18 November 2009

Tổng Thống Obama Á Du


Nói tới Việt Nam và hồ sơ nhân quyền, thì đây là đề tài trước đây vẫn được Mỹ nhắc nhở khối ASEAN vì nạn độc tài tại Việt Nam và Miến Điện. Bây giờ, tình hình đã khác. Vì áp lực của các doanh nghiệp năng lượng, Hoa Kỳ đang cải thiện quan hệ với chính quyền quân phiệt Miến nhưng thổi vào hồ sơ hắc ám này làn khói hồng - là để ngăn chặn Trung Quốc. Rất khó tin.

Nguyễn Xuân Nghĩa



Chuyến Á du của Tổng thống Mỹ...

Trước khi Tổng thống Barack Obama công du châu Á, ban tham mưu của ông mau mắn bắn tin cho truyền thông cả tin và trung thành. Rằng ông là vị tổng thống hiếm hoi của Mỹ đã từng sống tại Á châu khi ông theo mẹ qua ở Nam Dương trong mấy năm niên thiếu. Vẫn lại trò tuyên truyền của chính khách, miễn là mình đừng vội tin mà đổ thóc giống ra mà ăn! Các nước Á châu có hiểu như vậy.

Theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ, đảng Dân Chủ thường chú ý tới Âu châu hơn Á châu, là khu vực quan tâm đặc biệt của đảng Cộng Hoà. Với thành tích đã sống tại Nam Dương từ năm lên sáu tới lên 10 cùng cha dượng là du học sinh, rồi lại về Hawaii - "tiểu bang châu Á nhất", sống thêm tám năm cho đến khi hoàn tất trung học, Obama có thể muốn cho ta nghĩ rằng ông quan tâm đến châu Á hơn mọi vị tiền nhiệm. Cũng lại là ấn tượng hơn thực chất.

Tại Hawaii, cậu bé chịu ảnh hưởng của một nhà thơ da đen, đảng viên Cộng sản, là Frank Marshall Davis, mà khi trưởng thành và viết trong cuốn Hồi ký "Dreams of my Fathers", Obama nồng nhiệt ca tụng nhưng chỉ dám nhắc đến tên mà lờ luôn cái họ vì sợ bị khui ra. Thôi thì cứ cho rằng đó là sự khờ dại của tuổi ấu thơ đi! Nhưng khi tranh cử năm ngoái, khu vực quốc tế duy nhất Obama đặt chân tới là Âu châu. Sau khi đắc cử, ông cũng thăm viếng Âu châu trước tiên. Sau đó là Trung Đông, Phi châu, Mỹ châu La tinh. Cuối cùng mới là châu Á.

Phải nhắc lại như vậy về bối cảnh để ta bình tĩnh nhìn vào một tuần Á du của Tổng thống Mỹ thay vì lại hồ hởi sảng như ban tham mưu và truyền thông Obamê mong muốn.
Rời thủ đô Mỹ mờ sáng Thứ Năm 12, lên Alaska để bay qua Bắc cực hạ cánh xuống Nhật, Tổng thống Obama sẽ lần lượt thăm viếng Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc rồi Nam Hàn, trước khi trở về ngày 19. Tại Singapore, ông sẽ dự Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) để gặp 20 nguyên thủ của tổ chức này, và cũng có thể gặp lãnh đạo 10 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Nhìn lịch trình như vậy, ta thấy trọng tâm của Tổng thống Mỹ trong chuyến Á du là khu vực Đông Á, từ Đông-Bắc Á xuống Đông-Nam Á. Bên lề Thượng đỉnh APEC có thể là tiếp xúc song phương với lãnh tụ của các nước khác, từ Liên bang Nga, Ấn Độ, Úc tới các nước Nam Mỹ ven bờ Thái bình dương của Tây bán cầu. Trong một tuần chạy đua việt dã - marathon, hay cross country - như vậy, các cuộc tiếp xúc không thể giải quyết mọi vấn đề, và dư luận sẽ chú ý hơn tới các bài diễn văn, lời phát biểu khi họp báo và những chi tiết hoặc biến cố bên lề.

Sau khi điểm lại khung cảnh Á du rồi, mình mới tìm hiểu xem tình hình và kết quả sẽ ra sao...

***

Tại Nhật Bản, Obama gặp tân Thủ tướng Yukio Hatoyama của đảng Dân chủ Nhật DPJ, một đảng đối lập đã thắng lớn sau sáu chục năm gần như liên tục cầm quyền của đảng Tự do Dân chủ LDP - gần như liên tục vì năm 1993 đảng LDP bị đẩy ra ngoài gần một năm vì vụ khủng hoảng 1991. Tổng thống Mỹ sẽ phải đối đầy với một vấn đề xảy ra từ... hai chục năm trước - mà không vì tội lỗi gì của người tiền nhiệm là George W. Bush.

Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã hợp tác và tái thiết hai đối thủ cũ là Đức và Nhật và bảo vệ hai xứ này suốt thời Chiến tranh lạnh. Hai chục năm trước, bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức thống nhất, Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc. Khi ấy, thế giới - và nước Mỹ - chỉ nhìn thấy Âu châu mà quên bẵng Nhật Bản, lúc đó bị khủng hoảng vì vụ bề bóng đầu tư cổ phiếu và địa ốc năm 1989. Sau vụ bể bóng là nạn suy trầm, kéo dài suốt chục năm với cả tá nội các lên xuống như đèn kéo quân. Ngày nay, Nhật vẫn chưa ra khỏi cơn khủng hoảng đó. Đảng Tự do Dân chủ LDP bị lão hóa sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền và không khai thông nổi những ách tắc và mắc mứu chính trị, xã hội và kinh tế bên trong, nên đã thất cử.

Đảng Xã hội Nhật lên cầm quyền đang phải giải quyết chuyện kinh tế bên trong và an ninh bên ngoài. Chuyện bên ngoài mới đáng chú ý. Chiến tranh lạnh chấm dứt, quan hệ an ninh Mỹ-Nhật đã thay đổi và Nhật Bản không muốn bị lép vế vì cứ phải nương vào Hoa Kỳ trước đối thủ Liên Xô. Nước Nhật ngày nay muốn có tư thế độc lập hơn với Mỹ và tạo ảnh hưởng rộng lớn hơn trên thế giới mà khỏi phải tùy thuộc vào những mục tiêu cứ hay dời đổi của Hoa Kỳ. Đấy là chủ trương của Thủ tướng Hatoyama khi tranh cử. Bây giờ là lúc ông áp dụng, mà càng muốn áp dụng mạnh vì dư luận Nhật Bản muốn như vậy.

Quan hệ Mỹ-Nhật vì thế đang bước qua trang khác. Nhật Bản - và cả Nam Hàn - đều muốn chấm dứt việc gửi lính tới Afghanistan để yểm trợ Hoa Kỳ và Minh ước NATO. Kỳ hạn là hết năm nay là thôi. Nhật sẽ chi tiền và gửi cán bộ dân sự chứ không đáp ứng lời kêu gọi của Chính quyền Mỹ để tham dự vào một chiến trường mà chính Obama chưa biết là sẽ xử lý ra sao.

Song song, việc tái phối trí các đơn vị Thủy quân Lục chiến Nhật trong căn cứ không quân Futenna tại đảo Okinawa cũng có vấn đề. Ngay từ đầu, dân Nhật đã không vui về chuyện này mà đành phải chịu vì Chiến tranh lạnh. Bây giờ, tình hình đã đổi khác nên đa số dân chúng, kể cả đảng Xã hội Nhật - và ông Hatoyama khi tranh cử - đều muốn Mỹ rút hết quân ra khỏi Okinawa, chứ không chỉ đưa 8.000 quân về Guam và chuyển trại ra một khu vực ít dân cư hơn để tránh va chạm. Phía Hoa Kỳ thì muốn có thêm thời giờ - và cũng cần thêm ngân sách - bố trí chuyện này. Việc đàm phán được mô tả là nhậy cảm, căng thẳng. Tuần trước đây, Ngoại trưởng Nhật còn tự ý hủy bỏ cuộc họp với vị tương nhiệm Mỹ, chính thức là vì nhu cầu hội họp về ngân sách ở nhà! Nhật Bản muốn là một đối tác bình đẳng, đứng ngang hàng với Hoa Kỳ!

Ra khỏi quan hệ song phương Mỹ-Nhật, Tokyo cũng thi hành chánh sách tranh thủ ngoại giao mở rộng và chủ động, thay vì là kẻ đồng hành lép vế của Mỹ. Tháng trước, tại Thượng đỉnh của khối ASEAN ở Thái Lan, Nhật tung sáng kiến xây dựng hợp tác cho khu vực Đông Á - giữa 10 nước ASEAN và các đối tác khác trong khu vực - nhưng không có Hoa Kỳ. Khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố hồi tháng Bảy là "Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á" và hội họp với bốn nước trong lưu vực Mekong (Việt, Miên, Lào, Thái), Nhật Bản đã lại tiến xa hơn. Viện trợ năm tỷ rưởi cho năm nước Mekong (Việt, Miên, Lào, Thái và Miến Điện).

Tokyo chú trọng đến khu vực này hơn Hoa Kỳ và đẩy mạnh ảnh hưởng để tạo thế cân bằng với đối thủ là Trung Quốc và với cường quốc đang lên ở ngay sau lưng là Nam Hàn. Tất nhiên, Nhật Bản vẫn coi mình là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Nhưng trên nền tảng ấy, Tokyo không dễ chấp nhận những đòi hỏi thất thường của Mỹ và ráo riết tranh thủ quyền lợi trong việc đàm phán. Ngoài ra, cứ xét tới cách Hoa Kỳ chật vật ứng xử với Iran thì cả Nhật Bản và Nam Hàn đều không thề chờ đợi phép lạ của Mỹ với mối nguy Bắc Hàn. Vốn lại ở quá xa Hoa Kỳ.

Nụ cười cầu tài của Obama sẽ không có sức thuyết phục. Chuyện Obama là chuyện nói thôi. Với các nước Đông Á khác, Tổng thống Mỹ cũng không dễ mở gói cao đơn hoàn tán ra mời chào, vì họ không tin.

Vụ khủng hoảng tài chánh rồi suy trầm kinh tế 2008-2009 khiến thế giới phải "tái lập" một thế quân bình lành mạnh hơn: Hoa Kỳ sẽ tiêu thụ và nhập cảng ít đi trong khi Đông Á phải tiêu thụ và nhập cảng nhiều hơn. Nhưng, vào lúc này mà Obama nói đến việc Hoa Kỳ cần xuất cảng nhiều hơn và Đông Á không nên trông cậy vào đầu máy nhập cảng của Mỹ để ra khỏi suy trầm thì nhiều xứ không vui.

Đã vậy, khi Obama nói đến nhu cầu phát triển ngoại thương cho tự do hơn và cố tránh phản ứng bảo hộ mậu dịch để cùng ra khỏi suy trầm, các nước Đông Á có thể yêu cầu ông... sờ lên gáy!

Quốc hội Dân chủ và các nghiệp đoàn đang gây áp lực bảo hộ mậu dịch rất mạnh ở nhà - mà Obama lại cần tới họ - cho nên lời kêu gọi tự do mậu dịch của ông là trò đùa của trẻ nít. Nam Hàn là quốc gia sẽ nhắc tới sự thật đó khi Hiệp định Thương mại Mỹ-Hàn đã ký kết từ lâu mà vẫn chưa được Quốc hội phê chuẩn ở nhà - và Obama không dám thúc. Trong hoàn cảnh đó, việc hứa hẹn hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam cũng chỉ là trò đùa. Mà hơi bẩn vì bộ Ngoại giao của ông kịch liệt tránh né việc Hà Nội đàn áp nhân quyền và chà đạp lên quyền tự do tôn giáo.

Nói tới Việt Nam và hồ sơ nhân quyền, thì đây là đề tài trước đây vẫn được Mỹ nhắc nhở khối ASEAN vì nạn độc tài tại Việt Nam và Miến Điện. Bây giờ, tình hình đã khác. Vì áp lực của các doanh nghiệp năng lượng, Hoa Kỳ đang cải thiện quan hệ với chính quyền quân phiệt Miến nhưng thổi vào hồ sơ hắc ám này làn khói hồng - là để ngăn chặn Trung Quốc. Rất khó tin.

Được cánh phản chiến bên phe cực tả bốc lên, Obama không có đởm lược tiến hành việc ngăn chặn đó. Cứ nhìn Obama loay hoay với cuộc chiến "chính đáng và cần thiết" của ông tại Afghanistan thì rõ. Rồi vì gây bội chi quá nặng và cần tới sự chiếu cố của chủ nợ Trung Quốc, Obama không thể nói xẵng. Tháng Hai vừa qua, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã rao bán Công khố phiếu Mỹ và trấn an Bắc Kinh, rằng (nạn chà đạp) nhân quyền không thể chi phối quan hệ giữa hai nước.

Như chưa đủ rõ, trước khi lên đường Hoa du, Obama còn tuyên bố Trung Quốc là "đối tác chiến lược của Hoa Kỳ" - tương tự như Nhật Bản hay Úc Đại Lợi?

Ngay trước mắt, các nước Đông Á đang có một vấn đề cụ thể là bị kẹt giữa hai đòn sóc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì kế hoạch cải tạo xã hội và những quyết định tăng chi quá đáng của Chính quyền Obama, đồng Mỹ kim đã tuột giá mạnh khiến các đồng bạc Đông Á tăng giá làm hàng hóa của họ trở thành đắt đỏ và khó bán hơn - ngay giữa chu kỳ hồi phục rất yếu. Đó là hiệu ứng từ phía Hoa Kỳ. Trong khi ấy, Trung Quốc vẫn cứ neo đồng Nguyên của họ vào Mỹ kim với tỷ giá quá thấp nên chiếm lợi thế xuất cảng - mà cạnh tranh ráo riết với các nước Đông Á.

Các xứ này không chờ đợi Đệ thất Hạm đội Mỹ tích cực tuần duyên ngoài Đông hải hầu ngăn ngừa Bắc Kinh vọng động; họ chỉ cần Mỹ gây áp lực để Trung Quốc nâng hối suất đồng Nhân dân tệ cho sát với thực tế. Một đòi hỏi hợp lý nhưng hơi khó cho Chính quyền Obama.

Cho nên, nhìn trên toàn cảnh thì chính quyền Hoa Kỳ đang nhập nhằng muốn bán một lúc hai món hàng. Với các nước Đông Á ngoài Trung Quốc thì kêu gọi họ tin tưởng vào sự quan tâm và sức mạnh bảo vệ của Mỹ trước đà bành trướng của Trung Quốc. Với Trung Quốc thì lại khẳng định vai trò chiến lược của các đấng con trời để cùng Mỹ giải quyết thiên hạ sự. Vừa bán thuốc cường dương lại vừa khoe môn thuốc thần diệu này có khả năng diệt dục! Á châu không bị nhiễm bệnh Obamê để có thể tin vào chuyện khôi hài ấy.

Thật ra, trong chuyến Á du này tổng thống Mỹ chỉ cần một số thành quả biểu kiến cho nhu cầu tiêu thụ nội địa - cho dư luận ở nhà. Như cùng lãnh đạo Bắc Kinh ra tuyên bố chung về kế hoạch tiết giảm khí thải, cùng hợp tác về siêu kỹ thuật để làm sạch môi sinh địa cầu, hoặc sẽ thảo luận nghiêm chỉnh với thành ý về tự do mậu dịch và hứa hẹn là thế hợp tác Mỹ-Hoa sẽ kéo kinh tế thế giới ra khỏi những khó khăn hiện nay, v.v... Loại nguyên tắc chung chung, một dấu ấn Obama.

Đi vào cụ thể thì Chính quyền Mỹ không thể thuyết phục được cả đồng minh - Đông Á - lẫn đối thủ - Trung Quốc - về ngần ấy vấn đề đang vượt quá khả năng của Tổng thống. Chủ trương bảo hộ mậu dịch và phản chiến rất mạnh trên chính trường Mỹ ngày nay khiến ông Obama bị cột tay.

Nếu chuyến đi rao hàng của ông được đánh giá như vậy thì ta sẽ không thất vọng!


NGUYỄN XUÂN NGHĨA


No comments:

Post a Comment



Thật vậy, dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên để lật qua những trang sử cộng sản đẫm máu và đau thương. Đã quá trễ rồi. Ngày nào còn cộng sản, thì còn chết chóc, tù đày, tự do, nhân quyền còn bị chà đạp.
Nhà cầm quyền cộng sản, hơn lúc nào hết, luôn buộc người dân lo nghĩ đến chuyện miếng ăn, cái mặc. Cái bụng lúc nào cũng phải cảm thấy còn đoi đói, chưa no. Và người dân thì thiếu thốn nhu yếu phẩm, lo chạy gạo từng bữa. Ðủ hôm nay thì thiếu ngày mai, hay được nồi cơm sáng, thì lại chưa có nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo đói rách như thế, thì xin hỏi, còn chi thì giờ mà nhân dân nghĩ đến tranh đấu, hoặc đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền?
Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh từng dạy: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
"The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which is based on experience, which refuses dogmatism. If there's any religion that would cope with modern scientific needs it will be Buddhism." Albert Einstein

Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của vũ trụ. Tôn giáo này dựa trên kinh nghiệm và không chấp nhận chủ nghĩa giáo điều. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học hiện đại, đó chính là Phật Giáo.




Bạn Ơi Hãy Cùng Nhau Đấu Tranh Cho Cuộc Sống Của Mình & Tương Lai Của Con Cháu Mình !!!



Nhân Dân Cần Nhận Diện Bộ Mặt Thật Của Giới Cầm Quyền. Phải Hành Động Cụ Thể Đối Với Bọn Chúng !!!



Chỉ Mặt, Nhận Diện Bọn Cán Bộ Óc Đất, Lũ Công An Lưu Manh, Đám Quan Chức Tham Nhũng, Tay Sai !!!

Công Nhân Bị Đánh Đập Tàn Nhẫn, Dã Man !!!


Followers