11 August 2009

CHÚNG TA HẬN THÙ GÌ NHAU TRÊN DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG?


Cũng như tác động của thiên nhiên, cả những diễn biến lịch sử cũng bào mòn khắc nghiệt vào tư tưởng và tình cảm của những người anh em miền Trung. Phải chăng, miền Trung đã dung nạp và mang giữ trong lòng quá nhiều vấn đề của từng giai đoạn, mà hôm nay, lại hiển hiện, chờ giải quyết từng vấn đề; để trả lại cho đất và người miền Trung những giá trị chân thực của nó?

Thiên Hà


Miền Trung nước Việt, nơi nhà thơ Thu Bồn viết:

“Em đã về chưa mảnh đất hẹp vô cùng

Hẹp như thể một con đường qua lại…”


Câu thơ để nói về dải đất mỏng manh chịu sự xâm thực giữa núi và biển một cách dữ dội, tạo ra những đồi cát, những rặng dương, những vũng vịnh, bãi bồi, bến lở, hình thành nhiều danh lam thắng cảnh. Suốt một dải từ Nghệ An vào đến Bình Định, trên nhiều vĩ tuyến nhưng diện tích không rộng. Nhiều chất giọng địa phương cùng thơ văn và những làn điệu dân ca bản sắc riêng độc đáo…; làm đa dạng văn hóa tiểu vùng. Người miền Trung hiếu học, quyết lấy chữ để thoát nghèo. Họ có tài, chân chất, cần cù và yêu thương nhau…Đây là mảnh đất lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa vật thể – phi vật thể.

Cũng có người ví miền Trung như tấm lưng đỡ chiếc đòn gánh giữa hai đầu đất nước; oằn chịu nắng gắt, mưa bão, lũ lụt… Và nhất là bao lần mảnh đất này đã gánh chịu máu đổ. Đất này xưa nhà Nguyễn khai phá, xây kinh thành Huế, gặp vương quốc Chămpa. Những trận đánh trên đất liền và thủy chiến từng diễn ra. Khi Pháp vào Việt Nam, bán đảo Sơn Trà là điểm đặt chân đầu tiên. Đến thời Mỹ thay chân Pháp, Đà Nẵng chỉ đứng sau Sài Gòn. Vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước theo Hiệp định Giơnevơ cũng ở Bến Hải. Miền Trung còn là mảnh đất hội tụ nhiều tôn giáo lớn cùng có mặt, giáo lương chung sống đoàn kết qua các thời kỳ. Vấn đề quan trọng là các tôn giáo đều biết gìn giữ bản chất chân thiện, quyết không để các thế lực lợi dụng hay có mưu đồ triệt diệt.

Cũng như tác động của thiên nhiên, cả những diễn biến lịch sử cũng bào mòn khắc nghiệt vào tư tưởng và tình cảm của những người anh em miền Trung. Phải chăng, miền Trung đã dung nạp và mang giữ trong lòng quá nhiều vấn đề của từng giai đoạn, mà hôm nay, lại hiển hiện, chờ giải quyết từng vấn đề; để trả lại cho đất và người miền Trung những giá trị chân thực của nó?

Trên dải đất miền Trung đến tận ngày nay còn ghi nhận biết bao máu oan đã đổ. Đó là cuộc tổng diễn tập Xô Viết – Nghệ Tĩnh tắm máu người dân xứ Nghệ, là đấu tố ở miền Trung xưa kia. Dải đất này còn vật vờ bao oan hồn những người lính của cả hai chế độ đối kháng nhau, cùng thường dân vô tội trên khắp đồng ruộng, rừng núi, sông biển. Dải đất in dấu ray rứt trong câu hát nhạc Trịnh: “Những sớm mai lửa đạn, những máu xương ngập trời…”. Đó là Huế Mậu Thân 1968 với 1.900 người dân bị thương tích và khoảng 5.800 người bị cộng sản hèn hạ thủ tiêu trả thù sau khi thua đau. Đó là Khe Sanh, là Quảng Trị mùa hè đỏ lửa. Những địa danh: Đại lộ kinh hoàng, Chùa Tăng Quang, Bãi Dâu, khu Chợ Thông, khu lăng tẩm, Thiên Hàm, khe Đá Mài…; đến giờ nhiều bậc cao niên nhắc lại, còn sởn gáy. Cuộc chiến nhồi da xáo thịt; đến nỗi sự sống và cái chết cận kề chỉ cách một con đường, một dòng sông, một cây cầu, cách giữa ngày và đêm thôi… là đã thấy máu đổ, chết chóc. Ở những vùng lốm đốm da beo này, thanh niên lớn lên, tất cả vào lính, không lính bên này thì chắc chắn phải lính bên kia. Có nơi bây giờ cày ủi xây dựng công trình, còn phát hiện những mồ chôn tập thể. Trên đất liền là thế, ngoài biển, máu những người lính cả hai chế độ cũng đã đổ xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa. Những người anh em miền Trung chúng ta, đều máu chảy ruột mềm, có thù hận gì nhau? Nhưng đến nay, cộng sản vẫn phân biệt lý lịch những người sống, khốn nạn thay kể cả những người đã chết; tạo ra bất công, đố kỵ, vô đạo. Đó chính là vết chém, vết trói hằn lên thân thể lành lặn miền Trung. Để làm gì? Để cộng sản có một lực lượng những anh em tiếp tay củng cố địa vị và sự tồn tại của họ. Nói trắng ra, họ tồn tại trên máu xương và nghi kỵ giữa chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là phải hàn gắn lại vết thương đó. Và cần dạy cho con em mình thấy được sự thật ấy để mà hòa hợp, tìm giải pháp cho cuộc sống tốt hơn. Tuổi trẻ, mặc dù xu hướng là tiến lên phía trước tiếp cận hiện đại, nhưng cũng không được phép bỏ qua hay hiểu sai quá khứ. Vì sao khắp các làng xã miền Trung, nhiều nhất trên cả nước, nơi đâu cũng có nghĩa trang liệt sĩ, bia căm thù, bia tưởng niệm; trong khi biết bao cái chết khác do cộng sản gây ra thì không ai thờ cúng, giải oan cho linh hồn họ được siêu thoát? Câu trả lời: vì cộng sản tiếp tục phá vỡ sự cân bằng tâm linh chân chính trong mỗi chúng ta, từ đó mà giết lẫn nhau. Phải để cho lớp trẻ thấy được sự thật quá khứ ấy, rũ bỏ đi những trang sử nhồi nhét “ta – địch” từ mái trường cộng sản lên những tâm hồn trẻ thơ. Chúng ta có thù hận gì nhau?

Trên mảnh đất miền Trung, một thời từng xuất hiện nhiều nhất cả nước về làn sóng vượt biển tị nạn. Không chỉ là gần sát thời điểm “giải phóng miền Nam”, họ bỏ chạy theo lệnh “tùy nghi di tản”, mà còn cả sau khi đất nước thống nhất. Họ chạy đi đâu? Câu trả lời là: chạy trốn cộng sản ngay trên quê hương mình, cả khi đất nước đã hòa bình! Đã thành quy luật: cộng sản đến đâu, người ta kinh tởm và khiếp sợ chạy trốn đến đó. Vì vậy, cộng sản đã thắng. Đã đến lúc chúng ta phải trụ lại tại chỗ trên mảnh đất quê hương mình, vạch trần tội ác cộng sản. Người miền Trung chúng ta rất giàu đức tin, và không bao giờ đùa cợt chuyện tâm linh. Vì thế, càng không phải ngẫu nhiên vô cớ hay phạm thượng mà có một thời người ta giải thích hình ảnh mẹ Thứ (tượng đài mẹ liệt sĩ, cộng sản xây tại Đà Nẵng) chỉ tay ra biển, ý mách bảo cho đàn con nên đi theo hướng đó để tìm đến tự do. Những người vượt biển bán hết mọi thứ, có bao nhiêu vàng bạc đóng cho bọn dân quân cộng sản “bán bãi”, để đi vượt biên. Trong những cuộc bỏ chạy đó, có người may mắn tìm đến được bến bờ mới, có người phải ở trong trại tị nạn, và nhiều người chết chìm xuống biển miền Trung. Người anh em chúng ta nghĩ gì về những cái chết đó? Chúng ta ở lại, có tự cho mình là yêu nước, và có nghĩ những người ra đi là kẻ phản bội đất nước? Chắc chắn, trong chúng ta không hề có suy nghĩ đó. Đó chính là luận điệu của cộng sản nhằm chia rẽ, kích động, khơi dậy ganh ghét và thù hận giữa chúng ta. Đi tìm một cuộc sống theo ý muốn của mỗi người, mà quan trọng là hướng đến chỗ tự do tốt đẹp hơn; làm điều đó, chúng ta có thù hận gì nhau?

Trên dải đất miền Trung hôm nay, lại tái diễn hận thù: người anh em tôn giáo bị đàn áp. Tôn giáo quyết không chịu bị ô danh, không chịu để cộng sản lợi dụng đức tin chân chính mà nhuộm lên đó cái gam màu đỏ đẫm máu của họ. Đó là cha Nguyễn Văn Lý bất khuất nay vẫn bị giam. Trong lúc xét xử tại tòa, cộng sản đã tự vén lên bức màn dân chủ giả dối của mình bằng truyền hình trực tiếp hình ảnh cha bị đè xuống và bịt miệng bởi một công an mặc áo thường dân. Cha Lý đã làm hại gì để chúng ta phải căm thù? Rồi nhiều sự kiện khác. Hôm nay đây, lại thêm những ngày Tam Tòa đổ máu. Trong chuyện này, cộng sản rất xảo quyệt: vu cáo giáo dân phá hủy di tích lịch sử cách mạng ghi dấu tội ác “Mỹ – Ngụy” mà lại không công khai nguyên nhân vì sao nhà thờ bị thả bom, lại xúi một số anh em là công an mặc áo thường dân và người dân nhiễm hận thù tôn giáo, vì lợi ích nhỏ trước mắt, đã đóng vai trong vở kịch: lương – giáo đánh nhau! Chuyện này chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam, chỉ có hôm nay, trong chế độ gần tàn này. Nhất định đó là vở kịch của: TỔNG ĐẠO DIỄN CỘNG SẢN VIỆT NAM. Nhiều người gọi anh em đánh giáo dân là côn đồ, xã hội đen. Tôi thì chắc chắn có một niềm tin khác: không có côn đồ, xã hội đen nào mà tận cùng đáy lòng không còn chút ít lương tâm; vấn đề là nó sẽ thức tỉnh, trỗi dậy khi nào. Tại sao những người anh em miền Trung chúng ta lại thêm một lần nữa giết nhau? Anh em làm việc làm đó có để được phúc đức gì cho con cháu mình không? Triệt diệt đức tin và vun đắp cho con người giàu thêm đức tin, cách nào góp phần hướng đến một xã hội lành mạnh hơn? Anh em bị lừa, tiếp tay cho những kẻ mà nhà thơ Bùi Chí Vinh gần đây đã cảnh báo: “Mãi quốc cầu vinh, tất quả báo nhãn tiền”! Miền Trung – miền đất của bao lần máu đổ, của tinh thần đa tín ngưỡng, của tâm linh đích thực; quyết không để cộng sản lợi dụng, xúi anh em nhồi da xáo thịt, như đã từng trong lịch sử. Bởi vì, chúng ta chẵng thù hận gì nhau!

Trên dải đất miền Trung hôm nay, vẫn những cánh đồng duyên hải mùa khô nứt nẻ, mùa mưa nước ngập trắng. Vẫn những trâu bò gặm những vạt cỏ không lên khỏi mặt đất hay nhai những cọng rơm khô, ăn suốt một đời không no! Quê hương đổi thay của những công trình, nhà hàng sang trọng dành cho tầng lớp có tiền và có quyền. Còn chúng ta? Những người anh em đang sống tại quê hương, ban ngày vùi đầu vì công việc sinh nhai, tối đến không có chỗ nào học hành vui chơi hay mở rộng tầm nhìn nâng cao chất lượng cuộc sống, ngoài chiếc ti vi hay tụ nhau lại bên ly bia chai rượu? Và vẫn những làng chài, bến thuyền, chợ cá…mà mới nhìn qua, ai cũng nghĩ thiên nhiên đã ưu đãi cho biển bạc giàu có. Nhưng biển cũng bạc bẽo biết bao! Ngư trường không phải lúc nào cũng trời yên gió lặng. Người anh em ra khơi đánh cá, thấy nơi chân trời rực lên đám ráng đỏ hình lưỡi mác khác thường, là cuốn lưới chạy thoát thân về bờ, mà vẫn không kịp. Vì vậy, sau mỗi trận bão lũ sóng thần, miền Trung thêm đau thương vì không ít gia đình lâm vào cảnh mẹ góa con côi, trên bàn thờ có thêm vài di ảnh… Miền Trung bây giờ nhiều người bỏ ra đi, đến những đường phố khác nhau ở các trung tâm tỉnh lỵ phía Nam, hai mùa mưa nắng thổi đỏ bếp lửa nồi nước lèo trên chiếc xe đẩy bán hủ tiếu gõ, giữ cho cả gia đình vá víu nhau tồn tại. Có những gia đình kéo theo những em bé nghỉ học đi bán vé số. Những bạn trẻ vừa đi học vừa làm đủ nghề tự trang trải. Những anh thợ xây, những công nhân các khu công nghiệp…Chúng ta, cùng những anh em còn ở lại quê, hay cả những anh em đang định cư sinh sống ở nước ngoài… Chúng ta chẵng có gì để thù hận nhau, phải không?

Trên mảnh đất miền Trung hôm nay nhìn ra biển, cùng với sợ sóng gió, còn hiển hiện rõ một nỗi sợ mới: Hoàng Sa mất, phần lớn Trường Sa mất. 80% ngư trường cả nước so với Biển Đông, giờ thu hẹp lại chỉ còn trên dưới 30%. Ngư dân liều ra khơi thì bị tàu lạ đâm chìm, mất của, chết, bị thương, hay bị bắt đòi tiền chuộc. Gần đây nhất là tàu của 13 ngư dân Quảng Ngãi trên đường tránh bão, cũng bị bắt. Những cụ già miền Trung kể: ngày xưa các cụ đi ghe bầu, có khi ghe bị chết máy hay gặp bão, gặp tàu của Pháp đi tuần tra, họ còn dắt hộ vào bờ. Hay khi sóng gió lớn, khoa học thì giải thích cá voi nổi lên mặt nước cập trú vào mạn tàu, còn các cụ thì cho rằng đó là cá ông hiện lên dìu tàu qua khỏi phút sinh tử. Người Pháp còn làm thế, cá ông còn phù hộ ngư dân thế; đến Trung Quốc thì bắt giam cả tàu đi tránh bão! Các cụ kết luận: con người mà khi đã thủ ác rồi thì còn ác hơn cả con thú ác nhất! Những người anh em miền Trung có thể nào tin vào hữu hảo Trung – Việt theo đường lối ngoại giao của cộng sản trên đất nước chúng ta? Hãy nhớ lại Trung Quốc từng hành xử ở Thiên An Môn, rồi Tân Cương gần đây, sẽ nghiệm ra rằng: công cụ chuyên chính trong tay họ là cỗ máy ăn thịt người không bao giờ biết no, chẵng bao giờ thấy rợn! Đó là người dân ở nước họ, họ mà không dám làm điều đó với người Việt? Và chính cộng sản trên đất nước chúng ta đã bắt đầu ứng dụng cách làm đó qua vụ Tam Tòa. Cho nên, mỗi lần như thế, người phát ngôn Bộ ngoại giao của cộng sản chỉ lên tiếng đòi thả ngay ngư dân; ngư trường và hải đảo bị mất thì lặng câm. Tham luận tâm đắc “nỗi niềm biển” của nhà văn Nguyên Ngọc tại hội thảo khoa học cũng chỉ là trang giấy bị cộng sản xếp vào ngăn kéo. Nay Đà Nẵng còn bổ nhiệm một ông chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa! Chúng ta giờ mới nhận ra một sự thật: ông Phạm văn Đồng đã ký một công hàm năm 1958, mà nay chính con cháu trên quê hương ông phải trả giá. Chúng ta có nên thù hận ông Đồng hay gia tộc ông ta không? Câu trả lời là: không! Chúng ta không hành xử như vậy để đáp lại cách cộng sản “ném đá giấu tay”. Hãy để cho lịch sử phán xét…Những người anh em gần xa có nghe mỗi đêm về, vang vọng sóng biển miền Trung vào tận trong giấc ngủ? Tiếng sóng nhắc lại những câu thơ của Vichto Hugo cách đây cả thế kỷ. Những câu thơ nay như như tươi rói lại cùng máu xương miền Trung đổ xuống biển, gợi bao suy tư chia sẻ:


“Ôi đâu hết những người thủy thủ

Chìm trong đêm bi thảm đời người

Kinh hoàng bao lòng mẹ - biển ơi!

Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ

Là tiếng người tuyệt vọng kêu la

Mỗi đêm về lại đến cùng ta!”


Trên mảnh đất miền Trung hôm nay: nhìn lên mái nhà cao nguyên, ở đầu này là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn quy tập biết bao người con cả nước ra đi không rõ vì ai, để làm gì; chỉ thấy để hằn lên đó phân biệt, hận thù. Ở đầu cuối mái nhà ấy, thấy công nhân Trung Quốc đào bới bôxit. Nhìn ra phía đầu sóng ngọn gió, thấy Hoàng Sa và Trường Sa như hai giọt lệ nhỏ ra trên gương mặt biển quê hương. Những người anh em còn biết đi đâu về đâu? Chúng ta biết làm gì? Trước hết, miền Trung phải được ghi nhận và trả lại những giá trị lịch sử chân thực của nó. Con người miền Trung phải được khơi dậy tinh thần bất khuất qua các thời kỳ, cùng nắm tay nhau giữ gìn đất liền và biển đảo thiêng liêng mà cha ông đã bao lần đổ máu.

Bởi vì: các thế hệ cao niên, anh, tôi, và các em; những người còn sống hay đã chết; lương hay giáo; chúng ta chẵng thù hận gì nhau!

Thiên Hà


No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers