Ngày nay ý thức về nhân phẩm và nhân quyền đã được phổ biến rộng rãi cùng khắp mọi nơi trên tòan cầu. Và quần chúng nhân dân đang mạnh dạn muôn người như một, quyết tâm đứng lên thực hiện quyền tự chủ của mình thông qua hàng vạn, hàng triệu những tổ chức độc lập, phi-chánh phủ, bất vụ lợi nhằm giải quyết các nhu cầu chính đáng và thiết thực của chính mình. Họ không còn để cho người cộng sản nắm giữ mãi cái “độc quyền yêu nước để mà tự tung tự tác” như xưa nay được nữa. Bởi thế mà chúng ta có quyền lạc quan cho tương lai tươi sáng của nhân lọai, cũng như cho dân tộc Việt nam yêu quý của mình vậy. Đòan Thanh Liêm (What’s left of the Communist Movement?) |
Sự sụp đổ bức tường Bá linh vào năm 1989, và sự giải thể của Liên bang Xô viết vào năm 1991 liền sau đó, đã đánh dấu một bước ngoặt rõ rệt của lịch sử thế giới vào cuối thế kỷ XX. Sau 20 năm tức là khỏang cách của một thế hệ, chúng ta đã có đủ thời gian để quan sát và lượng định về sự chuyển biến của cục diện thế giới trong thời đại “hậu cộng sản” vào đầu thế kỷ XXI hiện nay.
1/ Trước hết, là không còn một cơ cấu tổ chức nào mà có thể được gọi là “Phong trào Quốc tế Cộng sản” (World Communist Movement) do Liên Xô lãnh đạo như hồi thập niên 1960-70 nữa. Và do đó cũng không còn có một khối cộng sản để đối địch với khối tư bản; mà cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ, phát sinh từ ngay sau lúc chiến tranh thứ hai chấm dứt cũng tự động mà tiêu tan luôn. Hậu quả là hiện nay, thế giới chúng ta không còn phải lo sợ về một cuộc chiến tranh tòan cầu do sự tranh chấp giữa 2 siêu cường Liên Xô và Mỹ, giống như trường hợp đối đầu nảy lửa gay cấn giữa 2 lãnh tụ Kruschev và Kennedy trong cuộc khủng hỏang Cuba hồi năm 1962 nữa.
Mà cũng chẳng còn một chủ thuyết bao gồm tòan diện các tín điều như tổ chức “Đệ tam quốc tế” (Comintern) vẫn truyền bá hồi thập niên 1930-40 nữa rồi. Trên thế giới ngày nay, chẳng còn một lãnh tụ đảng cộng sản nào mà còn dương dương xưng tụng “ lý thuyết về ba dòng thác cách mạng” như ông Lê Duẫn đã từng dõng dạc tuyên bố tại Việt nam sau hồi tiến chiếm được miền Nam năm 1975. Ý cuả nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam muốn nói là : Lực lượng cách mạng đã toàn thắng ở trong khối xã hội chủ nghiã, tại các nước trong thế giới thứ ba, và đang dâng lên cả trong nội bộ các nước tư bản nưã. Vì thế mà họ mới trưng ra khắp nơi các khẩu hiệu đến là nực cười như : “Chủ nghiã Marx – Lénine bách chiến bách thắng”, “Chủ nghiã xã hội là đỉnh cao của trí tuệ loài người” v.v...
Việc thêm cái mục “Tư tưởng Mao Trạch Đông” hay “Tư tưởng Hồ Chí Minh” gắn liền vào với chủ thuyết kinh điển Marx-Lénine, thì lại càng làm mờ nhạt thêm cái căn bản lý thuyết mà vốn là rường cột của phe xã hội chủ nghĩa cho đến ngay thập niên 1980 gần đây mà thôi.
2/Không còn bóng dáng nào của chủ nghĩa cộng sản trên tòan thể các quốc gia thuộc Âu châu ngày nay nữa, kể cả tại các quốc gia vốn xưa kia nằm trong Liên bang Xô viết.
Điều này rất đáng chú ý, bởi lẽ chủ thuyết Marx-Engels cũng như cuộc cách mạng Bolshevik đều được phát sinh ra tại Âu châu, và cho đến giữa thập niên 1980, thì có đến một nửa Âu châu vẫn còn nằm trong khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Ta sẽ phân tích chi tiết tình hình này ở Âu châu hiện nay như sau đây :
A/ Tại Tây Âu : Trước đây vào thập niên 1950 – 60, các đảng cộng sản ở Pháp và Italia rất là hùng hậu mạnh mẽ, có lúc thu được đến trên 30% phiếu bầu cuả cử tri toàn quốc, khiến cho họ đã nhiều lần khuynh loát được chính quyền tại các nước này. Ấy thế mà hiện nay, các đảng này đã tuột dốc thê thảm, hầu như chỉ còn là một cái bóng mờ nhạt trong đời sống chính trị quốc gia. Mặc dầu họ đã công khai từ bỏ lập trường “tranh đấu giai cấp” và xoá bỏ chủ trương “vô sản chuyên chính, baọ lực cách mạng”, thì các đảng cộng sản này cũng vẫn chẳng còn thu hút được sự ủng hộ cuả quần chúng như trước đây nưã. Còn tại các nước khác như Anh quốc, Bỉ, Hoà lan, v.v..., thì các đảng cộng sản tuy vẫn tồn tại, nhưng hầu như không còn khả năng lôi cuốn được mấy ai mà còn phấn khởi tin tưởng hay tham gia sinh hoạt với đường lối “cách mạng vô sản” nưã.
Nhân tiện cũng xin ghi chú thêm là : Vào hồi thập niên 1970 trở đi, các đảng cộng sản tại Tây Âu, đặc biệt tại Italia và Tây ban nha đã có một đường lối khá cởi mở, thông thóang được mệnh danh là “cộng sản Âu châu (Euro – communism). Đường lối này cũng tương tự như chủ trương của giới lãnh đạo cộng sản Tiệp khắc trong vụ “Mùa xuân Praha năm 1968” với khẩu hiệu “Xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân bản” (socialism with human face). Các nhà nghiên cứu gần đây đã đánh giá rằng chủ trương nhân bản thông thóang này đã có sức thuyết phục trong nội bộ giới lãnh đạo Xô Viết và nhờ đó mà Liên Xô đã không ra tay can thiệp vào phong trào đòi tự do dân chủ ở Đông Âu, khiến đưa đến sự sụp đổ của cộng sản ở vùng này, và rồi kéo theo cả sự tan vỡ tòan bộ của hệ thống Xô viết. Như vậy, ta cũng nên ghi điểm son cho công trạng của Euro-communism trong việc gián tiếp góp phần vào việc xóa bỏ cộng sản ở Đông Âu và làm tan rã đế quốc Liên Xô.
B/ Tại Đông Âu : Kể từ cuối năm 1989, các nước Đông Âu đều đã rũ bỏ hoàn toàn chế độ cộng sản và tiến hành được công cuộc chuyển hoá dân chủ (democratic transition) một cách thật êm thắm ngoạn mục. Tất cả các nước này đều đã thiết lập được một chế độ chính trị đa nguyên đa đảng, xây dựng được một nền kinh tế thị trường rất thành công vững mạnh. Và đặc biệt đã hội nhập được với Cộng đồng Âu châu, cũng như gia nhập được với khối liên minh phòng thủ Nato. Nhờ vậy mà các nước cưụ cộng sản này đã bắt kịp được với trào lưu tiến bộ về mọi mặt cuả các quốc gia dân chủ ở Tây Âu. Khu vực xã hội dân sự gồm hàng ngàn, hàng vạn các tổ chức phi chánh phủ, bất vụ lợi, cùng với các tổ chức văn hoá-giáo dục-xã hội xuất phát từ các tôn giáo đã được phục hồi một cách vững chắc, khiến tạo được tiền đề cho một “nền dân chủ tham gia” cuả quảng đại quần chúng khắp nơi (a participatory democracy). Đây rõ rệt là một quá trình dân chủ hoá đích thực và dứt khoát không thể nào đảo ngược lại, để trở về với thể chế độc tài toàn trị cộng sản như trước đây được nưã (an irreversible process).
Ta có thể đánh giá ngắn gọn được rằng cái tiến trình dân chủ hóa này đã thành công xuất sắc tại Tiệp khắc, Hungary, Balan và đặc biệt là tại nước Đức nữa. Bởi lẽ Tây Đức đã hết lòng cưu mang đón nhận người anh em từ bên phía Đông về hiệp nhất với mình. Và sự kiện vị Thủ tướng hiện nay là Bà Angela Merkel vốn xuất thân từ bên Đông Đức là một biểu hiện tuyệt vời của sự thống nhất nước Đức trong tinh thần hiếu hòa và tự do dân chủ vốn đã ăn rễ lâu đời trong truyền thống văn hóa của Âu châu.
C/ Tại chính nước Nga và các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ, thì cũng lại không hề có dấu hiệu nào là chế độ cộng sản còn có thể “tái xuất hiện”.
Hiện tình chính trị xã hội trong khu vực này, mà xưa kia người cộng sản khắp nơi trên thế giới vẫn coi như “thành trì cuả chủ nghiã xã hội”, lại càng đáng cho chúng ta chăm chú theo dõi quan sát chi tiết rành mạch hơn. Như ta đã biết kể từ năm 1991, Liên Xô đã bị chia thành 15 nước cộng hoà riêng biệt, trong đó nước Nga là môt nước lớn nhất và là đại diện kế thưà cuả Liên bang Xô viết đã được chính thức khai tử vào ngày 25 tháng 12 năm 1991. Kể từ ngày đó nước Nga đã phải rất vất vả khó nhọc với sự “thanh toán di sản” cuả Liên bang đối với 14 nước cộng hoà kia. Chỉ riêng với số 25 triệu người thuộc sắc tộc Nga mà lại còn sinh sống phân tán ở các nước cộng hoà biệt lập đó, thì đã là một việc phức tạp làm điên đầu cho giới lãnh đạo cuả nước đàn anh này rồi. Và những cuộc căng thẳng xung đột liên tục có khi biến thành chiến tranh đẫm máu như ở Chechnya hồi năm 1994-95, hay mới đây tại Georgia đã và con đang làm cho nước Nga phải liên miên đối phó với những hậu quả rất ư nặng nề cuả cái quá khứ do “đế quốc đỏ” để lại cho mình rồi. Mặc dầu đảng cộng sản vẫn tồn tại ở nước Nga, nhưng mới đây trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế tài chánh vào năm 2008, thì đảng này cũng không hề dám động tĩnh gì để khai thác “thời cơ bất ổn” này, nhằm lật lại thế cờ hầu đưa đảng cộng sản trở lại nắm chánh quyền như trước kia được nưã.
Trường hợp của Liên bang Nam Tư được tách ra thành 6 nước riêng biệt, thì cũng tương tự như của Liên Xô, tức là sự “tranh chấp về chủng tộc” mới là đặc tính chính yếu của các quốc gia, chứ không phải là cuộc “tranh đấu giai cấp” như trong kinh điển của chủ nghĩa Marxist (ethnic conflict, chứ không phải là class struggle). Lại nữa, riêng tại nước Nga hiện nay thì đã có đến cả nửa triệu các tổ chức phi chánh phủ (NGO) mới được thành lập, với khả năng đáp ứng kịp thời đối với nhu cầu thực tiễn thường ngày của người dân; đó là một thay thế rất hiệu quả cho chánh sách an sinh xã hội mà trước đây chánh quyền cộng sản vẫn tự hào cho đó là một điểm son của chế độ.
Kết cục là mặc dầu bản thân người lãnh đạo nước Nga là Vladimir Putin vốn xuất thân từ lò mật vụ KGB, thì ông ta cũng đã chẳng thể tiến hành việc tái lập chế độ cộng sản được, dù ông có lề lối cai trị với bàn tay sắt của một nhà độc tài chuyên chế như nhiều người vẫn phê phán về ông.
Còn về phần 14 quốc gia khác mà được tách ra từ Liên Xô, thì mối ưu tư về việc củng cố chủ quyền quốc gia cho mỗi nước của mình lại mới chính là yếu tố nòng cốt để xây dựng và phát triển sự thịnh vượng của đất nước. Và sự xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản tại các quốc gia này rõ rệt là một sự kiện lịch sử dứt khóat, mà điển hình nhất là tại 3 nước cộng hòa vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuana.
Đó là tình hình hiện nay tại khu vực được coi như là quê hương của cuộc Cách mạng Tháng Mười do người cộng sản Bolshevik khởi xướng thành công từ năm 1917 dưới sự lãnh đạo của Lénine.
3/ Chỉ còn lại có 5 quốc gia sau đây là do đảng cộng sản giữ độc quyền lãnh đạo. Đó là 4 nước ớ Á châu, gồm có Trung quốc, Việt nam, Bắc Triều tiên và Lào quốc. Và một nước khác ở Châu Mỹ La tinh, đó là Cuba.
Nói chung thì tuy do đảng cộng sản còn nắm giữ quyền bính, nhưng tuỳ theo mỗi nước mà chế độ cộng sản cũng đã “đổi màu” nhiều rồi, không còn tính cách sắt máu khắc nghiệt như cách nay vài ba chục năm nưã. Họ theo đúng khẩu hiệu “Đổi mới hay là Chết” để mà thích nghi với tình trạng biến chuyển cuả thời đại, hầu có thể duy trì được sự tồn tại cuả mình.
Ta sẽ lần lượt xét đến trường hợp riêng biệt cuả từng nước một trong số 5 quốc gia này.
A/ Trước hết là Bắc Triều Tiên, được coi là một nước cộng sản quá khích, hung hãn, độc ác và tàn bạo nhất trên thế giới ngày nay.Tính chất phong kiến hủ lậu còn rất nặng nề do việc “cha truyền, con nối”, bắt đầu từ Kim Nhật Thành trao cho con là Kim Chính Nhất nắm giữ quyền lãnh đạo tại xứ sở này. Và bây giờ Kim Chính Nhất lại đang chuẩn bị “truyền ngôi” cho một người con của mình; như vậy là sắp bắt đầu đến thế hệ thứ ba của dòng họ Kim tiếp nối giũ quyền thống trị tại một nước vần được coi là giữ vững truyền thống cách mạng cộng sản.
Với chế độ sắt máu, khắc nghiệt, nền kinh tế lẹt đẹt không sao phát triển được, khiến cho dân chúng đói khổ cùng cực, đến nỗi phải liều mình vượt biên giới để thóat qua Trung quốc tìm cách kiếm ăn. Một số rất ít có may mắn đào thóat qua được với bà con ở phía Nam Triều Tiên, để mà làm lại cuổc đời hầu có được một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người. Dân thì đói khổ lầm than như vậy, mà giới lãnh đạo ở xứ này vẫn cứ ngoan cố phung phí ngân sách, tài sản quốc gia vào công việc chế tạo võ khí rất đắt tiền, cụ thể là kho võ khí hạch tâm để hù dọa, làm yêu sách đối với Mỹ, Nhật, Đại Hàn… nhằm tống tiền, đòi viện trợ thực phẩm, nhiên liệu vật liệu đủ mọi thứ. Cái tác phong “ăn vạ kiểu Chí Phèo “ này đã khiến cho công luận thế giới liệt kê Bắc Triều Tiên vào hàng ngũ mấy “quốc gia côn đồ” (rogue state).
Nhưng mà về lâu về dài, cứ cái đà kinh tế tụt hậu bết bát như hiện nay, thì Bắc Triều Tiên không thể làm sao cạnh tranh được với sự phồn thịnh rất vững chắc của Nam Triều Tiên với dân số đông đảo gấp quá 2 lần, mà lợi tức tính theo đầu người thì lại gấp mấy chục lần. Tình trạng này cũng y hệt như giữa Đông Đức và Tây Đức cách nay mấy chục năm, trước khi bức tường Bá linh sụp đổ.
B/ Trường hợp của Lào quốc, một nước cộng sản hiền lành nhất.Là một nước nhỏ với dân số có chừng 8 triệu, Lào bị Việt nam khống chế và cũng được Trung quốc chèo kéo, o bế. Tuy vậy chế độ cộng sản ở đây được coi là bớt khắc nghiệt nhất, trái hẳn với ở Bắc Triều Tiên. Người dân Lào vẫn còn giữ được lề lối bình thản, hiền hậu theo ảnh hưởng sâu đậm cuả Phật giáo.Sự gần gũi về văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo với dân tộc láng giềng Thái lan về phiá Tây về lâu dài có khả năng làm quân bình với ảnh hưởng cuả Việt nam và Trung quốc ở phiá Đông và Bắc. Và cái quá khứ nặng nề từ cuộc chiến tranh Đông Dương 1945 - 75 cũng lần hồi bị vượt qua trong viễn tượng nước Lào mỗi ngày thêm tiến triển với công cuộc hội nhập với cộng đồng điạ phương Đông Nam Á vậy.
C/ Trường hợp cuả nước khổng lồ Trung hoa với dân số 1,300 triệu đang trỗi dậy thành một siêu cường, nhờ sự thành công thần kỳ về kinh tế thương mại trong 30 năm qua, khiến cả thế giới phải chú tâm theo dõi. Rõ ràng là tính thực dụng truyền thống cuả dân tộc Đại Hán đã giúp họ thoát ra khỏi cơn mê loạn cuả cuộc cách mạng văn hoá cuả lãnh tụ Mao Trạch Đông ở vào tuổi cuối đời cuả ông hồi cuối thập niên 1960.Người kế vị Đặng Tiểu Bình đã phát biểu thật rõ ràng trong câu nói lịch sử : “ Mèo trắng hay đen thế nào cũng được, miễn là nó bắt được chuột”. Tức là ý ông muốn nói : Không cần câu nệ vào giáo điều cộng sản, mà điều quan trọng là làm sao phát triển kinh tế để đem lại sự ấm no cho dân tộc và sự cường thịnh cuả xứ sở. Và chỉ trong vài chục năm, với chính sách “mở cưả ra với bên ngoài, đặc biệt là với khối Âu Mỹ, Trung hoa đã gặt hái được những thành tựu xuất sắc vượt bậc nhờ ở sư thu hút được kỹ thuật tiến bộ và vốn liếng đầu tư khổng lồ từ khối đông đảo người Hoa kiều hải ngoại, cũng như cuả Nhật, Đại hàn, Mỹ và cả Tây Âu, đặc biệt là cuả Đài loan.
Cái sự thành công vĩ đại này đã củng cố cho điạ vị cuả giới lãnh đạo cộng sản ở Bắc kinh, nhưng mặt khác nó cũng làm nhẹ bớt đi tính chất khắc nghiệt tàn bạo cuả nạn giáo điều cuồng tín cố hưũ mà điển hình là cuả thời kỳ Mao Trạch Đông lãnh đạo. Dù vẫn còn bảo thủ với lối cai trị độc tài chuyên chế với sự bóp nghẹt tự do dân chủ, mà cụ thể là sự tàn sát Thiên An Môn năm 1989 và nhất là sự đàn áp môn phái Pháp Luân Công gần đây, cũng như sự mạnh tay kềm kẹp tại Tây Tạng, Tân Cương; thì đảng cộng sản vẫn chẳng ngăn cản được sự phát triển khu vực xã hội dân sự, đặc biệt là trong các đô thị đông đúc và thịnh vượng ở Trung hoa hiện nay. Và ngay cả trong hàng ngũ cán bộ đảng viên cộng sản, họ đã thâu nhận cả giới doanh nhân tư sản như là một thành phần quan trọng cần thiết cho sự xây dụng và phát triển quốc gia. Đường lối thực dụng trong công cuộc canh tân đổi mới này đã ảnh hưởng cả đến các đảng cộng sản đàn em, mà điển hình là cộng sản Việt nam mà ta sẽ phân tích trong mục tiếp liền theo đây.
D/ Kể từ khi Liên Xô tan vỡ, đảng cộng sản Việt nam phải quay về bám viú vào đàn anh Trung quốc, mà chỉ mới một thập niên trước đó họ đã tố cáo là một kẻ thù phương bắc với mộng “bá quyền nước lớn”, nhất là sau trận chiến tranh biên giới đầu năm 1979 mà Trung quốc gọi là “phải dậy cho Việt nam một bài học”. Giới lãnh đảo cộng sản Việt nam đã phải cay đắng nuốt nhục để xin làm hoà với đàn anh Trung quốc, mà hậu quả tai hại nhất là phải “dâng đất dâng biển cho Bắc kinh”. Việc này hiện đang là mối nguy cơ trầm trọng cho sự tồn vong cuả đất nước, khiến cho dân chúng càng thêm bất mãn với giới lãnh đạo già nua, hủ lậu và ngoan cố ở Hanoi.Rõ ràng là đảng cộng sản đã chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng tư cuả chính mình, chứ không phải là chăm sóc cho quyền lợi chính đáng cuả đất nước, cuả toàn thể dân tộc.
Nhưng mặt khác, sự đổi mới về kinh tế do chủ trương mở cưả ra với bên ngoài theo gương cuả Trung quốc thì đã đem lại cho Việt nam một sự thành công đáng kể khả dĩ có thể cứu vãn phần nào cho vị thế lãnh đạo cuả đảng cộng sản để vẫn giữ được quyền bính trong tay. Mặc dầu Hanoi vẫn tìm cách bưng bít thông tin, xiết chặt sự hoạt động cuả các tổ chức tôn giáo, cấm đoán các tổ chức chính trị văn hoá độc lập v.v..., thì họ cũng vẫn phải nhượng bộ để cho xã hội dân sự bắt đầu phát triển trong một số lãnh vực. Do vậy mà tính chất độc tôn, độc quyền cuả đảng cộng sản cũng bớt đi được sự cực đoan cứng rắn trước đây, khi họ mới tiến chiếm được miền Nam và chủ trương “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghiã”! Sự tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền cuả các thành phần trẻ ở trong nước trong những năm gần đây, mặc dầu bị đàn áp nặng nề, thì vẫn được tiếp diễn và được sự hưởng ứng mạnh mẽ cuả quần chúng, kể cả trong giới tôn giáo. Đó là một viễn tượng lạc quan cho tiến trình dân chủ hoá tại Việt nam ngày nay vậy.
E/ Trường hợp cuả Cuba và Châu Mỹ La tinh.
Chế độ cộng sản ở Cuba đã tồn tại được 50 năm. Và mặc dầu bị cắt hết nguồn viện trợ kể từ khi Liên Xô tan rã, Cuba vẫn còn đứng vững được với sự khâm phục và cổ võ cuả một số quần chúng tại châu Mỹ La tinh như là biểu tượng cuả anh chàng “ David tý hon” mà dám ra tay đối đầu thách thức với “anh khổng lồ Goliath là nước Mỹ” vốn xưa nay ít được thiện cảm cuả những nước nhỏ ở phiá Nam bán cầu.
Về kinh tế, Cuba cũng bị trì trệ như các nước cộng sản trước đây và lại không chịu đổi mới như Trung quốc, Việt nam. Phần lớn số ngọai tệ có được là do của các kiều bào từ hải ngọai gửi về cho thân nhân, hoặc do khách du lịch, chứ phần thu nhập nhờ xuất cảng cũng không được bao nhiêu. Nhưng Cuba có ưu điểm là duy trì được hệ thống chăm sóc y tế đại chúng tương đối khá vững chắc và hiệu quả. Nền giáo dục phổ thông cũng được chú trọng, mặc dầu ngân sách quốc gia cũng chẳng được dồi dào bởi lẽ năng suất kinh tế quá yếu kém. Mặt khác Cuba vẫn còn được một số chính quyền thiên tả và chống Mỹ như Venezuela chi viện giúp đỡ, để có thể còn giữ vững được cái biểu tượng là “anh hùng chống Mỹ” tại khu vực châu Mỹ La tinh. Nhưng nói chung, thì cái lý tưởng Marxist cực đoan đã bắt đầu suy yếu đi nhiều, chứ không còn hung hãn như hồi 30-40 năm trước nữa.
Còn tại khu vực tòan thê Châu Mỹ La tinh, thì sau khi chế độ thiên tả của Salvador Allende tại Chili bị thất bại năm 1973 và chế độ Sandinista thiên cộng sản ở Nicaragua sụp đổ vào đầu thập niên 1980, không còn một nước nào lại có khả năng biến thành một thứ “Cuba thứ hai” nữa. Cho nên công trình “xuất cảng cách mạng” do Fidel Castro và Che Guevara khởi xướng từ thập niên 1960 đã không thể nào thành công được tại khu vực Nam bán cầu, cũng như tại Phi châu như Angola, Mozambique, Ethiopia v.v…
4/ Để tóm lược lại, ta có thể ghi lại mấy nét chính yếu như sau :
- Thứ nhất : Thọat đầu số đông quần chúng đi theo cộng sản, đó là vì lý tưởng công bằng xã hội, chống đối việc giới chủ nhân khai thác bóc lột người lao động. Họ cũng tham gia công cuộc tranh đấu do người cộng sản tổ chức lãnh đạo nhằm chống thực dân đế quốc, bài trừ phong kiến địa chủ. Đó là giai đọan “cách mạng dân tộc dân chủ”. Nhưng đến khi thành công, nắm được chính quyền trong tay rồi, thì đảng cộng sản phát động giai đọan cách mạng sắt máu, dùng bạo lục để xây dựng nền “chuyên chính vô sản”, “diệt trừ giai cấp tư sản”, “thực hiện kinh tế chỉ huy để nắm giữ độc quyền về kinh tế”, “tiêu diệt tôn giáo”, “lọai trừ mọi đảng phái chính trị” v.v…, thì họ đã gây ra bao nhiêu tội ác, làm băng họai mọi tiềm năng của dân tộc, do đó mà đưa đến sự sụp đổ tan rã tòan thể phong trào cộng sản trên thế giới. Rõ rệt là “bạo phát, bạo tàn”, như cổ nhân vẫn thường nói.
- Cái vốn liếng uy tín mà giới lãnh đạo cách mạng tiên khởi tich lũy được trong giai đọan chống thực dân đế quốc, thì sau mấy chục năm độc tài tàn bạo sắt máu, đã bị tiêu tan lãng phí đến độ cạn kiệt hết tất cả rồi. Và càng về sau, thế hệ những người lãnh đạo cộng sản kế tiếp đã không thể nào lôi cuốn quảng đại quần chúng nô nức phấn khởi tham gia ủng hộ họ như trước đây được nữa. Vì thế mà bây giờ họ phải tìm cách “sửa sai, đổi mới” nhằm thích nghi được với hòan cảnh đã thay đổi tòan diện hiện nay. Mà đó thực chất cũng chỉ là những trò vá víu tạm bợ để kéo dài thời gian cho chế độ độc tài tòan trị mà thôi. Bởi vậy cho nên chúng ta có thể xác tín rằng “quá trình dân chủ hóa nhằm xây dựng một chế độ nhân bản và nhân ái là một xu thế tiến bộ tất yếu của thế kỷ XXI, mà không một đảng cộng sản nào có thể làm cản trở ngăn chặn được nữa “.
- Ngày nay ý thức về nhân phẩm và nhân quyền đã được phổ biến rộng rãi cùng khắp mọi nơi trên tòan cầu. Và quần chúng nhân dân đang mạnh dạn muôn người như một, quyết tâm đứng lên thực hiện quyền tự chủ của mình thông qua hàng vạn, hàng triệu những tổ chức độc lập, phi-chánh phủ, bất vụ lợi nhằm giải quyết các nhu cầu chính đáng và thiết thực của chính mình. Họ không còn để cho người cộng sản nắm giữ mãi cái “độc quyền yêu nước để mà tự tung tự tác” như xưa nay được nữa. Bởi thế mà chúng ta có quyền lạc quan cho tương lai tươi sáng của nhân lọai, cũng như cho dân tộc Việt nam yêu quý của mình vậy.
Đòan Thanh Liêm
California, Tháng Mười Một 2009
Tham khảo :
1/ The Rise and the Fall of Communism, by Archie Brown, 2009
2/ A Short History of the XXth Century, by Geoffrey Blainey, 2005-06
3/ A History of Modern Russia, by Robert Service, 1997-2003