Đánh bóng tên tuổi hay quả bóng xì hơi?
Trong vài tuần vừa qua, dư luận tại VN bỗng trở nên rất sôi nổi khi xuất hiện một một hai ông bộ trưởng mà mọi người đều cho rằng, các ông đó "dám nghĩ dám làm" và đã làm được vài việc đáng làm, như lập tức cách chức một viên chức dưới quyền; đòi hỏi ngành điện phải minh bạch trong việc đầu tư, mua bán điện; cấm các ấp dưới quyền không được chơi golf; hứa sẽ "vi hành" trên các xe buýt… Tuy là việc nhỏ, nhưng nó liên quan đến "đại sự quốc gia". Bởi nó bao gồm trên nhiều lãnh vực: giao thông, y tế, xăng dầu, giá cả, lạm phát, ảnh hưởng sống còn đến xã hội và đời sống nhân dân. Phải nhận định khách quan rằng, việc làm đó đã được một số lớn người dân hy vọng vào một "cái gì mới hơn sẽ đến", tình trạng chai lỳ, nhập nhằng, tham nhũng vặt… may ra sẽ bớt.
Bệnh hoạt đầu là bệnh … hay quên!
Nhưng lại cũng có người đa nghi hơn, cho rằng "quả bóng xì hơi" tí đỉnh rồi lại "vũ như cẩn" như bao nhiêu quả bóng xanh đỏ trước thôi. Sự "đa nghi" đó không chỉ ở lớp người già nhiều kinh nghiệm sống mà ở ngay trong giới trẻ.
Tuy nhiên, có một số người, chẳng biết có phải là "lạc quan tếu" hay không, lại tin rằng đó là biểu hiện của một số ông bộ trưởng đã từ lâu nhìn thấy các "sếp lớn" của mình phạm những điều chướng tai gai mắt, nay có dịp ngồi vào những chiếc ghế của "đàn anh" mới có dịp muốn thực hiện ngay ý định của mình.
Nhưng anh có tâm huyết đến đâu thì luôn bị những kẻ lệ thuộc vào những quyền lợi có sẵn, sợ mất ghế, mất mặt, sợ đồng liêu nổi hơn mình, nhảy ra cản đường. Những anh này không hiếm. Họ lại cho rằng mấy ông bộ trưởng nói hăng, làm liền như thế chỉ là để đánh bóng tên tuổi mình như ca sĩ quảng cáo cho cái danh mà thôi. Cái bệnh gọi là "bệnh hoạt đầu", nói rõ hơn là bệnh nói và làm chỉ được lúc ban đầu rồi quên, chẳng thèm ngó đến nữa. Thật ra thì chuyện đó xảy ra như cơm bữa nên họ mới có cớ để chèn chống.
Hoạt đầu và đánh bóng tên tuổi hay quả bóng xì hơi thì chúng ta cần phải đợi thời gian xem kết quả cụ thể sẽ mang lại những gì cho người dân. Hãy khách quan nhìn nhận vấn đề, không thiên lệch, không bôi bác quá sớm, không đặt quá nhiều hy vọng. Cái gì đáng khen thì cứ khen, cái gì đáng chê thì cứ chê. Đó mới là chính luận. Độc giả thừa thông minh để phán xét nhận định này.
Để đi vào chi tiết "tính thời sự", kỳ này, tôi nêu vài chuyện gay go về Giao Thông.
VN làm đường đắt hơn Mỹ 3 lần, đắt hơn nước khác 12 lần
Trước hết là nguồn tin về việc "Làm đường Việt Nam đắt gấp 3 lần Mỹ" làm người ta rùng mình liên tưởng đến làm tượng đài Bà Mẹ VNAH sang hơn Mỹ bị dư luận phản đối quyết liệt mà nay chính phủ VN đã ra lệnh ngừng tiến hành. Dân bớt được một mối lo, nhưng mới đây, thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, lại cảnh báo Trục đường TP Sài Gòn- Long Thành - Dầu Giây lẽ ra là dự án cao tốc hiệu quả nhất TP Sài Gòn, nhưng cuối cùng lại trở thành mối nguy cơ làm tăng gánh nặng nợ công cả nước vì suất đầu tư quá cao. Và cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép được ông Thành coi là hai dự án điển hình của lĩnh vực giao thông, một lĩnh vực nặng gánh nợ công và vẫn có nhu cầu rất lớn về đầu tư công.
Ở đây, chúng ta hãy bàn đến dự án thứ nhất. Dự án này đóng vai trò đường giao thông cửa ngõ của TP Sài Gòn. Rất nhiều yếu tố khiến dự án cao tốc có hiệu quả tài chính kinh tế cao như kết nối với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, kết nối với cảng biển nước sâu và kết nối với hệ thống đường cao tốc bắc nam. Lưu lượng dự trù của đường cao tốc này là 100.000 lượt đơn vị xe nhỏ mỗi ngày, cao hơn tất cả các trục đường cao tốc khác trong toàn quốc, nhờ vậy mà cơ hội thu phí cao.
Nhưng dự án này rất khó hút vốn tư nhân, 99,4% tổng mức đầu tư vẫn phải tài trợ bằng nợ công, khả năng chi trả rất khó khăn khi mà suất đầu tư quá cao. Tổng vốn lên tới hơn 930 triệu USD cho 55 km với 4 làn đường, suất đầu tư của dự án này là 18 triệu USD mỗi km, cao hơn hẳn các nước khác. Nếu loại trừ các chi phí xây cầu dẫn, đền bù giải phóng mặt bằng (bồi thường cho người bị mất nhà cửa ruộng vườn, dời đi nơi khác sinh sống), suất đầu tư riêng cho việc xây đường đã là 12,7 triệu USD một km. Trong khi đó, chi phí trung bình để xây một km đường cao tốc ở Mỹ chỉ là 1,4 triệu USD, tức 5,6 triệu USD cho 4 làn. Còn ở Trung Quốc hay Nigeria chỉ là 1 triệu USD.
Vậy là làm đường ở VN, nhân công VN mà cao hơn Mỹ 3 lần. Còn so với Trung Quốc hay Nigeria chỉ là 1 triệu USD, cao hơn đúng 12 lần. Không hiểu những nhà làm kinh tế ở VN và nhà thầu – có lẽ hầu hết là nhà thầu nước ngoài– tính toán thế nào?
Thạc sĩ Thành bình luận: "Chi phí đầu tư quá cao khiến một dự án dù có hiệu quả kinh tế nhưng vẫn nguy cơ khó trả nợ và tạo thêm gánh nặng nợ nần".
Khi ông Thành tới trực tiếp khảo sát dự án này, ông lo ngại: "Giờ thì khả năng trả nợ của dự án này lại gặp nhiều khó khăn. Không biết tới bao giờ có thể thu hồi được vốn để giảm gánh nặng nợ công".
Nợ như chúa Chổm, có thể vỡ nợ
Dù có chủ trưởng kiểm soát và hạn chế, nợ công tại Việt Nam vẫn liên tục tăng trong 10 năm qua, lần đầu tiên vượt mốc 50% vào năm 2009 khi thực hiện kích cầu và hiện lên tới 57,3% GDP theo công bố của Bộ Tài chính. Ông Thành dự báo con số này có thể đến sát 60% vào cuối năm nay và 70% vào cuối năm sau nếu Chính phủ chấp nhận giảm tăng trưởng để ổn định kinh tế. Ông Thành cho rằng nợ ODA với lãi suất ưu đãi... thì nợ công của Việt Nam cũng vẫn an toàn. Tuy nhiên, xu thế gia tăng nợ công tại Việt Nam trái ngược hoàn toàn với các nước trong khu vực với tỷ lệ trung bình chỉ vào khoảng 40% và đang giảm dần. Tỷ lệ an toàn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo cũng là 40%. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ tương đương 2 tuần nhập khẩu theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và khó tăng trở lại như thời đỉnh cao.
Ông Trần Xuân Giá , Nguyên bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, cho rằng điều đáng lo ngại của nợ công không phải là đã vượt qua ngưỡng cho phép, mà khả năng trả nợ của Việt Nam cực kỳ thấp. Ông nói: "Ai đó có diệu kế để nâng khả năng trả nợ của Việt Nam và làm thế nào để cuộc khủng hoảng nợ công của Việt Nam đừng xảy ra, nó vốn đang tăng nhanh rồi. Nếu cứ với đà này nếu không kiểm soát được chúng ta sẽ vỡ nợ".
Theo ông, việc làm đầu tiên khi tái cấu trúc đầu tư công đó là không cho "đẻ" các dự án mà vài năm nữa lại phải bàn cách thanh toán nợ nần. Còn với những dự án dang dở, dù hiệu quả hay không, ông Giá đề nghị Nhà nước nên bán đứt nếu thấy mình làm không tốt bằng tư nhân.
Không cần phải là nhà kinh tế đại tài, người dân cũng có thể thấy theo cách làm kiểu hiện đại và đúng tiêu chuẩn thì thường kiếm lời ít hoặc không có lời vì còn cái khoản lớn là "chung chi, chia chác". Phải "đôn" dự chi lên mới sống nổi và làm theo kiểu độn cọc tre thay cọc sắt, bê tông toàn cát và gỗ mục thay gỗ lim.
Hơn thế, gánh nặng nợ nần như ông Giá nói sẽ là… vô tận nếu còn ôm đồm những dự án đưa đến vỡ nợ. Chúng ta có quỵt nợ quốc tế được không? Chắc chắn là không. Dù có "chạy làng" thì người dân Việt vẫn phải trả nợ từ đời ông đến đời con, đời cháu. Xin nhớ là tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể chạm ngưỡng 60-65% vào năm 2015 như công bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10.
Hai vấn đề trên có vẻ là thuộc nền kinh tế mà người ta gọi là "vĩ mô". Nhưng thật ra chẳng có gì khó hiểu. Nợ nần tăng khiến tăng trưởng không ổn định và lạm phát càng tăng, dân càng khổ. Nó liên quan trực tiếp tới mọi mặt đời sống hàng ngày của người dân.
Mô hình đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây
Công chức lấy tiền đâu ra chơi golf
Bây giờ xin trở về với những mẩu chuyện hàng ngày thông thường hơn. Ông Bộ trưởng Giao Thông - Vận Tải, Đinh La Thăng bỗng nổi tiếng hơn hết các quan chức và nghệ sĩ đương thời bởi những quyết định táo bạo và rất thực tế của ông. Gần đây nhất là ông đọc báo, đọc ý dân và quyết định "vi hành" trên các chuyến xe buýt để biết rõ tình hình. Điều đáng nói tôi nhận thấy ở đây, chính là việc chịu khó đọc báo vá chịu chú ý đến tiếng nói của người dân. Thường các "đại quan" ít đọc báo vì "công việc đa đoan", còn thì giờ đâu đọc báo. Vả lại ý kiến của dân thì nhiều vô kể, ầm ì như sóng biển nên cứ nghe qua rồi bỏ hoặc không nghe cho đỡ nhức đầu. Báo mới đăng hôm trước, hôm sau ông Thăng đã trả lời bằng hành động cụ thể. Chưa bao giờ ở VN có hiện tượng này. Lâu lâu chỉ thấy "quan to" đi "kinh lý" với hàng đoàn xe hộ tống phía sau, có khi hú còi inh ỏi làm dân đi đường sợ xanh mặt.
Ông Thăng yêu cầu viên chức dưới quyền ông không nên đánh golf được đưa ra không qua cuộc họp tham mưu nào. Khi cấp trên yêu cầu có nghĩa như một cái lệnh. Tất nhiên, trong bộ của ông đã có nhiều vị công chức chơi môn thể thao quý tộc này. Ở VN đá bóng, chơi bóng bàn, bóng chuyền… là của mọi người, chơi tennis là nhà khá giả, còn chơi gôn thì đúng là môn chơi dành riêng cho "quý sờ tộc", cho những vị có thừa tiền. Con số người chơi gôn ở VN có thể đếm trên đầu ngón tay. Cứ hình dung khoảng 1000 người thì chỉ có 1 người chơi golf. Đó là ở thành phố, còn ở tỉnh, ở huyện lỵ thì tỷ lệ còn thấp hơn, phần nhiều là không ai chơi hết và cũng rất ít nơi có sân golf. Ngay cả xem chơi golf trên truyền hình, có mời cũng chẳng ai muốn coi.
Chi phí chơi golf bằng mấy chục cái gia tài nông dân
Theo tôi biết, những khoản chi phí cho cuộc chơi golf được tính theo đô la. Chi phí đó được chia làm 3 loại. Đối với hội viên (member) mức phí khoảng 15-27 USD cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên (member guest) phải trả giá cao hơn, khoảng 60-80 USD. Phí cho khách vãng lai (visitor) là cao nhất, lên tới trên dưới 100 USD. Để có được một chiếc thẻ hội viên trên thị trường hiện nay, người chơi phải trả tới 30.000 USD - 130.000 USD tuỳ sân. Các thẻ có thể mua đi bán lại tuỳ theo mức thoả thuận. Mỗi năm, đóng góp thường niên của nhiều sân khoảng trên dưới 1.000 USD đến khoảng 2.000 USD. Chưa kể đến muốn chơi được phải bỏ ra hàng năm trời tập luyện. Chi phí ban đầu cho thầy dạy cũng lên tới 50 USD cho mỗi buổi tập, trong thời gian một tiếng đồng hồ. Số tiền "đầu tư" chi phí vào cái thú chơi gôn bằng mấy chục cái gia tài của người nông dân. Và cái thú ấy mới du nhập vào VN trong những năm tháng "mở cửa" sau này, nó còn khá xa lạ với quần chúng, chỉ gần gụi với những vị thích "thời thượng". Cái thú ấy cũng chỉ là trò giải trí như đi vũ trường uống vài chai "cổ lùn" một hai triệu. Anh giàu anh có quyền chơi. Nhưng những vị công chức nhà nước thì luôn than lương không đủ sống, lấy tiền đâu chơi golf? Trong một buổi họp vào tháng 8 năm nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói thẳng: "Nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua".
Nhìn vấn đề ở khía cạnh khác, nếu một số quan chức ở Bộ Giao Thông Vận Tải chơi golf thì ở các Bộ khác, các cơ quan khác, chắc cũng chẳng chịu kém, đã có nhiều công chức chơi môn thể thao quý tộc này. Người dân có thể nhìn rõ nạn tham nhũng từ đó. Bởi vậy ông bộ trưởng mới phải lên tiếng.
Nhìn vấn đề ở khía cạnh khác, nếu một số quan chức ở Bộ Giao Thông Vận Tải chơi golf thì ở các Bộ khác, các cơ quan khác, chắc cũng chẳng chịu kém, đã có nhiều công chức chơi môn thể thao quý tộc này. Người dân có thể nhìn rõ nạn tham nhũng từ đó. Bởi vậy ông bộ trưởng mới phải lên tiếng.
"Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, vì dân phục vụ" mà sống xa rời quần chúng như thế là tự tách mình sang một giai cấp khác. Người dân nghèo chỉ còn biết chống mắt nhìn giai cấp thượng lưu ấy chơi trên đầu mình.
Một góc sân golf Vân Trì - Hà Nội
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn 29-10-2011
No comments:
Post a Comment