27 December 2010

Chữ Nôm (chữ Đại Nam) chữ viết cổ của Việt Nam Hình thành và quá trình sáng tác

Chữ Nôm (chữ Đại Nam) chữ viết cổ của Việt Nam

Hình thành và quá trình sáng tác

Võ thu Tịnh



I- Hình thành chữ nôm


Tự lai, ở Việt Nam thấy có ba thứ chữ viết:

1- Chữ Hán (chữ của dân Hán) còn gọi là chữ Nho (chữ của các nho sĩ) là chữ viết của người Trung-hoa, mà chính quyền đô hộ Tàu cưỡng nhập vào nước ta, để dùng làm văn tự chính thức. Về sau, trong thời gian gần một nghìn năm tự chủ (938-1884) và cả giai đoạn đầu của thời Pháp thuộc (1884-1917), các vua ta vẫn tiếp tục dùng chữ Hán làm văn tự chính thức quốc gia. Lúc đầu ta đọc chữ Hán theo giọng người Tàu đời Đường ở thế kỷ thứ X, rồi dần dần giọng đọc ấy bị Việt hóa hẳn đi, trong lúc đó giọng đọc người Trung-hoa hiện nay lại biến đổi rất nhiều, nên hai bên không còn hiểu nhau được nữa, chỉ dùng bút đàm để giao dịch mà thôi
2- Chữ Nôm  là chữ viết do các nho sĩ ta, ở thế kỉ XIII, dựa theo phép lục thư (sáu phép cấu tạo chữ) của Trung-hoa, mà chế ra một thứ chữ mới (gọi là chữ nôm = nam) để phiên âm tiếng Việt. Người Hoa đọc chữ nôm không hiểu được.

3- Chữ quốc ngữ  do các giáo sĩ Thiên Chúa giáo Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha đến truyền đạo ở nước ta vào khoản thế kỉ XVIII, dùng mẫu tự la-tinh phiên âm ngôn ngữ Việt Nam để tiện bề ghi chép kinh thánh. Rồi đến 1917, chính quyền đô hộ Pháp dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán làm văn tự chinh thức cho nước ta.  

 Như vậy, chữ Hán chỉ dùng để ghi chép ngôn ngữ dân Hán, là một ngoại ngữ, còn chữ nôm và chữ quốc ngữ dùng để ghi chép ngôn ngữ Việt Nam.
Chữ nôm và chữ quốc ngữ mới thật là văn tự quốc gia của nước ta. Vì theo định nghĩa cổ điển, "một ngôn ngữ đúng với danh vị ấy, là một hệ thống những tiếng có những nghĩa được một đoàn thể, một sắc dân qui định, chấp nhận, khi nói ra thì tất cả những người trong đoàn thể, trong sắc dân ấy đều hiểu được" (Février).   

 1.  Phép cấu tạo chữ của người Hoa .
   Muốn hiểu rõ sự hình thành chữ nôm, tưởng nên biết sơ qua phép lục thư  hay sáu phép cấu tạo chữ của văn tự Trung-hoa. Nguyên tắc căn bản của phép lục thư đại khái là: 
   1- Dùng hình vẽ tượng trưng một số sự vật cụ thể hay trừu tượng, để tạo thành một số chữ căn bản  
    2-- rồi ghép các chữ căn bản ấy lại  
    3-  hoặc biến đổi các nét vẽ các chữ căn bản ấy    
    4- hoặc biến đổi giọng đọc (thanh) của các chữ căn bản ấy để tạo thành  tất cả các chữ khác. (Dùng hình vẽ để tạo một số chữ căn bản:
1 - Phép tượng hình :
Dùng hình vẽ tượng trưng một vật cụ thể, như vẽ ba chóp núi tượng trưng "hòn núi", người Hoa đọc là "shan" (núi); vẽ 1 gạch ngang, một sổ thẳng, hai vệch xuống hai bên, tượng trưng một cây có cành ngang, rễ dọc, Hoa đọc là "mu" (cây).
2 - Phép chỉ sự -

Dùng hình vẽ để chỉ những sự việc trừu tượng. Như dùng một gạch ngang làm mốc, một sổ thẳng phía trên với một chấm dính vào, chỉ đây là phía trên, người Hoa đọc là "shang" (trên); vẽ một gạch ngang làm mốc, một sổ phía dưới với một chấm nhỏ dính vào, chỉ đây là phía dưới, người Hoa  đọc là "xia" (dưới):

                                    shan (núi)     mu (cây)       shang (trên)     xia (dưới)

 Ghép hai chữ căn bản lại để tạo chữ mới
3 - Phép hội ý -
 Ghép hai chữ, ý của hai chữ ấy hộp lại gợi ra một ý mới. Thí dụ ghép :

                          "kou "  + "niao"  = "ming"                               "jin"  + "lỉng" =  linh

                            (miệng) + (chim) = (kêu)                                   linh (chuông)



chữ "kou" (miệng)  với  chữ"niao" (chim) tạo thành chữ Hán "ming" (kêu)  (chim mở miệng gợi ra ý "kêu")

.4 - Phép tượng thanh -

Ghép hai chữ: một phần chỉ âm và một phần chỉ ý.
Thí dụ ghép một chữ có âm "lỉng", với chữ "jin" chỉ ý (vàng, kim khí), tạo thành một chữ mới người Hoa đọc là "ling" (cái chuông) gợi ý> chuông là một vật phát âm đọc là "ling" và làm bằng kim khí). kou + niao = ming (kêu)     jin + lỉnh = linh (chuông) ( Biến đổi nét vẽ hay dấu giọng của một chữ căn bản để tạo chữ mới   

5 - Phép chuyển chú -
Biến đổi nét vẽ (thêm, bớt hay dời chỗ nét vẽ) của một chữ đã có sẵn, để tạo thành một chữ mới. Ví dụ chữ "xiao" (nhỏ), nếu thêm một phảy tréo phía dưới, sẽ thành chữ "shao" (ít). 

                            "xiao" (nhỏ)             "shao" (ít).                 Xiang (với nhau)


 6o - Phép giả tá - Mượn một chữ có sẵn, rồi biến đổi dấu giọng (thanh) của chữ ấy để tạo thành một chữ mới. Ví dụ chữ "xiáng" (hình dáng) bỏ dấu đi sẽ thành chữ "xiang" (với nhau).Xiao (nhỏ) Shao (ít)       Xiáng (hình) Xiang (với nhau)

2.  Phép cấu tạo chữ nôm   

Các nho sĩ ta ngày xưa đã dựa theo các phép trong lục thư của Trung Hoa trên đây, để sáng chế ra chữ nôm, như:

1- Phép hội ý -   
  Ghép hai chữ Hán với nhau, nghĩa của hai chữ ấy hội lại, gợi ra một ý mới. Chẳng hạn như ghép chữ Hán "nhân" (người) với chữ Hán "thượng" (ở trên) tạo thành một chữ nôm "trùm", nghĩa Việt là "người đứng đầu một nhóm" như "trùm xóm", "trùm đĩ ", v.v... ý được gợi ra: đó là người có địa vị ở trên những người khác


.                                   nhân (H: người) + thượng (H: ở trên ) =    trùm (V.: trùm)

2- Phép hài (tượng) thanh

   Ghép hai chữ Hán lại với nhau: l chử chỉ âm, một chữ chỉ ý. Chẳng hạn ghép chữ Hán "thổ (đất) chỉ ý, với một chữ Hán có âm là "cát"(may mắn), tạo thành một chữ nôm đọc là "cát" (tiếng Việt: phát âm "cát", ý chỉ vật thuộc về một loại đất)..



                                    bộ thổ (H: đất) + cát (H: may mắn)         =       cát (V: đất cát)

3 - Phép giả tá - (giả tá: mượn) mượn chữ Hán để biến thành chữ Việt, bằng 4 cách:

  a)- Mượn nguyên những chữ Hán đã được Việt hóa (mà ta gọi là chữ Hán Việt), tỉ như  các chữ: chủ tọa, đại lộ, minh bạch, toán học v.v... Ta chép y chữ Hán, rồi đọc theo giọng Hán đời Đường đã Việt hóa:

                                  chủ      tọa           đại        lộ              minh     bạch           toán     học  

b)- Mượn những chữ Hán đồng âm dị nghĩa với tiếng Việt.

Chẳng hạn như mượn chữ Hán có âm là "chi" (nghĩa là: của, như trong "dân chi phụ mẫu": cha mẹ của dân"...) để phiên âm tiếng Việt "chi" (có nghĩa là: "gì?" như trong "anh nói chi?");

 
                                                    "chi"                                         "qua "

mượn chữ Hán có âm là "qua" (nghĩa là cái mác, một binh khí thời xưa) để phiên âm tiếng Việt "qua" (có nghĩa là: đi ngang).  chi (H: của) chi (V: gì?)     qua (H: mác) qua (V: đi)

c)- Mượn một chữ Hán có âm tương tự với âm của tiếng Việt rồi đọc trại đi để dùng làm một từ tiếng Việt. Chẳng hạn như mượn chữ Hán "biệt" (nghĩa là: rời cách riêng ra) để ghi âm tiếng Việt "biết" (nghĩa là: nhận thấy rõ); mượn chữ Hán "nữ" (nghĩa là: đàn bà) để ghi âm tiếng Việt "nữa" (nghĩa là: chưa hết)




.                                         biệt (H: rời) biết (V: rõ)            nữ (H: gái) nữa(V: chưa hết)

d)- Mượn một chữ Hán, nhưng không đọc theo âm Hán, mà dịch nghĩa ra tiếng Việt để phát âm. Tỉ dụ viết chữ mà người Hoa đọc là "kỷ" (ghế), ta dịch thẳng ra tiếng Việt để đọc "ghế"; viết phần trên của chữ mà người Hoa đọc là "vi" (làm), ta dịch thẳng ra tiếng Việt để đọc "làm".


                                         Kỷ (H: ghế)  Ghế (V: ghế)                    Vi (H: làm) làm (V: làm)  

 4 - Phép chuyển chú 

- Biến đổi (thêm, bớt, hay dời chỗ) nét vẽ của một chữ có sẵn, để tạo thêm một chữ mới. Ngày xưa, người ta thường thêm vào bên cạnh một chữ Hán  có âm tương tự với âm của một tiếng Việt (nhưng khác nghĩa) một trong những dấu đặc biệt gọi là dấu cá     ,     , dấu nhấp nháy    , hay một dấu giống như chữ "khẩu"     mà thu nhỏ lại, để biến chữ Hán ấy thành ra một chữ nôm, rồi phát âm trại đi cho đúng với giọng và nghĩa của tiếng Việt,

                             "lộ" (đường đi)                                                     "la" (cái màn)

(1) tỉ dụ như chữ Hán "lộ" (đường đi), có thêm dấu cá sẽ thành một chữ nôm, đọc là "lọ" (cái bình nhỏ); chữ Hán "la" (cái màn) có thêm dấu "chữ khẩu nhỏ" bên cạnh, sẽ thành một chữ nôm, đọc là "ra" (đi ra). lộ (H: đường)> lọ (V: bình)   H (la: màn)>ra (V: đi) * 

      Tóm lại, chữ nôm phần lớn đều được hình thành theo phép giả tá, căn bản là mượn những chữ Hán đồng âm dị nghĩa (homophone) biến chế hoặc đọc trại đi để phiên âm tiếng Việt. Nhưng trong tiếng Việt không có nhiều tiếng "đồng âm dị nghĩa" hẳn với tiếng Hán, nên phải mượn những tiếng Hán có âm gần giống với âm tiếng Việt mà cấu thành.

Ngày xưa lại không có một cơ quan nào lo việc thống nhất cách viết chữ nôm, nên có tình trạng cùng mượn một chữ Hán mà mỗi người, mỗi nơi đọc trại đi một cách, hoặc cấu tạo chữ nôm một cách khác nhau.  
 
 Bất tiện thứ hai là muốn đọc chữ nôm phải học qua chữ Hán. Cũng như chữ Hán, chữ nôm học chữ nào, nhớ chữ ấy, không có "mẫu tự" hay "chữ cái" để rắp vần như ở chữ quốc ngữ, thành ra phải nhớ thuộc lòng đến hàng trăm trăm chữ. Như thế học chữ nôm phải tốn công, tốn thì giờ.    Song chữ nôm cũng có cái lợi là ở một số chữ, nhờ các "phần chỉ ý" mà có thể phân biệt được các từ đồng âm dị nghĩa. Ví dụ, chữ "năm" ở quốc ngữ chẳng hạn, gồm có ba chữ cái N-Ă-M, viết riêng rẻ không ai rõ được đó là "năm tháng" hay là "số 5". Còn ở chữ nôm, vì hai chữ "năm" viết khác nhau:

1)- Phần chỉ ý: "niên" (12 tháng) + phần chỉ âm: "nam" (phía nam) dùng phát âm> "Năm"
2)- Phần chỉ ý: "ngũ" (số 5) + phần chỉ âm: "nam" (phía nam) dùng phát âm> "năm"    Nên người đọc biết ngay chữ "năm" trên" chỉ thời gian 12 tháng, còn chữ "năm" dưới chỉ số 5.     Trong nhiều trường hợp khác, cũng nhờ các "phần chỉ ý" trong chữ nôm mà ta có thể phân biệt các "phụ âm đầu chữ" như "d và g" (bà dì, cái gì ; dã tâm, giả định...) hay các "phụ âm cuối chữ" như "n và ng" (đan áo, đang khi), "c và t" (các  người, cát  bụi)..

II- Quá trình tiến triển văn nôm    

   Chưa ai biết được chữ nôm đã được hình thành vào lúc nào? Do ai sáng chế ra? Trước đây, theo B.E.F.E.O. (Nội san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp) quyển XII, số 1, H. Maspéro đã tìm được trên núi Dục Thúy (Ninh Bình) một tấm bia khắc năm 1343, dưới đời Trần Dụ Tông, có ghi hai mươi chữ nôm. Nhưng hiện nay không tìm ra được tấm bia ấy.

    Năm 1970, Đào Duy Anh cho biết trong một tấm bia khác, khắc năm 1210 dưới đời Lý Cao Tông, hiện ở tại chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng,tỉnh Phúc Yên (Vĩnh Phúc ngày nay) có ghi 21 chữ nôm về tên người cúng ruộng cho chùa, và các tên làng, sông, núi giới hạn ruộng. (2)  
  
  Ngoài ra, theo Khâm định Việt sử thông giám, Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên) vào đầu thế kỉ XIII, đã dùng chữ nôm làm bài "Văn tế cá sấu". Sau đó, Nguyễn Sĩ Cố (hạ bán thế kỉ XIII) Chu văn An (thế kỉ XIV) đều có sáng tác bằng chữ nôm. (Song các tác phẩm ấy hiện bị thất lạc).

Có người cho rằng các truyện bằng thơ viết bằng chữ nôm, như Trê Cóc, Trinh thử ... cũng được sáng tác vào các thời kì nầy. Tuy nhiên, xét về hình thức, có những chi tiết chứng tỏ rằng các tác phẩm nầy thuộc về các thế kỉ sau.( Đời Lê và sự phát triển văn nôm    Đến thế kỉ XV văn chữ nôm mới bắt đầu được hình thành với Hồng Đức quốc âm thi tập và nhất là với Quốc âm thi tập  của Nguyễn Trãi. Hiện nay, Quốc âm thi tập là tập thơ chữ nôm cổ nhất còn lưu lại đến ngày nay. Với lời văn giản dị và tự nhiên, những bài thơ trong tập nầy nói lên được lòng thiết tha yêu nước, nỗi ghê tởm chán chường của tác giả trước cảnh tham nhũng của bọn quan lại đương thời, và lòng khắng khít với cuộc sống thanh đạm xa rời thế tục. 

   Phải đợi đến thế kỉ XVI, chữ nôm mới có những tiến triễn rõ ràng về phương diện hình thức cũng như về nội dung. Nhà văn chữ nôm nổi tiếng nhất ở thời kì nầy là Nguyễn Bînh Khiêm còn gọi là Trạng Trình. Tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập của ông đã thăng hoa cuộc sống nhàn nhã, cô tịch, sự giao cảm với thiên nhiên, và bộc lộ nỗi lòng hối tiếc vì đã không có thể phụng sự đất nước đắc lực hơn, theo như sở nguyện bình sinh của mình.  Vào thế kỉ XVIII, văn chương chữ nôm đã tiếp tục tiến triễn khả quan trong nhiều thể loại: thơ, ca ngâm, nhất là truyện dài bằng văn vần. Về thơ đặc biệt có hai nữ thi sĩ có tài là Đoàn thị Điểm người (mà được cho là) đã diễn dịch bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán, ra thơ song thất lục bát bằng chữ nôm, và Hồ Xuân Hương, với những bài thơ dí dỏm, rạo rực dục tình, đã tả chân  những nhục cảm, nhục thể qua lối "lời thanh giảng tục".  Cũng ở thời gian nầy, ta thấy xuất hiện dồn dập đủ các loại ngụ ngôn, ca dao, truyện kể dân gian, truyện tiếu lâm phúng thế, như truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Tú Xuất, Ba Giai..., nguyên ở thể "truyền khẩu" nhưng về sau được ghi lại bằng chữ nôm, nhưng không rõ các người ghi lại ấy là những ai?

1.  Lê mạt - Nguyễn: sơ thời cực thịnh của văn nôm

   Cuối đời nhà Lê và đầu nhà Nguyễn (cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX) là thời cực thịnh của văn nôm với những truyện thơ nổi tiếng như Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, và Nguyễn Thiện nhuận sắc, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều; Bích Câu kì ngộ (vô danh), Phan Trần (vô danh), Nhị độ Mai (vô danh), Quân trung đối (3) (Chu Kiều, em ruột của Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)...
  
Đoạn trường tân thanh (truyện Kiều) là một tuyệt tác được phổ biến rộng rãi nhất của văn học Việt Nam: lời thơ nhẹ nhàng, thanh nhã, tâm lý sâu sắc, phản ảnh sống động cả một xã hội thối nát nhiễu nhương của buổi giao thời. Ba mối tình của Kiều, (tình thơ mộng với người yêu Kim Trọng, tình chăn gối với người chồng họ Thúc,  tình tri kỷ với người hùng Từ Hải), là ba thành tố chính yếu "cần thiết và đầy đủ", bất khả phân ly, để xây dựng  hạnh phúc vợ chồng. Kiều đã được hưởng đủ cả ba, nhưng cái trớ trêu bi đát của định mệnh là ba mối tình ấy lại bị tách rời ra ở ba đối tượng khác nhau, trong thời gian và không gian khác nhau: ba "phút huy hoàng rồi chợt tắt", xen kẻ với những cảnh "đau khổ nhục nhã" trong lầu xanh! Phần đông độc giả xưa nay, đã tìm thấy trong truyện Kiều một phản ảnh tương tự với những tình tự định mệnh oái ăm của chính mình... để cùng than khóc cho người xưa, cũng như ngậm ngùi đau xót cho bản thân. Vì thế mà truyện Kiều đã được nhiều người say mê và sẽ còn say mê mãi mãi chăng? Đoạn trường tân thanh là kết tinh kì diệu của văn nôm, từ thể "nói lối", "lục bát tự do" của thi ca bình dân, biến hóa thành thể "lục bát" bác học hóa mà ta quen gọi là "lục bát chính thức". Và nếu Nguyễn Du mượn truyện tình dở dang giữa Kiều và Kim Trọng mà giải bày nỗi khổ tâm của một cựu thần nhà Lê phải ra làm việc với nhà Nguyễn, thì em ruột ông là Chu Kiều hẳn cũng mượn truyện tình chung thủy giữa La Thành và Đậu Tuyến Nương, mà phát huy lòng trung thành của mình đối với nhà Lê, để gián tiếp chống lại anh mình là Nguyễn Du chăng?  

 Ở tiền bán thế kỉ XIX, một thể loại mới, "ca trù" (hát nói), (do các nhà nho viết lời ca, đưa cho các cô đào hát để thưởng thức), đã được Nguyễn Công Trứ  và Cao Bá Quát  cải chế hoàn hảo.   Nguyễn Công Trứ, một nhà thơ vừa là một vị quan văn võ toàn tài, đã từng lãnh chức thượng thư, hay đại tướng, cũng như đã từng bị giáng xuống tri huyện hay lính thú ở biên cương. Cho nên các bài ca trù của ông thường chứa đựng những tình tự tương phản nhau: hăng hái làm việc phi thường lưu danh hậu thế, mà vẫn khao khát thoát ra cuộc đời để hưởng thú an nhàn, tha thiết với công danh mà vẫn không chìm đắm trong lợi danh, sống theo đạo lý cương thường mà vẫn tìm mọi cách hưởng thụ cuộc đời. 

   Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát đều dựa vào Nho giáo mà hành động, một bên theo tinh thần tôn quân, một bên hướng về tinh thần "cách mệnh Thang Võ", một danh từ mà sử gia Trung Hoa Tư-mã Thiên, đã dùng để chỉ việc vua Thang diệt vua Kiệt tàn bạo, vua Văn diệt vua Trụ hoang dâm, vì theo Nho giáo Vua là người được Trời giao cho sứ mệnh lo cho dân no ấm, yên lành, nếu Vua nào tàn ác, vô đạo làm cho dân đói khổ, lầm than, thì Trời cách (hủy bỏ) cái sứ mệnh ấy mà giao lại cho người khác hiền đức hơn. Do đó có từ "cách mệnh" mà ta dịch là "révolution".(a)     Nếu Nguyễn Công Trứ chấp nhận cuộc đời với tất cả những nghịch cảnh, cho rằng "thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức" (luật Trời vận hành một cách cứng rắn, người quân tử phải dựa vào đấy mà tự sức tranh đấu không ngừng) thì Cao Bá Quát thường hay chán nản trước cuộc đời ngắn ngủi: 
  
    "Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy    
   "Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười     
   "Thôi công đông chuốc lấy sự đời..."  
    "Làm chi cho mệt một đời!..."   

Phải chăng vì trước cái cái ngắn ngủi của cuộc đời, cái bất lực của con người bất uất hận với mọi áp bức, bất công của chế độ, mà trong các bài ca trù toàn bích của Cao Bá Quát đã tràn đầy những nỗi chán chường, thê lương, não nuột...    Cũng trong thời "hoàng kim" của văn nôm nầy, phải kể đến bà huyện Thanh Quan, một nữ thi sĩ có những bài Đường thi trang nhã, giọng buồn một nổi hoài Lê nhẹ nhàng kín đáo. 

 2. Thời suy vong của văn nôm 

  Năm 1888, Pháp quyết tâm xâm chiếm nước ta. Trước binh lực tối tân, Triều đình chủ trương hòa hoãn, nhượng bộ, dần dần đi đến đầu hàng. Trong lúc đó nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục chống lại, cuộc kháng chiến kéo dài suốt trên bốn mươi năm, do các nho sĩ và cũng do các vua như Hàm Nghi, Duy Tân khởi xướng lãnh đạo (thất bại, bị chính quyền thuộc địa Pháp truất phế và lưu đày).

 Trong thời kỳ nầy, hầu hết các tác phẩm văn nôm đều tràn ngập tinh thần bất khuất và quyết chiến chống ngoại xâm của sĩ, dân Việt Nam chúng ta. Các nhà văn thơ không chủ trương sáng tác "nghệ thuật vì nghệ thuật". Văn thơ lúc nầy chỉ là một hương tiện để kêu gọi lòng yêu nước thương nòi, lòng hi sinh tranh đấu cho độc lập của đất nước. Trong số những nhà văn thơ đương thời, đáng kể  nhất là Nguyễn Đình Chiểu.

    Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn người miền Nam đã từng chứng kiến, từ đầu cho đến cuối, đến năm 1888, là năm ông qua đời, bao cảnh đau thương thê thảm của dân gian, qua những các cuộc gây hấn, giao tranh của quân Pháp mưu đồ xâm chiếm nước ta. Ông là gương mẫu một nhà Nho yêu nước, suốt đời tận tụy dùng ngòi bút tranh đấu bảo vệ cho Tổ Quốc Việt Nam, cho cái Đạo của thánh hiền đang bị lâm nguy.
 
  Ông viết nhiều văn nôm, như truyện Lục Vân Tiên, thể thơ lục bát, mà vai chính là một chàng trai hào hùng, mặc dầu gặp bao hiểm nguy ngang trái, vẫn giữ vững đạo đức sĩ khí nho phong. Như trường ca Dương Từ - Hà Mậu, động viên lòng ái quốc và đạo Nho, bài bác những tôn giáo ngoại lai một cách hùng hồn; Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giồi,Văn tế Trương Công Định, than khóc thống thiết các chiến sĩ đã hi sinh cho chính nghĩa, cho kháng chiến. 

  Khi người Pháp đã đặt được cơ sở cai trị ở nước ta, thì cơ cấu xã hội Việt Nam cũng bắt đầu bị xáo trộn đến tận gốc rễ. Một "giai cấp mới" xuất hiện. Một "lớp người đầu hàng và ra làm tay sai cho quân xâm lăng" và nhờ đó chúng có tiền của, địa vị hơn trước, như bọn quan lại, nha thuộc, bồi bếp, trưởng giả thị thành, chức sắc hương thôn...

    Trong khi nhiều người khác, như các Nho sĩ, nhất định không cọng tác với chính quyền thực dân, cam lòng sống cảnh thanh bần để giữ tròn khí tiết. Cảm thấy bất lực trước bạo lực của quân thù, họ chỉ biết dùng thơ văn "trào phúng", chế diễu thói đời, chế diễu bọn người vô liêm sỉ kia, đồng thời cũng tự chế diễu cái bất lực hư hèn của bản thân, và đã phá uy thế của quân thống trị, của bọn tay sai của chúng, cho hả hơi, hả giận! 

   Trào phúng vốn là một khí giới sắc bén của kẻ yếu để chống trả với những kẻ lớn mạnh hơn mình. Vì " đối với những hỗn xược, xã hội trả lời bằng tiếng cười, là một hỗn xược còn lớn mạnh hơn nữa... Cái cười trước hết là một phương tiện để trừng phạt. Cười lên cốt để sỉ nhục... " (4)

Trong số các nhà văn phúng thế đương thời ấy, đáng kể nhất có Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương hay Tú Xương.    Nguyễn Khuyến đỗ tam nguyên(b) , làm quan  đến chức Tổng Đốc ba tỉnh Sơn- Hưng-Tuyên (c) .

 Năm 1885, sau khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Hà, Hà Nội hai lần thất thủ, triều đình Huế ký hiệp ước nhận quyền bảo hộ của Pháp, ông đau buồn cho quốc sự, lấy cớ bị đau mắt nặng, cáo quan về hưu. Người Pháp mời ông ra làm lại Tổng Đốc, ông nhất định từ chối. Về làng, ẩn cư, ông sáng tác nhiều bài thơ trào lộng phúng thế, tiếng cười nhẹ nhàng, trang nhã nhưng không kém phần mỉa mai cay độc. Nhưng sau những tiếng cười diễu, vọng lại bao niềm tủi hận buồn đau.

Nguyễn Khuyến còn là một nhà thơ trữ tình, yêu mến thiên nhiên, một thi sĩ của mùa thu với chiếc thuyền con trên ao lạnh, với bầu trời mây lơ lửng, với đôi tiếng ngổng nước nào trên từng trời cao thẳm... Nguyễn Khuyến cũng là một nhà thơ của tình bạn khắng khít "đối diện đàm tâm" theo lối các nhà Nho  ngày xưa, của tình thương xót cho đồng bào trong những lúc thiên tai thủy nạn!    Giọng thơ của ông chân thành, tế nhị, trang trọng, thuần túy Việt Nam.

    Ông thường tự trách: bao nhiêu văn bằng, bao nhiêu học vấn, bao nhiêu quyền cao chức trọng của ông cũng không ích lợi cho nhân dân tổ quốc lúc lâm nguy! Mà bất lực, đành khoanh tay nhìn cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào điêu linh, đau khổ!    Trần Tế Xương là một nhà thơ bình dân. Ông thi hương mấy lần đều bị hỏng, chỉ được mỗi một chứng chỉ tú tài (d) , nên gọi là Tú Xương. Cũng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương đã viết  nhiều bài thơ nôm phúng thế, chế diễu thói đời lố lăng của một xã hội bị phân hóa ở buổi giao thời, của một giai cấp xu thời vô liêm sỉ mới xuất hiện, và cũng để tự cười cái thân phận lỡ thời lỡ vận, nghèo túng của mình. Nếu cái cười của Nguyễn Khuyến kín đáo, thanh nhã, rộng lượng của một bậc hiển nho bất đắc ý, thì cái cười của Trần Tế Xương là cái cười trắng trợn, đầy hằn học của một nhà nho bất đắc chí, trước viễn tượng "vợ lăm le ở vú, con tấp tểnh đi bồi". Tú Xương không làm thơ văn chữ Hán, chỉ sáng tác bằng chữ nôm. Thơ ông vừa viết ra là được phổ biến rộng rãi, nhanh chóng khắp nơi. Ông qua đời vào năm 1907.
Với cái chết của nhà Nho cuối cùng nầy, quá trình sáng tác văn nôm đã cáo chung. Văn nôm nhường chỗ cho văn quốc ngữ. Thế hệ Nho sĩ ảnh hưởng Khổng Mạnh Trung-hoa nhường chỗ cho thế hệ trẻ ảnh hưởng văn hóa Âu Tây.*  

 Tóm lại, trong thời gian trên 400 năm, quá trình diễn tiến văn nôm đã thực hiện tiếp cận song hành với quá trình diễn tiến của ngôn ngữ Việt. Văn Việt từ thời Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV đến văn Việt thời Nguyễn Du đã tiến một bước vô cùng trọng đại. Khởi đầu, chữ nôm được hình thành do những sáng chế của một số Nho sĩ riêng rẻ, thúc đẩy bởi nhu cầu diễn tả tình ý, cảm xúc của con người Việt, muốn có một chữ viết riêng để ghi lại  những tình tự,  nguyện vọng của người dân Việt nhằm hoàn thành cho được nền độc lập quốc gia. Đây là một phản ứng của cả toàn dân Việt Nam để đấu tranh thoát ra cho khỏi nền thống trị của văn hóa ngoại lai từ phương Bắc cưỡng nhập vào nước đã bao nhiêu thế kỉ. 

  Đầu thế kỉ XVII, Trần Anh Tông ra lệnh cho các quan ở địa phương phải dịch những công văn chữ Hán ra chữ nôm để phổ biên cho dân gian được thông hiểu.   

 Năm 1395, Hồ Quí Ly dịch thiên Vô Dật trong Kinh Thư ra chữ nôm để dạy vua Trần Thuận Tông, ngụ ý khuyên kẻ làm vua chúa không nên nhàn rổi, và năm 1396, làm ra sách Thi Nghĩa (nghĩa của Kinh Thi) bằng chữ nôm, sai nữ sử đem dạy hậu, phi và cung nhân của Thuận Tông.     Hồ Quí Ly thích sáng tác bằng chữ nôm, nhưng chưa lấy chữ nôm làm văn tự chính thức, Nguyễn Huệ mới là nhà vua đã ra lệnh mọi người phải dùng chữ nôm như là văn tự quốc gia, trong các giấy tờ quốc gia như chiếu, biểu, công văn, văn tế... và trong các khóa thi bắt buộc thí sinh phải làm thơ phú bằng chữ nôm.

 Tương truyền, Nguyễn Huệ đã tuyên bố rằng: "Người nước Nam phải dùng tiếng nước Nam, phải có văn chương đặc biệt nước Nam để gây tinh thần nước Nam, không cần đi mượn tiếng, mượn chữ nuớc Tàu". Ông đã ra lệnh cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiệp "diễn dịch các sách tiểu học, Tứ Thư, và giải thích ba kinh Thi, Thơ, Dịch theo kinh văn mà lấy từng chữ, từng câu, diễn ra quốc âm".    Đến đầu thế kỉ XIX (5), Nguyễn Trường Tộ, một sinh viên Việt đã từng du học tại Rome và Paris, lúc về nước đã dâng lên Tự Đức bản điều trần "Tế cấp bát điều" (để ngày 20 tháng 10 năm Tự Đức thứ 20 - 1807), trong điều 4, khoản 5, đã đề nghị dùng chữ nôm làm quốc tự thay thế chữ Hán, lập hội đồng cải cách và thống nhất cách viết chữ nôm, cho soạn tự điển chữ nôm dùng trong các cơ quan chính quyền và trong trường học. Nhưng một phần vì bận rộn về những thất trận liên tiếp trong công cuộc chống Pháp xâm lăng, một phần vì triều thần thủ cựu chống lại mọi đổi mới, nên chương trình canh tân văn tự do Nguyễn Trường Tộ đề xướng bị bỏ rơi.
 
 Hiện nay nhiều người quên rằng đa số các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nước ta đã viết bằng chữ nôm. Nhờ có chữ nôm mà ta có được một kho tàng đầy những tuyệt tác văn chương đáng cho dân tộc chúng ta hảnh diện, tự hào: từ những truyện thơ như Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, những ngâm khúc như Chinh phụ ngâm của Đoàn thị Điểm, Cung oán ngâm khúc  của Ôn như hầu,  những bài ca trù của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, cho đến những bài thơ của Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, để chỉ kể những tác giả nổi tiếng nhất mà thôi. Nhưng vì ngày nay không mấy ai đọc được chữ nôm, nên phải phiên âm các tác phẩm ấy ra chữ quốc ngữ cho sinh viên học ở các trường, và phổ biến trong sách báo cho mọi người trong nước đọc.    Chính nhờ chữ nôm mà tiếng Việt đã được trưởng thành, tinh vi, phong phú, và biến thành một công cụ , một trợ lực truyền thong đác lực cho các nhà văn , nhà thơ, cho các học giả chữ quốc ngữ vào đầu  thế  kỷ XX.


Võ Thu Tịnh

Tài liệu:  

1)- Nguyễn Tá Nhí, Lối đánh dấu cá trong chữ nôm, in "Tạp chí Hán Nôm", số 1 - 2, 1987, trang35-38.
(2)- Đào Duy Anh, Chữ Nôm, Nguồn gốc, Cấu tạo, Diễn Biến, Nxb Khoa học-Xã hội, Paris, 1979, trang 14..
(3)-  Chu Kiều (em ruột Nguyễn Du), Quân Trung Đối, Nxb Sudestasie, Paris, 1995, "Lời nói đầu" của Võ Thu Tịnh, trang 15-19..
(4)- Henri Bergson, Le Rire, Ed. France Loisirs, Paris, 1940, trang 128, 129 (A ces impertinences, la société réplique par le rire, qui est une impertinence plus forte encore... Le rire est avant tout une correction. Fait pour humilier).
(5)- Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, Hội Văn Hóa hải ngoại, Paris, 1989, q.5, Bài chiếu bằng chữ nôm của vua Quang Trung gửi cho Nguyễn Thiệp (La Sơn phu tử) về việc dịch sách, ngày mồng một tháng 6, năm Quang Trung năm thứ 5, khoảng tháng 7/1792),. trang 870,
(a) Thật ra "cách mệnh" theo sử gia Tàu ngày xưa  chỉ là một cuộc đảo chính, truất phế một bạo quân để đưa một minh quân lên thay thế, tiếp tục sứ mệnh của Trời giao phó cho để  làm cho dân an vui, no ấm.
(b) Tam nguyên = ba lần đỗ đầu: thủ khoa thi hương, thủ khoa thi hội, thủ khoa thi đình
.(c) Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quan.
(d) Tú tài = ngày xưa thi hương đỗ, được bằng cử nhân, ra làm quan. Nhưng thí sinh nào tuy bị hỏng mà có điểm cao suýt soát với điểm tiêu chuẩn để đỗ, thì được gọi là tú tài. Chính quyền có giấy báo về làng để được sắp vào hạng "sĩ tử" (có học vấn) không bị sai cắt trong những dịch vụ như hạng thường dân. Có trường hợp thí sinh nào "suýt" đỗ cử nhân đôi ba lần như thế, thì được gọi là "tú hai", "tú ba"...."tú năm" v.v...



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers