Nga, 'kẻ ngáng đường' khó chịu?
Công khai ủng hộ Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc, bác đề xuất trừng phạt Syria của NATO, cản trở mọi nỗ lực của Mỹ và Israel nhằm thực hiện cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran…
Với những động thái trên, Nga đang trở thành "kẻ ngáng đường" khó chịu trên vũ đài chính trị thế giới ở thời điểm hiện tại đối với Mỹ.
Sau khi hậu thuẫn Palestine gia nhập UNESCO, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục bỏ phiếu thuận ủng hộ nhà nước này trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Israel và Mỹ.
Ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, khẳng định: "Moscow sẽ bỏ phiếu ủng hộ bất cứ đề xuất nào của người Palestine. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, Nga không hối thúc họ làm điều đó. Ý chúng tôi muốn nói là: dù các bạn quyết định làm bất cứ điều gì thì chúng tôi cũng sẽ ủng hộ các bạn".
Việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức UNESCO hôm 1/11 vừa qua được xem như "buổi diễn tập" cho những gì sẽ diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nếu vấn đề tiếp nhận Palestine làm thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế được đưa vào chương trình nghị sự.
Ngay từ trước quá trình nghiên cứu đề nghị của Palestine gia nhập UNESCO, Mỹ và Israel đã cố gắng tìm cách dọa dẫm các thành viên khác trong tổ chức. Washington tuyên bố sẽ ngừng tài trợ UNESCO (tương ứng với 22% ngân sách của tổ chức). Tuy nhiên, lời đe dọa của Mỹ đã trở nên vô hiệu. 107 nước bỏ phiếu ủng hộ Palestine, đứng đầu là 2 thế lực Nga và Trung Quốc.
Không trực tiếp, nhưng Washington ám chỉ cho rằng sự ủng hộ ra mặt của Moscow làm phương hại tới mục đích của cộng đồng quốc tế về kế hoạch hòa bình toàn diện ở Trung Đông. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney thì cho rằng, quyết định của UNESCO là sai lầm trong quá trình khởi động lại hội nghị hòa bình trực tiếp giữa Israel và Palestine.
Bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói cuộc biểu quyết "gây tai hại sâu sắc cho UNESCO". Đáp trả, Mỹ cho biết sẽ phủ quyết trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an về việc Palestine xin gia nhập vào Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 11 tới. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định kế hoạch tài trợ 60 triệu USD cho UNESCO vào tháng 11/2011 sẽ bị ngưng lại theo luật của Mỹ).
Đại sứ Nga tại tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin. |
Trước đó, ngày 4/10, Nga đã dùng lá phiếu phủ quyết Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc can dự vào Syria, và đó được coi là một thất bại của ngoại giao phương Tây với "phần còn lại của thế giới".
Nghị quyết về Syria được cho là không dẫn đến bất cứ hành động can thiệp quân sự nào, nhưng Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin chỉ ra rằng "mục đích của văn bản dẫn đến sự thay đổi chế độ do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu tại Syria. Bản thân nhiều chính phủ phương Tây trước đó cũng nêu rõ mong muốn ông Assad phải ra đi".
Khi đó, báo giới các nước "thân Nga" đồng loạt có những bài nhận định, cho rằng: "Phủ quyết Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Nga đã gián tiếp ngăn chặn sự bùng nổ của thế chiến thứ 3".
Không hài lòng với lập trường của người đồng cấp, đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Susan Rice cho rằng nước này cảm thấy bị "xúc phạm" vì nghị quyết bị bác bỏ và cho rằng những ý kiến phản đối là "một mưu mẹo rẻ tiền của những kẻ muốn bán vũ khí cho chế độ Syria hơn là đứng về phía người dân Syria".
Theo giới phân tích chính trị, ngoài lý do quan ngại "kịch bản Libya" một lần nữa xảy ra ở Syria, quyết định bác bỏ nghị quyết về Syria của Nga nhằm "đón đầu" mối quan ngại ngại một ngày nào đó văn bản này sẽ chống lại trực tiếp đến lợi ích của Moscow, nơi mà Nga có nhiều lợi ích về quân sự và kinh tế tại Syria.
Mới đây, Nga tuyên bố tiếp tục bán vũ khí cho Syria kể cả trong bối cảnh chế độ Assad bị chỉ trích gay gắt vì hành động mạnh tay với người biểu tình. Thậm chí, vào cuối tháng 9/2011, một chiến hạm Nga đã thăm cảng Tartus của Syria trên đường về nước sau khi được triển khai chống cướp biển tại Biển Đỏ.
Không thuyết phục được Nga và Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã chuyển hướng tăng cường các biện pháp trừng phạt sẵn có đối với chế độ Assad, trong khi nỗ lực phối hợp với các tổ chức như Liên đoàn Arab, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ để đẩy mạnh đối thoại với các phe phái đối lập tại Syria chống chế độ Assad.
Tuy nhiên, khác với Libya (Nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhanh chóng được thông quan do Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng), nghị quyết về Syria đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết, do vậy, ý đồ lật đổ chính quyền Tổng thống Assad của Mỹ và đồng minh phương Tây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, dù làn sóng biểu tình ở Syria ngày càng lan rộng.
Nga đang thách thức Mỹ? |
Khi mà vấn đề Syria tiếp tục nóng bỏng, gây chia sẽ Hội đồng Bảo an, Mỹ và Israel mở rộng mặt trận Trung Đông, với đích ngắm là Iran.
Trong khi Mỹ, Israel và đồng minh tập hợp để tìm cách tăng cường sức ép lên Iran bằng các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn thì Nga bất ngờ "dội gáo nước lạnh" vào những toan tính của chính quyền Washington và Tel Aviv bằng tuyên bố kiên quyết bác bỏ khả năng trừng phạt thêm nữa nhà nước Hồi giáo.
Hôm 8/11, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chính thức công bố một bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran. Bản báo cáo này khẳng định họ có những "bằng chứng đáng tin cậy" chứng tỏ Iran đang tìm cách sản xuất các đầu đạn hạt nhân để có thể lắp đặt trên các tên lửa tầm trung Shahab-3.
Phản ứng ngay sau khi bản báo cáo trên được tung ra, Washington tuyên bố họ sẽ tìm kiếm "thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phát biểu: "Đó là những lời cáo buộc nghiêm trọng, những lời buộc tội nghiêm trọng và Iran phải có nghĩa vụ hợp tác với IAEA theo một cách thức minh bạch và đáng tin cậy để giải quyết những mối quan ngại đó".
Cùng chung quan điểm với Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt lên tiếng bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc về khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran". Hai nước này đã khẳng định "quyết tâm sẽ tìm kiếm những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nếu Iran không chịu hợp tác trong vấn đề hạt nhân".
Trong khi các cường quốc phương Tây sôi sùng sục tìm các biện pháp trừng phạt Iran thì Nga cũng phản ứng một cách đầy tức giận với bản báo cáo của IAEA. Moscow cho rằng, bản báo cáo của IAEA chứa toàn những dữ liệu mà mọi người đều đã biết nhưng đã được bóp méo đi vì mục đích chính trị.
"IAEA đã tung hứng với các thông tin để làm sao tạo được ấn tượng rằng chương trình hạt nhân của Iran có mục đích quân sự", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
"Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào thêm nữa nhằm chống Iran đều được cộng đồng quốc tế hiểu là một cách để phương Tây thay đổi chính quyền ở Tehran. Cách tiếp cận đó là không thể chấp nhận được với chúng tôi. Nga không định xem xét đề nghị trừng phạt Iran", Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định.
Ngoài việc từ chối tìm kiếm thêm các biện pháp trừng phạt Iran, giới lãnh đạo Nga cũng liên tục lên tiếng cảnh báo về việc một số nước được cho là đang bàn kế hoạch đánh Iran. Theo Moscow, một cuộc tấn công vào Iran sẽ để lại những "hậu quả khôn lường".
Mối quan hệ nồng ấm Nga - Iran. |
Theo ông Vladimir Averchev, Chuyên viên Hội đồng về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga, "Trong bối cảnh an ninh giữa các quốc gia luôn tiềm ẩn những mối đe dọa xung đột phi truyền thống, cùng với đó là sự can dự ngày càng công khai và độc đoán của Mỹ vào các điểm nóng của thế giới, thì việc "nổi lên" của Nga như "kẻ ngáng đường khó chịu" được xem là "cứu cánh" với nhiều quốc gia không thuộc quỹ đạo của Mỹ và đồng minh".
Hồi cuối tháng 4/2011, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ở dinh thự Gorki, ngoại ô thủ đô Moscow, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng thừa nhận vai trò đặc biệt của Nga trong việc giải quyết các cuộc xung đột lớn trên thế giới như ở Trung Đông, Bắc Phi, Triều Tiên…
Tùng Dương (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment