Chúng ta không hy vọng gì ở những lãnh tụ trong trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền hiện nay chịu thay đổi, nếu không có những áp lực mạnh mẽ của toàn dân. Cũng có một số đảng viên trong guồng máy cầm quyền có tầm nhìn xa trông rộng, họ ủng hộ sự tranh đấu để biến cải. Nhưng họ chỉ chuyển động khi có sự đòi hỏi ở bên ngoài, mà họ không cưỡng lại được, hoặc khi cơn khủng hoảng tiến đến gần bạo động, và họ không tìm được cách nào khác để thay thế. Nếu nhà cầm quyền hiện nay không chịu tái cấu trúc ngay từ bây giờ, thì chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, chắc chắn sức mạnh của toàn dân sẽ bạo động tràn xuống đường để chuyển sang dân chủ. Phạm Văn Bản |
Nhìn hãng xưởng Trung Quốc mọc lên khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ đội công nhân kỹ thuật, toán bảo vệ canh gác, các phương tiện sản xuất, hay bảng tên cầu đường đều là Bắc Thuộc. Hàng hoá Trung Quốc tràn ngập, phá giá thị trường và làm lũng đoạn nền kinh tế nước ta. Ô nhiễm Trung Quốc thải đầy sông nước, mùi hôi thối xông lên nồng nặc và hủy diệt môi sinh dân ta, gây nhiều biến chứng ung thư độc hại. Thể chế Trung Quốc lại được đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay tôn trọng tiếp nhận, làm khuôn mẫu toàn trị nhằm đàn áp bóc lột dân lành – chớ chúng ta chưa bàn tới những vụ hải đảo Hoàng Sa Trường Sa, hay đất đai biên giới đã mất, hoặc do những đảng viên đầu tỉnh ở Lạng Sơn, Quảng Ninh và nhiều nơi khác cho công ty xí nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê đất trồng rừng nguyên liệu – Pháp lệnh Trung Quốc, từ cao xuống thấp đều được truyền sang để cho chính quyền Việt Nam thi hành… Qua bằng chứng vừa kể, người viết trộm nghĩ đất nước mình đang tiến tới thảm họa diệt vong! Vậy hễ ai là con cháu Việt Nam, chúng ta nên tỉnh thức mà tạ tội với Tổ Tiên Dân Tộc vì chính mình đã không bảo vệ được di sản của tiền nhân, và thờ ơ phó mặc cho dân nước lâm cảnh lầm than, trở lại thời Ngàn Năm Bắc Thuộc cùng với chính sách mượn đất và đồng hóa đã phát xuất từ thời Hán Vũ Đế.
Theo sử sách, vào năm 111 trước dương lịch quân của Hán Vũ Đế xâm chiếm nước ta qua chính sách mượn đất, rồi sát nhập vào đế chế toàn trị của Trung Quốc theo kiểu tằm ăn dâu. Nhà Hán có tham vọng muốn chiếm Việt Nam để cai quản miền châu thổ Sông Hồng vì là hạ nguồn của giòng sông chảy xuống từ Trung Quốc, và là trọng điểm kinh tế làm hải cảng cho tàu bè giao thông buôn bán với các nước trong vùng Đông Nam Á. Ngoài ra Việt Nam còn là vị trí chiến lược quan trọng của các quốc gia nằm trên trục giao thông chạy dài từ hải cảng Vladivostok nước Nga, xuyên qua Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Ấn Độ và các nước hải đảo Thái Bình Dương, đến tận cùng là Úc Châu.
Vào dầu thế kỷ thứ nhất, các tướng Lạc Việt vẫn được giữ những chức vụ cai quản Lĩnh Nam, dù vùng này đã mượn đất bởi Trung Quốc. Sau đó Nhà Hán bắt đầu chính sách đồng hóa, bằng cách tăng thuế khóa và cải tổ luật hôn nhân, biến Việt Nam thành một xã hội phụ hệ như Trung Quốc. Mục đích Nhà Hán là đồng hóa dân tộc Việt Nam, để giáo dục người dân dễ dàng chấp nhận thể chế toàn trị của Trung Quốc. Đang khi dân tộc ta lại vẫn sống trong thể chế chính trị riêng, được gọi là định chế làng nước và theo xã hội mẫu hệ với nền dân chủ vốn có của ta.
Năm 39 sau dương lịch Trưng Nữ Vương đánh đuổi quân Đông Hán, cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Giao Chỉ rồi lan ra các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và toàn vùng Lĩnh Nam. Thái thú Tô Định bị đuổi về nước, Việt Nam giành lại nền độc lập tự chủ và Bà Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô tại Mê Linh (thuộc Hà Nội ngày nay). Chứng tích lịch sử này cho chúng ta thấy, hệ thống tổ chức chính trị và xã hội Việt Nam là lưỡng hệ, được xây dựng trên sự bình đẳng giữa Nam và Nữ. Đó là sự khác biệt đế chế toàn trị của Trung Quốc với định chế làng nước của chúng ta.
Sau đó, Nhà Hán cử danh tướng Phục Ba Mã Viện thống lãnh binh quyền sang đánh chiếm nước ta. Vì không đủ sức chống giặc cho nên Hai Bà đã tuẫn tiết trên giòng Hát Giang vào năm 43, để lại số phận dân nước chịu đắm chìm trong sự đô hộ và cai trị khắc nghiệt của Nhà Hán trong suốt ngàn năm, gọi là Bắc Thuộc. Dân ta lên rừng tìm ngà voi hoặc xuống biển mò ngọc trai mà cống nạp Thiên Triều. Điểm đặc biệt, gần một ngàn năm dưới ách thống trị của Trung Quốc, nhưng chính sách đồng hóa Việt tộc thành Hoa tộc đã thất bại. Bởi thế vào năm 938 Ngô Quyền khởi nghĩa và đánh bại quân Nam Hán tại Sông Bạch Đằng, giành lại quyền tự chủ cho Việt Nam, lên ngôi vua xưng là Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa (thuộc Hà Nội ngày nay). Từ đó dân ta củng cố hệ thống tổ chức làng nước, phát triển dân số, bành trướng lãnh thổ xuống phương Nam.
Đầu năm Canh Dần vừa qua, đi lễ cầu cho quốc thái dân an người viết vừa bước vào thánh đường, thì đã thấy mọi người đang đứng nghe diễn văn chúc Tết của đảng ủy địa phương, trước khi linh mục chủ tế cử hành Thánh Lễ. Âm thanh lanh lảnh của người đọc nghe tợ giọng lên lớp của cán bộ quản giáo trại tù cải tạo thời sau năm 1975: “Mừng đảng mừng xuân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội công bằng văn minh, dân giàu nước mạnh…” và cứ thế thao thao bất tuyệt như lời Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.” Sau 15 phút thinh lặng lắng nghe người viết phải chạnh lòng ngậm ngùi, vì đã quá muộn cho Việt Nam bước vào bình minh kỹ nghệ!
Mặt khác, đất nước ta cho dù đi theo sau ba trăm năm thời đại kỹ nghệ, nhưng nhà cầm quyền hiện nay lại chưa rút tỉa được kinh nghiệm giải quyết sự đối kháng nông nghiệp và kỹ nghệ đã từng xảy ra ở Châu Âu, hay Trung Quốc. Những cuộc tranh chấp đất đai đẫm máu giữa hai thành phần thương mại kỹ nghệ và nông dân chủ đất, do nhà cầm quyền tịch thu để xây dựng công ty xí nghiệp hay cho mượn đất. Hậu quả là đảng cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cũng xử dụng bạo lực công an cảnh sát, bộ đội dân phòng và côn đồ tòng phạm, đàn áp khối lương dân đòi bồi thường đất đai bị xâm chiếm, như những vụ Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm cùng nhiều nơi khác. Sự kiện đàn áp và chiếm đoạt đất đai này, đã làm cho quần chúng nhân dân mất hẳn niềm tin vào chính quyền. Mặt khác, nhà cầm quyền lại tố cáo mình dốt nát không tìm ra phương pháp giải quyết, tức đã thiếu tài chính trị trong việc làm kinh bang tế thế của người lãnh đạo.
Tuy có mở rộng kinh tế, nhưng hầu hết những cơ sở kinh tế, kỹ nghệ lại do đảng cầm quyền kiểm soát dưới nhiều hình thức. Các nguồn đầu tư hiện nay lại không có mục đích xây dựng và phát triển Việt Nam. Các công ty đầu tư cũng không tin tưởng vào chế độ chính trị của Việt Nam hiện nay, cho nên họ chỉ đầu tư ngắn hạn, với mục đích kiếm lời nhanh gọn. Mọi người đều ca thán và tin tưởng rằng chế độ Cộng Sản Việt Nam sắp xụp đổ. Chính những điều tâm lý này đã làm cho các ngân hàng không giải ngân trong việc cho vay tiền và dự án đầu tư trên đất liền đều gặp trở ngại.
Vài trung tâm kỹ nghệ được thành lập một cách vá víu tại những khu vực gần Sài Gòn hay Hải Phòng. Những cơ sở hạ tầng như cầu đường, điện nước… tuy có cải tiến, có đường cao tốc, có mương xây thoát nước, nhưng chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu kỹ nghệ tiêu dùng. Các giới chức vì thiếu khả năng nhìn xa trông rộng, cộng thêm những vụ tham nhũng tày trời… cho nên những cơ sở kỹ nghệ mới đều là máy móc cũ kỹ lỗi thời, tức đồ phế thải của các nước kỹ nghệ mang sang Việt Nam để sản xuất.
Xét về guồng máy tài chánh của Việt Nam tuy có canh cải, nhưng vẫn còn những hệ thống quản trị điều hành thô sơ, do tình trạng nhân viên lạc hậu của đảng điều hành. Chính quyền chỉ bắt chước những cải cách của các nước Cộng Sản như Trung Quốc, Cuba… mà các nước này cũng không thành công, cho nên những số nợ cũ lại chồng chất thêm số nợ mới. Ngân sách quốc gia Việt Nam hiện nay chỉ nhờ vào số thu của các mỏ dầu hỏa, và tiền của những người tỵ nạn ở hải ngoại gởi về.
Xét về sức mạnh của một quốc gia, thì phải nói đến dân tình đối với chính phủ và có trách nhiệm đối với đất nước. Nhưng trước mắt, dân chúng Việt Nam lại đang oán ghét chính quyền qua những vụ nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc. Vũ khí, quân sự quốc phòng lại lỗi thời, vô hiệu hóa và chỉ còn đủ sức đàn áp vài anh chị sinh viên biểu tình đòi hỏi thực thi nhân quyền tự do dân chủ, hoặc vài ông bà nông dân đòi bồi thường đất đai canh tác sao cho công bằng và hữu lý. Nếu chúng ta so sánh với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, thì Việt Nam lại chỉ là miếng đất để cho tư bản nước ngoài khai thác với số nhân công rẻ mạt. Đang khi lớp người lãnh đạo lại sẵn sàng bán bất cứ thứ gì có thể vơ vét, nhằm mang tiền ra nước ngoài hay cho con cháu du học và chờ ngày đào thoát.
Xét về dân số tử đầu tới cuối thế kỷ 20 Việt Nam tăng gấp 5 lần. Dân số hiện nay tăng nhanh tới mức cả trên trăm triệu người, nhưng chính quyền công bố năm 2009 là 85,789.600 người vì không có khả năng thống kê chính xác, chỉ căn cứ theo sổ hộ khẩu đang khi có nhiều gia đình không được nhập khẩu. Mức phát triển kinh tế hiện nay của quốc gia vẫn chưa đủ cung ứng cho những lớp người trẻ Việt Nam. Tuy có tuyên truyền rầm rộ về giảm dân số bằng kế hoạch hóa gia đình, nhưng chính phủ lại không thực thi được chương trình giáo dục người dân tuân theo, do đó dân số gia tăng. Cha mẹ không có phương tiện để nuôi con, lại sinh con nhiều. Sinh nhiều mà thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh, thiếu giáo dục thì các thế hệ trẻ Việt Nam không thể phát triển đúng theo thời đại kỹ nghệ hiện nay.
Xét về nông nghiệp và nông dân Việt Nam vừa được tư hữu hóa sau 20 năm đổi mới tới nay, nhưng với diện tích canh tác của mỗi đầu người lại quá nhỏ, cộng với chính sách độc tài chính trị của nhà nước, cho nên xã hội nông nghiệp sinh ra tầng lớp đầu cơ trích trữ, làm tăng giá phân bón, thuốc diệt trừ chuột bọ sâu rày… làm giảm giá lúa thị trường bằng cách cho chậm xuất khẩu nhằm mục đích kiếm lời. Vì chính quyền không tìm ra phương cách nâng cao đời sống nông thôn, cho nên dù có cấy lúa IR 50404, OM 4900 hay OMCS 2000 để đạt tới mức thu hoạch 7, 8 chục giạ/ công tầm cắt, thì nông dân vẫn không đủ sống. Hầu hết các làng thôn rất ít được tu bổ, ngoài cái loa phóng thanh của nhà nước là vui, được đặt bên cạnh cột đèn với vài chiếc bóng mù mờ leo loét, và con đường làng xi măng do dân tự tạo. Có nghĩa là nhà cửa dân làng vẫn sơ xác điêu tàn và đời sống vẫn mãi cùng cực như xưa. Chưa kể đến những miền quê nghèo nàn trong vùng cát trắng của miền Trung Việt Nam, người nông dân không trồng cấy được gì ngoài vài cây bạch đàn cằn cỗi mong thu hoạch để biến chế giấy gỗ.
Theo bộ kế hoạch đầu tư của Việt Nam, từ khi các nhà tài trợ quốc tế khởi động chương trình yểm trợ phát triển, cho Việt Nam vay nợ ODA (Official Development Assistance) năm 1993 đến nay là 22 tỷ Mỹ Kim được giải ngân, tổng số 42.5 tỷ Mỹ Kim vốn cho vay. Nếu tính thêm số ODA vừa được hứa sẽ giải ngân gần 50% trong năm 2010 này, Việt Nam chúng ta sẽ nợ vào khoảng 26 tỷ Mỹ Kim. Tạm lấy số ODA cam kết trong ba năm qua, số thực chi 11.070 tỷ Mỹ Kim, trong đó viện trợ không hoàn lại chỉ có 0.927 tỷ Mỹ Kim, số còn lại là nợ phải trả đã vay trong ba năm qua lên đến 10.143 tỷ Mỹ Kim.
Mặt khác, hệ thống tài chánh thế giới đang nằm trong tay số nhà tài phiệt quốc tế, công ty liên quốc. Giá trị đồng tiền mà chúng ta đang xử dụng cũng không là giá trị thực, mà do sắp xếp của hệ thống tài chánh thế giới. Bởi thế, nhà chính quyền Việt Nam hôm nay mà không có khả năng để tự nuôi sống mình, lại đi vay nợ ODA như người viết kể trên, thì số nợ này càng ngày càng chồng chất. Việc trả nợ từ thế hệ này sang thế hệ con cháu tiếp nối, sẽ làm cho Dân Tộc Việt Nam khó thoát ách nô lệ ODA do Cộng Sản mà ra.
Hình thức xâm lăng hay đô hộ quốc gia nhược tiểu ngày nay, đã được các đế quốc chú trọng về kinh tế tài chánh, khoa học kỹ thuật, và môi trường an sinh, chớ không đơn thuần là chiến tranh quân sự như khi xưa. Bởi thế việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng thay đổi, trở thành một loại chiến tranh không đổ máu. Và nước nào không canh tân cải tiến, không sản xuất hàng hóa kịp thời thì nước ấy sẽ biến thành quốc gia tiêu thụ, đồng thời mang dạng xuất khẩu công nhân tại chỗ. Có nghĩa là người dân nước ấy phải đi làm thuê làm mướn cho nước khác, mà không cần lìa xa gia đình và quê hương mình. Toàn dân biến thành nô lệ tân thời trong sự thống trị về kinh tế, kỹ thuật, tài chánh của cường quốc kỹ nghệ.
Thế giới đang phải đương đầu với nhiều vấn đề trọng đại của con người, một trong những điều đó là môi trường sinh sống, tức môi sinh con người và sinh vật thảo mộc trên địa cầu. Vì những chất phế thải của kỹ nghệ đã tiêu diệt các động vật và thực vật, làm thủng màn khí quyển ozone, tạo cho tia cực tím mặt trời rọi xuống mặt đất làm tăng nhiệt độ địa cầu, làm thay đổi khí hậu thời tiết và gây ra bão tố lụt lội hay hạn hán. Những quốc gia kỹ nghệ đã bị tàn phá môi sinh, cho nên họ cần chuyển thiết bị máy móc kỹ nghệ tới quốc gia chậm tiến, như Việt Nam để xây dựng xí nghiệp sản xuất.
Hơn nữa cường quốc kỹ nghệ đã tiến đến nền kỹ thuật cao nhờ sự liên lạc tối tân, và kỹ thuật cao lại làm mềm mỏng biên giới của các quốc gia trên thế giới. Đang khi trong nước họ, phải giải quyết những yêu cầu cải cách kinh tế do dân chúng đòi hỏi. Bởi thế họ loại bỏ những xí nghiệp cũ để tân trang xí nghiệp mới, và cơ sở máy móc dụng cụ cũ lại được chuyển sang quốc gia chậm tiến để sản xuất, là “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” trong lời ca tụng của đảng ủy Cộng Sản Việt Nam của diễn văn chúc Tết vừa qua.
Ngoài vấn đề công nhân rẻ, các cường quốc kỹ nghệ lại tránh hủy hoại môi sinh cho đất nước và dân tộc họ. Bởi thế, hình thức xâm lăng cũ thì dân tộc Việt Nam còn có cơ hội vùng lên chiến đấu giành lại. Nhưng hình thức xâm lược mới này thì dân tộc ta lại vô phương giải cứu, cho tới khi những phóng xạ nguyên tử, hay chất độc hóa liệu phế thải đã hủy diệt sinh vật và thảo mộc trên quê hương này, biến miền đất phì nhiêu rừng vàng biển bạc của Việt Nam trở thành vùng đất chết, họa diệt vong lúc ấy xuất hiện thì đã quá muộn, vì còn đâu là “mừng đảng mừng xuân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội công bằng văn minh, dân giàu nước mạnh?”
Việt Nam chúng ta tiến sau các nước kỹ nghệ phương Tây ba thế kỷ, nên nước ta thiếu thốn rất nhiều nhân tài ở các lãnh vực lãnh đạo, điều hành và quản trị. Thời đại kỹ nghệ quốc gia Âu Mỹ có nhiều nhà máy, việc sản xuất hàng loạt vật dụng có đủ hay dư thừa, và tạo ra tâm lý dư thừa trong dân chúng. Người dân luôn cảm thầy dư thừa, không cần bon chen hay đầu cơ tích trữ. Chính nhờ tâm lý dư thừa mà các sinh họat xã hội kinh tế, chính trị được phát triển trong vòng ổn định, điều hoà, thịnh vượng.
Ngược lại, nước ta vốn có tâm lý tiết kiệm, vì thiếu thốn nên chính phủ phải kêu gọi dân chúng tiết kiệm. Tham nhũng là do tâm lý thiếu thốn mà ra. Khi người Pháp chiếm nước ta, thì dân tộc ta cũng đang sống trong thời đại nông nghiệp, và rồi cái xã hội nông nghiệp đó đã kéo dài cho tới hôm nay, với cơ cấu tổ chức hàng dọc một chiều từ trên xuống dưới. Cho nên nước ta thiếu những người có khả năng lãnh đạo, quản trị, điều hành chính quyền trong thời đại kỹ nghệ.
Thực tại xã hội Việt Nam cũng chia các hoạt động kỹ nghệ (hay công nghiệp) thành ba cấp:
- Kỹ nghệ sơ cấp gồm các lãnh vực sản xuất của thời nông nghiệp vừa qua là nông – lâm – ngư đang được cơ giới hóa. Ví dụ, xe gặt lúa ở đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang thay thế cho hình ảnh thợ gặt với cái liềm hay lưỡi hái.
- Kỹ nghệ thứ cấp, ngành kỹ nghệ nặng như luyện thép, đúc nhôm, chế tạo xi măng, khai thác hóa chất từ dầu hỏa, sản xuất xe hơi, sản xuất máy móc gia dụng…
- Kỹ nghệ đệ tam cấp gồm các dịch vụ tài chánh, bảo hiểm, cung cấp nước, hơi đốt, điện, chuyên chở hàng hải, hàng không, nguyên tử năng, không gian… cũng bắt đầu phát triển.
Kỹ nghệ là dùng máy móc thay cho sức lao động của con người và súc vật, sản xuất hàng loạt các sản phẩm theo hệ thống giây chuyền. Muốn kỹ nghệ hóa, trước hết phải có máy móc, do đó các nước kỹ nghệ đã mọc lên những nhà luyện thép, xưởng máy, sản xuất xe, xưởng dệt, đường rày và biến chế thực phẩm. Nhờ kỹ thuật cao, biến các thị trấn thành đại đô thị và vận tốc di chuyển được tăng nhanh, đường xá cầu cống được mở rộng. Hình thức sản xuất càng ngày càng tăng số lượng nhiều, giá thành càng giảm, sản phẩm mới xuất hiện càng liên tục đã làm cho mọi người cái tâm lý thích tiêu thụ. Tiêu thụ không còn là nhu cầu, mà trở thành thú tiêu khiển.
Sinh hoạt xã hội cũng được kỹ nghệ hóa trở thành đa dạng. Văn hóa giáo dục cũng biến thành kỹ nghệ giáo dục, kỹ nghệ truyền thông, kỹ nghệ báo chí… Tóm lại đất đai, sức lao động, nguyên liệu và vốn là những yếu tố chính để phát triển kinh tế. Vào thời kỹ nghệ, sức mạnh bắp thịt của lao động càng ngày càng giảm, đang khi sản xuất vật dụng do máy móc làm ra, càng ngày càng tăng càng nhiều, số công nhân lao động chân tay bị giảm bớt và ít cần thiết. Đến khi tiến tới thời hậu kỹ nghệ, vì phát minh ra nhiều phương tiện thông tin liên lạc, vận tốc di chuyển tiện lợi nhanh chóng, giá thành hạ rẻ… cho nên các quốc gia trên thế giới đã có những mối liên quan mới phát sinh. Những quan hệ quốc tế lại tạo ra nền chính trị hậu quốc gia hay quyền lực quốc tế.
Mỗi ngành, mỗi lãnh vực xã hội lại phát triển và tạo thêm hệ thống cấp quốc gia hay quốc tế, bởi đó các ngành có quyền lực riêng, đôi khi quốc gia cũng khó kiểm soát được hoàn toàn. Cho nên quyền lực phân tản ra nhiều ban trách nhiệm, nhiều cấp trách nhiệm. Nhân sự làm việc công khai, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, với dân chúng được nhiều người biết tới. Đang khi những nhân viên có đầu óc suy tư tính toán, lại làm việc trong hậu trường thầm lặng. Bởi thế mà có những ban quản trị, ban điều hành, ban nghiên cứu, ban kiểm soát… để cải tiến sản phẩm, và cạnh tranh với công ty xí nghiệp khác.
Do chiều hướng suy tư của giới lãnh đạo, quản trị điều hành luôn luôn thay đổi để tạo ra sản phẩm mới hơn, tốt hơn, và sự kiện này đã dẫn tới thịnh vượng cho xã hội. Hàng tháng, các công ty thường thay đổi quảng cáo, quảng cáo sau hay hơn, hấp dẫn và mang tính quốc tế toàn cầu hơn quảng cáo trước. Trải qua nhiều kết hợp hệ thống, thời đại kỹ nghệ đã tạo ra đa sản xuất, đa tiêu thụ, đa giáo dục, đa truyền thông… Sự nối kết đó tạo ra những cơ quan gọi là trường đại học, công ty, đảng chính trị.
Xã hội kỹ nghệ đã tạo ra hệ thống sản xuất giây chuyền, và hệ thống máy móc của xí nghiệp cũng là giây chuyền. Các cơ cấu xã hội, chính trị quốc gia trong thời đại nông nghiệp lại được biến cải thành hệ thống rộng rãi hơn, phức tạp và khoa học hơn. Do đó con người lại bị ràng buộc bởi các hệ thống tổ chức. Và xã hội càng văn minh, thì con người lại càng bị ràng buộc trong nhiều hệ thống từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… cho tới chính trị, quân sự quốc phòng. Vì bị ràng buộc trong hệ thống tổ chức, con người ta bắt đầu đòi hỏi kẻ lãnh đạo quản trị điều hành của mình phải có đức tính liên thuộc, phải có tầm nhìn và tìm biện pháp giải quyết đúng đắn về những vấn đề phức tạp xã hội. Vì rằng quyết định của cơ quan này sẽ ảnh hưởng giây chuyền tới sự sống chết của các cơ quan khác, các hệ thống khác. Những cách tìm giải pháp và quyết định của các hệ thống xã hội phải mang ý thức trách nhiệm liên đới, được gọi là dân chủ.
Thời đại của chúng ta hôm nay là thời đại dân chủ và giá trị thời đại sẽ định hướng phát triển xã hội con người tương lai. Không ai có thể bắt lịch sử dừng lại, không ai có thể lãnh đạo quốc gia, phát triển xã hội với những giá trị lỗi thời, hoặc phủ nhận hay từ chối giá trị chung của nhân loại. Do đó các thanh niên ưu tú, các chính trị gia tương lai của Việt Nam cần nhắm vào bảng giá trị thời đại như là tiêu điểm mang ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng cho dân tộc ta và đưa đất nước theo kịp tiến trình chung của nhân loại. Thời gian qua nhanh, lịch sử sẽ không dừng lại. Những ai còn ưu tư, đau xót cho quốc gia dân tộc Việt Nam, hãy lên đường, hãy nhắm vào giá trị thời đại để bắt kịp thời đại, hầu dẫn dắt dân tộc ta thoát cảnh đói nghèo và chậm tiến như hiện nay.
Tóm lại, con đường cứu nước Việt Nam ngày nay hữu hiệu nhất vẫn là con đường chính trị dân chủ, và người làm chính trị được gọi là chính trị gia. Ước mong bạn trở thành chính trị gia đúng nghĩa trong thời đại ngày nay của người Việt Nam. Vì bạn là một trong những người đang có tình cảm chính trị, và cần có lý trí chính trị, để tạo ra sản phẩm chính trị, mà giúp cho dân nước hưởng nhờ. Do đó bạn cần thay đổi tận nền tảng thể chế chính trị độc tài, lạc hậu hiện nay thì mới mong làm cho dân nước giàu mạnh, sống hòa bình trong cộng đồng thế giới.
Chúng ta không hy vọng gì ở những lãnh tụ trong trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền hiện nay chịu thay đổi, nếu không có những áp lực mạnh mẽ của toàn dân. Cũng có một số đảng viên trong guồng máy cầm quyền có tầm nhìn xa trông rộng, họ ủng hộ sự tranh đấu để biến cải. Nhưng họ chỉ chuyển động khi có sự đòi hỏi ở bên ngoài, mà họ không cưỡng lại được, hoặc khi cơn khủng hoảng tiến đến gần bạo động, và họ không tìm được cách nào khác để thay thế. Nếu nhà cầm quyền hiện nay không chịu tái cấu trúc ngay từ bây giờ, thì chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, chắc chắn sức mạnh của toàn dân sẽ bạo động tràn xuống đường để chuyển sang dân chủ.
Noi gương Tổ Tiên cách mạng oai hùng đã từng làm vẻ vang nòi giống, chúng ta ngày nay có sứ mạng sáng tạo hành động để thành công trong đại cuộc cứu nước thoát ách nô lệ ngàn năm Bắc Thuộc, và xây dựng lại quốc gia Việt Nam.
Phạm Văn Bản
No comments:
Post a Comment