10 April 2009

Dự án bauxite Tây Nguyên –một giả thuyết

Một trong những đề tài hiện được các giới trong cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước bàn bạc nhiều là quyết đinh khai thác bauxite Tây Nguyên của chính quyền ở Việt Nam. Quyết định này gặp một làn sóng chống đối chưa từng có dưới chế độ cộng sản, hơn cả sự chống đối những vụ án chính trị, và cuộc đàn áp người Công giáo tại Thái Hà (Hà Nội) cầu nguyện đòi Công Lý. Sự phản kháng không phải chỉ đến từ đối lập dân chủ, mà ngay từ những người bình thường không có thái độ chính trị, thậm chí có nhiều người còn gắn bó với nhà nước. Vô tình, một đồng thuận dân tộc đã thể hiện được trong việc phản kháng kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Đồng thuận dân tộc trên đây chứng tỏ quyết định của chế độ quá vô lý. Những người trong cuộc như các ông Nguyễn Trung, Nguyễn Thành Sơn, đã trình bày khá đầy đủ: lợi tức dự ước chẳng có bao nhiêu, trong khi tai hại lâu dài cho môi trường thực là kinh khủng, chưa kể những bất trắc khác về kỹ thuật. Nhà nước CSVN đã quyết định mà không hề căn cứ trên một nghiên cứu nghiêm chỉnh nào, tuy họ không thể không biết khai thác quặng bauxite sẽ gây hại lớn cho môi trường. Các nước phát triển như Mỹ và Tâu Âu đã dần dần từ bỏ sự khai thác bauxite, tuy họ là những nước tiên phong trong kỹ thuật tinh lọc khoáng chất ấy. Tổ chức COMECON trước đây từng khuyến cáo Việt Nam đừng khai thác bauxite; chính Trung Quốc đã dẹp bỏ những công trường bauxite của họ. Chính quyền CSVN cũng không thể không biết rằng trên thế giới ngày nay người ta chọn khai thác bauxite ở những vùng đất trũng, hoang vu ít người ở, để sự ô nhiễm không gây nguy hiểm cho sức khoẻ của người dân, và lớp bùn đỏ độc hại không theo chiều dốc đổ xuống tàn phá khu vực dưới thấp. Đây hoàn toàn không phải là trường hợp Tây Nguyên, một vùng khá nhiều dân cư, lại là nóc nhà của miền duyên hải Trung phần với miền Đông Nam phần. Sự thiếu vắng nghiên cứu nghiêm chỉnh trước khi quyết định, được bộc lộ do chính hai người nhà nước cử ra để biện hộ: ông Hoàng Sĩ Sin, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Lâm Đồng, và ông Phạm Tuân Pha, bí thư tỉnh uỷ Đắc Nông. Họ không biết gì hết; rõ ràng là họ nói lời bênh vực kế hoạch theo mệnh lệnh đã nhận. Ông Dương Thanh Sùng, kỹ sư của dự án, thì bị các đồng nghiệp công khai đánh giá là chỉ có kiến thức ở mực đô «chai, lọ».

Một giả thuyết

Như vậy, phải có một cái gì đó rất không bình thường khiến nhà nước cộng sản cho khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Nhiều sự kiện hội tụ cho phép nghĩ rằng chính quyền quốc nội phải miễn cưỡng chấp nhận sự khai thác đó để đổi lấy sự hoàn tầt việc cắm mốc ở biên giới Trung - Việt theo hiệp định ký từ năm 1999.

Nhận định khởi đầu, là thời điểm công bố quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên trùng hợp với thời điểm hoàn tất cắm những mốc cuối cùng. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, dự án khai thác được duyệt phê năm 2007, vào lúc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tiếp tục tiến hành việc cắm mốc. Thêm nữa, Trung Quốc chính là nước được giao cho việc khai thác bauxite Tây Nguyên, mà không phải qua một cuộc đấu thầu công khai nào. Nếu là ngẫu nhiên, thì đây là sự ngẫu nhiên quá đặc biệt.

Trước khi nói tiếp về các yếu tố khác hỗ trợ cho giả thuyết này, thiết tưởng cần tìm đáp án cho một dấu hỏi lớn hầu như chưa ai để ý đúng mức: việc phân định biên giới Việt – Trung đâu có lợi gì cho Việt Nam mà nhà cầm quyền phải cầu cạnh rồi nhượng bộ để hoàn tất cắm mốc? Hiệp ước biên giới 1999 thực không có lợi cho Việt Nam, nó còn chính thức hoá nhiều mất mát của nước ta. Điều trớ trêu là chính phía bị thiệt hại là Việt Nam lại muốn thể hiện xong cho nhanh hiệp ước này bằng cách hoàn tất việc cắm mốc. Phải chăng là để giới hạn sự thiệt hại ở mức đã phải thoả hiệp ?

Quan hệ Việt – Trung trở nên khó khăn sau Hiệp Định Paris tháng 01/1973. Từ đó chế độ cộng sản Bắc Việt dựa riêng vào Liên-Xô; mọi trợ giúp từ Trung Quốc đều chấm dứt. Chiến thắng tháng 4/1975 của đảng CSVN không phải là tin vui cho Bắc Kinh, và đảng CS Trung Quốc đã không cử phái đoàn tham dự Đại hội IV của đảng CSVN năm 1976. Đảng CSVN lúc ấy tin tưởng sự hỗ trợ của Liên Xô cho phép họ có thể bất đếm xỉa và tuỳ ý thách thức Trung Quốc. Họ phát động cuộc xâm lăng Cambodia (Mên) năm 1978. Tình trạng căng thẳng với va chạm lẻ tẻ ở biên giới phía Bắc lập tức nảy sinh, rồi cuộc chiến Việt – Trung bùng nổ đầu năm 1979. Chính thức thì hai bên tuyên bố là cuộc chiến giới hạn trong không gian và thời gian đã đình chỉ sau một tháng, nhưng chiến tranh «âm thầm» còn tiếp tục đến hơn mười năm sau. Âm thầm vì cả hai bên đều bưng bít tin tức, tuy có những trận đánh lớn đẫm máu như trận Lão Sơn năm 1986. Đừng quên là Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa năm 1988.

Trong khi cuộc chiến này diễn ra thì Liên Xô suy yếu dần dần và sụp đổ; Việt Nam hoàn toàn mất chỗ nương tựa. Mặt khác, Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, bắt tay với Mỹ và Châu Âu từ 1978 và tăng trưởng mạnh, trong khi chế độ cộng sản ở Việt Nam ôm giữ giáo điều và liên tục suy thoái. Chính sách «đổi mới» được đưa ra năm 1986 khi Việt Nam hoàn toàn kiệt quệ; cuộc chiến biên giới trở thành tuyệt vọng đối với Việt Nam vì Trung Quốc vừa có sức mạnh quân sự áp đảo lại có khả năng tài chính để mua chuộc các sắc tộc ở vùng phân ranh. Nhiều bản làng thuộc Việt Nam từ xưa, nay tự nhận là họ ở trên đất Trung Quốc, đã di dời cột mốc biên giới vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, chính quyền CSVN vừa kiệt quệ vừa cô lập với thế giới do cuộc xâm lăng Cam-bodia trong thái độ huênh hoang của chiến thắng 1975, không thể mong muốn gì hơn là đừng mất đất thêm nữa.

Kể từ Đại hội VII của đảng CSVN, liên minh Đỗ Mười – Lê Đức Anh nắm được thế chủ động, chính thức cầu hoà với Trung Quốc để được yên thân. Thế hoà này thực ra là thế hàng, vì Việt Nam đã mở cửa trễ 8 năm, mức tăng trưởng sau đó ở mức độ thấp kém nhiều so với Trung Quốc. Ảnh hưởng Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên vùng biên giới Việt – Trung; áp lực kinh tế thay thế cho áp lực quân sự.

<>


<>

Đắk Nông, điểm tới của công nhân Trung Quốc


Khu nhà biệt lập của “chuyên gia” TQ

Một sự kiện nữa nhức nhối không kém cho Việt Nam là cấu tạo sắc tộc của vùng phân ranh. Hai sắc dân đông đảo nhất là Tày và Nùng gồm khoảng hai triệu người, chung gốc với người Chuang ước lượng vào khoảng 18 triệu ở tỉnh Quảng Tây. Ngoài ra còn nửa triệu các sắc dân Dao, Giáy, và người gốc Hoa ở Quảng Ninh. Những sắc dân này không cảm thấy ràng buộc chặt với Việt Nam và rất dễ bị lung lạc; trên thực tế họ đang bị Trung Quốc mua chuộc. Bất ổn tại biên giới có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi Trung Quốc muốn, dù có hiệp định 1999. Cắm mốc biên giới tuy không giải quyết được tất cả, nhưng ít nhất sẽ cụ thể hoá biên giới chính thức và là một nhẹ nhõm cho Hà Nội. Trung Quốc biết như thế nên cố tình trì hoãn, trong khi vốn của họ tuôn đổ vào vùng biên giới và là lực đẩy cuộc Hoa hoá trong các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Cũng nên nhắc tới một sự kiện ít được các nhà bình luận nêu ra, vì nó được công bố trong vài dòng: hội nghị Trung Ương 9, tháng 2/2009 vừa qua, đã quyết định từ nay, các cấp lãnh đạo ở địa phương như bí thư đảng uỷ, chủ tịch hội đồng nhân dân, không nhất thiết phải là người địa phương. Phải suy xét kỹ mới thấy đây là biện pháp để chính quyền trung ương có thể quản lý trực tiếp và chặt chẽ hơn nữa các tỉnh biên giới.

Chính sách nào để lựa chọn?

Việt Nam không có trong tay áp lực gì khả thi để buộc Trung Quốc cụ thể hoá đường phân ranh. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc đã đồng ý hoàn tất việc cắm mốc cuối năm 2008. Như vậy, Việt Nam tất phải đánh đổi một cái gì đó hầu đạt mục tiêu. Phải chăng chính là quyết định cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên?

Sự kiện hỗ trợ cho già thuyết này, là Trung Quốc đem người của họ qua Tây Nguyên tuy khai thác bauxite chỉ cần một kỹ thuật sơ sài, không đòi hỏi những người thợ chuyên nghiệp, và Việt Nam không thiếu nhân công lại đang bị nạn thất nghiệp nặng. Việc này còn có thể là dấu chỉ phía Trung Quốc không tin Việt Nam sẽ thực sự tiến hành kế hoạch khai thác, trái lại sẽ tìm cách diên trì việc thực thi yêu sách đã phải miễn cưỡng chấp nhận.

Một sự kiện nữa nổi bật: lần đầu tiên dưới chế độ cộng sản, chính quyền không đàn áp những tiếng nói công khai phản kháng, và cũng không lên tiếng gián tiếp hay trực tiếp biện hộ cho «quyết định chiến lược» của mình - lời tuyên bố của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bình thường thì những người dám lên tiếng phản đối một quốc sách nếu không bị bắt giam ngay cũng bị «hỏi thăm» kỹ lưỡng. Và tại sao trước những lập luận phản bác rất chính xác xuất phát từ những nhân vật có thẩm quyền trong lãnh vực, nhà nước lại giữ im lặng, dành lẽ phải cho những người phản kháng? Đây không thể là một sự tình cờ. Một giải thích có vẻ hợp lý là chính quyền cố ý dung túng cho sự chống đối kế hoạch bauxite Tây Nguyên lên cao để có lý do trì hoãn trong tiến trình áp dụng. Giải thích này tăng trọng lượng bởi sự kiện phó thủ tướng Hoàng Trung Hải được uỷ nhiệm tổ chức một hội thảo về dự án. Nói tới hội thảo tức là nhiều hay ít, vấn đề còn cần được nghiên cứu thêm. Phải chăng lời tuyên bố chắc nịch của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là lời tuyên bố theo nhu cầu chính trị thời điểm để làm yên lòng Trung Quốc?

Đối với tham vọng lãnh hải của Trung Quốc, Hà Nội có thể nghĩ rằng nay mốc biên giới đã cắm xong, Việt Nam có khuôn khổ hành động mở rộng hơn trước. Sự kiện biện giải cho lý luận này là việc Hà Nội, cũng là lần đầu tiên, cho phép tổ chức một hội thảo về tranh chấp trên Biển Đông. Các tham dự viên đều phát biểu ý kiến phủ nhận công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dù không có sự hiện diện của ai trong số mấy vị lãnh đạo đảng và nhà nước khi khai mạc, sự kiện hội thảo khai diễn ở thủ đô Hà Nội cho thấy chính quyền CSVN không còn dứt khoát loại bỏ một chính sách đối đấu với Trung Quốc, nếu cần thiết. Trên biển, thế của Việt Nam không nguy kịch như trên đất liền, bởi vì biển không thể bị chiếm đóng một cách thường trực. Trung Quốc có thể có những hành động thách thức nhưng không thể xác định một cách vĩnh viễn đòi hỏi lãnh hải của họ; trong khi Việt Nam vẫn có thể tuyên bố ranh giới hải phận hợp pháp của mình. Trung Quốc có khả năng tạo tình trạng bất ổn nhưng không thể hợp thức hoá tham vọng của họ, lại không thể yêu sách quá đáng mà không gặp phản ứng bất lợi của thế giới.

Lời đoán phỏng Hà Nội đã miễn cưỡng cho Trung Quồc khai thác quặng bauxite Tây Nguyên chỉ có giá trị giả thuyết, nhưng nó có thể luận giải một loạt sự kiện không bình thường vừa diễn ra. Nếu không thì các sự kiện đã dẫn không có giải thích, tương tự kế hoạch bauxite không cần phải là chuyên gia mới có thể thấy rõ là dự án hoàn toàn vô lý. Chính quyền Việt Nam hiện nay không thiếu chuyên gia, vậy không thể cho là họ không được thuyết trình đủ sự kiện khoa học kỹ thuật, kinh tế và môi trường liên quan. Giải thích rằng những người lãnh đạo chế độ cộng sản là những kẻ táng tận lương tâm, sẵn sàng bất chấp thảm kịch cho đất nước để mưu lợi cá nhân, cũng là giải thích quá dễ dãi. Người cầm quyền nào, dù tồi tệ đến đâu, cũng bảo vệ quyền lợi của quốc gia họ lãnh đạo, vì lý do giản dị là không ai muốn mất những gì thuộc thẩm quyền quản trị của mình.

Nói như thế không phải là tìm cách biện hộ cho chính quyền cộng sản. Ngay cả khi giả thuyết ở trên là đúng, đảng và nhà nước cộng sản cũng sai lầm lớn trên hai điểm rất trọng yếu:

- Một là vấn đề biên giới phía Bắc chưa thể coi là ổn định xong khi đã cắm mốc.

Với cấu tạo các sắc tộc trong vùng, và đặc biệt với sức mạnh kinh tế, Trung Quốc vẫn có thể mua chuộc các sắc dân này và gây xáo trộn. Biên giới phía Bắc sẽ chỉ thực sự ổn vững khi những người Tày, Giáy, Dao, Nùng, Hmong, Hà Nhì, cảm thấy thoải mái trong quốc gia Việt Nam và tự nguyện là người Việt Nam. Quyết định của hội nghị Trung Ưong 9 là một sai lầm, vừa không có giá trị pháp lý vì chỉ là một quyết định của đảng, vừa là một khiêu khích đối với các sắc tộc địa phương.

- Hai là Việt Nam không phải không có «thế» để ứng phó với Trung Quốc.

Việt Nam sẽ được thế giới bênh vực, nếu có một hình ảnh tốt đối chiếu với Trung Quốc tuy mạnh nhưng vẫn là một chế độ độc tài đảng trị, theo đưổi chính sách bá quyền gây lo ngại cho các lân bang và thế giới.

Di sản lịch sử không có lợi cho Trung Quốc. Người dân các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, đặc biệt là 18 triệu người Chuang cùng chủng tộc với người Nùng, người Tày ở nước ta, chưa thể quên là ba phần tư dân số tỉnh này đã bị Bắc Kinh - họ gọi là «người Bắc phương» - tàn sát cuối thế kỷ 19. Càng thăng tiến bao nhiêu thì ký ức lịch sử càng trở lại mạnh mẽ bấy nhiêu. Trung Quốc cũng có vấn đề tương tự với các dân tộc vùng Viễn Tây và Tây Tạng.

Thế mạnh của Việt Nam là có thể dân chủ hoá trọn vẹn mà vẫn là một quốc gia thống nhất còn gắn bó hơn, trong khi Trung Quốc không thể dân chủ hoá mà không phải đương đầu với những đòi hỏi ly khai không thể giải đáp. Dân chủ hoá là vũ khí mà Việt Nam có thể sử dụng bất cứ lúc nào và thực ra, đã phải sử dụng từ lâu nếu có một đảng cầm quyền sáng suốt và trách nhiệm. Ngược lại, đó là vũ khí Trung Quốc rất khó - nếu không nói là không muốn - sử dụng mà không bị đe dọa tan vỡ.

Nếu chúng ta có một chế độ dân chủ đa nguyên thực sự, các sắc dân biên giới, kể cả người Chuang tại Quảng Tây, chắc chắn sẽ muốn làm người Việt Nam hơn là người Trung Quốc. Ngay những người Hoa ở các tỉnh tiếp giáp với Việt Nam sẽ thấy gần với Việt Nam hơn là Bắc Kinh. Lúc đó Trung Quốc, hơn cả Việt Nam, sẽ mong muốn chấm dứt mọi tranh chấp giữa hai nước.

Paris, Tháng Tư 2009
Nghiêm Văn Thạc

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers