BIẾN CỐ
PHẬT GIÁO NĂM 1963
Biến cố Phật giáo là một biến cố lớn không những cho chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 mà còn cho cả chính đạo Phật tại Việt Nam. Biến cố này cũng đã đóng góp vào sự vươn mình của dân tộc cũng như cho những chuyển động trí thức nhân bản hơn của nhân loại trong thập niên 60. Rất nhiều máu đỏ đã chảy trong biến cố này, cũng nhiều như mực đen đã chảy sau biến cố đó để ghi chép và lưu trữ lại những chứng tích và những suy nghiệm về các tội ác của chế độ Ngô Đình Diệm trong lần trở mình hùng tráng của Dân Tộc và Phật giáo tại Việt Nam.
Với những biện pháp hành chánh quỷ quyệt, những thủ đoạn chính trị tàn ác và các chủ trương văn hóa gian hiểm, trong 9 năm trời, chế độ Diệm đã tìm mọi phương cách để tiêu diệt dần dần các lực lượng và ảnh hưởng Phật giáo Việt Nam theo kế hoạch tằm ăn dâu. Đến những năm 1962, 1963, chế độ Diệm lại có thêm chương trình ấp Chiến Lược mà họ thêm tin tưởng vừa có thể chiến thắng được Cộng Sản, lại vừa có thể Công giáo hóa toàn dân nông thôn. Chiếm được nông thôn là chiếm được địa bàn căn bản và lâu đời nhất của Phật giáo Việt Nam, họ sẽ bao vây Phật giáo, cô lập Phật giáo trong các chùa chiền ở đô thị và Phật giáo sẽ như cá trong ao khô hồ cạn, không còn nước nữa để sống còn và bơi lội vẫy vùng.
Nếu anh em ông Ngô Đình Diệm kiên nhẫn dùng kế hoạch trên thì có lẽ biến cố Phật giáo năm 1963 đã chưa xảy ra vì một lý do rất dễ hiểu là mặc dù nỗi thống khổ của Phật tử đã đến cùng cực, thế mà Phật tử vẫn chỉ cắn răng chịu đựng. Nhưngmưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nhà Ngô đi ngược lòng dân và ngược ý trời nên mới lấy quyết định cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày lễ Phật Đản, một quyết định ban đầu nhà Ngô tưởng là không mang lại hệ quả đáng kể nhưng thật sự lại đưa chế độ Diệm vào đường cùng. Với những người tin vào thuyết lý số và thuyết âm đức thì năm 1963 đúng là năm chót trong cái đại vận "Phát dã như lôi" thụ hưởng phú quý tột đỉnh của anh em nhà Ngô để bước vào chu kỳ "Tán gia bại quốc" mang lại nhục nhã cho dòng họ.
Thật thế, nếu Tổng Giám mục Ngô Đình Thục còn ở Vĩnh Long thì có lẽ vụ cấm treo cờ Phật giáo đã chưa xảy ra. Không ngờ Tòa thánh La Mã dưới triều đại Giáo Hoàng Paul 6 lại thuyên chuyển ông Ngô Đình Thục ra giáo phận Huế, nơi mà đại đa số dân chúng đều theo đạo Phật, nên nhà Ngô mới bị sa lầy sớm. Đổi ông Thục ra Huế, Tòa Thánh La Mã chỉ muốn ông Thục, vốn đã làm cho Giáo Hội chịu nhiều tai tiếng xấu trong cộng đồng thế giới, phải xa lánh Thủ đô, xa tai mắt ngoại giao đoàn, xa ký giả quốc tế và xa khối trí thức Việt Nam đông đảo tại Sài Gòn. Không ngờ hảo ý của Tòa Thánh La Mã lại biến thành đại họa cho nhà Ngô.
Tất cả bắt đầu vào ngày 6 tháng 5 năm 1963, khi Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đi thăm nhà thờ La Vang. Dọc đường, đâu đâu ông Thục cũng thấy cờ Phật giáo tung bay khắp thị thành thôn xóm để chào mừng Phật đản trong hai ngày nữa. Cờ Phật mà còn nhiều thì cái mộng Hồng Y của ông Thục khó sớm thành sự thực vì đã nhiều lần ông lỡ phúc trình với Tòa Thánh là dân Việt Nam ngày càng cải đạo, càng hướng về Giáo hội La Mã. Nhưng thực tế hôm đó hiển hiện trước mắt là cờ Phật giáo tràn ngập khắp nơi đã làm cho ông Thục giận lắm, nên khi trở về Huế, ông cho gọi Đại biểu chính phủ Trung phần là Hồ Đắc Khương đến Tòa Giám mục để khiển trách rồi gọi điện thoại viễn liên vào Sài Gòn báo cho em là Tổng thống Diệm biết tình hình. Ngay sau đó ông Diệm ra luật lệ treo cờ cho các Tôn giáo.
Theo luật lệ treo cờ của Chính phủ Diệm, cờ Tôn giáo không được treo ngoài khuôn viên chùa chiền, nhà thờ hoặc các cơ sở tôn giáo... Vì bị Tổng Giám mục Ngô Đình Thục áp lực, ông Diệm đã đặt vấn đề treo cờ Phật giáo mà ông quên đi năm ngoái (1962), Phật giáo cũng treo cờ như năm nay mà không thấy chính phủ khuyến cáo gì cả. Tôi còn nhớ năm 1959, từ ngày 16 đến 18 tháng 2, tại Thủ đô Sài Gòn và khắp cả nước, giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức đại hội Thánh Mẫu và lễ nâng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lên hàng Vương Cung Thánh Đường vô cùng trọng thể dưới quyền chủ tọa của Hồng Y Agagianan (Đại diện Tòa Thánh La Mã). Cờ Tòa Thánh và ảnh tượng Đức Mẹ trưng bày khắp Thủ đô, tràn ngập cả công viên trước dinh Độc Lập từ đường Công Lý đến tận Sở Thú. Ngày 17 tháng 8 năm 1961 tại La Vang, nhân dịp kỷ niệm lễ Đức Mẹ hiện ra cách đây 160 năm và khánh thành Vương Cung Thánh Đường La Vang, những khải hoàn môn trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ và cờ Công giáo Vatican (vàng - trắng) kéo dài từ thành phố Huế đến thành phố Quảng Trị dọc theo Quốc lộ Một. Rồi đến lễ khánh thành ngôi nhà thờ Huế do ông Ngô Đình Thục xây cất, và tiếp theo đó là lễ Ngân Khánh của ông Ngô Đình Thục xẩy ra vài tuần lễ trước ngày Phật Đản, cờ Công giáo Vatican lại tràn ngập cả thành phố Huế, nhất là về phía hữu ngạn sông Hương. Dân cả nước ai lại không thấy rằng hễ mỗi lần Công giáo có lễ lạc là cờ Công giáo Vatican treo ra ngoài khuôn viên nhà thờ, trên đường phố công cộng và nhiều khi trên cả các cơ sở quốc gia. Dưới chế độ Diệm, hầu như trong mỗi doanh trại quân đội đều có nhà thờ mà hễ đến ngày lễ Noel là cờ Công giáo Vatican treo khắp doanh trại, trước cổng trại lại có cả khải hoàn môn. Dân chúng làm sao quên được hình ảnh những vùng như Hố Nai, Gia Kiệm, Ngã Ba Ông Tạ, Ngã Ba Chú Ía, chung quanh Lăng Cha Cả, và những vườn hoa những đại lộ trước Tòa Đô Chính Sài Gòn tràn ngập ảnh tượng và cờ Công giáo Vatican trong những ngày lễ Giáng Sinh. Chính vì Công giáo đã đầu tiên và liên tục đạp lên trên luật lệ treo cờ của Chính phủ đến nỗi sau vụ cờ Phật giáo tại Huế, ngày 15 tháng 5 năm 1963, Giám mục Nguyễn Văn Bình đã phải ra thông báo nhắc nhở giáo dân: "Cờ của Tòa Thánh Vatican chỉ được treo trong nhà thờ hoặc những cơ sở của Hội Thánh".
Người Công giáo trắng trợn vi phạm luật treo cờ thì anh em ông Diệm chẳng những không bao giờ đả động đến mà còn lấy làm sung sướng vì sự ưu thế có tính cách hình thức đó, thế mà năm 1963, Phật tử treo cờ nhân ngày Phật Đản thì Ngô Đình Thục tức giận đặt vấn đề thể lệ treo cờ.
Sau khi nghe ông anh Tổng Giám mục phiền trách việc Phật kỳ tung bay khắp nơi, ông Diệm nổi nóng gọi ngay Đổng lý Văn phòng là ông Quách Tòng Đức (hiện ở Pháp), bảo đánh điện cho Tòa Đại biểu Chính phủ tại Huế và khắp các tỉnh ra lệnh phải hạ cờ Phật giáo. Một lần nữa, quyết định này cho ta thấy anh em nhà Ngô rõ ràng thiếu ý thức chính trị vì đã không đánh giá được bản chất và hệ quả của một quyết định liên hệ đến một vấn đề nhân văn rất tế nhị, nhất là tại một địa phương như Thừa Thiên. Họ lại chẳng nắm vững được giá trị của quyết định này trên cả hai mặt hành chánh pháp lý và thực trạng xã hội.
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau đó, ngày 7 tháng 5, trong lúc dân chúng Huế và Thừa Thiên sửa soạn làm lễ Phật Đản thì cảnh sát đến tận nhà buộc dân chúng phải hạ cờ Phật giáo. Trước biện pháp bất công và bất minh đó của chính quyền, vài ngàn Phật tử bèn tự động tổ chức kéo tới Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên và yêu cầu Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng can thiệp để Phật kỳ khỏi bị hạ. Tỉnh trưởng giải thích "đã có sự hiểu lầm lệnh của cấp trên", rồi ra lệnh cho treo Phật kỳ trở lại nên dân chúng tự động giải tán ra về. Sở dĩ có biện pháp đó là nhờ Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng đã gặp ông Ngô Đình Cẩn và được ông Cẩn cho lệnh "Phật tử đã lỡ treo cờ rồi thì cứ để cho họ treo".
Vấn đề đặt ra là tại sao một người đã làm đến Tổng Giám mục như ông Ngô Đình Thục, tại sao một người đã làm đến Thượng Thư Bộ Lại rồi làm đến Tổng thống như ông Ngô Đình Diệm mà lại sai lầm một cách ấu trĩ nhưng lại trầm trọng như thế? Câu trả lời dĩ nhiên nằm trong cái liên hệ sống chết và cốt tủy quá chặt chẽ giữa dòng họ Ngô Đình với Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp, vì anh em nhà Ngô được đào tạo và nuôi dưỡng bởi một giáo hội có quá nhiều cấp lãnh đạo chỉ thấy cái Ta là đúng, ngoài Ta ra tất cả đều sai lầm. Sử liệu đã cho thấy vô số sự kiện nói về bệnh chấp ngã của Tòa Thánh La Mã. Ở đây, ta hãy nghe một lời dẫn chứng của học giả Merle Sever trong bài The World of Luther:
Tòa Thánh La Mã đòi hỏi một sự phục tùng bất khả tư nghị. "Tôi sẽ phải tin rằng vật màu trắng mà tôi thấy là màu đen, nếu giáo hội quyết định đó là màu đen". Ông Ignatius Loyola, sáng lập dòng Jesuite đã nói như thế. Giáo Hoàng Paul IV cũng xác định rằng: "Ngay nếu cả cha ruột tôi là người phản đạo, tôi cũng sẽ đi lượm củi để đốt ông ta" [1].
Và đặc biệt trong tương quan thế quyền và giáo quyền, để chính xác áp dụng cho trường hợp của anh em ông Diệm, ta hãy nghe giáo sư Malachi Martin, một vị tu xuất dòng Jésuite, viết về niềm tin giáo điều sắt đá của Giáo Hoàng Léo III:
Xác định một cách công khai rằng tất cả các quyền lực chính trị trên thế gian này đều do Chúa ban cho; và chỉ được ban cho cá nhân nào hay chính phủ nào qua trung gian của vị đại diện Đức Chúa Trời, vốn là vị Hồng Y La Mã, mà cũng là kẻ kế vị Thánh Phêrô" [2].
Cho nên mù quáng trước điều mà họ cho là chân lý bất di bất dịch đó, rồi lại riêng cá nhân ông Thục mang tham vọng trở thành Hồng Y, anh em ông Diệm chỉ thấy việc Phật giáo treo cờ không đúng với thể lệ của nhà nước là một hành động thách thức chân lý đó, mà không cần biết đến chính tôn giáo của mình và chính Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã vi phạm trắng trợn luật treo cờ từ chín năm nay rồi.
Ngày 8 tháng 5, các chùa tại Huế cử hành lễ Phật Đản và rước Phật trọng thể từ chùa Từ Đàm qua chùa Diệu Đế. Sau lễ Phật, trong bài thuyết pháp, Thượng tọa Trí Quang đề cập đến chủ trương kỳ thị của chính quyền nhằm đàn áp Phật giáo từ 9 năm qua, nay lại ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo, rõ ràng nhắm riêng vào Phật giáo. Thượng tọa Trí Quang cũng có nhắc đến cờ Công giáo Vatican treo khắp đường phố vào các dịp lễ sao không cấm, mà lại cấm đúng vào ngày Phật Đản. Nhiều đoàn thể Phật tử yêu cầu chính quyền cho phát thanh lại bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang, nhưng Giám đốc Đài phát thanh Huế là ông Ngô Ganh, một Công giáo Cần Lao, không chịu nên vài ngàn Phật tử kéo đến đài để trực tiếp yêu cầu. Phó tỉnh trưởng Nội An là Thiếu tá Đặng Sĩ, một Cần Lao Công giáo khác, cũng huy động lính Bảo An và cả thiết giáp tới để thị uy. Không ngờ trong lúc Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng, ông Ngô Ganh và Thượng tọa Trí Quang đang thảo luận để tìm một giải pháp dung hòa thì nhiều tiếng súng và một quả lựu đạn phát nổ làm cho 7 thường dân chết, 5 binh sĩ và một thường dân bị thương. Máu đã đổ, cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam bắt đầu, biến cố Phật giáo mùa Hè năm 1963 phát động từ đó.
Tôi cần phải nói rõ và nói lớn ở đây rằng cuộc đấu tranh của Phật giáo tuy phát động từ sự kiện cấm treo cờ nhưng nguyên ủy thật sự, động cơ sâu sắc của nó thật ra đã xuất hiện từ lâu, từ khi anh em ông Diệm tiến hành chính sách tiêu diệt các tôn giáo khác cho Công được ngôi vị độc tôn trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt. Động cơ đấu tranh đó là một động cơ có tính sống còn của Phật giáo, cho nên ở bước đường cùng, Phật tử đã không thể có một chọn lựa nào khác nếu không muốn bị tiêu diệt: Từ nhiều năm nay, Phật giáo đồ đã bị đàn áp, khủng bố khắp nơi, chúng tôi vẫn nhịn nhục đương nhiên không phải vì hèn yếu mà vì ý thức được những nỗi khổ đau, tang tóc của dân tộc ta hiện tại. Nhưng đau đớn thay, một số người đã lợi dụng quyền hành gây ra không biết bao nhiêu tang tóc đối với Tăng và Tín đồ Phật giáo khắp trong nước, đối xử một cách bất công với một tôn giáo có hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc [3]. Đó mới là nguyên ủy thật sự của cuộc đấu tranh, chứ lá cờ chỉ là giọt nước cuối cùng mà thôi. Chánh pháp như chiếc bè qua sông, qua rồi còn bỏ bè huống gì chỉ một lá cờ.
Sau vụ đàn áp Phật tử tại đài Phát thanh Huế, Tăng Ni, Phật tử họp tại Chùa Từ Đàm đưa ra năm nguyện vọng để xin Chính phủ giải quyết: 1/ Xin chính thức rút lại lệnh cấm treo cờ; 2/ Xin được tự do hành đạo như Công giáo; 3/ Xin bãi bỏ dụ số 10 xem Phật giáo như một Hiệp hội; 4/ Xin chấm dứt các vụ khủng bố, đàn áp Phật giáo; 5/ Xin bồi thường cho các nạn nhân tại đài Phát thanh Huế và trừng trị kẻ đã gây ra đổ máu.
Nguyện vọng gởi đi đã 8 ngày mà Chính phủ vẫn không hồi âm, đã thế còn ra thông báo bảo rằng thủ phạm ném lựu đạn là một tên Việt Cộng dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Năm nguyện vọng đõ rõ ràng chỉ nhắm vào một mục tiêu rất chính đáng và hợp pháp là công bằng xã hội (điều 2,4 và 5) bằng cách chấm dứt chủ trương đàn áp tôn giáo của thực dân Pháp để lại (điều 1 và 3). Vì chính đáng và hợp pháp nên Phật giáo đã công khai tuyên bố và cảnh cáo luôn những xuyên tạc hay chụp mũ có thể xảy ra: "Mục tiêu tranh đấu của Phật giáo đó chỉ nhắm vào lý tưởng tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ lý tưởng công bằng xã hội. Vì lẽ đó, chúng tôi từ chối mọi sự lợi dụng không phù hợp với tôn chỉ của chúng tôi, nhất là những người Cộng Sản và những kẻ mưu toan chức vị chánh quyền" [4].
Rất nhiều ký giả ngoại quốc đã điều tra về biến cố Phật giáo, ở đây ta hãy nghe lời tường trình của ký giả David Halberstam:
Đầu tiên, lời tuyên bố của Chính phủ là một tên Việt Cộng đã ném vào đám đông một quả lựu đạn. Nhưng dần dần, luận điệu của Chính phủ bị mất giá trị vì càng ngày càng có thêm nhiều chi tiết cho thấy sự thật. Một nhóm giáo sư người Đức dạy tại Đại học Huế đã chụp được hình ảnh chứng minh luận điệu của Chính phủ là sai. Đã thế, Chính phủ lại vội vã cho chôn xác các nạn nhân mà không để cho bác sĩ giảo nghiệm để, một lần nữa, đổ lỗi cho Việt Cộng.
Nhiều ký giả quốc tế khác như Bob Trumbell , Charle Mohr,... đều công nhận là lỗi tại Chính phủ. Charle Mohr của tờ Times viết rằng: "Cũng như mọi chuyện khác, ông Diệm có bao giờ chịu nhận ông ta sai lầm đâu, Chính phủ của ông ta cũng nghĩ rằng không bao giờ ông Diệm sai lầm, và tất cả đều nói láo làm cho đa số dân chúng càng thêm nổi giận".
Sau vụ lựu đạn nổ ở Huế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương được ông Diệm phái đi quan sát tình hình. Vì sự thật đã được sáng tỏ cho nên một người Mỹ đi theo ông Lương cho rằng cách giải quyết thật là giản dị: chỉ cần bỏ ra năm trăm ngàn đồng bạc bồi thường cho các nạn nhân, và chỉ cần một lời tuyên bố của Chính phủ nhận lỗi do lực lượng an ninh gây ra. Ông Lương trả lời: "Tiền thì dễ nhưng chúng tôi không thể đưa ra lời tuyên bố như vậy được. Chúng tôi không thể công nhận lỗi của Chính phủ" [5].
Nhìn lại biến cố Phật giáo 1963, nếu lúc bấy giờ Chính phủ Diệm tuyên bố nhận lỗi, phạt Đặng Sĩ 40 ngày trọng cấm và sa thải khỏi quân đội, rồi an ủi và bồi thường các nạn nhân, bãi bỏ ngay những quy chế bất công về điều lệ tôn giáo trong đạo dụ số 10 thì chắc chắn biến cố Phật giáo đã ngưng ở đó.
Biến cố Phật giáo tại miền Nam làm tôi liên tưởng đến vụ Cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1956. Vụ cải cách ruộng đất làm cho dân chúng căm phẫn chống đối chính quyền Hà Nội. Ông Hồ Chí Minh vội vã một mặt tuyên bố nhận lỗi với đồng bào và xin sửa sai, mặt khác tạm ngưng xúc tiến việc cải cách và hạ tầng công tác ngay lập tức ông Trường Chinh, người chịu trách nhiệm chương trình, mặc dù ông Trường Chinh là ủy viên cao cấp của Chính trị Bộ Trung ương Đảng Cộng Sản.
Tuy những quyết định đó chỉ là thủ đoạn chính trị, nhưng thực tế chính trị sau đó cho thấy rằng, người dân miền Bắc thấy "Cụ Hồ" hạ mình xin lỗi đồng bào và dám cất chức đồng chí "Bí thư Đảng" thì ở một khía cạnh nào đó, họ không còn lý do và đối tượng để đấu tranh nữa. Riêng đối với quốc tế, công luận đã thấy ông Hồ Chí Minh biết phục thiện thương dân, biết tiến, biết thoái, có tài lãnh đạo. Thật trái ngược hẳn với họ Ngô ở miền Nam trên mặt quyền biến vì rõ ràng từ chín năm qua, họ Ngô đã tiến hành chính sách kỳ thị hà khắc, nay lại gây thêm tội ác mới, thế mà còn vụng về phi tang để đổ lỗi cho Việt Cộng.
Hai biến cố đó tuy bản chất khác nhau nhưng về cường độ thì cũng trầm trọng như nhau. Cả hai đều đụng chạm đến quyền lợi thiết thân nhất của quần chúng: quyền tín ngưỡng của Phật tử ở miền Nam và quyền sinh sống của nông dân miền Bắc. Nhưng nhìn cung cách và phương thức để đối phó thì quả thật trên mặt khả năng quyền biến, ông Ngô Đình Diệm chỉ đáng là học trò của ông Hồ Chí Minh dù cả hai đều độc tài, đều sắt máu, và đều muốn đàn áp những cuộc đấu tranh chính đáng của nhân dân.
Nhận thấy Tổng thống Diệm không có một chút thiện chí nào, Tăng tín đồ Phật giáo ngày 10 tháng 5 năm 1963 công bố bản Tuyên ngôn để minh định lập trường và xác định lại những nguyện vọng của mình. Ngày 16 tháng 5, Phật giáo mở một cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi có Bộ trưởng Công dân Vụ Ngô Trọng Hiếu tham dự, để trình bày năm nguyện vọng và nói rõ thái độ của Tổng thống Diệm trong cuộc hội kiến hôm qua tại dinh Gia Long. Trong cuộc họp báo này, ông Ngô Trọng Hiểu chỉ lập đi lập lại một lối giải thích: Tổng thống Diệm chỉ muốn cho "Quốc kỳ được tôn trọng" mà không hề đề cập đến những nguyện vọng của Phật giáo.
Ngày 23 tháng 5, trước những xuyên tạc độc hại của bộ máy thông tin của chính quyền với luận điểu cho rằng cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ là do Cộng Sản điều động và chỉ làm lợi cho Việt Cộng, Phật giáo cho phổ biến bản Tuyên ngôn thứ nhì với một bản phụ đính xác định rất rõ ràng vị thế nạn nhân của Phật giáo trong những thủ đoạn tuyên truyền của Chính phủ:
Ngày trước, những người Cộng Sản lợi dụng danh nghĩa chống ngoại xâm để tiêu diệt các đảng phái quốc gia thì ngày nay cũng có cái vẻ người Công giáo lợi dụng công việc chống Cộng Sản để đàn áp các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo chúng tôi. Đó là nguy cơ cho quốc gia và làm chia rẽ tôn giáo... Tình trạng lợi dụng danh nghĩa chống Cộng sản để phát triển Công giáo và lấn áp Phật giáo tạo ra tình trạng chia rẽ ngày càng trầm trọng thì ngay bây giờ và mai hậu, chỉ người Cộng Sản có lợi mà thôi [6].
Ba tuần lễ trôi qua, Chính phủ vẫn quyết liệt giữ lập trường cũ và ra thông tư xác nhận quan điểm về vấn đề tôn giáo là "không kỳ thị, tôn trọng tự do tín ngưỡng, chỉ quy định việc treo cờ vì tôn trọng quốc kỳ", thông tư cũng không hề đá động đến năm nguyện vọng chính đáng và khiêm tốn của Phật giáo. Trong lúc đó thì ngày 29 tháng 5, lực lượng an ninh vẫn siết chặt vòng đai ở chùa Từ Đàm, nơi mà sinh viên và Phật tử thường tụ họp đông đảo để ủng hộ cho những đòi hỏi của Phật giáo, đồng thời chính quyền cho cắt điện và nước ở ngôi chùa này.
Trước thái độ ngoan cố của Chính phủ, ngày 30 tháng 5, Phật giáo tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tại chùa Xá Lợi và chùa Ấn Quang, các Tăng Ni và Phật tử tuyệt thực 48 giờ, đồng thời 300 tăng ni biểu tình trước Quốc hội với những khẩu hiệu yêu cầu Chính phủ thỏa mãn năm nguyện vọng của Phật giáo.
Thấy tình hình bắt đầu căng thẳng, ngày 1 tháng 6, Chính phủ Diệm thay Đại biểu Trung phần Hồ Đắc Khương, Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng, là những người mà Chính phủ cho là nhu nhược, bằng các ông Nguyễn Xuân Khương (nguyên Tổng giám đốc Điền Địa) và Thiếu tá Nguyễn Mâu (Cần Lao Công giáo) để hai nhân vật này hành động quyết liệt hơn trong việc đàn áp Phật giáo. Chính phủ cũng triệu hồi Thiếu tá Đặng Sĩ về Bộ Nội vụ "để chờ lệnh".
Trước tình hình nghiêm trọng đó, Bác sĩ Trần Kim Tuyến, dù lúc này đã bị thất sủng không còn quyền hành ảnh hưởng gì nữa, nhưng phần vì ông quen biết nhiều trong giới Phật giáo như Thượng tọa Tâm Châu, các cư sĩ Phật giáo người Bắc di cư, cụ Mai Thọ Truyền (vốn là chuyên viên Phủ Tổng thống), phần vì muốn hòa giải thật sự giữa Chính phủ và Phật giáo, nên ông đưa ra sáng kiến thành lập một ủy ban cao cấp của hai bên để thảo luận hầu giải quyết mọi vấn đề. Do đó, bên Chính phủ thành lập ủy ban Liên Bộ, và bên Phật giáo hình thành ủy ban Liên Phái, có tư cách đại diện chính thức và thẩm quyền thương nghị. Ủy ban Liên Bộ có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần. Còn ủy ban Liên Phái do Thượng tọa Tâm Châu cầm đầu với các Thượng tọa Thiện Hoa, Thiện Minh, Huyền Quang và Đại Đức Thích Đức Nghiệp. (Sáng kiến của Bác sĩ Tuyến được Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần trình cho hai ông Diệm-Nhu).
Trong khi hai ủy ban đang tiến hành những buổi họp thì lực lượng an ninh vẫn bao vây chùa chiền và gia tăng các biện pháp cắt điện, cắt nước tại các chùa lớn ở Huế và Đà Nẵng. Riêng tại chùa Tỉnh Hội Nhà Trang, cảnh sát và công an còn chăng kẽm gai chận đường các Phật tử vào chùa và cản trở việc đi lại của các Tăng Ni từ Sài Gòn về các tỉnh và ngược lại. Cho đến ngày 7 tháng 6, Ủy ban Liên Bộ mới công nhận sự kiện thiếu nghiêm chỉnh đó và gởi văn thư trả lời cho Ủy ban Liên Phái là đã cho cấp lại điện nước và quân đội không chận đường vào chùa nữa. Tất cả những văn thư của hai ủy ban đều có đăng tải trên báo Việt ngữ tại Sài Gòn. Nhưng dù có văn thư chính thức của Ủy ban Liên Bộ, những hành động chống phá Phật giáo vẫn tiếp tục xảy ra tại các địa phương và ngay giữa thủ đô Sài Gòn. Độc hại hơn nữa, chính quyền đã cho một số công an và cảnh sát cạo đầu, giả vờ mặc áo nâu hay áo lam của tăng sĩ để ra chợ chọc gái, ăn thịt, uống rượu, mua hàng không chịu trả tiền,... nhằm mục đích bôi lọ các nhà sư và xuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo.
Để đối phó với thái độ phá hoại đó của chính quyền, Phật giáo đành phải lấy những hành động hy sinh quyết liệt hơn mong cảnh tỉnh và khai thông đầu óc giáo điều của cấp lãnh đạo Chính phủ. Trong một ngôi chùa vắng lặng giữa Sài Gòn sôi động, một vị sư già đã lấy một quyết định làm chuyển đổi cả một chế độ với lời nguyện tâm huyết sau đây:
Tôi, pháp danh Thích Quảng Đức, Trụ trì chùa Quan Âm Phú Nhuận, Gia Định.
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyên thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:
1. Mong ơn Phật tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
3. Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng Ni Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác gian.
4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.
Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp.
Thích Quảng Đức
(Trích từ Tạp chí Chấn Hưng, số tháng 11 năm 1987 - Los Angeles)
Thế rồi ngày 11 tháng 6 năm 1963, trước vài trăm tăng ni tụ họp tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu, hy sinh nhục thể để hiến mình cho chánh pháp. Người ta thấy Hòa thượng từ trong một chiếc xe bước ra và từ từ tiến tới đám đất trống quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực, miệng khoan thai tụng niệm. Một nhà sư trẻ khác xách một thùng xăng tưới vào thân thể Ngài. Hòa thượng châm lửa đốt. Lửa đỏ bốc lên cao nhưng Hòa thượng vẫn ngồi trong tư thế kiết già cho đến khi ngọn lửa bao trùm lấy thân thể, Ngài mới té nghiêng mà hai tay vẫn chắp vào nhau trong sự biểu hiện của Từ Bi, Trí Tuệ và Đại Hùng. Sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức, sự hy sinh mà suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm của Phật giáo lần đầu tiên mới xảy ra đã làm chấn động tâm thức của dân tộc.
Lửa! Lửa cháy ngất tòa sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc
Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên.
...
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người về phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật pháp chẳng rời tay...
(Trích từ Lửa Từ Bi của Thi hào Vũ Hoàng Chương,
sáng tác để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức)
http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML15.php
No comments:
Post a Comment