14 April 2009

Vấn đề khai thác bô xít: cần một lối ra!

Lịch sử của ĐCS đã chất dày những hành động như Cải cách ruộng đất, Nhân Văn-Giai Phẩm, triệt tiêu các đảng quốc gia, thảm sát Mậu Thân, gây nội chiến Bắc Nam tương tàn..., nhưng dù sao chúng cũng do sự mê muội của chủ thuyết cộng sản đưa lối, do những tình thế của cuộc chiến tranh, và sẽ được lịch sử của một Việt Nam dân chủ phán xét đầy đủ. Nhưng ngày nay với lượng thông tin đầy đủ, tri thức của người dân và của cả đảng viên cộng sản cũng đã khác xưa, phải hiểu rằng chủ trương khai thác bô xít Tây Nguyên một cách duy ý chí như thế là phạm tội ác lịch sử.

Cuộc hội thảo về khai thác bô-xít tại Tây Nguyên được tổ chức tại Hà Nội ngày 9 tháng 4 vừa qua không có thực chất. Nó không chứng tỏ chức năng của một hội thảo khoa học mà trái lại được dùng như một diễn đàn để Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định chủ trương vốn đang bị một làn sóng phản đối sâu rộng. Đây là điều đáng quan tâm. Giữa lúc làn sóng phản đối dự án khai thác bô-xít ngày càng lan rộng, cuộc hội thảo dù được tổ chức muộn cũng đã ít nhiều được giới quan sát đánh giá là sẽ có một vài động thái giảm nhiệt của nhà nước, nhưng không, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kết thúc buổi hội thảo bằng kết luận "chủ trương khai thác bauxite và sản xuất alumina của Đảng và Chính phủ là đúng đắn". Có điều gì bất thường.

Có thể nói là hơn 60 năm cầm quyền của Đảng Cộng Sản chưa bao giờ họ phải đối diện với một sự chống đối rộng khắp như thế, công khai và ngấm ngầm, ngay cả từ những người được coi là khai quốc công thần, đến những người đang nắm các cương vị cao cấp trong guồng máy của chế độ. Ngay trong giới giáo chức đại học lần đầu tiên cũng đã bày tỏ thái độ bức xúc mạnh mẽ, khác thường so với truyền thống an vị với công tác khoa học của giới này, một giáo sư đại học làm việc tại Âu, Mỹ, có quan hệ giao lưu mật thiết với giới trí thức đại học cấp tiến trong nước, đã thông tin như thế. Các chống đối chỉ ra tác hại của môi sinh, văn hoá, an ninh quốc phòng, và cả hiệu quả kinh tế sẽ rất âm của dự án khai thác bô-xít này. Trong bối cảnh đó Đảng Cộng Sản vẫn quyết tâm thực hiện, chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai (Lâm Đồng) có công suất 600.000 tấn alumina một năm, nó đang chứng tỏ một hành động thách thức dư luận cùng cực.

Chẳng lẽ một tổ chức xuất phát từ chiến tranh nhân dân như Đảng Cộng Sản có thể lấy quyết định mù quáng một cách đơn giản như vậy, không ý thức được một sự sụp đổ thảm khốc của chế độ khi quần chúng nhân dân cộng hưởng phẫn uất và nhất tề đứng dậy? Câu hỏi được nhiều người bứt rứt đặt ra là tại sao có dự án bô-xít này ngay từ đầu, nó vô lý qúa, vì quá vô lý không thể giải thích được nên người ta đã có ngay sẵn những kết luận "ngu dốt", những kết án "bán nước" dành cho ĐCS. Điều đáng sợ là sau khi kết luận và kết án một cách dễ dãi và đơn giản như vậy, hầu như mọi người tiếp tục ngồi đợi thời thế tự xoay vần, như bao sự kiện khác. Có phải thực sự vấn đề chỉ đơn giản vậy thôi sao? Đã có những giả thuyết để giải thích về quyết định của dự án bô xít Tây Nguyên rất phi lý này, dù có tính thuyết phục nhất định nhưng chúng vẫn là những giả thuyết. Xin hãy cùng làm một cuộc du hành mới.

Con đường xây dựng tài lực của một nhà độc tài

Dư luận hầu như chỉ bắt đầu quan tâm tới dự án bô xít Tây nguyên sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch dự án từ ngày 1/11/2007, và làn sóng phản đối chỉ nổi lên mạnh kể từ sau thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 5/1/2009 gởi đề nghị dừng dự án. Những điều gì xảy ra trước đó thì ít ai biết, là những thông tin trước hết giúp giải thích sự hình thành của dự án bô-xít tại Tây Nguyên.

Sự hình thành của dự án bô xít có liên hệ mật thiết với sự hình thành của Tập Đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày 4/11/2005, Tổng Công ty Than Việt Nam đã đề nghị Bộ Công nghiệp xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hành lập Tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam theo phương án công ty mẹ là Tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 26/12/2005, Văn phòng Thủ tướng ký Quyết Định Của Thủ Tướng Chính Phủ số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Quyết Định có những điểm đáng chú ý: trong điều 2 có ghi "Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam là công ty nhà nước, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, Điều lệ tổ chức và hoạt động; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước...", trong điều 6 có ghi "Vốn Nhà nước cấp cho Tổng công ty khoáng sản Việt Nam để thực hiện dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin tại Tân Rai ở Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng", điều 7 có ghi "Nhà nước giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý tài nguyên, trữ lượng than, bô xít và các khoáng sản khác để tổ chức khai thác theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức, hoạt động của Tập đoàn". Điểm đáng chú ý hơn là Quyết Định số 345/2005/QĐ-TTg này được ban hành trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, đến tháng 6/2006 mới về hưu, nhưng lại do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn ký. Đây là điều bất thường, các Phó thủ tướng chỉ ký những Công Điện thay mặt Thủ tướng, Thủ tướng ký các Quyết Định. Một điều đáng được lưu ý nữa là dự án bô-xít Tân Rai được Chính phủ đầu tư 500 tỷ đồng từ nguồn vốn thu do cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Như vậy Quyết Định phê duyệt Quy hoạch dự án bô xít ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giao cho Tập đoành TKV thực hiện, đơn thuần là một hình thức thực tế hoá một quyết định đã có từ trước.

Những chi tiết này cho thấy có những mắt xích liên hệ giữa Nguyễn Tấn Dũng và Tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam (TKV). Thứ nhất là khoảng thời gian chớp nhoáng chỉ hơn một tháng từ ngày đề nghị đến ngày Văn phòng Thủ tướng ký Quyết Định, thành lập một Tập đoàn TKV khổng lồ với 45 công ty con, trong lúc một thư của công thần chế độ như Võ Nguyên Giáp gởi đã hơn 4 tháng vẫn chưa được hồi âm chứ chưa nói các thư khiếu nại của người dân, Quyết Định còn nhấn mạnh là "có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo", nó chứng tỏ sự cấp bách của nỗ lực cho ra đời Tập đoàn TKV. Thứ hai là trong lúc nhà nước đã cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước khác, Tập đoàn TKV lại được thành lập với mức vốn đầu tư khổng lồ, là công ty của nhà nước như điều 2 của Quyết Định nêu ra, đây là một hành động đi lộn ngược bất chấp xu hướng kinh tế thị trường mà ngay cả ĐCS trong thời gian qua cũng lờ đi không nhắc tới cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa". Thứ ba là sự chi tiết hoá rất không bình thường về dự định khai thác bô-xít tại Tây Nguyên trong một Quyết Định thành lập Tập đoàn TKV rất chung như thế.

Những mắt xích này chứng tỏ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ động chuẩn bị kỹ cho cá nhân mình mặt tài lực trước khi lên nắm chức Thủ tướng vào tháng 6/2006. Trên thực tế có những chi tiết cho thấy Nguyễn Tấn Dũng hành xử như President & CEO của Tập đoàn TKV, như ngày 19/6/2006 ra văn bản "Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải kiểm điểm nghiêm túc về thiếu sót, khuyết điểm và trách nhiệm cụ thể,...". Có sự tương đồng nào giữa những tay độc tài Saudi Arabia dùng tài nguyên dầu lửa để củng cố hệ thống độc tài với việc Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (vào thời điểm 2005) đã muốn dùng tài nguyên bô xít để trước hết xây dựng chắc ngôi vị của mình?

Hậu quả từ một thế cờ bất chợt

Có thể nói là chi tiết "thực hiện dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin tại Tân Rai ở Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng" trong Quyết Định số 345/2005/QĐ-TTg vào năm 2005 chưa định rõ là ai sẽ vào khai thác. Nên nhớ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đi Nhật. Trong suốt một thời gian dài Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được dư luận đánh giá là thiên Tây phương hơn là thiên Trung Cộng. Vậy tại sao dự án alumina đầu tiên ở Tân Rai lại do nhà thầu Trung Quốc Chalco bao thầu, mà lại thầu trọn gói theo phương thức EPC (Engineering Procurement and Construction), tức nhà thầu làm hết các công đoạn từ tư vấn, thiết kế tới cung cấp thiết bị, xây lắp và vận hành. Tuyên truyền của ĐCS về việc tạo công ăn việc làm cho người dân Tây Nguyên qua dự án khai thác bô xít trở thành lố bịch hơn bao giờ hết. Tại sao công ty Trung Quốc Chalco lại không tuyển dụng công nhân Việt Nam, dù là cho những công việc không đòi hỏi kỹ năng nào, đã có nhiều phân tích của các chuyên gia có thẩm quyền, nhưng đó là một vấn đề sẽ trở lại đề cập trong phần sau.

Quyết Định số 345/2005/QĐ-TTg ra đời, dĩ nhiên người bạn láng giềng khổng lồ phương Bắc có thể đánh hơi ngay khi chữ ký của Nguyễn Tấn Dũng còn chưa ráo mực, có nhiều thông tin cho thấy tình báo Trung Quốc đã cắm đầy ở các cơ quan đầu não của chế độ cộng sản. Chuyến đi Bắc Kinh của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ 30-5 đến 2-6-2008 đã hoán đổi thế cờ được mệnh danh bô xít. Nông Đức Mạnh dù sao cũng là người đứng đầu Đảng Cộng Sản, trên nguyên tắc là nắm quyền lãnh đạo cao nhất, không thể nào để Chính phủ qua mặt. Và nếu dù ĐCS Việt Nam chưa cầu cạnh thì Trung Quốc cũng sẽ phải thúc ép để dành thế thượng phong trong dự án bô xít Tây Nguyên, mục tiêu chiến lược tối hậu vẫn là sự hiện diện ở địa bàn nhạy cảm "nóc nhà Đông Dương" Tây Nguyên. Tham vọng biển Đông với bản đồ "lưỡi bò" ngạo mạn của Trung Quốc không thế nào trở thành hiện thực nếu Việt Nam nằm ngoài vòng cương tỏa, khống chế của họ. Trung Quốc đã nhảy vào bàn cờ, và bắt luôn xe pháo. Công ty nhà nước Chalco của Trung Quốc đã trúng thầu EPC một cách ngoạn mục ở trọng điểm Tân Rai của Tây Nguyên, dù với công nghệ và quy trình lạc hậu và với giá đấu thầu rất thấp. Sự cố này khiến ông Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn - giám đốc Công Ty Năng Lượng Sông Hồng - đã phải uất ức lên tiếng tố cáo, dù sau khi nhận được nhắc nhở "Mật" của Đảng ủy.

Trong tình hình đó thì chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn trong tay cặp song mã, phải đối diện với những trận mưa đạn xe pháo, phải hiểu là tiến thoái rất khó khăn. Diễn tiến sau đó cho thấy nhiều điều. Dự án ban đầu nhằm khai thác bô xít ở Tân Rai như Quyết Định 345/2005/QĐ-TTg nêu ra bỗng nhiên được nhân rộng khắp vùng Tây Nguyên, ba trọng điểm khác được dự tính triển khai trong giai đoạn đầu đến năm 2010 là Nhân Cơ (Đăk Nông 1), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và 1 dự án hydroxyt nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), hai giai đoạn kế tiếp là từ 2011-2015 và 2016-2025. Một điểm đáng chú ý khác là sau khi TBT Nông Đức Mạnh đi Trung Quốc về ngày 2/6/2008 và trọng điểm khai thác bô xít ở Tân Rai lọt vào tay nhà thầu của công ty nhà nước Chalco của Trung Quốc, ngày 24/6/2008 lễ ký Hiệp định Hợp tác mời gọi Tập đoàn Alcoa của Mỹ vào khai thác mỏ bô xít Nhân Cơ (Đăk Nông), thăm dò mỏ bô xít ở Gia Nghĩa diễn ra ở Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trường thương mại Mỹ Carlos Guiterrez.

Như vậy từ dự định khởi điểm chỉ khai thác một mỏ bô xít ở Tân Rai, chỉ một thời gian ngắn sau quyết định khai thác bô xít cả toàn vùng Tây Nguyên đã được hình thành chóng vánh, được hoạch định cho đến năm 2025! Theo văn hoá ứng xử của ĐCS "mày chơi tao thì tao chơi mày" như thấy giữa Lê Khả Phiêu và Đỗ Mười trước đây, ở đây văn hoá ứng xử này có thể được diễn tả theo câu "mày chơi thì tao cũng chơi, cả hai ta cùng chơi". Cả hai cánh ĐCS và cánh Chính phủ đều tham dự. Nó giải thích sự kiện Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã tuyên bố mạnh mẽ "đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước". Nhưng thật ra nói Nhà nước tham gia là sai, Nhà nước trong ngôn từ của ĐCS là chỉ bên phía ông Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chứ không phải Nhà nước trong thể chế dân chủ tự do là bao gồm cả ba ngành tam quyền phân lập, ông này chỉ chủ yếu lo về nghi lễ, bởi vậy mới đây Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đính chính lại "chủ trương của Đảng và Chính phủ là đúng đắn". Và có phải chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tìm cách đưa Tập đoàn Alcoa của Mỹ vào Tây Nguyên như một thế cân bằng chiến lược trước sự hiện diện đã rồi của người Trung Quốc ở mỏ Tân Rai?

Khi Võ tướng Điện Biên lên tiếng

Kể từ khi Quyết Định 345/2005/QĐ-TTg vào năm 2005 ra đời, và Quyết Định số 167/2007/QĐ-TTg vào tháng 11/2007 để thực tế hoá, một người đã được "phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo" khảo sát dự án bô xít trên Tây Nguyên với khối COMECON vào đầu thập niên 1980 như Võ Nguyên Giáp không thể nào không biết. Nhưng tại sao ông đợi tới tháng 1/2009 mới công khai lên tiếng, viết thư ngăn cản? Có thể khẳng định bởi vì đó là thời điểm ông đã có bằng chứng xác thực về sự hiện diện của người Trung Quốc ở địa bàn nhạy cảm này. Một người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên tuổi lừng danh địa cầu sau trận chiến thắng Điện Biên Phủ, một trận chiến mà ĐCS Việt Nam nhận viện trợ toàn diện từ Trung Quốc, và ngay bản thân ông cũng tiếp xúc thường nhật với các cố vấn Trung Quốc nên phải rất hiểu họ, đã lên tiếng quyết liệt về vấn đề an ninh quốc phòng cho Việt Nam khi có sự hiện diện của người Trung Quốc ở "nóc nhà Đông Dương" này là điều khiến cho mọi người Việt Nam, bất kể quan điểm và quá khứ chính trị, cần quan tâm đúng mức.

Cần bảo vệ nóc nhà Đông Dương

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài lên tiếng phản đối dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên là việc đương nhiên, và họ đã và đang liên tục lên tiếng dù có thư của Võ Nguyên Giáp hay không. Ở trong nước thì sau thư của Võ Nguyên Giáp, hàng loạt tiếng nói phản đối có trọng lượng ngay trong lòng chế độ đã cất lên như mọi người đều biết.

Về tác hại lâu dài đối với môi trường sinh thái, ngay cả các mỏ bô xít được khai thác bởi những tập đoàn có công nghệ cao, có kinh nghiệm trên một trăm năm như Alcoa của Mỹ cũng chưa có gì bảo đảm, cần phải cân nhắc rất kỉ càng, vì tương lai của các thế hệ sau. Bởi vì nói như nhà văn hoá Nguyên Ngọc, một người có gắn bó tâm huyết với Tây Nguyên thì vị trí địa lý địa lý của Tây Nguyên nằm ở một độ rất cao so với mặt nước biển, nó cũng là "nóc nhà" của các vùng đồng bằng Nam Trung Bộ, khác với những vùng đồng bằng mênh mông không có người ở như ở Úc hay Mỹ cho phép việc khai thác bô xít và san lấp bùn đỏ được thực hiện dễ dàng hơn. Điều này có lý, khi đối chiếu với những nguồn thông tin về khai thác bot xít ở Úc, Mỹ, vân vân. Về hiệu quả kinh tế, những phân tích như của người có thẩm quyền cho thấy hiệu quả kinh tế sẽ rất âm, riêng dự án Tân Rai chính phủ đầu tư tới 500 tỷ đồng VN chắc chắn sẽ lỗ lã to. Vấn đề an ninh quốc phòng là nghiêm trọng. Như đã đề cập ở trên, Trung Quốc muốn bá chủ biển Đông trước hết cần đưa Việt Nam vào quỹ đạo điều hành của họ. Thực tế trong nhiêù năm qua Trung Quốc đã có hiện hiện diện rộng rãi, ngay cạnh hai nước sát sườn Việt Nam là Lào và Cam-pu-chia mà ông Nguyễn Văn Huy đã có cảnh báo trong hai bài viết. Ngày hôm nay, lực lượng công nhân và có thể là quân nhân Trung Quốc đang bắt đầu cắm vào địa bàn Tây Nguyên nói lên điều gì? Không cần phải là một nhà quân sự, ai cũng có thể đặt câu hỏi là nếu có một cuộc ngoại công của Trung Quốc từ các biên giới phía bắc như Vân Nam, phía Tây như từ Lào, Campuchia, phía Đông như từ căn cứ tàu ngầm Hải Nam, từ Hoàng Sa, Trường Sa kết hợp với cuộc nội công từ Tây Nguyên thì thử hỏi quân đội Việt Nam có thể cầm cự được trong bao lâu?

Cộng đồng người Thượng ở Cao Nguyên Trung Phần, một chủ thể ngàn đời của vùng đất này cũng phải cần có thái độ và hành động tích cực hơn nữa, trước hết cho quyền lợi của chính cộng đồng sắc dân của mình cho hôm nay và mai sau. Theo Bộ Công Thương thì "đã nhiều năm qua, Tây Nguyên tập trung phát triển tối đa cây công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế còn hạn chế, đời sống đồng bào còn khó khăn, hạ tầng nghèo nàn, trình độ dân trí hạn chế." Nhưng đó chỉ là lý cớ, không có gì bảo đảm khai thác bô xít sẽ làm đời sống người Tây Nguyên khá hơn, công ty Chalco của Trung Quốc vào không thuê người địa phương làm việc. Người dân Tây Nguyên không thể trông mong vào một nguồn lợi không có thực.

Câu nói của nhà văn hoá Nguyên Ngọc "cả nước phải lo cho Tây Nguyên" rất ý nghĩa. Đây là một vấn đề liên đới giữa những người Việt Nam với nhau, giữa những cộng đồng sắc tộc trên mảnh đất Việt Nam với nhau, đáng ra phải là một chính sách từ lâu của một chính quyền đứng đắn.

Lối ra nào?

Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tính nước cờ gầy dựng tài lực cho sự nghiệp chính trị của một nhà độc tài, nhưng sau đó đã bị Trung Quốc với sự phối hợp của TBT Nông Đức Mạnh giải thế sau chuyến thăm Bắc Kinh, bản Tuyên bố chung giữa hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến viếng thăm này có đoạn "quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như Bô-xít Đắc Nông". Nguyễn Tấn Dũng bị gài vào thế kẹt, lao đã phóng nên phải theo lao, đó là điều có thể nhìn thấy.

Nhưng "phóng lao phải theo lao" không phải là một giải pháp đúng. Sau những thông tin, phân tích thấu tình đạt lý đặc biệt của dư luận trong nước về vấn đề khai thác bô xít, ĐCS nói chung và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói riêng phải hiểu rằng chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên là không thể nào chấp nhận được. Lịch sử của ĐCS đã chất dày những hành động như Cải cách ruộng đất, Nhân Văn-Giai Phẩm, triệt tiêu các đảng quốc gia, thảm sát Mậu Thân, gây nội chiến Bắc Nam tương tàn..., nhưng dù sao chúng cũng do sự mê muội của chủ thuyết cộng sản đưa lối, do những tình thế của cuộc chiến tranh, và sẽ được lịch sử của một Việt Nam dân chủ phán xét đầy đủ. Nhưng ngày nay với lượng thông tin đầy đủ, tri thức của người dân và của cả đảng viên cộng sản cũng đã khác xưa, phải hiểu rằng chủ trương khai thác bô xít Tây Nguyên một cách duy ý chí như thế là phạm tội ác lịch sử. Nếu phẫn uất của người dân dâng lên đỉnh điểm và nổi dậy thì các vị trong Bộ Chính Trị có thể chạy qua Trung Quốc, nhưng đằng sau quý vị vẫn còn họ hàng gia tộc, nhưng điều nghiêm trọng hơn là một cuộc thanh toán bằng quân sự của Trung Quốc đối với nước Việt Nam vào thời điểm đó là có cơ sở. Ông Nguyễn Tấn Dũng không có lý do chính đáng nào nữa, ngay cả trên phương diện tài chánh để phải theo đuổi dự án bô xít đầy phiêu lưu này.

Trao đổi với anh em dân chủ ở trong nước tôi có thể nhận thấy những bức xúc trước dự án bô xít này. Nhưng trên bình diện ngoại giao khi hai nước đã ký kết qua bản Tuyên bố chung, công ty Trung Quốc đã vào Việt Nam thì phía Việt Nam khó có thể bất thình lình tuyên bố đuổi họ ra mà không gây những căng thẳng đối với một nước lớn độc tài, hung hăng như Trung Quốc. Một vài gợi ý mang tính chiến thuật ban đầu xin viết ra, có thể chứa nhiều chủ quan:

- Bộ Quốc Phòng Việt Nam cần bố trí các lực lượng vũ trang, cả bí mật và công khai ở một mức độ cho phép, quanh khu khai thác bô xít ở Tân Rai đang do nhà thầu Trung Quốc làm chủ. Tây Nguyên đã là địa bàn quen thuộc của Quân Đội Nhân Dân, đặc biệt khi tiến hành chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 đã dùng phép nghi binh ở Công Tum, Plây Cu và bí mật bao vây Buôn Mê Thuột, do đó các tướng lĩnh trong QĐND phải nắm vững các trọng điểm quân sự ở Tây Nguyên.

- Các nhà văn hoá, môi trường, và cả dư luận trong và ngoài nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái của công ty và công nhân Trung Quốc ở Tân Rai. Tiến độ công việc của công ty Chalco phải tuân thủ luật môi trường của Việt Nam và thế giới, nếu họ làm sai thì dư luận Việt Nam có thể lên tiếng phản đối mạnh mẽ, và từ đó có thể có lý do để dẫn đến việc ngưng hợp đồng. Phải cần xem Tân Rai là thí điểm duy nhất. Không nên xúc tiến với công ty Alcoa của Mỹ, dù họ vào và mướn công nhân Việt Nam.

- Song song Quốc Hội phải thể hiện sự năng động cần có trước vấn đề bô xít này. Các đại biểu Quốc Hội cần chứng tỏ tối thiểu trách nhiệm của một công dân Việt Nam trước vấn đề lớn của đất nước. Nếu đây đã là một "chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ" thì phải trình Quốc Hội thông qua, nếu không thì dự án này là bất hợp pháp như ý kiến của nhà văn hoá Nguyên Ngọc nên lên. Như vậy việc đầu tiên của một Quốc Hội trách nhiệm là đặt vấn đề về tính pháp lý của dự án bô xít Tây Nguyên này.

Về mặt lâu dài thì tất nhiên Việt Nam phải cần có dân chủ, càng sớm càng tốt. Các lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam không có lý do gì phải khúm núm với Trung Quốc, trái lại Trung Quốc đang phải lo sợ đối phó với Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam có dân chủ. Dân chủ đa nguyên tôn trọng tiếng nói, chỗ đứng ngang nhau cho tất cả mọi người Việt Nam.

Nguyễn Văn Hiệp

No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers