Làm thế nào để dân Việt can đảm đứng lên đấu tranh cho những quyền căn bản của mình, càng nhiều càng tốt, đó là nhiệm vụ hàng đầu của những tổ chức, những người đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam. Chu chi Nam |
Hôm nay, ngày 9/11/2009, người dân Đức và có thể nói là toàn thể thế giới làm lễ kỷ niệm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ cách đây 20 năm. Đây là một biến cố quan trọng trong lịch sử cận đại thế giới, vì nó là biểu tượng cho sự sụp đổ của đế quốc cộng sản. Bức tường Bá Linh sụp đổ một sớm, một chiều ; nhưng đế quốc cộng sản sụp đổ là từ nhiều năm tháng, bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa cho tới nguyên nhân gần, không phải chỉ có một vài tác nhân chính nổi bật như Helmut Kohl và Mikhail Gorbatchev, mà còn nhiều người nữa. Và điều quan trọng ở đây không phải chỉ ôn lại biến cố bức tường Berlin, mà chính là chúng ta có thể rút tỉa được những bài học gì cho những dân tộc còn sống dưới chế độ độc tài cộng sản như Việt Nam.
Thực vậy, bức tường Bá Linh sụp đổ chỉ là biểu tượng cho sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Chế độ này được dựng lên bởi Lénine năm 1917, sau đó lan tràn sang Đông Âu, Tàu, Việt Nam và một vài nước châu Mỹ La tinh, Phi châu, dựa trên nền tảng lý thuyết Mác Lê, như Lời mở đầu của Hiến pháp hiện hành Việt Nam ghi rõ, đã mang mầm mống tự hủy diệt ngay từ lúc đầu. Đó là nguyên nhân sâu xa.
Trong quyển Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản, Marx đã bỏ ra hơn 1/3 nội dung quyển sách để chỉ trích những người cộng sản trước Marx là không tưởng ( utopique ) ( Theo bản tiếng Pháp, Nhà xuất bản Union générale d’Editions -1962). Nhưng ngày hôm nay, sau gần 2/3 thế kỷ, nếu chúng ta lấy năm 1989, năm bức tường Bá linh sụp đổ làm mốc diểm cuối cùng của chế độ cộng sản, người ta thấy chính lý thuyết của Marx mới là không tưởng. Không tưởng ở chỗ chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, một động lực chính thúc đẩy con người làm việc. Marx viết : « Người cộng sản có thể thâu tóm lý thuyết của mình trong câu duy nhất : bãi bỏ quyền tư hữu « ( Sách đã dẫn, trang 36). Không tưởng ở chỗ Marx cho rằng con người trong chế độ cộng sản có thể làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu ; và một khi người cộng sản nổi lên dùng bạo lực cướp chính quyền, rồi bãi bỏ quyền tư hữu, nguyên do của đấu tranh giai cấp và của sự tồn tại của Nhà nước ; một khi nguyên do chính bị bãi bỏ, thì Nhà nước tự hủy diệt. Thực tế hoàn toàn trái lại. Nhà nước cộng sản vẫn tồn tại và còn đàn áp, bóc lột gấp nhiều lần trước đó.
Lý thuyết của Lénine chủ trương thành lập một đảng độc tài, với kỷ luật sắt, kỷ luật quân đội, để cướp chính quyền ; và sau khi cướp được chính quyền thì tạo ra một chính quyền độc tài, đứng sau là đảng độc tài cộng sản, áp dụng lý thuyết không tưởng của Marx, bắt dân phải theo, lâm vào cảnh « Đẽo chân để đi vừa giày « , làm cho tất cả những nước cộng sản trở nên bệnh họan, què quặt.
Người ta còn có thể nói thêm nguyên nhân sâu xa là chiến tranh lạnh và cuộc tranh chấp Nga – Hoa, làm cho Nga lâm vào cảnh chạy đua vũ trang, thi đua tiêu tiền với kẻ giàu. Trong thời gian chiến tranh lạnh Nga Sô tiêu phí về chạy đua vũ trang mất 2 000 tỷ $, trong đó mất 800 tỷ, tiêu về vụ tranh chấp Nga – Hoa.
Gần đây ông Gaidar, người đã từng học ở Hoa Kỳ, nhiều lần làm bộ trưởng, sau đó lên làm thủ tướng Nga, thời kỳ ông Boris Eltsine, có ra một quyển sách nói về sự sụp đổ của cộng sản Nga sô.
Theo ông có 2 nguyên do chính : đó là lúa mì và dầu hỏa.
Lúa mì : vì kinh tế tập trung, « cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm sóc », nên Nga thiếu khoai lang và lúa mì. Chẳng hạn như trường hợp khoai lang ở những hợp tác xã, số thâu bị mất mát 30% ở ngoài đồng, 30% mất vì chuyên chở và gìn giữ không cẩn thận ở trong kho, chỉ còn 40%. Một thí dụ điển hình là 3% ruộng được chính phủ cho phép là ruộng tư nhân lại sản xuất 30% nông phẩm ở trên thị trường. Chính vì vậy mà liền sau Đại Chiến thứ Nhì là Nga phải nhập cảng nông phẩm.
Dầu hỏa : Như chúng ta đã biết ngày hôm nay giá dầu hỏa lên xuống bất thường, có lúc lên tới 140$ một baril, có lúc tụt xuống còn 20$. Trong những năm của thập niên 70, giá dầu hỏa tăng, giúp Nga dùng tiền này để nhập cảng lúa gạo. Nhưng sang thập niên 80, giá dầu hỏa xuống thấp, ngân sách trống rỗng, nhưng Nga lại cần 100 tỷ $ để nhập cảng lúa mì, nếu không nhiều vùng bị chết đói. Chính vì vậy, khi vừa mới lên chức Tổng Bí thư năm 1985, Gorbatchev đã tuyên bố : « Tiếng kêu của xong chảo, nồi niêu, nhiều khi nó còn ghê rợn hơn tiếng xe tăng và đại bác. » Và ông đã thông báo cho tất cả những lãnh tụ các nước cộng sản nhân vụ đám tang của Tchernenko rằng từ đây Nga sô không thể viện trợ cho không, mà phải trao đổi bằng hàng hóa.
Tình trạng khó khăn kinh tế của Nga sô cũng giống như tình trạng kinh tế của những nước cộng sản Đông Âu, trong đó có Đông Đức.
Tình trạng khó khăn kinh tế của Đông Đức vào năm 1989 làm cho Honnecker, Tổng Bí Thư lúc bấy giờ bất lực, không dám lấy một quyết định gì, sau đó bị bệnh, phải đi dưỡng bệnh. Trước tình trạng khó khăn, mà chính quyền trung ương lại bị tê liệt, Bộ Chính trị, mà người đứng thứ nhì là Egon Krenz, là con đỡ đầu của Honnecker, phải lấy quyết định là phải truất phế Honnecker.
Ở điểm này, về sau người ta phỏng vấn Egon Krenz, ông thú nhận rằng đây là một quyết địng rất khó khăn, giữa tình trạng cấp bách của nước Đông Đức và tình bố con.
Nhưng Egon Krenz cũng hỡi ơi, đó là khi lên chức Tổng bí thư, nhìn lại ngân khố Đông Đức thì thấy trống rỗng. Krenz có cầm đầu một phái đoàn sang thăm viếng Gorbatchev, yêu cầu viện trợ ; nhưng ông này tìm cách từ chối khéo. Egon Krenz nói thẳng với Gorbatchev : « Đông Đức là con đẻ của chiến tranh lạnh, Liên sô là bố nuôi ; nay Liên sô không chịu giúp con nuôi, thì sớm muộn nó cũng phải chết. »
Vào lúc đó, kinh tế Nga sô cũng rất khó khăn. Gorbatchev cũng đang cần 100 tỷ $ để nhập cảng lúa mì, chứ không dân chết đói. Ông hy vọng ở các nước Tây phương, nhất là nước Tây Đức, vào lúc đó do ông Helmut Kohl làm thủ tướng.
Ông Kohl đã ý thức rằng đây là cơ hội ngàn vàng để thống nhất nước Đức trong hòa bình. Ông đã chấp nhận những yêu cầu cho Nga sô vay tiền ; nhưng ngược lại ông đòi Nga Sô phải triệt thóai quân khỏi Đông Đức và chấp nhận cho nước Đức thống nhất ; mặc dầu có sự phản đối rất mạnh của bà thủ tướng Anh Magaret Thatcher và ngay cả của tổng thống Pháp François Mittérand. Thái độ của Hoa Kỳ vào lúc đó dưới sự cầm quyền của ông Bush cha là như thế nào. Theo nhiều cuộc phỏng vấn ông Kohl sau này, ông nói là nhiều lần thảo luận với ông Bush, thì ông này không những chấp nhận mà còn hoan hô sự thống nhất này. Như vậy là ông có được sự hậu thuẫn tình nguyện của Hoa Kỳ và sự chấp nhận bắt buộc của Nga ; ông không cần để ý đến ý kiến của bà Thatcher và ông Mittérand, mặc dầu ông này là bạn thân của ông.
Nguyên nhân gần, đó là dân Đông Đức đã biểu tình đòi tự do ở Leipzig, rồi dân Đông Đức tìm cách trốn sang Tây Đức ; và nước Hung Gia Lợi đã mở cửa biên giới cho người Đông Đức qua Tây Đức.
Ngày 6 /10/1989, Đông Đức làm Lễ Quốc Khánh, với sự có mặt của ông Gorbatchev, với lời tuyên bố : « Lịch sử sẽ trừng phạt những người nào chậm trễ « , vừa để cảnh cáo Honnecker và phe bảo thủ ; vừa mang lại sinh lực và niềm hy vọng cho phe cải cách và dân đang biểu tình ở ngoài đường.
Thế rồi Honnecker bị hạ bệ. Dân biểu tình và đòi sang Tây Đức càng ngày càng đông. Bộ Chính trị Đông Đức quyết định cấp chiếu kháng cho qua Tây Đức. Lệnh này được một Ủy viên Bộ chính trị thông báo trước cho báo chí, mà chưa ban hành xuống cấp dưới. Thế là dân Bá Linh tràn ra ngoài đường, kẻ cầm búa, kẻ cầm thanh sắt, ai có chi dùng cái đó, để phá bức tường ngăn cấm giữa đông và tây.
Chúng ta nên nhớ, trước đó đã có những biến cố quan trọng ở Ba Lan và Hung gia Lợi;
Tại Ba Lan: Ngày 21/1/1989, Công đoàn Đoàn kết đồng ý tham gia Hội Nghị Bàn tròn với Chính quyền Cộng sản Ba lan; ngày 6/2, Hội nghị Bàn tròn khai mạc; ngày 17/8, Tổng thống Jaruezelski và Lec Walesa hội đàm, chấp nhận đề ngị của Walesa hành lập chính phủ liên hiệp giữa Công đoàn Đoàn Kết với đảng Nông dân thống nhất và đảng Dân chủ; ngày 6/11/1989, Hội nghị đảng Công nhân thống nhất nhóm họp, tuyên bố bỏ nguyên tắc độc tài vô sản và dân chủ tập trung, trước ngày bức tường Bá linh sụp đổ 3 hôm.
Tại Hung gia lợi: ngày 22/3/1989, thành lập Hội nghị Bàn tròn giữa các đảng phái đối lập; ngày 25/4, Liên Sô bắt đầu triệt thoái quân đội khỏi Hung; ngày 2/5, Hung tháo gỡ những hàng rào kẻm gai giữa Hung với Áo, cho phép cả trăm ngàn người Đông Đức tràn qua Tây Đức theo ngả Áo Hung; ngày 23/10, tức 17 ngày trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Quốc hội Hung tuyên bố sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước thành Cộng hòa Hung gia lợi, thành lập chính thể Cộng hòa. Hơn 80 ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Budapest, để tưởng nhớ những nạn nhân bị chết vì chế độ cộng sản trong cuộc nổi dậy vào năm 1956.
Từ những diễn biến của sự sụp đổ bức tường Bá Linh và những thay đổi ở các nước Đông Âu, bắt đầu bởi Ba Lan và Hung gia lợi, những người Việt, còn sống dưới chế độ cộng sản, rút tỉa được những bài học gì ?
Có người cho rằng bất cứ một chế độ độc tài nào cũng dựa trên hai cột trụ chính: 1) Bộ máy công an kìm kẹp với cái còng và cây súng; 2) Bộ máy tuyên truyền bôi bác sự thật và cho dân ăn bánh vẽ. Nay làm thế nào để ngân khố trống rỗng, như khi Egon Krenz lên nắm quyền ở Đông Đức, thì không còn tiền để duy trì 2 bộ máy này, thì chính những người của 2 bộ máy này sẽ chống lại chế độ trước tiên. Từ đó họ đưa ra kết luận, đối với cộng sản Việt Nam, phải ngừng không gửi tiền về, không về Việt Nam, vận động quốc tế không giúp đỡ và đầu tư. Giải pháp này đúng, nhưng không phải hoàn toàn đúng, vì chúng ta là con người Việt Nam, chúng ta còn bố mẹ tại quê nhà, chúng ta không thể cắt đứt tình máu mủ; nhưng chúng ta cố gắng gửi về tối thiểu; nếu về Việt Nam, thì chúng ta cố gắng tự biến mình thành những chiến sĩ âm thầm đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Về việc giúp đỡ và đầu tư ngoại quốc, chúng ta cố gắng vận động các hãng xưởng quốc tế, khi đầu tư, thì hãy quan tâm đến việc tôn trọng nhân quyền và môi trường Việt Nam, tránh việc cộng sản đứng làm trung gian, ăn trên đầu trên cổ người thợ. Chúng ta phải nêu rõ đây là lợi ích chung. Chúng ta nên noi gương ông thủ tướng Đức Helmut Kohl, vẫn giúp đỡ Liên Sô, vẫn giúp đở Đông Đức; nhưng giúp đỡ có điều kiện. Chúng ta cũng nên nhớ là Cộng sản Việt Nam có thể đi theo gót Bắc Hàn đó là đóng cửa hoàn toàn, thì lúc đó triển vọng thay đổi chế độ rất là xa vời. Chúng ta đừng đơn giản hóa vấn đề đó là lý luận cho rằng hễ dân đói thì nổi dậy. Bắc Hàn, dân đói thì lên rừng ăn rễ cây và vỏ cây, thay vì nổi dậy. Dân Việt Nam đói thì bỏ nước ra đi, đợt đầu với thảm trạng thuyền nhân vào những năm 70, đầu thập niên 80; và ngày hôm nay đợt thứ nhì với việc xuất cảng lao động và đi lấy chồng ngoại quốc.
Làm thế nào để dân Việt can đảm đứng lên đấu tranh cho những quyền căn bản của mình, càng nhiều càng tốt, đó là nhiệm vụ hàng đầu của những tổ chức, những người đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam.
Một khi dân đã can đảm dám đứng lên đấu tranh rồi, thì phải hướng dẫn và tổ chức dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng thứ nhì, đấy là chưa nói đến việc phải thông minh, sáng suốt để nắm bắt thời cơ. Nổi dậy vào lúc tình thế chưa chín mùi thì cũng không được, tình thế đã chin mùi, nhưng bỏ lỡ, thì cũng không xong.
Trở về việc bức tường Bá Linh sụp đổ và những biến chuyển chính trị ở các nước Đông Âu, nhiều người bi quan cho rằng đã 20 năm trôi qua, mà dân Việt vẫn không làm được gì, cộng sản độc tài sẽ ngự trị mãi trên đầu trên cổ dân Việt. Tôi không đến nỗi quá bi quan như vậy. Nếu chúng ta xét chỉ cần 5 năm trở lại đây, thì phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Chuyện chính là chúng ta cứ kiên trì tiếp tục. Tôi không nghĩ rằng dân Việt với cả hàng ngàn năm văn hiến, đấu tranh chống ngoại xâm, giữ vững bờ cõi và nền độc lập, lại thờ ơ lãnh đạm để cho bạo quyền cộng sản tiếp tục ngồi trên đầu, trên cổ và lệ thuộc ngoại bang. (1)
Paris ngày 9/11/2009
Chu chi Nam
(1) Xin xem thêm những bài về Cách mạng, trên: http://perso.orange.fr/chuchinam/
No comments:
Post a Comment