Chính thứ vi trùng chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai do Hồ Chí Minh tình nguyện đem vào Việt Nam, theo lệnh của các hai đế quốc Nga Xô và Trung Cộng từ 1930 đã gây ra không biết bao nhiêu tai hoạ cho đất nước và dân tộc trong hai Cuộc chiến tranh đẫm máu mà người Cộng sản ngày nay vẫn coi như không đáng kể đối với hàng chục triệu sinh mạng người Việt Nam bị huỷ diệt. Phạm Trần |
Tại sao nhiều người coi thường Ngày 19-8-1945?
Người Cộng sản Việt Nam có thói quen nói một tấc lên đến Trời nên dù biết mình nói dối mà vẫn nói như giữa chợ không người. Đó chính là trường hợp của một số cán bộ ngành Tuyên truyền khi họ vung tay quá trán để viết về Cuộc Cách mạng Tháng Tám vào dịp kỷ niệm lần thứ 64 năm 2009.
Hãy nghe Vũ Duy Thông rêu rao: “Nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sẽ không có nước Việt Nam như ngày nay, đó là điều không thể phủ nhận…Ngày nay, vẫn còn những người cố tình hạ thấp ý nghĩa lịch sử thậm chí xuyên tạc, đưa ra những luận điểm không có căn cứ về Cách mạng Tháng Tám. Đó không phải là những “nhà nghiên cứu lịch sử” ngây thơ hoặc sai lầm không cố ý. Họ là những người cố tình để các thế hệ không trải qua cách mạng, không trải qua chiến tranh hiểu sai lệch lịch sử, hiểu sai về Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó xa rời lý tưởng, xa rời truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. (Báo điện tử ĐCSVN, 17-8-2009)
Trước hết, tại sao không hỏi lại như thế này: Nếu không có Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam thì đất nước Việt Nam đâu có lâm vào cảnh chiến tranh nồi da, xáo thịt suốt 30 năm trường và làm gì mà dân tộc phải sống lầm than và chậm tiến như ngày nay?
Nhưng tại sao cho đến bây giờ, 64 năm sau Cuộc Cách mạng mùa Thu mà Hồ Chí Minh và đảng CSVN còn bị lên án đã phản bội những hy sinh xương máu của nhiều tầng lớp nhân dân đã hiến dâng cho cuộc Cách mạng ấy ?
Về điểm này, người Cộng sản hãy tự xét xem nếu Hồ Chí Minh giữ lời hứa của Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới vào buổi trưa ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, thì người dân đâu có mất tự do ở miền Bắc từ 1954 đến 1975 và trên cả nước từ 1975 đến bây giờ?
Vũ Duy Thông và người Cộng sản Việt Nam cũng nên nhớ rằng Hồ Chí Minh còn nói với nhân dân qua loa phóng thanh sau buổi lễ Tuyên bố độc lập rằng: "Giành được Độc lập đã khó nhưng giữ vững Độc lập lại càng khó hơn. Tôi mong rằng đồng bào hãy gắn bó đoàn kết xung quanh Chính phủ để bảo vệ nền Độc lập mà nhân dân đã phải đổ biết bao xương máu vừa giành lại được" (Tài liệu lưu trữ của đảng CSVN).
Chính vì những lời nói tưởng như thật lòng này của họ Hồ mà các Đảng phái quốc gia và những Nhà ái quốc lúc bấy giờ như các cụ Nguyễn Hải Thần (Phó Chủ tịch), Hùynh Thúc Kháng (Bộ trưởng Nội vụ), Cựu Hoàng Bảo Đại Vĩnh Thụy (Đoàn Cố vấn tối cao) và hai Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) là Nguyễn Tường Tam (Bộ trưởng Ngoại giao) và Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch Kháng chiến Uỷ viên hội) đã tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra đời ngày 2-3-1946.
Nhưng đến ngày 3/11/1946 thì Chính phủ này bị Hồ Chí Minh lũng đoạn thay thế bằng Chính phủ mới do các phần tử Cộng sản khống chế. Người duy nhất còn lại là Cụ Hùynh Thúc Kháng trong chức Bộ trưởng Nội vụ, nhưng đến ngày 21/4/1047 thì Cụ từ trần. Hồ Chí Minh đặt ông Phan Kế Toại làm Quyền Bộ trưởng thay thế Cụ từ tháng 11/1947.
Cũng nên biết ông Phan Kế Toại, nguyên là Khâm sai Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng sau Cách mạng tháng Tám đã quay sang hợp tác với Hồ Chí Minh và trở thành Phó Thủ tướng của Chính phủ Cộng sản miền Bắc trong nhiệm kỳ 1955-1961.
Tại sao ông Phan Kế Toại được Hồ Chí Minh hậu đãi như thế ? Tiểu sử chính thức của ông viết: “Năm 1944, lúc còn làm Tổng đốc Thái Bình, Phan Kế Toại đã ngầm ủng hộ Việt Minh bằng cách trao một tín phiếu 500 đồng bạc Đông Dương qua ông Nguyễn Công Liệu là một cán bộ Việt Minh”.
Lý do Cựu hoàng Bảo Đại bị loại khỏi vai trò Cố vấn bù nhìn không khiến ai ngạc nhiên, nhưng hai Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh đã rút lui vì thấy Hồ Chí Minh không thật lòng “đoàn kết” như đã nói mà còn chủ mưu ra tay ruồng bố, sát hại các chiến sĩ Quốc gia không Cộng sản nói chung và đảng viên VNQDĐ nói riêng.
Thế là “liên hiệp Quốc-Cộng” tan rã từ đó, mở đầu cho giai đoạn chiến tranh kéo dài đen tối cho dân tộc do đảng CSVN của Hồ Chí Minh chủ trương dưới danh nghĩa chống thực dân Pháp và ngụy trang “chống Mỹ cứ nước” để xâm lăng miền Nam Việt Nam.
Ai chọn Đảng CSVN?
Vậy mà cán bộ Tuyên giáo Vũ Duy Thông vẫn có thể bẻ cong lịch sử qua lập luận: “Đúng là đất nước ta phải trải qua hơn 30 năm hao người tốn của để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Những cuộc chiến tranh ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ. Nhưng cần hiểu rằng, chúng ta đã cố gắng hết sức để mong không có các cuộc chiến tranh đó nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta nhân nhượng. Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. Phải chấp nhận các cuộc chiến tranh là nằm ngoài ý muốn của chúng ta. Nhưng tuy trải qua vô vàn hi sinh gian khổ, chiến thắng trong các cuộc chiến tranh đó lại là tiền đề cho công cuộc thoát đói nghèo, đổi mới, phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn”.
Làm gì có chuyện “nhân dân ta đã lựa chọn” đi “theo con đường chủ nghĩa xã hội” Cộng sản?
Phải chăng vì tin vào những lời đường mật phỉnh gạt của đàng CSVN mà nhân dân miền Bắc, sau hơn 20 năm lao động gian khổ từ 1954 đến 1975, chỉ còn da bọc xương và những mái nhà xiêu vẹo, giậu đổ, bìm leo?
Chính thứ vi trùng chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai do Hồ Chí Minh tình nguyện đem vào Việt Nam, theo lệnh của các hai đế quốc Nga Xô và Trung Cộng từ 1930 đã gây ra không biết bao nhiêu tai hoạ cho đất nước và dân tộc trong hai Cuộc chiến tranh đẫm máu mà người Cộng sản ngày nay vẫn coi như không đáng kể đối với hàng chục triệu sinh mạng người Việt Nam bị huỷ diệt.
Cũng phải kể đến những oan hồn của mọi thành phần người Việt vẫn còn vất vưởng đâu đó trên khắp các miền đất nước từ các chiến trường Việt Bắc đến Điện Biên Phủ, từ trong các trại tù Cộng sản giam người Quốc gia ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt cho đến các trại tù sắt máu được ngụy trang “Cải tạo” để đày đoạ người miển Nam từ Nam ra Bắc sau 1975.
Cũng phải kể đến hàng vạn mạng người khác bị chết oan trong Cuộc Cải cách Ruộng đất của đảng CSVN từ 1953 đến 1960 cho đến những xác chết của trên 3,000 con người nằm phơi khô hay bị cột cổ, trói tay đâm cho chết rồi lấp vội vã trong các nấm mồ tập thể ở Huế trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Sẽ thiếu sót và lỗi đạo nếu chúng ta bỏ quên không nói đến số phận của hàng chục ngàn nạn nhân của chế độ đã chết tức tưởi dưới lòng Biển Đông hay trên đường vượt biên tìm tự do từ sau năm 1975.
Những hình ảnh bi thảm này, tuy cũ nhưng vẫn như còn mới nguyên và càng hiện ra rõ hơn mỗi lần thấy người Cộng sản thi đua tô vẽ cho những chiến thắng mà họ gọi là “vẻ vang” hay “hào hùng” của đảng từ Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay.
Đó chính là lý do tại sao, 64 năm sau Cuộc cách mạng ấy vẫn có rất nhiều người Việt Nam muốn “hạ thấp ý nghĩa lịch sử” của nó và muốn quên đi những lời hứa suông và vô giá trị của Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình.
Tại sao ?
Bởi vì nếu người Cộng sản chịu sờ lên gáy xem họ đã làm được gì cho đất nước từ sau ngày chiếm được miền Nam để gọi là “ thu đất nước về một mối”, quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì họ sẽ thất vọng ê chề.
Trước hết hãy nghe Vũ Duy Thông hồ hởi: “Chưa phải là tất cả nhưng chỉ sau 20 năm, nhiều điều cách đây ít năm còn là ước mơ, nay đã thành hiện thực: từ một nước thiếu gạo nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đồng thời đứng trong tốp đầu những nước xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mủ cao su, cá và tôm nước ngọt… của thế giới. Từ một quốc gia phải nhập khẩu 100% dầu mỏ, nay ta đã có dầu thô xuất khẩu và xăng sản xuất trong nước. Từ một quốc gia hầu như trắng về điện nay đã có mặt trong những nước có sản lượng điện lớn. Việt Nam cũng đang trên đường để tự túc được xi măng, phân bón, thép, vải, quần áo may sẵn và nhiều hàng hóa khác. Đời sống của người dân tuy còn khó khăn nhưng đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, bình đẳng xã hội”.
Quả thực là đời sống của đa số người dân có khá hơn trong thời kỳ còn chiến tranh, còn kinh tế bao cấp, còn cảnh xếp hàng mua từng hạt muối, nhưng Vũ Duy Thông và những người làm công tác tuyên truyền đã cố tình quên đi những hình ảnh xấu xa, nhơ nhuốc của không ít cán bộ, đảng viên đang sống mất phẩm chất, tham nhũng, thối nát, hành dân là chính, tự diễn biến, tự chuyển hóa để không còn là “đầy tớ” của dân nữa.
Đó cũng là lý do tại sao không còn ai, ngoại trừ các đảng viên có chức, có quyền vẫn còn muốn tô son, điểm phấn cho Cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày Lễ Độc lập 2-9 để che đi cái hố chia cách giàu-nghèo giữa cán bộ và người dân và giữa thành phố với thôn quê.
Điển hình cho “màn kịch ” này đã xuất hiện trong bài bình luận của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng vào đúng ngày 19-08-2009: “Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám trở thành hành trang, thành động lực thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ trong suốt 30 năm, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược; lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ năm 1954 và Ðại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội . Tinh thần và ý chí quật cường của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ nhân dân ta đạp bằng mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Ðất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ðồng bào ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Uy tín và vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế”.
Rất tiếc là báo Nhân Dân lại quên không nói cho mọi người hay rằng khi đảng cố gắng “đưa cả nước đi lên xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội” thì một bộ phận không nhỏ người dân lại bị nghèo hơn và tụt hậu thêm so với các dân tộc láng giềng.
Vậy đó có phải là bài học quá đắt cho cuộc Cách mạng Tháng Tám, hay vì người Cộng sản đã làm hỏng cuộc cách mạng ấy mà đất nước ngày nay mới ra nông nỗi này ?
Phạm Trần
19/08/2009
No comments:
Post a Comment