"Trong giáo lý người ta dạy tôi tình yêu đối với người đồng loại. Vào năm 1939 khi tôi thấy các Giám Mục làm lễ ban phép lành cho các khẩu đại bác, tôi chẳng hiểu ra làm sao ! ". Sự cám dỗ của Phật Giáo tại Pháp |
Nguyên tác Pháp ngữ : Alain Renon / Le Monde Diplomatique
Chuyển ngữ :Khánh Hải Triều Quang
Với khoảng 2 triệu rưỡi tín đồ tại Âu Châu và ít nhất là 5 triệu tại Hoa Kỳ, Phật Giáo đã thật sự bén rễ ở Tây Phương. Sự phát triển của Phật Giáo rất rõ rệt, đặc biệt là ở lục địa Âu Châu, nơi mà 30 năm trước đây chỉ được xem như là một tôn giáo ngoại nhập hay chỉ là một thứ triết học dành cho các nhà thông thái nghiên cứu. Thời đó đã qua rồi, thí dụ như là trường hợp nước Pháp.Thất vọng trên lảnh vực chánh trị hay là nạn nhân của sự bất ổn tinh thần càng ngày càng tăng, nhiều người đã đến với Phật Giáo với hy vọng tìm thấy một giải đáp cho cuộc sống.
Tại Âu Châu, nước Pháp là nơi Phật Giáo phát triển ngoạn mục và đa dạng nhất. Trong vòng 20 năm có gần 200 tự viện và trung tâm Phật Giáo được thành lập.(1). Số lượng tín đồ cũng tăng theo cùng một nhịp độ: số Phật tử gấp đôi trong vòng 10 năm: năm 1976 với 200,00 tín đồ, đến năm 1986 tăng lên 400,000. Đến năm 1997 con số này lên tới 600,000. Bộ Nội Vụ và Sở Thống Kê đều đồng ý với con số này. Phần lớn tín đồ của Liên Hiệp Phật Giáo tại Pháp, quy tụ chừng 80% các hiệp hội Phật Giáo. Phật Giáo hiện là tôn giáo lớn thứ 5 tại Pháp (2). Về phương diện tâm linh, Phật Giáo là tôn giáo được người Pháp ưa chuộng vào hàng thứ ba. (3)
Bắt đầu từ thập niên 1960, 'sự thành công của Phật Giáo trước nhất là nhờ công của các Thiền Sư Nhật Bản và Tây Tạng. Phật Giáo may mắn có mấy 'mạnh thường quân' theo Phật Giáo, như nhà tỷ phú gốc Anh, Bernard Benson, khi đến lập nghiệp tại Dordogne (Pháp) từ đầu thập niên 1970, đã mới các nhà sư Tây Tạng đang tỵ nạn đến giảng pháp'. Một nhà xã hội học, Frederic Lenoir, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Liên Ngành Về Tôn Giáo, Tại Trường Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội đã xác nhận như thế. Sau đó cuộc di dân vĩ đại của sắc dân Á Châu, nhất là Việt Nam và Cam Bốt đã làm con số thống kê tín đồ Phật Giáo tăng nhanh. Hai phần ba tín đồ Phật Giáo tại Pháp là người Á Châu. Tuy nhiên số lượng tăng trưởng nhanh chóng này không che khuất được sự kiện quan trọng: số lượng người Pháp chính gốc theo đạo Phật cũng tăng gia nhanh chóng, dù chỉ chừng vài mươi ngàn.
Số người theo đạo Phật thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau: từ người bị mất việc đến các chuyên viên cao cấp của các đại xí nghiệp. Tuy nhiên thành phần chính theo đạo Phật là thành phần thị dân trung lưu. Hiện tượng này phản ảnh rõ ràng trong 2 cuộc nghiên cứu sâu rộng của Bruno Etienne và Raphael Liogier (4). Hai ông ghi nhận là các người theo Phật Giáo nổi bật nhất là thành phần Bác Sĩ, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, các người trong ngành truyền thông (nhà giáo, ký giả) và chuyên viên xí nghiệp. F Lenoir nghiên cứu rộng rãi hơn cho biết là phần lớn những người theo đạo Phật có trình độ Đại Học và một số đông đảo trong nghề Y Khoa và các nghề liên hệ. Số lượng nữ giới chiếm 60% và họ cho biết hai lý do chính yếu khiến họ đến với Đạo Phật là bất bạo động và tránh tranh chấp.
Động lực khiến Đức Phật đi tìm một con đường giác ngộ là vì muốn làm giảm bớt đau khổ của con người. Đặc tính này của Đạo Phật đã làm cảm hóa được những người hành các nghề y khoa. Chính họ cũng là những người đối diện thường xuyên với những nỗi đớn đau của con người. Triết lý buông xả của Đạo Phật cũng giúp họ giải tỏa những phiền não của cuộc tồn sinh và giảm những khủng hoảng thầm kín riêng tư như mất việc, mất địa vị trong xã hội...Như các tín đồ của Soka Gakkai 'phần lớn chừng 55 , 56 ngàn người đều ở trong tình trạng bấp bênh, khủng hoảng chức vị....Sinh hoạt nội bộ khiến họ tiết lộ những kinh nghiệm riêng tư, thường được thể hiện như phương cách thích ứng, nếu không muớn nói là một thứ tâm lý trị liệu bổ túc', như Louis Hourmant, thuộc nhóm Xã Hội Học Tôn Giáo ở Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học, một chuyên viên nghiên cứu về giáo phái này nhấn mạnh.
Một điểm khác nữa là, việc không thỏa mãn về tình huống chính trị cũng là bước đầu để người Pháp đến với đạp Phật. B Etiene và R Lioger viết:'Tư tưởng của Phật Giáo được những người muốn thoát khỏi những bế tắc của sụ đối nghịch giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, xem đó như là một ước vọng giải thoát để đem lại hạnh phúc cho loài người'. Lenoir nhận xét là:'Tất cả những Phật Tử Pháp đầu tiên trong các thập niên 60-70 tiếp nhận Đạo Phật như là một đối lực với văn hoá đương hành. Nhiều người đã đoạn tuyệt với văn hóa cũ bằng cách trở thành một Phật Tử. Một số về ẩn cư trong các tự viện. Họ đi sâu vào các hệ thống triết lý Tây Phương và cả những lễ nghi tinh tế của truyền thống mà họ đã chọn'. Như trường hợp của Matthew RICARD, nhà nghiên cứu sinh học bào tử danh tiếng, đột ngột từ bỏ con đường công danh quy y Phật Giáo Tây Tạng và đã trở thành một người thuần thành. Ông là thông dịch viên cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và là một phật tử Pháp tiên phong.
Một Dẫn Lực Kết Hợp Xã Hội
Các tu sĩ bản xứ, Tây Tạng hay Thiền Tông lần lược đóng vai trò truyền bá chánh pháp cho thế hệ Phật Tử thứ hai, đông đảo hơn nhưng có lẽ ít dấn thân hơn. F Lenoir phát biểu tiếp:'Từ đó ít có Phật Tử nào đi vào đạo Phật như thế hệ trước. Họ không muốn ra khỏi thế giới của họ và yêu cầu một lối thực hành đơn giản, thích hợp với lối sống quen thuộc của họ', Việc dịch thuật các kinh luận nền tảng và sự uyển chuyển văn hoá của đạo Phật có thể đủ thỏa mãn đòi hỏi của họ. Thêm vào đó các thực hành linh động của đạo Phật rất hữu ích trong việc hình thành mô thức cho Phật Giáo Pháp. Sự ra đời của Ủy Ban Liên Hiệp Phật Giáo Pháp được chanh phủ thừa nhận ngay vào năm 1986, cùng với thái độ cởi mở của Phật Giáo với các tôn giáo khác, đã xóa được nhãn hiệu 'giáo phái phương Đông' (6). Sự thành công của Phật Giáo còn cho thấy sự khủng hoảng của Ky Tô Giáo. Jack MARTIN, chủ tịch UBF ghi nhận:'Gần 90% Phật Tử người Pháp trước đây theo Ky Tô Giáo, đa số là Thiên Chúa Giáo. Sau khi thất vọng não nề về các tôn giáo truyền thống, người Phật Tử Pháp tìm thấy nơi Phật Giáo như con đường tâm linh'. Các Giáo Hội Ky Tô bị phê phán là không có đối thoại (tất cả đều chỉ thị từ trên xuống dưới). Michel BOVAY chủ tịch Hội Thiền Học Quốc Tế nói:'Tôi luôn luôn có cảm tưởng là có cái gì không lành mạnh trong xã hội này, ở trường học cũng như trong gia đình, người ta không nói cho tôi sự thật. Tôi đặt câu hỏi về sự chết và khi tôi hỏi các giáo sĩ giải thích cho tôi về chúa Ky Tô hay Thiên Đàng, tôi không được ai trả lời'. Tư cách của các tăng sĩ Phật Giáo làm giảm giá trị của các giáo sĩ phục vụ chúa. Thầy Trí Tín ( người Pháp) tu tại Tu Viện Linh Sơn (Phật Giáo Việt Nam) ở Joinville Le Pont vùng ngoại ô Paris nhớ rõ những kinh nghiệm của mình 'Trong giáo lý người ta dạy tôi tình yêu đối với người đồng loại. Vào năm 1939 khi tôi thấy các Giám Mục làm lễ ban phép lành cho các khẩu đại bác, tôi chẳng hiểu ra làm sao !".Khi đó Thầy mới 12 tuổi, bậy giờ Thầy đã 70 tuổi. Thầy trầm tĩnh dạy giáo lý của Đức Phật cho những người Pháp nào muốn khám phá một "tôn giáo duy nhất không hề đòi hỏi tín đồ gây chiến tranh để vinh danh".
Sự bất lực càng ngày càng lớn của các tôn giáo truyền thống lâu đời trong lỉnh vực tâm linh khiến nhiều người càng đến gần Đức Phật:' Ông Patrick, 53 tuổi, cựu chuyên viên của hảng IBM đang sinh hoạt tại Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng Rigpa ở Paris nói:'Trước kia tôi theo Tin Lành và gia đình của tôi là một gia đình Tin Lành thuần thành. nhưng tôi đã không tìm thấy ý nghĩa về đức tin của tôi.Tôi đã sống trong tinh thần tư bản chủ nghĩa, trong thế giới Tư Bản Chủ Nghĩa (Ông muốn nói đến luận đề của Max Weber cho là Tin Lành là nền tảng của tư bản chủ nghĩa) nhưng không còn bận tâm về những điều mà tôn giáo tôi đã giảng dạy. Chính nhờ Phật Giáo mà tôi đã thực sự bước vào mối quan hệ với chính tôi'. Cũng trong chiều hướng này B, Etienne và R. Liogier phát biểu:' Phật Giáo chứng tỏ là thế kỷ thứ 21 không phải là thế kỷ của tôn giáo truyền thống như Andre Malraux nói mà là sự trở về con đường tâm linh. Tâm linh không biến mất trong hoá trình hiện đại hóa, nhưng chỉ biến dạng và có thể đưa ra những giải đáp khả tín cho những lo âu xã hội phát sinh từ xã hội hiện đại'.
Trên bình diện thứ yếu hơn, Phật Giáo cho thấy giới hạn của chánh sách hội nhập tại Pháp.Thí dụ như những người trẻ gốc Á Châu thất vọng với những kiểu mẫu xã hội phương Tây, quay lại gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng của bậc cha mẹ. Ước mơ tiêu thụ và làm giàu bị cơn khủng hoảng kinh tế làm tiêu tan, đẩy họ lại với cội nguồn. L. Harmant xác nhận :'Sự bất an về ý nghĩa tồn sinh thấy rõ ràng trong giáo phái Soko Gakkai. Ở đây người ta gặp các người trẻ đến từ những vùng xa xôi của nước Pháp, những thiếu nữ Hồi Giáo, nhất là từ Algeria, họ tìm thấy nơi Đạo Phật một phương cách giải thoát họ khỏi những sự kềm kẹp gia đình mà không phải bị cái cảm giác phản bội văn hoá truyền thống của họ vì không ai bắt họ cải đạo khi sinh hoạt với Phật Giáo'.
Phật Giáo do đó thể hiện như là một dẫn lực kết hợp xã hội như F. Lenoir nhận xét: 'Phật Giáo tạo điều kiện cho những cá nhân vụn vỡ đơn độc (vì mất nền tảng gia đình, trao truyền những kinh nghiệm riêng tư để cùng nhau học hỏi, Truyền thống được thực hành nhiều nhất là Đại Thừa nhấn mạnh đến lòng từ bi phổ quát không phân biệt, được diễn dịch như áp dụng một lý tưởng bao dung vào đời sống của mỗi cá nhân. Qua đó chúng ta thấy lòng quảng đại trở thành giá trị then chốt của xã hội'. Nói một cách khác, không những rủ bỏ hình ảnh tiêu cực lẫn trốn thực tại mà trước đây người ta hay gán ép, Phật Giáo góp phần tích cực vào trong việc tái phối tri xã hội. Jean-Pierre, 52 tuổi, trước đây theo Cộng Sản kiểu Mao, hiện là giáo sư Vật Lý tại Đại Học Toulon, phát biểu:' Tôi vẫn tiếp tục dính líu đến chính trị. Nhưng tôi tin tưởng vào những mối liên hệ gần gũi hơn là các buổi họp, những đoàn đại biểu, những hoạt động này nọ'. Và do đó không còn phải bận tâm về việc làm tan biến cá thể của mình trong khối đông những người cùng phe phái. Theo vị Giáo Sư khả kính này, việc làm cụ thể và có ích là ngăn chặn trào lưu chủ nghĩa quá khích đang khuấy động tại Pháp và Tây Âu chính là 'việc giảng dạy vật lý học không phải là thực tại, mà là một cách nhìn về thực tại. Nói một cách khác, là dạy cách phân biệt những hình ảnh người ta đưa ra về thực tại với chính thực tại'.
Là 'tôn giáo theo yêu cầu' Phật Giáo đang phục vụ những nhu cầu tâm linh của thời đại. Người ta cũng thấy sự kiện này nơi các tôn giáo độc thần mới (7) Nhưng trong Phật Giáo còn một hiện tượng phụ khác. B. Etinne và R. Liogier viết:'Chúng tôi giả thiết rằng khối lượng sách báo công trình nghiên cứu của Tây Phương cho những vấn đề của chính mình, cũng phù hợp với yêu cầu của Phật Giáo'. Và hai ông thấy là các nhà xã hội học đang nghiên cứu về hiện tượng này.
Khánh Hải Triều Quang chuyển ngữ từ bài viết của Alain Renon trên tờ Le Monde Diplomatique, tháng 12, 1997 . Paris 1.98
Chú thích:
* Ở đây chúng tôi dịch sát nghĩa chữ 'de' vì tiếng Pháp phân biệt 3 loại Phật Giáo, như tiến trình : từ Bouddhisme en France (Phật Giáo Tại Pháp- có thể là Phật Giáo Tây Tạng đang sinh hoạt tại Pháp) thành Bouddhisme de France (Phật Giáo của Pháp do dân Pháp mở ra và quản lý theo luật của nước Pháp) và có lẽ không bao lâu nữa, sẽ thành Bouddhisme Francais (Phật Giáo Pháp- có sắc thái văn hóa Pháp).
(1)Trong đó Tây Tạng có 84 trung tâm, Thiền Nhật Bản có hơn 90
(2) Sau Thiên Chúa Giáo , Hồi Giáo (4 triệu rưỡi), Tin Lành (950,00) và gần bằng Do Thái Giáo
(3) Theo thống kê thăm dò dư luận cũa hãng Sofret: Khi được hỏi tôn giáo nào được ông bà ưa thích nhất, 5% trên 2 triệu người Pháp trên 18 tuổi trả lời là Phật Giáo.
(4) Trong quyển Être Bouddhiste en France, nxb Hachette, Paris, 1997 nhiều tác giả, chủ trì bởi Bruna Etienne, Giám Đốc Cơ Quan Quan Sát Các Vấn Đề Tôn Giáo thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị Đại Học Aix-en-Provence
(5) Luận Án trên đề tài Phật Giáo tại Pháp và tại Âu Châu, sẽ phát hành vào năm 1998.
(6) Ngoài Sokko Gakkai bị xem là một giáo phái từ năm 1984, trong báo cáo đầu tiên trình quốc hội Pháp.
(7) Trong bài 'Vers une Religiosité Sans Dieu' (Tiến tới một tôn giáo tính không Thượng Đế) trên báo Le Monde Diplomatique tháng 9 1997 của Florence BEAUGÉ.
No comments:
Post a Comment