Việt Nam Đi Về Đâu?
hỒ tẤn vinh
Đây là câu hỏi mà ai có suy tư về đất nước đều có khi tự hỏi mình.
Đây là nói chuyện tương lai.
Có những sự kiện ta có thể dựa vào mà tiên đoán không sai.
Có những cái ta không thể nào biết trước được.
Chủ nghĩa CS là sai lầm. Đây không phải là vấn đề ý thức hệ trừu tượng hay triết lý mông lung gì cả. Đây chỉ là vấn đề thiết thực của chén cơm mà thôi. Chủ nghĩa CS cản trở phát triển kinh tế, vì vậy chế độ CS ở Việt Nam sẽ phải bị thay thế. Đó là điều chắc chắn.
Trong quá trình thành lập chế độ CS ở Việt Nam, Việt Cộng đã giết quá nhiều nhà ái quốc và thường dân vô tội. Không thể nào những cái chết đó không ray rứt từng giờ từng phút lương tâm của người CS. Mặc dầu thân xác đã trở thành cát bụi, nhưng những hạt bụi tức tưởi đó đã dính vào bàn tay mà kẻ phạm tội nếu không có lòng thành khẩn không dễ dàng phủi đi. Người CS phải ăn năn và xin tội với nhân dân. Không ai có khả năng chỉa súng vào đầu người CS để bắt họ làm chuyện đó. Nhưng để có một chỗ đứng 'làm người' trong Chánh Sử thì đó là chuyện bắt buộc họ sẽ phải làm.
Sám hối dưới hình thức nào và khi nào thì chưa thể biết được.
Lúc đầu thế kỷ, vì chưa va chạm vào thực tế, chủ nghĩa CS có thể tự gạt mình và gạt luôn thiên hạ, nhưng bây giờ thì cả thế giới ai cũng biết chủ nghĩa CS là sai. Cho nên dầu bề ngoài còn làm bộ nói cứng nhưng ngay chính người CS cũng biết mình là dõm. Vấn đề là họ có phải ôm cái sai lầm đến hết cuộc đời mình hay công khai hóa lúc còn sống.
Sám hối chỉ là cây thước đo chính họ. Coi ngày nay người CS có còn đủ can đãm đối diện với sự thật không?
Nếu họ làm được bây giờ thì ngay bây giờ họ cũng có thể hưởng được cái cảm giác kỳ diệu mà Đức Phật gọi là 'cái đáng phục nhứt của đời người' và một hai thế hệ sau, con cháu của họ khi nhắc đến họ đều có thể ngưỡng mộ.
Chẳng những vậy, chỉ khi nào có những dấu hiệu rõ rệt 'lãng tử hồi đầu' thì họ mới nhận được sự trợ giúp to lớn về trí lực và tài lực của người Việt hải ngoại. Thật ra, trước đây, vào những năm thập niên 80, người Việt hải ngoại có gián tiếp cứu sống CSVN qua số tiền gởi về giúp thân nhân. Nhưng đó chưa phải là sự trợ giúp tự nguyện, nhiệt tình và toàn lực. Một trợ giúp có ý thức ái quốc. Trợ giúp này to lớn đến mức nào, có thể chính người Việt hải ngoại cũng không ý thức hết tầm vóc tiềm lực của mình. Nhưng không có cái trợ lực này, chánh quyền Việt Nam đi đến đâu – dầu là đi thương lượng thương mại hay đi giao tiếp ngoại giao – vẫn mãi bị lép vế. Chỉ vì một lý do giản dị là quá khứ quá nặng nề nó đè cái đầu không thể ngẩng lên được. Chuyện thương lượng biên giới và hải phận với Trung Quốc là một bằng cớ.
Nếu họ chọn con đường dễ dàng cho mình và đùn cái gánh nặng đó cho những người CS hậu bối thì khi đó chính những con cháu của họ khi nhắc đến họ chỉ có thể tiếc nuối mà thôi.
Năm 1975, Việt Cộng có thể tự hào là đã đuổi người ngoại quốc ra khỏi và giành độc lập cho đất nước.
Nhưng ở các nước Bắc Phi thuộc địa của Pháp, Ben Bella đã giành được độc lập cho Algérie năm 1962, Vua Hassan II giành được độc lập cho Maroc năm 1956, Habib Bourghiba giành độc lập cho Tunisie năm 1956. Ba người này, không có ai là cộng sản cả. Nếu ở VN, CS không có xía vô thì người quốc gia đã giành hoàn toàn độc lập cho xứ sở từ lâu rồi và không phải tốn quá nhiều xương máu như đã phải chịu. Cho nên lấy cái 'giành được độc lập' mà hãnh diện là thấy như vậy mà không phải như vậy.
Hằng năm, vào ngày 30 tháng 4, CSVN thường tổ chức diễn hành trước Dinh Độc Lập. Nhưng ngày đó không phải là ngày toàn dân ăn mừng. Ngày đó, nhân dân miền Nam lo tìm đủ mọi cách để vượt biên không có ăn mừng. Ngày đó, Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát bị phỏng tay trên, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hối hận vô cùng, những người CS nằm vùng vỡ mộng, mấy người này không có ăn mừng. Ngày đó, nhân dân miền Bắc chờ đợi miền Nam thắng trận để họ được giải phóng luôn không có ăn mừng. Ngày đó thật sự chỉ có hai triệu đảng viên CS, quân đội và công an ăn mừng. Ngày đó giống như ngày ăn cướp đánh được một nhà giàu rồi lấy rượu thịt trong nhà ra nhậu với nhau. Từ năm 1945, cái ngày mà toàn dân mơ ước để ăn mừng nhiệt liệt chưa có đến.
Sở dĩ chế độ CS ở VN được thành lập và cho tới giờ này còn tồn tại là vì mặc dầu chống cộng là một chánh nghĩa, nhưng chánh nghĩa đó đã bị bọn cơ hội lạm dụng.
Trước năm 1975, không cần bàn đến những chủ trương, đường lối xa xôi gì cả, chỉ nội cái cá nhân tham lam, hành xử kiêu căng, cái tâm địa tàn ác, triệt tiêu các người khác chánh kiến của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, cái mua quan bán tước công khai, kết bè kết đảng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ là đủ bôi lọ chánh nghĩa quốc gia rồi. Họ là những người lãnh đạo cuộc tranh đấu, hằng triệu triệu người nhìn vào các cử động của họ. Họ là cái gương. Mà cái gương đã chiếu ra quá nhiều tư dục và dã tâm thì cái chánh nghĩa họ kêu gọi, ai mà tin. Không phải quần chúng vong ân bỏ rơi lãnh tụ. Chính lãnh tụ đã tự mình phản bội trọng nhiệm của một lãnh tụ.
Sau năm 1975, việc chống cộng phải bị tách ra một ngã khác. Vì không còn hệ thống chánh quyền quốc gia nữa, nên không còn mối lợi thầu độc quyền nữa, chuyện chống cộng thành những trận võ tự do nho nhỏ.
Các ông Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch đều là những người dũng cảm. Nhưng kế hoạch dùng vũ lực của họ từ nước ngoài về đã phải thất bại. Mỗi người trong chúng ta đều có thể lý giải những cái thất bại đó khác nhau, nhưng chúng ta đều có thể thấy và đồng thuận là dùng vũ lực từ nước ngoài về là thất bại.
Nếu dùng võ không được thì dùng văn xem sao. Ông Trần Văn Lắm, cựu Chủ tịch Thượng Nghị Viện VNCH lúc sinh tiền cho rằng Việt Cộng vi phạm Hiệp Định Paris nên phải đem Việt Cộng ra Tòa Án Quốc tế. Còn GS Nguyễn Ngọc Huy thì để hết tâm tư và thời gian cho đến chết để thành lập Ủy Ban Quốc Tế Yễm Trợ VN Tự Do.
Thử lấy cái Ủy Ban này ra phân tách. Không dễ gì mời được một chánh khách tên tuổi vào Ủy Ban. Chắc chắn phải qua một sự giới thiệu hay dàn xếp sao đó, rồi phải hẹn hò, trình bày, thuyết phục thì mới mời người ta đuợc. Một hay hai năm sau cùng, mặc dầu bịnh ung thư đã phát rồi, Giáo Sư còn ráng qua Úc. Trong chuyến đi này, Giáo Sư đã được Thủ Lãnh John Howard của Đảng Tự Do lúc bấy giờ là Đảng Đối Lập tiếp kiến. Nhưng khi Giáo Sư mời John Howard vào Ủy Ban Quốc Tế Yễm Trợ Việt Nam Tự Do thì John Howard từ chối. Tới giờ chót, Ủy Ban cũng mời được một số người ở Âu, Mỹ, Úc, Gia Nã Đại.
Trong trường hợp mà GS Nguyễn Ngọc Huy không mất sớm và có thì giờ đi đây đi đó thì tối đa là Giáo Sư đi đến được một trăm nước và mời được một trăm ông Thủ Tướng, thì cái Ủy Ban đó là cái gì? Dạ thưa đó là Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bây giờ nếu Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhóm và biểu quyết rằng Việt Cộng là phiến loạn phải trao quyền lại cho người quốc gia thì sao?
Ngoại trừ có những bí ẩn động trời, chớ cái ý nghĩ rằng Việt Cộng sẽ run sợ một phán quyết của một Tòa Án Quốc Tế nào đó hay một cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng, rồi quỳ gối xuống dâng chánh quyền lên – là một ý nghĩ thật tình khó hiểu. Rồi ai dám về Hà Nội nhận cái bàn giao đó?
Ta phải chia công cuộc chống cộng ra thành hai chủ trương. Một chủ trương lật đổ chế độ CS và một chủ trương lên án CS.
CS Việt Nam là ngụy, nhưng họ đang có quyền lực. Lính CS biết bắn súng. Muốn lật đổ họ thì đối thủ cũng phải có một lực lượng. Lực lượng này có thể là một ngoại lực hay nội lực. Kẻ nào chọn dùng ngoại lực thì dầu có thành khẩn tới đâu rồi cũng có nguy cơ bán nước nhiều hơn là cơ may cứu nước. Tuy nhiên, ta chưa đến giai đoạn đó. Từ ba mươi sáu năm nay ta chỉ mới đi lòng vòng để không đi đến đâu.
Năm xưa, hồi thời chống Pháp, Việt Nam có hai đảng phái lừng danh. Đó là Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng. Lúc khởi thủy, hai đảng này dùng hoàn toàn nội lực, và người Việt lớn hay nhỏ gì khi nghe nhắc đến hai đảng này đều tỏ ra vô cùng khâm phục. Sau năm 1975, khi ra ngoại quốc, đáng lý họ phải biết lợi dụng cái không khí tự do và an toàn để mà hội họp, bàn thảo và khuếch trương đảng, tăng cường nội lực nhưng các đảng quốc gia này đột nhiên có sáng kiến lạ lùng: họ tự chặt tay chơn của mình. Việc này cũng không cần giấu giếm. Từ việc lạnh lùng làm ngơ, bỏ rơi các đảng viên còn kẹt lại trong nước hay ở các trại tỵ nạn đến việc phân hóa chống đối nội bộ cho đến tàn lụi. Đây là một sự cố hết sức bất ngờ. Mà nội lực xưa nay vẫn là nền tảng tổ chức của một đảng ái quốc. Bây giờ thì – ai cũng có một chút bảo bối để cho là mình chánh thống – nhưng không ai có nội lực cả. Chẳng lẽ một đảng phái chỉ cần có một ban hội tề là đủ?
Chỉ có chủ trương dùng nội lực là đúng mà thôi. Mà nội lực là sự chung góp tài lực, trí lực, nhân lực của người Việt quốc gia tới giờ này không thực hiện được. Ngay chỗ này cũng cần minh bạch. Không phải ai cũng vô trách nhiệm hết. Chủ tiệm phở muốn đóng góp, chủ tiệm may muốn đóng góp, nghĩa là quần chúng rất nhiệt thành. Nhưng ai là người hiệu triệu? Ai dẫn đường?
Đâu phải khó khăn gì, chỉ cần nhìn vào những biểu hiện lúc sinh hoạt là có thể biết ngay! Các người tự cho mình là lãnh tụ quốc gia, các 'Sĩ phu hữu trách', các 'Đại thần' khi xưa chỉ cần giao thiệp với nhau hòa nhã, thân thiện, làm quyết định thật dân chủ, hợp tác với nhau thật chân thành để cho người dân – trong nước cũng như hải ngoại – nhìn vào một hình ảnh đẹp để mà so sánh. Cái mà họ cần làm – không phải là lên trời hái sao – mà làm sao tạo cho người dân lầm than trong nước cái cảm giác 'cũng là người Việt như nhau, nếu bọn CS bằng phân nửa người Việt hải ngoại thì đỡ khổ biết mấy!' Làm sao cho trong tối tăm những người cùng đường còn nuôi được một hy vọng.
Chán chường và khinh bỉ là những cảm xúc của con người tuyệt vọng. Cầu xin đừng tạo cho người dân Việt phải chịu những cảm giác này một lượt đến hai lần: 'nếu đuổi được đám CS này đi mà để đám hải ngoại kia về thì cũng như không!'
Ở Âu châu, ở Á châu, ở Mỹ châu, ở Phi châu, chỗ nào chữ 'Tự do' cũng viết bằng máu. Tự do không ai cho không, cũng không có ai đi tranh đấu giúp, phải tự mình đổ máu mới giành được. Trong lúc nội lực không có, lại cũng không chăm lo gầy dựng nội lực, mà hễ mở miệng ra là hô hào lật đổ chế độ CS ở Việt Nam thì quả thật là thê thảm, nó vừa khôi hài vừa tàn nhẫn.
Còn một khía cạnh thứ hai của công cuộc chống cộng là chủ trương lên án CS. Sự tự mình biết giới hạn là một hành động rất thiết thực và khôn khéo. Theo đường lối hành động này, từ ba mươi sáu năm nay người Việt đã tỏ ra vô cùng xuất sắc. Ở trong nước, các tôn giáo bằng hình thức này hay hình thức khác liên tục tố cáo các sai trái của chánh quyền CS. Ở ngoại quốc, các lãnh tụ CS khi đi công du đến đâu cũng gặp người Việt tập hợp phản đối. Những ngày lễ quan trọng như Tết Nguyên Đán, những kỷ niệm hãi hùng như ngày 30 tháng Tư đều được cộng đồng nguời Việt Tự Do nhiệt tình tổ chức.
Thật là cảm động khi thấy các thanh niên mặc quân phục VNCH đứng trong nắng chang chang của Thành phố Richmond ca hát giúp đồng bào hưởng Tết tha hương. Thật là cảm động khi thấy các thiếu nữ trong áo dài tha thướt mời đồng bào mua dĩa nhạc của Phạm Quang Ngọc. Vô cùng hùng tráng là đoàn người từ các Tiểu bang tập hợp tại Canberra tưởng nhớ ngày Quốc nhục.
Uy vũ khuất phục không được, tiền bạc mua chuộc không được, ngạo nghễ với thời gian vẫn là các văn nhân, nghệ sĩ Việt nam khắp năm châu.
Nhưng những hành động bất bạo động này không thể lật đổ bạo quyền. Nó chỉ có giá trị tinh thần là nhắc nhở cho mọi người - nhứt là người CS - rằng chế độ CS là sai lầm, hại dân hại nước. Chế độ đó cần phải thay đổi.
Áp bức, bóc lột, bất công luôn luôn là lý do khiến người ta giương cờ Đại Nghĩa. Việt Nam ngày nay cũng lại cai trị bằng 'Ba Bê' mà tự xưng là làm cách mạng là sao? Quốc gia chia rẽ. Giai cấp lãnh đạo áp bức giai cấp bị trị. Việc người bóc lột người không còn bị coi là vô luân đáng hỗ thẹn mà nó lại được nhìn nhận là 'tự nhiên trong giai đoạn quá độ'. Nhân tâm ly tán. Người có chánh quyền trong tay có thể lợi dụng được ưu thế đó để kiếm 'đồng tiền dễ dàng' mà sống phè phởn và người dân là công dân hạng hai phải giả đui, giả điếc để sống qua ngày. Đó là cách tốt nhứt để thi hành một câu ân cần mà cán bộ CS thường khuyên nhủ 'đừng có chỉ trích Đảng, ngoài ra thì muốn làm cái gì cũng được'.
Ai cũng muốn thay đổi tình trạng tự do phân nửa đó. Bất mãn thì có nhiều, nhưng những bất mãn này còn trong trình trạng rời rạc, chỉ là những hạt cát. Còn thiếu chất xi măng.
Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu?
Có hai trường hợp có thể xảy ra.
Trường hợp thứ nhứt là khi sự lạm dụng chánh quyển đến mức quá độ và đường lối phát triển sai lầm đưa đến nền kinh tế suy sụp khiến người dân chịu không nổi hai gọng kềm này nữa thì bắt buộc phải xảy ra 'cùng tất biến'.
Cụ thể mà nói, khi nào có đất để bán hay cho mướn, hay khi nào còn mượn tiền của ngoại quốc được hay khi nào còn ký được những hợp đồng béo bở, thì đời sống vẫn còn thoải mái. Nhưng mãnh đất chỉ bán được một lần thì thôi. Đất cho ngoại quốc mướn làm đồn điền hay hãng xưởng thì cũng phải giao kèo gần một trăm năm. Còn tiền nợ ngoại quốc đến lúc trả tiền lời không nỗi nữa thì người ta đâu có cho mượn tiếp. Còn hợp đồng thì đâu có hoài để ký . . .
Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ đến VN giống như một người bịnh ngặt nghèo đang nằm trên xe cứu thương mà lại bị thêm tai nạn lưu thông nữa . . .
Thiên hạ không còn có tiền nhiều để mua hàng nhập cảng nói chung thì hàng hóa xuất khẩu của VN cũng sẽ giảm. Hàng gia công như giày dép, áo quần cũng sẽ giảm, ngay cả chuyện đau lòng và nhục nhã nhất như nhân công xuất khẩu cũng sẽ giảm. Các kế hoạch xây cất khách sạn mới sẽ ngưng. Khách du lịch ngoại quốc sẽ giảm. Ngay cả tiền ăn nhậu của các cán bộ tham nhũng, của dân làm áp phe đã giúp các quán, các bar sống nhộn nhịp trước đây cũng sẽ giảm. . .
Những nhân công trước đây dù đồng lương ít ỏi nhưng vẫn có thể tự nuôi mình và có chút tiền nuôi gia đình. Bây giờ nếu họ bị thất nghiệp thì họ không còn đất đai ở nhà quê để mà trở về trồng trọt. Chén cơm bắt đầu phải chia hai rồi chia bốn. Chẳng bao lâu nữa, 80 triệu người Việt Nam sẽ bị kẹt cứng. Lúc đó chất xi măng sẽ xuất hiện.
Cái ngày bi đát đó sớm muộn gì rồi cũng phải đến vì bốn nguyên do khách quan. Dân số gia tăng. Tài nguyên giảm. Cạnh tranh quốc tế sẽ khốc liệt hơn và cuối cùng là cái bất tài lãnh đạo. Cái ngày bi đát đó cũng tự nó có mâu thuẩn. Cái ngày đó không thể một sớm một chiều mà đến liền được. Nếu vô casino đánh bài thì một đêm có thể thua một tỷ đô, nhưng nếu muốn phá nát cả nước VN thì phải cần nhiều năm lắm.
Trong lãnh vực kinh tế, hễ tỷ lệ phát triển ba năm liền mà âm thì là khủng hoảng kinh tế. Nhưng có khi không cần có khủng hoảng kinh tế mới có đại loạn. Nếu trong nước mà đời sống quá chênh lệch, một số ít quá giàu và phung phí tiền bạc ngang tàng và số đông quá nghèo, cơm không đủ ăn, nếu số người ở tù quá đông chỉ vì có ý kiến khác với chánh quyền, thì đó là những dấu hiệu chắc chắn của bất ổn xã hội sắp xảy ra.
Trong một nước, luôn luôn có một lực lượng xây dựng và một lực lượng phá hoại. Hễ xây dựng nhiều mà phá hoại ít thì có tiến bộ. Ngược lại xây dựng ít mà phá hoại nhiều thì nước sẽ đi thụt lùi. Hể cứ thụt lùi hoài thì sẽ đến ngày tàn lụi. Ai ai cũng mong mỏi ngày tàn lụi của CS đến càng sớm càng hay nhưng có nhiều lý do khiến ngày đó vẫn còn xa xôi. Nhưng ngày đó sẽ đến khi nước VN kiệt quệ. Ngày mong mỏi đó cũng là ngày đáng sợ nhứt. Cứ để theo tự nhiên, ngày đó sẽ đến như một chiếc xe tuột dốc mà không có thắng.
Thế giới ngày nay có quá nhiều thiên tai. Ngay cả những nuớc giàu có cũng khó khăn lắm mới cứu trợ thiên tai trong nước của mình. Cho nên việc cứu trợ quốc tế sẽ dần dần chỉ có tính cách tượng trưng.
Nếu lúc đó lại có thêm thiên tai thì nước VN sẽ vô cùng tàn nhẫn. Chính quyền sẽ không có khả năng cứu trợ sẽ xẩy ra tình trạng ai chết mặc ai.
Trường hợp thứ hai là có người CS thức thời muốn tránh cái nguy cơ trên thì phải hành động trước. Trói buộc người dân vào chủ nghĩa CS là người CS thì cởi trói cho người dân khỏi chủ nghĩa CS cũng phải là người CS. Đảng CSVN phải theo cái gương của Liên Sô.
Đứng chung với người CS phản động, tôi tin rằng vẫn có những đảng viên thành tâm và sáng suốt. Và những người này cũng biết đau lòng vì tình trạng đất nước. Chắc chắn rồi đây, trong số những người này, sẽ có người đủ hùng tâm, dũng khí để làm những chuyện phải làm. Đây là một chọn lựa rất khó khăn vì muốn đi con đường gian nan này thì phải bắt đầu bằng sự tự nguyện hy sinh những lợi lộc nhứt thời. Nhưng đây cũng là con đường vinh quang. Kết hợp trăm họ về một mối, đoàn tụ anh em, tạo dựng hạnh phúc cho mọi người xưa nay vẫn là hành động của những Đại Nhân.
Đế quốc Liên Xô tháo gỡ được thành công là nhờ Thế Giới Tự Do khuyến khích về tinh thần và giúp đỡ về vật chất.
Nguời Việt Tự Do thật sự yêu nước cũng phải giúp đỡ CSVN trong tiến trình này.
Thời gian nghiêng về đâu?
Đối với người Việt Tự do ở hải ngoại, nếu họ ở khoảng tuổi 60-80, bao nhiêu phấn đấu, cực khổ để định cư đã qua. Bây giờ cuộc đời của họ đã ổn định rồi. Chén cơm, manh áo không còn phải lo nữa. An hưởng tuổi già chung quanh con cháu là hữu phước rồi, còn mong muốn gì hơn?
Nếu họ ở tuổi 30-50 thì hầu như đa số đã trải qua ít nhứt một lớp huấn luyện sinh ngữ để hòa nhập vào xã hội mới, một số đã được huấn luyện nghề nghiệp chuyên môn để tự lập, một số đã tốt nghiệp Đại học. Một số đã là tỷ phú rồi. Một số không ít đã nổi danh. Tất cả đều có công ăn việc làm. Tương lai rực rỡ mở rộng cho họ. Không ai có ảo vọng về VN tranh giành chức tước.
Đối với người Việt Tự do dầu ở lứa tuổi nào, nước VN có bị CS giày vò như thế nào và cho đến chừng nào, không có làm thiệt hại gì đến đời sống của họ hết. VN đã trở thành một dĩ vãng, một dĩ vãng có cả đau buồn và luyến tiếc. Nhưng chắc không còn ai dám đổ máu vì cái dĩ vãng xa xôi đó nữa. Thời gian giúp con người chấp nhận thực tế. Mặc dầu tình nước vẫn vấn vương, nhưng vấn đề VN không phải là vấn đề sinh tử đối với người Việt hải ngoại.
Trong bối cảnh đời sống thành đạt và phồn vinh của người Việt hải ngoại, thử lấy vấn đề nhân dụng ra bàn. Chắc chắn lương của một giám đốc ngân hàng ở các nước tiền tiến là phải hơn nhiều lương của một giám đốc ngân hàng ở VN. Tự nguyện bỏ đồng lương lớn để lấy đồng lương nhỏ chỉ có thể xảy ra nếu có một động cơ ái quốc mãnh liệt. Nhưng lòng ái quốc này không còn bồng bột như xưa, lúc thanh niên lên đường ca hát vang trời 'Mùa thu rồi, ngày hai mươi ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. . . Rền khắp trời, lời hoan hô . . .'
Vì cái kinh nghiệm của lịch sử, vì kiến thức có mở rộng hơn, vì cái dấn thân vào chỗ mơ hồ là quá phiêu lưu, nên cái đắn đo là tất nhiên.
Vì vậy khoan vội coi vấn đề trọng dụng nhân tài là đơn giản. Người có tự trọng không thể nào đi phục vụ cho một chế độ độc tài. Người có tài ba không thể đành lòng phí phạm thời giờ của mình với một chánh sách sai. Cho nên không hẳn phải dẹp bỏ liền đảng CS, nhưng vấn đề chia quyền phải được thẳng thắn đặt ra.
Nghe nói đến chia quyền là người ta thường, bĩu môi, khinh bỉ, vì nghĩ đến việc chia chác quyền lợi. Nhưng chia quyền trong chánh trị là một kỹ thuật tổ chức của những người thành tâm và viễn kiến tự bày ra để bảo đảm dân chủ, chẳng hạn chia quyền ra bốn cơ quan độc lập: hành pháp, lập pháp, tư pháp, ngôn luận để các cơ quan này kềm chế lẫn nhau, thì mới tránh được sự lạm dụng quyền hành. Chia quyền là tinh túy của tư tưởng chánh trị cổ kim.
Vì vậy, xin khoan vội hiểu 'chia quyền' là mời vài người Việt ở hải ngoại tham chánh là đủ. Chia quyền đây phải là bước đầu tiên để trả quyền chánh trị lại cho nhân dân, mà đại bộ phận của nhân dân là người trong nước. Và chia quyền lại không có nghĩa mời vài người ngoài đảng vào nội các trong nhiệm vụ thừa hành lệnh của đảng CS. Chia quyền phải thật sự là chấp nhận người ngoài đảng CS có quyền thảo luận và quyết định chánh sách của cả nước.
Thời phong kiến, các Vua anh minh không tự mình độc đoán trị dân mà lại tìm kiếm nhân tài. Người được giao trọng nhiệm được tự do sáng kiến, tận hết khả năng để làm việc. Và có khi để thật hữu hiệu, và để tỏ rõ quyết tâm, Vua còn ban cho quyền 'tiền trảm hậu tấu'. Ngày nay, nếu đảng CS vẫn cứ bo bo giữ độc quyền cai trị và kiểm soát tất cả mọi sinh hoạt của người dân thì làm gì có nhân tài hưởng ứng?
Chỉ khi nào VN có thay đổi và nếu đất nước thật sự cần đến, thì nguời Việt hải ngoại chắc chắn không từ chối hợp tác. Không chỉ hợp tác về nhân sự mà là một sự hợp tác toàn diện, nó bao gồm cả kinh tế, tài chánh, thương mại, văn hoá. . . Hợp tác là đã hy sinh rồi. Ngoại trừ một số người cơ hội muốn thừa nước đục thả câu, còn phải chờ đến chừng nào thì chờ, chớ người có khả năng đâu có nôn nóng. Thời gian không có thúc người Việt hải ngoại được.
Năm xưa trong lúc tranh quyền, người CS có giết các nhà ái quốc đó là tội phản nghịch. Sau năm 1975, trong suốt hơn ba mươi sáu năm, chủ nghĩa CS không đem đến hạnh phúc cho nhân dân. Còn tiếp tục tôn thờ một chủ nghĩa đã sai là tội bất tài tập thể. Sau đó, biết rất rõ có cách để khai thông bế tắc mà không chân thành với chính mình, không đủ can đãm yêu nước, đây là tội tư kỷ. Cả hai tội này gom lại là một tội mới, tội cột chân nhân dân không cho tiến lên. Đừng tưởng thời gian sẽ xóa tội này được. Thời gian càng kéo dài, đất nước càng trì trệ, nhân dân càng đau khổ, thì cái tội này càng lớn.
Không cần phải là Trạng Trình cũng có thể biết chắc chắn là sau này Việt Nam sẽ là một nước thịnh vượng. Tài nguyên dồi dào. Người dân làm việc cần cù, trí óc thông minh và sống có đạo lý. Đó là các điều kiện cần thiết – nhưng chưa phải là đủ. Còn phải có nhân hòa nữa. Cho nên cái thịnh vượng này không chỉ đo bằng số lượng xe hơi, TV, tủ lạnh mà người dân mua được, mà nó còn phải biểu lộ ra bằng nếp sống hài hòa và cái tự do tự quyết của nguời dân.
Gia hòa vạn sự hưng. Cũng không cần phải là Trạng Trình cũng có thể biết rằng sự thịnh vượng này chỉ có thể đạt được nếu tất cả người dân có cơ hội đóng góp. Sự thịnh vượng này đến sớm hơn nếu có người Việt hải ngoại tiếp sức.
Tấm lòng yêu nước của mỗi người liên hệ có cao hay thấp không tùy thuộc vào sự kiên trì chỉ trích đối phương mà tùy thuộc hoàn toàn vào cái thành tâm và cái can đảm của mỗi người tự nhận lỗi của chính mình.
Tình tự dân tộc bấy lâu nay là nói nhảm, chừng đó mới thật sự bắt đầu.
hỒ tẤn vinh
Khởi viết ngày 13 tháng hai 2009
Bây giờ là tháng 10 năm 2011
mọi sự việc vẫn còn như vậy
Melbourne
No comments:
Post a Comment