xuôi ngược trên
CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Bài số 4
HỒ TẤN VINH
3. - LỰC LƯỢNG VIỆT NAM
Một lực lượng chánh trị là một tổ chức để huy động quần chúng để xử dụng áp lực của quần chúng như một vũ khí. Một lực lượng phải có đầy đủ ba yếu tố.
Ban Lãnh đạo
Nhiều đồng sự nồng cốt mà ta có thể gọi dưới nhiều tên như: cán bộ, đồng chí, chiến hữu
Và quần chúng ủng hộ.
Dựa trên ba điều kiện trên, ta có thể thấy ngay rằng các người Đối Kháng không phải là một lực lượng. Mỗi cá nhân là một lãnh đạo đơn độc, họ không có nhiều đồng sự để truyền đạt mệnh lệnh. Họ phải tùy thuộc vào sự giúp đở của các cơ quan truyền thông để đến với quần chúng. Vì vậy mà tầm ảnh hưởng bị giới hạn. Nhưng tầm ảnh hưởng của họ không nhỏ. Họ là người dọn đường và dẫn đường cho mọi sự thay đổi.
Cũng dựa trên ba điều kiện trên, ta cũng có thể thấy rằng Người Việt Hải Ngoại - mặc dầu có khả năng rất lớn - cũng không phải là một lực lượng. Họ không có ban lãnh đạo, họ không có cán bộ để tổ chức. Họ chỉ có quần chúng chống cộng ủng hộ, nhưng quần chúng này bơ vơ, không biết nghe lời ai? Nhiều khi vì quá yêu nước, họ dễ bị lừa đão.
37 năm đã vậy rồi, đâu có hy vọng gì ngày mai sẽ khá hơn.
Cho nên, để xử dụng khả năng to lớn mà mình có, Người Việt Hải Ngoại muốn giúp nước phải tự mình thoát ra cái 'vòng Kim Cô' thì mới có thể hành động độc lập như một con người hay một tổ chức nhỏ biệt lập.
Ngày 1 tháng 7 năm 2012, nước Úc đang giữa mùa đông. Thủ Đô Canberra là nơi lạnh nhứt. Tại Úc có cả trăm hội đoàn chống cộng, cả trăm cái chùa cũng mang danh 'Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt' nhưng ngày đó, mọi người ngủ yên.
Chỉ có Anh Lê Văn Danh cư ngụ tại Canberra (và vài bạn hữu?) đã đơn độc cấm cờ vàng và trương biểu ngữ trước tòa Đại Sứ Trung Cộng. Không có ai hổ trợ. Trên trời thì tuyết rớt xuống. Gió thổi ngang. Đâu có bút mực nào tả hết cái dũng khí đứng giữa trời đất này. Biết đâu nhờ vậy mà hành động đơn thương này có thể nêu gương cho tất cả Người Việt Hải Ngoại, nếu họ thật sự muốn làm một cái gì cụ thể cho Tổ Quốc.
Trong nước Việt Nam, chỉ có một thế lực chống cộng có đủ điều kiện để được tự coi là một lực lượng đó là Lực Lượng Tôn Giáo.
Từ năm 1980, CS Ba Lan từ từ chấp nhận Đa đảng và bầu cử tự do là nhờ có sự nhập cuộc của đạo Thiên Chúa. Lực Lượng Tôn Giáo ở Ba Lan là do Vatican lãnh đạo, cán bộ là các Linh Mục và quần chúng Ba Lan theo đạoThiên Chúa.
Tại Việt Nam, hoàn cảnh không được thuận tiện như ở Ba Lan năm xưa hay ở Miến Điện bây giờ. Muốn gìn giữ sự đoàn kết tôn giáo, ta phải tính có năm tôn giáo. Mọi tôn giáo đều có cơ hội đồng đều để trở thành một lực lượng của dân tộc. Trong lúc Tổ Quốc và Dân Tộc đang gặp nguy khốn, các Tôn Giáo có chịu nắm lấy cơ hội chứng tỏ rằng mình có sống chung với Dân Tộc và chìm nổi với Dân Tộc? Trên thực tế, việc hội họp giữa các tôn giáo rất khó tổ chức. Nhưng ta không thể dừng lại vì cái khó khăn này.
Ngày 1 tháng 7 năm 2012, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt đã xuất sắc chứng tỏ rằng mình là một Lực Lượng Việt Nam dẫn đầu.
Từ lời Kêu Gọi của Tăng Thống Thích Quảng Độ đến sự triển khai của các Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Văn Phòng I và II đến sự chấp hành nghiêm chỉnh của các chùa và Tăng Ni và sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng trong đó có đủ các tín đồ của tất cả các tôn giáo – toàn bộ biến cố nói lên ước vọng của người dân và uy tín của người Lãnh Đạo. Con 'chốt' đã qua sông.
Tuy nhiên, còn rất nhiều chuyện phải làm để Lực Lượng Việt Nam có đủ cân lượng để có thể lay chuyển tình thế để đáp lại ước vọng của người dân.
Thường thường người ta nóng ruột, muốn có những kết quả liền, cho nên biến chuyển bao nhiêu cũng không đủ lẹ với họ. Nhưng thật ra sau ba lần 'tập trận', kết quả mà ngày hôm nay ta có được là một kết quả nhanh chóng phi thường.
Ngày 1 tháng 7 vừa rồi, tại trong nước, các cuộc biểu tình ở Saigon, Huế và Hà Nội đã diễn ra tốt đẹp hơn những gì ta có thể mơ.
Tại hải ngoại, tại Mỹ có hai cuộc biểu tình lớn ở Cali và Texas. Tại Úc có Anh Lê Văn Danh.
Không biết ngày nào tới đây và vì lý do gì, nếu Lời Kêu Gọi của Lực Lượng Việt Nam được Người Việt Hải Ngoại hưởng ứng nhiều hơn, thí dụ như ở Mỹ có thêm một Tiểu Bang nữa, còn ở Canada, ở Pháp, ở Đức, ở Úc có thêm vài cá nhân hay hội đoàn chịu nhập cuộc thì ta có thể nói là có tiến bộ khích lệ.
Nếu có nhiều hơn nữa thì kể như ván cờ đã đánh xong.
Vận hội này đang tùy thuộc chúng ta.
Ta phải tự tin rằng ta đang đi trên con đường tất định của lịch sử. Mặc dầu có rất nhiều cơn gió thổi ngược làm chậm bước đi.
Nhưng không có ai cản nổi bước ta đi.
HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 6 tháng 8 năm 2012
(Còn tiếp)
TB: Có một số bạn đọc yêu cầu gởi vài bài quí vị còn thiếu.
1. Mê hồn trận Quốc Cộng
2. Liên Sô sụp đổ
3. Viết về HỒ VĂN NGÀ
4. Từ đỉnh cao tự do dân chủ
5. Viết về TRUY PHONG
6. Việt Nam đi về đâu?
7. Tương quan lực lượng CSVN và NVHN
8. Lực lượng Việt Nam – 7 bài
9. Những con đường cứu nước – 4 bài
10. Mấy vần thơ cũ
11. Nước xuôi dòng
12. Xuôi ngược trên CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC – 4 bài – còn nữa
No comments:
Post a Comment