PHẬT GIÁO VÀ GIÁO HỘI
Từ khi nền văn minh cơ giới phát triển, khoa học hiện diện khắp ngỏ ngách của cuộc sống, mọi sinh hoạt cộng đồng được sắp xếp trong một nề nếp ổn định, trật tự, PG cũng được hệ thống hoá dưới hình thức một tổ chức gọi là Giáo Hội theo mô thức thế quyền và giáo quyền Vatican, tuy không rập khuôn của cơ chế đó, nhưng cơ bản phân nhiệm rõ ràng trên nguyên tắc hành chánh; nó hữu hiệu trong sinh hoạt xã hội đối với một tập thể, với PG, một tinh thần phóng khoáng và nội quán, tổ chức như vậy có cái gì đó không đồng điệu và bất ổn, đưa tu sĩ xa dần với bản chất tự thân.
Nói thế không có nghĩa PG không có một GH và không cần một GH, ngược lại PG có một GH rất sớm, khi Đức Thế Tôn còn tại thế, GH lúc bấy giờ được xem là một nhóm gồm bốn vị Tỳ Khưu, cùng sinh họat chung trong một trú xứ, cùng một thời điểm để tu học và hoằng hóa đạo đức, như vậy GH đối với đạo Phật, không được quan niệm như một tổ chức hành chánh mà là một sinh hoạt tâm linh, không là một qui mô lớn, cồng kềnh mà là mô thức sinh hoạt đơn lẻ hữu hiệu!
Từ sau khi Phật nhập diệt, quan niệm GH như vậy vẫn tồn tại, qua các lần kết tập kinh điển, 500 thánh tăng La hán lần đầu và trên ngàn thánh tăng, thanh tịnh tăng những kỳ kết tập sau cùng, vẫn không xem lượng số đông đảo là một GH. Niên đại Asoka đào tạo sứ giả Như Lai truyền bá Phật tạng và Ngọc Xá Lợi sang hướng Bắc và Nam, gọi la Bắc truyền và Nam truyền, được xem là một Phật sự không do hệ thống GH hành chánh đảm nhiệm; những dịp Yết ma, Bố tát do tăng đoàn thực hiện mà không mệnh danh GH triệu tập. Khi PG truyền vào VN, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, cũng chỉ là những tông phái, môn phong cá lẽ , chưa hình thành một GH hành chánh. PG vào VIỆT NAM đầu kỷ nguyên thứ nhất cho đến hạ bán thế kỷ thứ hai khi trung tâm PG nổi tiếng, Luy Lâu, hình thành, vẫn là những sinh hoạt tự phát, không chịu lệ thuộc vào một cơ cấu hành chánh mệnh danh là GH.Đến niên đại Trần Nhân Tông, ngôn xưng GH Trúc Lâm mới được nhắc đến, nhưng cũng mang tính môn phong, truyền bá chứ chưa có hình thức phân nhiệm đa ngành; Đến lúc PG quá thịnh, tình trạng tăng môn lạm phát, sinh lắm tệ nạn, trốn việc quan đi ở chùa, bắt đầu tu sĩ phải có giấy Độ Điệp,chứng nhận qua kỳ khảo thí, thành lập Tăng Cang, kiểm soát tu sĩ, nhuốm một phần nhỏ về hành chánh; Các môn phái cũng tự phát mà không trực thuộc vào tổ chức điều hành tổng quát của GH. Các môn phái tự củng cố nội bộ và phát triển hạnh môn, có lúc rộ nở trăm hoa, có khi thu mình trong dòng phái, đã rộ nở hay không, tu sĩ chính thức của các tông môn vẫn giữ được tầm vóc xứng đáng Tăng phong đạo cách của mình, cứ thế, PG thấm nhuần vào máu xương của dân tộc, tinh anh phát tiết qua nghệ thuật, thi ca, kiến trúc…Tuy có một vài Nho gia châm biếm bài xích PG vì đố kỵ, nhưng hầu hết PG tạo được thế đứng trong nhân dân, luôn giành được vị thế kính trọng bởi đạo phong, nội lực và kiến thức. từ vua quan đến thứ dân. Dân số bấy giờ chưa là bao, thế mà lượng số tu sĩ đã trên dưới 30.000 người, riêng tu sĩ thuộc GH Trúc Lâm cũng đã chiếm phân nửa; phân nửa là dân phân nửa là tu sĩ; Các Thiền phái như Thảo Đường, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô ngôn Thông, Lâm Tế…không chịu sự điều hành hay trực thuộc hệ thống GH của Thiền phái Trúc Lâm, như vậy danh xưng GH Trúc Lâm chỉ có nghĩa là hệ thống thiền Phái được khởi xuất và bảo trợ bởi nhà nước, các môn phái khác tự do sinh hoạt phát triển, đóng góp đáng kể một nền văn hoá đặc thù cho dân tộc, không những thế, các Thiền phái cung ứng cho dân tộc một sinh lực dồi dào và sinh khí tươi nhuận từ các bậc chứng đắc, một tinh thần vô uý, hiên ngang trước kẻ xâm lăng!
Tuy PG, từ thế kỷ 15 trở đi, lụn tàn do nội tại và ngoại cảnh, từ cực thịnh đến cực suy là lẽ tất nhiên, nhưng mạng mạch vẫn liên tồn dưới áp lực của Nho gia, rồi đến Pháp thuộc, thời đại Kitô giáo nắm quyền đến khi Mỹ thao túng miền Nam và XHCN miền Bắc.Từ thập niên 1930, các hội PG như Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, Hội PH Kiêm Tế, Hội PG Bắc Kỳ, Hội An Nam PH…GH Tăng già cũng chỉ là danh xưng, không nặng về mô hình hành chánh,đều là những hội như các hội đoàn khác trong xã hội, chưa hình thành một GH, đến năm 1951 đại hội PG toàn quốc tổ chức tại Từ Đàm, trong xu thế chung của thế giới phục hưng PG, PG VIỆT NAM cũng chỉ tiến đến một Tổng Hội PG do HT T. Tịnh Khiết làm hội chủ. Dưới chế độ Pháp thuộc, PG bị khép vào đạo dụ số 10, nhưng khi Ngô Đình Diệm cuồng tín triệt tiêu PG, giành ưu tiên phát triển Kitô giáo, PG lúc bấy giờ mới đứng lên đòi hỏi thủ tiêu đạo dụ từ thời Pháp đối với PG, 11 hệ phái PG miền Nam kết hợp cho ra đời một GH với danh xưng GHPGVNTN sau khi Ngô Đình sụp đổ, đó là GH đúng nghĩa suốt 20 thế kỷ PG có mặt tại VIỆT NAM và thực sự một GH lịch sử cùng da thịt với dân tộc!
A/ ĐẠO PHONG - NỘI LỰC VÀ GIÁO HỘI
Từ lúc thăng cho đến khi trầm cùng dân tộc, những khi PG suy vi, không có nghĩa tu sĩ bê tha đạo đức hay tha hoá xã hội, trong quá khứ ấy, chư tăng thiếu nội chứng hoặc kém nội lực, thiếu tăng tài so với thời Lý Trần cung ứng cho xã hội, không có thạch trụ mang tầm vóc quốc gia, nhưng tăng phong đạo cách vẫn đủ để làm gương cho nhân quần; thời Pháp thuộc, tu sĩ PG phần lớn là thầy cúng, thiếu trình độ, nhưng tư cách vẫn có, tu sĩ không làm hoen ố xã hội. Một số rất ít các bậc chân tu đều ẩn cư, một số tu sĩ trẻ xã thn cứu quốc. Các Thiền sư tuy không xuất chúng, nhưng đạo lực có thừa như TS Khánh Hoà, TS Tịnh Khiết, TS Mật Nguyện,TS Bích Liên, TS Liên Tôn, TS Giác Tiên, TS Mật Thể, TS Thiện Hoa, TS Thiện Hòa, TS Hành Trụ…đều là những tấm gương mẫu mực cho tăng tín đồ đương thời; những thân giáo sinh tiền như vậy đủ để tăng sĩ và cư sĩ vâng phục, noi gương.
Nhưng từ khi GHPGVNTN có mặt gánh vác trách nhiệm cùng dân tộc, PG bắt đầu một hình thức mới, sinh hoạt mới, không còn hạn chế trong tông môn, có khuynh hướng hướng ngoại, mang tính xã hội, tăng sĩ được khuyến khích trang bị kiến thức thế học để cập nhật trình độ, kinh điển trở thành học lý để tham khảo hơn là hạnh môn tu chứng. Các Phật học viện, tu viện không còn là những Tòng Lâm nội quy, biến thành các giáo điểm nghiêng cứu học thuật, giáo luật và giới luật đã bị xem nhẹ, các môn phong không còn là chỗ đào tạo đạo lực cho tăng chúng; thu nhận đệ tử không qua thời gian tập sự thử thách như cổ đức đã làm, xuống tóc chưa đủ thời gian làm điệu, tự ý tách thầy ra nhận chùa; mới hôm qua là dân thường, mấy hôm sau đã làm thầy thiên hạ nhận sự lể lạy cúng dường của bá gia…bốn cuốn luật sơ đẳng Sa di chưa quen mặt chữ, năm đệ Lăng Nghiêm chưa hề nghe đến Diệu Trạm Tổng Trì…Thầy tổ thi đua cho đệ tử ăn học đặng nở mày nở mặt với các tổ đình.
Cái gọi là GH mới ra đời, hệ thống ban bệ tuy đồng bộ, nhưng chưa củng cố nội tình, chưa có cơ sở đào tạo tăng tài và chưa lập Tùng Lâm chuyên tu cho những bậc chí tâm xuất trần, vội dồn tâm lực vào cuộc đấu tranh đơn điệu, không được hậu thuẩn mà vào triều đại nhà Ngô, bạn bè năm châu đã lên tiếng đồng tình; thật sự GHPGVNTN bấy giờ một thân một mình cố gắng vận dụng đem lại hoà bình cho tổ quốc, đã bị thế lực chính trị các bên lợi dụng, phân hóa, nội bộ tu sĩ tự lo đời sống cá nhân và ăn học, không ai nâng đở, GH không có kế hoạch kinh tế tài trợ đào tạo tăng tài, vì thế một số tu sĩ trẻ thiếu bản lảnh tiến thân, đã lợi dụng tình thế xáo trộn của PG, chiến tranh của đất nước, tìm thế an thân, thủ lợi! Các môn phái trực thuộc GH hay ở ngòai GH đều buông thả đệ tử, không còn sợi giây tình cảm đạo nghĩa, giới luật tông môn ràng buộc, phong cách dần dà tha hoá.
Một tổ chức GH nặng về mô thức hành chánh, nhưng không có giáo quyền tuyệt đối như Kitô giáo, chắc chắn khó điều hành hữu hiệu, một cổ xe cồng kềnh nhưng cấu kết không vững chắc, người điều khiển sẽ khó đạt như ý, PG là một lực lượng bàng bạc trong quần chúng, không một ràng buộc nào hiệu quả ngoài tình cảm đạo đức và đạo vị, do vậy chư vị lảnh đạo GH bấy giờ khó mà thống nhất được ý chí và hành động, đưa đến chia rẽ là chuyện đương nhiên, và đối với nhân sự, tu sĩ, GH cũng không toàn quyền phán quyết hữu hiệu; GHPG chỉ là hình ảnh lung linh để bên ngoài nhìn vào thẩm định như một ảo ảnh qua bóng nước! Nếu sau 1963, GH dốc toàn lực cho việc đào tạo tăng tài và chuyên tu, với cặp mắt chính trị và xã hội, xem đó là thái độ yếm thế, thờ ơ, nhưng đạo lực và Hồng Đức tâm chứng sẽ giúp cho dân tộc nhiều hơn những thái cách mà GH đã chọn, lăn xả vào đời để rồi chỉ là điểm son giả tạo trên trang sử chính trị, đánh đổi lại một cơ đồ tan vở, bệ rạt kéo dài đến hôm nay cho giới tu sĩ! Có người sẽ đặt vấn đề ngược lại, thế trong quá khứ, PG cũng từng đóng góp cho đất nước chống ngoại xâm thì sao? Vâng, mỗi thời đại có một bối cảnh khác nhau, vào thời PG là quốc đạo, tinh thần nhất quán và đạo lực của các bậc chân tu phủ trùm dân tộc, uy tín PG và tiếng nói của chư tăng có sức mạnh của một hiệu triệu, chính trị đối phương chưa ma mãnh như ngày nay, kỷ thuật tình báo chưa tinh xảo và trong nhân dân không có nhiều tôn giáo, tôn giáo bấy giờ không thuộc loại quốc tế điều hành như ngày nay; PG không có hậu thuẩn quốc tế về chính trị cũng như quân sự, không cấu kết với ma lực, không thủ đoạn chính trị và cũng không là tổ chức chính trị khoác áo tôn giáo, tổ chức GH không chặt chẽ, tóm lại PG không có bất cứ yếu tố nào đủ để đối đầu với các thế lực thế gian ngoài thiện chí và tâm đức, dồn tâm lực vào canh bạc chính trị để kết cục là tay sai chính trị,một gia sản đổ vở và bệ rạc!
Chiến tranh VIỆT NAM chấm dứt trong hải hùng nhưng ít tổn hại, đành rằng một phần có công của PG, tuy có công với đất nước nhưng có tội với liệt tổ, chư Phật, vì không vun xới ngôi nhà Như Lai theo đúng khả năng mình. sau ngày thống nhất đất nước, PG được gì ngòai gia tài hoang phế, anh em đối đầu lẩn nhau, Phật sự đình trệ, uy tín giảm sút bởi chư tăng đánh mất niềm tin của đồng bào, tu sĩ mất định hướng, mất lý tưởng, mất niềm tin của đàn anh đương nhiệm, sống buông thả truỵ lạc, chạy theo vật dục thời đại…Tuy hiện nay còn có nhị vị tôn túc đạo cao đức trọng như TS T.Thanh Từ, TS T. Nhất Hạnh là ánh đuốc giữa đêm tối trên bầu trời PGVN, nhưng chưa đủ lực kết hợp toàn bộ tu sĩ PG còn ngái ngũ trên danh xưng những GH.
Cũng từ hai chữ GH mà PGVN đã phân hóa trầm trọng, mỗi bên đều bảo thủ vị trí, danh xưng làm đình trệ suốt 30 năm mà đáng ra PGVN phải vượt trội hơn các tôn giáo bạn; PG là đạo Vô Ngã nhưng bị vấp ngã bởi chấp ngã nặng nề. Ước gì Đạo Phật không bị ràng buộc vào danh xưng GH như chư tổ xa xưa, sẽ không bị vướng mắc, bấy giờ tinh thần thông thoáng bàng bạc khắp nơi, không gịới hạn bởi cơ chế tổ chức, PG như trăn hoa đua nở mọi lảnh vực trong cuộc sống; Những bài học đau xót trầm trọng như vậy, cấp giáo phẩm vẫn chưa rút tỉa kinh nghiệm, tiếp tục o ép các thành phần còn lại vô một tổ chức không tương xứng tầm vóc của nó, chẳng những thế, thủ thuật kết nạp thiếu tinh tế, dùng quyền lực đe doạ quá ấu trỉ, tạo thêm phân hoá vốn đã phân hóa; ví dụ Ban Hướng Dẫn Phật tử muốn các đơn vị Gia Đình Phật Tử trực thuộc sự quản lý của mình, thay vì thể hiện chánh nghĩa bằng động thái hiểu biết cảm thông và tôn trọng để các em tự nguyện tham gia, lại giở trò đe doạ, kết hợp với ban tôn giáo và công an, gây áp lực với các trụ trì, nhiều đơn vị bị trục xuất khỏi chùa vì không tuân lịnh. Có những vị trụ trì khôn khéo, vẫn duy trì GĐPT sinh hoạt mà không làm mích lòng bề trên, nhưng phần lớn các trụ trì quá yếu kém, sợ sệt đành xua đuổi những con em thánh thiện đó, những mầm non tương lai của PG. Chùa Vạn Hạnh , Bầu Nai, Hốc Môn, khi còn là thảo am nghèo nàn, các em GDPT hàng tuần sum vầy thật ấm cúng, khi chùa tái thiết khang trang, có sự đóng góp hàng tháng của các huynh trưởng trích từ tiền lương ít ỏi của mình, cho việc xây dựng, đến khi hoàn thành, các em bị xua đuổi, dời sang sinh hoạt chung với đơn vị bạn cách đó vài cây số, nhưng với tâm lành của con Phật, các em vẫn quây về giúp thầy vào những lể lớn, có những em trên mười tuổi, phải trở về nhà cách sáu cây số để ăn trưa rồi đến chùa công quả tiếp mà đáng ra, chùa phải bố thí cho các em bửa ăn chả đáng là bao! phải chăng đó là công hạnh của tu sĩ PGVN ngày nay chỉ biết lợi và dụng, không nghĩ đến tương lai PG từ những tín đồ thuần thiện? Hành động của phần lớn các cấp thẩm quyền trong GH đến các trụ trì, các tu sĩ , theo tập quán, thiếu phán xét cân phân, không đặt quyền lợi lâu dài của PP mà chỉ làm theo bản năng và phản ứng thiếu thận trọng của chính mình. Ngòai ra còn bao nhiêu chùaa, bao nhiêu chức sắc GH trong cả nước hành động có hại cho đạo và có lợi cho bản thân? Gần 50 năm qua, tu sĩ PGVN hướng ngoại quá nhiều, các ban ngành GH cũng hành xử thể hiện quyền lực nhiều hơn là tình cảm đồng đạo và quyền lợi dài lâu của PG. PG nói chung và PGVN nói riêng, không cần những GH, chỉ cần sự tu tập do các tông phái truyền thừa, chỉ cần thực tu, thực học như thuở xa xưa, nhờ thế PG đã đóng góp được nhiều cho đất nước. PG không cần một tổ chức GH mang tính hành chánh, chỉ có những tôn giáo mang màu sắc chính trị mới cần một tổ chức chặc chẽ để thống trị tín đồ, tạo lực lượng vững mạnh để cấu kết thế quyền.Tinh thần PG khác với tinh thần Kitô giáo, không thể bắt chước khung hình tổ chức đó để điều hành PG, PG vẫn phát triển khắp thế giới một cách hoà bình mà không cần một tổ chức GH nào; Nên chăng hãy trả PG trở về vị thế ban đầu của một giáo đoàn chuyên tu, vì xã hội rất cần những mẫu người thánh thiện.
B/ GIÁO HỘI - THẾ TỤC - QUYỀN LỰC
PG là tôn giáo thuần hướng tâm linh, nói cách khác, mục đích tối hậu là Tuệ Giác – Duy Tuệ Thị Nghiệp. Từ lúc đức Thế Tôn khai đạo đến hàng ngàn năm sau, mục tiêu vẫn không thay đổi; càng hướng nội, thiền quán, an trụ, thì ngoại cảnh và phương tiện vật chất càng giảm thiểu, ít vướng bận; GH ngày nay là một tổ chức mang tính tập quyền, những học lý tôn giáo đơn Thần thường đưa đến cực đoan, bạo động, độc tài; những học lý phi Thần, tổ chức GH sẽ dẫn đến chuyên quyền, lạm dụng, nhất là PG, một tín ngưỡng tâm linh không có khuynh hướng phóng ngoại, đề cao tự ngộ, tự giác, thì GH là một sự ràng buộc theo một mô hình, quy chế thuần thế tục, tạo không ít nhiêu khê cho tu sĩ.
Một bậc chân tu thuần tuý sẽ không đảm nhận bất cứ chức sắc, quyền hành nào từ tổ chức GH, ngược lại, các ban ngành trong cơ cấu tổ chức đó thường giao phó cho những tu sĩ không qua trường lớp hành chánh, không có khả năng chuyên môn, không có óc sáng tạo và tổ chức, nhất là không đủ uy tín cá nhân do đạo phong khiếm khuyết, dẫn đến thái độ cửa quyền, quan liêu, hống hách và gây khó nhau để có phong bì; phải chăng những tệ nạn trong GHPGVN ngày nay là phản ảnh trung thực từ những tệ nạn ngoài xã hội, khác chăng là những mỹ từ: cúng dường thay vì thủ tục đầu tiên của thế nhân. Một điều đau lòng, nghe ra như đùa, nhưng có thật, một tư sĩ từ nội thành, chuyển khẩu ra ngoại ô, qua thủ tục hành chánh của Công An quản lý hộ khẩu, chỉ tốn công mà không phải mất tiền, đến Thành Hội xác nhận, bị hạch sách khó dể để rồi một giá tiền không thể tưởng – ba chục triệu. Một học tăng , học ni xin đơn vào Trung cấp Vĩnh Nghiêm, bị chối từ vì hết hạn, sau đó được mách nước, một vị khác bỏ phong bì ba triệu, có ngay l đơn, mặc dù không có chứng chỉ sơ cấp. Thích Thiện Đức, một nhân viên v/p trường ngỏ ý với một học tăng trụ trì xin tám trăm ngàn để chuộc chiếc đồng hồ đã cầm vì thua cờ bạc. Chùa Hoằng Pháp Hốc Môn, thời gian đầu sinh hoạt Phật Thất, bị ban bệ Thành Hội cấm đoán vì những lý do hết sức vu vơ, giới hạn người tham dự, không cho các tỉnh thành tham gia, thầy Chân Tính nhất quyết không tiếp tay tham ô, nhờ một lá thư của Phật tử với lời lẻ đanh thép, Thành Hội đành chấp thuận cho tiếp tục sinh hoạt; cứ như thế, nhà nước không gây khó dễ cho PG, ngược lại nội tình sáng tạo những nhiêu khê, vừa thể hiện quyền lực, vừa được cúng dường bồi dưỡng; nếu không có quyền hạn được GH đặt để, có lẽ những chức sắc đó không có điều kiện để khó dễ tăng ni! người rắc rối với nội tình tăng ni, không lợi ích gì cho GH, cản trở nhiều Phật sự nhất, đó là Thiện Tánh!
Ngay cả tại v/p2 TW của PG, HT.Thiện Nhơn cấu kết Thiện Thống áp đảo gây khó cho Tắng ni của Câu Lạc Bộ Hoằng Pháp trẻ, vì họ quá năng động hoạt bát. Phải chăng những kẻ phá đạo đã nằm ngay trong TW Giáo Hội?
Tuy là một tổ chức nặng phần trình diễn, nhưng GH PGVN hiện nay ít nhiều mang sắc thái của quân chủ phong kiến, độc tài; Trong phần tham luận của anh Hồng Quang ở Đại Hội PG năm 2002 tại Hà Nội, đã nhiệt tình đóng góp để hòan chỉnh một GH trong hiện tình đất nước đang đổi mới, nhưng gần hết nhiệm kỳ 5 năm mà vẫn dậm chân tại chổ. Sinh hoạt GH hiện nay, ngoài Tăng ni, hàng cư sĩ đứng ngoài lề, nghĩa là cơ cấu tổ chức hiện nay đã tách rời phật tử tại gia với mọi phật sự mà trước đây, bốn mươi năm về trước, sinh hoạt PG, cư sĩ đảm trách toàn bộ, chư tăng chỉ chuyên tu, học và diễn giảng. Hình bóng tu sĩ bấy giờ là thần tượng tôn kính của mọi người. Ngày nay, tu sĩ bao cấp toàn bộ từ A tới Z, dĩ nhiên, phật sự đình trệ, cửa quyền phát sinh. Cũng trong tình trạng tha hóa chung, GHPGVNTN cũng không khá hơn, trong công cuộc chống Cộng, GHTN đã phạm phải từ sai lầm nầy đến sai lầm khác, sử dụng nhân sự sai lầm, thái độ chính trị sai lầm, phương án hành động sai lầm, tự tôn tự đại,độc tài, vì vậy tự mình đưa đến bế tắt phật sự là chuyện dể hiểu, tình cảm quần chúng giành cho GHTN ngày nay giảm suy rõ rệt, nhất là sau chuyến viếng thăm của TS Nhất Hạnh, GHTN đã chọn một hành xử đối với đồng đạo làm suy yếu uy tín tự thân! chẳng những thế, tiền bạc cũng làm hoen ố khá lớn hình ảnh cao thượng một thời của GH đó, khi hải ngoại gởi tiền về cứu trợ nạn nhân trong nước, Không tánh, sử dụng 200 triệu thế nào để phải tai tiếng tại Quảng Nam Đà Nẳng, trước đây vụ cứu trợ tại đồng bằng sông Cửu Long cũng lem nhem không ít, và khi HT Thích Huyền Quang ra Bắc gặp Thủ Tướng Phan Văn Khải, Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ 10 ngàn Euro, cũng lọt vào túi riêng của thầy Tuệ Sĩ; còn vô số tai tiếng của cán bộ thuộc cấp đã bôi đen bộ mặt GH do ỷ lại chức quyền, danh vị…Chức sắc PGTN tại hải ngoại từ hàng cao cấp trở xuống, hết 90% tai tiếng tiền bạc và tình dục, thậm chí phải ra tòa như các vị Giám mục Kitô giáo, vênh váo nghinh ngang ra bề ta đây là thầy thiên hạ; Dù GH nào, trong cũng như ngoài nước, đều phạm lắm tệ nạn, phải chăng, đây là thời mạt pháp mà Dân tộc VIỆT NAM là một, PGVN là một!?
Toàn bộ nhân sự sử dụng trong GH hiện nay được xét theo lý lịch nên ỷ thế cậy quyền, nếu trọng dụng bậc tài và đức, chắc chắn PG sẽ đóng góp hữu hiệu cho đạo và đời khá nhiều, do cơ cấu lảnh đạo bất toàn, nên các tu sĩ trẻ ngày nay sống buông thả sa đoạ, không ai nói ai nghe; Nhà nước thật sự lúng túng phải dung dưỡng một lực lượng cán bộ PG trong GH hiện tại, không giúp được gì cho một bộ mặt đổi mới của đất nước hiện nay đối với thế giới; đành rằng cũng có những cán bộ GH chơn chánh, nhưng làm được gì khi đa số bê tha?
C/ SỰ KHÁC BIỆT GH KITO GIÁO VÀ GHPG
GH La Mã là một tổ chức hòan thiện nhất thế giới đã trải qua 16 thế kỷ dầy dạng kinh nghiệm, ( bốn thế kỷ trước chưa có một GH đúng nghĩa như hiện tại ) vì mục đích:
-Củng cố , quản lý chặc chẽ tín đồ
-Thống trị tinh thần tín hữu một cách tuyệt đối bằng sự tin kính, vâng phục qua phép Thông Công
-Giáo Hoàng là người có quyền tuyệt đối quyết định thưởng phạt, vì là người duy nhất đại diện Thượng đế tại trần gian
-GH thủ đắc nguồn lợi tức từ kinh tài trên thế giới và các Giáo phận ở mỗi quốc gia có bổn phận đóng góp kinh tế cho tòa thánh
-Ngoài chức năng tôn giáo, GH còn là một quốc gia trong mọi quốc gia, nghĩa là quốc gia không biên giới, tuy lảnh thổ chỉ 44km2 tại Ý, nhưng GH có mặt hầu hết các quốc gia trên thế giới có tín đồ
-GH có những quyết định liên hệ vận mạng chính trị thế giới, vì GH liên hệ hữu cơ với các cường quốc qua quyền lợi kinh tế, cấu kết với chiến tranh và huỷ diệt.
- Pha trộn đức tin tôn giáo và quyền lực thế gian, vừa là một GH. vừa là một quốc gia, có đại sứ, khâm sứ tại những nước đã bang giao để củng cố quyền lực và quyền lợi
-Mưu đồ thống trị thế giới dưới trần để vinh danh Thượng đế trên trời, do vậy phạm phải nợ máu nhân loại suốt gần 20 thế kỷ
-Cán bộ GH qua trường lớp chuyên ngành, có trình độ hiểu biết nhất định
-GH chủ động về kinh tế, tài chánh và quyền lực
GHPG, trên cơ bản hành chánh là hệ thống điều hành một tập thể trên nhiều lỉnh vực, có nề nếp, thứ tự, nhưng:
-Không có một giáo quyền tuyệt đối, bởi tính bình đẳng theo tinh thần PG, tự giác, tự ngộ, không ai toàn quyền với một cá nhân khác, kể cả Đức PHật
-Tăng tín đồ không quen bị khép vào một kỷ luật tổ chức, ngoài kỷ luật tâm linh tự thân
-Tăng Thống, Pháp chủ là ngôi vị tượng trưng trong GH chứ không có quyền tuyệt đối đại diện cho Trời, Phật
-PG không quen làm kinh tế và không thủ đắc kinh tế, của cải theo tinh thần tri túc, thiểu dục, mọi sinh hoạt tuỳ thuộc vào sự hỷ cúng ( đây là thế yếu của một tổ chức )
-PG tách rời thế quyền, xa lìa danh vị thế gian, do vậy không thể nhập nhằng giáo hội và thế quyền, PG bị hoen ố khi tham gia Tuyên Uý quân đội thời Mỹ và thành viên Mặt trận hiện nay
-Tự thân PG không là chính trị nên tham gia chính trị, hành động chính trị hay thái độ chính trị thường va vấp lắm sai lầm
-Cán bộ GH không qua trường lớp đào tạo chuyên ngành, thậm chí ngành chuyên môn như Hoằng Pháp, lối đào tạo Giảng sư cũng chỉ là hình thức không đạt chất lượng và đúng quy cách, những ngành khác thuộc hành chánh càng không thể chuyên môn
-Tu sĩ PG là một hành giả chứ không thể là một hoạt giả trong xã hội.
- Đức Phật xa lìa quyền lực vương vị làm nên kỳ tích- Thiên Nhân chi đạo sư, PG không thể trở lại nhập nhằng thế quyền và tôn giáo, vì PG không thống trị bất cứ ai, kể cả tín đồ.
-Tự thân PG là giải thoát,cô đọng PG vào hệ thống tổ chức GH là phương tiện để chính trị lợi dụng.
Do những sai lầm đó mà GH cũng như tu sĩ thiên hướng xã hội không thích hợp tư chất của PG, nửa thầy, nửa thợ, vừa hoen ố PG, vừa nạn tai cho đất nước.
Mãnh đất thích hợp cho loại hoa quả tâm linh là nội quán, cách mạng tự thân, Tuệ Giác đó mới đóng góp hiệu quả cho dân tộc. Gần 50 năm, PGVN đã lệch hướng từ mục đích, hậu quả đưa đến là:
-lực lượng tu sĩ tha hoá
-Suối nguồn tâm linh èo uột
-Xa lìa quần chng, đánh mất uy tín,hao mòn tài năng; PG từng đồng hành với dân tộc, trở thành khách trọ của thế kỷ!
Có người sẽ bảo: mỗi thời đại có một hình thức sinh hoạt, ngày xưa trình độ dân trí và mức sinh hoạt không cần một GH hoàn hảo, ngày nay PG không thể sinh hoạt theo thời nguyên thuỷ! Xin thưa, có những cái cần cập nhật thời đại, nhưng với Tuệ Giác Đạo Phật không tuỳ thuộc thời đại, chỉ tuỳ thuộc trình độ tâm linh. Đạo Phật là đạo giác ngộ, đòi hỏi tuệ giác mà không cần một mô hình GH như Vatican hay thế quyền. Sự đóng góp của PG cho nhân loại ở tâm linh chứ không ở tổ chức.
KẾT
Ngày nay, sau 30 năm cầm quyền, nhà nước CSVN hiểu rõ bản chất của từng tôn giáo hiện diện trong đất nước, biết tinh yếu và nền tảng quan trọng của PG từng tẩm tưới cho quê hương; tuy hiểu chưa thấu đáo về PG nhưng biết PG là cầu nối giữa cội nguồn và hiện thực ; PG là nền tảng đạo đức xã hội và đạo đức tâm linh; Biết trọng dụng PG, PG sẽ là dưỡng tố nuôi sống tinh thần dân tộc, nếu sử dụng PG như một công cụ, chẳng những PG sẽ đánh mất giá trị tự thân mà còn trở thành gánh nặng cho đất nước.Phải biết cách trợ lực để PG phát triển chứ không điều hành PG phát triển theo ý muốn ; do có thiện ý nhưng không có phương cách và nắm rõ tư chất của PG, sự giúp đở đó nhanh chóng làm băng hoại PG; trước mắt, cái hại của tổ chức GHPG hiện nay, sử dụng nhân sự không qua tài năng và đạo đức mà thông qua lý lịch và công trạng.
Một hành giả PG trang bị quá nhiều kiến thức, sẽ trở ngại cho tâm thức quy chứng. Một tập thể PG trang bị hệ thống GH cồng kềnh sẽ là hiểm hoạ cho tự thân và vô bổ cho xã hội, vì tinh thần PG thóang đảng, siêu thoát chứ không thể ràng buộc! hậu quả như ta thấy hiện nay đối với PGVN.
MINH MẪN
06/7/2005
Thay cho lời kết
ĐỀ NGHỊ
-Phật giáo là một bộ phận tín ngưỡng của khối đại đa số qưần chúng VN, trong tổ chức GH hay ngòai tổ chức GH, số lượng quần chúng mang màu sắc Tam giáo được gọi chung là tín ngưỡng dân tộc, được sự bảo vệ của luật pháp, màu sắc tín ngưỡng nhân gian đã thể hiện đa dạng, mang âm hưởng PG chính thống cũng có, và pha tạp đức tin đa thần cũng không thiếu, đều nói lên nhu cầu tâm linh của con người, không riêng VN, ngay các nước tiên tiến cũng không thóat khỏi những bức xúc tâm linh, xem như điểm tựa tinh thần; Khi mà vật chất phồn thịnh, cũng khó thỏa mãn niềm hạnh phúc do tham cầu thúc bách.
Một khi xác định tính nhu yếu của tôn giáo và tín ngưỡng, chúng ta phân định thế nào là chánh tín và thế nào là mê tín. Tôi xin dẫn chứng một quan niệm chưa đúng của ông Phạm Quan Nghị, Bộ Trưởng TT-VH nói: T1n ngưỡng là có thể tin vào một điều tốt lành nào đó, hoặc tin vào giá trị về mặt văn hóa lịch sử nào đó, của các nhân vật có liên quan đến lễ hội. Nhưng mê tín dẫn đến chỗ anh xử lý không trên cơ sở đạo đức và khoa học. Cho nên phải khắc phục mê tín.
Ở đây chúng ta không tranh luận, nhưng quan niệm tín ngưỡng như the không ổn và chưa đủ nghĩa; Mà tín ngưỡng phải là: loại tín ngưỡng giúp cho hành giả đạt một trí tuệ, tình thương và ý thức trách nhiệm, không làm hại đồng bào, không làm trì trệ tâm linh và kiến thức trong xã hội, và khôpng tha hóa bản thân. Hiệu quả của nó có thể thể nghiệm được.
Hiện nay trong xã hội chúng ta có quá nhiều dạng tín ngưỡng, tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo; Riêng PG chính tông, tín ngưỡng đó không thể là mê tín, ngọai trừ một số cơ sở PG pha tạp thần giáo và tín ngưỡng dân gian như xin xăm bói tóan, thần tài thổ địa,đồng bóng...Để chỉnh đốn nền văn hóa tín ngưỡng, Bộ Văn Hóa Thông Tin nên có bộ phận chuyên môn điều nghiên, phân lọai, cái nào nên phát huy làm nền tảng văn hóa dân tộc, cái nào thuộc lọai thần giáo, khoanh vùng, hạn chế phát triển để người dân khỏi lún sâu vào mê tín, đưa đến nhiều tệ nạn buôn thần bán thánh, cờ bạc...
Chúng tôi có những vấn đề cần nêu, nhưng chính là Cơ Sở Vật Chất, Cơ Cấu Tổ Chức, Quyền Hạn PG trong xã hội hiện nay, và Giáo Dục Đức Tin quần chúng mà nhà nước ra sức thăng tiến đồng bộ:
1/ Cơ sở Vật Chất
- Một số địa phương lợi dụng lể hội để móc túi khách đi lể một cách vô lý. Những nơi nhà nước trùng tu, hoặc thiết lập các phương tiện vận chuyển, có quyền bán vé để thu hồi sở phí hoặc tu bổ cơ sở vật chất, nhưng một số chùa có danh tiếng, nhà nước không phải đầu tư, chùa tự túc tu bổ, vẫn bị thu phí khi vào cổng, và thật vô lý khi chính tăng sĩ vào chùa cũng phải mua vé, điển hình tại chùa núi Trà Cú ,Bình Thuận.
- Một số thuộc di tích lịch sử của PG, đáng ra nhà nước giao trọn quyền cho GHPG quản lý, phải có tu sĩ trụ trì, cai quản, chăm sóc, nhà nước có nhiệm vụ giám sát và đôn đốc nhân sự bảo tồn di tích đó, ngược lại, bộ phận Văn hóa Thông Tin lẫn PG không ai quan tâm đúng mức để xuống cấp một cách đáng lo ngại, chẳng hạn chùa Một Cột, Hà Nội...Một số nơi mang tính lịch sử nhưng chưa liệt kê vào lọai di tích, bị các hộ dân lấn chiếm mặt bằng, đánh trộm bảo vật pháp khí tam bảo như tượng cổ, chuông trống, lư hương chân đèn...
- Một số cơ sở PG nổi tiếng, tuy không thuộc di tích cổ, nhưng là lọai lịch sử đề danh như chùa Từ Đàm,Thuyền Tôn... khi xin phép trùng tu, bộ phận VHTT nên đề nghi bảo lưu cơ sở lịch sử như từng bảo lưu thành phố cổ Hội An. Không thể bảo đó là trách nhiệm của người điều hành cơ sở PG hay của GHPG mà bộ VHTT không có trách nhiệm
- VHTT tổ chức lể hội liên quan đến PG, nên hợp tác PG cấp tương đương để thích nghi với nghi lể đạo Phật và hạn chế mê tín, lạm dụng thương mãi dưới nhiều dạng thức, ví dụ lể hội chùa Hương hàng năm; Tết cổ truyền, địa phương nên hổ trợ các chùa danh tiếng giữ an ninh trậ tư vòng ngòai tránh ách tắt giao thông và các con buôn quấy nhiểu khách đi lể.
2/ Cơ Cấu Tổ Chức và Quyền Hạn PG trong xã hội hiện nay
Riêng PG, cơ cấu tổ chức do Ban Tôn Giáo và Mặt Trận điều phối, cố vấn và chỉ định. Tuy nhân sự vẫn là nhân sự của GH cũ, nhưng quy định, hiến chương đều do nhà nước sọan thảo. Bằng chứng, giáo kỳ và giáo ca biểu hiện của bất cứ tổ chức tôn giáo nào cũng phải có, thế mà PG, các ngài lảnh đạo trung ương không hề dám đề nghị xử dụng lá cờ ngũ sắc, một biểu tượng PG quốc tế mà PGVN xử dụng trên 50 năm qua, và bản giáo ca,biểu hiện trọn vẹn nhất cho một tổ chức PG thống nhất từ Nam chí Bắc mà trước 1975 chưa hội đủ yếu tố tòan vẹn, vẫn xử dụng. Còn rất nhiều bất cập trong cơ cấu tổ chức lẫn danh xưng khôing thích nghi với đạo ngữ nhà Phật, như Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự...Chủ Tịch Ban Trị Sự...thuần túy như một cơ cấu chính quyền thế tục! Chưa nói đến một số công tác mà cán bộ PG thừa hành chỉ thị từ nhà nước như một cán bộ chính quyền.
Do vậy, PG ì ạch như cổ máy bệnh họan, do không tự chủ , đủ thẩm quyền như tôn giáo bạn. Quyết định tổ chức lể cũng phải có sự chấp thuận từ nhà nước, ví dụ, lể Phật Đản, nhà nước ra lịnh làm xe hoa, tổ chức tự do, cho treo cờ, GH mới dám công bố cho các cấp cơ sở. GH không dám đạo đạt bất cứ nguyện vọng nào, dù hợp lý, lên cấp thẩm quyền, chẳng hạn chùa Hiển Quang bị đốt, GH không có quyền lên tiếng yêu cầu nhà nước can thiệp hay gửi văn bản thăm viếng nếu nhà nước chưa cho phép.
Do tính thụ động của PG trong thời bao cấp, vẫn còn di chứng đến nay, mặc dù nhà nước có thông thóang, và trên nguyên tắc, không can thiệp vào nội bộ tôn giáo, thế nhưng từ Trung ương đến địa phương, tu sĩ PG luôn chờ lệnh và đợi chỉ thị.
Quốc tế nghĩ gì khi đại hội PG tại Thủ Đô, luôn được nhà nước bao thầu từ cơ sở vật chất, địa điểm tổ chức, phương tiện đi lại cho các chức sắc và phí tổn suốt thồi gian Đại hội, đành rằng các cấp GH cũng phải đóng góp.
Một số cao tăng trong GH cũ trước 1975 đã viên tịch, GH cũng không được phép tổ chức giổ chạp, dù bản thân vị đó không thích ứng với nhà nước, nhưng đạo đức dân tộc không ai nở ghìm kẻ quá cố, huốnfg thay, các ngài không hề phạm pháp, có chăng không đồng quan điểm chính trị.
Một số nhân sự trong GH, được đề bạt bởi nhà nước, ỷ lại thế lực, tạo vây cánh, gánh nhiều chức vụ mà không hòan thành nhiệm vụ, do đó, Phật sự dậm chân, mỗi kỳ đại hội luôn báo cáo thành quả rực rỡ. Ta hiểu tại sao qua 30 năm, PG hầu như chưa có một thành tích xuất sắc đối với nội bộ, có chăng thành tích hòan thành chỉ tiêu do nhà nước yêu cầu như xây nhà tình nghĩa, đóng góp an sinh xã hội, hưổng ứng những ngày lể lớn...
Chư tôn đức cao niên vẫn lưu nhiệm đến mãn đời, trong khi những nhân tài PG cả tu sĩ lẫn cư sĩ không có đất dụng võ. Tinh thần điều hành cơ cấu GH mang tính phong kiến quan liêu không ai đủ thẩm quyền khắc phục, trong khi nhà nước cố gắng thanh lọc nội bộ đảng và chính qưyền đê kịp thời đổi mới, PG cứ phải nằm im duy trì quyền hành tại vị. Năm thứ tư sau ky đại hội vừa rồi vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển đàng kể.
PG chưa được phép thành lập bệnh viện riêng để phục vụ bệnh nhân nghèo và chữa trị cho tu sĩ, còn gặp lắm khó khăn trong việc xây dựng chùa chiền, tự viện
3/ Giáo dục đức tin quần chúng
Quần chúng chưa phân biệt thế nào là chánh tín và mê tín, một số tu sĩ PG cũng lập lờ trong vấn đề sinh họat tín ngưỡng do thiếu trình độ giáo lý hoặc vì lợi dưỡng cá nhân. Cần có sự kết hợp giữa bộ phận Văn Hóa TT và Phật giáo trong việc giáo dục quần chúng. Cán bộ nhà nước cũng cần hiểu thấu đáo về Tôn giáo khi làm công tác chính trị hoặc VHTT.
Một quốc gia thịnh vượng và khoa học không thể có tầng lớp nhân dân nặng mùi mê tín. Cán bộ nhà nước chưa phân biệt rõ thế nào là mê tín và chánh tín, tôn giáo nhân bản và tôn giáo phi nhân bản, vì thế đê nhiều hình thức tín ngưỡng lan tràn có hại cho trình độ tiến hóa của dân tộc, cũng như có hại cho an ninh xã hội.
Phật giáo, dĩ nhiên, qua 5 giới tại gia, có thể ổn định xãa hội, triết luận có thể nâng cao trí thức nhân lọai, thiền học và pháp hành có thể khai mở tâm thức và minh triết cho mọi hành động khi ý thức luật nhân quả, tự chế trong mọi hành động. Tóm lại, cả xã hội lẫn tâm linh, PG có thể đáp ứng tòan vẹn, nếu được giáo dục và huân tập đúng nghĩa.
Ngòai ra, cả PG và VHTT cần giáo dục quần chúng tinh thần yêu nước và bảo vệ văn hóa tổ tiên từ trường mầm non đến bậc đại học, giáo dục công dân phải song hành lể giáo và yêu nước, trung thực và can đảm!
Được giáo dục tốt, xã hội sẽ không bị văn hóa lai căn xâm thực, nhân dân không bị mua chuộc trước bả lợi danh, cán bộ nhà nước không nhập nhằng giữa văn hóa và thương mãi.
Tóm lại, để tránh những bất tòan vừa nêu, để PG thực thi sứ mạng tâm linh và giáo dục xã hội, để PG can đảm cởi bỏ tổ kén tự tạo, nhà nước nếu chưa đủ can đảm tách rời PG ra khỏi Mặt Trận, hãy khích lệ các chức sắc PG tích cực sinh họat, không chi phối PG dưới bất cứ hình thức nào, không đề bạt nhân sự vào GH theo lý lịch và nhiệm vụ giao phó ; không lạm dụng PG trong mục đích kinh doanh, khuyến khích GH lọai trừ những kẻ ỷ lại, tham ô, bất tài. Không dùng PG như vật trang trí chế độ, hãy để nó tự phát trong khuôn khổ luật pháp, tự khắc trăm hoa đua nở; Có như thế, PG cùng dân tộc tiến vào kỷ nguyên phát triển như sự phát triển nhà nước nhắm tới sự hòa nhập với khu vực và quốc tế!
Riêng nội tình PG, chư tôn đức cố phục hưng lại tu viện, Già Lam chuyên tu và kỷ cương gíới luật; trở lại cách giáo dục Thiền Môn từ thập niên 1930 trở về trước.
Các trụ trì và thầy tổ giáo huấn đệ tử, tăng chúng nghiêm minh; Sa thải những tu sĩ không có lý tưởng chân chánh. Thâu nhận đệ tử phải có lý lịch rõ ràng, có thời gian tập sự tối thiểu 3 năm, kinh luật nhuần nhuyển trước khi xuống tóc và thọ giới.
Mỗi quận huyện phải có lớp giảng hàng tuần nhắm vào giới bình dân, thường duy trì và phát triển các khoá tu Bát quan Trai, Thiền Thất, Phật Thất ngắn ngày cho tín đồ thấm sâu đạo đức. Mở rộng mạng lưới thư viện, phòng đọc sách, phòng nghiên cứu Phật học cho giới sinh viên và trí thức.
Về mặt xã hội, ngoài những đóng góp theo sự kêu gọi, PG phải có một hay nhiều đoàn thể hòa nhập xã hội, giúp dỡ những vùng sâu, vùng xa và vùng cao để nâng cao kiến thức vệ sinh và kiến thức phổ thông mà cuộc sống văn minh chưa được tiếp cận.
Ngoài các đơn vị Gia Đình Phật Tử, cần có các đoàn thể khác của các ngành nghề để giúp họ hiểu đạo và sống theo tinh thần yêu nước, tôn trọng sự sống và sự thật trong xã hội.
4/ Nhân sự: Không xét theo lý lịch, không bổ cử theo phe phái, tông môn, không có óc địa phương. Tu sĩ cũng như cư sĩ điều hành, phải có tâm, có đạo đức, có tác phong, có kiến thức phổ thông và Phật Pháp, năng nổ và hy sinh; không quỳ lụy trước quyền lực và lợi lộc…
Điều tối quan trọng, nếu có thể, PG làm một cuộc đột phá về tổ chức Giáo Hội:
Tu sĩ chỉ là cố vấn trong mọi ban ngành, và chuyên sâu tu tập, người điều hành là những cư sĩ có trình độ, có năng lực, hiểu đạo; Ngoài nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo, cư sĩ còn có bổn phận làm cho chánh pháp phát triển. Ngày nay, hầu hết các tổ chức PG trên thế giới, cư sĩ điều hành phần lớn nhiệm vu và kết quả do tính năng nỗ không thể phủ nhận.
PGVN phải can đảm đổi mới và đổi mới toàn diện.
MINH MẪN
No comments:
Post a Comment