Trao đổi với GS Dương Như Nguyện và anh Đặng Văn Âu
Xuất phát từ một bài viết về cộng đồng người Việt tại Pháp, đã có một số anh chị góp ý và việc thảo luận đã chuyển sang vấn đề "trí thức" Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là bài viết dài 4 trang của Giáo sư Dương Như Nguyện.
Đọc bài ấy, tôi rất tâm đắc và nghĩ nên đóng góp vài ý kiến vì đây là một đề tài ít được nói tới, do sự "dè dặt" cố hữu của giới trì thức trong khi họ vẫn thường trao đổi với nhau ở nơi riêng tư.
Qua bài viết, GS Như Nguyện đã chứng tỏ là một người không sợ phải nói thật và đã đưa ra những sự thật bắt mọi người phải suy nghĩ. Đó là lý do tôi viết bài này để góp ý về chuyện "chất keo" để dính những "viên kim cương" trí thức lại với nhau, hơi khác với nhận định của GS Như Nguyện.
Trước hết, trí thức chính danh không nên tự cho mình là những "viên kim cương" mà nên coi mình là những "con nợ" của xã hội, của đất nước, vì nhờ xã hội, nhờ đất nước mà mình đã phát huy được tài năng và tâm linh để trở thành những con người ngoài sự minh triết (wisdom), còn có trí, có tâm, và có dũng - những đức tính cần có của một trí thức chính danh. Những trí thức như vậy trở thành "ngọn đèn trí tuệ" của quốc gia, soi đường cho sự tiến hóa (evolution) của xã hội. Khi trí thức làm tròn nhiệm vụ ấy thì xã hội tiến hoá. Khi trí thức lẩn tránh trách nhiệm thì xã hội lâm cảnh lụn bại, thoái hoá – như xã hội Việt Nam trong thời cận đại và hiện nay.
Xã hội Việt Nam, tuy dân trí còn thấp, vẫn có truyền thống kính trọng những người có học và có sĩ khí mà ngày xưa gọi là "kẻ sĩ" và đi theo sự dẫn đường của kẻ sĩ. Vì vậy, chính kẻ sĩ phải có lòng khiêm tốn, kết tụ lại cùng nhau để mở đường khai lối, hướng dẫn quần chúng chứ không phải chờ quần chúng tạo ra "chất keo" để gắn họ lại với nhau.
Quan điểm này đã được tôi nói tới trong một bài viết 16 năm trước. Bài ấy, "Chim Én và Muà Xuân Dân Tộc", được viết đầu năm 1994 và đã được Đài "Tiếng Nói Tự Do Từ Mạc-tư-khoa" do Ký giả Irina Zisman thành lập phát thanh về Việt Nam, trong đó có đoạn nói về "trí thức" như sau:
"Tôi bỗng nẩy ra ý định nói chuyện với những người trí thức trong nước, những người tôi quen biết và những người tôi không quen, vào dịp đầu năm, khi nhận được thư mời tham dự cuộc Hội thảo Truyền Thanh Mùa Xuân của Radio Hy Vọng, tức Đài Tiếng Nói Tự Do Từ Mạc-tư-khoa, với chủ đề 'Để tiến tới một nước Việt Nam Hậu Cộng sản'.
"Dĩ nhiên tôi xin được miễn định nghiã ở đây thế nào là trí thức, vì tôi đang nói chuyện với những người trí thức đích thực và chính danh.
"Một kẻ đã trốn chạy khỏi quê hương như tôi còn có tư cách bàn chuyện tương lai đất nước với những người ở quê nhà chăng? Tôi nghĩ rằng có. Một người dù sống xa quê hương nhưng không tự cắt rời khỏi dòng sinh mệnh của tổ quốc thì vẫn có quyền và có bổn phận góp phần mình cho quốc gia dân tộc.
"Vậy thì điều đầu tiên tôi muốn nói với quý vị là cảm nghĩ hổ thẹn của một người Việt Nam sống ở nước ngoài khi nghĩ về đất nước mình, một đất nước vẫn tự nhận là anh hùng, nhưng đang là một đất nước bị cầm tù bởi một nhóm người nhân danh chủ nghiã phi dân tộc và đã bị bứng nhổ trên khắp thế giới, kể cả tại nơi phát sinh ra nó.
"Các dân tộc Đông Âu và Nga đã đứng lên lật đổ chế độ cộng sản, bằng cách này hay cách khác, đổ máu hay không đổ máu, nhưng tất cả đều thật anh hùng, và đang trải qua tiến trình dân chủ hoá với nhiều cam go. Trí thức và thanh niên Trung Quốc cũng đã đứng lên trước tiên. Tuy không thành công ngay, nhưng với máu của hàng ngàn người đã đổ ra và với những hình ảnh chiến đấu dũng cảm của họ được truyền đi khắp thế giới trong thời đại truyền thông vệ tinh đã làm cả nhân loại cảm phục và chính là những chất kích thích tố cho những cuộc nổi dậy thành công ở Đông Âu sau đó.
"Việt Nam ở kế cận Trung Công nhưng đã im lìm, không một chuyển động, không một phản xạ. Cho đến nay, chế độ cộng sản vẫn còn đó, dù càng ngày càng ung thối và biến chất…Dĩ nhiên chế độ cộng sản ở Việt Nam đang đi vào những ngày cuối cùng của nó, nhưng nó sẽ không sụp đổ nếu không bị xô ngã. Vậy thì đối lực nào sẽ lãnh đạo cuộc vận động để chấm dứt mối tai họa ấy cho dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới, dân chủ và tiến bộ? Phật giáo với cuộc tranh đấu đang mở rộng dần? Hay chính những thành phần giác ngộ trong đảng? Hay nông dân, với một tỉ lệ hơn 80% dân số Việt Nam và bị buộc tội là – do sự thiếu hiểu biết chính trị và tình cảm lãng mạn bình dân - đã tiếp tay góp công lớn cho cộng sản trong cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam trước đây? Chính họ phải 'chuộc tội' và tự giải phóng?
"Thật ra, trí thức còn bị kết tội nặng nề hơn trong việc làm Việt Nam mất một cơ hội được sống trong tự do. Theo cộng sản, chống cộng sản, hay đứng giữa, người trí thức Việt Nam đã để mất vai trò của người dẫn đường trong xã hội, và trở thành công cụ của những thế lực chính trị do ngoại bang điều khiển. Họ là những khoa bảng đã bán mình vì lợi danh chứ không phải những nhà trí thức chính danh.
"Ngày nay, tôi nghĩ rằng gần hai mươi năm sau khi chiến tranh chấm dứt, với mọi sự thật được phơi bày, và với tình trạng đất nước bị tàn phá toàn diện, không người Việt Nam yêu nước nào không cảm thấy ô nhục và tự trách mình. Người trí thức với hiểu biết cao sâu và bén nhạy hơn tất nhiên phải cảm thấy ô nhục và tự trách hơn.
"… Một điều không tránh khỏi là trong số quý vị sẽ có người đặt câu hỏi: 'Vậy thì trí thức, khoa bảng ở ngoài nước đang làm gì và nghĩ gì?' Có lẽ quý vị đã thất vọng, hay tức giận, khi gặp một số trong những người ấy về Việt Nam với hy vọng nhận được lợi danh ưu đãi mà chế độ hiện nay sẽ ban phát cho họ trong cái chính sách được gọi là 'mở cửa, đổi mới'. Một số người khác đang cổ võ cho một chủ nghiã đầu hàng mà họ gọi là 'hoà hợp, hoà giải' trong tư thế quỳ gối trước một tập đoàn thống trị ngoan cố hiếm hoi còn sót lại của hệ thống cộng sản quốc tế. Một số người khác nữa thì đang ngồi trong tháp ngà cổ quái mà lý luận rằng 'chống cộng bây giờ đã lỗi thời' vì chủ nghiã cộng sản đã chết và chế độ hiện tại ở Việt Nam không còn là cộng sản!
"Nhưng sẽ sai lầm và dễ rơi vào tâm trạng bi quan nếu chỉ nhìn giới trí thức hải ngoại qua những người ấy. Ở các nước ngoài, đang có những người trí thức Việt Nam dấn thân làm việc để tiếp sức với đồng bào trong nước trong cuộc đấu tranh cho tự do, và để góp phần xây dựng đất nước sau này, một khi chế độ cộng sản không còn. Những người trí thức yêu nước ấy thuộc mọi lứa tuổi, nhưng đều giống nhau một điểm:họ muốn góp phần chứ không phải muốn giành phần, chia phần. Họ tin tưởng sắt son rằng cuối cùng rồi Chân lý sẽ thắng. Với những người như vậy, tại sao không tin tưởng?"
Trên đây chỉ là một phần trong bài đã được phát thanh về Việt Nam đầu năm 1994. Cuối năm ấy, Đài "Tiếng Nói Tự Do Từ Mac-tư-khoa" phải im tiếng vì sự phản đối quyết liệt của Hà Nội với chính phủ Liên Bang Nga. Năm 1995, bài ấy được Học giả Phạm Kim Vinh đưa vào cuốn "Việt Nam Theo Đường Nào Vào Thế Kỷ 21", cuốn sách thứ 32 của ông được xuất bản ở hải ngoại.
Ngày nay tôi rất mừng nhận thấy số trí thức góp mặt trong cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ ở trong nước đã tăng lên rất nhiều so với khi tôi viết bài trên đây, 16 năm trước.
Trước khi chấm dứt, tôi muốn có vài ý kiến về việc viết chữ Việt ở hải ngoại. Do trở ngại kỹ thuật, và cũng do dễ dãi, chúng ta thường đánh chữ Việt không có dấu trên máy điện toán, khiến khó khăn cho người đọc, chưa kể có thể đọc đoán lầm, còn khiến cho Việt ngữ trở thành bất toàn, vì chữ Việt mà không có dấu thì không còn là chữ Việt.
Theo sự hiểu biết của tôi, hình như Sử gia Nguyễn Thế Anh, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, nguyên Giáo sư Đại Học Sorbonne ở Paris, là người Việt duy nhất ở hải ngoại đã không bao giờ viết chữ Việt mà không có dấu, kể cả trong những bài tham luận hay sách viết bằng ngoại ngữ (Anh, Pháp). Kể cả tên tác giả trong những cuốn sách ngoại văn cũng là Nguyễn Thế Anh, chứ không bao giờ là Nguyen The Anh.
Tôi nghĩ đó là một cách bảo tồn Việt ngữ thật nghiêm túc mà chúng ta nên noi theo.
Xin cám ơn GS Dương Như Nguyện và anh Bằng Phong Đặng Văn Âu.
Sơn Tùng
Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.
No comments:
Post a Comment