chánh nghĩa. Ở khắp nơi trên thế giới, ngày mai, biết bao là người Việt Hải Ngoại đã bỏ ra biết bao công sức để tổ chức tưởng nhớ ngày Quốc Hận. Họ đang tiếp nối trương cao cờ chánh nghĩa.
Lúc này cũng có người làm lễ tưởng nhớ các quân nhân tuẩn tiết 37 năm về trước, trong đó có các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, và 39 cấp Tá, Úy và Hạ Sĩ Quan. . . Trong giờ phút đen tối nhứt của quốc gia, người quốc gia chân chánh đã phải đánh đổi mạng sống của mình để làm gương sáng chói cho chánh nghĩa quốc gia vẫn còn.Chúng ta tôn kính tinh thần trách nhiệm của họ và cám ơn họ đã chuộc lại danh dự cho người lính Cộng Hòa.
Nhưng chúng ta không có đi trọn vẹn con đường tình, chúng ta lờ đi như không cần biết tình trạng vợ con của họ để lại. Có ai động tâm khi biết rằng Tướng Trần Văn Hai tuẩn tiết để lại vợ bây giờ không có nhà để ở, không đủ cơm để ăn, bịnh không có thuốc. 'Tổ Quốc Nhớ Ơn' hay 'Tổ Quốc Vong Ơn'? Nếu các quân nhân tuẩn tiết có linh thiêng trở về theo hương khói mà chúng ta đốt cho họ - thấy vợ con bị bỏ rơi nheo nhóc thì họ phải nghĩ gì?
Chìm trong cái loạn nước, cái hèn nhác, cái anh dũng, cái phản bội, cái chung tình, cái tư lợi, cái xã thân, tất cả đã lộ ra. Ý nghĩa của Quốc Hận đâu có chỉ một chiều.
Cái ngộ nhận thứ hai : người nằm vùng và lãnh đạo của họ là MTGP sau 1975 tưởng mình đã lập công lớn giành được độc lập cho dân tộc thì chẳng bao lâu là thấy hằng đoàn, hằng đoàn người Bắc, đa số là con nít, hí hởn vào Nam chiếm tất cả cơ quan công quyền hay các xí nghiệp tư nhân và miệt thị người Nam già cả như một đám thua trận. Chừng đó họ mới té ngửa ra rằng mình đem cả miền Nam trong đó có gia đình mình và bà con họ hàng mình chịu lệ thuộc miền Bắc. Cái ngộ nhận thứ hai này của người nằm vùng mới thật là cay.
Và bây giờ đến phiên cái hiểu lầm thứ ba của các đồng chí. Người CS khi chiếm được miền Nam và thống nhứt lãnh thỗ đã hoàn toàn làm chủ Việt Nam và hồ hởi chịu trách nhiệm về đời sống của người dân. Cái khó khăn là ở chỗ này. Khi xưa, giựt sập một cái cầu là một thành tích, đốt cháy một trường học là một chiến công. Bây giờ xây một cái cầu, cất một trường học là mồ hôi mà người CS không quen đổ. Tình thế đã lật ngược. Trong cái đất nước không còn bom đạn thì đâu còn ai để mà đổ thừa. Trước đây người CS ao ước cái ngày họ nắm chánh quyền trên cả nước để họ tự do 'làm xã hội chủ nghĩa' để đất nước tốt đẹp 'gấp mười lần hơn' nhưng ngay từ những năm đầu tiên để thi thố tài kinh bang tế thế thì miền Nam vốn từ xưa chưa bao giờ có nạn đói đã phải ăn bo bo viện trợ. Nhưng họ vẫn chưa tỉnh. Phải chờ tới năm 1991 khi 15 nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Liên Bang Sô Viết đã chảy máu chảy mũ thí nghiệm phương án đủ cách đủ kiểu và họ chào thua nên tản hàng rả đám thì mới có bằng cớ cụ thể rằng cái phương thức phát triển kinh tế bằng đường hướng xã hội chủ nghĩa là một phương hướng sai. Giết người bấy lâu để đi theo một phương hướng sai là cái phát giác hộc máu đối với các đảng viên chân thành.
Nhưng nếu biết phương hướng sai thì ta chỉ cần sửa lại cho đúng. Võ Văn Kiệt gọi đó là 'đổi mới'. Chỉ có thế sao? Dễ vậy sao?
Cái ngộ nhận cuối cùng thuộc về nhân dân cả nước. Ước mơ độc lập tự do từ trước năm 1945, bây giờ cả nước mới thấy 80 triệu dân - không kỳ thị Nam Kỳ hay Bắc Kỳ, không kỳ thị Phật giáo hay Thiên Chúa giáo - đang làm nô lệ cho hai triệu đảng viên CS. Có hai thứ luật, một thứ cho dân thường và một thứ cho cán bộ. Cán bộ tham nhũng tùm lum nhưng chưa bắn được thằng nào. Có hai hạng người. Người 'làm chủ đất nước' không được có ý kiến hay phê bình và chỉ có 'người tôi tớ' mới có thẻ bài chỉ huy. Cái ngộ nhận thứ tư này mới là cái đại ngộ nhận của danh từ giải phóng. Con người được CS giải phóng té ra mất quyền làm người.
Bốn cái ngộ nhận này chỉ có thể được phơi bày rõ ràng sau ngày 30-4-75. Thật ra CSVN có cái cơ duyên duy nhứt với lịch sử vào ngày 30-4-75. Ngày đó, nếu CS biết dừng tay tự chế thì có thể trở lại tình tự dân tộc và đã hóa giải ngộ nhận. Nhưng CS không có nắm lấy cơ may và bất chấp luôn cả lời can gián chân tình của đảng CS Pháp, lại đi áp dụng điên cuồng xã hội chủ nghĩa cho đến bế tắc.
Phương hướng sai lầm không phải bắt nguồn từ năm 1975. Nó bắt nguồn từ năm 1930 là năm thành lập đảng CS Đông Dương. Cho nên thừa nhận cái sai bây giờ là thừa nhận cái sai tiên khởi. Dựa vào cái sai thiên khởi, người CS mới giết người yêu nước quốc gia là những người hiểu rõ cái sai tiên khởi của CS. Cái chết của các ông Bùì Quang Chiêu, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Nguyễn Văn Số, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Vàng, Hình Thái Thông, Huỳnh Phú Sổ . . . và không biết bao nhiêu mồ chôn tập thể hay xác chết trôi sông ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Tân An, Chợ Gạo, Cần Thơ, Vĩnh Long . . . và cái chết biết bao chiến sĩ VNQDĐ và Đại Việt ở miền Bắc là chứng tích của cuộc đại phản bội đất nước trước họa ngoại xâm.
Cho nên biết được đường hướng xã hội chủ nghĩa là sai lầm và chịu sửa đổi nó là đi đúng đường đó, nhưng cái gánh nặng của lịch sử chừng nào cân đây?
Trong lịch sử quốc tế ta có nhiều trường hợp để so sánh. Ở Nam Phi sau khi chấm dứt được chánh quyền kỳ thị chủng tộc, Tổng Giám Mục Desmond Tutu tổ chức những ủy ban 'Sự thật và Hòa giải' trong đó kẻ đã gây ra tội ác thành khẩn kể lại những sai trái họ đã làm và xin tha thứ và được tha thứ.
Không phải ông Tổng Giám Mục này bày vẽ ra chuyện để làm một màn trình diễn ngoạn mục cho thiên hạ xem chơi, hay muốn hạ nhục những người này cho gia đình nạn nhân hả giận. Đàng sau cái ý nghĩ thành lập 'ủy ban Sự thật và Hòa giải' là cái tin tưởng của Cơ Đốc Giáo (xưng tội và rữa tội) rằng khi người ta thật tình nhận lỗi thì người đó sẽ tránh nó trong tương lai không tái phạm. Còn nếu không thấy các lỗi đó là ác ôn mà cứ viện dẫn đủ thứ lý do để biện minh thì dầu bây giờ ở trong thế kẹt phải co đầu rút cổ, chớ sau này có cơ hội thì chuyện cũ sẽ tái diễn y chang.
Rốt cuộc, việc giải quyết những tội ác kinh tỡm của chánh trị như bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu những người đối lập, những âm mưu hèn hạ như chụp mũ, tố oan, kết thúc bằng một cách xem ra là nhẹ nhàng: xác định ai là kẻ ngoan cố, ai là người phục thiện.
Một đời người, có mấy ngàn lần lầm lỗi? Có biết bao nhiêu việc mà nếu cho ta cơ hội làm lại thì ta sẽ làm khác đi. Trong mê hồn trận của cuộc đời nói chung hay trong chánh trị nói riêng, mỗi nguời mỗi kiểu, ai cũng tối tâm mặt mủi. Lỗi lầm là chuyện thường tình, ai còn thở phút nào là còn có thể lầm lỗi đến phút chót.
Ai cũng có lỗi lầm thì ai cũng muốn được tha thứ. Phán đoán nặng tay lỗi lầm nguời khác chưa hẳn là hay ho hay đạo đức mà cũng có thể vì thiếu kinh nghiệm sống của bản thân hay cái hiểu biết nhân tình còn nông cạn. Chúa Jeshu cũng đã từng thách 'ai là kẻ không tội thì hảy liệng viên đá đầu tiên'. Cho nên cái phạm tội là cái nhân sinh thì cái ngoan cố mới là cái chọc giận người ta. Chẳng lẽ sử dụng quyền hành để giết người cướp của mà vẫn có thể cao ngạo, khinh khỉnh như không có gì xẩy ra, mà yên được sao? Cái tự trọng tối thiểu đối với bản thân và chút lòng thành với thiên hạ mà không có được thì làm sao có tha thứ và hòa giải?
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, cùng thời là kẻ thua trận, người Đức và người Nhựt cùng thời đã nhận tội, đã chịu bồi thường chiến tranh. Nhưng trong lúc người Đức đã thành khẩn - cho nên tới nay người Đúc không còn mặc cãm gì nữa và cả thế giới giao tiếp với người Đức như mọi người bình thường khác - ngược lại người Nhựt tìm mọi cách sửa đổi lịch sử cho nên dù đã 60 năm qua, và đã xin lỗi tới, xin lỗi lui trước sau hơn hai chục lần mà bây giờ vẫn còn lấn cấn. Việt Nam muốn chọn kiểu nào đây?
Bốn cái hiểu lầm ác ôn này phải được giải tỏa là điều kiện bắt buộc để đất nước thoát ra vũng lầy CS, để ngày Quốc Hận có thể trở thành ngày Quốc Khởi. Bất cứ người Việt nào có tấm lòng với Tổ Quốc đều có bổn phận làm cho lịch sử tiến lên, để ngày Quốc Hận không dừng lại một chỗ. Mà nó phải trở thành ngày dân tộc hồi sinh.
Nelson Mandela ngày nay là người được thế giới trọng vọng. Các vị lãnh đạo từ Tổng Thống, Nữ Hoàng, Thủ Tướng, Chủ Tịch đều hân hạnh đón tiếp ông. Nhưng ông không phải một bước là tới ngay vinh quang đâu. Khác với Ganhi là người chủ trương bất bạo động từ đầu, Mandela lúc đầu chủ trương dùng võ lực đấy chứ. Ông là một cựu đảng viên đảng CS. Mấy chục năm ngồi tù là cần thiết để ông hiểu được rằng 'bạo lực cách mạng' không phải là đường lối để giải thoát dân tộc của ông ra khỏi chế độ kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi. Liền khi ông giác ngộ được điều đó, ông được thả ra và sau này, năm 1993 giải thưởng Nobel Hòa Bình trao tặng cho ông là để tán thưởng sự chuyển hướng đấu tranh không đổ máu bằng hòa giải và dân chủ.
Các người lãnh đạoVNCS ngày nay phải hiểu rằng vì giao tế, đi đến đâu họ cũng được đón tiếp. Cũng có bắt tay, cũng có chụp hình. Nhưng người ta không đón tiếp các ông niềm nở và thân tình như giữa những người chân chính được dân tín nhiệm.
Người lãnh đạo chân chính thời nay phải do dân bầu lên và tay họ không có dính máu. Việc toàn quốc đứng lên giành độc lập và đồng thời làm gương cho các nước thuộc địa khác đứng lên tự giải cứu là một sự nghiệp vĩ đại của dân tộc Việt đối với nhân loại. Nhưng các ông hoặc đã trực tiếp nhúng tay vào hay kế thừa của những thảm sát người ái quốc Việt Nam và thường dân vô tội. Trước năm 1975, tại Hà Nội lần lượt Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng đã ân hận. Sau 1975, tại Saigon lại đến phiên Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Văn Giàu . . nhưng những ân hận này dầu sâu xa đến đâu vẫn là những kết quả suy tư cá nhân mà sai lầm của đảng CS là một sai lầm tập thể, cần phải có một giác ngộ tập thể. Có làm được không?
Chạnh lòng vì sự vĩnh biệt lạnh lẽo của cố Tổng Bí Thư đảng CS Trung Hoa Hồ Diệu Bang là người đã đi thăm và khóc với đám sinh viên đang biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn và vì vậy mà mất chức, Orville Schell – Khoa trưởng của Graduate School of Journalism tại Đại Học Berkeley (California) có viết một bài nghị luận MEMORY, FORGIVENESS AND FORGETTING. Ông viết nếu CS Trung Hoa muốn chân thành tìm kiếm cái vĩ đại thì Trung Hoa phải lương thiện với cái quá khứ sóng gió của mình. Và ông đã kết luận nguyên văn như sau: And one suspects that until Chinese Party leaders start to acknowledge the accumulated wrongdoing for which they and their predecessors have been responsible, the question of their nation's true greatness – which can never be a purely economic judgement – will elude them (TIME, March 14, 2005)
Không chỉ riêng gì Trung Hoa, nước Đức, Nhựt, Mỹ, hay . . .nước nào cũng phải lương thiện với cái quá khứ của mình. Không có ngoại lệ.
Phải có can đãm lương thiện với cái quá khứ của mình thì mới có cái hãnh diện ngẩng đẩu lên.
Sắc không huyền ảo. Cái nào là may, cái nào là rủi. Cái nào là vinh, cái nào nhục? Ai thắng trận? Hay là thua cả đám?
Nhưng còn cái trận ma quỷ này, làm sao thoát ra?
Kiên trì nhẫn nhục từ ba chục năm nay, có một người ngày đêm cầu nguyện các ông sớm thoát trận. Đâu thử đi thăm Thầy Quảng Độ. Chắc Thầy sẽ hoan hỷ mời trà.
HỒ TẤN VINH
ÚC CHÂU
Trung thu 2005
Bài báo này đã được phổ biến trên TIẾNG NÓI NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA (Paris) số 38 (tháng 9-10, năm 2005)
Ấn bản thứ hai.Thấm thoát đã 6 năm, bây giờ là tháng 10 năm 2011, tưởng chừng như mới viết hôm qua.
Ấn bản thứ ba ngày 29 tháng 4 năm 2012.
Vinh
No comments:
Post a Comment