TỰ TÁNH DI ĐÀ (5)
Như đã nói trong bài số 4, một số tôn giáo tại Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong một số quan điểm khi cấu thành giáo lý cá biệt, đồng thời cũng lập thành những kiến giải, những quan điểm về vũ trụ, về nhân sinh và về xã hội, từ đó có những luật giới răn cấm mang tính cực đoan khắt khe và khổ hạnh nhằm mục đích thăng tiến tâm linh.
Khởi đầu cho một quan điểm về nhân sinh và vũ trụ, đặt trên nền tảng tâm linh, đức tin, luôn là một luận thuyết mang tính triết học và cực thiện. Một khi biến thành một tổ chức, một lực lượng đông đảo quần chúng, vấn đề nghi tắc sẽ phát sanh; Khi quần chúng đông đảo với trình độ phổ thông và lòng trung thành cuồng nhiệt, học thuyết tâm linh đó bị kéo xuống ngang tầm sinh hoạt đại chúng mang nặng hình thức với nhiều màu sắc. Thời gian càng lâu dài, học thuyết tâm linh đó càng mang vẻ thần bí và hiện thân qua nhiều biểu tượng sắc tướng cũng như âm điệu nhạc lễ, từ đó, biến sanh một tôn giáo. Nói cách khác, tôn giáo là sự xuống cấp của một học thuyết tâm linh mà khởi nguyên, các vị khai sáng không chú trọng đến ngẫu tượng và tán tụng. Càng biến tướng tôn giáo, hình thức càng rườm rà, thần bí càng đậm sắc siêu thực. Tuy nhiên, những tin ngưỡng thần học cổ thuần túy tôn giáo như Ấn giáo Phệ Đà và một số giáo phái cổ của Ấn Độ, luôn sùng phụng và thần hóa một vị anh hùng trong các cuộc chiến đấu bộ tộc; phụng bái các hiện tượng thiên nhiên, đó không là học thuyết tâm linh mà là thuần túy một tín ngưỡng với nhiều lễ nghi hiến tế và đẳng cấp chức sắc. Khi Bà La Môn xuất hiện, đã nâng cấp Phệ Đà lên mối tương quan tâm linh giữa nghi lễ tụng tán, hiến tế và với năng lực siêu nhiên. Trình độ dân trí mỗi lúc một tiến hóa, Bà La Môn gíáo cũng cải tiến quan điểm, bổ sung một số luận thuyết mang tính triết lý về luật luân hồi, nhân quả, nghiệp tái sinh…trong Áo Nghĩa Thư. Từ đây, quần chúng không chỉ biết cầu nguyện để vãng sanh Thiên quốc mà còn phải hành thiện tạo nhân lành. Chư Thiên và hiến tế không giúp liễu sanh thoát tử, vì chư Thiên vẫn còn chịu tác động bởi luật nhân quả, vẫn chịu tái sanh theo nghiệp lực. Từ đấy, Giai cấp tế lễ không còn độc quyền; khởi đầu cho các giáo thuyết độc thần, vô thần , phi thần phát sinh.
Nói về tự tánh quang năng, ta xét đến những học thuyết không thuộc phạm trù tín ngưỡng tôn giáo, những học thuyết mang tính triết học tâm linh siêu hình và nội tại như Phật giáo, Kỳ Na giáo, Yoga…
Giáo chủ Kỳ Na – Mahavir, xuất hiện cùng thời với Đức Phật , nhưng theo sử liệu của Kỳ Na thì có trước thời Phệ Đà, trãi qua 24 vị tổ truyền thừa, nghĩa là đã xuất hiện hàng ngàn năm, nhưng các sử gia phương Tây không chấp nhận luận điểm đó vì không có một sử liệu chứng minh sự truyền thừa; về đại thể và lịch sử giáo chủ Mahavir, hình như không khác nhau mấy đối với Phật giáo, cũng xuất thân từ hoàng tộc, cũng bỏ ngôi báu đi tu. Về giáo lý cũng chủ trương chay tịnh, bất bạo động, thoát ly sanh tử; Nhưng Kỳ Na giáo chủ trương khổ hạnh. Kỳ Na giáo không chấp nhận một Thượng Đế sáng tạo vạn vật, quan điểm nghiệp quả do chính mình tạo nên, muốn thoát ly sanh tử phải khổ hạnh hành xác trả quả. Bất bạo động từ ý nghĩ đến hành động và lời nói để không tạo thêm nhân quả mới. Một hệ phái khác của Kỳ Na giáo là Digambaras mang tính cực đoan hơn về giới luật như phải chấp nhận những điều khổ hạnh: đói-khát-lạnh-nóng- không mặc áo quần-sống chung với muỗi, chuột, con trùng, xa lìa vật chất, tính dục…Kỳ Na giáo chấp nhận tính tương đối và hai mặt trong một hợp thể như nhị nguyên của nhà Phật hay lưỡng nghi của Đạo học. Kỳ Na mang tinh thần triết học trong cuộc sống và siêu hình học trong nhận thức. Quan điểm tu tiến thăng hoa của Kỳ Na nhắm vào mục đích trả nghiệp và ngăn nghiệp để thoát khỏi sự ràng buộc chi phối của nghiệp quả. Như vậy năng lượng sinh học bị hạn chế cho việc hỗ trợ năng lượng sinh thức khi mà thân xác phải chịu nhiều khổ hạnh. Và năng lượng sinh thức cũng khó phát huy hết nhiệt lượng để khai triển ánh sáng trí tuệ. Khác với các tôn giáo cổ chuyên về nghi lễ hiến tế tán tụng, Kỳ Na tập chú vào thiền định, dùng tâm thức để quán chiếu mọi hành hoạt, nhất là bất bạo động trong tư tưởng và bất tổn hại qua hành động cũng như sinh hoạt thường ngày. Khác với quan điểm Phật giáo, Kỳ Na nhìn vấn đề vũ trụ, nhân sinh và đời sống của một hành giả là một thực thể, tồn tại khách quan, sự hiểu biết của con người đối với mọi vật bị hạn chế, trong khi đó Phật giáo được lập cước trên căn bản tự tánh cá biệt :" nhất thiết duy tâm tạo" và "tam thế duy tâm vạn pháp duy thức". Một điểm trùng hợp giữa Kỳ Na và Phật giáo là không bị khống chế bởi quyền năng ngoại tại, vì thế vô thủy vô chung là quan điểm thoát khỏi một đấng sáng tạo để cá nhân toàn quyền quyết định vận mạng mình theo nghiệp vận nhân quả do mình tạo ra. Đòi hỏi vận dụng trí tuệ để đưa đến giác ngộ, đó là quang năng tự tánh hằng hữu. Do quan điểm sở kiến khác nhau nên đưa đến pháp hành và luật giới khác nhau mặc dù có vài điểm trùng hợp như tôn trọng sự sống, lìa xa vật dục, phủ nhận giai cấp....
Ấn giáo – Trước khi có sự phân định minh bạch các tôn giáo tại Ấn độ, người ta nhìn chung các tôn giáo đương thời gọi là Ấn độ giáo, vì thế một số nhà nghiên cứu phương Tây đã nhận định: Phật giáo, Kỳ Na giáo, Yoga và các giáo phái nhỏ khác là những chi nhánh của Ấn giáo, thật ra những học thuyết tín ngưỡng từ thời Phật xuất hiện, các triết gia, Yoga…không phải là chi nhánh của Ấn giáo mà do Ấn giáo thống trị xã hội bằng những quan điểm giai cấp và nặng về tín ngưỡng thần quyền, hiến tế sinh vật, tạo ra luật Manu để bảo vệ đặc quyền cho giai cấp Tăng lữ cấu kết với thế quyền để khống chế các giai cấp thấp trong xã hội. Ấn giáo sau thời Vệ Đà, qua nhiều canh tân được gọi là Bà La Môn giáo, còn gọi là Hin đu chối bỏ một Ấn giáo Phệ đà, được nâng cấp lên hệ tầng triết luận và khoa học hơn, đó là hậu Vệ đà, ảnh hưởng không nhỏ nền văn hóa của giống dân Ary an. Áo Nghĩa Thư đã biết luận chứng về nghiệp quả, luân hồi và siêu hình. Một bộ phận nhỏ của giới Tăng lữ chuyên tu luyện trong thâm sơn cùng cốc đã nương vào bộ Sấm thư hướng dẫn pháp hành. Dần dà phát triển một hệ phái thoát khỏi quan điểm Thần học. Lấy tự tánh để chuyển hóa nghiệp quả, không cần phải cầu xin thần linh hay hiến tế như giai cấp Tăng lữ Bà La Môn; Từ đây, vô số học phái xuất hiện với một quan điểm mới, Thần học biến thành vô Thần, phi Thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo, phái Số Luận, Karma Yoga- Jnana Yoga- Raja Yoga… Thần sáng tạo Brahman dần dần là tự tánh của một Atman; Atman và Brahman là một. Những học lý như thế xuất hiện hậu Bà La Môn giáo, phát sanh hàng loạt môn phái hoạt động tâm linh, ly khai với Thần giáo. Lấy con người làm trung tâm để chuyển hóa cuộc sống và vũ trụ.
Yoga, Tuy thoát thân từ Ấn giáo Vệ Đà, ngoại trừ Bhakti Yoga chuyên về tế lễ, nặng ảnh hưởng Tôn giáo cũ, bốn loại yoga còn lại không mang tính thần quyền. Có mặt trên 5.000 năm trong cái nôi Ấn giáo, từ sự nhiêu khê của lễ tục, nặng về mê tín và giai cấp, những tu sĩ cấp tiến đã nhận thức rõ tiến hóa tâm linh không lệ thuộc vào thờ cúng, giá trị con người không nằm ở giai cấp mà do ý thức và sự hành xử. Chính vì thế, Đức Thích Ca đã có câu nói nổi tiếng:" Không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn", và tiến bộ hơn, các Tăng lữ không bị ràng buộc vào vật dục thế gian để tâm tư vượt thoát sự chiêm nghiệm. Hành giả thực hiện Karma Yoga cẩn trọng lời nói, hành động trong ý nghĩa nhân quả, Jnana Yoga có tính minh triết, dựa vào kinh thư để luận đàm tìm ra chân lý. Raja Yoga mang tính quán chiếu nội tại, thoát khỏi tinh thần tôn giáo để đưa đến giải thoát giác ngộ. Hatha Yoga là loại thể dục và đức dục, tuy vậy, đỉnh cao của Hatha Yoga vẫn đưa đến tâm linh trước khi bước qua ngưỡng cửa Raja Yoga. Khởi đầu của Thiền định là sự chiêm nghiệm Thần linh, đấng tối cao Ishvara, hòa nhập trong tĩnh lặng; Khi phát triển năng lực thiền định, tiến bộ trong nhận thức phi lễ tục, Bà La Môn nâng tâm thức và linh hồn hòa nhập cùng Brahma làm một; trong khi đó, Thần học Kito cũng từ chiêm nghiệm và hiến dâng, có một ranh giới giữa Thượng đế và cá thể: " Chúa ở cùng cha, Chúa ở cùng anh chị em", và về Thiên quốc hầu cạnh Chúa, quỳ bên chân Chúa, nghĩa là có một đối thể để cá thể đi vào. Ngược lại, Phật giáo trên tầng minh triết, cá thể và đối thể chỉ là một, khác nhau từ sự chuyển hóa mà không phải hội nhập. Ngoài những hệ phái tâm linh, một số giáo phái đương thời chú hướng đến luận lý để tìm ra chân lý. Những luận đề đều đặt trên cơ sở giáo thuyết cổ. Cho dù Kỳ Na hay những hệ phái tâm linh đương đại có tiến bộ hơn Bà La Môn, cố thoát khỏi ràng buộc của tôn giáo chính thống đó, nhưng vẫn là sự hội nhập cùng đối thể không thông qua lễ bái. Riêng Phật giáo, Thiền là phương tiện hướng nội, thoát mọi ảnh hưởng ràng buộc cho dù là đức Phật, giải thoát hoàn toàn, giải thoát ngay chính tâm thức tự thân, năng lượng sinh thức từ đó mới tỏa sáng mà không bị vướng bận bởi hạn giới của bất cứ đối thể nào.
Mỗi hệ phái, mỗi tôn giáo đều có một năng lượng nhất định, năng lượng đó không đến từ bên ngoài mà hiện diện ngay chính tự thân, tùy phương tiện khai thông mà năng lượng được phát triển vô tận hay bị hạn chế. Các tôn giáo và ngay cả Kỳ Na giáo đều công nhận thế gian pháp là thực hữu, chỉ có tâm thức, sự nhận định là bị hạn chế nên không thấu hiểu hết bản chất sự thật vũ trụ. Phật giáo lại nói rằng: " Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" hoặc là" Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyển bào ảnh". Chính vì không có thật tướng đó nên tâm thức hành giả không bị giới hạn bởi giả tướng, vượt thoát hoàn toàn khi hành giả thực chứng vô sanh pháp nhẫn. Năng lượng sinh thức bùng vỡ. Chính vì vậy, hầu như kinh tạng Phật giáo đều mang dấu ấn của tính KHÔNG. Một khi không vướng vào những hiện tượng dù là hữu vi hay vô vi, năng lượng sinh thức mới toát hiện hết được năng lực tiềm ẩn, đó là quang năng của Tự Tánh Di Đà. Bên Đạo học tuy không nói đến đấng sáng tạo, nhưng hành giả Tiên gia cũng quy nạp "Tam giáo quy nguyên để Ngũ chi hiệp nhất" hợp với cơ sáng tạo. Phật giáo có " Tam quy ngũ giới" thì Tiên giáo có "Tam Bửu ngũ hành". Tam Bửu của Tiên gia là Tinh-Khí-Thần. Tam bửu nầy hiệp nhất ( do quá trình luyện đạo) tượng hình Vô cực, một năng lực phi thường, đắc được Kim Thân bất hoại là khai mở tuệ giác thoát ly sanh tử.. Khai mở tuệ giác của Tiên gia là năng lượng sinh thức được cân bằng Âm-Dương thoát khỏi trần tục trở về với vô cực, đó là bậc Chân nhân của Tiên giáo.
Thế thì, ngoài những tôn giáo mang tính Thần quyền, các môn phái lấy tự thân làm điểm chuyển hóa mọi ràng buộc của thế tục, cũng đều đưa đến sự khai mở quang năng sinh học vốn tiềm ẩn trong mỗi sinh loại. Tùy mỗi pháp hành khác nhau, lấy tiêu điểm cho pháp hành khác nhau mà kết quả có khác, nhưng cái chung vẫn là khai mở Tự Tánh Di Đà sẵn có của chúng ta.
MINH MẪN
15/12/201
(CÒN TIẾP)
No comments:
Post a Comment