Nhớ lại lịch sử nước ta thời nhà Trần (1226-1400), vào tháng 11 năm giáp thân (1284), được tin nhà Nguyên (Trung Hoa) gởi quân tấn công nước ta, vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293) triệu mời các bô lão khắp nước đến điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để tham khảo ý kiến. Tất cả những người có mặt đồng thanh trả lời là: "Phải đánh" (Quyết chiến). Vào thế kỷ 13, việc đi lại khó khăn, triệu mời đại biểu dân chúng không dễ, Trần Nhân Tông còn hỏi ý dân để chống ngoại xâm. Trong khi đó, giữa thế kỷ 20, Hồ Chí Minh chỉ hỏi ý đảng của ông ta tức đảng CSĐD, mà không cần hỏi ý dân, cũng không cần hỏi ý quốc hội hay ban thường vụ quốc hội đang có mặt tại Hà Nội. Trần Gia Phụng |
LỜI THỀ ĐỘC LẬP |
Trên trang báo điện tử của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Kỷ Niệm 1000 Năm Thăng Long từ thành phố Hà Nội, bài “Thăng Long - Hà Nội, ngàn năm văn hiến”, mở đầu bằng câu “...vang mãi lời thề độc lập...”. (www.thanglonghanoi.gov.vn). Lời thề độc lập do trang báo nầy nhắc đến chính là lời thề do Hồ Chí Minh đưa ra ngày 2-9-1945 sau khi tuyên bố thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội.
1. LỜI THỀ ĐỘC LẬP
Lời thề ngày 2-9-1945 do Hồ Chí Minh đưa ra gồm có hai phần: “Lời thề của chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Lời thề của Quốc dân”.
Sau đây là nguyên văn “Lời thề của chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”:
“Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Quốc dân đại biểu đại hội cử lên, xin thề rằng: Chúng tôi sẽ kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đang mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.” |
Lời thề của Quốc dân, cũng do Hồ Chí Minh đọc:
“Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin thề! Chúng tôi xin thề cùng chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng. Xin thề! Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp. Xin thề! “ |
(Tô Tử Hạ và nhiều tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam [sách song ngữ Việt-Anh], Hà Nội: Nxb.Thông Tấn, 2005, tr. 26.)
Trước khi theo dõi Hồ Chí Minh đã thực hiện những lời thề trên như thế nào, xin quay lại bối cảnh xuất hiện chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Hồ Chí Minh vốn là một cán bộ và điệp viên của Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Ông ta cũng là một đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhờ nguồn tin tình báo quốc tế, Hồ Chí Minh biết trước Nhật sắp sụp đổ và đầu hàng sau khi bị Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima ngày 6-8 và Nagasaki ngày 9-8-1945.
Hồ Chí Minh liền triệu tập Đại hội đảng Cộng sản Đông Dương (CSĐD) ở Tân Trào (thuộc tỉnh Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, thành lập “Uỷ Ban Khởi Nghĩa Toàn Quốc” và ra quân lệnh số 1, phát động cuộc tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền ở khắp các tỉnh trong nước. Lúc đó, đảng CSĐD do Hồ Chí Minh lãnh đạo, chưa có Bộ chính trị, chỉ có Ban chấp hành trung ương đảng, khoảng dưới 20 người, tổng bí thư là Đặng Xuân Khu, bí danh là Trường Chinh và số đảng viên trên toàn quốc khoảng dưới 5,000 người. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 182.)
Sau hội nghị của đảng CSĐD, cũng tại Tân Trào, Hồ Chí Minh tổ chức “Đại hội đại biểu quốc dân” ngày 16-8-1945, gồm khoảng 60 đại biểu. Những đại biểu nầy là những người do đảng CSĐD lựa chọn, gồm đại đa số là đảng viên đảng CSĐD, mà Việt Minh thậm xưng là đại diện các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các sắc dân trên toàn quốc. Đại hội tuyên bố tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa của đảng CSĐD, và thành lập “Uỷ Ban Dân Tộc Giải Phóng Việt Nam”, có tính cách như chính phủ Cách mạng Lâm thời, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trần Huy Liệu phó chủ tịch, và đại đa số là đảng viên cộng sản.
Chỉ với 5,000 đảng viên nòng cốt mà đảng CSĐD cướp được chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 sau khi Nhật đầu hàng vì các lý do sau đây:
1) Chính phủ Trần Trọng Kim không có bộ Binh hay bộ Quốc phòng, không có quân đội.
2) Về phía vua Bảo Đại, khi đại sứ Nhật ở Huế là Massayuki Yokoyama đến gặp nhà vua, đề nghị dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt Việt Minh, vì tuy thất trận trên thế giới, quân đội Nhật vẫn còn nguyên vẹn ở Đông Dương, đủ sức đàn áp Việt Minh. Lo sợ nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của ngoại bang, vua Bảo Đại từ chối đề nghị của Yokoyama. Người Nhật còn đề nghị với thủ tướng Trần Trọng Kim. Sau đây là lời trong hồi ký của Trần Trọng Kim: “Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: “Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự”. Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Đồng minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”. Tôi từ chối không nhận.” (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, chương 4: “Ra Huế lập chính phủ”
Ngoài ra, quân đội Nhật trên toàn Đông Dương bất động vì đã được lệnh hạ khí giới và đầu hàng. Quân Pháp bị quân Nhật bắt cầm tù, vẫn còn bị nhốt, cũng không làm gì được. Nhờ thế, cán bộ Việt Minh cộng sản và quân đội cộng sản mới tự do hoành hành, cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim mà không bị một chống đối nào cả.
2. HỒ CHÍ MINH NUỐT LỜI THỀ
Trong lời thề của mình, Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi sẽ kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc…” Thế mà chẳng bao lâu sau đó, Hồ Chí Minh nhanh chóng nuốt vội lời thề một cách thật dễ dàng.
Nguyên sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt tại Âu Châu ngày 7-5-1945, Nhật Bản vẫn tiếp tục chiến đấu tại Á Châu. Đại diện các nước Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô họp tại Potsdam (Đức) từ ngày 17-7-1945 để bàn về những vấn đề hậu chiến ở Đức. Nhân đó, ngày 26-7-1945, Anh, Hoa Kỳ và Trung Hoa (không họp nhưng đồng ý qua truyền thanh), cùng ký một tối hậu thư gởi cho Nhật Bản, theo đó, sau khi Nhật Bản đầu hàng, phụ trách giải giới quân Nhật tại Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16 là quân đội Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) và ở nam vĩ tuyến 16 là quân đội Anh. (Liên Xô chưa tham chiến ở Á Châu nên không ký vào tối hậu thư nầy.)
Sau khi Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, Pháp theo chân quân đội Anh vào đầu tháng 9-1945, tái chiếm miền nam vĩ tuyến 16. Muốn tái chiếm miền bắc vĩ tuyến 16, Pháp phải thương lượng thẳng với Trung Hoa. Ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh, ngoại trưởng Trung Hoa là Vương Thế Kiệt và đại sứ Pháp tại Trung Hoa là Jacques Meyrier ký kết Hiệp ước Pháp-Hoa về việc quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16 tại Đông Dương, theo đó Trung Hoa rút quân ra khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15-3, và chậm nhất là ngày 31-3-1946. Ngược lại, Pháp trả và nhường cho Trung Hoa nhiều quyền lợi kinh tế ở Trung Hoa và ở Đông Dương.
Ngay trước khi Hiệp ước Trùng Khánh được ký kết, ngày 27-2-1946, đô đốc D'Argenlieu vội vàng phát động cuộc hành quân Bentré, chuyển 21,000 quân từ miền Nam Việt Nam ra Hải Phòng, để tái chiếm Bắc Kỳ. Chiều ngày 5-6-1946, hạm đội Pháp xuất hiện ở ngoài khơi Hải Phòng và chuẩn bi đổ bộ vào sáng hôm sau (6-3-1946). Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh được tin nầy ngay chiều hôm đó (5-3). Hồ Chí Minh vội báo cho đại diện Pháp ở Bắc Kỳ là Jean Sainteny biết là ông ta đồng ý ký hiệp ước với Pháp, mà Pháp đã bí mật giao bản dự thảo ngày 7-12-1945.
Vào chiều ngày 6-3-1946, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, Hà Nội, Hồ Chí Minh, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, ký thỏa ước Sơ bộ với đại diện Pháp là Jean Sainteny. Theo thỏa ước nầy, Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp (điều 1); Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật (điều 2).
Bên cạnh đó, cũng trong ngày 6-3-1946, hai bên ký một phụ ước quân sự, minh định hoạt động quân đội mỗi bên. Theo điều 1 của phụ ước nầy, Việt Minh đồng ý để quân đội Pháp thay quân đội Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16, nghĩa là quân đội Trung Hoa sẽ rời khỏi Việt Nam, dầu Việt Nam không ký kết thỏa ước với Trung Hoa. Lực lượng Pháp lên đến 15,000 quân. Như thế Việt Minh không chống Pháp mà Việt Minh lại chính thức hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Pháp tại Việt Nam.
Điều nầy hoàn toàn trái ngược với lời thề chống Pháp của Hồ Chí Minh khi trình diện chính phủ vào ngày 2-9-1945 (đã viết ở trên). Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã nuốt lời thề “chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng.” Hành động của Hồ Chí Minh gây sự bất bình mạnh mẽ trong các đảng phái chính trị và trong đại đa số quần chúng. Các đảng phái và dân chúng tố cáo rằng Hồ Chí Minh và Việt Minh đã rước thực dân Pháp trở lại Việt Nam.
3. HỒ CHÍ MINH VƯỢT KHÓ KHĂN NHƯ THẾ NÀO?
Trong lời thề tiếp theo, Hồ Chí Minh thề: “Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ.” Xin hãy theo dõi cách Hồ Chí Minh thực hiện lời thề nầy.
Ngày 13-11-1946, đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu rời Sài Gòn về Pháp. Trong khi tân chính phủ thiên tả tại Paris thành lập từ ngày 16-11-1946 do Léon Blum lãnh đạo, đang dự tính mở những cuộc thương thuyết mới với chính phủ Việt Minh, thì trung tướng Jean Valluy, giữ chức quyền cao ủy Pháp tại Đông Dương (cao ủy D'argenlieu vắng mặt), đã cố tình kiếm cách gây hấn để đánh chiếm Bắc Việt.
Với một lực lượng mạnh mẽ tại Bắc Việt sau thỏa ước Sơ bộ (6-3-1946), giới quân sự Pháp tìm cách kiêu khích cho Việt Minh tấn công trước, nhằm lấy cớ để quân đội Pháp đánh chiếm Bắc Việt mà không sợ bị chính phủ Paris khiển trách.
Nhận thấy Việt Minh hoạt động mạnh mẽ, dựng nhiều rào cản trong thành phố Hà Nội, ngày 18-12-1946 Pháp giao cho Việt Minh hai tối hậu thư. Tối hậu thư thứ nhất, Pháp đòi Việt Minh hủy bỏ những chướng ngại vật ở Hà Nội. Tối hậu thư thứ hai, Pháp cho biết nếu Việt Minh không duy trì được an ninh ở Hà Nội, thì Pháp sẽ phụ trách an ninh kể từ 20-12-1946. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb Văn Hóa, 1996, tr. 370.)
Nếu quân đội Pháp nắm giữ an ninh Hà Nội, nghĩa là kiểm soát cả lực lượng võ trang Việt Minh, thì sinh mệnh của chính phủ Hồ Chí Minh, lãnh đạo mặt trận Việt Minh và đảng CSĐD hoàn toàn nằm trong tay quân đội Pháp. Đó là điều Việt Minh không thể chấp nhận được. Hồ Chí Minh liền họp trung ương đảng CSĐD (TƯĐCSĐD) để quyết định.
Đảng CSĐD đã được Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán ngày 11-11-1945, và thay bằng Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Mác-xít] do Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) làm tổng thư ký. Tuy nhiên, theo lời Hồ Chí Minh “dù là bí mật, đảng [CSĐD] vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 161.) Trung ương đảng CSĐD họp trong hai ngày 18 và 19-12-1946, tại Vạn Phúc (Hà Đông).
Không thể để Pháp bắt, cũng không thể âm thầm nhục nhã bỏ trốn khỏi Hà Nội, Việt Minh và đảng CSĐD không còn chọn lựa nào khác là phải quyết định tấn công Pháp, nhưng Việt Minh không đủ sức đánh Pháp nên ph ải kêu gọi toàn quốc kháng chiến, để Hồ Chí Minh và Việt Minh có lý do chính đáng thoát thân khỏi Hà Nội trong danh dự.
Hồ Chí Minh không hỏi ý kiến quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của người Việt lúc đó, hay ban thường vụ quốc hội, đại diện cho quốc hội, gồm những người luôn luôn có mặt ở Hà Nội, mà chỉ hỏi ý kiến trung ương đảng CSĐD để phát động chiến tranh.
Theo điều thứ 29 của Hiến Pháp ngày 9-11-1946, thì “muốn tuyên chiến thì phải có hai phần ba số nghị viện có mặt bỏ phiếu thuận.” Sau đó, điều thứ 38 ghi rằng: “Khi Nghị viện không họp được, Ban thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến.” Tuy hiến pháp nầy không được ban hành và bị bãi bỏ ngày 14-11-1946, tức 5 ngày sau khi được quốc hội thông qua, nhưng lúc đó ban thường trực quốc hội đã được bầu lên.
Ban thường trực quốc hội có mặt thường xuyên ở Hà Nội, nhưng không được Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến về một việc trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của toàn dân, mà Hồ Chí Minh chỉ hội ý riêng với TƯĐCSĐD, rồi quyết định tấn công Pháp. Điều nầy có nghĩa là không phải quốc hội Việt Nam hay ban thường trực quốc hội Việt Nam, tức không phải đại biểu nhân dân Việt Nam quyết định chiến tranh với Pháp, mà Hồ Chí Minh, mặt trận Việt Minh, TƯĐCSĐD tự ý quyết định mở cuộc tấn công Pháp, rồi áp đặt chiến tranh lên dân tộc Việt Nam.
Nhớ lại lịch sử nước ta thời nhà Trần (1226-1400), vào tháng 11 năm giáp thân (1284), được tin nhà Nguyên (Trung Hoa) gởi quân tấn công nước ta, vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293) triệu mời các bô lão khắp nước đến điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để tham khảo ý kiến. Tất cả những người có mặt đồng thanh trả lời là: "Phải đánh" (Quyết chiến). Vào thế kỷ 13, việc đi lại khó khăn, triệu mời đại biểu dân chúng không dễ, Trần Nhân Tông còn hỏi ý dân để chống ngoại xâm. Trong khi đó, giữa thế kỷ 20, Hồ Chí Minh chỉ hỏi ý đảng của ông ta tức đảng CSĐD, mà không cần hỏi ý dân, cũng không cần hỏi ý quốc hội hay ban thường vụ quốc hội đang có mặt tại Hà Nội.
Cần chú ý là khi Pháp nhờ người Anh, đưa quân tái chiếm miền Nam từ tháng 9-1945, rồi lại đưa quân tiến ra miền Trung và miền Bắc, tổ quốc Việt Nam đã thực sự lâm nguy từ lúc đó. Dầu vậy, Việt Minh không kêu gọi toàn dân chống Pháp, mà VM kiếm cách thương thuyết với Pháp để duy trì quyền bính. Nay không còn thương thuyết được nữa, hết cách thỏa thuận, Việt Minh mới quyết định đánh Pháp vì Việt Minh lâm nguy chứ không phải vì tổ quốc lâm nguy.
Ủy ban TƯĐCSĐD quyết định đánh Pháp nhằm tạo ra lý do chính đáng để rút lui khỏi Hà Nội. Như thế chiến tranh bùng nổ tối 19-12-1946 là chiến tranh giữa Việt Minh và đảng CSĐD với Pháp, chứ không phải giữa dân tộc Việt Nam và Pháp.
Khi cầm quyền, gần 10 ngày sau khi chính phủ VNDCCH ra mắt, hội nghị Trung ương đảng CSĐD tại Hà Nội ngày 11-9-1945, đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CSĐD nắm độc quyền điều khiển mặt trận Việt Minh, và một mình thực hiện cách mạng.(Philippe Devillers, sđd. tr. 143.) Đảng CSĐD nắm độc quyền mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đang nắm chính quyền, cai trị đất nước. Như thế có nghĩa là đảng CSĐD độc quyền cai trị đất nước.
Trong sách Một cơn gió bụi, chương 6, Trần Trọng Kim viết: “Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái khác hay không đảng phái vào làm bộ trưởng là cốt làm bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.” Như thế, khi cầm quyền, Việt Minh cương quyết nắm chặt chính quyền trong tay, không chia sẻ quyền lực cho bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Chẳng những thế, Việt Minh còn tiêu diệt tất cả những thành phần không theo Việt Minh. Nay gặp khó khăn, bị Pháp dồn vào đường cùng, Việt Minh không đối phó nổi với Pháp một mình, thì lại chia sẻ chiến tranh cho toàn dân, kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Chống ngoại xâm là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Từ khi người Pháp đặt nền bảo hộ năm 1884, người Việt Nam liên tục nổi lên chống Pháp. Nay nghe được lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp, dân chúng Việt Nam nô nức hưởng ứng ngay vì lòng yêu nước, thương nòi, chứ dân chúng hoàn toàn không nghi ngờ và không hay biết những âm mưu và thủ đoạn mà lúc đó Việt Minh giấu kín. Nhờ vậy, Hồ Chí Minh, mặt trận Việt Minh và đảng CSĐD mới thoát khỏi nguy cơ có thể bị Pháp tiêu diệt vào năm 1946.
Như thế “Lời thề độc lập” năm 1945 của Hồ Chí Minh vang không xa và vang không lâu, vì chỉ khoảng nửa năm sau, Hồ Chí Minh và đảng CSĐD đã vội vàng nuốt lại lời thề, phản bội tổ quốc, rước Pháp trở lại Việt Nam. Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long lịch sử, lời thề đó của Hồ Chí Minh đâu có còn giá trị nữa mà vang, nhất là khi đảng CSVN mưiợn cớ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long nhằm mừng quốc khánh Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào ngày 1-10.
Lời thơ hùng tráng thay tiếng kèn thúc quân của danh tướng Lý Thưòng Kiệt tại Thăng Long năm 1077 mới chính là lời thề độc lập vàng son chói lọi, vang vọng mãi mãi như nhạc hồn đất nước mà dân tộc Việt đời đời ghi nhớ:
"Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."
(Có người dịch là:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.")
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 9-9-2010, ngày tiễn đưa bạn Trần Công Nghị)
Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh |
No comments:
Post a Comment