Xây Dựng THỜI ĐẠI CHÍNH TRỊ MỚI CHO VIỆT NAM
*Vinh Đức
Lời toà soạn : Bài này chúng tôi trích ra từ tác phẩm CHÍNH TRỊ THỜI ĐẠI của tác giả Vinh Đức. Quyển sách này xuất bản cách đây khá lâu cho nên có vài sự kiện đã thay đổi như về dân số, từ 72 triệu nay đã tăng lên khoảng 80 triệu. Tuy nhiên, mục đích chính là vấn đề tác giả đóng góp ý kiến nhằm đi tìm một thể chế chánh trị thích hợp cho một nước Việt Nam hậu Cộng sản.
Kính mong Quý diễn đàn phổ biến rộng rãi. Đa tạ. Góp Gió.
--xXx—
Để biến những ước mơ của cả dân tộc Việt Nam thành sự thật, chúng ta phải làm cuộc cách mạng, hoặc cuộc vận động lịch sử để làm thay đổi thời đại của dân tộc Việt Nam.
Với dân trí thấp, cơ cấu kinh tế 75% nông nghiệp, 25% kỹ nghệ vá víu, chính trị bất ổn, lạc hậu hiện nay là những ngăn trở to lớn đối với việc phát triển quốc gia.
THỂ CHỂ CHÍNH TRỊ
Qua bài học của Nhựt Bổn, chúng ta thấy họ đã :
- Nghiên cứu hiến pháp của các nước Âu châu và Hoa Kỳ để thay đổi chính trị;
- Áp dụng chính sách giáo dục của Hoa Kỳ;
- Nhờ sĩ quan Pháp, Anh tổ chức quân đội;
- Nhờ kỹ sư Đức phụ trách kiến trúc.
Dân tộc Nhựt Bổn đã tổng hợp được tinh hoa của các nước với tinh hoa văn hoá dân tộc để cất cánh.
Muốn thu ngắn khoảng cách thời đại, trước tiên phải thay đổi thể chế chánh trị độc tài như hiện nay, và áp dụng thể chế chính trị liên bang kỹ nghệ. Không phải chúng ta mang tất cả những gì của người Mỹ, Anh, Úc hay Pháp áp dụng ngay cho dân tộc Việt Nam được. Nếu làm như vậy thì dân tộc chúng ta sẽ gặp trở ngại, vì sẽ bị bội thực về tự do chính trị.
Hệ thống chính trị tiểu bang liên bang (hoặc danh xưng khác), nhưng nội dung của thể chế chính trị thời đại kỹ nghệ nầy nên được áp dụng vì những lợi ích sau :
- Các đảng chính trị có chủ trương đường lối khác biệt có dịp để thí nghiệm chủ trương của mình trong cấp tiểu bang, nếu đảng không hội đủ số đại biểu để thành lập nội các quốc gia.
- Các sắc dân có quyền tự do sinh hoạt chính trị trong tiểu bang mình.
- Nâng cao trình độ chính trị và lãnh đạo của dân để tiến kịp trào lưu dân chủ của nhân loại.
- Tạo sự ganh đua giữa các "tiểu bang" hay "tỉnh lớn" được phân chia theo mật độ dân số, hoặc theo địa lý của các sắc tộc.
TỔ CHỨC CÔNG QUYỀN
Với trình độ dân trí hiện nay, chúng ta thử nghiên cứu các ý kiến về một số chính sách quan trọng sau :
Chính quyền Trung ương
Thể chế "Tổng thống đại nghị."
- Tổng thống do dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 6 hoặc 8 năm, đóng vai trò quốc trưởng, trị vì mà không cai trị. Điều nầy tránh được tình trạng thay đổi "Quốc Trưởng" thường xuyên, nếu có xáo trộn chính trị xảy ra. Tổng thống giữ vai trò như các "Quốc Vương" hiện nay, nhưng do dân bầu, chứ không truyền ngôi.
- Đảng hay liên minh đảng chính trị có đa số đại biểu trong quốc hội thành lập nội các.
- Lãnh tụ đảng đa số làm Thủ Tướng.
- Nhân viên nội các là những đại biểu quốc hội.
- Nhiệm kỳ của đại biểu do dân cử là 4 năm.
Quyền lực quốc gia.
Áp dụng nguyên tắc "phân quyền" và "tản quyền". Cơ cấu và quyền lực quốc gia chia làm bốn ngành: Lập Pháp, Hành pháp, Tư pháp và Giám sát.
Đảng quyền không được ảnh hưởng hay kiểm soát bất cứ lãnh vực nào của quốc gia.
Chính quyền địa phương.
Quốc gia chia thành tỉnh (gần giống như Canada) tùy theo địa dư, sắc dân, khoảng từ 4 đến 5 triệu dân thành một tỉnh. Tỉnh có quốc hội và ngân sách (gần giống như tiểu bang của Australia).
NHỮNG QUYỀN CÔNG DÂN CĂN BẢN
Tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, Công dân có quyền :
* tư hữu,
* tự do chính trị,
* tự do tôn giáo,
* tự do ngôn luận,
* tự do lập hội,
* và tự do kinh doanh.
VĂN HOÁ
Truyền thống Việt Nam là đón nhận tất cả trào lưu văn hoá, và chọn lọc những tinh hoa để ứng dụng, phong phú hoá văn hoá dân tộc, tức đa văn hoá.
QUỐC PHÒNG
Như trên đã trình bày, võ khí thời đại tín liệu và binh sĩ tín liệu không còn như các thời đại trước, đòi hỏi trình độ chuyên viên, nên toàn dân vi binh hay cây cỏ thành binh phải được giải thích và định nghĩa lại.
Với võ khí săn hái hay nông nghiệp thì mọi con dân có thể trở thành binh sĩ. Trong thời đại kỹ nghệ nếu đem số đông ra làm bia đở đạn hay muốn biến da người thành da sắt là điều phí phạm sinh mạng một cách tàn ác.
Bài học của Nhựt Bổn, sau Đệ Nhị Thế Chiến, cả dân tộc bị khốn cùng vì chiến tranh nên quốc gia không cần có quân đội. Quân đội để làm gì, nếu quân đội không được huấn luyện và trang bị võ khí hợp thời đại.
Nếu tình thế chiến lược cho phép, với sự bảo đảm quốc tế, Việt Nam có thể giảm bớt gánh nặng quân sự trong vài thập niên để chú tâm phát triển kinh tế. Hoặc giảm quân số còn khoảng vài trăm ngàn quân hiện dịch, đóng ở biên giới các nước láng giềng. Ngoài ra cần có ít Đơn Vị Đặc Biệt được huấn luyện và trang bị võ khí kỹ thuật cao.
KỸ NGHỆ
- Giải tư hầu hết các cơ sở kỹ nghệ quốc doanh hiện nay.
- Cải tổ vài cơ sở kỹ nghệ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thành những cơ sở hợp doanh.
- Kỹ nghệ hoá trong 5 năm đầu như sau :
. 25% lãnh vực nông nghiệp,
. 60% lãnh vực kỹ nghệ,
. 15% lãnh vực tín liệu, kỹ thuật cao.
XÃ HỘI
Phát huy truyền thống đại gia đình VN gồm ông bà cha mẹ con cháu, phù hợp với thời đại ngày nay, để mang lại hạnh phúc cho con người, đồng thời tạo cho gia đình trách nhiệm an ninh xã hội, thay vì quốc gia phải đảm nhận. Hiện nay tại một số quốc gia, số người già và người không hưởng trợ cấp xã hội tăng nhanh, tạo sự chênh lệch giữa số người làm việc và số người hưởng trợ cấp, gây khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng.
Để tránh sự chênh lệch giữa đời sống nông thôn và thành thị, cũng như giúp người dân thôn quê có nếp sống tương đối văn minh, nên nông phẩm được tăng giá cao để số thu nhập nông thôn không quá sai biệt với thành thị, và cũng là yếu tố để đẩy mạnh kinh tế của một nước mà đa số dân chúng còn làm nông bằng sức lao động của con người.
NHÂN DỤNG
Dân số VN là 72 triệu. Tỷ lệ người làm việc khoảng 50%, tức 36 triệu. Hiện nay số người thất nghiệp thật sự lên đến 30% tức 12 triệu người muốn làm việc thật sự.
Để có việc làm cho số người trên, ngoài những công trình kỹ nghệ hoá, cần những công trình tân tạo lớn như :
- hệ thống đường bộ, đường sắt, và sông ngòi làm bằng chân tay cộng với cơ giới.
- tân tạo hay tăng cường các đê và và hệ thống dẫn thủy nhập điền quan trọng.
- lập các xí nghiệp thủ công nghệ.
GIÁO DỤC
Bài học của Nhựt Bổn trong vấn đề giáo dục, Bộ Giáo Dục thời Minh Trị Thiên Hoàng đã chọn phương thức giáo dục của Hoa Kỳ, tức một nước thực sự hoàn toàn tự do trong suy tư, điều mà châu Âu chưa có. Chúng ta có nên theo gương Minh Trị Thiên Hoàng hay không ? Hay chúng ta đi tìm một tổng hợp khôn ngoan khác.
Ngoài trí dục, đức dục, thể dục cần chú trọng đến khoa học kỹ thuật, và các lớp dạy nghề cho người lớn tuổi để chuyển từ những việc đang làm sang nghề mới.
Một điểm khác biệt quan trọng trong việc người Nhựt Bổn gởi con em sang các nước ngoài du học với người Việt hải ngoại hiện nay. Nếu so sánh về lượng, chúng ta hơn, nhưng xét toàn bộ chính sách thì chúng ta thua xa, vì họ có chính sách du học, biết cần học và hành những gì. Còn người Việt hải ngoại thì chỉ học những ngành dễ kiếm tiền, nên tránh các lãnh vực chính trị, triết lý, lãnh đạo, kinh doanh, văn chương thì thiếu, mà là thiếu sót trầm trọng cho quốc gia.
Nông Nghiệp.
Đẩy mạnh việc khai khẩn, trồng trọt ở các đồng bằng, hai miền cao nguyên Bắc Trung phần để tăng gia sản xuất cũng như tạo việc làm.
Với diện tích canh tác mỗi đầu người quá nhỏ, nên hợp tác xã hoá nông dân các làng.
Đa số người dân Việt Nam sống trong làng, vì làng là đơn vị hành chánh và cũng là đơn vị kinh tế, để kỹ nghệ hoá dần dần, từng phần nông nghiệp, chuyển nông dân thành công nhân làm việc tại các xí nghiệp tân lập.
Ngư Nghiệp.
Với sông ngòi và biển nhiệt đới, VN có tiềm năng lớn trong việc nuôi và sản xuất hải sản, thủy sản.
Chuyển một số nông dân ở những vùng thích hợp, thành những người nuôi tôm, cua, cá, hầu để xuất cảng.
DÂN SỐ
Giáo dục dân chúng, áp dụng chương trình kiểm soát sinh sản để giảm đà tăng dân số quá nhanh. Hiện nay tỷ lệ dân số tăng hằng năm là 1.7%, tỷ lệ nầy cần giảm nhiều trong vòng 5 năm.
Vinh Đức
Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.
No comments:
Post a Comment