(Phản) Phản Biện và Sự Thật
"Một nhóm nhỏ các bình luận gia biết téo nẹo về mọi chuyện diễn giải cho chúng ta về thế giới với những nhận định đầy rẫy sai lầm (A small circle of pundits who know so little about so much explaining the world to us and get it so wrong!)"
- Amy Goodman, Democracy Now
Hổm rày đọc báo mạng thấy nhiều "phản biện" và "phản-phản biện" đến một vài bài viết. Sôi nổi hơn hết là những (phản) phản biện với hai bài viết tựa đề "Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam" và "Không thể bẻ cong sự thật để tự ru ngủ mình và bạn đọc"[i]. Chúng tôi đã góp ý chung cho hai bài viết này tại trang đăng bài. Thế nhưng vì muốn được "nhân dân"[ii] ủng hộ nên xin góp thêm một vài ý nữa.
Những điều mà chúng tôi đóng góp thêm sau đây thuộc về bản chất và tác dụng của sự lạm dụng phản biện cũng như mối liên hệ đến nỗi hoang tưởng sở hữu sự thật. Ngoài ra bài này biểu lộ sự hoài nghi của chúng tôi về tính toàn bích của "phản biện" (tìm cái tối ưu và thuyết phục, minh bạch, và duy lý) được đưa ra trong bài viết "Phản biện"[iii] gần đây. Chúng tôi muốn giải mã những lý luận, không nhắm vào "người đưa tin" (shooting the messenger). Mong rằng cũng nhận được sự phản biện về bài viết này nằm trong tinh thần lắng nghe và xây dựng.
Theo chúng tôi thì phản biện mà không tham gia chính trị là lối diễn luận "hơi bị quen" của nhiều thành phần thuộc vào các khối bất vụ lợi, xã hội dân sự, và trí thức trong và ngoài nước. Đây là một hiện tượng chung của hằng hà sa số trong đó đầy đủ các biện luận bào chữa và gián tiếp giúp thể chế đang vận hành tiếp tục củng cố và đứng vững.
Thành phần tự cho mình đứng trong vị trí này thường có đánh giá thiên lệch trong tự mãn và dễ dẫn đến sai lầm, nhất là những lúc khư khư quả quyết rằng "chính trị" chuyên mang nghĩa tiêu cực và thủ đoạn. Đó là sự nhập nhằng đánh đồng giữa tư cách chính trị, vị thế chính trị, quan điểm chính trị, và hành xử chính trị đối với chấp chính (các đảng phái chính trị tranh giành quyền chấp chính).
Những ai tự xưng mình chỉ "phản biện mà không tham gia chính trị" thường là lẩn quẩn lòng vòng với ngụy biện mặc dù có lẽ biết bất cứ bước nào mình chọn đi, hay chỗ nào mình chọn tới, cũng hàm chứa ý nghĩa chính trị. Dù kiểu chính trị tối thiểu chỉ dừng lại nơi chốn có lợi và vô hại cho cá nhân mình mà thôi.
Quan điểm "không tham gia chính trị" thật ra là một thói quen "khoanh vùng" (mặc áo giáp, đặt hàng rào chống B40) của những người dân sống ở các chế độ độc tài áp bức, hay ứng xử cố hữu của các sắc dân thiểu số trong những xã hội mang danh "dân chủ tự do kiểu Tây" (Western Liberal Democracy). Đó âu cũng là một vị trí bảo thủ nhằm mua được sự an toàn tránh bị "điểm mặt". Thế nhưng việc họ có thể trốn/tránh được bạo quyền đàn áp hay không thì là một chuyện khác. Hay là rốt cuộc họ cũng bị đì ì xèo bởi các "đầy tớ" quan thầy.
Hơn 30 năm sống hải ngoại chúng tôi chưa thấy có công dân xứ sở tự do (Hoa-kỳ đây chẳng hạn) nào phải mào đầu tự "khoanh vùng" khi ứng xử hay đối thoại về chính sách và chính quyền. Đôi lúc họ tránh né tranh luận chính trị vì bất đồng chính kiến chứ không cần phải bảo kê cho mình bằng cách tuyên xưng vị thế "phi chính trị". Riêng người Việt hải ngoại thì cũng không ít kẻ nhóm vẫn còn la chai bải "không tham gia chính trị" vì ám ảnh nặng nề của tâm thức nô lệ hậu-thực-dân.
Chúng tôi tin rằng đa số những người Ai-cập xuống đường trong hơn ba tuần không phải là những người có ý nghĩ "tham gia chính trị" hoặc đi làm "cách mạng". Họ chỉ ứng xử một cách tự nhiên như "con giun xéo mãi cũng quằn" với tư cách công dân để đòi hỏi quyền làm người của họ mà thôi. Sau khi vượt qua nỗi sợ họ từ chối "khoanh vùng" cho mình là thuộc giai cấp công nhân, nông dân, hay trí thức gì gì ráo. Họ xuống đường với tư cách là công dân và những hành động của họ tự mang một quan điểm chính trị.
Không phải phong trào đấu tranh trên thế giới nào cũng có sự hiện diện của thành phần trí thức chuyên năng nổ trong công tác phản biện. Đa phần họ chỉ là những người thích tập trung tư duy để quan sát, so sánh, và phân tích (dù có ngụy biện hay không) sau khi các cuộc đấu tranh xuống đường đang xảy ra (dù thắng hay bại) hay đã chuyển sang chợ chiều để đi vào hoàng hôn tắt ngấm. Nếu có tham gia vào công việc đấu tranh thì họ chỉ thực hiện vào giai đoạn cuối khi mọi chuyện sắp đến hồi kết cuộc—máu đã đổ và mồ hôi nước mắt đã cạn. Vì không có quyền lực nào tự bằng lòng cho sang nhượng mà chỉ phải tranh lấy mà thôi.
Cổ xúy, tham gia, và thực hiện phong trào đấu tranh dân chủ trong cảnh tỉnh bất bạo động là một việc nan giải đòi hỏi đám đông thắng được sự sợ hãi. Và cuộc nổi dậy phát khởi nào mà không bị dập tắt thì không thể thiếu làn sóng kích thích phát xuất từ một nhân tố hay sự kiện chấn động lòng người. Tuy nhiên, đấu tranh xuống đường không phải là không thể xảy ra, nhất là khi có "nhân hoà" trong tinh thần tự phát đồng điệu, hoà hợp với "thiên thời" và "địa lợi".
Khi đấu tranh nổi dậy xuất hiện thì nó đến bất ngờ như vũ bão. Không một nhà bình luận, phân tích chính trị nào đoán trước nỗi. Tiếc thay đa số họ (nhất là các nhà quan sát Tây Phương) lại châm bẩm vào tính chất máy móc của cuộc cách mạng để chất vấn "Tại sao nó lại xảy ra vào lúc này?" và "Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?" nên thường lạc điệu, lỗi nhịp với thời điểm và ý nghĩa lịch sử quan trọng của cuộc cách mạng nổi dậy đó.[iv]
Tranh đấu cho công bằng xã hội của hết thảy chứ không chỉ riêng mình là việc nhiêu khê—lợi ít hại nhiều cho bản thân. Ông bà ta chẳng từng có câu "ăn cơm nhà vác ngà voi" đấy sao! Công việc tích cực góp sỏi, lót đường, xông xáo không ngại gian nan trong khi đòi hỏi tự do nhân phẩm và quyền làm người thì lúc khởi đầu khó có sự hiện diện của những ai thụ động và câu nệ xốc vác. Nói trong hùng biện thì dễ nhưng tay lấm chân bùn thì khó.
Tác giả Việt Hoàng cũng đã khẳng định như thế trong một bài viết về sự thờ ơ né tránh tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ của các đại gia, trọc phú, và doanh nhân Việt Nam. Tác giả đã nói tiếp,
"Tôi cho rằng không phải dân trí người Việt Nam kém mà ý thức của tầng lớp trí thức Việt Nam kém. Nếu không kém thì trí thức Việt Nam đã làm được việc "khai dân trí, chấn dân khí" cho mọi người Việt Nam. Trước tình hình đất nước như hiện nay thì trí thức phải xem việc dấn thân chính trị như là mệnh lệnh của lòng yêu nước và trí thức phải nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt người dân và lãnh đạo đất nước."[v]
Hiện tượng thờ ơ né tránh tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ này liên hệ đến một điều quan trọng hơn nữa: "Tư duy phản biện có thể phân biệt, nhưng không thể tách rời khỏi cảm quan." Không ai có thể quả quyết là mình nắm chắc hay biết được "sự thật". Mọi quan điểm của cá nhân hay đoàn thể đều xây dựng diễn giải từ quá trình học hỏi cũng như tích lũy kinh nghiệm sống riêng nhưng tất đều ảnh hưởng xã hội. Bất cứ quan điểm nào mà cá nhân hay đoàn thể đưa ra cũng không thoát khỏi giới hạn trong tầm nhìn được kết lũy từ quá trình diễn giải tương đối đó. Rất nhiều bình luận (loạn) gia (pundits) đều cho mình sở hữu "sự thật" nhưng thật sự mọi người/đám đông thầm lặng chỉ mong muốn họ có và tỏ lộ được chút lòng chân thật. Những chuyện "lộng giả thành chân" vẫn nhan nhãn ấy thôi.
Phản biện hạn chế vì liên hệ đến địa lý tính, nhãn quan xã hội và nhiễm hệ tư tưởng ăn sâu trong văn hóa. Sản sinh của phản biện thì tùy theo lăng kính phụ thuộc cường độ chủ quan của lịch sử chính thống—loại lịch sử thường xóa sổ và cướp mất tiếng nói của những ai bị cho ra rìa, không có, hoặc mất vị trí trong xã hội. Đây là loại lịch sử đã gạn lọc và chỉ ghi chép các dữ kiện thuận lợi cho thành phần đương kim sau khi cướp quyền lực từ đấu tranh quần chúng.
Trong bối cảnh như thế thì đa phần các vị học giả trí thức chọn làm người "ngoài cuộc" mà vẫn "ăn theo". Ăn theo đây không hẳn là trực tiếp hưởng được bổng lộc của cơ chế chính thống mà là lợi gián tiếp vì "bình chân như vại" ở đặc quyền (privileges) thuộc về chuyên gia. Chuyên gia thì bao giờ cũng được sử dụng và ưu đãi bởi người cầm quyền (phe tả, phe hữu) vì ta nằm trong phe nghiêng ngã.
Hơn thế nữa, chuyên gia xử dụng kiến thức và đặc quyền để dẫn đặt cái ảo tưởng huyễn hoặc là mình có "sự thật" định hướng suy nghĩ của đám đông quần chúng, và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nói hộ giùm cho (phó) thường dân. Dĩ nhiên, chuyện mặt bên kia của đồng tiền cũng rất quan trọng: ai được chọn cho phát biểu phản biện. Sự lựa chọn thiên vị đó không nằm ngoài sức mạnh của đồng tiền và quyền lực của một hệ thống nhập nhằng giữa nhà nước, cơ quan truyền thông, các cơ quan cung cấp ngân quỹ (còn gọi là "Sáng viện" hay "sáng hội" tức foundation), và giới chủ nhân ông.[vi]
Ông Thomas L. Friedman/một nhà bình luận cho tờ báo NY Times—người từng bị lên án nhiều lần khi ủng hộ chiến tranh Iraq và thiên vị Israel trong khi có nhiều lời lẽ miệt thị các dân tộc Ả rập cũng như từng bị chỉ trích bởi những người hàn lâm cánh tả và phe chống tự do thương mại toàn cầu hóa tại Hoa Kỳ—thì vừa rồi cũng đã khéo gác phản xạ lý trí chuyên gia của mình sang một bên để tường thuật lại cuộc cách mạng nhân dân Ai-cập như sau:
"Khi dạo lòng vòng [tại quãng trường] ai cũng nghe thấy toàn là những hy vọng bị đè nén, những khát vọng và thất vọng suốt 50 năm qua của người dân Ai Cập. Tôi biết các nhà chuyên gia "thực tế" đang cho rằng tất cả không chóng thì chầy sẽ bị dẹp bỏ. Có thể chúng sẽ bị dẹp tan. Nhưng trong những khoảnh khắc tỏa sáng ngắn ngủi này thì xin hãy quên đi các vị chuyên gia và chỉ cần lắng nghe thôi. Bạn chưa từng nghe được như thế này trước đây đâu. Đó là âm thanh của người dân từng đã quá lâu bị cướp đi và rốt cuộc đã tìm lại được, đằng hắng thử âm giọng và hân hoan cất lên tiếng nói mình."[vii]
Đó là chưa nói đến hai lăng kính khác. Theo thuyết nữ quyền (feminism) (gọi chính xác hơn là nam nữ bình quyền) thì phản biện nặng tính chất "đực rựa" do đó không tạo được hợp quần đoàn kết. Cứ tham gia chơi trò đá gà, đá cá (lăn dưa), hay đấm (đá) bốc Muay Thái thì biết. Ngoài ra, phản biện xuất phát từ "kỹ nghệ triết lý" từ thời Socrates rất xa xưa của nền văn minhTây phương nên luôn luôn trọng lý thiếu tình, và đã gạt bỏ hẳn cảm tính cho vị tha bao dung.
Giới hàn lâm phương Tây từng bị nghẹn họng vì lậm duy lý và loay hoay chưa cách nào thoát nỗi cái cạm bẫy đầy trắc trở của diễn luận "sự chọn lựa hợp lý" (rational choice discourse), nhất là sau khi Descartes đã kiên định sự hiện hữu của ông ta là nhờ "biết dùng cái đầu" (từ ngữ trong bài viết "Không thể bẻ cong…"; còn nguyên văn của Descartes là "I think therefore I am"). Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận cái lý luận/phản biện nhưng cần vạch ra tình/lý của mọi sự việc.
Diễn luận không giúp ích gì được cho cuộc đấu tranh giải phóng giúp bản thân ta và người khác khỏi nạn "nội thực dân"[viii] trong các xã hội ngổn ngang những bất công và đau khổ. Sự chọn lựa (mê sảng) duy lý này làm thui chột tâm hồn và nhân cách khi ta buộc chạm trán với tương quan giữa người và người (I- and-thou).[ix] Một sự chọn lựa duy lý trong vô thức nhưng tạo tràn đầy phản xạ thèm thuồng ghen tị của đám đông làm ta quên tình tha nhân và gạt bỏ lòng bồ tát, do đó dẫn đến việc coi thường chuyện con người cần vượt qua bản ngã và cái tôi.
Thứ ba, phản biện không tạo được đối thoại. Cứu cánh cho phản biện là phải tiếp tục sản xuất kiến thức theo đơn đặt hàng (ví dụ mong số lượng người nghe và đọc tăng cao) và trọng vị cá nhân hóa. Rất nhiều khi phản biện chuyên chở thành kiến chỉ trích, hay mang khinh ghét, và tạo phê phán ô nhục (do vô thức hay có chủ ý) trong lúc đề cập đến và đánh giá các lập trường của các nhân vật hay lực lượng đối kháng nhau.
Thói (chứng) phản biện mang nặng tính giả thuyết (và nhiều khi thiếu bối cảnh quan) nhưng đội lốt hành xử khéo léo trong chủ quan kiêu hãnh rằng lập luận của mình thì là phải đúng. Phản biện do đó tiềm ẩn gốc rễ bạo động vì nó dập tắt tương quan đối thoại. Dĩ nhiên không có tương quan đối thoại thì không thể nào cổ động hô hào cho "hòa hợp hòa giải" hầu chuyển hóa tình cảnh mâu thuẫn bế tắc.
Chúng tôi ghi nhận nhiều viễn quan về đoàn kết và xây dựng trong các bài viết nhưng không may do tính duy lý trong phản biện đã gây phản tác dụng và đưa đến kết cuộc là chỉ sinh ra hàng loạt dây chuyền (phản) phản biện.
Phản biện tự nó không chỉ dừng ở trò chơi cá cuộc của hùng biện diễn luận và những cuộc bút chiến.
Nó còn là biển mê hoặc làm chúng ta chìm đắm nhanh chóng vào sóng đời tranh nhau vài mảnh bánh vụn vơi rãi dưới đất. Từ đó quên bén đi ai đang tỉnh bơ thuổng cả chiếc bánh trên bàn vào túi của họ. Không cần là chuyên gia thì ai cũng biết chuyện gì sẽ tiếp diễn xảy ra khi kẻ "cướp ngày" tiếp tục ung dung nắm giữ quyền lực một cách dễ dàng vì đã thuổng trọn chiếc bánh rồi mà.
© 2011 Vietsoul:21
CHÚ THÍCH:
[i] Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam & Không thể bẻ cong sự thật để tự ru ngủ mình và bạn đọc, Kami, RFAVietnam.com, 02/09/2011 & 02/14/2011
[iv] The Egyptian uprising: 'why now?' and 'what next?', Brendan O'Neill, Spiked, 8/2/2011
[v] Doanh nhân và dân chủ, Việt Hoàng, Thông Luận (số 255), 02/2011
[vi] Chứng quên tập thể, VietSoul21, 13/08/2010
[vii] Speakers' Corner on the Nile, Thomas L. Friedman, NY Times, 7/2/2011
[viii] phó thường dân (2): nội-thực-dân, VietSoul21, 11/24/2020
[ix] I-and-Thou, Martin Buber
http://vietsoul21.net/2011/02/18/ph%E1%BA%A3n-ph%E1%BA%A3n-bi%E1%BB%87n-va-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt/
No comments:
Post a Comment