15 October 2011

Cuốn Sách Bị Bỏ Quên: Phật Giáo Tranh Đấu

Cuốn Sách Bị Bỏ Quên: Phật Giáo Tranh Đấu

Đây là "Tập tài liệu và hình ảnh trong vụ Phật Giáo tranh đấu từ Tháng 5 tới Tháng 11 năm 1963"(*) của tác giả Quốc Oai do nhà xuất bản Tân Sanh số 12 Bùi Viện, Sài Gòn, điện thoại 22.641 phát hành chỉ ít tháng sau khi chế độ độc tài gia đình trị của Ô. Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Quốc Oai là bút hiệu lúc bấy giờ của nhà báo Thanh Thương Hoàng đã từng đảm nhiệm các chức vụ: Chủ Bút tờ Phim Kịch (1963), Tổng Thư Ký nhật báo Chính Luận (1964-1965), Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả (1965). Quốc Oai chính là tên người con trai thứ tư của ông vừa chào đời. Tác giả có nhắc lại cuốn sách này trong phần giới thiệu các tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ nơi tuyển tập truyện ngắn Cõi Đời Cõi Người (2011). Theo nhà văn Thanh Thương Hoàng thì lịch sử báo chí Miền Nam, từ trước tới giờ chưa có cuốn sách nào bán chạy đến như vậy. Sách vừa ra lò đã bán hết ngay 3000 cuốn, tái bản lần thứ nhất hết ngay 5000 cuốn và in lần thứ ba 10,000 cuốn cũng hết bay.

Là ký giả, ông có cơ hội thu thập các tài liệu, hình ảnh từ phía chính quyền, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, ký giả ngoại quốc, bản tin của các hãng thông tấn, các đoàn thể thanh niên, sinh viên và cá nhân tranh đấu thường gửi tài liệu tới báo chí để nhờ phổ biến. Đây là cuốn sách tổng hợp các tài liệu và hình ảnh xác thực, chứ không phải cuốn hồi ký phản ảnh chủ quan, thương ghét cá nhân.

Vào những ngày đầu của biến cố 30-4-75, tác giả tiên liệu những sách xuất bản ở Miền Nam thế nào cũng bị đem ra đốt hết cho nên nhân có bà chị từ Hà Nội vào thăm, tác giả đã gửi gấm cuốn sách này. Chính vì thế mà hơn 47 năm, tức gần nửa thế kỷ, cuốn sách vẫn sống sót và ngày hôm nay được nhắc tới như "Một Cuốn Sách Bị Bỏ Quên". Sau đó tác giả, theo quân-cán-chính, văn nghệ sĩ, đảng phái VNCH trình diện "học tập cải tạo" và bị giam giữ 10 năm. Phóng thích năm 1985, Thanh Thương Hoàng được Văn Bút Quốc Tế cũng như Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại gửi cho ít tiền để sinh sống. Nhưng chính vì thế mà ông bị Bộ Nội Vụ nghi ngờ ông là nhân vật quan trọng, nên không cho xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo chương trình tạm gọi là HO. Sau nhờ sự can thiệp của Ô. Robert L. Funseth cựu Phụ Tá Thứ Trưởng Hoa Kỳ – người cùng ký thỏa hiệp cho phép "Định Cư Tù Cải Tạo" với Thứ Trưởng Phạm Quang Cơ…mà năm 1999 ông được ra đi…như thế là rất trễ.

Ra tới hải ngoại, dù tuổi đã cao, năm nay đã hơn 80, Thanh Thương Hoàng vẫn theo đuổi nghiệp văn chương và viết rất khỏe. Ông đã cho ra đời tuần báo Đời ở San Jose. Nhưng vì thiếu quảng cáo nên báo phải đóng cửa vĩnh viễn. Riêng tại hải ngoại ông đã xuất bản các tác phẩm:

- Tập truyện Tiến Sĩ Lê Mai (1999)

- Người Mỹ Cô Đơn (tiểu thuyết Anh Ngữ năm 2000)

- Tập truyện Những Nỗi Đau Đời (2001)

- Tập Truyện Ông Tướng Tỵ Nạn (2005)

- Tập Truyện Dòng Suối (2009)

- Tuyển tập truyện ngắn Cõi Đời, Cõi Người (2011).

Là bạn viết văn, bạn vong niên, thấy tôi thỉnh thoảng có viết bài giới thiệu sách, tác giả hứa tặng một một bản sao của cuốn Phật Giáo Tranh Đấu. Có lẽ cũng phải mất gần hai năm, sau khi cho con về Hà Nội chụp lại…và ngày hôm nay cuốn sách đến tay tôi. Sách dày 245 trang bao gồm 8 Phần và Kết Luận.

Phần Thứ I: Tiêu Diệt Phật Giáo

Mở đầu phần này tác giả viết, "Một sự kiện hiển nhiên không ai có thể chối cãi được là tám mươi phần trăm dân chúng Việt Nam theo Phật Giáo. Từ lúc mới lập quốc, hơn bất cứ đạo giáo nào khác, Phật Giáo đã xuất hiện ở nước ta. Phật Giáo như một cây Bồ Đề to lớn, gốc rễ ăn sâu bám chặt và cành lá xum xuê trùm phủ kín mảnh đất Việt Nam. Dù giông to bão lớn, dù sấm sét dữ dội cũng không thể nào lật đổ cây Bồ Đề to lớn ấy được. Lịch sử và thời gian đã chứng minh Phật Giáo đóng góp một phần công lao rất lớn vào việc xây dựng đất nước, nòi giống. Biết bao vị chân tu từ xưa tới nay đã làm rạng danh đất nước. Dân chúng yêu kính và tôn sùng như những bậc Thánh." (*)

Bởi vì "Phật Giáo không ồn áo náo nhiệt, sôi nổi hời hợt bề mặt. Phật Giáo không phô trương thanh thế; không tổ chức thành một lực lượng để bảo vệ cũng như tranh đấu cho đạo. Phật Giáo không bao giờ chen lấn, áp đảo các đạo giáo khác, ngay như hồi Phật Giáo được nâng lên hàng Quốc Giáo ở các đời Lý, Đinh, v.v…(Lúc đó Khổng Giáo và Lão Giáo đã truyền sang nước ta từ lâu.) Phật Giáo lúc nào cũng chủ trương ôn hòa, bất bạo động theo đúng như giáo lý của Phật. Bởi những nguyên cớ ấy nên tới ngày nay mới có người coi thường, (hay quá sợ?) Phật Giáo và nhất định ra tay đàn áp, trừ diệt. Những kẻ đó chính là anh em nhà họ Ngô: những bạo chúa, hung thần của nước Việt Nam cuối Thế Kỷ Hai Mươi." (***) Để minh chứng, tác giả đã dùng "một số tài liệu chính xác về sự đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm từ năm 1959 tại các Tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên." (*)

1. Tỉnh Quảng Ngãi:  "Chính quyền đã bắt hai Phật tử Hà Thừa và Đỗ Trọng cho "học tập" dài hạn tại Trại Cải Huấn. Ngày 12/10/1961 lại bắt thêm hai Phật tử Dương Khanh và Nguyễn Hữu Khánh (nhân viên trong ban trị sự Phật Giáo) đem về Trại Cải Huấn "học tập" dài hạn. Ngày 12/12/1961 Hội Đồng Xã Sơn Trung Sơn Trung đã tổ chức một lớp học tập về Thuyết Duy Linh trong bốn ngày tại Thôn Hà Nhai. Sau khóa học tập chính quyền địa phương đã bắt buộc các Phật tử phải bỏ Phật Giáo và ký giấy theo Thiên Chúa Giáo. Ngày 19/10 năm Tân Sửu (1962) Phật tử Phạm Thơ 52 tuổi vô cớ bị bắt đưa vào Trại Cải Huấn giam hơn 3 tháng. Viên quản đốc trại cải huấn rỉ tai cho ông Thơ biết nếu chịu bỏ Phật Giáo và ký tên theo Thiên Chúa Giáo thì sẽ được thả ngay tức khắc. Vì gia đình đông con lại nghèo và nhất là đương ở trong hoàn cảnh tù đày bất đắc dĩ ký giấy theo Thiên Chúa Giáo. Quả như lời viên quản đốc nói, một giờ sau ông được thả ngay. Nhưng sau khi đã được về với gia đình, ông Thơ không chịu được sự cắn rứt của lương tâm nên đã nhất định trở về với Phật Giáo. Ngày 20/11/1961 tại Xã Sơn Mỹ, Quận Sơn Tịnh một số Phật tử là Nguyễn Ngạt, Ngô Phong, Đỗ Hoài, Nguyễn Đài, Võ Trung, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Ký đã bị hai ông Lưu Truyên và Lê Đạt là người Thiên Chúa Giáo, đại diện cho chính quyền địa phương lạm dụng chức vụ của mình bắt những người nói trên phải rửa tội và đe dọa nếu không chịu nghe theo sẽ bị bắt đi trại cải huấn ba tháng. Ngày 20/8/1961 Khuôn Hội Phật Giáo Kim Sa thuộc Xã Sơn Kim, một số đạo hữu là: Hà Ngu, Phạm Phẩm, Trần Đến, Nguyễn Thị Lễ, Nguyễn Chẩn, Nguyễn Nhung đã bị ông thôn trưởng Hà Sơn Mai và hai cán bộ truyền giáo Thiên Chúa Giáo đến tận từng nhà bắt ký giấy theo đạo Thiên Chúa. Họ ngang nhiên đưa ra điều kiện nếu chịu ký giấy gia nhập Thiên Chúa Giáo sẽ được sống yên ổn làm ăn, còn trái lời sẽ bị ghép vào thành phần tình nghi là cán bộ cộng sản và sẽ bị bắt về trại cải huấn giam giữ. Năm 1960 Thày Thích Minh Tịnh tục danh là Lê Hồng Vân tọa chủ Chùa Phước Long ở Thôn Lộ Bàn, Xã Phổ Bình, Quận Đức Phổ, vô cớ bị bắt giam tra tấn cực kỳ dã man và bị vu khống là cán bộ cộng sản. Sau một thời gian tra tấn tù đày, Thầy Thích Minh Tịnh được trở về chùa mang theo nhiều vết thương và bệnh tật trên mình. Nhưng được ít lâu Thày lại bị bắt và bi vu khống là xâm phạm thuần phong mỹ tục (với phụ nữ). Đứng trước sự vu khống trắng trợn này người phụ nữ bị tình nghi dan díu với Thày Thích Minh Tịnh đã hơn một lần làm đơn kêu oan cho Thày lên tòa án do đấy Thày mới được phóng thích. Nhân Ngày Thành Đạo (tức ngày 13-1-1962) Chi Công An Quận Đức Phổ lại bắt Thày Thích Minh Tịnh, tra tấn cực hình rồi hạ ngục với tội mà họ tự dựng đứng lên là Thày tiếp tế cho Việt cộng." (*)

2. Tỉnh Bình Định: "Ngày 15/13/1961 tại Vức Diêm Vân thuộc Khuôn Hội Phước Thuận, Quận Tuy Phước, các Phật tử là Nguyễn Giang, Trần Tích Trần Cang bị ghi vào danh sách di dân mặc dầu những người này thuộc hạng giàu có nhất trong vùng. Nguyên do chỉ vì họ đã bỏ tiền làm chùa và là Phật tử. Ngày 12/12/1961 tại Thôn Quảng Vân, Xã Phước Thuận, Quận Tuy Phước những đạo hữu là Trần Thích, Trần Cũng, Trần Chim, Lê Có là những người giàu có nhất vùng nhưng bị bắt đi di dân chỉ vì họ là những người theo đạo Phật. Ngày 21/11/1961 ông Nguyễn Đức Chỉnh mang thẻ căn cước số T300048. A001077 tại Thôn Lạc Điền, Xã Phước Thắng, Quận Tuy Phước, công an tới ntịch thu thẻ căn cước và bắt buộc phải di dân, chỉ vì ông là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Ngày 15 và 16/11/1961 công an Xã Phước Thắng, Quận Tuy Phước đã thu giấy kiểm tra các đạo hữu ở các Khuôn Lạc Điền: Gia đình đạo hữu Nguyễn Vi 4 thẻ, gia đình Trần Ân 2 thẻ, gia đình Nguyễn Văn Cương 2 thẻ, gia đình Bùi Xuân Bình 4 thẻ, gia đình Trần Cao Thăng 1 thẻ; tại Vức Hội, Phổ Đồng: Gia đình Võ Lý Bá 2 thẻ, Nguyễn Bong 5 thẻ, Lê Thị Ngưu 3 thẻ, Võ Thị Phiếm 1 thẻ; Vức Hội An Lợi: Gia đình Lê Tòng 4 thẻ, Trần Khánh Đinh 2 thẻ, Phạm Thẩm 2 thẻ. Tổng số đạo hữu bị thu thẻ căn cước là 33 người. Những người này đều bị bắt đi di dân vì họ là Phật tử."

3. Tỉnh Phú Yên: "Ngày 24/6 năm Tân Sử, tại Xã Xuân Phước, Quận Đồng Xuân, có một ông thày đến giảng đạo Thiên Chúa tên là Tùng. Đã cấu kết với tên Phan Khằn là trưởng ban quản trị Làng Phước Hòa, bắt hai đạo hữu Trần Thư và Mai Phước Hữu. Ông Khằn lại còn đe dọa nếu không chịu rửa tội thì đừng trách là không nói trước. Ông Võ Oanh pháp danh Tâm Tiếng, 41 tuổi, thẻ kiểm ra số 20A.0664 cấp ngày 30/10/1955 tại Tuy Hòa và vợ là Lê Thị Bàn pháp danh Tâm Kính cùng ở Làng Trường Thạnh, Xã Hòa Vinh đều bị bắt ra quận giam ngày 24/1/1962 và buộc phải theo Thiên Chúa Giáo mới được tha. Bà Lương Thị Phượng 30 tuổi, kiểm tra số 31B.0030 tại Thôn Phú Thạnh, Xã Hòa Quang, ủy viên Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên. Ngày 20/8/1961 có làm đơn nhờ Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên can thiệp về việc chồng bà là ông Đặng Dương Oai bị Đặng Sĩ, dân vệ Xã Hòa Quang bắt đi mất tích vào hồi 8 giờ sáng ngày 21/1/1961 mãi tới nay không thấy tin tức. Nguyên do chồng bà bị bắt chỉ vì là người có công với Phật Giáo tại địa phương này. Theo đơn thưa của Ban Trị Sự Khuôn Hội Phật Giáo Hòa Vinh ngày 27/11/1961 v/v chính quyền địa phương đã bắt cóc thủ tiêu các hội viên dưới đây: a) Lê Đức Ngưng b) Võ Cho c) Một số hội viên không ở trong ban quản trị khuôn hội cũng bị hội đồng xã bắt và buộc phải theo Thiên Chúa Giáo mới cho về d) Bà Hà Thị Đam 60 tuổi nạp đơn lên Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên xin can thiệp về việc chồng bà là Nguyễn Chuyển 60 tuổi bị hội đồng xã bắt đi đem chôn sống. Bà Nguyễn Thị Thiện làm đơn thưa về việc chồng bà là Đỗ Thìn bị bắt đi đem chôn sống. e) Ông Võ Xuân Chính cán bộ tư pháp Xã Xuân Phước, Quận Đồng Xuân hăm dọa và bắt giam Phật tử Lê Hồng Hải. Sau khi giam 17 ngày Chính buộc ông Hải phải theo Thiên Chúa Giáo mới toàn mạng sồng. g) Bà Hà Thị Voi, Xã Phước Hòa ngày 12/4/1961 cũng bị Võ Xuân Chính vu cho là Việt cộng và bắt ép phải theo Thiên Chúa Giáo mới toàn mạng sống. h) Ông Trần Kỷ 43 tuổi ở Làng Phú Xuân, Xã Xuân Phước bị Nguyễn Cù và Lê Ngọc Mai thuộc chính quyền địa phương bắt ép phải bỏ Phật Giáo để theo Thiên Chúa Giáo ngày 26/8/1961. i) Khuôn Hội Phật Giáo Xã Hòa Quang có những đạo hữu sau đây đã bị chính quyền địa phương thu thẻ kiểm tra và buộc theo Thiên Chúa Giáo: Trần Di thôn Mậu Lâm, Phan Đích thôn Thạnh Lâm, Ngô Thị Ràng và chồng ở Thạnh Lâm. k) Ông Đỗ Sửa bị Trần Văn Thiện và Lê Năng Đắc bắt tra tấn vu cho là Việt cộng, nếu theo Thiên Chúa Giáo sẽ được thả. l) Bà Nguyễn Thị Đôn và chồng Lê Trung Thành bị Trần Văn Thiện, Lê Năng Đắc, Dương Nhảy bắt giam và ép vào Thiên Chúa Giáo mới tha." Theo tác giả " Trên đây chỉ là hồ sơ đại cương của 21 vụ trong số 50 vụ của ba Tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên từ năm 1960-1961. Còn những năm về sau chưa kể tớiDân tộc Việt Nam quen nhẫn nhục chịu đựng, nhưng sức người có hạn mà sự hà hiếp, đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày một gia tăng quá mức, nên trước sự mất còn của Đạo, họ phải vùng lên công khai chống đối lại bạo lực, chống đối lại cường quyền. Việc phải đến đã đến!" (*)

Phần Thứ II: Cuộc Tranh Đấu Phát Khởi tại Huế

Vụ hạ cờ Phật Giáo trong đại lễ Phật Đản tại Huế được tác giả dẫn chứng bằng công điện đánh đi vào lúc 5 giờ ngày 6/5/1963 theo chỉ thị của Ngô Đình Diệm và "bản sao bức công điện đã được Tỉnh Trưởng ký tên chuyển tới Thượng Tọa Thích Trí Quang vào hồi 20 giờ 30 ngày 6/5/1963: Trân trọng yêu cầu qúy liệt vị giáo hội thông báo cho các cơ quan phụng tự và các tín đồ thi hành đúng chỉ thị trên đây của tổng thống." Sau đó Thượng Tọa Thích Trí Quang được ủy thảo bức điện văn: một gửi cho Hội Phật Giáo Thế Giới, một gửi cho Ngô Đình Diệm và một gửi cho các tập đoàn Phật Giáo Việt Nam. Điện văn gửi Ngô Đình Diệm viết như sau "Phật Giáo rất xúc động nhận được công điện 9195 không cho treo cờ Phật Giáo Thế Giới trong đại lễ Phật Đản quốc tế. Chúng tôi không tin rằng quyết định đó phát xuất từ Tổng Thống. Thỉnh cầu Tổng Thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện trên. Trân trọng." (*)

Cả ba điện văn nói trên đều do Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo VN ký tên. "Nhưng ba bức điện văn này đã bị chánh quyền địa phương can thiệp không cho đánh đi. Viên Tỉnh Trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng đã thân hành tới Chùa Từ Đàm mời Thượng Tọa Thích Trí Quang và hai thượng tọa nữa tới tư dinh Cố Vấn Miền Trung Ngô Đình Cẩn để hội kiến. Về phía chính quyền có Ngô Đình Cẩn, Bùi Văn Lương – Bộ Trưởng Nội Vụ, Nguyễn Văn Đẳng – Tỉnh Trưởng Thừa Thiên. Bùi Văn Lương chịu về Sài Gòn để gấp thỉnh cầu Ngô Đình Diệm thu hồi công điện số 9195, nếu không được khắp toàn quốc thì ít ra cũng phải ở Huế." (*)

Nhưng "Công việc chưa giải quyết xong thì ngay buổi chiều hôm đó 7/5/63 cảnh sát đi khắp Thành Phố Huế, tự tay triệt hạ cờ Phật Giáo và xé nát, lại còn công khai đánh đập chửi rủa, đe dọa bắt bỏ tù những tín đồ Phật Giáo có thái độ phản đối. Tất cả tượng Phật thờ trong nhà và đèn lồng treo ngoài cửa của các tư gia đều bị đập phá tan nát. Nhân dân khắp Thành Phố Huế sục sôi, căm phẫn. Họ ùn ùn kép tới Chùa Từ Đàm…Thượng Tọa Thích Trí Quang phải đứng ra dàn xếp mọi công việc. Thượng Tọa đề nghị ban tổ chức Lễ Phật Đản mời viên tỉnh trưởng Thừa Thiên hoặc đại diện tới Chùa Từ Đàm để giải quyết sự kiện trên nhưng chính quyền địa phương từ chối cuộc tiếp xúc này." (*)

Thượng Tọa Trí Quang phải cùng quý Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Huyền Tôn, Thượng Tọa Thích Mật Hiển, Thượng Tọa Thích Thanh Trí và mấy vị thượng tọa khác tới tỉnh đường để gặp viên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng. Trong khi đó khoảng 5000 Phật tử tụ tập trước tòa tỉnh để nghe ngóng, chờ đợi phản ứng của chính quyền. Viên tỉnh trưởng giải thích là cảnh sát đã quá "sốt sắng" chứ thực ra ông ta chỉ ra khẩu lệnh khuyên đồng bào triệt hạ đèn và cờ Phật Giáo, nếu họ không nghe thì thôi. Thượng Tọa Trí Quang yêu cầu cho xe Thông Tin loan báo trước 21 giờ là cờ Phật Giáo không bị triệt hạ để cử hành đại lễ. Viên tỉnh trưởng bằng lòng. Sáng hôm sau 8/5/1963 là ngày đại lễ. Các Phật tử tập trung tại Chùa Diệu Đế để rước tượng Phật lên Chùa Từ Đàm là nơi cử hành Lễ Phật Đản. "Như mọi năm, vào lúc 20 giờ Ngày Phật Đản, đài phát thanh Huế sẽ dành riêng để phát thanh về Phật Giáo và các Phật tử sẽ đứng quanh khu đất trống của đài để nghe. Nhưng năm nay, mọi người tụ họp lại chờ đợi mãi mà đài phát thanh không nói gì. Mọi người xôn xao bàn tán tỏ vẻ bất bình. Thượng Tọa Trí Quang tới đài can thiệp nhưng không có kết quả. Chính quyền địa phương lo ngại, sợ biến thành cuộc biểu tình phản đối nên phải cho xe cứu hỏa tới xịt nước giải tán, sau dùng lựu đạn cay và bắn đạn mã tử. Nhưng ngọn lửa vì Đạo đang dâng lên ngùn ngụt. Tiếng la ó phản đối át tiếng súng." (*)

Thượng Tọa Thích Trí Quang yêu cầu viên tỉnh trưởng cho ngưng xịt nước để Phật tử yên ổn ra về thì "Viên Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đặng Sĩ đã bất chấp quyền tỉnh trưởng, huy động xe tăng, thiết giáp ủi vào đám người vô tội, trong tay không có một thư khí giới nhỏ." (*)

Kết quả 08 em nhỏ đã bị giết hại. Quý vị có thể xem tấm hình thảm sát tại đài phát thanh Huế và hình gia đình nạn nhân đang cầu siêu tại chùa nơi trang 28 & 31.

Chuyện đáng lý ra có thể giải quyết êm đẹp nếu như Ngô Đình Diệm thật sự là tổng thống "anh minh". Nhưng "Máu người Phật tử đã đổ để tranh đấu cho ngọn cờ Phật Giáo được tung bay." (*) Và cuộc đấu tranh khốc liệt bắt đầu bằng: Bản Tuyên Ngôn của Tăng, Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Thích Tường Vân – Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ký tên và được gửi cho Ngô Đình Diệm và Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên – Trung Phần. "Sau  đó một phái đoàn Phật Giáo vào yết kiến Ngô Đình Diệm tại Dinh Gia Long nhưng kết quả cũng không đi tới đâu." (*) Trong tấm hình nơi trang 32 chúng ta thấy có TT. Ngô Đình Diệm, TT. Thích Tâm Châu, TT. Thích Thiện Hoa và một vị nữa đeo kính mát, không biết có phải là TT. Thích Thiện Minh hay không?

Rồi cuộc đấu tranh bắt đầu lan rộng vào Sài Gòn với sự kết hợp của nhiều tông phái Nam Tông cũng như Bắc Tông bằng sự ra đời của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo qua Bản Tuyên Ngôn ngày 25/5/63

"Đồng lòng:  Ủng hộ năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật Giáo Việt Nam. Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh đấu bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy." (*)

- Tại Sài Gòn các vị thượng tọa chuẩn bị lễ cầu siêu cho những Phật tử bỏ mình ở Huế vào ngày 15-5-1963.

- Đoàn Sinh Viên Phật Tử Huế ra tâm thư gửi đồng bào toàn quốc "Chúng tôi báo nguy cho đồng bào toàn quốc sự kỳ thị tôn giáo đã đến giai đoạn trầm trọng và nỗi lầm than của tín đồ Phật Giáo Việt Nam cũng đã dâng cao…" (*) "Thấy phong trào Phật Giáo tranh đấu lan rộng và nhanh quá, chính quyền Ngô Đình Diệm liền ra mặt thẳng tay đàn áp Phật Giáo. Chúng dùng đủ mánh khóe, thủ đoạn để dẹp phong trào Phật Giáo đang ồ ạt dâng lên. Nào tung người vào trong nội bộ Phật Giáo để chia rẽ, xúi giục những gia đình có con em tử nạn trong vụ đàn áp ở Huế rút tên ra khỏi danh sách Phật tử, nào cho mật vụ tới các chùa chiền canh chừng, dò xét, hăm dọa theo dõi và khủng bố Phật tử." (*)

Phần Thứ III: Ngọn Lửa Thích Quảng Đức

Trong giai đoạn này, Đoàn Sinh Viên Phật Tử Huế lại ra tâm thư gửi sinh viên học sinh toàn quốc kêu gọi đấu tranh cho "Lý tưởng tự do, bình đẳng."

Rồi vào ngày 31/5/1963 Đoàn Sinh Viên Phật Tử Huế trong đó có: Đại diện các trường Đại Học Y Khoa, Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Luật Khoa, Đại Học Khoa Học, Viện Hán Học, Trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng, Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Quốc Gia Âm Nhạc cùng ký tên gửi Tổng Thống và Chính Phủ VNCH kiến nghị 4 điểm trong đó "Yêu cầu Tổng Thống và Chính Phủ thực thi tính cách tự do dân chủ và bình đẳng thật sự là lý tưởng mà toàn thể thanh niên trí thức hằng thiết tha cầu đạt. Yêu cầu chính phủ tìm mọi biện pháp để đánh tan sự chia rẽ trầm trọng giữa dân tộc hiện tại do chính sách bất bình đẳng tôn giáo gây nên. Yêu cầu  chính phủ ra lệnh triệt để đình chỉ những mánh lới trẻ con thiếu trí thức của cán bộ đối với tín đồ Phật Giáo trong cuộc tranh đấu. Vì chính những mánh lới đó không lừa bịp được ai mà chỉ mất uy tín của cán bộ và của chính phủ." (*)

"Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn cố tình làm ngơ trước sự đòi hỏi nồng nhiệt và chính đáng của tăng, ni, Phật tử và thẳng tay đàn áp, khủng bố, bất chấp cả dư luận trong, ngoài nước." (*) Thế nên "Vào ngày 11/6/1963 Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự nguyện tự thiêu thân cúng dường Phật pháp, để làm động cơ thúc đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm phải giải quyết gấp rút 5 nguyện vọng của Phật Giáo và giải tỏa ba ngôi chùa ở Huế đang bị vây khốn." (*) Chúng ta có thể nhìn thấy tấm hình HT. Thích Quảng Đức đang đứng trang nghiêm trước sân Chùa Quan Thế Âm (trang 58), hình HT. Thích Quảng Đức ngồi kiết già giữa ngã tư Đường Lê Văn Duyệt & Phan Đình Phùng (trang 59), hình HT. Thích Quảng Đức ngồi uy nghi trong biển lửa (trang 60), hình ngài ngã xuống, thân thể cháy gần thành than nhưng tay vẫn giữ Ấn Tam Muội (trang 61) và hình ngài đang bình thản viết Lời Nguyền Tâm Huyết tại Chùa Ấn Quang gửi Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong đó lời lẽ thật cảm động "Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật Giáo Việt Nam ghi trong Bản Tuyên Ngôn. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn, bất diệt. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc." (*) 

Ngoài sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên của toàn thế giới. Riêng tác giả đã nhận định như sau về việc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức "Trước sự hy sinh bảo vệ Phật Pháp vô cùng cao cả, hào hùng của Bồ Tát Thích Quảng Đức, thiết tưởng khó có ngòi bút nào có thể viết nổi, cho dù viết cả ngàn trang vẫn không đủ lời để ca tụng cái đẹp thánh thần, ngàn năm có một đó." (*) Cảm nghĩ này giống như nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong bài thơ Lửa Từ Bi:

Lửa! Lửa cháy ngất toà sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống.

Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc

Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác.

Và chỉ nguyện được là rơm rác.

Sau đó nhục thân của Hòa Thượng được rước về quàn tại Chùa Xá Lợi. Hằng ngày không biết bao nhiêu đồng bào, Phật tử tới chiêm bái, phúng viếng. Vì "Ảnh hưởng của việc tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức vộ cùng rộng lớn nên chính quyền Ngô Đình Diệm hoang mang, bối rối, sợ sệt. Chúng tăng cường cả một lực lượng khổng lồ cảnh sát, công an, mật vụ bao vây quanh Chùa Xá Lợi. Một tuần lễ sau, ngày 16/6/1963 hằng trăm ngàn Phật tử từ các nơi kéo về để chờ đưa linh cữu Hòa Thượng Thích Quảng Đức lên An Dưỡng Địa…và cảnh sát, công an, cảnh sát chiến đấu, mật vụ đã vây chặt các ngả đường và đàn áp bằng lựu đạn cay, ma- trắc." (*) Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh chống trả của quần chúng Phật tử trên đường phố Sài Gòn, nơi các tấm hình ở các trang 65 & 66.

Phải đợi tới ngày hôm sau 17/6/1963 sau khi Bản Thông Cáo Chung được ký kết vào lúc 1:30 đêm ngày 16/6/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm mới cho phép làm lễ rước linh cữu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức tới An Dưỡng Địa. Những dãy nhà hai bên đường, khi đoàn xe tang đi qua, dân chúng lén bày bàn, thắp hương, làm lễ vô cùng trang trọng, kính cẩn. Dưới sức nóng ngót 4000 độ, dù thiêu hai lần mà trái tim của ngài vẫn còn nguyên. "Cả thế giới đều xúc động, bàng hoàng về ngọn lửa và Trái Tim Bồ Tát Thích Quảng Đức nhưng chỉ có anh em họ Ngô là dửng dưng không xúc động lại còn tỏ ra căn uất. Trong một thông điệp kêu gọi dân chúng, Ngô Đình Diệm đã trắng trợn phủ nhận sư hy sinh cao cả của Bồ Tát Thích Quảng Đức lại còn gán cho là "một vụ mưu sát". Còn Trần Lệ Xuân – vợ Ngô Đình Nhu thì gọi là một vụ nướng người. Thiết tưởng tôi chẳng cần ghi thêm lời lẽ của họ nữa e làm bẩn mắt, rác tai bạn đọc"

Phần Thứ IV: Giai Đoạn Tranh Đấu Quyết Liệt

Do ảnh hưởng của cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, chính quyền Ngô Đình Diệm miễn cưỡng phải làm bộ hòa hoãn và một cuộc họp kéo dài 3 ngày (14/6-16/6) tại Hội Trường Diên Hồng giữa Ủy Ban Liên Bộ do Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cầm đầu và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo bao gồm: TT. Thích Thiện Minh- Trưởng Phái Đoàn. Đoàn viên gồm: TT. Thích Tâm Châu, TT. Thích Thiện Hoa, TT. Thích Huyền Quang (Thư Ký) và Đại Đức Thích Đức Nghiệp (Phó Thư Ký) và Bản Thông Cáo Chung ra đời với chữ ký (Khán) của Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Thích Tịnh Khiết và Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong đó có những điểm chính như sau:

- Tách hiệp hội có tính các tôn giáo ra khỏi Dụ Số 10

- Chính phủ sẽ lập một Ban Điều Tra để xét lại các hồ sơ khiếu nại của Phật Giáo

- Tất cả những ai có liên quan đến cuộc vận động thực hiện 5 nguyện vọng của Tổng Hội Phật Giáo đề ra bất luận ở đâu sẽ được Tổng Thống đặc biệt khoan hồng. (Đoạn này phải hiểu là tất cả những ai bị bắt vì tranh đấu cho Phật Giáo phải được thả ra)

- Chính phủ sẽ xác nhận lệnh sửa sai đã ban ra cho các cán bộ để thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo của chính phủ (Đoạn này phải hiểu là chính phủ đã thấy sai trước đây và ban hành lệnh sửa sai (chuyện này có thật không?) nay ban hành lệnh mới để "xác nhận" mệnh lệnh đó, tự hậu cấm không được làm sai nữa.)

- Những cán bộ có trách nhiệm về các vụ xảy ra từ ngày 8/5/1963 (tức từ ngày nổ ra vụ triệt hạ cờ Phật Giáo) bất kỳ thuộc thành phần nào cũng sẽ bị nghiêm trị, nếu cuộc điều tra đang tiến hành chứng tỏ lỗi của họ.

- Các gia đình nạn nhân ở Huế đã được trợ giúp kịp thời và có thể được trợ giúp thêm tùy theo gia cảnh từng người.

"Sau khi Bản Thông Cáo Chung được công bố, người người đều tưởng tất cả mọi việc sẽ diễn ra êm đẹp. Nhưng không! Ngô Đình Diệm vốn ngoan cố, quỉ quyệt, phản trắc đã ngấm ngầm truyền lệnh cho bọn tay sai trong toàn quốc triệt hạ bằng được Phật Giáo." (*) Sau đây là những biến động xảy ra sau ngày ký kết Bản Thông Cáo Chung:

- Ngô Đình Diệm và Ngô Trọng Hiếu dàn dựng lên cái gọi là "Giáo Hội Cổ Sơn Môn" và đánh điện tín cho Trung Tâm Điểm Phật Giáo Thế Giới tại Tích Lan vu khống Phật Giáo Việt Nam lợi dụng danh nghĩa để hoạt động chính trị, nhưng bị Trung Tâm Điểm bác bỏ với lập luận như sau "Chúng tôi cũng biết rằng tại Việt Nam cũng có một Tổng Hội Phật Giáo và theo như chỗ chúng tôi biết Tổng Hội này có đủ uy tín để đại diện và thay lời cho Phật tử ở Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng Tổng Hội Phật Giáo này không bao giờ làm những điều gì, hoặc thái độ nào có thể gọi là phản Phật Giáo." (*) Tổng Thư Ký W.P. Daluwatte ký tên. (Toàn văn thư phúc đáp nơi trang 81)

- Ngày 18&19/6/1963, chỉ ba ngày sau ngày ký Thông Cáo Chung, Phòng Thông Tin Sông Cầu (Phú Yên) đã tổ chức tại các Xã Xuân Phương và Xuân Lộc hai cuộc mít-tinh, lập kiến nghị lên án nặng lời việc làm của Phật Giáo. Ở Xã Nhân Hòa, Quận An Nhơn, Tỉnh Bình Định dân chúng cũng bị bắt buộc phải làm kiến nghị như thế.

- Chùa Phật Giáo ở Quảng Trị hiện còn đang bị phong tỏa và sự lùng bắt các cán bộ Phật tử, thanh niên Phật tử mạnh mẽ hơn lúc nào hết.

- Sự đi lại của tăng ni giữa các tỉnh và thủ đô bị chặn lại, mời trở lui hay xe đò từ chối bán vé vì có lệnh cấm của nhà chức trách địa phương.

- Tăng ni, Phật tử lui tới các Chùa Xá Lợi, Ấn  Quang, Giác Minh bị mật vụ biên số xe theo dõi tới tận nhà hăm dọa.

- Cao Xuân Vỹ – Tổng Giám Đốc Nha Thanh Niên dự định tổ chức một cuộc biểu tình đại qui mô với lực lượng Thanh Niên – Thanh Nữ Cộng Hòa yêu cầu tổng thống duyệt lại Bản Thông Cáo Chung.

- Nhiều cấp quân-cán-chính đã được chỉ thị nhân nhượng trước khí thế tranh đấu của Phật Giáo và đợi lệnh phản công.

Tất cả những tin tức này nằm trong thư tố cáo" Kính đệ Tổng Thống VNCH" do Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết ký này 26/6/1963 mà đoạn cuối bày tỏ sự tôn kính uy quyền của vị nguyên thủ quốc gia như sau "Tôi trân trọng kính xin Tổng Thống cương quyết tỏ rõ quyền uy lãnh đạo quốc dân của Tổng Thống, gạt bỏ mọi điều xàm tấu nguy hại và nhất định cho thi hành thẳng thắn Bản Thông Cáo Chung để cho toàn dân hân hoan ca ngợi, và đồng thời để xóa nhòa những ấn tượng không hay của những ngày qua mà quyền lợi tối cao của quốc gia dân tộc bắt buộc phải để cho trôi theo giòng nước của dĩ vãng. Xin Tổng Thống nhận lòng kính mến của tôi và toàn thể Phật Giáo đồ trong nước." (*)

- Ngày 12/7/1963 TT. Thích Thiện Minh đại diện cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo gửi thư cho Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ tố cáo:

1) Những vị phạm có tính cách công khai Bản Thông Cáo Chung: Như công an bao vây Chùa Xá Lợi ngay trước cửa Dinh Phó Tổng Thống. Cảnh sát và công an Quận Tân Bình ồ ạt bao vây Chùa Quan Âm của Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Ở Bình Định suốt ba đêm 24,25&26 nhiều loạt đạn bắn vào Tu Viện Nguyên Thiều suýt gây tai nạn cho các vị sư ở trong ấy. Tại Tỉnh Hội Khánh Hòa, có bàn tay bí mật đập phá khuôn kính và lấy đi hình ảnh của Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức, đốt chiếc xe của ông Trần Quang Ba là chiếc xe thường cho chùa mượn xử dụng. Chùa Quan Âm Quận Quảng Long, Tỉnh An Xuyên (Cà Mau) bị khủng bố bằng tạc đạn khiến tăng ni phải tản cư đi nơi khác. Hai tập đoàn Phật Giáo Miền Trung đã than phiền với ông Đại Biểu Chính Phủ tại Huế rằng công chức và quân nhân Phật tử bị cấm cản đi chùa ở nhiều nơi. Những người bị bắt trong cuộc vận động của Phật Giáo chưa được thả hết còn nhà sư Đặng Văn Cát thì mất tích luôn, mặc dù Phó Tổng Thống nói rằng chính quyền không hề bắt nhà tu hành ấy. Còn Ni Cô Trang Thị Thắm căn cước số 733.126 bị mất tích bỗng nhiên xuất hiện sáng ngày 12/7/1963 tay chân bị trói bằng giây thép và bỏ nằm trước cửa Chùa Huê Lâm.

2) Những vi phạm có tính cách nguyên tắc quan trọng: Công điện MẬT từ Phủ Tổng Thống đánh đi chỉ thị cho các cấp quân-chính "Phải tạm thời nhún nhường trước khí thế đấu tranh quyết liệt của bọn tăng ni và Phật Giáo phản động và chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới theo kế hoạch sẽ gửi đến sau." (*) Các tài liệu chính huấn cho tổ chức Thanh Niên Cộng Hòa nhục mạ và vu khống Phật Giáo lại được đài phát thanh quốc gia đọc đi đọc lại nhiều lần. "Tại sao cơ quan thông tin của chính phủ lại cho công bố những tài liệu chống báng lập trường của chính phủ và chủ trương tốt đẹp của Tổng Thống trong việc ký kết Bản Thông Cáo Chung?" (*)

Nơi trang 95 tác giả đã nói về cái chết của Nhất Linh vào ngày 7/7/1963 và thuật lại đám tang của nhà văn nổi tiếng trong Tự Lực Văn Đoàn này. Đây đúng là "trái bom nổ" vào thời kỳ căng thẳng và "đã gây một mối xúc động lớn cho tất cả các giới trong nước và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc tranh đấu của Phật Giáo." (*)

Phần Thứ V: Tranh đấu thực thi Thông Cáo Chung

Do chính quyền Ngô Đình Diệm không thực thi những gì đã ký kết "Nhân dân trong nước nói chung, Phật tử nói riêng, sục sôi, căm hận đến tận cùng độ. Nhất là giới sinh viên học sinh ở Huế và Sài Gòn. Họ bỏ học để hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và phản đối hành động quỷ quyệt phản bội của cường quyền." (*)

- Ngày 16/7/1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra tâm thư gửi quý đại đức tăng ni và đồng bào Phật Giáo kêu gọi "Quý liệt vị hãy cùng chúng tôi thề hy sinh đến người cuối cùng cho nguyện vọng chân chính của chúng ta và tung hô Phật Giáo Việt Nam Bất Diệt" (*)

- Nơi trang 103 quý vị có thể thấy tấm hình TT. Thích Tâm Châu và các tăng ni đang đứng biểu tình hơn hai tiếng đồng hồ trước tư dinh Đại Sứ Mỹ Nolting (người hết lòng bênh vực Ngô Đình Diệm, sau bị triệu hồi)

- Nơi trang 105& 106 hình ảnh chư tăng ni tuyệt thực tại Chùa Xá Lợi và Chùa Ấn Quang và nơi trang 107 hình ảnh của cuộc biểu tình khổng lồ của đồng bào tại Đường Phan Thanh Giản, khu vực Chùa Giác Minh cùng với công an, cảnh sát, mật vụ và kẽm gai giăng đầy.

- Rồi hình ảnh Phật tử đi thăm quý thầy, quý cô tuyệt thực rồi biến thành cuộc biểu tình với những biểu ngữ đòi chính quyền thực thi Bản Thông Cáo Chung. (trang 108)

- Nơi trang 111 quý vị có thể thấy hình Đại Đức Thích Quảng Độ đương giải thích cuộc tranh đấu của Phật Giáo trong khi đó xe thông tin của chính quyền oang oang nói chõ vào để quấy nhiễu và lực lượng công an, cảnh sát, mật vụ áp tới "Gậy gộc, báng súng tới tấp quất xuống đầu, xuống lưng những kẻ vô tội. Tiếng la ó, phản đối, kêu thét phản đối vang lừng. Một số tăng ni chịu chung số phận như các Phật tử: bị bóp cổ, bẻ gẫy tay, đánh vỡ đầu, máu me chảy ròng ròng ướt đẫm cả bộ áo tu hành." (*)

- Cùng ngày 17/7/1963 vào lúc 8:15 sáng, một cuộc biểu tình khác xảy ra từ Chùa Xá Lợi tới Chợ Bến Thành được mệnh danh cuộc biểu tình "đại tốc hành" bao gồm 400 tăng ni. Khi tới Chợ Bến Thành biểu ngữ "Yêu Cầu Chính Phủ Thực Thi Bản Thông Cáo Chung" được căng lên thì công an, cảnh sát chiến đấu vây chặt và bắt phải hạ biểu ngữ và cờ Phật Giáo xuống. Nhưng "tăng ni sẵn sàng chịu chết chứ quyết không hạ cờ Phật Giáo và biểu ngữ." (*) (trang 115) và "cảnh sát chiến đấu như đàn cọp dữ ào ào sấn lại đấm đá, đánh đập túi bụi vào đầu, vào mình các tăng ni. Rồi cứ hai, ba tên túm một nhà sư quăng lên xe hơi trong khi các vị này cố níu lấy tay nhau chống đỡ. Cuộc giằng co, níu kéo giữa lũ sát nhân và các nhà tu diễn ra gay go" thì Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành Trần Văn Tư xuất hiện và thi hành độc kế. Y làm bộ thân thiện, bắt tay một vị đại diện tăng ni rồi nói "Tôi lấy danh dự cá nhân và tư cách đại diện chính phủ xin thề với ông rằng chúng tôi sẽ đưa các ông về Chùa Xá Lợi. Nhưng khi quý tăng ni lên xe rồi thì đoàn xe phóng thẳng ra tới Đường Lục Tỉnh rồi phóng vụt tới An Dưỡng Địa nằm giữa cánh đồng hoang vắng có sẵn công an, cảnh sát và hàng rào kẽm gai chờ đón." (*)

- Vào ngày 18/7/1963 Ngô Đình Diệm đọc một bản thông điệp mục đích làm dịu cuộc đấu tranh của Phật Giáo "Tôi mong đồng bào hãy ghi nhận ý chí hòa giải tột bực của chính phủ…" (*)

- Ngày 19/7/1963 TT. Thích Tâm Châu gửi văn thư kính đệ Tổng Thống VNCH trong đó yêu cầu chính phủ giải quyết 05 điểm:

1) Phóng thích tất cả tăng ni, thiện tín, sinh viên, học sinh, Gia Đình Phật Tử bị bắt bất luận ở đâu trong khắp nước.

2) Tất cả các tăng ni bị bắt nhốt tại An Dưỡng Địa cần phải được trả về Chùa Xá Lợi đầy đủ.

3) Xin chính phủ can thiệp để các báo đăng hoặc các gia đình có người bị bắt hay mất tích mà chưa thấy trở về từ đây tới Chủ Nhật 21/7/1963 kịp thời thông báo cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo biết để chuyển đến chính phủ.

4) Xin chính phủ công bố danh sách và truy tố những cán bộ có trách nhiệm trong vụ đổ máu tại Đài Phát Thanh Huế 8/5/1963.

5) Xin chính phủ bồi thường xứng đáng cho các nạn nhân đêm 8/5/1963 và cuộc đàn áp ngày 4/6/1963 tại Huế. Văn thư nói tiếp "Kính thưa Tổng Thống: Toàn thể tăng ni chúng tôi trong Ủy Ban Liên Phái thà chết chứ không chịu để cho lòng tin tưởng của chúng tôi nơi thành tín của chính phủ bị thực tế đánh đổ một lần nữa." (*)

Tại nơi trang 125 quý vị có thể thấy hình ảnh chư tăng ni rời An Dưỡng Địa sau khi Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành Trần Văn Tư và Bộ Trưởng Ngô Trọng Hiếu và phái đoàn báo chí trong và ngoài nước tới.

Những tin tức về cuộc tranh đấu của Phật Giáo trong những ngày qua đã được các Đài VOA, BBC, các hãng thông tấn AP và Stars And Stripes truyền đi và họ đã dùng những danh từ như "kỳ thị tôn giáo". Đài VOA trong buổi phát thanh lúc 12:30 ngày 18/7/1963 cho biết trong cuộc họp báo ngày Thứ Tư, một ký giả đã hỏi TT. Kennedy "Chúng tôi xin Tổng Thống cho biết những nỗi khó khăn hiện giờ giữa Phật Giáo đồ ở Việt Nam và chính phủ Việt Nam có làm trở ngại gì đến nhiều năm viện trợ của Mỹ trong công cuộc chiến đấu chống Việt cộng tại đó không?" (*) Và TT. Kennedy đã trả lời "Tôi hy vọng cuộc tranh chấp này sẽ được giải quyết ổn thỏa, vì lẽ chúng ta muốn thấy có một chính phủ vững vàng ở Việt Nam Cộng Hòa để tiến hành cuộc chiến đấu duy trì độc lập quốc gia của họ." (*)

- Ngày 27/7/1963 Sư Bà Diệu Không, thân mẫu nhà bác học Bửu Hội – đại sứ tại nhiều nước tại Châu Phi mở cuộc họp báo tại Chùa Xá Lợi tuyên bố sẽ noi gương Bồ Tát Thích Quảng Đức để cúng dường Phật pháp. Trong khi đó khoảng 100 người tự xưng là thương phế binh biểu tình dùng máy phóng thanh chĩa vào chùa phản đối và cho rằng Phật Giáo đã bị cộng sản lợi dụng. Một số "thương phế binh" còn nhẩy lên tường rào cao, đạp lên đầu mấy sư đang đứng phía trong, ném tung vào chùa nào là truyền đơn, hình vẽ chiến sĩ đóng khung…ung dung kéo đi diễn hành trên nhiều đường phố trước mắt cảnh sát và cảnh sát chiến đấu đang giữ trật tự cho họ trước chùa. Quý vị có thể thấy tấm hình chụp thương phế bình ngồi trên xe xích-lô biểu tình trên đường phố nơi trang 140.

- Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra tâm thư gửi anh em thương phế binh đã biểu tình trước Chùa Xá Lợi trong đó có những đọan như sau: (trang 142 & 143)

"Chúng tôi không lầm thì trong số anh em tàn tật vì đã hy sinh cho quốc gia, đã có trên 80% Phật tử."

"Chúng tôi chỉ phản đối những kẻ chủ trương dợi dụng chiêu bài chống cộng để bắt tội những người này, kẻ nọ là thân cộng, là không chống cộng để nhằm tiêu diệt họ dưới nhiều hình thức trong đó có Phật Giáo."

"Chúng tôi cực lực lên án âm mưu dùng xương máu toàn dân để xây dựng ngai vàng của một nhóm."

- Ngày 30/7/1963 hằng vạn đồng bào và tín đồ đã kéo tới Chùa Xá Lợi nhân lễ chung thất (49 ngày) của HT. Thích Quảng Đức. Cũng trong ngày hôm đó một bản Tuyên Ngôn do TT. Thích Tâm Châu ký tên đã ra đời trong đó có đoạn "Kiểm điểm lại cuộc vận động nói trên đến nay chỉ mới được giải quyết trên giấy tờ và bằng lời nói. Nhưng trên thực tế chưa có một thực thi cụ thể nào khả dĩ làm dịu nỗi đau khổ triền miên của toàn thể Phật Giáo đồ Việt Nam. Ngược lại những thực tế đau lòng ngày càng dồn dập làm cho Phật Giáo đồ mất hết tin tưởng. Dù vậy Phật Giáo đồ Việt Nam quyết định không lìa bỏ tinh thần thuần túy tôn giáo bằng cách áp dụng nghiêm chỉnh phương pháp bất bạo động để đưa phong trào tới mức thành công." (*)

- Ngày 12/8/1963 tại Chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An tự chặt cánh tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo với tấm hình nơi trang 149.

Phần Thứ VI: Sáu ngọn lửa bi hùng tiếp nối ngọn lửa Thích Quảng Đức

- Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu và để lại Trần Tình Thư gửi Hòa Thượng Hội Chủ và Quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo trong và ngoài nước, phát nguyện tự thiêu để "Phản đối tình trạng bắt bớ, khủng bố các tăng, ni, tín đồ Phật Giáo và để hòa nhịp với sự đau buồn của các Phật tử bị thiệt mạng và đang bị thương trong thời gian tranh đấu vì chính pháp." (*) Và bức thư gửi "Tía Má" (Bố Mẹ) ở Phan Thiết, trong đó có đoạn "Tuy thể xác đã vãng nhưng linh hồn con lúc nào cũng nhớ tới tía má. Đến đây con xin ngừng bút, đây là nét cuối cùng của con tiễn biệt tía má, con xin tía má nhận lòng thành kính của con." (*)

- Đại Đức Thích Thanh Tuệ  tự thiêu ở Huế ngày 13/8/1963

- Ni Cô Diệu Quang ba ngày sau tức ngày 15/8/1963 tự thiêu trước Chi Hội Phật Học Ninh Hòa.

- Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu 71 tuổi, tự thiêu tự thiêu tại Huế lúc 4 giờ sáng ngày 16/8/1963 trước sự hộ niệm của chư vị hòa thượng, đại đức, tăng ni và rất đông Phật tử.

- Ngày 5/10/1963 Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước bồn binh Chợ Bến Thành. Khi ngọn lửa bùng lên được mấy phút thì xe cứu hỏa chạy tới xịt nước và đem nhục thân của đại đức đi. Hiện nay chưa ai biết thi hài của đại đức chôn ở đâu.

- Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trên vỉa hè đối diện với Nhà Thờ Đức Bà (Sài Gòn) vào lúc 10 giờ sáng ngày 27/10/1963 để lại ba bức thư gửi Hòa Thượng Hội Chủ, Ngô Đình Diệm và Ô. U Thant- Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.

Phần Thứ VII: Giai đoạn chót cuộc đàn áp Phật Giáo

- Ngày 18/8/1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tổ chức lễ cầu siêu cho những vị tử đạo tại Chùa Xá Lợi. Khoảng mười vạn người, đủ mọi thành phần đã tham dự buổi lễ này. "Có người cả quyết rằng trong giờ phút này chỉ cần một lời hô của các vị thượng tọa là đám người sẽ bùng bùng kéo tới thẳng Dinh Gia Long đạp bình địa ngay tất cả. Nhưng nhờ sự điều khiển khéo léo, tài ba của của các vị thượng tọa, đại đức nên buổi lễ không xảy ra điều gì đáng tiếc…nên tới 6 giờ chiều, tất cả bằng lòng giải tán."(*)

- Vì Chùa Xá Lợi là nơi tập trung các nhân vật đầu não của Phật Giáo như: HT Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, TT. Thích Tâm Châu, TT. Thích Thiện Minh, TT. Thích  Trí Quang, TT. Thích Thiện Hoa cùng các Đại Đức Thích Đức Nghiệp, Thích Quảng Độ, Thích Giác Đức, Thích Hộ Giác cùng Sư Bà Diệu Không cho nên "anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu quyết định cho lực lương đặc biệt tấn công chùa để bắt chư hòa thượng, tăng ni đem đi." Cuộc tấn công hung hãn khởi đầu vào lúc 0:30 khuya ngày 20/8/1963. "Trong lúc một số tăng ni tìm cách thoát cuộc bao vây của cường quyền vượt bức tường bên hông chùa để sang khu vực USOM nhưng bọn cảnh sát đã hay kịp. Những loạt đạn tuôn ra. Vài thây người ngã gục trong đêm tối. Tuy vậy cũng có hai vị thoát được sang địa phận USOM xin tỵ nạn." (*) Cả Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết cũng bị xô ngã mang vết thương nơi mắt. Cuộc tấn công chấm dứt lúc 2:15 sáng. Năm chiếc xe cam-nhông hốt tăng ni về nhà giam.

- Sáng 21/8/1963 Ngô Đình Diệm ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Nhưng cuộc tấn công vào Chùa Xá Lợi như đổ thêm dầu vào lửa – một tính toán hoàn toàn sai lầm của anh em Ngô Đình  Diệm.

- Sáng ngày 22/8/1963 sinh viên các trường Đại Học Y Khoa, Cao Đẳng Kỹ Thuật, nổi dậy hưởng ứng cuộc đấu tranh của Phật Giáo. Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu cạo trọc đầu, từ chức để hưởng ứng cuộc đấu tranh.

- Sáng ngày 23/8/1963 sinh viên, học sinh khắp nơi kéo tới Đại Học Luật Khoa để bầu ủy ban tranh đấu.

- Cùng ngày vào lúc 10 giờ sáng sinh viên học sinh tổ chức cuộc biểu tình tai bùng binh Chợ Bến Thành và nữ sinh Quách Thị Trang 15 tuổi đã bị bắn chết và 10 người khác bị thương.

- Cũng trong thời điểm này học sinh các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản bỏ học, không chịu vào lớp biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại nơi trang 198 chúng ta thấy hình học sinh Chu Văn An biểu tình tại sân trường, cầm cờ Phật Giáo và dùng khăn bịt miệng để phòng ngừa hơi cay. Hình nữ sinh Trưng Vương biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo. Tại nơi trang 188 chúng ta thấy tấm hình học sinh Chu Văn An vẽ phấn trên bảng "Ngô Đình Nhu là con quỷ cái. Nhu Diệm độc tài." (*), hình cảnh sát chiến đấu leo lên tường để gỡ những biểu ngữ đả đảo chính quyền Ngô Đình Diệm của học sinh.

- Ngày 24/8/1963 Ủy Ban Chỉ Đạo Sinh Viên Học Sinh ra mắt tại Đại Học Luật Khoa trước mấy ngàn sinh viên. "Điều đáng nói là trong buổi này có cả sự hiện diện của GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Vũ Quốc Thúc và GS. Nguyễn Văn Bông và được hoan nghênh nồng nhiệt." (*)

- Mỗi ngày hàng ngàn sinh viên học sinh bị bắt đưa đi giam tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

- Ở Huế hằng ngàn sinh viên học sinh đã kéo tới ở ngay trong Chùa Từ Đàm để hợp sức với chư tăng ni.

- Ngày 19/9/1963 Liên Hiệp Quốc quyết định ghi vào chương trình nghị sự vấn đề chính phủ Ngô Đình Diệm vi phạm nhân quyền.

- Hồi 0:30 ngày 24/10/1963 phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam để điều tra, Đại Sứ Raman Pazhwak đại diện A Phú Hãn (Afghanistan) làm trưởng đoàn. Phái đoàn đã tiếp xúc với Ô. Nguyễn Ngọc Thơ, Ngô Đình Nhu và viếng thăm Chùa Xá Lợi, Chùa Giác Lâm và tiếp xúc riêng với từng vị thượng tọa, đại đức. Trong dịp này Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết đã gửi mật thư cho đại sứ trưởng phái đoàn Liên Hiệp Quốc trong đó có những đoạn như sau:

a) Ngày lễ Chúa giáng sinh, tất cả các công sở phải treo đèn kết hoa; hơn thế nữa trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, một trong những hang đá nguy nga đồ sộ được dựng lên bởi toàn lực của cơ quan quân đội cũng như dân chính mà phần lớn là những Phật tử, đài phát thanh trong ba ngày liên tiếp dùng để truyền thanh các buổi thánh lễ và những bài thánh ca, Tổng Thống đọc thông điệp hiệu triệu tất cả quốc dân hướng về ngày đó.

b) Nhà thờ được xây cất tự do bởi sự khuyến khích của viện trợ của chính phủ nhưng Phật Giáo muốn xây chùa chiền phải được phép của chính phủ và điều này rất khó khăn.

c) Trong quân đội có nghành Tuyên Úy Thiên Chúa Giáo trong khi đó 70% binh sĩ Phật tử không có Tuyên Úy Phật Giáo.

"Mục đích của chính phủ hiện tại là muốn biến Miền Nam Việt Nam thành một nước Thiên Chúa Giáo, nên đã thành lập một tổ chức mênh danh là Công Giáo Tiến Hành hoạt động rất mạnh trên toàn lãnh thổ với nhiều kế hoạch rất tinh vi nhắm tiêu diệt Phật Giáo mà tôi xin đơn cử một vài điển hình dưới đây" (*)

a) Đến từng gia đình Phật tử nghèo túng khuyên rửa tội theo Thiên Chúa Giáo bằng cách giúp cho một số tiền, gạo hoặc tìm cho việc làm.

b) Mở các khu dinh điền và khu trù mật gồm toàn những người theo Thiên Chúa Giáo rồi khuyến dụ Phật Giáo đến lập nghiệp và theo đạo, nếu ai không đi sẽ bị đe dọa đủ điều.

c) Lập các Ấp Chiến Lược ở miền quê, bắt dân chúng phải dỡ nhà, tập trung vào một chỗ, tất cả các chùa chiền cũng phải dỡ đi, nhưng khi vào Ấp Chiến Lược chỉ được cất nhà mà không được phép tái lập chùa, trong khi đó thì trong Ấp Chiến Lược được tự do xây cất nhà cửa. Nếu các chùa không chịu dời vào ấp thì nhà sư trụ trì đó bị nghi là lừng khừng.

- Ngày 23/8/1963 Luật Sư Trần Văn Chương (thân phụ Trần Lệ Xuân) – Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ đánh điện từ chức vì chính phủ đàn áp và nhục mạ Phật Giáo.

- Ngày 19/9/1963 Giáo Sư Nguyễn Thanh Thái, một Việt kiều ở Pháp "đã hành động một cách phi thường" (*) bằng cách thản nhiên lấy một con dao găm tự rạch ngực cho máu chảy rồi lấy một cái chén nhỏ bằng bạc, hứng máu viết thư gửi Ô. U Thant – Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tố cáo những tội ác của chính phủ Ngô Đình Diệm. Viết xong ông giơ cao lên cho mọi người nhìn và nói lớn: "Đây là máu của nhân dân quật khởi chống một chính phủ vi phạm nhân quyền." (*)

Phần Thứ VIII: Dư luận thế giới

Bao gồm các báo chí khắp nơi như tờ Straits Times Mã Lai, Tờ Nanyang Siang Pan viết bằng Hoa Ngữ tại Singapore và Miến Điện.

Tại Cao Miên Thủ Tướng Căm Bốt đã bày tỏ thiện cảm với Phật Giáo Việt Nam. Thái Lan các báo chí tại Vọng Các đều đều đăng tải các tin tức liên quan đến những biến cố ở Huế. Trung Hoa Quốc Gia, rồi Lời Hiệu Triệu của Ô. Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thế Giới tại Ngưỡng Quang, Miến Điện, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Lao, Đại Hàn, Indonesia, Hongkong.

Tại Hoa Kỳ, báo News and World Report viết như sau "Người Mỹ ở Sài Gòn cho biết cuộc sinh sự với các nhà lãnh đạo Phật Giáo của Ô. Diệm là một lỗi lầm tệ hại nhất từ xưa tới nay…khiến cho vai trò của Hoa Kỳ tại Miền Nam Việt Nam lâm vào tình trạng khốn quẫn." (*)

Rồi tới các báo chí ở Thụy Sĩ, Anh Quốc, Úc Đại Lợi, Pháp. Riêng tờ Neak Cheat Niyum ra ngày 30/6/1963 trong bài xã luận nhan đề "Bước Đường Cùng Của Sự Dối Gạt" đã viết " Ông Ngô Đình Diệm với những anh em ông ta và người em dâu bất khả xa lìa, đã dùng hai tuần lễ cuối cùng để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu tới, những người cuồng tín nhất trong bọn đã nhận được vũ khí và tất cả phải tức khắc ra tay trước khi Phật Giáo đồ thực hiện chủ trương tạo một Thánh Barthelemy như của Gia Tô Giáo. Nói riêng thì tập đoàn này không thể vì cớ gì lùi bước được nữa vì chúng tôi lượm được những tin này tại các trung tâm Gia Tô Giáo người Âu ở Nam Việt Nam." (*)

Tại Bruxelles (Bỉ) Linh Mục Pire- người đoạt giải Nobel về hòa bình, gửi Ô. U Thant – Tổng Thư Ký một bức thư yêu cầu ông gấp rút mở cuộc điều tra tại chỗ để làm sáng tỏ vấn đề.

Tờ Washington Post viết "Phật Giáo đồ khắp Á Châu sẽ có cảm tưởng rằng dù sao Hoa Kỳ cũng dung túng sự kỳ thị tôn giáo. Đó là một cảm nghĩ sai lầm, nhưng trót là bạn của một chế độ độc tài, áp bức nên Hoa Kỳ dù sao cũng bị ảnh hưởng." (*)

Tờ New York Times số ra ngày 19/6/1963 viết "Tình hình ở Sài Gòn đã đến giai đoạn giống hệt như những ngày cuối cùng của Ô. Lý Thừa Vãn tại Hán Thành." (*)

Tờ Sunday Examiner của Thiên Chúa Giáo xuất bản ở Hongkong viết "Mong rằng những người tuy khác đạo giáo nhưng phải tôn trọng giá trị về tôn thờ đạo giáo của họ, và đó là tinh thần bình đẳng tự do con người." (*)

Nữu Ước UPI "Trong khi chính phủ đang cần sự tin tưởng của dân chúng hơn bao giờ hết thì chính phủ lại đang mất sự ủng hộ của tín đồ Phật Giáo chiếm ba phần tư tổng số dân chúng tại Miền Nam Việt Nam." (*)

UPI Hoa Thịnh Đốn ngày 19/7/1963 đưa tin "Hôm Thứ Năm, Thượng Nghị Sĩ Wayne L. Morse nói rằng ông sẽ không đồng ý cho một đô-la nào nữa để ủng hộ cho một chế độ độc ác tàn bạo của TT. Ngô Đình Diệm tại Miền Nam Việt Nam." (*)

Tờ Christian Science Monitor trong bài " Sự Đau Khổ Tại Miền Nam Việt Nam" đã viết "Chế độ gia đình trị của TT. Ngô Đình Diệm đang tự đào hố chôn mình." (*)

Phần Kết Luận:

Không dông dài, trong phần kết luận, tác giả đã kết thúc ngắn gọn như sau:

"Cuộc tranh đấu thần thánh của Phật Giáo Việt Nam đã góp một phần không nhỏ vào cuộc Cách Mạng ngày 1/11/1963 của Quân Đội VNCH lật đổ cường quyền họ Ngô. Phật Giáo đã tô đậm nét vàng son hào hùng vào lịch sử dân tộc.

Phật Giáo đã nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc trước cường quyền. Việc bảy tăng ni châm lửa tự thiêu để tranh đấu cho sự sồng còn của Phật Giáo Việt Nam đã khiến cho cả thế giới cúi đầu kính phục sự hy sinh cao cả, sự can đảm phi thường của người Việt nói chung và Phật Giáo nói riêng.

Ánh sáng của đạo Từ Bi đã khuất phục được cường quyền, đó là bài học vô cùng quý báu để loài người từ nay về sau lấy đó làm gương.

Cuộc tranh đấu của Phật Giáo từ ngày 8/5/1963 tới ngày 1/11/1963 đã mở kỷ nguyên mới cho Phật Giáo Việt Nam: Kỷ nguyên của tranh đấu bất bạo động mà chiến thắng được cường quyền." (*)

http://daovanbinh.cattien.us/?p=582

(California Tháng 8, 2011)

Cước chú:

(***) Ngô Đình Diệm được liêt kê trong cuốn History's 100 Most Evil Despots & Dictators (100 Bạo Chúa và Các Nhà Độc Tài Gian Ác Nhất Trong Lịch Sử) của Nigel Cawthorne do Barnes & Noble xb năm 2006. Nigel đã luận tội Ngô Đình Diệm nơi trang 167 "He sought to prove anti-Communist credentials by brutal repression" ("Ông ta  tạo thành tích chống Cộng bằng đàn áp dã man.") Và nơi trang 168 "Meanwhile he ruthlessly repressed political dissenters and religious factions, and installed member of his familiy in important jobs" ("Trong khi đó ông ta đàn áp không nương tay các nhà đối lập chính trị và tôn giáo đồng thời đưa gia đình nắm giữ những chức vụ quan trọng.")

(*) Những chữ in nghiêng là phần trích dẫn.

Quý vị muốn có bản chụp của cuốn sách  xin liên lạc với tác giả theo địa chỉ:

Thanh Thương Hoàng PO. Box 51625 San Jose, CA 95151-9998. Điều kiện thế nào, tùy tác giả.

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers