Nguyễn Đạt Thịnh
Sự thật là trị giá lớn nhất trong mọi liên hệ của nhân loại; tương quan giữa hai cá nhân, hay hai quốc gia, nếu không đặt trên căn bản sự thật, thì quả không có khởi điểm để bắt đầu.
Một ông chủ doanh nghiệp loan báo cho nhân viên biết doanh nghiệp thua lỗ, phải đóng cửa; tin ông nói ra dĩ nhiên là một tin không vui, nhưng vẫn chuyên chở sự thật giúp công nhân làm việc với ông biết tình trạng thất nghiệp của mình để tự mưu cầu một lối thoát cho họ.
Nhưng nếu ông nói thêm là một tháng sau, doanh nghiệp sẽ có cơ tái hoạt động nhờ một khoản tài trợ của chính phủ, mà tin này lại không thật thì ông đã lừa dối những người tin tưởng ông. Ông phạm vào tội không thật, cái tội mà phó đề đốc Hoàng cơ Minh đã phạm.
Mười năm, 15 năm trước, hay lâu hơn nữa, tôi viết bài chỉ trích mặt trận kháng chiến phục quốc của ông Minh, chỉ trích một việc làm không thật, một xảo thuật hào nhoáng, vẽ ra để thỏa mãn thèm khát phục quốc của người Việt hải ngoại, hầu gom góp và bỏ túi tiền họ ủng hộ một nỗ lực kháng chiến mà họ mong thành hình.
Tôi không nhớ, mà cũng không muốn nhớ lại trang sử tuy ngắn ngủi, nhưng vô cùng nhục nhã và tai hại trong cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt hải ngoại.
Một số những bài báo đó đăng trên tờ Việt Nam Hải Ngoại của anh Đinh Thạch Bích, một số khác đăng trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong, và sau này trên tờ Sài Gòn Nhỏ, do cô Hoàng Dược Thảo làm chủ bút.
Đa số những "tội" mà tôi lôi ra để chỉ trích ông Phó Đề Đốc Minh là tội "không thật", Mặt Trận Kháng Chiến bịa đặt ra để lừa gạt, quyên tiền của đồng bào hải ngoại.
Một thí dụ: Mặt Trận loan tin tấn công và chiếm đóng quận lỵ Thiện Ngôn nguyên một đêm, mở kho gạo của Việt Cộng phát cho đồng bào trong quận, rồi sáng hôm sau rút trở vào rừng già Tây Ninh.
Tôi đùa bỡn thách ông Minh tìm ra quận Thiện Ngôn trên bản đồ Việt Nam, vì thật tế chỉ có đồn Địa Phương Quân Thiện Ngôn, nằm trên tỉnh lộ 22 (?) từ Tây Ninh ra biên giới Miên. Chiến công chiêm bao chiếm "quận Thiện Ngôn" mua được một tiếng cười chua chát của độc giả.
Một thí dụ khác về những chiến khu, những đơn vị kháng chiến tưởng tượng chỉ được "vẽ" trên giấy, nhưng chiến khu nào, đơn vị nào cũng mang danh số tổng cộng thành 9 nút. Có lẽ từ ngày còn mang lon, đội mão, ông Đề Đốc nhà mình cũng thích "cờ bịch" (tiếng riêng của anh Văn Quang).
Chiến khu "quốc nội" là chỗ dưỡng quân của các đơn vị sau một thời gian tung hoành hoạt động, tấn công địch; có lần, theo tin đặc biệt của Mặt Trận, một đơn vị kháng chiến bị địch đánh tan, một số chiến sĩ HCM (đừng lầm là Hồ Chí Minh) lạc đơn vị.
Trong số này một chiến sĩ có sáng kiến nằm giữa đường để đơn vị di chuyển qua, "khám phá" ra anh; sáng kiến còn "cao siêu" thêm một bậc nữa là, để khỏi mất súng, anh đem khẩu súng dấu sau lưng, nằm đè lên để địch không biết súng anh dấu đâu.
Câu chuyện nhiều tính hài hước được chủ tịch HCM trịnh trọng kể lại trên một sân khấu Quận Cam, trong dịp đồng bào hải ngoại linh đình đón ông từ chiến khi quốc nội trở về. Ông ca ngợi anh chiến sĩ Mặt Trận chấp nhận đau lưng, vì bị súng cấn vào lưng, nhưng cương quyết bảo vệ vũ khí, không đổi thế nằm.
Tôi viết bài, hỏi đùa ông là trong giả thuyết một đơn vị địch di chuyển đến gần, thì anh chiến sĩ Khiến Chán của ông có đổi thế nằm không, hay sẽ tác xạ giết địch trong thế bắn nằm ngửa?
Thí dụ thứ ba: nhà văn Hải Bằng điện thoại hỏi tôi, "anh coi hình 'vá cờ' chưa? Bà xã em ngồi làm mẫu cho anh Nguyễn Ngọc Hạnh chụp đó." Tôi chưng hửng vì Mặt Trận đang bán hình chị Hải Bằng với lời giải thích chị là góa phụ của một chiến sĩ bị địch bắn tử thương trong nỗ lực cuối cùng, trèo lên cột cờ để đem quốc kỳ xuống, ấp ủ dấu kín trước phút mất nước."
Cũng như những câu chuyện bịa đặt khác, tôi vừa kể ở đoạn trên, ban lãnh đạo tối cao của Mặt Trận tỏ ra thiếu tưởng tượng; trong những bài viết chỉ trích những lường gạt đó, tôi nêu lên đặc tính thiếu tưởng tượng của họ.
Tôi hỏi họ, "nếu họ phát gạo lấy từ kho "quận" Thiện Ngôn cho cư dân trong quận và bị một cư dân từ chối không muốn khiêng bao gạo về nhà, vì anh không muốn, ngày hôm sau, khi Việt Cộng trở lại 'quận', bắt anh khiêng bao gạo trả trở về kho của chúng, thì Mặt Trận sẽ trả lời như thế nào với anh nông dân này."
Trường hợp anh chiến sĩ đương cự với địch trong thế bắn nằm ... ngửa, tôi hỏi đề đốc Minh, bề nào câu chuyện cũng chỉ là giả tưởng, sao đề đốc không bảo anh chiến sĩ Kháng Chiến, dấu khẩu súng vào bìa rừng, rồi tay không, anh ra giữa đường nằm -nằm ngửa, nằm xấp, hay nằm nghiêng cũng được- chờ được đơn vị dắt trở về chiến khu.
Tôi kể lại những chuyện này để xin anh Ngô Kỷ, và cô Hoàng Dược Thảo nhẹ tay với nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, vì phiên tòa dư luận không thể không xét đến "nghi vấn" bà Thanh Thủy bị Việt Tân lừa. Là tổ chức thối thân của Mặt Trận, Việt Tân bây giờ phải có nhiều thủ đoạn lừa gạt tinh vi hơn Mặt Trận ngày xưa nhiều lắm.
Nếu ngày xưa, vài trăm ngàn đồng bào hải ngoại đã bị những câu chuyện nỡm "thế bắn nằm ngửa" và "kho gạo quận Thiện Ngôn" lừa bạc triệu để tài trợ một hệ thống hàng phở, thì trường hợp bà Thanh Thủy bị lừa càng khả tín hơn: ở trong nước, tin tức bị bưng bít, bà không thể nào biết nghi vấn Việt Tân là cánh tay nối dài của Vẹm.
Dù bà Thanh Thủy có lầm lẫn vì "theo" Việt Tân, thì sự lầm lẫn của bà cũng vẫn nhẹ hơn sự lầm lẫn của hàng triệu người Việt hải ngoại, cho đến giờ này vẫn chấp nhận sự hiện diện của Việt Tân, tổ chức thối thân Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.
Chán ghét Việt Tân đến mức không thèm ngó ngàng gì đến nó, để mặc nó nói dối, lừa gạt vô tội vạ, chính chúng ta đã đồng lõa với tội "không thật".
Việt Tân là một sản phẩm quốc ngoại, như một số sản phẩm nằm vùng khác, Việt Cộng đã gài được vào sinh hoạt của chúng ta. Dung dưỡng nó, chúng ta có lỗi nhiều hơn bà Thanh Thủy, một nạn nhân của nó./.
No comments:
Post a Comment