28 September 2009

Muốn Hội Nhập Phải Hành Xử Văn Minh


Mục tiêu của hội nhập là việc kết bạn, kiếm đồng minh nhằm hỗ tương về thương mại, giáo dục, và quốc phòng. Người dân và chính quyền Hoa Kỳ, Canada, Úc, cộng đồng Châu Âu, hay bất cứ quốc gia tân tiến nào trên thế giới chưa thể làm đồng minh hay kết bạn lâu dài với một đất nước chưa hội nhập. Lý do là dân tộc Việt Nam, được lãnh đạo bởi một chính quyền tự mâu thuẫn với chính hiến pháp của họ, kềm chế sự đóng góp chính đáng của giới trí thức và quần chúng của chính họ, và dung túng cho tham nhũng (có tính cách hệ thống).

Lê Minh Thịnh



Sau khi đất nước Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế (World Trade Organization) năm 2007, chính quyền Việt Nam theo đuổi những chính sách hội nhập, và luôn rao giảng thành ngữ "ra biển lớn". Nhưng chính họ đã và đang vẽ lên bức tranh kém văn minh và thiếu văn hóa làm suy giảm danh dự và uy tín của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin đơn cử vài thí dụ ngắn gọn trước để bạn đọc có thể liên tưởng ngay. Một ông nhà giàu thiếu văn hóa, mặc âu phục đi giày tây về thăm những nông dân một nắng hai sương, làm ruộng chân lấm tay bùn. Một ông nhà quê đang học đòi văn minh, tự sắm cho mình chiếc xe Rolls-Royce hào nhoáng. Một ông lãnh đạo Hà Nội bằng cấp cao nhưng hơi thiếu văn hóa, ngồi xe ô-tô khô ráo, thăm dân tình khốn khổ trong trận lụt lớn nhất thế kỷ. Chắc hẳn, bạn đọc nào cũng thấy sự kệch cỡm và khôi hài của vấn đề.

Trên trường quốc tế, chính quyền Việt Nam đã làm suy giảm danh dự và uy tín của dân tộc Việt Nam qua bốn trường hợp sau:

Thứ nhất: Chính quyền Việt Nam đã đọc, hiểu, đồng ý, và ký kết vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights - 1948). Tuy nhiên, chính quyền (và công an, an ninh) Việt Nam đã vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, chẳng hạn như việc bắt giữ, tra khảo, ớm cung, và ép cung blogger Mẹ Nấm, blogger Người Buôn Gió, và nhà báo Phạm Đoan Trang mới đây. Mỗi lần bị đưa ra công luận quốc tế, chính quyền luôn luôn che đậy, giấu đầu hở đuôi, và lấp liếm bằng cách phân giải mỗi quốc gia có cách diễn giải "nhân quyền" khác nhau. Khi đại diện Việt Nam đặt bút ký, chắc hẳn cả người thông dịch và người ký đã phải thấu hiểu chữ Universal nghĩa là gì, và bao gồm những quốc gia thành viên và tiêu chuẩn nào?

Thứ hai: Nhân viên tòa đại sứ Việt Nam và nhân viên Hàng Không Việt Nam đã không hành xử như đại diện của đất nước Việt Nam chẳng hạn như vụ buôn sừng tê giác tại Nam Phi, vụ ăn cắp và chuyển đồ lậu tại Nhật, vụ buôn lậu đô-la tại Úc, vụ không bảo vệ người lao động Việt Nam tại Mã Lai, Đài Loan, và vụ lờ tòa án Ý. Trong những năm 90, báo Times (người viết đã đọc qua nhưng không kiếm lại tài liệu cũ được) có nêu lên vụ nhân viên tòa đại sứ Việt Nam tại Tiệp Khắc buôn lậu bằng cách gửi thật nhiều rượu (với lý do để uống) từ Tiệp về Việt Nam với tư cách nhân viên ngoại giao đoàn.

Thứ ba: Công dân Việt Nam được đối xử 2 cách khác nhau: một cách cho dân đen và một cách cho "dân đỏ". Chính quyền Việt Nam xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ 3 năm tù giam. Ông Sĩ là một quan chức cao cấp thành phố, tham gia vụ tham nhũng quốc tế PCI, đã tỉnh táo nhận 800 ngàn đô-la Mỹ, mà báo chí và toà án Nhật đã phanh phui nhiều tháng nay. Trong khi đó, theo tác giả Hà Văn Thịnh (giáo sư Đại Học Huế), 3 nông dân ở tỉnh Lâm Đồng bị kết án tổng cộng 13 năm tù giam, vì say rượu, đã cướp 2 con vịt trị giá 175 ngàn đồng Việt Nam. Chánh án Việt Nam đã thật sự ngu ngơ, không phân biệt được ba khái niệm pháp lý căn bản: tỉnh táo (nên cố ý) vi phạm, và không tỉnh táo (nên có thể vô tình) vi phạm; khoản thiệt hại về kinh tế phải tỷ lệ (thuận) với khoản bị đền bù hay xử phạt với người bị kết tội; và khoản thiệt hại về danh dự quốc gia (cũng như đoàn thể hay cá nhân) cũng phải tỷ lệ với khoản bị đền bù hay xử phạt với người bị kết tội.

Thứ tư: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành 2 quyết định quan trọng gây nhiều bất bình trong giới trí thức và quần chúng Việt Nam, và đã gây tiếng vang không nhỏ trong giới báo chí quốc tế như the New York Times, AP, Reuters và giới học giả như giáo sư Carl Thayer (Úc) và nhà báo và bình luật gia Greg Rushford (Hoa Kỳ).

Thứ nhất là việc ban hành trái Hiến pháp và Pháp luật quyết định số 167/2007/QĐ-TTg liên quan đến việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, và thứ hai là Quyết định số 97 liên quan đến việc ngăn cấm nghiên cứu và phản biện xã hội một cách công khai dẫn đến việc tự khai tử của viện IDS (Institute of Development Studies), một think-tank cố vấn cho chính quyền phác họa ra những chính sách quốc gia hợp lý và khả thi.

Hiến pháp Việt Nam đã nêu rõ mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, công dân (Tiến sĩ Luật) Cù Huy Hà Vũ lại được đại diện Tòa Tối cao là Thẩm Phán - phó Chánh án Tòa Hành Chính bà Nguyễn Thị Hoàng Bạch Yến, và Thẩm Phán - phó Chánh Tòa Phúc Thẩm ông Vũ Thế Đoàn khuyên nhủ rút đơn kiện công dân (Thủ Tướng Việt Nam) Nguyễn Tấn Dũng. Cách hành xử của hai Thẩm Phán cao cấp, đại diện Tòa Tối Cao đã cho thấy những người đứng đầu và đại diện cho pháp luật Việt Nam đã ngây thơ vi hiến ngay giữa pháp đình của thế kỷ thứ 21.

Như vậy, hành xử như thế nào mới có thể xem là văn minh và có được đồng minh lâu dài?

Singapore là thí dụ đồng minh của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Sau khi sóng thần Tsunami cướp đi sinh mạng của hơn 150 ngàn dân cư và khách du lịch vào tháng 12 năm 2004, Singapore đã lập tức gửi một phái đoàn quân sự (phi đội trực thăng Chinook, 3 chiến hạm RSS Persistence, RSS Endurance, và RSS Endeavour), y tế, và cứu hộ sang Aceh, Indonesia để cứu nạn. (Xin được mở ngoặc, cùng lúc đó, Hàng Không Việt Nam, tuyên bố mua mấy chiếc máy bay dân sự trị giá hàng chục triệu đô-la Mỹ nhằm cạnh tranh phát triển du lịch. Người viết không rõ chính quyền Việt Nam có ra văn kiện chia buồn đến những gia đình của các nạn nhân hay không). Tháng 8 năm 2005, khi Hoa Kỳ bị cơn bão Katrina giết đi trên 1 ngàn sinh mạng, thiệt hại 77 tỷ đô-la (theo Reuters), và lụt lội trầm trọng tại vùng New Orleans, Singapore đã lập tức gửi phi đội trực thăng Chinook sang để cùng với Hoa Kỳ cứu nạn và đắp đê chống lụt.

Mục tiêu của hội nhập là việc kết bạn, kiếm đồng minh nhằm hỗ tương về thương mại, giáo dục, và quốc phòng. Người dân và chính quyền Hoa Kỳ, Canada, Úc, cộng đồng Châu Âu, hay bất cứ quốc gia tân tiến nào trên thế giới chưa thể làm đồng minh hay kết bạn lâu dài với một đất nước chưa hội nhập. Lý do là dân tộc Việt Nam, được lãnh đạo bởi một chính quyền tự mâu thuẫn với chính hiến pháp của họ, kềm chế sự đóng góp chính đáng của giới trí thức và quần chúng của chính họ, và dung túng cho tham nhũng (có tính cách hệ thống).

Cho nên, đất nước Việt Nam muốn hội nhập và có được đồng minh tốt và lâu dài, cần phải không những hàng động theo tiêu chí đôi bên cùng có lợi, mà còn hành xử văn minh, đồng bộ với cộng đồng nhân loại.


Lê Minh Thịnh
Singapore, 27-09-2009


26 September 2009

Huyền Thoại TQ3: Thống kê như Gà gáy


Rồi ngạc nhiên khi có tin là vùng này vùng kia của Trung Quốc có loạn vì dân chúng biểu tình dàn trận với công an!

Những chuyện ngoắt ngoéo ấy dẫn ta về vấn đề chính: đảng viên cán bộ không có trách nhiệm với người dân ở dưới nên không còn là tai mắt đáng tin về thực tế xã hội. Khi có vấn đề thì an ninh và công an lại có quyền đàn áp, mà truyền thông bị gạt ra ngoài.

Nguyễn Xuân Nghĩa



Nội lực ra sao làm sao biết được?

Milton Friedman là một kinh tế gia bậc thầy, thuộc trường phái tiền tệ với chủ trương nhiệt liệt đề cao tự do kinh tế. Ông cũng đã từng được mời qua Bắc Kinh diễn thuyết về kinh tế thị trường và quyền tự do chọn lựa của người dân. Ông mất vào tháng 11 năm 2006, ở tuổi 95. Trước khi tạ thế mấy tháng, ông được tờ Wall Street Journal phỏng vấn và bài này được tờ báo phổ biến trong số ra ngày 22 tháng Giêng năm 2007.

Ghi rõ như vậy để những người tò mò có thể tìm đọc lại, khi Friedman được tờ báo mời ông so sánh Trung Quốc và Ấn Độ. Câu trả lời phải làm chúng ta giật mình:

"Trung Quốc vẫn duy trì chế độ tập thể về chính trị và nhân sự trong khi giải phóng dần nền kinh tế thị trường. Tới nay thì điều đó có thành công, nhưng sẽ dẫn tới xung đột vì không thể dung hợp kinh tế tự do với chính trị tập thể. Ấn Độ thì duy trì chế độ dân chủ chính trị nhưng lại quản lý một nền kinh tế tập thể. Bây giờ họ mới bắt đầu giải phóng kinh tế nên sẽ gia tăng mọi quyền tự do, vì vậy xứ này có vị trí khả quan hơn Trung Quốc".

Có lẽ các kinh tế gia thường nhìn sự việc khác thiên hạ nên mới có lời phán như của Milton Friedman. Thiên hạ đang nói đến Trung Quốc như một đại cường, hoặc một mối lo cho thế giới. Không mấy ai chú ý đến Ấn Độ, một xứ có một tỷ 200 triệu dân và sẽ có dân số vượt Trung Quốc trong vài thập niên nữa. Ấn Độ có nhiều dân Hồi giáo nhất thế giới và thường bị khủng bố tấn công, nhưng không ai nghe thấy chuyện đàn áp tôn giáo hoặc chà đạp nhân quyền, như Trung Quốc. Và Ấn Độ cũng không có âm mưu bành trướng hoặc đe doạ các lân bang.

Trong khi ấy, Trung Quốc mới là nhân vật nổi!

Milton Friedman không là kinh tế gia bình thường, ông nhìn sự việc khác với thiên hạ nên là nhân vật hiếm hoi không tỏ vẻ gì là bị mê hoặc về huyền thoại Trung Quốc mà còn tiên báo điều nghịch lý. Có lẽ vì ông nhìn vào nội lực thật của Trung Quốc. Chúng ta cũng nên thử tìm hiểu về nội lực đó khi cả thế giới cứ nói hoài là khi Trung Quốc tỉnh giấc, thiên hạ sẽ bị chấn động.

Quả nhiên là Trung Quốc đang thành cường quốc kinh tế, có dự trữ ngoại tệ hơn hai ngàn tỷ My kim, làm chủ nợ của Mỹ, đã phóng vệ tinh và đưa người lên không gian, nay đang chế tạo tầu ngầm và sẽ có hàng không mẫu hạm để vươn tới biển xanh, v.v...

Nếu còn hồ nghi thì cứ đọc báo với những thống kê hàng ngày về sản lượng kinh tế gia tăng vùn vụt trong khi Hoa Kỳ còn đang suy trầm, suy thoái và mắc nợ tứ tung.

Hôm đầu tháng Chín vừa rồi, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Thành phố Bắc Kinh còn loan báo một con số đầy "ấn tượng" - chữ của người Hà Nội xin trả lại cho Hà Nội - rằng cuối năm nay thì sản lượng GDP trung bình của một người dân Bắc Kinh sẽ lên tới 10.000 Mỹ kim. So với năm ngoái là 9.075 đô la thì coi như tăng 12,5%. Con số một vạn đồng này có giá trị mầu nhiệm về tâm lý vì là tiêu chuẩn của mức sống trung lưu trên thế giới. Thống kê được tung ra như tiếng gáy trước ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc.

Nhưng người dân tại chỗ thì coi bộ lạnh tanh. Họ đã nghe quen tiếng gáy.

Thế hệ cha anh của họ đã kể lại thành tích long trời lở đất của "Bước nhảy vọt vĩ đại" thời Mao Trạch Đông. Từ nay ta sẽ phú cường yên vui. Sau đó, từ 1959 đến 1961 đã có 36 triệu người chết vì đói ngay trong thời bình. Chỉ vì một chuyện rất lạ là chính Mao Trạch Đông cũng không biết gì về thực trạng của xã hội, từ các công xã lên tới tỉnh, thành. Không biết gì về thực trạng đó nên dân mới chết đói mà nhà nước vẫn bình chân như vại. Chỉ vì từ cấp thấp nhất lên tới cấp cao nhất của bộ máy hành chánh cách mạng, người người đều thi đua thổi ống đu đủ, với những báo cáo vượt chỉ tiêu trình lên trên. Lên mỗi cấp lại nống thêm một nấc để lập thành tích dâng đảng.
Ở trên cùng, lãnh đạo đảng ngồi uống nước đường trong khi dân đói rã họng, chết như ruồi.

Hai chục năm sau trò đùa man rợ này, Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, và ý thức được sự mù lòa của lãnh đạo khi không có thông tin thực tế và thống kê khả tín. Ông muốn hiện đại hoá hệ thống thu thập thống kê và tiêu chuẩn hóa cách đo lường cho khoa học hơn. Ngày nay, ba chục năm sau, tình hình vẫn vậy! Tình hình sở dĩ vẫn như vậy sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001. Chỉ vì WTO không đòi hỏi xứ này cũng phải có hệ thống thống kê theo cùng tiêu chuẩn, chỉ cần có phương pháp phù hợp với các quốc gia đối tác mà thôi. Nước nào mà khôn ngoan tự cải tiến thì sẽ sáng hơn, nếu không thì cứ ráng chịu!

Vì vậy, ta mới có những tiếng gáy lạc điệu.

Thí dụ mà những người bị Trung Quốc mê hoặc nhất cũng không thể không biết. Tháng Tám vừa rồi, Cục Thống kê Quốc gia loan báo con số vĩ đại về Tổng sản lượng Nội địa với tăng suất cao bất ngờ, trong khi cả thế giới đang lao đao về suy thoái kinh tế. Nhưng con số đó chưa thấm vào đâu vì nếu cộng lại Tổng sản lượng GDP của 31 tỉnh và thành phố của toàn quốc thì còn cao hơn 10%! Cùng một nhà nước lãnh đạo mà ta có hai con số khác nhau...

Trước đó, vào tháng Tư, Cục Thống kê cũng nói tới mức tăng trưởng sản xuất đáng kể, làm Cục Năng lượng Quốc tế ngạc nhiên vì số cầu về dầu khí của Trung Quốc đã giảm mạnh. Tháng Sáu thì có chuyện sản lượng kỹ nghệ gia tăng đầy ấn tượng, là 8,9%. Các chuyên gia hoài nghi con số này của Cục Thống kê vì cùng lúc đó số điện tiêu thụ lại sút giảm. Dùng ít điện ít dầu hơn mà vẫn sản xuất nhiều hơn thì chỉ có phép lạ của con trời.

Vì sao lại có chuyện đó?

Vì Trung Quốc có hai hệ thống thu thập thông tin song hành. Một hệ thống là tổ chức thống kê với chức năng hội nhập và đúc kết các con số từ dưới đưa lên. Hệ thống kia là thống kê của các phủ bộ hay cơ quan cũng của nhà nước. Hệ thống hội nhập là của Cục Thống kê Quốc gia nằm tại Bắc Kinh, có nhân viên ở mọi cấp bên dưới để báo cáo về trung ương. Hệ thống kia là văn phòng thống kê của từng bộ có nhiệm vụ thu thập thống kê trong phạm vi chức năng của mình. Bộ Tài chánh có thống kê về tài chánh, thuế khoá, Bộ Thương mại có con số về đầu tư nước ngoài, v.v...

Hai hệ thống ấy gạn ra hai con số không giống nhau vì cùng một nguyên nhân. Chúng ta trở lại ý kiến của Milton Friedman.

Vì chế độ chính trị ông gọi là "tập thể", nhân sự trong bộ máy công quyền đều được ở trên bổ nhiệm - trừ nhân sự cấp xã ấp là do dân chúng bầu lên. Vì vậy, tuyệt đại đa số "công bộc nhà nước" đều chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên, là nơi quyết định việc thăng thưởng hoặc cơ hội đỉnh chung làm giàu cho họ. Cho nên họ chỉ phải báo cáo để thượng cấp đẹp lòng, chứ không chịu trách nhiệm gì với những người ở dưới - dưới cùng là người dân.

Trong công vụ, họ cần đưa lên trên những báo cáo có đặc tính tâng công và mỗi cấp lại châm thêm một hệ số tâng công như vậy, nên ở trên cùng, những người lãnh đạo đều có một phúc trình màu hồng. Và nhiều khi còn hồng hơn phúc trình của cơ quan khác, về cùng một lãnh vực cần khảo sát.

Đã vậy, phương pháp thống kê của Trung Quốc cũng có... "màu sắc Trung Hoa", nghĩa là không hoàn toàn giống phương pháp của các nước kỹ nghệ tiên tiến như Mỹ, Âu, Nhật. Thí dụ như con số về Tổng sản lượng GDP, Trung Quốc dùng phương pháp quy ra toàn năm, thí dụ từ tháng Tám năm này so với tháng Tám năm ngoái. Trong khi các nước kia dùng cả phương pháp đó (xin lỗi, gọi là year-over-year) lẫn phương pháp chi tiết hơn, là từ quý này qua quý sau (mỗi ba tháng). Những trường hợp khác biệt này có rất nhiều, nhưng điểm cần nói ở đây là truyền thông đôi khi không phân biệt hay giải thích, nên dễ kết luận sai và tạo ra ấn tượng (cảm tưởng, định nghĩa của từ này) là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, thất nghiệp thấp, có lợi tức cao, v.v...

Rồi ngạc nhiên khi có tin là vùng này vùng kia của Trung Quốc có loạn vì dân chúng biểu tình dàn trận với công an!

Những chuyện ngoắt ngoéo ấy dẫn ta về vấn đề chính: đảng viên cán bộ không có trách nhiệm với người dân ở dưới nên không còn là tai mắt đáng tin về thực tế xã hội. Khi có vấn đề thì an ninh và công an lại có quyền đàn áp, mà truyền thông bị gạt ra ngoài.

Loạn nhỏ sẽ gây ra loạn lớn làm mọi người đều ngạc nhiên. Ngoại trừ Friedman, nhưng ông đã đi rồi. Chúng ta sẽ còn trở lại những chuyện đáng ngạc nhiên này. Xin chờ đợi số báo tới!


NGUYỄN XUÂN NGHĨA


25 September 2009

Huyền Thoại TQ 2 - Cái Nghiệp Hợp Tan


Lãnh đạo Trung Quốc đang gặp lại bài toán muôn thuở là tập trung quyền lực về trung ương để gìn giữ ổn định, hay phân quyền cho các địa phương để phát triển, nhưng là phát triển không đồng đều trên một lãnh thổ có ba vùng tam phân về lợi tức và nhận thức. Chưa nói đến sự cấu kết của các thế lực ngoại bang hay doanh nghiệp ngoại quốc với các đảng bộ phú hào ở địa phương...

Nguyễn Xuân Nghĩa



Tập trung để ổn định hay Phân quyền để tan rã?

Truyện Tam quốc chí Diễn nghĩa mở đầu như sau:

"Phàm đại thế trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: như cuối đời nhà Chu, bảy nước phân tranh xâu xé rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán..."

Người Việt chúng ta thường mê truyện Tầu và Tam quốc thì còn đọc lầu lầu, nhưng có khi lại quên mất câu mở đầu của tác phẩm. Nó có thể là một quy luật lịch sử, xuất phát từ một thực tế địa dư. Nói cho thi vị, nó nằm trong lá Tử vi của Trung Quốc!
Quốc gia bát ngát này có địa dư hình thể khá đặc biệt đã ảnh hưởng đến kinh tế, văn hoá và chính trị.

Từ biển Đông đi vào hướng Tây, Trung Quốc có khu vực đầu tiên là cái nôi của nền văn minh gọi là Hoa Hạ, với các sắc dân có thể từ nơi khác về tập trung dần ở tại đây và dựng nên Trung Quốc như ta biết ngày nay.

Nếu vạch một đường tuyến từ điểm giáp giới với với mỏm cực Bắc của Miến Điện lên tới Bắc Kinh và kéo dài qua phân nửa Đông Nam của Mãn Châu, ta có một đường "đẳng cao tuyến" phân biệt độ mưa (isohyet). Bên phải của đường tuyến ra tới biển là nơi có cùng độ ẩm (36 phân nước mưa) thuận tiện cho việc trồng trọt. Bên kia là những vùng đất khô cằn. Khu vực này còn có ba con sông lớn là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang cần thiết cho tiêu tưới và cả vận chuyển. Đây là Trung Nguyên, vùng sinh hoạt tập trung Hán tộc trong khi các sắc tộc thiểu số khác thì sống phân tán trên những vùng còn lại, bị đồng hoá dần.

Những vùng còn lại đó là 1) khu vực nội địa, nằm ở phía Tây và khó thông thương ra ngoài và 2) khu vực biên trấn tiếp giáp với xứ khác, từ cao nguyên Thanh Tạng qua Tân Cương lên tới Nội Mông và Mãn Châu. Khu vực biên trấn này là vùng trái độn về quân sự để bảo vệ Trung Quốc vì trong lịch sử, các dị tộc hay ngoại bang mà người Hán khinh miệt thường tràn vào tấn công, thậm chí làm chủ Trung Nguyên trong nhiều thế kỷ.

Bài toán hợp tan từ muôn thuở là làm sao thống nhất được Trung Nguyên, kiểm soát được canh nông và phân phối lương thực ở tại đây, khống chế được khu vực nội địa và bảo vệ được khu vực ngoại biên. Ngay tại Trung Nguyên, một bài toán khác cũng từng đặt ra là thống nhất cai trị trên vùng đất trù phú và đông dân nhất: mâu thuẫn Nam-Bắc đã nhiều lần xảy ra và ngày nay, vẫn còn miền Nam nói tiếng Quảng Đông, miền Bắc nói tiếng Quan hoả, ở giữa là nhiều ngôn ngữ địa phương khác.

Vì vậy, mọi triều đại vừa lên cai trị đều phải giữ chặt Trung Nguyên bằng một chế độ tập trung và khống chế được các dị tộc bên ngoài để khỏi bị tấn công. Muốn như vậy, phải kiểm soát được các vùng thảo nguyên sa mạc vây quanh và cả những đường chuyển vận huyết mạch xuyên qua khu vực hoang vu đó. Say mê truyện Tầu, chúng ta đã nghe hoặc đọc nhiều về rợ Hung Nô, về mối lo của nhà Hán tại Tây Vực, hoặc sự hình thành của nhiều đợt Vạn lý Trường thành được xây dựng từ thời Chiến Quốc qua nhà Tần, nhà Minh...

Đấy là biểu hiện của bài toán kết hợp để bảo vệ, nếu không là tan thành nhiều nước...

Sau các thời Xuân Thu rồi Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng đế đã bãi bỏ chế độ phân phong - chia đất và phong hầu cho tầng lớp quý tộc, về sau họ trở thành nhiều "nước" sâu xé lẫn nhau - để lập ra chế độ quận huyện với một bộ máy quan lại (gọi là hành chánh theo ngôn ngữ ngày nay) do trung ương thống nhất điều khiển... Điều khiển việc gì? Chủ yếu là việc trưng thu và phân phối tài nguyên, kể cả thuế khóa, để nuôi quân và bảo vệ triều đình ở trung ương.

Trong mấy ngàn năm, mưu thuật chính trị của đa số quan lại là nếu ở trong triều thì phải ảnh hưởng được tới Hoàng đế hầu bảo vệ được quyền lực trong bộ máy công quyền; nếu ở địa phương thì ảnh hưởng được tới các quan tại trung ương hầu được thăng quan tiến chức - hoặc khỏi mất việc, bay đầu... Trong ngần ấy mưu toan, ai ai cũng nhân danh Hoàng đế, một người có "chân mạng đế vương", thừa "thiên mệnh" mà cai trị bàn dân thiên hạ.

Nhưng nội loạn vẫn có thể bùng nổ khi bộ máy công quyền ấy cấu kết với các phần tử ưu tú - giàu có và sáng suốt nhất ở từng địa phương - và đòi làm chủ một khu vực mà không công nhận quyền lực trung ương. Nội loạn bùng nổ nhiều lần trong lịch sử, khi quyền lực trung ương bị suy yếu vì triều đình mục nát, quan lại tham ô. Đó là chuyện tan. Khi có kẻ xuất chúng bước lên thống nhất thiên hạ bằng bạo lực thì quyền lực trung ương lại được tập trung rất chặt chẽ, đấy là chuyện hợp...

Trên một lãnh thổ rộng lớn như vậy, xứ này có đủ tài nguyên để tồn tại trong chế độ tự cung tự cấp. Nếu muốn được trù phú hơn, Trung Quốc phải giao thương với bên ngoài. Trong một giai đoạn mấy ngàn năm, cõi "bên ngoài" ấy chưa là biển Đông vì xứ này không có một nền hàng hải như nhiều quốc gia duyên hải khác của nhân loại. Một thử nghiệm ngắn ngủi là các chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hoà vào đầu thế kỷ 15 rồi bị dập tắt. Họ quay vào trong, thành một cường quốc lục địa. Khi cần giao thương, ngả đường chủ yếu là "Con đường Tơ lụa" Ti trù lộ trên khu vực biên trấn qua Tân Cương vào Trung Á. Bảo vệ đường giao thương hiểm trở ấy là chiến lược an ninh và kinh tế. Trung ương cung cấp phương tiện phòng vệ cho các địa phương và đổi lại thì được các địa phương cung cấp tài vật trưng thu được trên đường giao thương.

Khi nhân loại bắt đầu bước qua giai đoạn công nghiệp thì cũng là lúc xuất hiện các pháo hạm Âu Châu, rồi Nhật Bản và Hoa Kỳ, ở ngoài biển Đông. Thế quân bình ngàn năm bị đảo lộn.

Trung ương phải giao thương với bên ngoài theo những điều kiện do các cường quốc bên ngoài đặt ra. Vì lý do địa lý lẫn chính trị, việc giao thương đó lại tập trung ở các tỉnh duyên hải miền Đông Nam, nằm rất xa Bắc Kinh để trung ương khỏi bị nhiễm độc Tây dương. Đâm ra, rất cô đơn ở trên đỉnh, trung ương tại Bắc Kinh thấy là mình phải xử lý một lúc với hai thế lực đôi khi toa rập với nhau, là ngoại bang và các tỉnh duyên hải này. Trung ương viện dẫn "thiên mệnh" hay "Thánh hiền", các tỉnh thì viện dẫn thịnh vượng và tiến bộ.

Bài toán hợp tan lại đặt ra. Nếu bế quan toả cảng để tập trung quyền lực thì xứ sở nghèo đi trong một thế "đại đồng" mà kiệt quệ. Nếu lại giao thương với bên ngoài để mở mang xứ sở thì trung ương bị suy yếu trong khi các tỉnh lại giàu mạnh hơn. Nhà Đại Thanh bị suy yếu dần trong thế kỷ 19 rồi tan rã dưới hai động lượng song hành là thế lực ngoại bang (chủ nghĩa tư bản!) và thế lực địa phương (chủ nghĩa cát cứ!). Mà chẳng thế lực nào lại có thể kiểm soát được cả lãnh thổ nên Trung Quốc đi vào nội loạn và nội chiến kéo dài....

Trong nhiều biến động chính trị của lịch sử xứ này, thành phần dân chúng đói khổ ở các vùng nội địa vẫn thường cung cấp nhân lực cho cách mạng đổi đời tại Trung Nguyên, là nơi có điều kiện sinh sống tương đối thoải mái hơn. Tần Thủy Hoàng đế hay Mao Trạch Đông cũng quy tụ nhân lực từ những khu vực ấy để tiến vào làm chủ Trung Nguyên. Trung Quốc đã tồn tại hơn hai chục thế kỷ với hệ thống chính trị đó.

Bây giờ, tình hình đã khác...

***

Khi lên nắm quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông lập tức tập trung quyền lực vào trung ương, đưa quân đi xây dựng vùng trái độn ở ngoài phiên trấn và phát huy chủ nghĩa đại đồng theo quan niệm và sự diễn giải của ông ta. Muốn phát triển xứ sở cho đại đa số dân nghèo - thành phần quần chúng của mình - bớt đói khổ, ông phát động "Bước nhảy vọt vĩ đại". Đó là giải pháp cách mạng kinh tế tại các công xã địa phương mà không đe dọa quyền lực của trung ương. Kết quả là một tai họa lịch sử làm 36 triệu người chết! Chìm sâu bên dưới bi kịch đó là một hiện tượng vẫn đang tiếp diễn: trung ương bị mù lòa về thông tin vì thống kê ở bên dưới đưa lên là những dữ kiện ảo. Mỗi cấp lại châm thêm một "hệ số tích cực", là thổi phồng thành quả, và tích lũy thành một báo cáo siêu thực hoàn toàn tách rời khỏi thực tế.

Khi thấy quyền lực trung ương bị rung chuyển, Mao Trạch Đông thi thố loạt biện pháp thứ nhì: dùng quần chúng sinh viên và nông dân đánh ngược vào cơ sở đảng, rồi gọi đó là "Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại". Người có công trong chiến lược quái đản này của Mao là Khang Sinh, trùm an ninh và mật vụ của Mao và cũng là nhân vật thực tế chỉ đạo "Tứ nhân bang", kể cả Giang Thanh. Mười năm cách mạng hoang tưởng đó chỉ kết thúc với cái chết của Khang Sinh rồi Mao Trạch Đông, khiến Đặng Tiểu Bình có cơ hội trở về tranh thủ lại quyền lực đã mất.

Xong rồi, ông tiến hành một cuộc cách mạng thật, là cải cách kinh tế và mở cửa ra bên ngoài, kể từ đầu năm 1979 trở đi (Sau Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 vào tháng 12 năm 1978).

Sau khẩu hiệu "đại đồng" của Mao là khẩu hiệu "tiểu khang" của Đặng. Lấy chữ trong Kinh Thi, phần Đại Nhã, bài "Dân Lao", Đặng Tiểu Bình muốn cho dân nghèo đều được đủ ăn (khang tí tí thôi) bằng cách lấy tăng trưởng kinh tế là thước đo cho sự thăng tiến chính trị của các đảng viên. Quả nhiên là khi trung ương hết tập trung kiểm soát kinh tế thì người dân được làm ăn thoải mái hơn, với kết quả là 800 triệu người đã thoát khỏi mối lo chết đói...

Nhưng, địa dư hình thể và chính trị độc đoán vẫn lại vận hành: ba chục năm sau khi cải cách, các tỉnh duyên hải làm giàu nhanh nhất, các đảng viên trong bộ máy quan lại cũng vậy.

Nông dân khỏi lo chết đói thì lại thấy rằng mình vẫn tụt hậu, bị lọt sổ ở dưới. Và đất đai canh tác bị thu hẹp, bị cưỡng đoạt cho công cuộc kỹ nghệ hoá và đô thị hóa. Giữa các tỉnh với nhau, khu vực duyên hải cũng tăng trưởng mạnh nhất, bỏ xa hai khu vực còn lại. Hố sâu giàu nghèo bị đào sâu giữa các thành phần dân chúng và giữa các tỉnh. Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Đào đều đã thấy vấn đề này.

Và lờ mờ nhìn ra viễn ảnh hợp tan.

Mươi năm về trước, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ phát động phong trào "Tây Tiến" để kêu gọi đầu tư vào các tỉnh lạc hậu bị khoá trong lục địa ở hướng Tây. Nhưng thiên nhiên hiểm trở và thị trường lý tài đều thuộc loại cứng đầu nên phong trào không có kết quả. Hàng hóa sản xuất từ mấy nơi đó thì rẻ hơn thật, nhưng vận chuyển ra ngoài, tới vùng duyên hải để xuất cảng qua xứ khác lại tốn kém hơn nhiều!

Khi lên kế vị, thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng thấy ra mối nguy hợp tan đó.

Họ lấy lại khẩu hiệu "tiểu khang" để nhắc nhở đến khối dân cùng khốn, họ quảng bá khái niệm "phát triển trên cơ sở khoa học" và xây dựng "xã hội hài hòa", tập trung nỗ lực vào một số ngành chiến lược như thép, than hay dầu, và tăng cường quyền hạn và phương tiện cho quân đội để thể hiện ý chí "quật khởi hoà bình". Toàn những khẩu hiệu đẹp mà sau nhiều năm thi hành vẫn chưa thấy kết quả.

Lãnh đạo Trung Quốc đang gặp lại bài toán muôn thuở là tập trung quyền lực về trung ương để gìn giữ ổn định, hay phân quyền cho các địa phương để phát triển, nhưng là phát triển không đồng đều trên một lãnh thổ có ba vùng tam phân về lợi tức và nhận thức. Chưa nói đến sự cấu kết của các thế lực ngoại bang hay doanh nghiệp ngoại quốc với các đảng bộ phú hào ở địa phương...

Hấp dẫn lắm!


NGUYỄN XUÂN NGHĨA


Huyền Thoại Trung Quốc 1


Quốc gia vĩ đại này đang gây ra những thách đố sinh tử cho Việt Nam nhưng lại có những vấn đề vĩ đại khiến khủng hoảng dễ bùng nổ. Khi bùng nổ thì cũng trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì vậy, ta nên kiên nhẫn tìm hiểu, trong khi thiên hạ om xòm đốt pháo bông mừng ngày "Quang Diện Trung Hoa"...

Nguyễn Xuân Nghĩa



Trung Quốc Vĩ Đại và những Vấn Đề Vĩ Đại...

Mùng một tháng 10 tới đây, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Đây là một biến cố quốc tế vì sẽ được truyền thông quốc tế loan tải với rất nhiều bình luận, so sánh. Đa số sẽ trầm trồ ngợi khen những tiến bộ vượt bậc trong ba chục năm sau, kể từ 1979, nếu so sánh với ba chục năm trước, từ 1949 đến 1979.

Cột báo này sẽ có loạt bài liên tục về Trung Quốc, nhưng từ một giác độ khác. Đó là giải phẫu huyền thoại Trung Quốc để phơi ra mặt trái biểu tượng quang hoa và thăng tiến mà Bắc Kinh muốn phóng chiếu ra ngoài với sự cổ võ của truyền thông quốc tế - nhất là truyền thông Mỹ.

Mà vì sao lại truyền thông Mỹ?

Người Mỹ nói chung có đặc tính am hiểu hời hợt về lịch sử, địa dư và văn hóa của xứ khác. Điều này dễ thông cảm vì họ sống trong một quốc gia quá lớn, có quá nhiều sắc thái đa điện, lại thường gây ảnh hưởng ra nước ngoài hơn là bị nước ngoài chi phối như nhiều xứ khác. Đã hời hợt trong một quốc gia quá mạnh và quá trẻ, dân Mỹ thường có tâm lý lạc quan thái quá rồi sau khi hồ hởi sảng, họ cũng dễ hốt hoảng bậy và bi quan quá đáng khi gặp vấn đề mới. Mới đối với nước Mỹ, chưa chắc là đối với nước khác.

Hai chục năm trước, khi Liên bang Xô viết bị khủng hoảng, một học giả Mỹ đã vội kết luận "sự cáo chung của lịch sử" với hàm ý là sau khi chủ nghĩa phát xít rồi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, thế giới đều thấy ra ưu điểm của kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Sự thắng thế của nền dân chủ tự do ("chủ nghĩa tư bản dân chủ" cho dễ hiểu) là quy luật phổ biến sẽ chi phối quan hệ quốc tế sau thời Chiến tranh lạnh. Đây là một bước ngoặt lịch sử cũng nghiêm trọng như Âu Châu sau giai đoạn "Chiến tranh Napoléon", từ 1806 trở về sau. Bài viết với đề tựa đó của Francis Fukyama xuất hiện năm 1989, rồi được khai triển thành sách và là dấu mốc của hiện tượng hồ hởi sảng.
Hai chục năm sau, dân Mỹ đang hốt hoảng bậy.

Kinh tế thị trường gây ra khủng hoảng nên cần sự can thiệp anh minh của chính quyền. Chìm sâu bên dưới là sự hoài nghi chủ nghĩa tư bản và thể chế chính trị dân chủ. Niềm tin về giá trị của quy tắc kết hợp kinh tế tự do với chính trị dân chủ - được quảng bá dưới thời Tổng thống Bill Clinton qua tên gọi là "Washington Consensus" - đã bị đả phá và lay chuyển từ gốc rễ. Nỗi bi quan đó khiến một bỉnh bút khét tiếng của tờ New York Times là Thomas Friedman đã viết hôm mùng chín tháng Chín vừa qua một bài kết án nền dân chủ Mỹ trong kế hoạch giải trừ nguy cơ nhiệt hoá địa cầu - chỉ vì khả năng cưỡng chống của đảng Cộng Hoà thiểu số. Tác giả có quyền bình luận như vậy vì tầm nhìn nông cạn của ông ta. Nhưng từ đó lại ngợi ca ưu thế độc đảng của Trung Quốc trong việc kiểm soát khí thải và bảo vệ môi sinh, ông bỗng thành người Mỹ điển hình. Ngây ngô!

Với tâm lý hoảng loạn như vậy, trong khi Bắc Kinh ra sức tuyên truyền thì truyền thông Mỹ tất nhiên càng chú ý đến trường hợp Trung Quốc: cường quốc kinh tế đang lên, sẽ vượt qua Nhật và bắt kịp Mỹ. Trước mắt thì sẽ ra khỏi nạn suy thoái kinh tế sớm hơn các nước khác.

Lãnh đạo Bắc Kinh có nỗ lực tuyên truyền - và mua chuộc - để truyền thông, một số nhà đầu tư hay kinh tế càng củng cố lập luận đó trong dư luận Hoa Kỳ và cả thế giới. Nhiều người Việt ta ở tại Mỹ không khỏi bị ảnh hưởng và tiếp tục suy luận theo chiều hướng đó, đến độ đã có người kết luận rằng Trung Quốc quá mạnh nên Việt Nam ta chẳng làm gì được.

Chi bằng đầu hàng, như lãnh đạo Hà Nội đang muốn?

Tại Việt Nam, nhiều người cũng quan sát Hoa Kỳ - trong tinh thần vừa ham vừa sợ - và muốn biết dân Mỹ nghĩ gì về Trung Quốc. Nếu lại thấy một số truyền thông Hoa Kỳ ngợi ca Trung Quốc, thậm chí đề cao một "Beijing Consensus" như sự phản biện của "Washington Consensus", họ có thể tuyệt vọng. Hoặc đành tin là Hà Nội có lý khi đi theo chiến lược Trung Quốc, và phục tòng Bắc Kinh.

Vì những yếu tố rất Mỹ đó, người viết sẽ đi ngược dòng - dù là rất lâu - để tìm hiểu mặt trái của huyền thoại Trung Quốc và kết luận về nguy cơ khủng hoảng tại một quốc gia vĩ đại có những nan đề vĩ đại không kém. Cơ sở phân tách tất nhiên không tập trung vào những luận giải xuất phát từ Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Chúng ta cần nhìn sâu hơn, xa hơn và khách quan lạnh lùng hơn về sự thịnh suy của Trung Quốc.

Vì nó ảnh hưởng đến Việt Nam.

***

TINH THẦN PHỤC TẦU

Cách đây đúng năm năm, tháng Chín năm 2004, nhật báo The Wall Street Journal - theo xu hướng kinh tế tự do và chính trị bảo thủ - có một bài viết lạc quan của hai tác giả David Wessel và Marcus Walker về tình hình kinh tế toàn cầu. Bài viết này đáng chú ý vì tham khảo ý kiến của hơn một chục kinh tế gia đã đoạt giải Nobel Kinh tế về những quốc gia nào là có chính sách kinh tế gần như đúng đắn nhất. Nhiều người không trả lời câu phỏng vấn hóc hiểm ấy - một sự phê phán về kinh tế chính trị học - nhưng Na Uy và Hoa Kỳ được mỗi nước hai phiếu ngợi khen! Năm năm sau, là ngày nay, Hoa Kỳ là con bệnh kinh tế của thế giới và chánh sách kinh tế của Mỹ dưới thời Bush là một trọng phạm! Thế nào là đúng hay sai bây giờ?

Câu hỏi ấy khiến ta chú ý đến Trung Quốc.

Kinh tế gia Kenneth Arrow, Khôi nguyên Nobel ở tuổi trẻ nhất, 51 tuổi vào năm 1972, thì phê phán chế độ chính trị Trung Quốc nhưng ngợi khen Trung Quốc, Đài Loan và Nam Hàn trên cơ sở của thành quả vào thời đó. Giáo sư Vernon Smith của Đại học Chapman (tại Quận Cam), theo xu hướng kinh tế tự do tuyệt đối - có thể đồng nghĩa với bảo thủ - đoạt Nobel Kinh tế năm 2002, thì khen là Trung Quốc đã tiệm tiến chuyển hóa đúng hướng. Giáo sư Harry Markowitz, một nhà lý luận tài chánh về kinh toán học và Khôi nguyên Nobel năm 2002, thì khen rằng Trung Quốc đứng sát phía sau Hoa Kỳ về chánh sách kinh tế. Một kinh tế gia thuộc xu hướng thiên tả là Joseph Stiglitz, thần tượng của nhiều nhà kinh tế trong nước, giải Nobel năm 2001, từ chối chấm điểm, nhưng nhắc tới Trung Quốc như có thành tích kinh tế cao nhất thế giới.

Tổng cộng là Trung Quốc đoạt bốn giải thuộc loại danh dự từ những người mà chúng ta phải tin là am hiểu về kinh tế hơn thiên hạ.

Trước những phán đoán khách quan như vậy, làm sao thiên hạ không thấy khâm phục? Nếu lại có đôi chút hiểu biết về kinh tế thì chỉ cần vạch tiếp đường tuyến của những thành qua đã qua vào một tương lai sẽ tới, người ta phải thấy vị trí vĩ đại của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Rồi kết luận với đầy vẻ khoa học về ưu điểm của "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc", hoặc chiến lược phát triển "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - market socialism - mà Hà Nội tự xưng là đang tiến hành. Nếu lại đối chiếu với cuộc tranh luận thời thượng ngày nay về những tệ nạn của kinh tế thị trường và chính trị dân chủ tại Hoa Kỳ, chiến lược của Trung Quốc quả là hấp dẫn.

Và sức mạnh Trung Quốc là một khách quan khó cưỡng nổi...
Chúng ta cần đi xa hơn kinh tế học, đi sâu vào địa dư, lịch sử, văn hoá và chính trị của Trung Quốc thì mới nhìn ra những bất toàn của chiến lược phát triển này và may ra thấy trước nguy cơ khủng hoảng.

Vì vấn đề không chỉ thu gọn vào những mâu thuẫn căn bản giữa quy luật của thị trường tự do ở dưới và ý chí của chính trị độc tài ở trên. Mâu thuẫn ấy, ta có thể thấy tại nhiều nước Đông Á đã nhân danh "giá trị văn hoá Á châu" mà hạn chế tự do chính trị để dồn sức vào phát triển kinh tế. Các quốc gia đó đều lần lượt chuyển hoá qua chế độ chính trị dân chủ hơn và nhờ đó cải thiện được việc sung dụng tài nguyên một cách tối hảo cho đại đa số dân chúng.

Vấn đề của Trung Quốc nó sâu xa hơn vậy, hơn Singapore hay Đại Hàn, Đài Loan, vì nằm trong nền tảng địa dư văn hoá xứ này và giải thích chuyện "hợp-tan" đã thấy trong lịch sử Trung Quốc. Nó cũng tiên báo khủng hoảng khó tránh trong tiến trình tập trung quyền lực quốc gia và phân quyền từ trung ương xuống địa phương - kể cả việc Đại hội đảng sắp tới sẽ chọn người kế vị thế hệ lãnh đạo hiện nay. Cụ thể thì nó khiến ta nên xét lại các thống kê kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Chiến lược hơn, nó soi sáng cách ứng xử của Bắc Kinh với thế giới trong khi vẫn đề cao một chuỗi chủ trương hoa mỹ, nào là "quật khởi hòa bình" (peaceful rise), "xã hội hài hoà" ("hoà hài xã hội" theo cách nói của họ) hay "xã hội tiểu khang" mà họ lượm ra từ... Kinh Thi.

Quốc gia vĩ đại này đang gây ra những thách đố sinh tử cho Việt Nam nhưng lại có những vấn đề vĩ đại khiến khủng hoảng dễ bùng nổ. Khi bùng nổ thì cũng trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì vậy, ta nên kiên nhẫn tìm hiểu, trong khi thiên hạ om xòm đốt pháo bông mừng ngày "Quang Diện Trung Hoa"...


NGUYỄN XUÂN NGHĨA


24 September 2009

Xin Đừng Xuất Cảng Nền Giáo Dục XHCN


Cũng bởi chính sách giáo dục giáo điều nhằm đào tạo con người thành những con rối, những thần dân hơn là đào luyện công dân này mà xã hội Việt nam đã băng hoại đến mức không còn có thể băng hoại hơn được nữa, từ những bảo mẫu trong các nhà trẻ mẫu giáo dùng nhục hình với trẻ thơ ở Biên Hòa Đồng Nai, cho đến công an tra tấn học sinh lớp 4 ở Châu Thành Đồng Tháp vì bị giáo viên chủ nhiệm nghi học sinh này đánh cắp 47 ngàn đồng tiền quỹ lớp. Từ các học sinh ở Đông Ngạc, Từ Liêm Hà nội và ở Cái Bè Tiền Giang đâm trọng thương thầy cô giáo ngay trong giờ học cho đến sinh viên ở Đại Học Nông Lâm, Sài gòn đâm chết thầy giáo, từ phó chủ nhiệm khoa ở trường cao đẳng phát thanh truyền hình ở Nam Hà gạ tình sinh viên để đổi diểm thi tốt nghiệp cho đến hiệu trưởng trường trung học Việt Lâm, Vị Xuyên Hà Giang đã mua trinh hàng chục học sinh tiểu học…

Bảo Ân



Trong mọi xã hội, giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng: Là cơ sở đào luyện con người về nhân cách và tri thức. Tri thức hậu thuẫn cho nhân cách để tránh cho con người khỏi bị lợi dụng vào những mục đích bất thiện hoặc phi nhân bản, đồng thời nhân cách cũng trợ giúp biến tri thức của con người trở thành những phát minh, những công trình, hữu ích cho cuộc sống và cũng tạo môi trường cho con người gần gũi nhau hơn, bởi trong thế giới loài người dù phát triển ở mức độ nào, mọi sinh hoạt của họ đều có tính hổ tương lẫn nhau.

Chế độ cộng sản không coi giáo dục là nền tảng quan trọng của xã hội với mục tiêu đào luyên con người về cả nhân cách lẫn tri thức mà chỉ nhằm đào tạo họ thành những con người chỉ biết cúi đầu tuân phục, biết hô khẩu hiệu và biết dối trá một cách có hệ thống, biết đánh lừa người khác và biết đánh lừa luôn cả nhận thức của bản thân, vì lẽ này mà trong các xã hội do cộng sản cai trị không thể có những công dân đích thực mà chỉ có những thần dân như những con rối không hơn không kém mà thôi.

Từ năm 1945 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, nhiều thầy cô giáo giàu lòng tự trọng đã mạnh dạn rời khỏi bục giảng, chấp nhận mưu sinh bằng tất cả mọi việc làm nặng nhọc và bần hèn nhất trong xã hội, bởi chính cái sỹ của những kẻ sỹ đã không cho phép họ phủ nhận chân lý, bóp méo sự thật, bôi đen hay tô hồng cho lịch sử để tào tạo thế hệ trẻ thành những con rối, những thần dân chỉ biết cúi đầu tuân phục. Một số khác vì sự sống còn của bản thân và gia đình mà chấp nhận uốn lưỡi mình để nói theo chủ trương đường lối của đảng dù từ sâu thẳm trong nhân thức của cá nhân, họ hiểu rằng họ đang dối trá, họ đang đánh lừa lương tri của họ và đang nói hoàn toàn dối trá với các thế hệ đàn em, thế hệ cháu con, bởi đảng và nhà nước đang cho họ bước đi trong một hành lang thật thấp, thật hẹp, họ không thể ngẩng đầu, cũng không thể quay trái, ngoảnh phải, bởi chính từ các buổi “quán triệt” nghị quyết của cấp trên đảng và nhà nước vẫn luôn nhắc nhở họ rằng “sách giáo khoa là pháp lệnh!”

Bởi thực tế này khiến gần 50 năm theo đảng, để đến những ngày tháng cuối đời, tướng Trần Độ phải ngậm ngùi và uất nghẹn nói ra những tâm tư của mình liên quan đến vấn nạn giáo dục ở quê nhà rằng: “Bộ máy quản lý xã hội đã thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. Đó là chuyên chính tư tưởng, được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là “những lưu manh tư tưởng”. Nền chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói. Nó làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hay ít nhất cũng không muốn suy nghĩ. Từ đó làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc và biến họ trở thành những con rối, chỉ biết nhai như vẹt những nguyên lý bảo thủ giáo điều. Nó cũng làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết cảm hứng. Nó cũng làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch. Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc đảng, lệ thuộc nhà nước, lệ thuộc cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục vào một cái gì bí và hiểm. Nói chung, nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là một tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng cùng các vua quan tàn bạo của Trung Hoa phong kiến, cộng với tội ác của các chế độ độc tài phát xít. Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ. Suy cho cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống của con người, mà nó còn hủy hoại đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng của cả một dân tộc. Nó đang làm hại cả một nòi giống”.

Từ sau khi cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp năm 1945 cũng như sau khi cưỡng chiếm hoàn toàn Miền Nam vào tháng 4 năm 1975, chính sách giáo dục của lãnh đạo Cộng sản Việt nam trên toàn cõi Việt Nam là nhằm mục tiêu phục vụ chính trị, nhằm đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục họ, trong khi dối trá ích kỷ với mọi người chung quanh. Giáo dục, chẵng những không giúp tuổi trẻ khai phá óc sáng tạo, trái lại chính sách của chế độ đã bịt mắt bịt tai bịt miệng tuổi trẻ và mọi người, đồng thời trừng phạt những ai suy nghĩ khác, làm khác, nói khác với những gì đảng dạy. Nói chung, để giữ vững vai trò độc tôn lãnh đạo của đảng, nhà nước cộng sản Việt nam đã và đang áp đặt lên xã hội một hệ thống giáo dục giáo điều cho cả người dạy và người học mà để tồn tại, để được trọng dụng thì cả người dạy và người học phải nhất nhất tuân theo cho dù những điều họ phải nghe, phải nói, phải nhìn là dối trá, là bịp bợm, là ngược hẳn với các quy luật của tự nhiên và trái hẵn với chân lý, với sự thật.

Hệ lụy của hệ thống giáo dục giáo điều này mà theo tài liệu của một nhà giáo dục trong nước, tiến sỹ Bửu Sao thì:

“Hiện nay, trong cả nước, hệ giáo dục trung học, gồm cả hai bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông có khoảng 17.600.000 học sinh. Đa số trong số hơn 17 triệu học sinh này có trình độ rất thấp về kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành, và vận dụng kiến thức trong tinh thần sáng tạo. Đội ngũ giáo viên giáo sư trong tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa, thiếu về số lượng và thừa vì trình độ thấp nên không sử dụng được bao nhiêu. Giáo dục trung học chuyên nghiệp, có 1.500.000 học sinh. Kiến thức chuyên nghiệp không cao so với đòi hỏi của thị trường lao động. Trong hằng chục năm qua đã đào tạo được khoảng 1.500.000 chuyên viên, nhưng khả năng của họ không thích ứng với nhu cầu việc làm, đã dẫn đến tình trạng “thầy không phải thầy mà thợ cũng chưa phải thợ”, họ đành phải làm những công việc không phải là những gì mà họ đã học mấy năm trong trường. Giáo dục bậc đại học, có 1.030.000 sinh viên. Số lượng giáo sư vào khoảng 40.000 nhưng trình độ còn thấp, chỉ khoảng 45% có trình độ thạc sĩ mà đa số trong số này đều cao tuổi. Cơ sở vật chất nghèo nàn chất lượng giáo dục thấp. Tình trạng “học thì giả mà bằng thì thật” khá phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày nay. Trong mấy chục năm qua, lãnh đạo đảng với lãnh đạo nhà nước xem Giáo sư với Phó Giáo sư đại học là “học hàm” do nhà nước phong, chớ không phải tước vị của người giảng dạy có trình độ đại học trở lên. Muốn được nhà nước phong chức “học hàm” này, cho dù có mấy cái bằng đại học đi nữa mà không có bằng chính trị do Học Viện Chính Trị Quốc Gia cấp, vẫn không được phong chức vị đó!”.

Cũng theo Tiến sỹ Bửu Sao: “Việt nam hiện nay có khoảng 6.384 Giáo sư và Phó Giáo sư, mà một số đáng kể trong số này không đọc được một tờ báo ngoại ngữ. Thêm nữa, có khoảng 75% số nhân sỹ có học hàm giáo sư và phó giáo sư này lại không giảng dạy trong ngành giáo dục, trong khi ngành này chưa bao giờ đủ giáo sư. Hiện thời Việt nam đang có khoảng 20.000 thạc sĩ, và dự tính đến năm 2010 sẽ tăng lên 38.000 thạc sĩ và 15.000 tiến sĩ. Xem ra bằng cấp đại học và trên đại học khá nhiều, nhưng đa số là bằng cấp giả, hoặc những bằng cấp loại đặc cách, hữu nghị với vài năm đại học là có bằng tiến sĩ."

Một điển hình cho nhận định này đó là giáo sư Cao Xuân Hạo, khi làm phản biện cho một luận án tiến sĩ ngôn ngữ học dài 380 trang, trong tờ trình lên Bộ Giáo Dục, có đoạn ông viết: “Là tiến sỹ phải hơn một học sinh trung học. Nghiên cứu sinh này không bằng một học sinh lớp 3 thì làm sao trở thành một tiến sỹ?” Thế nhưng Bộ Giáo Dục vẫn cho nghiên cứu sinh này bảo vệ luận án, và Bộ cử 3 vị gọi là trong làng “ngôn ngữ học” vào Hội Đồng Phản Biện, kèm theo cái lệnh “bằng mọi cách phải giúp nghiên cứu sinh đó có bằng tiến sỹ!”

Khi nói về những trường hợp đặc cách, hữu nghị cho những học hàm, học vị này, tiến sỹ Dương Thiệu Tống, giảng dạy tại trường đại học Bách Khoa Hà Nội, mỉa mai rằng: “Thật ngược đời, khi có những người không có trình độ về chuyên môn lẫn đạo đức lại được cử vào Hội Đồng Phản Biện, còn người không có trình độ trung học lại có bằng tiến sĩ”.

Cũng bởi chính sách giáo dục giáo điều nhằm đào tạo con người thành những con rối, những thần dân hơn là đào luyện công dân này mà xã hội Việt nam đã băng hoại đến mức không còn có thể băng hoại hơn được nữa, từ những bảo mẫu trong các nhà trẻ mẫu giáo dùng nhục hình với trẻ thơ ở Biên Hòa Đồng Nai, cho đến công an tra tấn học sinh lớp 4 ở Châu Thành Đồng Tháp vì bị giáo viên chủ nhiệm nghi học sinh này đánh cắp 47 ngàn đồng tiền quỹ lớp. Từ các học sinh ở Đông Ngạc, Từ Liêm Hà nội và ở Cái Bè Tiền Giang đâm trọng thương thầy cô giáo ngay trong giờ học cho đến sinh viên ở Đại Học Nông Lâm, Sài gòn đâm chết thầy giáo, từ phó chủ nhiệm khoa ở trường cao đẳng phát thanh truyền hình ở Nam Hà gạ tình sinh viên để đổi diểm thi tốt nghiệp cho đến hiệu trưởng trường trung học Việt Lâm, Vị Xuyên Hà Giang đã mua trinh hàng chục học sinh tiểu học… và còn nhiều nhiều nữa, còn vô số nữa những hành vi vô đạo, trụy lạc, suy đồi của thầy cô giáo và sinh viên học sinh trong các cơ sơ giáo dục ở Việt nam cho thấy rằng lời tiên báo của cụ Tú Xương nay đã trở thành hiện thực: “Sự học ngày nay đã hỏng rồi….”.

Với chính sách giáo dục bưng tai bịt mắt của đảng, những thầy cô giáo ở Việt nam không còn là những nhà mô phạm, những gương vàng thước ngọc như ngày xưa nữa, học sinh sinh viên cũng không còn là những sỹ tử, những thầy khóa dung dị mà đạo mạo của ngày nào nữa rồi và theo đó, những ý niệm mới cũng xuất hiện để thay cho những ý niệm về chuẩn mực đạo đức của những người thông qua dạy chữ để dạy người của thuở nào mà ngày nay bị coi là xưa cũ lạc hậu như là tàn dư của nền giáo dục phong kiến, chẳng hạn, những nhà mô phạm ở Việt nam hiện nay được hiểu là những con người mà “ở bất cứ chổ mô cũng phạm” hay sư phạm là một ngành học đào tạo ra những con người “ăn như sư và ở như phạm”…

Ấy vậy mà gần đây đảng và nhà nước Việt nam có chủ trương xuất cảng giáo dục sang các nước phương tây nơi có đông đảo các cộng đồng người Việt đang sinh sống để thông qua dạy chữ mà dạy cho con em người Việt hải ngoại thành những thần dân chỉ biết tuân phục đảng và bác, biết dối trá, bịp bợm, biết đâm chém thầy cô giáo, biết dùng nhục hình với học sinh, biết gạ tình sinh viên để đổi lấy điểm thi, biết mua bán trinh tiết học sinh tiểu học. Hay bằng chính sách xuất cảng giáo dục này, đảng và nhà nước chỉ đơn thuần để vươn vòi bạch tuộc ra hải ngoại để truyền bá tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh để đào tạo con em người Việt hải ngoại thành những thần dân kệch cỡm biết dùng nhiều bút danh bút hiệu khác nhau để tự đánh bóng cho mình, biết tự tôn mình lên thành bậc “Cha già dân tộc”, biết dùng xảo ngôn để có thể đi qua đời hàng trăm thiếu nữ, để có đến hàng chục đứa con rớt con rơi và rồi cũng biết cách để không thừa nhận chúng…

Ôi đảng ơi, chính sách giáo dục của đảng áp dụng trên đất nước này mấy chục năm qua đã làm băng hoại cả xã hội Việt nam này rồi, hãy có ngay những giải pháp nào thật hữu hiệu cho cái thực trạng đau thương này đi để còn kịp cứu lấy giống nòi. Con em của cộng đồng người Việt hải ngoại hiện biết rất rõ tại sao cha anh của họ đã phải bỏ nước ra đi và tại sao họ lại phải trở thành những người Mỹ người Pháp, người Úc… da vàng… Xin đừng cố gắng làm băng hoại họ bằng chính sách giáo dục theo mô thức bịt mắt bưng tai của đảng nữa.


Huế những ngày đầu Thu 2009
Bảo Ân


LIÊN THÀNH VÀ MẮM TÔM 29


Trong lúc dân cả hai miền Nam Bắc chúi đầu vào cuộc chiến một cách lý tưởng, thì bọn đầu cơ chính trị cả hai bên đều đổ lửa hận thù vào làm tăng cao mức độ tiêu diệt giống nòi mà không ai biết. Hồ chí Minh và đảng Cộng sản ở miền Bắc hô hào Giải phóng Dân tộc, giải phóng miền Nam ruột thịt để che đậy mưu đồ bán Dân tộc cho ngoại bang. Tại miền Nam cũng tương tự, Ngô đình Diệm được đặt để vai trò đối thủ với Hồ chí Minh để phát động cuộc chiến. Nhưng vì chịu một phần giáo dục của Dân tộc, nên Ngô đình Diệm đã phạm phải một sai lầm lớn khi nghĩ rằng có thể chấm dứt chiến tranh bằng cách bắt tay với miền Bắc. Ông không nghĩ là nhiệm vụ chính của ông được đặt để là “làm chiến tranh”, chứ không phải “đến để tạo Hoà bình”, do đó ông phải chết. Người ta cố tình không nói đến chuyện này, mà chỉ nói đến bàn tay nào “bóp cò”, đó là một mưu đồ chính trị tầm vóc Hoàn vũ, mà không ai để ý !

Bảo quốc Kiếm


 
Cuốn sách Biến Động Miền Trung của Hoàng thân Thiếu tá Liên Thành đã cố gắng đẩy đưa lịch sử, nhất là tại Thừa thiên Huế vào những năm 1966-1968 theo định hướng của phe nhóm ông. Vì vậy, buộc lòng chúng tôi phải đi tìm những “sự thật lừa dối” do tác phẩm này gây ra. Bằng vào vai trò Chỉ huy truởng Cảnh sát Quốc gia Tỉnh Thừa thiên, Thị xã Huế, Hoàng thân Liên Thành đã được những Đồng chí của ông đua nhau tán thưởng và cố tình bịt miệng thiên hạ dưới những ngôn từ “bàng sanh khổ thú” mà không cần đến chứng lý cụ thể. Thế nhưng, họ đã thất bại vì những sự kiện rõ ràng trước mắt mà còn nói sai, thì những cái trò ‘tình báo chính  trị” của MỆ làm sao tin được hả ?

Vì quan niệm: “thẳng mực Tàu- đau lòng gỗ”, nên tôi đã cố gắng dùng những lời lẽ quê mùa nhất để nói với và nói về những tình tiết của cuốn sách Biến Động Miền Trung và tác giả của nó để độc giả không thấy nặng nề như một lối phê bình gay gắt, chỉ trích nặng nề…như những người khác. Nhưng “trong nụ cười có cả nước mắt”, và trong tiếng thét có sự sợ hãi” là hai trạng thái đặc biệt khác nhau. Từ đó, quý vị biết rằng giữa Hoàng thân Liên Thành và bản nông dân hoàn toàn dị biệt. Tiếng nói của một kẻ ĐƯỢC TRỊ, và một kẻ BỊ TRỊ, tự nhiên đã có sự đối lập rõ ràng, khó bề dung hoá. Tuy nhiên, ở đây, tôi không hề đem tinh thần ấy ra làm bình phong ngăn chặn hai bên, tôi chỉ dùng những lời nhỏ nhẹ, khiêm tốn, mà thiết tha, vui nhộn nhưng cương quyết. Sự thật là sự thật, dù cho Quốc vương, Hoàng tử cũng không thể phủ nhận, huống chi sử dụng những thứ tào lao, cắc ké.
 
Trở lại chuyện tìm hiểu về một chuyên đề của cuốn sách BĐMT, là vụ Thảm sát Mậu Thân 1968, trước hết chúng tôi thấy ngay một sự lừa dối trong cách sử dụng tiêu đề của cuốn sách này: “BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG”. Trong tập sách ấy có ba việc lớn mà tác giả trình bày về các sự kiện 1966-1968-1972. Riêng cho Mậu thân từ trang 91 đến 152. Thế hoá ra, ông Liên Thành đã xem cuộc thảm sát Mậu thân chỉ là một “biến động miền Trung” thôi sao ? Căn cứ vào sự phát xuất của cụm từ này, thì cụm từ “biến động miền Trung” đã được báo chí và các tác giả như Trung tướng Nguyễn chánh Thi,Thiếu tướng Đỗ Mậu, Trung tướng Trần văn Đôn…chỉ về việc Phật giáo đấu tranh năm 1966, chứ không phải là vấn đề gì khác. Thế nhưng, nay tác giả Liên Thành nói một cách nhẹ nhàng là “tôi đặt tên cho nó…”, nhưng lại đem chuyện Mậu thân vào chiếm một phần ba, chuyện bắt người năm 1972 và khai thác Hoàng kim Loan nào đó vào làm nội dung chung cho cụm từ này. Thiệt là ngớ ngẩn, nực cười và đáng hổ thẹn ! Đây là một việc làm có chủ ý, bởi vì trước mặt và sau lưng tác giả là một tập đoàn hùng hậu, đầy đủ oai quyền, chứ không phải đơn phương. Vậy thì, khi xem cuộc thảm sát không tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt nam như Thảm sát Mậu thân 1968 là một “biến động”, đồng thời nâng cấp “việc bắt người 1972” lên hàng “biến động miền Trung” là một mưu đồ chính trị không phải nhỏ.. Tại sao và vì lý do gì ??? Về phía nguyên tắc bề mặt, thì CSBV đã Tổng tấn công miền Nam, thì làm sao gọi là “biến động” ?

Như thế, ông Liên Thành xem CSHN cũng là một thành phần như những người  dân của miền Nam chung sống với VNCH; và như thế cuộc Tổng tấn công Mậu Thân của CS không phải là một hành động xâm lăng tàn ác ? Nhẹ nhàng và khôn ngoan quá nhỉ ? Việc bắt người năm 1972, là việc làm của chính quyền, mà người trực tiếp thi hành là Liên Thành, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Tỉnh Thừa thiên Huế, vậy sao lại xem nó là “biến động miền trung” ? Thế thì, CSBV cũng chỉ làm “biến động” và chính quyền miền Nam cũng chỉ làm “biến động” thôi sao ? Ô hay, sao ông Liên Thành cho “hai đứa” này bằng nhau, có quyền hạn và ý nghĩa việc làm giống nhau:”biến động” ? Cộng sản Bắc Việt cũng chỉ làm “biến động” qua hình thức thảm sát đồng bào năm Mậu thân. Chính quyền ông Thiệu mà người thay mặt tại Thừa thiên cũng chỉ làm “biến động” bằng cách bắt một lượt hàng ngàn người dân vô tội cũng chỉ làm “biến động”; Cuộc thẩm vấn để “suy tôn” tên cán bộ Tình báo Cộng sản Hoàng kim Loan cũng là “biến động”; vậy thì  “hai đứa” con sinh đôi của ngoại bang cầm quyền tại hai miền Nam Bắc cùng bắt tay để trả thù Dân tộc Việt, chứ là gì khác ?

Từ vấn nạn này, vừa cho phép, vừa bắt buộc chúng ta kiểm chứng nguyên nhân cuộc thảm sát Mậu thân 1968. Thế nhưng, như James Clifford đã nói:
“Phải chăng cuộc tàn sát tại Huế là cuộc tàn sát được giấu kín nhất ? Đúng như vậy, nếu ta tin vào ngành truyền thông đại chúng Hoa kỳ cũng như trong môn học về lịch sử. Đó là lời kết luận của tôi sau 40 năm làm báo phục vụ trong hai hãng thông tấn quan trọng nhất thế giới là United Press và Associated Press”.
 
Ông viết tiếp:
“Tôi về hưu năm 2000 và như vậy là ra khỏi ngành truyền thông, một ngành được coi như liên hệ tới nhiều cơ quan khác và nhằm thổi còi ra lệnh. Có thể việc giới hạn mọi báo cáo về cuộc tàn sát tại Huế là một màn giấu giếm cố ý và có tổ chức đã khiến tôi băn khoăn từ khi tôi còn là một  phóng viên non trẻ phục vụ cho UPI, lúc tôi đuợc thông báo ngắn ngủi về vụ thảm sát này”.
Trong bài “Đặt vấn đề xét xử cuộc tàn sát ở Huế Tết Mậu Thân”, luật sư Trần thanh Hiệp cũng viết:
“Đã không có một cuộc kiểm tra dân chúng thực sự nào được thực hiện, nhưng đại cương chỉ biết rằng, chỉ tính tới tháng ba-1968 theo thống kê của nhà cầm quyền thì có 1.900 dân thường được đưa vào bệnh viện vì thương tích chiến tranh và khoảng 5.800 bị CS bắt đi mất tích, và cho đến giờ này tất cả những người này coi như đã chết”.
 
Trích lại lời hai người, một nhà báo ngoại quốc làm việc cho hai tờ báo lớn nhất thế giới, một luật sư lão thành Việt nam đang sống ở hải ngoại để thấy rằng chính quyền Nguyễn văn Thiệu, và đặc biệt chính quyền Thừa thiên Huế do Đại Việt cách mạng đảng của Cụ Hà thúc ký- DB Nguyễn lý Tưởng lãnh đạo lúc bấy giờ, đã cùng với Hoa kỳ hoàn toàn ém nhẹm những tin tức quan trọng đến vụ Thảm sát Mậu Thân. Tại sao ?

Một điều khó khăn mà chúng ta phải đối diện là, khi chính quyền Tổng thống Thiệu và riêng tại Thừa Thiên Huế đã thực hiện MỘT MÀN GIẤU GIẾM CỐ Ý VÀ CÓ TỔ CHỨC, thì làm sao chúng ta  có thể tìm ra nguyên nhân ? Khổ một nỗi, không phải kẻ bình thường giấu giếm, mà là kẻ cầm quyền miền Nam, kẻ đỡ đầu là Hoa kỳ, và cả kẻ đối thủ là CSVN, nên chuyện đã khó lại càng thêm khó. Nhưng như vậy, không lẽ chúng ta chịu bó tay hay sao ? Trong lịch sử con người đã có những vụ án tuyệt mật, nhưng hậu thế cũng có thể khai mở. Xin hãy cùng nhau bắt đầu lần mò đi nhé.
 
Thông thường các nhà điều tra phải bắt đầu thu lượm những nguồn tin nhỏ, rải rác khắp nơi, rồi dùng bộ óc của mình để luận chứng. Nếu không có luận chứng hay không thể luận chứng được, thì tất bó tay thôi. Do đó, theo bản nông dân, phần “luận chứng” không phải là “bằng chứng”, nhưng nó là tiền đề quan trọng nhất mà một nhà điều tra bị bắt buộc phải hoàn chỉnh. Cũng may mắn là chuyện Mậu Thân chưa phải là một tuyệt mật, nhưng tinh thần “nô lệ và sợ sệt” đã làm cho một số viên chức chế độ cũ phải câm miệng; thậm chí họ còn chửi những ai đi tìm dấu chân phụng hoàng trên bãi cát hầu làm sáng tỏ vấn đề. Biết rằng đụng chạm đến vấn đề này là phải gặp những khó khăn phức tạp, không những bị khủng bố tinh thần, mà tính mạng có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Chuyện mà Dân tộc chúng ta phải chịu đựng không chỉ một phía, mà là cả ba phía Mỹ, VNCH và CSBV. Do đó khi tôi viết những dòng này thì cán bộ cả ba phía đều thù ghét, đều chống lại; và dĩ nhiên hiện nay chúng chỉ đưa những loài khuyễn mã, dùng ngôn ngữ bàng sanh khổ thú để chống đỡ. Nhưng một khi trò con khỉ không thể đạt hiệu quả, thì chắc chắn giai đoạn hai và ba sẽ được thực hiện. Nhưng tôi không hề sợ. Vui nhất là những bài ngắn ngủi cho rằng:”ai chống Liên Thành là chống lại Dân tộc”; rồi thì:” ông Liên Thành là người chống Cộng tuyệt đối”…Thế nhưng khi hỏi lại, ba mươi mấy năm qua Liên Thành chống Cộng như thế nào, thì chúng cười trừ, bye- bye; see you later…
 
Để có một cái nhìn tổng quát về những người lãnh đạo miền Nam hậu Cần lao Ngô đình Diệm, tôi nhận ra một điều thú vị, đó là Đại tướng Dương văn Minh đã biết trước rằng Đại tá Nguyễn văn Thiệu sẽ là người lãnh đạo kế tiếp của VNCH. Và một chuyện đặc biệt khác là Đại tướng Trần thiện Khiêm đã nói thẳng rằng lực lượng Đại Việt quá mạnh không thể làm trái ý họ khi mà Trung tướng Trần văn Đôn hỏi ông về những vấn đề chính trị lúc đảo chánh họ Ngô. Điều quan trọng thứ ba là chính Đại tướng Nguyễn Khánh nói rằng ông chẳng biết gì về mưu đồ và mục đích việc chỉnh lý, ông chỉ theo sau mà thôi. Cộng cả ba điều này lại, chúng ta thấy ngay vai trò của tướng Trần thiện Khiêm và đảng Đại Việt hậu nhà Ngô của miền Nam. Trên thực tế, tại miền Trung, đặc biệt tại Thừa thiên-Huế, Quảng trị…thì “Đại Việt Kitô giáo”, tách ra khỏi Đại việt quốc dân đảng, hoàn toàn thống trị miền Trung. Tôi sẽ đi vào chi tiết trong cuốn 2. Ở đây chỉ nhìn tổng quát như thế, để đặt một vấn nạn trước thảm cảnh Mậu Thân bị “giấu giếm cố ý và có tổ chức” như nhà báo ngoại quốc vừa nêu trên. Trong cuốn Việt nam nhân vật chí, Chính Đạo ghi rằng:

“Đầu thập niên 60, sau cuộc đảo chánh Diệm, phe nhóm Ký lộng hành ở miền Trung. Bắt chước Cộng sản sử dụng những thủ đoạn bá đạo để triệt hạ đối thủ với tham vọng “độc quyền” làm cách mạng, nhưng tài năng còn thua kém cả những cán bộ Cộng sản hạng trung”.

Đây là một cuốn sách lịch sử, nhưng tôi không thấy sự phản bác nào từ phía đảng Đại Việt Cách mạng ! Tôi dùng nó không theo tất cả ý của tác gỉả, mà chỉ để chứng minh rằng sự cầm quyền lãnh đạo tại miền Trung của Đại Việt Cách mạng Đảng là có thật. Và chính tôi cũng là chứng nhân. Từ chỗ này để thấy thêm rằng việc Hoàng thân kính yêu mang bốn chữ Nguyễn phúc Liên Thành đã “không thật” khi ngài tuyên bố ngài chẳng có đảng nào ngoài đảng quân đội. Ô hô, ai tai !!! Một chuyện bản thân như thế, mà còn “giấu giếm cố ý”, thì sao chuyện Mậu Thân lại không thực hiện “một màn giấu giếm cố ý và có tổ chức” cho được ? Chỉ nội một Xã trưởng thôi, nếu không là đảng viên ĐV, thì khó mà yên ổn; huống chi Liên Thành từ thiếu úy Phó trưởng ty lên đến CHT Cảnh sát từ 1966 đến giữa năm 1974. Nói như thế không phải toàn bộ, nhưng tất cả những cơ quan quan trọng đều thuộc về Đảng cầm quyền. Đại loại như Tỉnh Thị trưởng, Cảnh sát với 5000 nhân viên, Tỉnh đoàn Xây dựng nông thôn với trên dưới hai ngàn cán bộ, Ty An ninh Quân đội, Tiểu khu..thì đảng Đại Việt nắm giữ hết. Ngay cả đại tá Tỉnh Thị Tiểu khu trưởng như Lê văn Thân mà còn bị loại; ông Võ mạnh Đông, Dân biểu, em Đại tá Võ hữu Thu, ra làm Tỉnh đoàn trưởng XDNT cũng chịu không nỗi áp lực phải cuốn dù, thì Liên Thành dựa vào đâu để sinh tồn và thăng tiến ? Vào đảng là một quyền tự do của mọi công dân miền Nam, một thể chế tốt đẹp hơn miền Bắc, chứ đâu phải trộm cướp gì mà phải giấu giếm ? Do đó, việc giấu giếm về đảng của Liên Thành xem ra không tốt chút nào; đó là không nói đến những mưu đồ chính trị khác. Cứ kiểm điểm lại các hệ thống của đảng Dân chủ của ngài Tổng thống Thiệu thì chúng ta biết ngay rằng trong một đảng chính trị nó có nhiều hệ thống chìm nổi khác nhau, chứ không chỉ có một hệ thống duy nhất ở bề mặt. Quan trọng nhất vẫn là hệ thống chìm, và dĩ nhiên chúng ta không thể nào biết họ. Có lẽ Liên Thành thuộc dạng này, nên mạnh mồm nói ngang. Oh, Secret mission !

Nguyễn văn Thiệu, Trần thiện Khiêm là ai, những chỉnh lý, đảo chánh giả, những trò hoan hô đá đảo ông Thiệu là những hình thức gì của những phe đảng này, chúng ta sẽ lần lượt kiểm chứng sau.
 
Để tìm hiều thêm về chuyện Mậu thân, tôi thấy cần ghi lại những lời “báo cáo” của ông Nguyễn lý Tưởng, (Ủy viên trung ương đảng ĐVCMĐ, em chú bác ruột của ngài Tổng giám mục điạ phận Huế: Nguyễn kim Điền) về Mậu thân để cùng chiêm nghiệm.Trong các chương trước tôi đã trích dẫn rồi, nay không lặp lại. Tuy nhiên vì yêu cầu của đoạn này, tôi muốn nhắc lại vài điều. Trong những bài viết của ông Tưởng, tôi nhận ra vài điều thú vị, nhưng lại mang theo những nghi điểm không thể bỏ qua. Tôi đã ca ngợi tinh thần thật hiếm hoi của ông Dân biểu, nhưng có những điều tôi không thể hiểu được. Việc thăm viếng các nhân vật lớn của chế độ trước Tết của ông là một nghĩa cử đẹp ! Nhưng việc ông nói rằng đêm Ba mươi Tết ông ở ngoại ô thành phố Huế, mà sự thật cũng do ông nói lại chỉ ra rằng, ông đã về quê ở Quảng trị, là một nghi vấn lớn.  Quảng trị không phải là ngoại ô của Huế, vậy tại sao ông nói điều này ? Việc thứ hai là, khi ngày Mồng Ba Tết, từ Quảng trị, ông Dân biểu dùng máy bay Mỹ để vào Sài gòn họp Quốc hội, thì lý do gì ông lại xuống Đà nẵng để thăm ông Trung tướng Hoàng xuân Lãm, Tư lệnh Quân khu, rồi đáp xuống Nha trang mới vào Sài gòn. Ông lại trực tiếp nói chuyện với Ty Cảnh sát, mà lúc đó Liên Thành là quyền uy tối thượng, vì theo Liên Thành thì ông Trưởng ty Đoàn công Lập đã là Cộng sản rồi, và cuộc chiến chỉ được điều khiển bới Thiếu tá Nguyễn văn Tố, Tham mưu trưởng Tiểu khu, và Liên Thành, Phó trưởng ty đặc biệt. Tỉnh Tiểu khu trưởng, Tiểu khu phó, Phó Tỉnh trưởng, Phó Thị trưởng, Tỉnh đoàn trưởng XDNT bị loại dưới mọi hình thức ! Ngày 09-2-68, ông Dân biểu lại trở ra Huế giữa lúc lửa đạn triền miên; và ở lại tại Tiểu đoàn 12 Pháo binh ở Phú bài và Ty Cảnh sát một đêm. Đây là hai cơ quan hoạt động chính của trận Mậu thân trong bảy ngày đầu !!!

Nếu như chỉ vì vai trò Dân biểu mà thôi, thì chắc chắn ông Dân biểu không đủ can đảm để làm chuyện này, phải thế không ? Và nếu như chỉ vì hai chữ Dân biều thì Liên Thành đã bắt nhốt và truy tố ông rồi. Ai không đồng ý điều này hãy xem lại sự đối xử của Liên Thành với các Dân biểu khác khi họ đến Trung tâm thẩm vấn của Ty Cảnh sát Thừa thiên trong tình trạng bình thường, ở gần cuối sách BĐMT. Nếu như ông Tưởng không phải là cấp chỉ huy Trung ương Đảng của Liên Thành, thì làm gì có chuyện tiếp ông Tưởng, và chịu sự ở lại một đêm trong tình hình hết sức nguy hiểm lúc đó. Ở lại để làm gì, và tại sao không là chỗ khác trong khi ông chỉ là một giáo viên chưa biết cầm súng, và lúc đó chỉ là Dân biểu ? Chúng ta vẫn không thể biết bằng cách nào ông Tưởng đến đó một cách an toàn như thế trong lúc cuộc chiến mỗi lúc một trở nên tàn khốc. Không lẽ ông được cả ba phía nâng ông lên hàng Tổng chỉ huy Liên hợp ? Chúng ta lại không thể hiều nỗi tại sao ông Nguyễn lý Tưởng lại viết rằng ông LÊ đình Thương, Phó thị trưởng Huế đã tự sát bằng lưụ đạn, trong lúc Liên Thành lại viết rằng ông TRẦN đình Thương bị giết ngay lúc đầu tại cổng nhà, và đến 12 ngày sau mới lấy được xác ? Họ cũng khác, sự chết cũng khác, mà hai người đều là đại nhân chứng Mậu Thân ! Một chuyện khác là, ông Tưởng nói rằng ông hướng dẫn các phái đoàn báo chí trong ngoài nước đến thăm những mồ chôn tập thể, nhưng thực tế, như nhà báo Clifford đã nói là không hề có một nhà báo nào được tận mắt chứng kiến. Vậy ông ấy nói chuyện này với ý gì ?
 
Trong cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện của Hoàng thân Liên Thành ở Đức, tôi nghe Hoàng thân nói rằng ông “đi nói sự thật”; nhưng tiếc thay tôi chẳng nghe ông nói về “sự thật Mậu thân”, mà chỉ đi buộc tội những nhà sư Phật giáo một cách vô duyên và trơ trẽn. Tôi nói ông ấy vô duyên, vì sau vụ biểu tình đòi Quốc hội Lập hiến năm 1966, thì Phật giáo hoàn toàn im lặng vì VNCH đã có Quốc hội và Tổng Thống; nghĩa là có Hiến pháp và những cơ chế dân chủ tương đối để điều khiển miền Nam chống lại CSBV. Những gì xảy ra trong giai đoạn này thì tôi sẽ trình bày trong tập 2. Tôi nói ông trơ trẽn vì ông đã lặp đi, lặp lại như cái máy để buộc Phật giáo phải gánh chịu một phần trách nhiệm trong vụ Thảm sát Mậu thân nói riêng, và sự mất mát miền Nam Việt nam nói chung ! Một cách rõ ràng là chính quyền miền Nam do Tổng thống Nguyễn văn Thiệu điều khiển, dưới sự điều phối đằng sau của Đại tướng Trần thiện Khiêm. “Người ta” đã chọn một đảng căm thù Cần Lao nhà Ngô để thay Cần lao, vì Cần lao không thỏa mãn những yêu cầu của họ. Do đó, chủ trương đảng sau tàn bạo và tinh vi hơn đảng trước. Dù vậy, cũng không thành công hơn đảng Cộng sản Hồ chí Minh để tiêu diệt Dân tộc Việt, cho nên cuối cùng “lệnh trời” đã buộc Nguyễn văn Thiệu ra lệnh bỏ Quân khu 2; rồi bỏ Quân khu 1, cho CS bao vây ngặt Thủ đô Sài gòn, rồi ra đi êm thấm để bàn giao cho Lê Duẫn thống trị toàn bộ đất nước Việt nam. Những hiện tượng từ 1975 đến nay như thế nào, lợi cho ai, Dân tộc chúng ta đang gánh chịu những gì và còn gì nữa… chúng ta sẽ bàn thêm sau.

Trong lúc dân cả hai miền Nam Bắc chúi đầu vào cuộc chiến một cách lý tưởng, thì bọn đầu cơ chính trị cả hai bên đều đổ lửa hận thù vào làm tăng cao mức độ tiêu diệt giống nòi mà không ai biết. Hồ chí Minh và đảng Cộng sản ở miền Bắc hô hào Giải phóng Dân tộc, giải phóng miền Nam ruột thịt để che đậy mưu đồ bán Dân tộc cho ngoại bang. Tại miền Nam cũng tương tự, Ngô đình Diệm được đặt để vai trò đối thủ với Hồ chí Minh để phát động cuộc chiến. Nhưng vì chịu một phần giáo dục của Dân tộc, nên Ngô đình Diệm đã phạm phải một sai lầm lớn khi nghĩ rằng có thể chấm dứt chiến tranh bằng cách bắt tay với miền Bắc. Ông không nghĩ là nhiệm vụ chính của ông được đặt để là “làm chiến tranh”, chứ không phải “đến để tạo Hoà bình”, do đó ông phải chết. Người ta cố tình không nói đến chuyện này, mà chỉ nói đến bàn tay nào “bóp cò”, đó là một mưu đồ chính trị tầm vóc Hoàn vũ, mà không ai để ý ! Trong cuốn sau, chúng ta sẽ phải xét xem tình trạng chiến tranh như thế nào trong từng thời kỳ một; đặc biệt dưới quyền thống lãnh của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu thì đất nước và Dân tộc chúng ta được gì, mất gì; và hậu quả từ 30-4-1975 đến nay ra sao.
 
Trong một biến chuyển mới rất quan trọng hiện nay, điều mà “người ta” đã tiên liệu từ lâu, là dùng Liên Thành để làm chiếc búa cuối cùng đập đầu GHPGVNTN, một tổ chức căn bản của Phật giáo, hầu xoay chuyển tình thế, tạo thế đứng cho người của họ trong tương lai “đầy hy vọng” ! Chỉ tiếc rằng búa này không đủ cân lượng  cần thiết, dù cho họ  hô hào “ngàn cánh tay vươn lên” cũng không thể nào giết chết được GHPGVNTN. Cả ba mặt đang giáp công. Ngoài Cộng sản Việt nam dùng bàn tay sắt để bóp họng, những kẻ Phi Dân Tộc tố khổ “Phật giáo là Cộng sản”, thì “người anh hùng ngoại bang” lại đang giở trò ve vuốt nhằm buộc GHPGVNTN phải câm miệng, nếu muốn “phục hoạt”. Thế nhưng, Đại lão Hoà thượng Thích quảng Độ đã trả lời một cách nhẹ nhàng:”Chúng tôi không thể lấy sự tự do, phục hoạt của Giáo hội chúng tôi để đổi lấy Tự, do, Dân chủ, Nhân quyền của hơn 85 triệu dân Việt nam; do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nhà cầm quyền thực thi những điều cơ bản nhất để người dân chúng tôi được sống ấm no, hạnh phúc và thăng tiến như mọi dân tộc trên thế giới hiện nay. (lược thuật).
 
“Cái búa” đang đánh vào “sợi giây chùng”, “lưỡi dao” đang chém vào “nước” , liệu chúng ta thất bại hay thành công ? Tôi vẫn tin, Tổ tông Lạc Việt muôn đời sẽ phù hộ chúng ta, những  người con dân hiền hoà, trung tín, khiêm tốn nhưng cương quyết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, Dân tộc và Đồng bào. Đặc biệt là giữ vững nền văn hoá Rồng Tiên.

 
BQK-17-9-09


VÌ SAO DÂN CHÚNG THỜ Ơ?


Đến một thời khắc nào đó, sự thờ ơ của quần chúng sẽ đột ngột biến đi như chưa hề có. Thần lực của một cuộc cách mạng mới sẽ ập đến như một cơn bão, cuốn cả xã hội đi như thác lũ. Bè lũ cầm quyền thối nát hiện nay sẽ bị quét sạch khỏi dải đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

Hiện vẫn có những lớp người đang ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đổi dời.

Trần Nam Chấn



Chuyện trò với phóng viên BBC nhân sự kiện website nổi tiếng daohieu.com bị công an VN buộc phải đóng cửa, nhà văn Đào Hiếu chua chát nói:

“Trước đây chúng tôi hoạt động cách mạng, làm Việt Cộng, xuống đường đấu tranh, khi bị bắt vô tù, quần chúng biểu tình đòi trả tự do rầm rộ, bây giờ thì không, xã hội im thin thít, gần như không phản ứng gì.”

“Có vẻ họ an phận, bằng lòng với cuộc sống của mình. Gần như có tâm lý ‘đầu hàng tập thể’.”

Vì sao mà một người như Đào Hiếu, đã từng vào sinh ra tử, đã không khuất phục trước những trò tra tấn dã man, ngày nay lại phải thốt lên những câu than thở như vậy? Phải chăng quần chúng thời nay thật sự thờ ơ với thời cuộc và họ chấp nhận cuộc sống cơ cực một cách bình thản?

*

Nguyên nhân của thái độ thờ ơ, hay nói đúng hơn là tỏ ra thờ ơ, thì có nhiều. Xin nêu vài nguyên nhân chính.

1) Sự tàn ác của cộng sản

Sau khi giành chính quyền được dăm-bảy năm, vào thời kỳ ‘cải cách ruộng đất’, ‘rèn cán chỉnh quân’, ‘chống Nhân Văn Giai Phẩm’, rồi sau này là ‘cải tạo công thương’ ở miền Nam, chính quyền cộng sản đã cho toàn xã hội thấy họ sẵn sàng trừ khử tận gốc tất cả những thành phần xã hội dám thể hiện sự bất tuân đối với họ hoặc dám nói, thậm chí dám nghĩ tới những điều khác với luận điệu của họ. Ký ức về những cuộc thảm sát man rợ, những kiểu hành hình, đấu tố hà khắc, những trò vu cáo trắng trợn không cho phép kẻ bị vu cáo hé miệng thanh minh, vẫn còn đó trong tâm khảm của lớp người có tuổi. Và sự hãi hùng của họ đã truyền lại cho thế hệ con cháu từ khi chúng mới sinh ra. Một trong những điều người Bắc Kỳ chú tâm nhất trong việc dạy con là sự tuân phục trước chính quyền. Tâm lý đó sau tháng Tư 1975 cũng đã được truyền phần nào sang cả người miền Nam.

Và đáng sợ hơn nữa là sự tàn ác của cộng sản lại được khoác cái áo ‘vì dân’.

Vì vậy mà dân Việt ta hiện nay hầu như không còn dám công khai thể hiện nỗi bức xúc của mình nữa. Họ không hoàn toàn thờ ơ với thời cuộc, không hẳn bình tâm với cảnh sống bần hàn, nhưng họ buộc phải tỏ ra thờ ơ.

2) Tâm lý mang ơn và lo sợ lại bị lừa

Trước ‘cách mạng tháng tám 1945’, cuộc sống của dân ta thực sự tối tăm. Sự thối nát của chính quyền phong kiến cộng với mất mùa liên miên đã làm người dân chán ghét chế độ cũ, sẵn sàng đi theo bất kỳ lực lượng nào có ít nhiều khả năng tổ chức tuyên truyền và tiến hành bạo lực cách mạng. Sau 1945 mùa màng may mắn bội thu cộng với không khí hồ hởi của những ngày tháng đầu tiên sống trong chế độ mới và sự ranh mãnh trong các thủ pháp tuyên truyền của tập đoàn Hồ Chí Minh đã làm người dân cảm thấy họ đang được hưởng một ân huệ lớn lao, đáng để suốt đời hy sinh đền đáp.

Ngày nay thì người dân đã nhận ra khá rõ rằng họ bị lừa. Nhưng tâm lý mang ơn làm cho họ luôn nghĩ rằng những kẻ lừa họ chỉ là bọn cán bộ cấp dưới. Có một số người cả gan nghĩ rằng giới cầm quyền chóp bu cũng đã lừa họ, nhưng họ vẫn tôn thờ thần tượng Hồ Chí Minh và do đó họ không dám nghĩ đến việc rời bỏ con đường mà ông ta đã chọn. Mặt khác, họ cũng sợ rằng nếu theo một tổ chức mới để làm một cuộc cách mạng mới thì có khi lại bị lừa lần nữa, chi bằng an phận chịu đựng cho qua.

Riêng lớp người được hưởng lương nhà nước thì biết rõ rằng mình hầu như không làm được gì cho xã hội, nên mặc dù mức sống so với công chức các nước khác là rất thấp, họ cũng có tâm lý chịu ơn cấp trên và sợ thay đổi thể chế, vì nếu thay đổi thì đa số họ sẽ thất nghiệp.

3) Xu thế thực dụng của thời đại

Tâm lý con người, nếu trong giai đoạn này nằm ở thái cực này thì giai đoạn tiếp theo sẽ chuyển sang thái cực khác đối lập với cái cũ.

Trong mấy chục năm qua, cộng sản đã thẳng cánh bài trừ tâm lý tư hữu và ước vọng mưu cầu hạnh phúc. (Cụm từ “mưu cầu hạnh phúc” chỉ được ông Hồ Chí Minh nói đến đúng một lần trong “Tuyên ngôn độc lập”). Người ta tuyên truyền rằng mọi người chỉ việc hy sinh vì sự nghiệp do đảng lãnh đạo, còn lại mọi việc đã có đảng lo. Việc một người nào đó rắp tâm mưu cầu hạnh phúc cho riêng cá nhân hay gia đình mình là xấu xa. Chính Hồ Chí Minh nói rất nhiều về việc chống ‘chủ nghĩa cá nhân’!

Tuy nhiên, ước vọng thoả mãn các nhu cầu cá nhân (trong đó có nhu cầu tình cảm và nhu cầu hiểu biết) là điều tự nhiên nhất trên đời này. Vì nó đã bị đè nén trong bao nhiêu năm nên khi sự đè nén vừa suy giảm thì lập tức nó bùng lên. Và bao giờ cũng vậy, khi bùng ra thì nó sẽ được thể hiện dưới đủ mọi hình thức, kể cả những hình thức quái thai. Xu hướng này lại được nhân lên gấp bội do sau bao năm bị cách ly với thế giới bên ngoài, bây giờ người VN mới được tiếp xúc với những tiện nghi vật chất hiện đại và các kiểu hưởng thụ chưa từng được biết trước đây. Vì vậy, những người ít nhiều có điều kiện phải gấp rút chạy đua với xã hội để có được cuộc sống vật chất tương đối đàng hoàng, (còn người nghèo thì đương nhiên phải lo để ngày mai có cái ăn cái đã).

*

Trên đây, theo chúng tôi, là những nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ của dân chúng đối với những vấn đề chính trị – xã hội. Những nguyên nhân đó đang được giới cầm quyền cộng sản tận dụng triệt để vào việc duy trì hệ thống cai trị hiện nay.

*

Tuy nhiên, quy luật của lịch sử không thể đảo ngược: chế độ nào đã lỗi thời sẽ phải bị thay thế bởi chế độ văn minh hơn.

Trong nhiều năm, người ta cứ lầm tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản là tiến bộ. Kỳ thực nó chỉ là biến dạng quái đản của chế độ phong kiến. Thực tế đang chứng tỏ điều đó một cách hùng hồn. Hai phần ba cái hệ thống ‘xã hội chủ nghĩa’ đã sụp đổ. Ở những nước còn lại, đảng cộng sản đã tha hoá tận cùng. Nó sẽ tan rã nhanh chóng trong nay mai.

Đến một thời khắc nào đó, sự thờ ơ của quần chúng sẽ đột ngột biến đi như chưa hề có. Thần lực của một cuộc cách mạng mới sẽ ập đến như một cơn bão, cuốn cả xã hội đi như thác lũ. Bè lũ cầm quyền thối nát hiện nay sẽ bị quét sạch khỏi dải đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

Hiện vẫn có những lớp người đang ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đổi dời.


Trần Nam Chấn


23 September 2009

Vấn đề Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã


Vậy là, từ Thiền sư Nhất Hạnh đến các đệ tử của Ngài, các Hoà thượng bị đánh trọng thương, bị ném phân đầy mình, trong Ban Trị Sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng đều im lặng, không ai lên tiếng phản kháng Nhà cầm quyền cộng sản trong vụ đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng. Tất cả đều im lặng, một sự im lặng khó hiểu.

Thích Viên Định



Tin Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đòi trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng sau Đại lễ Vesak 2008 làm cho mọi người, ai cũng hồi hộp, lo lắng, đau xót, cảm thương. Và đúng như vậy, sự thật đau buồn đã xảy ra, tất cả gần 400 Tăng, Ni bị Nhà cầm quyền ra lệnh trục xuất ra khỏi chùa Bát Nhã, Lâm Đồng, hạn chót là ngày 2.9.2009. Bước đầu cuộc đàn áp là điện, nước bị cúp, phòng xá bị phá, tạo áp lực nặng nề, làm cho mọi sinh hoạt của chư Tăng, Ni trở nên vô cùng khó khăn.

Chuyện Thiền sư Nhất Hạnh, năm 2005, về Việt Nam hợp tác với Nhà cầm quyền cộng sản, gây hậu quả như thế nào là một vấn đề khác, nhưng việc 400 chư Tăng, Ni trẻ, mới cạo tóc xuất gia, tâm hồn trong trắng, quyết chí tu hành lại bị Nhà cầm quyền dùng bạo lực đàn áp, trục xuất, không cho tu học thì không một người nào là không đau lòng, tức giận.

Dân tộc Việt Nam suốt 60 năm qua chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ vì nạn Cộng sản vô thần. Riêng về Phật Giáo, từ ngày 02. 11.1975 đã bị đàn áp quá sức chịu đựng, 12 Tăng, Ni Thiền Viện Dược Sư ở Cần Thơ đã phải tự thiêu để phản đối. Năm 1978, Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong tù. Đại Lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hoà thượng Thích Quảng Độ và rất nhiều Tăng, Ni và Phật tử đã bị tù tội, quản thúc, lưu đày…tượng Phật bị đập phá khắp nơi, cơ sở Giáo Hội bi trưng thu nhiều vô kể. Là nạn nhân bị đàn áp nặng nề nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất rất đau đớn, cảm thông trước sự kiện Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng, hiện nay và cho đây là một bằng chứng nữa của quốc nạn độc tài, vô thần.

Cùng lúc với chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng, nhiều cơ sở của các tôn giáo khác cũng bị đàn áp làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Vì những việc này, các thành viên trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng được dư luận chiếu cố nhiều. Thư hỏi cũng có, điện thoại phỏng vấn cũng có, đến gặp trực tiếp cũng có, tất cả đều có chung thắc mắc rằng tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không lên tiếng can thiệp ? Có người còn trách rằng, cứ ai lo phần nấy, các tôn giáo không đoàn kết, nên cộng sản dễ đàn áp là phải !

Những thắc mắc, trách cứ này cũng đúng. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt cần phải lắng nghe, tìm hiểu, chờ đợi tiếng nói chính thức từ tổ chức, giáo phái bị đàn áp. Ngay cả các nhà lãnh đạo các giáo phái bị bức hại, đôi khi cũng quá dè dặt, không chịu lên tiếng phản kháng. Không văn thư, không lên tiếng phản kháng, thì căn cứ vào đâu để mọi người chung quanh biết đường hỗ trợ ?

Lại nữa, vị thế của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) rất đặc biệt nhạy cảm, dễ bị Nhà cầm quyền cộng sản nghi ngờ, kết tội, không phải ai cũng dám liên hệ. Ngay cả Thiền sư Nhất Hạnh, người đã có quốc tịch nước ngoài, khi về nước, năm 2005, cũng không bao giờ dùng danh xưng GHPGVNTN cùng chức vụ chính thức khi ngài cần tiếp xúc với Đức Tăng Thống, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Thích Quảng Độ, ngài chỉ xưng hô đơn thuần là Hoà thượng Thích Huyền Quang, Hoà thượng Thích Quảng Độ, như tên những người bình thường, không chức vị gì trong Giáo Hội, trong khi đối với các vị ở Giáo Hội khác thì Ngài cẩn thận ghi đầy đủ chức vị rõ ràng. (xin xem, “Trả lời thư Thiền sư Nhất Hạnh” của Thượng tọa Thích Viên Định, Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 22.1.2005, tại Trang nhà Quê Mẹ, Paris : http://www.queme.net).

Về vấn đề Dân oan đòi nhà, đòi đất, nói chung, của toàn dân, không phân biệt tổ chức, tôn giáo, đảng phái nào, GHPGVNTN đều đã lên tiếng, ủng hộ từ lâu.

Chuyện Bát Nhã, Lâm Đồng như trên đã nói, là vấn đề xảy ra có vẻ rắc rối, tế nhị. Vừa có vẻ là chuyện nội bộ của chư Tăng tu theo pháp môn Làng Mai với Thượng toạ Đức Nghi, Trú trì chùa Bát Nhã, vừa có vẻ là chuyện xích mích nội bộ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với Thiền sư Nhất Hạnh, lại cũng có vẻ là chuyện xính mích nội bộ của Nhà cầm quyền cộng sản về Thiền sư Nhất Hạnh. Thiền sư Nhất Hạnh là khách của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, về hợp tác với Giáo Hội và Nhà cầm quyền Cộng sản. Trong vụ này, chưa hề thấy thiền sư Nhất Hạnh trực tiếp lên tiếng như thế nào. Sự việc chưa rõ ràng nên không biết căn cứ vào đâu để hỗ trợ. Nhưng, việc Nhà cầm quyền cộng sản trấn áp chư Tăng Chùa Bát Nhã bằng cách cúp điện, cúp nước, ném đá, ném phân, ngăn chặn đường, không cho người vào tiếp tế lương thực, là một hành động đàn áp tôn giáo quá rõ ràng. Việc đàn áp kéo dài, xảy ra ngay bên cạnh. Nạn nhân lại là đồng bào, đồng đạo, ai thấy mà không tức giận, đau lòng.

Không phải quí Hoà thượng trong GHPGVNTN không lên tiếng. Thực ra, quí ngài đã lên tiếng từ lâu rồi. Năm 1998, nghe tin Thiền sư Nhất Hạnh dự định về Việt Nam hợp tác với Nhà cầm quyền cộng sản, Hoà thượng Thích Quảng Độ đã viết thư đề nghị Thiền sư Nhất Hạnh, bằng những lời nhẹ nhàng, tế nhị, đại ý : “Việt Nam chưa có tự do, dân chủ, nhân quyền, đừng về hợp tác, buôn bán, làm ăn, coi chừng sập tiệm, sẽ mất cả chì lẫn chài !”

Bất chấp lời khuyên của Hoà thượng Thích Quảng độ, năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam, kéo theo đoàn tuỳ tùng đông đảo lên đến 100 người. Chuyện đã lỡ, nhưng còn nước còn tát, Thượng toạ Thích Viên Định cố gắng viết một tâm thư, “Trả lời thư Thiền sư Nhất Hạnh”, phân tích lợi hại chuyến về Việt Nam không được khế thời, và tường trình cặn kẻ cho Thiền sư Nhất Hạnh biết, nhân dân Việt Nam đang bị khốn khổ vì nạn độc tài, độc đảng, nhân quyền, tôn giáo bị đàn áp rất nặng nề. Hy vọng qua thư đó, thấy rõ sự đau khổ của đồng bào Việt Nam, bị kiềm kẹp trong ách độc tài, Thiền sư sẽ đi theo con đường của GHPGVNTN, hợp cùng với các thân hào nhân sĩ và 85 triệu đồng bào, vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Trong tâm thư “Trả lời Thiền sư Nhất Hạnh” có đoạn nói rõ rằng : “… Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng, nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy”. Thật vậy, năm 2005, phái đoàn Thiền sư Nhất Hạnh từ Pháp về, được tiếp đón trọng thể như thượng khách. Nhưng 3 năm sau, cuối năm 2008, Nhà cầm quyền cộng sản bắt đầu trở quẻ, và nay, 2009, chính thức hạ lệnh trục xuất tăng thân của Thiền sư.

Cho đến nay, chưa thấy Thiền sư Nhất Hạnh có phản ứng chính thức với Nhà cầm quyền, mặc dù những năm gần đây, Ngài đã có sự liên hệ thân mật với Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Có lẽ, vì vướng víu chuyện gì đó, nên Ngài còn tránh né, không tiện lên tiếng với Nhà cầm quyền cộng sản chăng ?

Gần đây, tháng 8.2009, trong bài tường trình của một Tăng sinh ở chùa Bát Nhã, có lồng vào bức thư riêng của Thiền sư Nhất Hạnh gửi Thượng toạ Đức Nghi, nội dung có tính cách thầy trò, Ngài chỉ nói chuyện phải trái, chuyện nội bộ với Thượng toạ Đức Nghi, tuyệt không có lời nào đề cập đến việc đàn áp, trục xuất của Nhà cầm quyền cộng sản đối với Tăng, Ni chùa Bát Nhã.

Thiền sư Nhất Hạnh quên rằng, thầy Đức Nghi mặc dù là đệ tử cầu pháp của Ngài, nhưng cũng là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với chức vụ Phó Ban Trị sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng, mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Việt Nam. Vậy, Thượng toạ Đúc Nghi vừa là đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh, vừa là cán bộ ngoại vi của Đảng cộng sản, chịu ân huệ của cả hai bên, bên trung bên hiếu, không biết phải chọn bên nào. Tội nghiệp cho Thầy Đức Nghi, mặc dù là trú trì, nhưng hoàn cảnh trên đe dưới búa, không thể tự chủ thì giải quyết được việc gì. Thiền sư Nhất Hạnh không trực tiếp nói chuyện với Nhà cầm quyền cộng sản, lại đi nói chuyện phải quấy với Thượng toạ Đức Nghi. Lâm vào thế khó xử, nhiều lúc Thầy Đức Nghi phải tìm cách lánh mặt khỏi chùa Bát Nhã.

Vì, rõ ràng, qua những văn kiện của Ban Trị Sự tỉnh Lâm Đồng, của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhất là những Văn thư của Bộ Nội Vụ, Ban tôn giáo về vụ chùa Bát Nhã, xem ra vấn đề còn nhiều nguyên nhân sâu xa, không phải là chuyện nội bộ của chư Tăng chùa Bát Nhã, nên Thượng toạ Đức Nghi không thể nào giải quyết được.

Việc các nhóm du đảng, xã hội đen, dùng bạo lực ném đá, ném phân lên người, lên xe của chư Tôn đức trong Ban Trị sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng thuộc nhà nước, khi đến thăm chùa Bát Nhã, trước sự chứng kiến của công an, có vị bị thương rất nặng, phải vào nằm bệnh viện, nhưng lạ một điều, mặc dù rất đau đớn, tức giận, không thấy vị Hoà thượng, Thượng toạ nào lên tiếng phản đối hành động man dã, có sự bao che của Nhà cầm quyền.

Có lẽ chư Tăng thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt nam quen chịu nhẫn nhục, hoặc vì một lý do nào khác, không thể nói được ? Câu Cảnh Sách : “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” (1) bỏ đâu mất rồi ? Con em, đồng đạo trong vòng tay của mình mà mình còn không dám cứu thì hy vọng gì việc cứu giúp cho ai ?

Vậy là, từ Thiền sư Nhất Hạnh đến các đệ tử của Ngài, các Hoà thượng bị đánh trọng thương, bị ném phân đầy mình, trong Ban Trị Sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng đều im lặng, không ai lên tiếng phản kháng Nhà cầm quyền cộng sản trong vụ đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng. Tất cả đều im lặng, một sự im lặng khó hiểu.

Sự im lặng đó có thể là kết quả của việc thu phục để sử dụng của cộng sản theo phương châm của Lê-nin : “Đảng phải thông qua tôn giáo để khống chế quần chúng”, nghĩa là, cho các Tôn giáo tổ chức tu học, nhưng không được chống đối, phải biết im lặng, phục tùng, tuyên truyền cho chế độ.

Có lẽ, chuyện hục hặc xảy ra ở chùa Bát Nhã, Lâm Đồng chỉ là một tai nạn bất ngờ, tai bay vạ gió, không ai mong muốn, trong sự hợp tác giữa Nhà cầm quyền cộng sản với Thiền sư Nhất Hạnh. Nhà cầm quyền cộng sản muốn thu phục chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng để sử dụng, giống như tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc.

Tình trạng Tăng, Ni chùa Bát Nhã hiện nay như rắn mất đầu, rất dễ thu phục. Vậy là Nhà cầm quyền cộng sản đã đạt được mục đích rồi, và có thể đã làm hài lòng thượng cấp. Đó cũng là câu trả lời cho Thiền sư Nhất Hạnh và những ai mơ mộng hợp tác với Nhà cầm quyền độc tài, vô thần, cộng sản để làm văn hoá, làm giáo dục, làm từ thiện, thấy được cái kết cuộc sẽ như thế nào. Chặt rễ, chặt gốc, từ từ cây sẽ chết, chết đứng, không cần xô ngã, khỏi mang tiếng. Nếu không khéo che mắt thiên hạ như thế, thì tại sao ông Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, Michael Machalak, lại ca ngợi nhà nước Cộng sản Việt Nam “đã có tiến bộ về quyền tự do tôn giáo”, trong khi, sự thật các tôn giáo vẫn cứ bị đàn áp triền miên ?

Vừa qua, thấy bài trả lời phỏng vấn của sư cô Chân Không trên một tờ báo nước ngoài, cô nói về những cái kẹt của thiền sư : “…Cái kẹt thứ hai là của mấy người ở Trung ương bị Trung Quốc ức hiếp. Sư Ông Nhất Hạnh từng phát biểu trên một đài truyền hình Ý về vấn đề Tây Tạng. Nhóm thủ cựu Việt Nam sợ Trung Quốc, lời phát biểu của Sư ông làm cho Trung Quốc giận…” Qua đó, lộ ra một phần những nguyên nhân sâu xa làm xảy ra việc đàn áp, trục xuất chư Tăng, Ni tu theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh, ở chùa Bát Nhã, Lâm Đồng. Đó là một chi tiết không mới lạ, nếu có dịp sẽ tìm hiểu thêm.


Thích Viên Định


(1) Câu này trích từ bài văn Cảnh sách của Ngài Quy Sơn (Quy Sơn cảnh sách văn) tức một trong năm phần phù trì luật Sa di (gồm có Kinh Di giáo, Bát đại nhân giác, các văn Khuyến phát bồ đề tâm, Cảnh sách văn, và Tỳ ni nhật dụng thiết yếu), có nghĩa : “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối rạng rỡ giòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma cũng phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi”<8em> PTTPGQT chú.



20 September 2009

PHẢI DÙNG PHƯƠNG PHÁP NÀO, DỰA VÀO GIAI TẦNG ĐẤU TRANH NÀO ĐỂ VIỆT NAM CÓ ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO, DÂN CHỦ


Dùng phương pháp nào chăng nữa, dựa vào giai tầng nào cũng vậy, điều quan trọng , đó là đến chính từ mỗi người. Người Việt nếu muốn đất nước độc lập, có tự do, dân chủ, thì mỗi người tự cố gắng đấu tranh, vì độc lập, tự do, dân chủ không tự nhiên đến với chúng ta. Bất cứ cuộc cứu rỗi nào cũng bắt đầu bằng cuộc tự cứu. Cuộc đấu tranh cứu quốc và kiến quốc ngày hôm nay là một cuộc đấu tranh góp gió thành bão. Bà nguyên phi Ỷ Lan của Việt Nam xưa kia đã nói: “ Sa mạc kia dầu to lớn đến mấy cũng là do nhiều hạt cát nhỏ mà làm thành. Biển đông kia dẫu bao la đến đâu cũng là do nhiều hạt nước nhỏ mà tạo nên.” Chúng ta, mỗi người Việt, hãy suy ngẫm lời nói của bà Ỷ Lan, cố gắng đấu tranh cho chính bản thân mình, cho quê hương, dân tộc.

Chu chi Nam



Từ này 2/09/1945, ngày mà Hồ chí Minh đọc « Bản Tuyên Ngôn Độc lập « , tới nay, Việt Nam thực tế không có độc lập và tự do, dân chủ. Một câu hỏi đến với chúng ta : « Dùng phương pháp đấu tranh nào, dựa vào giai tầng nào để Việt Nam có độc lập và tự do, dân chù ?

I ) Việt Nam có độc lập và tự do, dân chủ hay chưa ?


Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ chí Minh, sau khi cướp được chính quyền, đã đọc bản « Tuyên Ngôn Độc lập « trong đó có câu :

« Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc «

Ông kết luận :

« Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. «

Sự thật từ đó đến nay, dân tộc Việt Nam có tự do, nước Việt Nam có độc lập hay không ?

Câu trả lời là hoàn toàn không. Nước Việt Nam hiện nay còn lệ thuộc vào Trung cộng gấp cả trăm lần trước đó vào thời thực dân Pháp ; không những bị lệ thuộc về chính trị, ngoại giao, mà còn bị lệ thuộc về văn hóa và kinh tế. Hàng hóa và phim ảnh Trung Cộng tràn ngập thị trường Việt Nam, tất cả mọi quyết định quan trọng đều phải được phép của quan thầy Trung Cộng. Hơn thế nữa, họ Hồ và con cháu ngày hôm nay còn mắc vào tội bán nước, dâng đất, nhượng biển cho Tàu cộng. Vào năm 1958, theo chỉ thị của Hồ chí Minh và Bộ Chính trị đảng Cộng sản, Phạm văn Đồng đã viết thư trả lời Chu ân Lai, để thỏa mãn yêu sách 12 hải lý của Trung Cộng, làm cho Trung Cộng tự nhận chủ quyền 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng sa ; trong khi đó về công pháp quốc tế, lịch sử và địa lý, thì 2 quần đảo này thuộc về Việt Nam. Gần đây, 2 Hiệp ước, mà đảng Cộng sản Việt Nam ký với Trung Cộng vào năm 1999 và năm 2 000, đã nhường cho Trung Cộng cả gần ngàn cây số vuông vùng biên giới, trong đó có thác Bản dốc và ải Nam quan ; cả mấy chục ngàn cây số vùng biển ; so với Hoà ước Thiên Tân mà Pháp ký với Tàu năm 1887, thì hòa ước này lại có lợi cho Việt Nam hơn 2 hiệp ước trên ; mặc dầu tôi luôn kết án chế độ thuộc địa.

Dân Việt từ 1945 đến nay dưới sự cai trị của đảng Cộng sản có tự do, hạnh phúc không ?

Câu trả lời cũng là không. Họ Hồ từ ngày đó, đã đặt Việt Nam dưới gông cùm cộng sản, biến Việt Nam thành bãi chiến trường cho cuộc tranh hùng tư bản-cộng sản, đưa dân Việt từ cuộc chiến này sang cuộc chiến khác, máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Thêm vào đó, hắn còn nhập cảng cảng lý thuyết Mác Lê chủ trương đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, một lời kêu gọi nội chiến triền miên, đưa đến cảnh con giết bố, vợ tố chồng, bạn bè tìm cách sát hại lẫn nhau.

Tội của Hồ chí Minh và đảng Cộng sản không có bút nào tả hết.

Việt Nam hiện nay chỉ là một quận lỵ của Tàu. Dân Việt đang lầm than: bất công xã hội, tham nhũng lan tràn, kỷ cương đảo lộn, đạo đức bang hoại, giáo dục xuống cấp, y tế tồi bại, thua kém về mọi phương diện đối với những nước chung quanh.

Người xưa có câu : « Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách « , đất nước nguy biến, thì mọi người đều có trách nhiệm ; hay : « Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh », ngày hôm nay giặc Trung cộng đã đến nước chúng ta, chúng ngang nhiên vào Việt Nam không cần xin phép ; chúng khai thác bô xít ở cao nguyên trung phần với ý đồ chia đôi và khổng chế nước ta, chúng bắn vào ngư dân Việt ở vùng hải phận Việt, vì vậy, mọi dân Việt phải có bổn phận đấu tranh.

Nhưng đấu tranh như thế nào ? Dựa vào phương pháp nào ?

I I ) Dùng phương pháp nào


1 ) Phương pháp bạo động hay bất bạo động

Ngày hôm nay, thế giới đang chống khủng bố, mà khủng bố thì dùng phương pháp bạo động, nên có người chủ trương chúng ta tranh đấu nên dùng phương pháp bất bạo động. Điều này tôi không chống. Tuy nhiên tôi xin nhắc nhở là dù chủ trương bất bạo động, chúng ta cũng đừng quên là đối với một con người hay một dân tộc, nếu nó bị người khác đàn áp, hay một chính quyền đàn áp, thì nó có quyền dùng bất cứ phương tiện gì, ngay cả bạo động, để chống lại. Đây chính là quyền tự vệ chính đáng. Đó cũng chính là tinh thần của bản Tuyên ngôn Nhân Quyền và bản Tuyên Bố Độc Lập Hoa Kỳ 1776, theo đó :

« Chúng tôi cho rằng là hiển nhiên những chân lý sau đây :

« Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Đấng Tạo Hóa đã ban bố cho họ những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

« Những chính quyền được thiết lập bởi người dân là để bảo vệ những quyền căn bản này, và quyền của chính quyền là do sự đồng ý của người dân.

« Một khi, một hình thức chính quyền nào đó đi ngược lại mục đích trên, nguời dân có quyền thay đổi hay hủy bỏ nó đi, và thiết lập lên một chính quyền mới dựa trên nền tảng những nguyên tắc làm thế nào để bảo đảm an ninh và hạnh phúc của người dân. »

Chúng ta thấy, ngày hôm nay ở Trung Cộng, ở Tân Cương, Tây Tạng, người dân bị áp bức, chiếm đất, đuổi nhà, dân bất mãn biểu tình, chính quyền đã đưa công an, cảnh sát đến đàn áp, người dân đã chống trả lại, dùng quyền tự vệ chính đáng của mình. Có những vụ xô sát đã đưa đến cả ngàn người bị chết và bị thương, cả 2 bên. Tuy nhiên thế giới không lên án người dân dùng bạo động, vì đó là quyền tự vệ chính đáng của người dân. Chúng ta đừng quên là mỗi năm có đến gần 100 000 vụ biểu tình, chống đối ở Trung Cộng.

2) Phải đấu tranh có tổ chức hay không cần tổ chức

Chúng ta có thể ví những cố gắng đấu tranh của mỗi người chúng ta như những hạt mưa, tổ chức như một dòng suối, đường lối đấu tranh như kim chỉ nam. Nếu chúng ta đấu tranh mà không có đường lối và tổ chức thì những cố gắng đấu tranh chỉ ngấm vào lòng đất, không mang lại kết quả như chúng ta mong muốn. Ngược lại, nếu chúng ta đấu tranh có tổ chức và đường hướng, thì những hạt mưa đó sẽ được kim chỉ nam hướng tới dòng suối, tạo nên sức mạnh thác lũ, cuốn trôi đi tất cả những gì là oan tai, chướng ngại của dòng lịch sử Việt.

Bởi lẽ đó đấu tranh có tổ chức và đường lối rất là quan trọng cho công cuộc đấu tranh vì quê hương dân tộc, cho tự do, dân chủ hiện nay. Ở đây tôi không thể giới thiệu một tổ chức nào, tùy quí vị xem xét và suy ngẫm để lựa chọn, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Nếu thấy chưa có tổ chức nào thích hợp, thì hãy tự làm nên tổ chức. Tuy nhiên tạo ra một tổ chức không phải là dễ. Tổ chức cũng như con người, không thể nào hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Hãy nên cân nhắc, nếu phần tốt nhiều hơn phần xấu, thì nên đi theo. Hãy nên khiêm tốn, đừng tự đề cao cá nhân quá nhiều, cái gì cũng chê, nhưng tự mình thì không làm được. Cái gì cũng chê, tự mình thì không làm được, đi đến chỗ bi quan, tự oán trách mình, oán trách người cùng chiến tuyến, làm như vậy chỉ hại cho cuộc đấu tranh chung.

3 ) Phải dựa vào chính mình hay dựa vào ngoại quốc hoặc dựa vào những người cộng sản phản tỉnh

Công cuộc đấu tranh cứu quốc, kiến quốc, vì quốc gia dân tộc, cho tự do, dân chủ, nhân quyền ngày hôm nay phải đi qua cửa ngõ giải tán chế độ phản dân, hại nước, độc đoán, độc tài cộng sản. Chế độ này chỉ có thể bị giải tán dưới 3 sức ép : 1) Sức ép từ chính người dân can đảm đứng lên đấu tranh cho chính bản thân mình, cho quê hương mình ; 2) Sức ép đến từ cộng đồng hải ngoại và sự hỗ trợ quốc tế ; 3) Sức ép đến từ sự tan hàng rã ngũ của chế độ. Ba sức ép này nó tương lập, dựa vào nhau để lớn mạnh. Đây là 3 điều kiện ắt có, cần phải làm cho nó đủ để mang lại kết quả. Chúng ta không thể lý luận rằng chúng ta chỉ cần sức ép đầu, toàn dân cùng đồng loạt đứng lên một lúc, thì chúng ta chẳng cần sự giúp đỡ của hải ngoại, không cần những người cộng sản phản tỉnh, hay ta chỉ cần ngoại quốc giúp đỡ đổ bộ quân vào, giật sập chế độ, hoặc chỉ cần một người tướng cộng sản phản tỉnh, làm một cuộc đảo chính. Cách lý luận này thiếu thực tế và khó khả thi. Chúng ta chỉ cần người dân đứng lên đấu tranh càng nhiều càng tốt, như vậy thì ngoại quốc mới dễ sẵn sàng giúp đỡ, tình thế khách quan mới thay đổi, và từ đó tình thế chủ quan của đảng cộng sản mới thay đổi theo, mới dễ có người rời bỏ hàng ngũ cộng sản, ngay cả cán bộ cao cấp, tướng tá tại chức, mới dễ có cuộc đảo chính. Chúng ta cũng không thể lý luận : những người cộng sản phản tỉnh chỉ là những người về hưu, già rồi chẳng làm được gì. Dạ, thưa vì tình thế chưa đến lúc, nên những người cộng sản tại chức chưa quay chiều . Bổn phận của chúng ta là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một cuộc thay đổi chế độ, rồi sau đó những người cộng sản sẽ quay chiều. Hãy quan sát tình hình những nước Đông Âu, đặc biệt là 2 nước Đông Đức và Lỗ Mã Ni để suy ngẫm. Egon Krenz, người Tổng Bí Thư cuối cùng của Đông Đức là con nuôi của Honnecker, Tổng bí thư trước đó đã 18 năm. Nay trước tình thế bất lợi cho đảng Cộng sản Đông Đức, Egon Krenz bắt buộc phải lựa chọn, đứng về phía dân hay đứng về phía Honnecker, bố nuôi của mình, đang bị dân chống đối, thì Krenz đã từ bỏ bố nuôi đứng về phía dân. Illinescu, người lật chế độ độc tài của hai vợ chồng Ceausecu ở bên Lỗ Ma Ni cũng vậy, ông cũng đã từng ở trong Bộ Chính Trị, đã được 2 vợ chồng này nâng đỡ.

Chúng ta nên nhớ câu : « Chỉ có người của chế độ mới dễ thay đổi chế độ. Chỉ có con bạo chúa mới dễ giết bạo chúa. « Lịch sử còn đó cho ta suy ngẫm : Chỉ có Brutus, con của César, mới có cơ hội đứng bên cạnh César, mới dễ giết César. Tuy nhiên chúng ta phải tạo ra điều kiện khách quan, đó là làm cho tình thế càng ngày càng bất lợi cho cộng sản, tăng cường 2 sức ép đầu, đồng thời có một chính sách chiêu hồi rộng rãi.

4) Phải đấu tranh công khai hay đấu tranh âm thầm kín đáo

Điều này cần thiết cho những tổ chức đấu tranh ở quốc nội và cũng có thể nói ngay cả hải ngoại. Cần phải đấu tranh vừa kín đáo, vừa công khai. Nếu kín đáo quá thì người dân không biết để hưởng ứng. Nếu công khai quá thì chế độc tài dễ tìm cách lùng bắt và tiêu diệt.

I I I ) Dựa vào giai tầng nào


Một nhà tư tưởng đã nói: “Để làm cách mạng thì cần đến giai tầng bình dân; nhưng để cho cách mạng thành công thì cần đến giai tầng sĩ phu, trí thức .”

Tất nhiên một cuộc cách mạng nào muốn thành công đều phải dựa vào dân. Tuy nhiên người dân không thể tự mình đứng ra làm cách mạng, mà cần phải được hướng dẫn bởi giai tầng sĩ phu, trí thức. Chúng ta đừng đòi hỏi dân phải hiểu cách mạng là gì, tự do, dân chủ nhân quyền là gì. Chúng ta phải hiểu sự cụ thể hóa những giá trị trên là những quyền lợi thiết thực của dân bị vi phạm như dân bị cướp đất, đuổi nhà, cuộc sống khó khăn, đồng lương chết đói, học phí cho con cái mỗi ngày một cắt cổ. Bổn phận của sĩ phu, trí thức, đó là nêu rõ hiện tình đất nước, cuộc sống cơ cực của dân, khuyên họ can đảm đứng lên đấu tranh cho ngay những quyền lợi căn bản của mình.

Nhiều người tự đặt câu hỏi là cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền chưa xảy ra ở Việt Nam, mà đã xảy ra ở Nga Sô và Đông Âu. Tất nhiên có nhiều lý do; nhưng một trong những lý do chính đó là phần lớn giai tầng sĩ phu trí thức Việt Nam không can đảm, nếu không muốn nói là quá hèn nhát. Sự hèn nhát đây cũng có nhiều lý do, nhưng bắt đầu từ đầu óc phong kiến, học có bằng cấp, để làm quan, trên dội dưới đạp, xưa thì đội triều đình, ngày nay thì đội chính quyền, dưới thì đạp dân. Thêm vào đó là chính sách coi thường, đàn áp dã man trí thức của cộng sản: “ Trí phú hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn.” Đã có những trí thức can đảm trong Phong trào Nhân văn Giai phẩm, như cô Lê thị Công Nhân, anh Lê chí Quang, Lê Công Định, Nguyễn văn Đài và nhiều người khác. Nhưng còn quá ít. Phần lớn lại là trí thức hèn mạt, qui tụ nơi 700 tờ báo và 70 đài phát thanh truyền hình, chỉ biết: “ Nói leo, nói theo, nói dở, nói dài, nói dai “, như chính người dân thầm nói với nhau. Thật vậy, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam xưa kia thì “ Nói leo, nói theo “ Liên sô, nay thì theo Tàu, như chính họ Hồ đã thú nhận: “ Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao trạch Đông nghĩ hộ.” Nói leo, nói theo ngoại bang, rồi nhả ra để cho những trí thức cộng sản nói lại.

Chính vì vậy mà trí thức Việt hãy thức tỉnh, vì trí là sự hiểu biết; thức là thức tỉnh. Biết mà không thức tỉnh, thì chỉ làm nô lệ cho ngoại bang, hại dân, bán nước.

Dùng phương pháp nào chăng nữa, dựa vào giai tầng nào cũng vậy, điều quan trọng , đó là đến chính từ mỗi người. Người Việt nếu muốn đất nước độc lập, có tự do, dân chủ, thì mỗi người tự cố gắng đấu tranh, vì độc lập, tự do, dân chủ không tự nhiên đến với chúng ta. Bất cứ cuộc cứu rỗi nào cũng bắt đầu bằng cuộc tự cứu. Cuộc đấu tranh cứu quốc và kiến quốc ngày hôm nay là một cuộc đấu tranh góp gió thành bão. Bà nguyên phi Ỷ Lan của Việt Nam xưa kia đã nói: “ Sa mạc kia dầu to lớn đến mấy cũng là do nhiều hạt cát nhỏ mà làm thành. Biển đông kia dẫu bao la đến đâu cũng là do nhiều hạt nước nhỏ mà tạo nên.” Chúng ta, mỗi người Việt, hãy suy ngẫm lời nói của bà Ỷ Lan, cố gắng đấu tranh cho chính bản thân mình, cho quê hương, dân tộc.


Paris ngày 19/09/2009
Chu chi Nam




Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers