17 September 2009

Sau cơn hoạn nạn: bình thường hóa sau khủng bố và khủng hoảng


Nguyên do không chỉ là sai lầm của Bush tại Iraq hay trận bão Katrina. Nguyên do nằm trong tâm lý non dại của một quốc gia quá mạnh mà quá trẻ: dân Mỹ ưa hốt hoảng bậy rồi lại hồ hởi sảng! Họ liên hoan khi thấy im tiếng súng.

Nhìn rộng hơn nữa, các hồ sơ về an ninh như Iran, Tâm Cương hay Bắc Hàn, Miến Ðiện - và trời ơi, lại Việt Nam - đều liên hệ đến một quốc gia đã khéo ngậm miệng ăn tiền suốt tám năm qua. Mà Hoa Kỳ sẽ phải để ý tới, có khi phải xử lý, dù có khủng bố hay không. Ðó là Trung Quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa


Trong một tuần, Hoa Kỳ kỷ niệm hai biến cố đều gây chấn động toàn cầu.

Ðó là vụ khủng bố của al-Qaeda ngày 11 Tháng Chín, năm 2001 và vụ khủng hoảng khi tổ hợp đầu tư Lehman Brothers khai báo vỡ nợ mờ sáng 15 Tháng Chín, năm 2008. Sau cơn hoạn nạn đó, tức là ngày nay, Hoa Kỳ xoay trở thế nào?

Hãy nói đến chuyện sau trước, chuyện trước thì xin để về sau...

Khủng hoảng tài chánh vì ỷ thế tập trung

Manh nha từ Tháng Ba với việc Bear Sterns phá sản, khủng hoảng tài chánh bùng nổ từ vụ Lehman Bros. vào giữa Tháng Chín, sau khi chính quyền nhảy vào cứu hai đại gia Fannie Mae và Freddie Mac. Tiếp theo là trận đổ giàn lan rộng... Nguyên nhân vì sao thì nay thiên hạ đã rõ: trái bóng đầu tư gia cư địa ốc bị bể năm 2006 dẫn tới khủng hoảng tín dụng gia cư loại thứ cấp và gây ách tắc tín dụng rồi cạn kiệt thanh khoản làm thị trường rúng động trong khi kinh tế đã bị suy trầm từ cuối năm 2007 sau một giai đoạn tăng trưởng dài. Ðó là cái nhân.

Về cái duyên, cuộc tranh cử quá dài lại thổi giông bão tâm lý quá lâu - từ năm 2007 - với những báo động xuất phát từ chính trường về khủng hoảng - thậm chí về sự cáo chung của tư bản chủ nghĩa. Tâm lý hốt hoảng dẫn tới khủng hoảng tài chánh lan khắp địa cầu trước tài phô diễn kỳ lạ của các chính khách và sự tường thuật của truyền thông. Ðộc giả tò mò nên tìm bài tham luận lý thú do Chủ Tịch hệ thống Ngân Hàng Trung Ương Ben Bernanke đọc ngày 22 Tháng Tám tại hội nghị Jackson Hole, hoặc bài tường thuật trên số Vanity Fair sắp tới về Tổng Trưởng Ngân Khố Hank Paulson, để hiểu thêm về bi hài kịch cứu nguy tài chánh năm ngoái.

Nhưng chìm sâu bên dưới, từ rất lâu, còn có hiện tượng tập trung tài vật khiến nhiều cơ sở đạt kích thước vĩ đại chưa từng có. Nên cần những cái phao cấp cứu vĩ đại chưa từng thấy.

Là những đại gia quá lớn mà sự sụp đổ có thể gây họa cho kinh tế, các cơ sở này tin vào sự bảo vệ của chính quyền nên phát huy sáng kiến làm giàu và lấy nhiều quyết định kinh doanh rủi ro. Sự bất cẩn, và cả những tính toán bất lương, của nhiều người đã gây họa khi nhà nước không thể cứu hết ngần ấy cơ sở sau giải pháp sát nhập Bear Sterns.

Ðại gia như Lehman hay AIG mà đổ là gây tác động cộng hưởng sang nhiều cơ sở khác. Kết cục là nhà nước lại phải bơm tiền cấp cứu, tính rẻ thì cũng gần 1,500 tỷ đô la. Người viết xin tha mấy con số nhức đầu với những tên tắt bí hiểm như TARP, ARRA... Một năm sau, chúng ta trở lại trật tự cũ.

Không, còn tệ hơn trước.

Chính quyền đã dắt công chức, thậm chí cả nghiệp đoàn, nhảy vào làm nhiệm vụ công quản hai tổ hợp ráp chế xe hơi, hoặc bơm tiền yểm trợ một số ngân hàng sát nhập các ngân hàng khác và cơ quan FDIC đã mở rộng mạng lưới bảo đảm tiền ký thác của dân chúng cho dày hơn. Tức là sau cơn khủng hoảng, người ta càng tập trung tài vật vào trong tay một thiểu số và tạo điều kiện cho sự hình thành của nhiều đại gia mới, loại cơ sở kinh doanh quá lớn nên phải được bảo vệ kỹ hơn. Nhờ sự bảo vệ ấy, doanh giới sẽ lại có cơ hội bất cẩn.

Không tin ư? Tính đến quý hai (Tháng Sáu), tài sản của Bank of America tăng 31% so với năm ngoái để lên tới 2,250 tỷ đô la và giữ 12% tổng số ký thác của dân Mỹ. Hoặc CitiGroup, một đại gia được nhà nước cưu mang nhiều nhất, thì cầm 811 tỷ đô la ký thác vào cuối Tháng Sáu vừa rồi. Hơn nửa (494 tỷ) là tiền ký thác tại các chi nhánh quốc tế nằm ngoài nước Mỹ! Hoa Kỳ đáng ghét vẫn là nơi đáng tin hơn cả về tiền bạc!

Mà sở dĩ các đại gia này tạo được phép lạ đầy nghịch lý ấy là vì đã châm tiền yểm trợ các chính khách có thẩm quyền: trong năm tổ hợp tung tiền nhiều nhất vào việc tranh cử các chức vụ liên bang của năm ngoái thì có ba ngân hàng.

Ðâm ra cuộc tranh cử khiến chính trường báo động về sự bất toàn của thị trường nên phải kiểm soát chặt. Kết quả lại là sự toa rập của doanh giới với chính giới để nặn ra những quái vật khác, quá lớn nên càng làm lệch luật chơi kinh doanh của tiểu thương và càng lấy nhiều rủi ro mà không sợ chết. Kinh tế học gọi đó là hiện tượng “ỷ thế làm liều” - moral hazard - và còn có thể làm ẩu nhờ các chính khách bất lương!

Rốt cuộc thì quyền lực tài chánh tập trung cùng với quyền lực của một nhà nước còn bao cấp hơn xưa là hậu quả bất lường của vụ khủng hoảng. Nó báo hiệu nhiều cuộc khủng hoảng khác sau này! Ðây là chưa nói đến chế độ y tế công quản - public option - mà Quốc Hội Dân Chủ muốn yểm vào kế hoạch cải tổ của Tổng Thống Barack Obama.

Bây giờ đến chuyện khủng bố!

Liên hoan sau khủng bố

Nhìn từ bên ngoài thì sau vụ khủng bố “9-11”, cả thế giới đã sát cánh cùng dân Mỹ về thiện cảm lẫn sự hợp tác để phản công.

Từ bên ngoài, chiến dịch A Phú Hãn khai mở đúng một tháng sau vụ khủng bố đã có sự yểm trợ của Liên Hiệp Quốc, các đồng minh Âu Châu trong Minh Ước NATO lẫn Liên Bang Nga và Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Chiến dịch Iraq tiến hành vào đầu năm 2003 - bị đối lập Dân Chủ đả kích từ năm 2005 trở đi là sự xảo trá ngang ngược của Tổng Thống George W. Bush - thật ra đã được chừng 40 quốc gia hợp tác.

Ở bên trong, hàng loạt biện pháp tăng cường an ninh và ngăn ngừa khủng bố - đạo luật Patriot Act, trại tù Guantanmo, việc nghe lén điện thoại hoặc theo dõi mạng lưới chuyển ngân, v.v... đều được dân Mỹ ủng hộ. Các dân biểu nghị sĩ phải tái tranh cử năm 2002 và 2004 mà đề xướng các biện pháp ấy đều được cử tri tín nhiệm. Cũng nhờ ý chí đó - và sự mẫn cán của quân nhân hay giới chức tình báo - Hoa Kỳ không bị tấn công lần nữa, dù khủng bố vẫn ra tay tại nhiều xứ khác như Anh, Tây Ban Nha, Nam Dương, Saudi Arabia, Maroc, Turkey, v.v...

Nhưng, cũng nhờ sự an toàn đó, bản năng phóng túng, thậm chí tự sát, của xã hội Mỹ lại nổi dậy.

Thành phần cực tả và phản chiến quá khích tấn công ngược vào nước Mỹ, qua tiếng nói của loại người như Giáo Sư Ward Churchill, nhà điện ảnh Michael Moore, Cindy Sheehan, nhà ngoại giao Joe Wilson hay các tổ chức sách động như MoveOn, Code Pink, ACLU... Họ mạ lỵ chính quyền Bush là phát xít, Bush là Hitler, Pol Pot, họ xuyên tạc rằng vụ 9-11 là do Bush dàn dựng, hoặc họ tìm mọi thủ thuật pháp lý để cột tay chính quyền. Các chính khách có thế giá như Robert Byrd, Al Gore, Barbara Boxer, thậm chí John Glenn, cũng ăn theo nói leo với loại lập luận hàm hồ đó.

Sau đó là màn thanh toán chính trị xuất phát từ trong chính quyền Obama: điều tra và truy tố các nhân viên tình báo có thể đã can tội tra tấn nghi can khủng bố! Vừa xuống giọng xin lỗi thế giới Hồi Giáo vừa kết tội những người bảo vệ an ninh nước Mỹ, Obama có thể tranh thủ hậu thuẫn cực tả và phản chiến, nhưng mặc nhiên khuyến khích các khuynh hướng Hồi Giáo cực đoan. Và làm các đồng minh của Mỹ phải chột dạ!

Nhìn trong trường kỳ của lịch sử Mỹ, những chuyện vô tâm ấy là quy luật thường tình.

Chuyện bất thường là trong nhiều năm liền, Hoa Kỳ chưa minh định được mục tiêu chiến lược và minh danh bản chất cuộc chiến. Ðấy là “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”? Không ổn thỏa vì khủng bố chỉ là phương pháp. Ðấy là cuộc chiến nhằm dân chủ hóa thế giới Hồi Giáo - trước tiên tại A Phú Hãn và Iraq - hầu giải giới quân khủng bố tại hậu phương? Cũng không ổn khi mà nạn độc tài và nhất là kỳ thị phụ nữ tại nhiều xứ Hồi Giáo “thân Mỹ” vẫn được đánh chữ đại xá. Hay là “cuộc chiến chống nổi dậy”? Chiếm đóng xứ khác thì gây ra nổi dậy chứ sao! Muốn tránh, thì hãy triệt thoái.

Giữa sự mù mờ đó, dư luận Mỹ bắt đầu xoay chiều sau bốn năm thống nhất ý chí.

Nguyên do không chỉ là sai lầm của Bush tại Iraq hay trận bão Katrina. Nguyên do nằm trong tâm lý non dại của một quốc gia quá mạnh mà quá trẻ: dân Mỹ ưa hốt hoảng bậy rồi lại hồ hởi sảng! Họ liên hoan khi thấy im tiếng súng.

Sau vụ Nhật tấn công Trân Châu cảng năm 1941, dân Mỹ đồng lòng hy sinh và Hoa Kỳ cả thắng trong Thế Chiến II. Kế đó là sự hồ hởi sảng khiến Mỹ coi như kết thúc trận chiến sau cùng của lịch sử - với võ khí tuyệt đối là bom nguyên tử vừa chứng minh sức công hiệu phi thường tại Nhật. Khi kỷ niệm tám năm vụ Trân Châu cảng thì Mỹ đã cắt giảm quân phí và tháo gỡ đạn được để vui cảnh thái hòa. Vài tháng sau bỗng lại có tiếng gọi lên đường. Trai tráng ra trận khi Bắc Hàn đột ngột xua quân lấn chiếm Nam Hàn vào giữa năm 1950. Lần đó, đệ nhất vô địch Thế Chiến II bị tổn thất nặng khi đụng trận với các đơn vị bị coi là hạng ba hạng tư là Không Quân Bắc Hàn. Chỉ còn chút xíu là Mỹ bị đánh bật khỏi bán đảo Triều Tiên!

Sau đó là tranh luận về chiến lược: kẻ thù là Bắc Hàn hay Trung Hoa Cộng Sản, hay Liên Xô? Cứ như ngày nay... kẻ thù là al-Qaeda hay Taliban, hay Iran, hay Liên Bang Nga đứng sau Iran?

Nhìn từ bên ngoài, khi Hoa Kỳ còn loay hoay tự vấn lương tâm, hoặc hồn nhiên tranh luận về mọi chuyện trừ việc bảo vệ an ninh, các quốc gia khác đều tính chuyện của họ. Hoặc khai thác cơ hội. Và thế giới trôi về trật tự muôn thuở...

Quyền lợi muôn thuở

Tuần qua, khi Hoa Kỳ chuẩn bị kỷ niệm tám năm vụ khủng bố 9-11, ba đồng minh chí thiết trong Minh Ước NATO là Anh, Pháp, Ðức đồng thanh đề nghị tăng quân cho chiến trường A Phú Hãn. Xin đừng hồ hởi. Tăng quân để cấp tốc huấn luyện quân đội và an ninh của chính quyền Kabul hầu chuẩn bị triệt thoái. Khi đồng minh tháo chạy, tư lệnh Mỹ tại chiến trường này lại đề nghị là phải dồn quân đánh tới, nếu không, tình hình sẽ tuột khỏi tầm tay. Viễn ảnh thất trận đang thành bóng ma ám ảnh chính quyền Obama. Nhưng ngày nay dư luận Mỹ đã đổi ý. “Có người rủ nhân loại đi thăm địa ngục. Mà không ai trả lời!” Cứ như thơ Kim Tuấn...

Chuyện khủng bố đã thành vang bóng, hết đáng quan tâm. Bây giờ, Iran mới là bài toán, Liên Bang Nga mới là vấn đề.

Hãy nói về Iran. Chính quyền Obama ra tối hậu thư cho Tehran là phải thảo luận về kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm trước ngày 24 tháng này. Nếu không, Iran sẽ bị trừng phạt, nhiều phần là về kinh tế. Khi Tehran còn ỡm ờ thì Nga đòi giải vây vòng rào phong tỏa của Hoa Kỳ. Từ Nam Mỹ, Tổng Thống Hugo Chavez của Venezuela cũng bay qua Tehran ký hợp đồng bán xăng cho Iran, trị giá 800 triệu đô la một năm. Trong khi ấy, tổng thống rồi thủ tướng Israel bay qua Nga để mặc cả việc Moscow có yểm trợ Tehran hay không, trước khi tính chuyện sinh tử cho mình. “Nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh...”

Giữa những nhiễu âm đó, dân Mỹ không còn để ý tới mảnh vụn của tổ hợp xe hơi GM nằm bên Ðức là hãng Opel. Một dư chấn của khủng hoảng tài chánh.

GM phá sản và Opel mà bị đóng cửa là 25,000 nhân viên mất việc khiến thủ tướng Ðức vất vả trong cuộc bầu cử tới. Nhưng, khi ông chủ mới của GM, là chính quyền Obama, không đoái hoài tới Opel, bà Angela Merkel tìm giải pháp khác. Bán Opel cho doanh nghiệp phụ tùng xe hơi của Canada, với tiền yểm trợ của ngân hàng quốc doanh Sberbank... của Nga. Không phải lần đầu mà Ðức và Nga tìm thỏa hiệp, trước sự hồn nhiên của dân Mỹ.

Nhìn rộng hơn nữa, các hồ sơ về an ninh như Iran, Tâm Cương hay Bắc Hàn, Miến Ðiện - và trời ơi, lại Việt Nam - đều liên hệ đến một quốc gia đã khéo ngậm miệng ăn tiền suốt tám năm qua. Mà Hoa Kỳ sẽ phải để ý tới, có khi phải xử lý, dù có khủng bố hay không. Ðó là Trung Quốc.

Tổng kết? Sau vụ khủng bố bởi một lực lượng phi quốc gia mà cũng là đa quốc - vì hoạt động ở nhiều xứ khác nhau - thế giới giật mình vì một mối nguy mới. Các nước bèn liên thủ để đẩy lui mối nguy đó. Bây giờ, nỗi lo đã phần nào nguôi ngoai, các quốc gia đều tìm lại trật tự hợp lý về quyền lợi, với những liên minh và mâu thuẫn sẽ báo hiệu nhiều tranh chấp. Như mọi khi.

Chỉ có dân Mỹ là sẽ lại ngạc nhiên. Why me?


Nguyễn Xuân Nghĩa


No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers