Đời sống nông thôn khác đời sống thành thị ở nhiều phương diện, nhưng quan trọng nhất, theo tôi, là ở quan hệ giữa nhà ở và nơi làm việc: cả hai, thật ra, là một. Nhà để ở đồng thời cũng để làm việc. Người ta may vá trong nhà, dệt cửi trong nhà, đan lát trong nhà. Người ta phơi lúa ngoài sân, giã thóc ngoài sân; nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt trong vườn; trồng trọt cây trái và rau cỏ cũng trong vườn. Nhà, do đó, được kiến trúc theo lối đa chức năng; rất ít khi chia phòng, ngay cả nhà của phú hộ. Ý niệm riêng tư hầu như không có. Ngủ, phần lớn là ngủ chung; ba bốn người trên chiếc giường. Giường, phần lớn đặt sát bên nhau, ở một góc nào đó, không có vách ngăn. Có khi người ta ngủ ngay trên chiếc phản đặt giữa nhà. Nguyễn Hưng Quốc |
Người Việt ồn ào |
Tôi không biết người Mỹ, nói chung, có trầm lặng hay không. Nhưng tôi biết chắc một điều: Người Việt chúng ta, nói chung, thì rất ồn ào.
Tôi không nói đến những sự ồn ào khi xem bóng đá hay trong các cuộc tranh tài khác. Ở đâu cũng vậy. Văn hoá thể thao hay văn hoá lễ hội là văn hoá của đám đông và của sự ồn ào.
Ở đây, tôi chỉ giới hạn trong đời sống hàng ngày.
Với giới hạn như thế, tôi có cảm tưởng, sự ồn ào của người Việt là một điều rất đáng nói.
Ồn ào từ ngoài đường phố. So với các đường phố trên thế giới, đường phố Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn, đứng đầu là Sài Gòn và Hà Nội, có hai đặc điểm nổi bật nhất: lộn xộn và ồn ào. Chuyện lộn xộn thì chúng ta đã bàn trong bài về văn hoá giao thông; còn chuyện ồn ào thì cũng đã được nhiều người đề cập. Tôi đã từng nghe nhiều người bạn vốn du lịch nhiều, nhận xét: Chưa thấy đường phố nào ồn ào như đường phố ở Việt Nam.
Đi xe, từ xe hơi đến xe gắn máy, người ta bóp còi inh ỏi liên tục. Ở ngoại quốc, lái xe, thỉnh thoảng chúng ta cũng bóp còi. Mục đích chủ yếu của việc bóp còi là để nhắc nhở chiếc xe phía trước điều gì đó, chẳng hạn, đèn đã xanh nhưng họ vẫn tiếp tục ngừng lại. Ở Việt Nam, bóp còi chủ yếu là để nhắc nhở những người lái xe khác, trước mặt và chung quanh, là mình đang… lái xe.
Để họ nhường đường hoặc đừng quẹo ẩu. Thành ra, bắt chước Descartes, có thể nói, ở Việt Nam, “Tôi bóp còi, vậy tôi hiện hữu!” Hậu quả của “triết lý” đó là, theo ghi nhận của mấy người bạn và người quen của tôi, ở Việt Nam, hai bộ phận trong xe hơi và xe gắn máy dễ bị hư nhất là: kèn và thắng. Hầu như lúc nào chúng cũng hoạt động liên tục.
Ồn gần ngang ngửa với đường phố là chợ. Trong tiếng Việt có thành ngữ “ồn như chợ” hay “ồn như chợ vỡ”. Không có chợ nào đang hoạt động và có khách mà lại hoàn toàn im lặng. Nhưng độ ồn của nhiều chợ, nhất là các chợ ở Tây phương, thường rất chừng mực. Nói cho đúng: ở đó có nhiều tiếng động hơn là tiếng ồn. Thỉnh thoảng có vài chợ, một lúc nào đó, có người cầm loa phóng thanh quảng cáo hay chào mời khách hàng. Nhưng, thường, trong cả chợ, chỉ có một vài người chào mời hay quảng cáo như thế. Khi cửa hàng này dùng loa phóng thanh thì cửa hàng khác im lặng. Chợ Việt Nam, ngược lại, hầu như lúc nào cũng ồn. Tiếng chân lê trên dép nhựa. Tiếng chào hàng. Tiếng trả giá. Tiếng cãi cọ. Tiếng cười nói. Tiếng nhạc mở từ trong các tiệm. Ồn nhất là tiếng rao hàng. Ra ngoại quốc, người Việt vẫn giữ nguyên thói quen rao hàng rất ồn ào như thế. Cứ vào các khu chợ Việt Nam thì thấy. Đại khái: “Xoài tươi, 20 đô một thùng đây! Mại dzô!”, “Sầu riêng mới nhập từ Thái Lan, 3 đô một ký đây! Dzô đi bà con ơi!”. Thường người ta không nhường nhau. Mạnh ai nấy gào. Người bên cạnh gào to thì mình cố gào cho to hơn nữa. Cuộc chiến giành khách được thể hiện, trước hết, bằng độ lớn của những tiếng mời khách.
Cũng ngang ngửa với chợ là quán nhậu. Vào các quán bia rượu của Tây phương, người ta dễ thấy cảnh từng nhóm ngồi vừa uống vừa chuyện trò rù rì với nhau. Ở các quán nhậu Việt Nam thì khác hẳn. Nhậu, người Việt Nam thường có một thói quen mà người ngoại quốc hiếm khi có: ép. Uống một mình hình như người ta không thấy… dzui. Người ta phải mời người khác: “Cụng ly!” Vào cuộc, cụng. Nhậu ngà ngà rồi, cũng cụng. Đã ngất ngư, cũng cụng nữa. Người nào không tự nguyện cụng ly thì bị ép. Trong quán nhậu, lúc nào cũng nghe lảnh lót những tiếng mời ép như tiếng hô xung trận: “Dzô!” hay “Trăm phần trăm!” Ngoài chuyện mời hay ép, người ta còn bày cách phạt nhau. Đến muộn: phạt! Uống ít, phá mồi nhiều: phạt! Uống mà không say thì không “đã”. Mà đã say thì nói nhiều. Nhiều nhất là chuyện tiếu lâm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong các quán nhậu, lâu lâu người ta lại cười rú lên.
Ngay trong các lớp học, người Việt Nam cũng ồn. Lớp toàn sinh viên Việt Nam càng ồn. Ở các lớp xen kẽ vừa sinh viên ngoại quốc vừa sinh viên Việt Nam, theo kinh nghiệm đi dạy gần cả 20 năm của tôi, đám sinh viên Việt Nam cũng thường có thói quen nói chuyện trong lớp nhiều nhất. Trong các cuộc họp hành hay hội nghị cũng thế. Trên bục, diễn giả cứ nói; ở dưới, thính giả cứ tự nhiên chụm đầu vào nhau rì rầm. Thỉnh thoảng lại cười rinh rích trông rất hả hê.
Nhưng không phải chỉ ở ngoài đường, ngoài chợ, trong quán nhậu, trong lớp học hay hội trường, người Việt mới ồn. Tôi muốn nói thêm: ở đâu người Việt Nam cũng ồn. Cái ồn không ở hoàn cảnh mà ở cái giọng. Nói chung, theo tôi, phần lớn người Việt Nam có giọng nói và tiếng cười khá to. Dĩ nhiên không phải tất cả. Nhưng có nhiều, rất nhiều. Có thể nói là đa số.
Ở trường học, ngồi trong văn phòng, nghe rộ lên những tiếng cười rổn rảng; chưa kịp nghe giọng, tôi đã biết ngay: người Việt! Thỉnh thoảng cũng nhầm: không phải người Việt. Mà là người Hoa! Thì cũng… đồng văn cả!
Thật ra, nếu đi thi giọng, chưa chắc giọng người Việt đã lớn. Có khi ngược lại. Có điều, ở chỗ công cộng, người Tây phương thường hãm âm thanh lại cho… vừa đủ nghe. Còn người Việt thì không. Ở đâu và lúc nào cũng thường chỉ có một “volume”. Lại là volume ở độ cao nhất.
Tại sao có hiện tượng như thế?
Trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” (bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ, nxb Văn Nghệ, California, 1991), Bá Dương cũng ghi nhận là người Trung Quốc, đặc biệt là người Quảng Đông, cũng rất ồn ào. Ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao? Rồi ông trả lời: “Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng là mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình.” (tr. 40).
Tôi không nghĩ đó là trường hợp của người Việt Nam. Tôi cho tính ồn ào chỉ là tàn tích của xã hội nông nghiệp. Ngay cả hiện nay, đa số người Việt vẫn còn sống ở nông thôn. Tuyệt đại đa số người Việt từ trung niên trở lên, ngay trong thành phần trí thức, cũng có gốc gác nông thôn.
Đời sống nông thôn khác đời sống thành thị ở nhiều phương diện, nhưng quan trọng nhất, theo tôi, là ở quan hệ giữa nhà ở và nơi làm việc: cả hai, thật ra, là một. Nhà để ở đồng thời cũng để làm việc. Người ta may vá trong nhà, dệt cửi trong nhà, đan lát trong nhà. Người ta phơi lúa ngoài sân, giã thóc ngoài sân; nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt trong vườn; trồng trọt cây trái và rau cỏ cũng trong vườn. Nhà, do đó, được kiến trúc theo lối đa chức năng; rất ít khi chia phòng, ngay cả nhà của phú hộ. Ý niệm riêng tư hầu như không có. Ngủ, phần lớn là ngủ chung; ba bốn người trên chiếc giường. Giường, phần lớn đặt sát bên nhau, ở một góc nào đó, không có vách ngăn. Có khi người ta ngủ ngay trên chiếc phản đặt giữa nhà.
Từ nhà này sang nhà khác, cũng không ai cần báo trước. Cứ xồng xộc bước thẳng vào nhà. Không thấy chủ ở nhà trên thì đi thẳng xuống nhà dưới; không thấy nữa thì đi tuốt ra sau vườn. Nói chuyện, người ta cũng không cần đến gần nhau. Người mẹ vừa nấu ăn trong bếp vừa lớn tiếng la rầy con đang chơi trước sân, dặn dò chồng đang lúi húi đào đất sau vườn, hay tâm tình với bà hàng xóm bên cạnh. Không có ý niệm riêng tư, không ai “care” đến chuyện làm phiền người khác vì giọng nói hay tiếng cười rổn rảng hoặc chói lói của mình.
Ở thành thị thì khác. Nơi ở và nơi làm việc thường là hai không gian khác nhau. Sáng, người ta đến hãng, sở hay công ty làm việc với nhiều người khác: đó là không gian lao động và cũng là không gian công cộng. Tối, người ta mới về nhà nghỉ ngơi: Nhà trở thành không gian để nghỉ ngơi và hoàn toàn có tính chất riêng tư. Để bảo vệ tính riêng tư, nhà người ta lúc nào cũng cửa đóng then cài. Ngay trong nhà, giữa người này và người nọ cũng có những sự riêng tư nhất định. Mỗi người một phòng riêng. Không phải lúc nào người ta cũng có thể xồng xộc vào phòng nhau. Thậm chí, ở phòng này, người ta cũng không muốn làm phiền người ở phòng bên cạnh. Nhạc chỉ mở vừa đủ cho mình nghe. Và nói, người ta cũng chỉ nói vừa đủ cho người đối thoại nghe. Tiếng ồn, do đó, bị xem như một sự xúc phạm và vi phạm vào sự riêng tư của người khác. Có thể nói “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” hầu như là quy luật của đời sống thành thị.
Những thói quen ăn to nói lớn, bất chấp sự riêng tư và quyền có sự im lặng của người khác được nuôi dưỡng trong nền văn hoá nông nghiệp kéo dài cả hàng ngàn năm ăn sâu vào chúng ta, không dễ gì mai một, ngay khi chúng ta đã ở thành phố, kể cả các thành phố đã được đô thị hoá rất cao ở Tây phương. Còn ở các thành phố mang nhiều chất nông thôn như ở Việt Nam thì khỏi phải nói.
Sự tồn tại của người-Việt-ồn-ào không chừng còn lâu. Có khi sang tận thế kỷ 22.
Nguyễn Hưng Quốc
Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh |
No comments:
Post a Comment