HỒ SƠ WIKILEAKS (55) :
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Thứ Tư - 7 Tháng 12, 2011
WESTMINSTER (NV) - Sự viên tịch của vị tăng được nhiều người kính trọng khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải buông lỏng sự kềm chế đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội bị nhà nước cấm.
Tang lễ Hòa Thượng Thích Huyền Quang do đó được diễn ra tương đối yên ổn, chỉ bị phá phách chút ít, nhưng tới năm sau, trong ngày giỗ đầu, nhà nước bắt đầu siết lại và gây khó khăn cho người tới dự.
Hòa Thượng Thích Huyền Quang là vị tăng thống (tức người đứng đầu giáo hội) thứ tư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Giáo hội này chính thức thành lập đầu năm 1964, và hoạt động cho tới sau năm 1981 khi bị nhà cầm quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật vì không chịu sáp nhập vào với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được nhà nước công nhận. Cá nhân hòa thượng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cấm, hòa thượng bị quản chế nhiều lần, kéo dài cho tới ngày viên tịch năm 2008.
Ngay khi Hòa Thượng Thích Huyền Quang viên tịch, vài ngày sau đó tòa lãnh sự Mỹ tại TP. HCM đã thông báo về Washington và tới các tòa đại sứ, lãnh sự khác trong các nước ASEAN. Bức công điện ngày 8 Tháng Bảy viết, "Ðệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang viên tịch ngày 5 tháng 7, 2008 tại tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh... sau nhiều năm bị bệnh tim, phổi, thận."
Tuy hai giáo hội "Phật Giáo Việt Nam" và "Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất" khác nhau xa về mặt quan hệ với nhà nước, nhưng khi Hòa Thượng Thích Huyền Quang viên tịch thì, "theo nguồn tin từ GHPGVNTN, các lãnh tụ hai giáo hội PGVN và PGNVTN đều đồng nhất trong việc chia buồn và cầu nguyện" cho người quá cố. Lý do được giải thích trong công điện đề ngày 11 tháng 7 sau đó: Vì với các tăng sĩ của GHPGVN, Hòa Thượng Thích Huyền Quang "cũng là sư phụ của họ".
Ngay từ lúc Hòa Thượng Thích Huyền Quang trọng bệnh, đã có hơn 20 tăng ni GHPGVNTN "tổ chức canh thức bên giường bệnh từ cuối tháng 5," trong đó có Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ (sau đó sẽ trở thành vị tăng thống thứ 5). GHPGVNTN cũng dự trù đứng ra chủ trì tang lễ. Công điện của ngoại giao Mỹ không nhắc tới, nhưng trong thời gian này nhiều cơ quan báo chí nhà nước như báo Nhân Dân, báo mạng VietNamNet đăng bài tấn công GHPGVNTN và Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ và tố cáo GHPGVNTN "thừa cơ mưu toan nhằm gây rối trật tự xã hội" và "lợi dụng Hòa Thượng Thích Huyền Quang để lập tổ chức đối lập".
Công điện cũng trích lời GHPGVNTN cho rằng "sẽ 'không có khó khăn gì' khi khoảng 30 đến 40 vị thuộc GHPGVNTN từ Huế, Quảng Trị, Tiền Giang và tỉnh Lâm Ðồng tham dự" tang lễ.
Tang lễ yên ổn giữa vòng vây công an
Tang lễ sau đó có diễn ra yên ổn thật. Công điện ngày 11 tháng 7 cho biết: "Ngoài các vị trưởng lão cao cấp của GHPGVNTN, còn có vị đứng đầu Hội Ðồng Chấp Hành của GHPGVN của TP. HCM, Thượng Tọa Thích Trí Quảng, cũng như nhiều vị sư khác trong GHPGVN từ Hà Nội và TP. HCM cũng đến tham dự lễ."
Nhân dịp tang lễ, nhà nước có nới tay đối với các vị tăng sư từ các tỉnh thành khác, mặc dù ngay tại tang lễ thì "khoảng 30-40 công an thường phục đang đứng gần và ngay cả bên trong Tu Viện Nguyên Thiều". Công điện viết: "Nhiều nhà sư ở tỉnh, trước đây bị ngăn cấm du hành, cho biết rằng họ đã tìm cách xoay xở đi Bình Ðịnh cho kịp dù cuối giờ lễ tang cũng được; và nguồn tiếp xúc GHPGVNTN cho biết nhà cầm quyền 'đã không làm gì công khai ngăn trở tăng lễ.'"
Phía bên GHPGVNTN không phải vì vậy mà bớt cẩn thận (có lẽ vì họ đã đọc những điều nhà nước viết trên Nhân Dân, trên VietNamNet). "Tỳ kheo Thích Không Tánh của GHPGVNTN cho biết các vị trong GHPGVNTN đã sắp vòng kín vây quanh quan tài để ngăn ngừa các thành phần không phải của GHPGVNTN 'chen lọt vào.'"
Nhà nước cũng buông ra để các tổ chức chống đối và truyền thông hải ngoại gửi vòng hoa viếng. Công điện cho biết "vòng hoa phúng điếu do đài phát thanh Á Châu Tự Do, cộng đồng Phật Giáo ở Hoa Kỳ và Khối 8406 được trưng bày".
Tuy nhiên, sau đó thì họ lại định trộm những vòng hoa đó đi. "Các tăng sĩ GHPGVNTN nói rằng có vài 'người ngụy trang' lẻn vào tu viện đánh cắp vòng hoa, nhưng đã bị phát giác và đuổi ra ngoài."
Lễ giỗ nhiều vấn đề
Nếu tang lễ diễn ra tạm yên ổn, thì lễ giỗ lại khác. Tuy không có đụng độ đối đầu trực tiếp tại lễ giỗ, nhưng ở các địa phương, công an tìm cách ngăn chặn các vị trong GHPGVNTN đừng tới lễ giỗ, theo tường trình trong công điện đề ngày 4 tháng 8, 2009.
Tổng thư ký của GHPGVNTN là Thượng Tọa Thích Viên Ðịnh cho biết "bị một toán công an địa phương chận lại sau khi ông tới Bịnh Ðịnh". Họ mời ông xuống đồn công an để thẩm vấn, và "dọa trục xuất ông khỏi tỉnh nếu ông từ chối chấp hành lệnh này". Thượng tọa vẫn từ chối, nói rằng quá bận bịu với lễ giỗ. Sau đó, Thượng Tọa Thích Viên Ðịnh "có mặt dự lễ và trở về TP. HCM vào ngày 26 tháng 7 mà không có biến cố gì," theo xác nhận của Tỳ Kheo Thích Viên Hy.
Bức công điện có cho biết bản tin của trụ sở GHPGVNTN ở Paris cho rằng Thượng Tọa Thích Viên Ðịnh bị bắt nhưng tòa tổng lãnh sự nói họ không có thông tin nào như thế.
Một vị lãnh đạo khác của GHPGVNTN cũng gặp khó khăn. "Thượng Tọa Thích Tâm Liên, trưởng lão Hội Ðồng Giáo Phẩm GHPGVNTN tại tỉnh Bình Ðịnh, cũng báo rằng bị chận đường khi đi đến Tu Viện Nguyên Thiều và kể cho tổng lãnh sự nghe, để khỏi bị thêm người khác ngăn chận, ông đã phải đi đường núi rất hiểm trở để vào tu viện."
Nhiều Phật tử khác cũng cho hay bị công an tới gặp và "tìm cách áp lực họ hủy bỏ chuyến đi Bình Ðịnh," công điện viết. Chuyện này xảy ra ở nhiều nơi: "Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Ðà Nẵng."
Ở Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ không đi Bình Ðịnh dự lễ giỗ được "vì sức khỏe quá kém," công điện viết.
Tới ngày giỗ, nhà cầm quyền "không công khai ngăn trở lễ nghi tiến hành," công điện cho biết. Nhưng mặt khác, có tới "khoảng 100 công an thường phục và công an sắc phục đi tuần tra khu vực chung quanh Tu Viện Nguyên Thiều, quay phim và tra xét những người tụ hội".
Láng giềng cũng bị vạ lây: Vì không đủ chỗ trong Tu Viện Nguyên Thiều, nhiều tăng ni phải tạm trú bên chùa Thập Tháp ở gần bên. "Khoảng 50 công an địa phương đến lục soát chùa Thập Tháp."
Link của công điện:
No comments:
Post a Comment