Đến một thời khắc nào đó, sự thờ ơ của quần chúng sẽ đột ngột biến đi như chưa hề có. Thần lực của một cuộc cách mạng mới sẽ ập đến như một cơn bão, cuốn cả xã hội đi như thác lũ. Bè lũ cầm quyền thối nát hiện nay sẽ bị quét sạch khỏi dải đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Hiện vẫn có những lớp người đang ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đổi dời. Trần Nam Chấn |
Chuyện trò với phóng viên BBC nhân sự kiện website nổi tiếng daohieu.com bị công an VN buộc phải đóng cửa, nhà văn Đào Hiếu chua chát nói:
“Trước đây chúng tôi hoạt động cách mạng, làm Việt Cộng, xuống đường đấu tranh, khi bị bắt vô tù, quần chúng biểu tình đòi trả tự do rầm rộ, bây giờ thì không, xã hội im thin thít, gần như không phản ứng gì.”
“Có vẻ họ an phận, bằng lòng với cuộc sống của mình. Gần như có tâm lý ‘đầu hàng tập thể’.”
Vì sao mà một người như Đào Hiếu, đã từng vào sinh ra tử, đã không khuất phục trước những trò tra tấn dã man, ngày nay lại phải thốt lên những câu than thở như vậy? Phải chăng quần chúng thời nay thật sự thờ ơ với thời cuộc và họ chấp nhận cuộc sống cơ cực một cách bình thản?
*
Nguyên nhân của thái độ thờ ơ, hay nói đúng hơn là tỏ ra thờ ơ, thì có nhiều. Xin nêu vài nguyên nhân chính.
1) Sự tàn ác của cộng sản
Sau khi giành chính quyền được dăm-bảy năm, vào thời kỳ ‘cải cách ruộng đất’, ‘rèn cán chỉnh quân’, ‘chống Nhân Văn Giai Phẩm’, rồi sau này là ‘cải tạo công thương’ ở miền Nam, chính quyền cộng sản đã cho toàn xã hội thấy họ sẵn sàng trừ khử tận gốc tất cả những thành phần xã hội dám thể hiện sự bất tuân đối với họ hoặc dám nói, thậm chí dám nghĩ tới những điều khác với luận điệu của họ. Ký ức về những cuộc thảm sát man rợ, những kiểu hành hình, đấu tố hà khắc, những trò vu cáo trắng trợn không cho phép kẻ bị vu cáo hé miệng thanh minh, vẫn còn đó trong tâm khảm của lớp người có tuổi. Và sự hãi hùng của họ đã truyền lại cho thế hệ con cháu từ khi chúng mới sinh ra. Một trong những điều người Bắc Kỳ chú tâm nhất trong việc dạy con là sự tuân phục trước chính quyền. Tâm lý đó sau tháng Tư 1975 cũng đã được truyền phần nào sang cả người miền Nam.
Và đáng sợ hơn nữa là sự tàn ác của cộng sản lại được khoác cái áo ‘vì dân’.
Vì vậy mà dân Việt ta hiện nay hầu như không còn dám công khai thể hiện nỗi bức xúc của mình nữa. Họ không hoàn toàn thờ ơ với thời cuộc, không hẳn bình tâm với cảnh sống bần hàn, nhưng họ buộc phải tỏ ra thờ ơ.
2) Tâm lý mang ơn và lo sợ lại bị lừa
Trước ‘cách mạng tháng tám 1945’, cuộc sống của dân ta thực sự tối tăm. Sự thối nát của chính quyền phong kiến cộng với mất mùa liên miên đã làm người dân chán ghét chế độ cũ, sẵn sàng đi theo bất kỳ lực lượng nào có ít nhiều khả năng tổ chức tuyên truyền và tiến hành bạo lực cách mạng. Sau 1945 mùa màng may mắn bội thu cộng với không khí hồ hởi của những ngày tháng đầu tiên sống trong chế độ mới và sự ranh mãnh trong các thủ pháp tuyên truyền của tập đoàn Hồ Chí Minh đã làm người dân cảm thấy họ đang được hưởng một ân huệ lớn lao, đáng để suốt đời hy sinh đền đáp.
Ngày nay thì người dân đã nhận ra khá rõ rằng họ bị lừa. Nhưng tâm lý mang ơn làm cho họ luôn nghĩ rằng những kẻ lừa họ chỉ là bọn cán bộ cấp dưới. Có một số người cả gan nghĩ rằng giới cầm quyền chóp bu cũng đã lừa họ, nhưng họ vẫn tôn thờ thần tượng Hồ Chí Minh và do đó họ không dám nghĩ đến việc rời bỏ con đường mà ông ta đã chọn. Mặt khác, họ cũng sợ rằng nếu theo một tổ chức mới để làm một cuộc cách mạng mới thì có khi lại bị lừa lần nữa, chi bằng an phận chịu đựng cho qua.
Riêng lớp người được hưởng lương nhà nước thì biết rõ rằng mình hầu như không làm được gì cho xã hội, nên mặc dù mức sống so với công chức các nước khác là rất thấp, họ cũng có tâm lý chịu ơn cấp trên và sợ thay đổi thể chế, vì nếu thay đổi thì đa số họ sẽ thất nghiệp.
3) Xu thế thực dụng của thời đại
Tâm lý con người, nếu trong giai đoạn này nằm ở thái cực này thì giai đoạn tiếp theo sẽ chuyển sang thái cực khác đối lập với cái cũ.
Trong mấy chục năm qua, cộng sản đã thẳng cánh bài trừ tâm lý tư hữu và ước vọng mưu cầu hạnh phúc. (Cụm từ “mưu cầu hạnh phúc” chỉ được ông Hồ Chí Minh nói đến đúng một lần trong “Tuyên ngôn độc lập”). Người ta tuyên truyền rằng mọi người chỉ việc hy sinh vì sự nghiệp do đảng lãnh đạo, còn lại mọi việc đã có đảng lo. Việc một người nào đó rắp tâm mưu cầu hạnh phúc cho riêng cá nhân hay gia đình mình là xấu xa. Chính Hồ Chí Minh nói rất nhiều về việc chống ‘chủ nghĩa cá nhân’!
Tuy nhiên, ước vọng thoả mãn các nhu cầu cá nhân (trong đó có nhu cầu tình cảm và nhu cầu hiểu biết) là điều tự nhiên nhất trên đời này. Vì nó đã bị đè nén trong bao nhiêu năm nên khi sự đè nén vừa suy giảm thì lập tức nó bùng lên. Và bao giờ cũng vậy, khi bùng ra thì nó sẽ được thể hiện dưới đủ mọi hình thức, kể cả những hình thức quái thai. Xu hướng này lại được nhân lên gấp bội do sau bao năm bị cách ly với thế giới bên ngoài, bây giờ người VN mới được tiếp xúc với những tiện nghi vật chất hiện đại và các kiểu hưởng thụ chưa từng được biết trước đây. Vì vậy, những người ít nhiều có điều kiện phải gấp rút chạy đua với xã hội để có được cuộc sống vật chất tương đối đàng hoàng, (còn người nghèo thì đương nhiên phải lo để ngày mai có cái ăn cái đã).
*
Trên đây, theo chúng tôi, là những nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ của dân chúng đối với những vấn đề chính trị – xã hội. Những nguyên nhân đó đang được giới cầm quyền cộng sản tận dụng triệt để vào việc duy trì hệ thống cai trị hiện nay.
*
Tuy nhiên, quy luật của lịch sử không thể đảo ngược: chế độ nào đã lỗi thời sẽ phải bị thay thế bởi chế độ văn minh hơn.
Trong nhiều năm, người ta cứ lầm tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản là tiến bộ. Kỳ thực nó chỉ là biến dạng quái đản của chế độ phong kiến. Thực tế đang chứng tỏ điều đó một cách hùng hồn. Hai phần ba cái hệ thống ‘xã hội chủ nghĩa’ đã sụp đổ. Ở những nước còn lại, đảng cộng sản đã tha hoá tận cùng. Nó sẽ tan rã nhanh chóng trong nay mai.
Đến một thời khắc nào đó, sự thờ ơ của quần chúng sẽ đột ngột biến đi như chưa hề có. Thần lực của một cuộc cách mạng mới sẽ ập đến như một cơn bão, cuốn cả xã hội đi như thác lũ. Bè lũ cầm quyền thối nát hiện nay sẽ bị quét sạch khỏi dải đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
Hiện vẫn có những lớp người đang ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đổi dời.
Trần Nam Chấn
No comments:
Post a Comment